Vào 10 giờ sáng ngày 4 tháng 4 năm 1973, tại giảng đường 18 của Viện Đại học Vạn Hạnh, lòng tôi đầy niềm hoan lạc khi được tham dự buổi diễn thuyết của Thượng tọa Thích Minh Châu, với đề tài “Giá trị lịch sử của Trường Bộ kinh”. Mở đầu, với điểm thứ nhứt, Thượng tọa Thích Minh Châu cho chúng ta thấy vị trí lịch sử. Trong phần này diễn giả trình bày qua hai giai đoạn: Giai đoạn Phật giáo Nguyên thủy và giai đoạn các học phái. Trường Bộ kinh (Dīgha – Nikāya) gồm 4 tập mà Thượng tọa đã dịch xong, nó đại diện cho học phái Thượng tọa bộ gồm có vừa tư tưởng nguyên thủy, vừa tư tưởng của bộ phái. Với điểm này, diễn giả không chấp nhận quan điểm xem Trường Bộ kinh là thuần túy đại diện cho thời đại nguyên thủy. Bởi vì, theo quan niệm của các học giả khi sanh thời Đức Phật có thể nói tiếng Magadhi – đó là tiếng nói của dân chúng Magadha (Ma-kiệt-đà) – với điểm thứ hai diễn giả đề cập đến “Giá trị lịch sử”. Ở đây Thượng tọa Thích Minh Châu cho chúng ta thấy, thuở sanh thời Đức Phật đi thuyết pháp từng làng một, những làng này nằm trong vòng đai Trung Ấn. Do đó, Đức Phật phải nói tiếng nói của dân chúng Magadha.
Ngoài hai điểm chánh về lịch sử của Trường Bộ kinh mà Thượng tọa Thích Minh Châu đã trình bày ra, theo ý chúng tôi khi Thượng tọa Thích Minh Châu hoàn thành công tác phiên dịch Trường Bộ kinh đã đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong lịch sử phát triển nền Phật học Việt Nam. Chúng tôi nói đây là một giai đoạn quan trọng, bởi vì, kể từ đây, Phật học Việt Nam sẽ có thêm một nguồn văn học mới làm căn bản cho mọi công trình nghiên cứu và học tập.
Trên phương diện lịch sử phát triển, từ sau Pháp nạn 1963, Phật giáo Việt Nam đã thực hiện một bước tiến vĩ đại là thống nhất hai truyền thống sai biệt của Phật giáo. Sự kiện đó cho thấy rằng: Phât giáo Việt Nam luôn luôn khát vọng một đời sống thuần nhất của cộng đồng Tăng sĩ, vốn là điều mà Đức Phật thường khuyên dạy. Chỉ có sự thuần nhứt của cộng đồng Tăng sĩ trên mọi lãnh vực, đạo Phật mới là nguồn hy vọng hòa bình và hạnh phúc của nhân loại. Sáng hôm nay, chúng tôi đến dự buổi diễn thuyết nói về Giá trị lịch sử của Trường Bộ kinh trong niềm tin tưởng đó.
Đằng khác, trên phương diện văn học và tư tưởng, truyền thống Phật giáo Việt Nam xưa nay vốn thiên trọng về Đại thừa nên không khỏi có phần coi nhẹ những kinh điển như A-hàm của Hán tạng hay Nikāya của tạng Pāli. Đó là một thiếu sót lớn lao. Do sự thiếu sót này, mỗi khi Phật giáo Việt Nam rơi vào tình trạng khủng hoảng, đã không biết dựa vào đâu để thiết lập lại thể chế sanh hoạt đúng theo tinh thần nguyên thủy của đạo Phật. Lấy thí dụ triều đại nhà Nguyễn của ta gần đây mà nói, các thể chế sanh hoạt thiền môn được lập theo khuôn sáo Trung Hoa một cách vô ý thức, mà cái khuôn sáo lại được các vua chúa Trung Hoa đặt ra một cách ác ý. Bên ngoài trông có vẻ như là chỉnh đốn quy củ tòng lâm, nhưng nội dung lại là những biện pháp ngăn chặn đà phát triển đạo Phật. Vì không truy nguyên ra được hậu quả của những ác ý đó, nên trong khoảng những năm gần đây, trước tình trạng cực kỳ xáo trộn của đạo Phật tại Việt Nam, đã sản xuất nhiều khuynh hướng cải cách thể chế sanh hoạt Phật giáo mà chỉ dựa vào kiến thức thô thiển. Chẳng hạn, người ta chỉ căn cứ một cách mơ hồ vào một yếu quyết trong Luật tạng, theo đó, thể chế sanh hoạt được phép thay đổi tùy theo địa vực và truyền thống của mỗi địa phương; rồi từ đó, thiết lập một thể chế mới mà không lấy tinh thần của Luật tạng làm căn bản. Mặc dù trên phương diện tư tưởng, đạo Phật chia làm hai truyền thống Bắc và Nam nhưng tinh thần Luật tạng chỉ có một. Các nhà Đại thừa của Trung Hoa cũng đã từng nói rằng trong giáo lý của Đức Phật không ai được phép thiết lập một Giáo hội Bồ-tát Tăng. Giáo hội phải lấy Giới bổn Ba-la- đề-mộc-xoa làm sở y. Như vậy, những cải cách nếu không khéo léo dựa vào các kinh điển mà chỉ giải thích theo quan niệm riêng tư, theo chỗ kiến văn thô thiển, thì hậu quả chỉ làm cho tình trạng càng trở nên xáo trộn.
Căn cứ vào một ít trường hợp điển hình trên đây, chúng tôi mới nói rằng công tác phiên dịch Tam tạng Pāli đánh dấu một bước tiến quan trọng trong lịch sử phát triển Phật học Việt Nam. Đó chỉ mới nói về khía cạnh học thuật, tạng Pāli còn mang lại cho Phật tử Việt Nam nhiều kiến giải hào hứng. Nhứt là nhờ đó mà Phật tử Việt Nam sẽ dứt khoát với thái độ tự cao ngã mạn một cách sai lạc về truyền thống Đại thừa. Nếu đã từng đọc các kinh điển xưa nay bị liệt vào Tiểu thừa như A-hàm hay Nikāya, đọc với một tinh thần không cố ý xuyên tạc, chúng ta sẽ thấy ngay toàn bộ giáo lý của tư tưởng Đại thừa đều được chứa đựng trong đó. Ngay như thuyết Tánh Không, được coi như một đặc sáng của tư tưởng Đại thừa. Nếu không quy nguyên ra mầm mống từ các bộ A-hàm, thuyết Tánh Không đó không những chỉ là một quan niệm hư vô và một thái độ ngụy biện, mà còn gây nên những tai họa trầm trọng cho người học Phật. Đằng khác, ngay trong Trường Bộ kinh tập IV, chúng có thể đã chứa đựng những quan niệm cốt yếu của Đại thừa như Bồ-tát, Pháp thân và Pháp tánh. Nơi trang 85, bản dịch của Thượng tọa Thích Minh Châu, chúng ta đọc thấy câu này:
- “Ta là con chính tông của Thế Tôn, sanh ra từ miệng, do Pháp sanh, do Pháp tạo ra là con cháu thừa tự của Pháp”. So sánh với kinh Pháp Hoa, chúng ta cũng có câu tương tự: – “Tùng Phật khẩu sanh, tùng Pháp hóa sanh”. Đại thừa lấy đó để định nghĩa Bồ-tát. Trường Bộ kinh lấy đó để xác tính đối với Như Cũng ngay sau đó, Trường Bộ kinh nói rằng Như Lai đồng nghĩa với những chữ: Pháp thân, Pháp thể, Phạm thể. Đây cũng là một định nghĩa căn bản của Đại thừa về Như Lai và Pháp thân. Nếu công trình nghiên cứu tỉ giáo như vừa được kể, chắc chắn chúng ta có thể tiến đến một kiến giải chân chánh về đạo Phật, không bị chi phối bởi những giải thích theo ý kiến riêng tư, như lời Thượng tọa Thích Minh Châu có nói trong các bài tựa cho tập III và tập IV của Trường Bộ kinh này.
Cho đến bây giờ Trường Bộ kinh mới được phiên dịch và mới chỉ là một phần nhỏ của Kinh tạng Pāli, chúng ta còn đang mong đợi ngày hoàn thành của Tam tạng này gồm tất cả Kinh, Luật, Luận tạng của truyền thống Nam phương. Trong hoàn cảnh đau thương của dân tộc ta hiện tại, cái ngày ấy quả thật xa, nên niềm hy vọng quả là vô cùng to lớn. Huống chi, các kinh trong truyền thống Bắc phương chưa được khởi công một cách có quy củ. Do vậy niềm hy vọng của chúng ta lại càng là bất khả thuyết. Nhưng nhìn lại công trình mà Thượng tọa Thích Minh Châu đã đơn độc thực hiện, trong khi công việc đa đoan của một viện trưởng đại học mà Thượng tọa phải đảm trách hằng ngày, chúng tôi tự thấy rằng, công trình ấy của Thượng tọa đã gợi lên một niềm tin tưởng vô biên trong lòng toàn thể Phật tử Việt Nam. Riêng cá nhân chúng tôi, chúng tôi tự thấy không đủ lời để bày tỏ tất cả sự ngưỡng mộ và kính phục của mình đối với Thượng tọa. Và, với tư cách một Tổng vụ Văn hóa của Giáo hội, công trình mà Thượng tọa đã thực hiện được quả là một khích lệ lớn lao đối với chúng tôi, trong nỗ lực cho một nền văn hóa Phật giáo Việt Nam giữa hoàn cảnh khó khăn của Giáo hội và của cả dân tộc.
(Bài diễn thuyết tại Đại học Vạn Hạnh ngày 4-4-1973)
THÍCH MÃN GIÁC