Hình 1: Pho tượng đồng bồ tát Tara Đồng Dương. Cuối thế kỷ thứ 9.
Hiện bảo quản tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.
Ảnh: Paisarn Piammattawat, Bangkok.
Pho tượng đồng này đã được phát hiện vào tháng Tám năm 1978, và được công bố lần đầu năm 1979 trên tạp chí Khảo cổ học. Laksmindra-Lokesvara là danh hiệu của Phật viện (vihara) xuất hiện trong minh văn của vua Indravarman II, trị vì khoảng năm 875 Công nguyên, phát hiện tại di tích Đồng Dương và danh hiệu này đã được lấy làm tên gọi cho pho tượng đồng (Trần Kỳ Phương 1979:61-62). Sau đó trong một tham luận ngắn, Ngô Văn Doanh cũng gọi tượng này là Laksmindra-Lokesvara (1980:195-96). Từ đó về sau pho tượng đã thu hút thêm nhiều nghiên cứu, nhất là về mặt tiếu tượng học (iconography).
Năm 1984, Jean Boisselier công bố một nghiên cứu công phu trên Tạp chí Trường Viễn Đông Bác Cổ (BEFEO) ở Paris1, trong đó ông đã định danh cho pho tượng là Tara (Boisselier 1984:319-38). Năm 2005, Trian Nguyen(2005:5-37) đã công bố một nghiên cứu đầy đủ khác về pho tượng này, gọi tên tượng là Laksmindra-Lokesvara. Năm 2005, Nandana Chutiwongs gọi tên tượng là Prajanaparamita (2005:86). Một số nhà lịch sử nghệ thuật như Pierre Baptiste (2005:210-11) cũng gọi tượng là Tara dù vẫn còn nghi vấn; Parul Dhar (2014:121-26) đã phân vân giữa ba danh hiệu Lokesvara/Tara/Prajnaparamita khi đề cập đến pho tượng này; Nguyễn Hoàng Hương Duyên (2018:170-72) cũng chưa thể định danh được là Laksmindra-Lokesvara hay là Tara. Cả hai danh hiệu này hiện áp dụng cho pho tượng đang được trưng bày của Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng (BTĐKCĐN)2. Bài viết này sẽ phân tích về ba danh hiệu được áp dụng cho pho tượng là Laksmindra-Lokesvara, Prajnaparamita và Tara.
Boisselier là người đầu tiên đã đề xuất danh hiệu Tara cho pho tượng này; và giải thích bức tượng nhỏ ngồi trên tóc của bồ tát là một vị Phật (Jina). Ông mô tả chi tiết về hình rắn bảy đầu làm cái tán cho tượng Jina; và cho rằng có thể tượng rắn chỉ được tạc thô sơ, chưa hoàn chỉnh [sic]; và, ông cũng không khẳng định bức tượng Phật nhỏ này là Amitabha (1984:328).
Nghiên cứu của Trian Nguyen, nhận định bức tượng nhỏ này là hình tượng đức Phật lịch sử ngồi dưới rắn bảy đầu Mucalinda. Từ đó đi đến kết luận rằng bức tượng nhỏ này thể hiện đức Phật Thích Ca. Ngoài ra, Nguyen cũng định danh cho pho tượng bồ tát này là Laksmindra-Lokesvara, là vị bồ tát bảo hộ của đức vua Indravarman II và Phật viện của ông, dựa vào phân tích nội dung của minh văn Đồng Dương (Nguyen 2005:9-12).
Năm 2005, Nandana Chutiwongs nêu nghi vấn về danh hiệu Tara của pho tượng, bà cho rằng danh hiệu Tara chưa từng xuất hiện trong minh văn Chàm và Khmer nên nghĩ rằng pho tượng này thể hiện bồ tát Prajnaparamita (Trí Độ/Trí Huệ Bát Nhã), là hình tượng phổ biến ở Campuchia đương thời (Chutiwongs 2005:86). Năm 1963, Boisselier cũng đã từng sử dụng danh hiệu Prajnaparamita để chỉ pho tượng bồ tát bằng đá của Đại Hữu và sau đó xác định lại là Tara vào năm 1984.
Về tượng Phật nhỏ trang trí trên tóc của bồ tát
Hình 2: Hình tượng đức Phật Amoghasiddhi ngồi dưới tán rắn bảy đầu Mucalinda,
tay trái cầm thanh kiếm ngắn. Ảnh: Paisarn Piammattawat, Bangkok.
Vấn đề chính gây ra tranh cãi về danh hiệu của pho tượng này là bức tượng Phật trang trí trên tóc của vị bồ tát. Boisselier đã không thể khẳng định được đây là vị Phật nào mà chỉ gọi chung là Jina-một vị Phật, vì, ông không thể giải thích được ý nghĩa và danh hiệu của hình tượng rắn bảy đầu che chở cho đức Phật này (1984:327-28). Trong tiếu tượng học nghệ thuật Phật giáo, chỉ riêng đức Phật Thích Ca là thường được thể hiện ngồi dưới rắn bảy đầu Mucalinda theo truyền thuyết là Vua rắn đã hiện lên che chở cho đức Phật lịch sử khi ngài ngồi thiền định bảy ngày dưới cơn mưa. Cần lưu ý là, đức Phật Amitabha (A-di-đà) không bao giờ được thể hiện ngồi dưới tán rắn bảy đầu, và bồ tát Lokesvara (Quán Thế Âm) là hóa thân của đức Phật A-di-đà cho nên hình tượng của ngài được trang trí trên tóc của vị bồ tát này. Một vấn đề nữa đang còn được tranh luận là hình tượng Lokesvara trong truyền thống nghệ thuật Ấn Độ và Đông Nam Á (ĐNÁ) luôn luôn được thể hiện nam giới. Do vậy, dù định danh cho pho tượng đồng là Tara, nhưng Boisselier vẫn còn phân vân về danh hiệu của vị Phật ngồi dưới tán rắn bảy đầu trên tóc Tara.
Nghiên cứu của Trian Nguyen nhận định vị Phật ngồi trên tóc của bồ tát là Phật Thích Ca được rắn Mucalinda che chở, đức Phật ngồi thiền định, bàn tay phải thủ ấn Xúc Địa Ấn (Bhumisparshamudra) cho nên ông đã phủ nhận danh hiệu Tara mà Boisselier dành cho pho tượng; Trian Nguyen đã định danh cho tượng là Laksmindra-Lokesvara dựa theo danh hiệu của Phật viện Đồng Dương xuất hiện trong minh văn của vua Indravarman II lập năm 875. Trian Nguyen cũng nhấn mạnh đây là trường hợp ngoại lệ trong nghệ thuật ĐNÁ khi bồ tát Lokesvara được thể hiện trong thân nữ nhưng ông lại cho rằng đó là cá tính của nghệ thuật Champa (Nguyen 2005:15-16).
Vậy, hình tượng vị Phật được thể hiện ngồi trên tóc của pho tượng bồ tát Đồng Dương là ai? Theo chúng tôi, hình tượng của vị Phật ngồi trên tóc của bồ tát chính là Amoghasiddhi hay Bất Không Thành Tựu Phật. Những tài liệu về bồ tát Tara đều chỉ ra đặc điểm tiếu tượng học của ngài là trang trí hình tượng Amoghasiddhi, vì Tara, đặc biệt là Tara Xanh (Syama Tara), là biến thân nữ của Amoghasiddhi, nữ bồ tát mang sắc thân màu xanh lục của vị Phật này (Bhattacharyya 1989:351; Vessantara 2007:188-89; Getty1988:123).
Amoghasiddhi (不空成就佛/Bất Không Thành Tựu Phật) là một trong Ngũ Vị Như Lai/Ngũ Trí Phật/Ngũ Vị Phật (pancatagathas) trong Kim Cương Giới (Vajradhatu) của Phật giáo Mật tông Kim Cương Thừa (Vajrayana) (Bhattacharyya 1985:350). Vị Phật này là một hiện thân của Phật Thích Ca, sắc thân màu xanh lục, ngự ở phương Bắc. Về tiếu tượng học, Amoghasiddhi được diễn tả trong tư thế tĩnh tọa (padmasana/paryankasana); tay phải thủ ấn Vô Úy Thí (Abhayamudra), tay trái cầm một cái kim cương chùy kép (visva-vajra), hoặc một thanh kiếm (khadga) (Vessantara 2007:247; Getty 1988:42). Đôi khi Amoghasiddhi được thể hiện ngồi dưới tán rắn bảy đầu Mucalinda được kế thừa từ đức Phật lịch sử Thích Ca Mâu Ni (Bhattacharya 1958:56; Vessantara 2007:109). Trên tòa sen của ngài có trang trí chim thần Garuda là con vật tùy thuộc của ngài (Getty 1988:28).
Bức tượng Amoghasiddhi ngồi xếp bàn dưới tán rắn bảy đầu có thể thấy rõ trên pho tượng đồng Tara Đồng Dương. Đáng lưu ý, tay trái của ngài đặt ngang trên chân, cầm một thanh kiếm ngắn hướng về phía trên dựa vào nếp áo, nên khó phân biệt. Bàn tay trái thể hiện rõ nắm tay cầm chuôi kiếm. Thanh kiếm tượng trưng cho sự đoạn trừ mọi chướng ngại để đạt đến thành tựu, vì Amoghasiddhi có nghĩa là ‘đạt được ước nguyện/thành tựu viên mãn’.
Danh hiệu Tara của pho tượng đồng Đồng Dương
Về hình tượng Tara, ngài luôn luôn được thể hiện thân nữ, mang trang sức lộng lẫy, trang phục bằng lụa tốt. Ngài được thể hiện trong tư thế đứng hoặc ngồi trên tòa sen; tay phải thủ Thí Nguyện Ấn (Varadamudra), tay trái cầm đóa sen. Trên tóc của ngài trang điểm hình tượng Amoghasiddhi, thỉnh thoảng đức Phật này được thể hiện ngồi dưới tán rắn bảy đầu. Tara là biến thân nữ của Amoghasiddhi cho nên sắc thân của ngài cũng màu xanh lục còn gọi là Syama Tara, tượng trưng sự bình yên, tươi thắm. Tara nguyên nghĩa là ‘ngôi sao’ hay ‘tārā’ trong tiếng Phạn. Ngài là đấng cứu tinh mọi tai biến trong thế gian, đặc biệt đối với thủy thủ hay người sinh sống trên sông biển (Dasgupta 1967:115-16). Một chi tiết cần lưu ý về pho tượng Tara Đồng Dương, đó là hai pháp khí, vật biểu tượng cầm tay, của ngài là đóa sen (padma) bên tay phải; và con ốc (sankha) bên tay trái, đặc biệt, phía dưới con ốc là hình chuyển pháp luân (dharmacakra) được khắc chìm trong lòng bàn tay. Cả hai hình tượng con ốc và chuyển pháp luân đều là biểu tượng cho sự truyền bá Phật pháp (Saunders 1960:150-51) mà minh văn của vua Indravarman II nhấn mạnh. Vì là một trong những pho tượng chính của Phật viện, nên pho tượng Tara này phải được đặt trên một tòa sen cũng bằng kim loại, nay đã thất lạc, trước khi dựng trên đài thờ bằng sa thạch; tòa sen tương tự với pho tượng Phật Đồng Dương.
Hình 3: Hai vật cầm tay của Tara là hoa sen và con ốc, bị bẻ gãy từ khi mới phát hiện. Hiện bảo quản tại UBND Xã Bình Định Bắc, Huyện Thăng Bình,
Tỉnh Quảng Nam 3. Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn.
Hình 4: Hình dharmacakra (chuyển pháp luân)
được khắc chìm trong lòng bàn tay trái của tượng Tara. Ảnh: Trần Kỳ Phương.
Bồ tát Tara – tượng trưng trí tuệ (Beyer 2001:333-34; Vessantara 2007:178-79), được thờ kết hợp với đức Quán Thế Âm thân nam (Lokesvara) – tượng trưng từ bi; trong cách thờ phượng kép này, Tara thường thể hiện trong tư thế đứng và được bài trí về phía bên phải của Lokesvara (Getty 1988:121), vì, Tara là hóa thân nữ (sakti) của Lokesvara được sinh ra từ nước mắt của vị bồ tát này (Bautze-Picron 2010:225). Chúng ta có thể so sánh với cặp tượng đá của Mỹ Đức và Đại Hữu trong nghệ thuật Phật giáo Champa đã thể hiện cách bài trí trên. Hai pho tượng này hiện trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Tara Đại Hữu tọa lạc ở phía bắc; Lokesvara Mỹ Đức tọa lạc ở phía nam, cách nhau khoảng 10km, nằm trong cảnh quan của một không gian thiêng có liên hệ đến ngọn núi thiêng Thần Đinh và dòng sông thiêng Kiến Giang của vùng đất này. Đây là hai ngôi đền Phật giáo quan trọng nhất được dựng trong vùng Quảng Bình, tiểu quốc cực bắc của Champa, nơi cùng tồn tại một số di tích Phật giáo khác như bia Ròn; một mảnh thân tượng Phật bằng đồng phát hiện tại Quảng Khê, huyện Quảng Trạch; và các nơi thờ tự Phật giáo trong hang động Phong Nha, v.v.
Minh văn Đồng Dương của vua Jaya Indravarman II ca ngợi đức từ bi của Lokesvara và nhà vua đã đặt tên cho Phật viện do ngài lập nên Laksmindra-Lokesvara, danh hiệu này kết hợp tên riêng của nhà vua là Laksmindra [Bhumisvara-Gramasvamin] và đức Lokesvara. Do đó, có thể suy đoán là phải có một hình tượng Lokesvara – là đấng bảo hộ cho vua Indravarman II, được thờ như một ngẫu tượng chính trong chánh điện của Phật đường hoàng gia (Nguyen 2005:14-15). Tuy nhiên cho đến nay, chúng ta vẫn chưa thấy xuất hiện một hình tượng Lokesvara nào tại di tích Đồng Dương, mà chỉ phát hiện được tại đây hai pho tượng đồng có kích thước lớn, một là Taravà một là tượng Phật,hiện trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Tp Hồ Chí Minh. Vì thế, chúng ta có thể suy luận rằng, nhiều khả năng, có một pho tượng Lokesvara đúc bằng kim loại (đồng, bạc, vàng), tương xứng với pho tượng đồng Tara, được thờ song song với Tara, tại Phật viện này; mà, cặp tượng Lokesvara Mỹ Đức và Tara Đại Hữu là chứng cứ để so sánh.
Pho tượng Lokesvara (Quán Thế Âm) đó đã được dựng bởi chính đức vua Jaya Indravarman II và cũng được chính ngài dâng lễ khai quang, vào năm 875, được nhấn mạnh trong minh văn của ngài, “Và trong việc tạo dựng tôn tượng Quán Thế Âm siêu việt và lỗi lạc này, được hiển sinh từ sự truyền thừa của chư Phật, ta sẽ cúng dường cho sự giải thoát [của chúng sinh] trên thế giới. Ước nguyện được học hỏi về Pháp, đức vua chánh niệm trong tâm của ngài, được trải nghiệm và liễu ngộ căn nguyên của chân lý tối thượng, ngài đã dựng tôn tượng Quán Thế Âm này bằng chính tay của ngài. Mặc dù ngài đã dâng lễ khai quang cho tôn tượng Quán Thế Âm, rực rỡ với tất cả pháp khí bảo vật bằng vàng, ngài không hề cảm thấy tự hào về công đức của mình. Ngài là người thuần đạo, không theo ngoại giáo, và những điều không được ghi chép trong kinh điển.” (Majumdar 1985: III, 74-88).
Tuy nhiên, có thể, vì biến cố lịch sử năm 982 khi Lê Hoàn tấn công và tàn phá Phật viện Đồng Dương (Trần Kỳ Phương 2017:597-603), cho nên pho tượng quý Lokesvara do chính đức vua Indreavarman tạo dựng và khai quang, đã được dời chuyển đi nơi khác để bảo toàn; hoặc cũng có khả năng nó được chôn giấu cẩn thận đâu đó trong lòng đất của Phật viện này (?!).
Hình 5: Tara, Sri Lanka, thế kỷ 8-9, đồng. Trưng bày tại Bảo tàng Anh, Luân Đôn
Lý giải rằng bồ tát Tara, có trang trí trên tóc bức tượng Amoghasiddhi ngồi dưới tán rắn Mucalinda, là danh hiệu của pho tượng đồng Đồng Dương mang tính thuyết phục vì hình tượng Tara Xanh (Syama Tara) đã xuất hiện phổ biến trong nghệ thuật ĐNÁ, chẳng hạn, tại Indonesia (Reichle 2007:92-94) cũng như tại Sri Lanka từ phía nam. Trong khi, Champa cũng tiếp nhận những ảnh hưởng nghệ thuật Phật giáo từ phía bắc, trong đó có Vân Nam là nơi sản xuất nhiều tượng bồ tát Lokesvara và Tara bằng đồng cho vùng ĐNÁ (Guy 1995:64-83). Trong lịch sử, Vân Nam là quê hương của hai vương quốc cổ Nam Chiếu (738-937) và Đại Lý (937-1253), nơi đây Mật Tông Đại thừa được sùng bái từ hoàng gia cho đến thứ dân cho nên hình tượng Tara rất phổ biến; Vân Nam được các nhà nghiên cứu xem là cửa ngõ chuyển giao tôn giáo và nghệ thuật Tây Tạng đến khắp vùng ĐNÁ thông qua con đường ‘Trà Mã Cổ Đạo’ (茶馬古道)kết nối hai vùng đất này từ thế kỷ thứ 7 hoặc thứ 8 cho đến giữa thế kỷ trước. Theo đó, trà được trồng phổ biến và vận chuyển từ vùng Vân Nam qua rất nhiều chặng trên những con đường mòn hẻo lánh men theo các sườn núi cao, dài hơn năm ngàn cây số, đến Tây Tạng, vì người Tây Tạng ăn nhiều thịt nên cần uống trà để dễ tiêu hóa; ngược lại, ngựa là món hàng quý giá được vận chuyển từ Tây Tạng về Vân Nam để phân phối cho vùng ĐNÁ và Hoa Nam (Sigley 2013: 235-47; Schriver 2017: 43-47).
Hình 6: Tara xanh, Tây Tạng, thế kỷ 14-15, đồng.
Bài viết này đã xác định lại danh hiệu của pho tượng đồng Đồng Dương là Tara dựa trên phân tích hình tượng Amoghasiddhi được thể hiện ngồi dưới tán rắn Mucalinda trên tóc của bồ tát, và tay trái của đức Phật cầm thanh kiếm ngắn. Tín ngưỡng Tara phổ biến trong Mật giáo Kim Cương Thừa là tông phái thịnh hành tại Champa dưới sự bảo trợ của hoàng gia trong nhiều thế kỷ. Việc thờ Tara tại Champa phản ảnh mối giao lưu kinh tế và văn hóa rộng rãi của vương quốc giàu có này với vùng ĐNÁ, Nam Ấn và Tây Hoa Nam qua ‘con đường tơ lụa trên biển’ từ phía đông nam cũng như qua mạng lưới trao đổi hàng hóa bằng đường bộ liên vùng từ hướng tây bắc.
(Bài này đã công bố tại Hội nghị Thông báo Khảo cổ học năm 2019 tại Hà Nội; và đã đăng trên tạp chí Phát triển Kinh tế-Xã hội Đà Nẵng, số 119, tháng 11/2019.)
Tác giả bài viết: TRẦN KỲ PHƯƠNG (Hội Khảo cổ học Việt Nam);
Thạc sĩ NGUYỄN THỊ TÚ ANH (Trường SOAS, Đại học London)
Trích dẫn bài từ: Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng
Chú thích:
1 Sở dĩ Boisselier tiếp cận được pho tượng đồng bồ tát của Đồng Dương, là vì, vào khoảng năm 1981-82, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng với phu nhân là bà Đặng Bích Hà vào thăm tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (QN-ĐN); tỉnh ủy QN-ĐN bấy giờ đã có nhã ý giới thiệu pho tượng quý mới được phát hiện này với hai vị khách quý; và đã tặng cho bà Đặng Bích Hà, là nhà sử học, một số ảnh của pho tượng được chụp bởi Lê Toàn, cán bộ nhiếp ảnh của Ty Văn hóa-Thông tin QN-ĐN đương thời. Sau đó số ảnh này được chuyển đến Trường Viễn đông Bác cổ (EFEO) tại Paris và đã được Boisselier quan tâm nghiên cứu.
2 Pho tượng bồ tát Đồng Dương hiện trưng bày tại BTĐKCĐN là pho tượng phục chế, tượng gốc hiện bảo quản trong kho của bảo tàng.
3 Hai hiện vật này đã được chuyển về lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Quảng Nam từ ngày 15/11/2019 – chú thích của BBT.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Baptiste, Pierre (2005). ‘Tara (?).’ trong Trésors d’art du Vietnam: La Sculpture du Champa, V-XV siècle (eds. Pierre Baptiste and Thierry Zéphir), trang 210-11. Paris: Musée Guimet. Bautze-Picron, Claudine (2010). ‘The Lady under the Tree-A Visual pattern from Maya to Tara and Avalokitesvara.’ trong The Birth of the Buddha: LIRI Seminar Proceedings Series (eds. Christoph Cueppers, Max Deeg and Hubert Durt), trang 193-234. Kathmandu: Lumbini International Research Institute. Beyer, Stephan (2001 [1988]). Magic and Ritual in Tibet: The Cult of Tara. Delhi: Motilal Banarsidass Publishers. Bhattacharya, B. (1958). The Indian Buddhist Iconography. Calcutta: Firma K. L. Mukhopadhyay. Bhattacharyya, G. (1989). ‘Buddha Sakyamuni and Panca-Tathagatas: Dilemma in Bihar-Bengal.’ In South Asian Archaeology 1985 (eds. Karen Frifelt and Per Sorensen), trang 350-71. London: Curzon Press. Boisselier, Jean (1984). ‘Un bronze de Tara du Musee de Đà-Nẵng et son importance pour l’histoire de l’art du Champa’. Bulletin de l’École française d’Extrême-Orient (BEFEO), 73(1984):319-38. Chuttiwongs, Nandana (2005). ‘Le Bouddhism du Champa.’ trong Trésors d’art du Vietnam: La Sculpture du Champa, V-XV siècle (eds. Pierre Baptiste and Thierry Zéphir), trang 65-87. Paris: Musée Guimet. Dasgupta, K. K. (1967). ‘Iconography of Tara.’In The Sakti Cults and Tara (ed. D.C. Sircar), trang 115-27. University of Calcutta. Dhar, P. Parul (2014). ‘Buddhism, Art, and Ritual Practice: Đồng Dương at the Intersection of Asian Cultures.’ In Asian Encounters: Exploring Connected Histories (eds. Upinder Singh and Parul Pandya Dhar), trang 111-36. Delhi: Oxford University Press. Getty, Alice (1988[1928]). The Gods of Northern Buddhism: Their History and Iconography. New York: Dover Publications. Guy, John (1995). ‘The Avalokiteśvara of Yunnan and some Southeast Asian Connections.’ In South East Asia & China: Art Interaction & Commerce, Colloquies on Art & Archaeology in Asia No.17 (eds. Rosemary Scott and John Guy), trang 64-83. London: Percival David Foundation of Chinese Art. Majumdar, R.C. (1985[1927]). History and Culture of an Indian Colonial Kingdom in the Far East, 2nd -16th Centuries A.D., Book III, The Inscriptions of Champa. Delhi: Gian Publishing House.(Reprinted) Ngô Văn Doanh (1980). ‘Về pho tượng đồng phát hiện năm 1978 tại Đồng Dương (Quảng Nam-Đà Nẵng)’. Những Phát hiện mới về Khảo cổ học năm 1979, trang 195-96. Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội. Nguyen, Trian (2005). ‘Laksmindra-Lokesvara, main deity of the Đồng Dương monastery: A Masterpiece of Cham art and a New Interpretation.’ Artibus Asiae, Vol.65, No.1 (2005):5-38. Nguyễn Hoàng Hương Duyên (2018). ‘[Laksmindra-] Avalokitesvara (?).’ In Vibrancy in Stone: Masterpieces of the Danang Museum of Cham Sculpture (eds. Trần K. Phương, Võ V. Thắng, Peter D. Sharrock), trang 170-72. Bangkok: River Books. Reichle, Natasha (2007). Violence and Serenity: Late Buddhist Sculpture from Indonesia. Honolulu: University of Hawai’i Press. Saunders, E. Dale (1960). Mudra: A Study of Symbolic Gestures in Japanese Buddhist Sculpture. New Jersey: Princeton University Press. Schriver, Silvia (2017). Cultural Heritage Preservation in Regional China: Tourism, Culture and Shaxi Model. The University of Western Australia: School of Social Sciences, Asian Studies (Chinese). [PhD Thesis] Sigley, Gary (2013). ‘The Ancient Tea Horse Road and the Politics of Cultural Heritage in Southwest China: Regional Identity in the Context of a Rising China.’ In Cultural Heritage Politics in China (eds. T. Blumenfield and H. Silverman), pp.235-47. New York: Springer. Trần Kỳ Phương (1979). ‘Tượng bồ tát bằng đồng mới phát hiện tại Đồng Dương (Quảng Nam-Đà Nẵng). Khảo cổ học, số 2 (1979):61-63. Trần Kỳ Phương (2017). ‘Ghi chú về Phật viện Đồng Dương (Quảng Nam) trong cuộc giao tranh đầu tiên giữa Đại Việt với Chiêm Thành’. Những phát hiện mới về Khảo cổ học năm 2016, trang 597-603. Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội. Vessantara (2007[1993]). Meeting the Buddhas: Guide to Buddhas, Boddhisattvas, and Tantric Deities. Delhi: Motilal Banarsidass Publishers.