Tóm tắt: Thiền phái Lâm Tế Trung Quốc du nhập vào  Đàng Trong Việt Nam  nửa cuối thế kỷ XVII qua bước chân hoằng hóa của chư Tổ sư người Hán. Kế thừa truyền thống chư Tổ thiền phái Trúc Lâm Việt Nam; Thiền sư Liễu Quán (1667-1742) sau khi đắc pháp với Đại sư Minh Hoằng Tử Dung, đã mở ra một dòng thiền mới mang sắc thái riêng của người Việt, mà về sau chúng ta thường gọi với tên thiền phái Liễu Quán. Ngày nay, thiền phái Lâm tế Liễu Quán có mặt khắp các miền đất nước. Với một thiền phái có sự truyền thừa rất phong phú và đặc biệt,  đây là vấn đề mà các nhà nghiên cứu phật học tìm hiểu để biết về quá trình truyền thừa như đóng góp của thiền phái Lâm Tế Liễu Quán trong dòng lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Từ khóa: Thiền sư Liễu Quán, Thiền phái Liễu Quán, Phật giáo Huế, Lâm Tế Liễu Quán…

1. Dẫn nhập

Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ thế kỉ thứ I trước Công nguyên và đi vào lòng dân tộc với bao thăng trầm. Tuy nhiên, chỉ đến khi xuất hiện Thiền phái Trúc Lâm thế kỷ 13 mà vua Trần Nhân Tông là vị tổ khai sinh thì Phật Giáo Việt Nam mới chính thức có tông phái riêng, nền tảng triết lý, hành đạo riêng với tư tưởng nhập thế đạo đời là một. Việc ra đời Thiền phái Lâm tế Liễu Quán đã chứng minh Phật giáo đã thực sự bắt rễ tại Việt Nam, thực sự được người Việt đương thời tiếp thu và phát triển.

Căn cứ theo tài liệu nghiên cứu của Thiền sư Mật Thể trong cuốn Việt Nam Phật Giáo Sử Lược, thì dưới triều chúa Nguyễn ở Đàng Trong, phong trào phát triển Phật giáo nói chung và Thiền phái Lâm Tế nói riêng phát triển rất mạnh mẽ. Nếu ở Đàng Ngoài, thiền sư Chân Nguyên được xem như là nhân vật then chốt cho cuộc phục hưng Phật giáo, thì ở Đàng Trong, Tổ Liễu Quán cũng là nhân vật quan trọng đặc biệt về vấn đề này. Ngày nay, thiền phái Lâm tế Liễu Quán có mặt khắp các miền đất nước.

2. Đôi nét về Thiền sư Liễu Quán

Thiền sư Liễu Quán (1667-1742) là một vị thiền sư nổi tiếng ở thế kỷ XVIII. Ngài họ Lê, pháp danh là Thực Diệu, tự là Liễu Quán, người làng Bạch Mã, huyện Đồng Xuân, phủ Phú Yên, nay là thôn Trường Xuân thuộc thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Ngài sinh vào giờ Thìn, ngày 18 tháng 11 năm Đinh Mùi (1667), mất vào giờ Mùi, ngày 22 tháng 10 năm Nhâm Tuất (1742). Liễu Quán vào chùa năm 12 tuổi xin xuất gia tu phật, đảnh lễ học đạo với hòa thượng Tế Viên, một thiền sư người Trung Quốc thuộc thiền phái Lâm Tế, là vị tổ khai sơn chùa Hội Tôn, một ngôi chùa cổ ở Phú Yên.

Qua bảy năm tu tập, sau khi bản sư viên tịch, Ngài Liễu Quán một mình tìm ra xứ Thuận Hoá đỉnh lễ thụ giáo với Hòa thượng Giác Phong, cũng là một thiền sư từ Trung Quốc và là tổ khai sơn chùa Thiên Thọ tức là chùa Báo Quốc ở Huế hiện nay. Đến đây vừa tròn một năm tu học, năm Tân Mùi (1691), Ngài Liễu Quán phải quay về quê để chăm sóc thân phụ. Bốn năm sau khi thân phụ qua đời, tức năm Ất Hợi (1695), Ngài Liễu Quán trở lại Thuận Hóa đỉnh lễ học đạo với hòa thượng Thạch Liêm. Năm Đinh Sửu (1697), Ngài Liễu Quán đến xin thụ cụ túc giới với hoà thượng Từ Lâm. Từ năm Kỷ Mão (1699), Ngài Liễu Quán đi tham kiến nhiều nơi trong chốn thiền lâm, khi nghe nhiều người nói rằng đại lão hoà thượng Tử Dung là người giỏi hướng dẫn tham thiền niệm Phật, nên năm Nhâm Ngọ (1702) Liễu Quán đến xin học đạo với hòa thượng Tử Dung ở núi Long Sơn. Sau khi nhận được công án của bản sư, Ngài Liễu Quán chăm lo nghiên cứu, tu tập. Đến mùa xuân năm Mậu Tý (1708), Ngài Liễu Quán trở lại Long Sơn để xin hoà thượng chứng minh cho công phu và kết quả tham cứu của mình. Sau khi được chứng ngộ, Liễu Quán mở nhiều giới đàn, truyền đạo cho nhiều người, nhiều thế hệ và được các đời chúa Nguyễn rất kính trọng. Khi mất được Võ vương Nguyễn Phúc Khoát (1738 – l765) sắc tứ làm văn bia để tưởng niệm và ban thụy là Chính Giác Viên Ngộ hòa thượng.

Sau khi được truyền tâm ấn, Thiền sư thường ra vào Huế – Phú Yên để hoá duyên không nề khó nhọc. Năm 1708, Thiền sư khai sơn chùa Thiền Tôn ở Huế. Từ đó chùa này đã trở thành tổ đình của phái Liễu Quán. Năm 1742, cuối mùa thu, Thiền sư thụ bệnh và viên tịch. Trước khi thị tịch, thiền sư đã để lại cho đệ tử bài kệ, dịch nghĩa như sau:

Ngoài bảy mươi năm trong thế giới

Không không, sắc sắc thảy dung thông

Ngày nay nguyện mãn về nơi cũ

Hà phải ân cần hỏi Tổ tông.

Thiền sư Liễu Quán là thủy tổ của phái thiền Liễu Quán, Ngài tiếp nối đời thứ 35 dòng thiền Lâm Tế Trung Quốc; còn ở Việt Nam là vị sơ tổ của phái thiền Lâm Tế Liễu Quán. Thiền sư là mắt xích quan trọng trong việc tiếp nối mạch thiền từ Trung Hoa sang Việt Nam.

Thiền sư Liễu Quán đã làm cho thiền phái Lâm Tế trở thành một tông phái đặc thù và linh động, có một nền móng vững chắc ở Đàng Trong (tức là từ Thanh Hóa trở vào). Trước khi tổ Liễu Quán xuất hiện, thiền phái Lâm Tế chịu ảnh hưởng của Trung Quốc rất lớn (vì công cuộc hoằng hoá phần lớn là do các thiền sư Trung Quốc như: Nguyên Thiều, Thạch Liêm, Tử Dung,…). Chính tổ Liễu Quán đã Việt hóa thiền phái Lâm Tế từ văn hóa, kiến trúc đến nghi lễ và làm cho thiền phái này trở thành thiền phái của đa số phật tử Đàng Trong. Thiền sư có bốn vị đệ tử lớn: Tổ Huấn, Trạm Quan, Tế Nhân và Từ Chiếu. Bốn vị này đã tạo lập bốn trung tâm hoằng dương chính pháp lớn và hàng chục tổ đình ở khắp vùng Đàng Trong. Những năm đầu chấn hưng Phật giáo ở thế kỷ 20 qua các thập niên ba mươi, bốn mươi và cận đại, thiền phái Liễu Quán đã đóng một vai trò trọng yếu trong Giáo hội.

Ngoài công phu tu tập, đạo phong cao tuấn, thiền sư Liễu Quán đã góp phần quan trọng vào công cuộc chấn hưng Phật giáo thời bấy giờ như lời hòa thượng Thiện Kế viết trong văn bia tháp Liễu Quán: “Cuộc thế ngày nay đang lúc đạo pháp suy đồi, người có thể đảm đương việc lớn như hòa thượng Liễu Quán quả là rất hiếm”[1]. Uy vọng và đạo hạnh của sư Liễu Quán ngày càng lớn, càng rộng không chỉ trong giáo hữu mà ngay đến Chúa thượng rất chuộng đạo pháp, ân cần và hâm mộ đạo hạnh của sư, xuống chiếu mời sư vào cung, nhưng đời sư cao thượng, chí để nơi lâm tuyền tĩnh mịch nên chỉ tạ ơn mà từ chối[2].

Theo nội dung trên văn bia tháp, Thiền sư Liễu Quán có 49 vị đệ tử. Riêng tại Phú Yên, dựa theo thông tin sách Lược sử chư tôn Phú Yên trong và ngoài tỉnh của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Chúc, Nam độ Bảo Đàn kinh (南土寶壇經), Thích song tổ ấn tập (释窻祖印集) của Hòa thượng Trừng Diệu Tịnh Hạnh, cùng một số tư liệu thu thập được trong quá trình khảo sát điền dã, biết được có 11 vị đệ tử. Hòa thượng Trừng Diệu Tịnh Hạnh là người Phú Yên, nối dòng Lâm Tế đời thứ 42, thế hệ thứ 8 kệ phái Liễu Quán. Năm Duy Tân thứ năm Tân Hợi (1911) khai sơn chùa Thiền Lâm thuộc thôn Phú Lâm, tổng Đức Thắng (nay thuộc Phường Đức Long TP. Phan Thiết). Các vị đệ tử của Thiền sư Liễu Quán là các Ngài: Tế Hẩu Khánh Liên (kế thế trú trì chùa Bảo Tịnh, Tuy Hòa), Tế Căn Từ Chiếu (khai sơn chùa Hồ Sơn, Tuy Hòa), Tế Duyên Quảng Giác (khai sơn chùa Kim Cang, Tuy Hòa), Tế Đài Khánh Thùy (trú trì chùa Kim Long, Tuy Hòa), Tế Dũng (khai sơn chùa Bình Long, Tuy Hòa), Tế Hoảng Trừng Hưng (khai sơn chùa Dương Long, Tuy Hòa), Tế Ngạn Thanh Tùng (khai sơn chùa Long Sơn – Bầu Đục, Tuy Hòa), Tế Ý Hoằng Tuân (khai sơn chùa Long Sơn, An Mỹ, Tuy An), Tế Tín Pháp Vị, Tế Thường An Dưỡng (khai sơn chùa Vĩnh Xương – Tuy Hòa, chùa Vĩnh Phước, chùa Vĩnh Long – Tuy An). Hiện tại Phú Yên truyền thừa dòng Liễu Quán chủ yếu xoay quanh theo ba nhánh chính là nhánh Tổ sư Tế Căn Từ Chiếu, nhánh tổ Tế Nhơn Hữu Phỉ, nhánh tổ Tế Hiển Bửu Dương.

3. Phẩm kệ truyền thừa của thiền phái Liễu Quán

Phật giáo Liễu Quán là sự kết hợp giữa thiền Lâm Tế với thiền Tào Động của Trung Quốc và với tinh hoa văn hóa dân tộc Việt Nam tạo nên cái riêng của thiền phái Liễu Quán.

Nếu nói Phật giáo Liễu Quán là Phật giáo Lâm Tế thì đây là Lâm Tế của riêng Huế. Bởi ở Hội An, Thiền sư Minh Hải, Lâm Tế đời 35, là đệ tử của thiền sư Nguyên Thiều đã có một bài kệ truyền thừa khác. Liễu Quán cũng là Lâm Tế đời 35, nhưng là đệ tử của thiền sư Minh Hoằng Tử Dung tại Huế. Ở Nam kỳ trước đây và miền Nam ngày nay, phái Lâm Tế cũng còn hai bài kệ truyền thừa khác: một của Đạo Mân, Lâm Tế đời 31 người Trung Quốc; một của Trí Thắng Bích Dung, Lâm Tế đời 41[3].

Phái Liễu Quán của Huế có kệ truyền thừa riêng:

Nguyên văn:

實際代道, 性海清澄,

心原廣閏, 德本慈風.

戒定福慧, 體用圓通,

永超智果, 密契成功.

傳持妙理, 演暢正宗,

行解將應, 達悟真空.

Dịch nghĩa:

“Thực Tế Đại Đạo Tính Hải Thanh Trừng
Tâm Nguyên Quảng Nhuận Đức Bản Từ Phong
Giới Định Phúc Tuệ Thể Dụng Viên Thông
Vĩnh Siêu Trí Quả Mật Khế Thành Công
Truyền Trì Diệu Lý Xiển Dương Chính Tông
Hành Giải Tương Ưng Đạt Ngộ Chân Không”.

Từ bài kệ này mà dễ thấy ở Huế các chùa Thuyền Tôn, Ấn Tông thời chúa Minh Vương; Chùa Đông thuyền, Quốc Ân thời chúa Ninh Vương; Chùa Viên Thông thời chúa Minh Vương; chùa Viên Giác, chùa Thuyền Tôn thời chúa Định Vương; chùa Thuyền Tôn, chùa Từ Lâm thời chúa Trịnh Chiếm; chùa Viên Thông, Viên Giác thời Tây Sơn; Chùa Thuyền Tôn, Ấn Tông (Từ Đàm), Kỳ Viên thời Gia Long đều thuộc phái Liễu Quán.

Khi Ngài Liễu Quán đến Huế tu học, Huế (1558-1682) đã là một trung tâm để thiền phái Trúc Lâm Yên Tử tồn tại, phục hưng[4]. Ngài Liễu Quán là người đã Việt hoá Lâm Tế và Tào Động trên nền tảng tinh hoa văn hóa dân tộc thành thiền phái Liễu Quán hoằng dương đạo pháp từ thế kỷ XVIII ở Đàng Trong. Sự chấn hưng của Phật giáo thế kỷ XX ở miền Nam nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng là dựa trên môn phái Liễu Quán.

Thiền phái Lâm Tế Liễu Quán tuy ra đời muộn so với các thiền phái khác tại Huế nhưng đã nhanh chóng trở thành thiền phái lớn mạnh nhờ sự hộ trì của các vua chúa, hoàng tộc cùng quan lại đương thời. Trải qua gần 300 năm hình thành và phát triển, Huế ngày này được xem là thủ phủ của thiền phái Liễu Quán với hệ thống nhiều ngôi tổ đình lớn như Thuyền Tôn, Báo Quốc, Tây Thiên, Từ Hiếu, Tường Vân…

Tháp mộ Tổ sư Liễu Quán ở chân núi Thiên Thai, Huế

4. Những đóng góp của thiền phái Liễu Quán đối với Phật giáo Việt Nam

Thiền sư Liễu Quán là nhân vật quan trọng cho phong trào phục hưng Phật giáo ở đàng Trong. Liễu Quán là thiền phái Phật giáo của người Việt do chính người Việt sáng lập nhờ gạn đục khơi trong, hoà quyện chắt lọc những tinh hoa của hai dòng thiền Trung Quốc với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam. Thiền Liễu Quán là một tông phái đặc thù Việt Nam và linh động, có một nền móng vững chắc ở Đàng Trong trước đây và miền Nam ngày nay.

“Trong những biến động lịch sử của thời chúa Nguyễn Phúc Chu, các thiền sư ở trong phái thiền Lâm Tế, có thể đã bị Chúa nghi ngờ, nên Chúa phải nhọc công tìm kiếm một phái thiền khác để ủng hộ mình, ấy là phái thiền Tào Động mà Thạch Liêm Hòa Thượng là tiêu biểu… Nên, bài kệ thị tịch của Tổ sư Liễu Quán vừa có tính tác dụng giác tỉnh nội quán, để thể chứng pháp thân thường trú hay thể tính không, bất sinh, bất diệt, nơi tự tâm và vạn hữu, đồng thời cảnh báo cho học trò và những thế hệ tiếp sau, đừng dong ruổi tìm cầu thầy Tổ bên ngoài, mà luống uổng công phu tu tập và đồng thời cũng cảnh báo cho những người lãnh đạo xã hội đương thời, không nên biến Tổ tông trở thành một công cụ sắc thanh, danh tướng để phục vụ cho thời đại, mà cụ thể là danh tướng cho bản ngã của chính mình”[5].

Ngộ chứng của thiền thì siêu thoát như thế, nhưng không phải vì thế mà buông lung phóng túng đối với lục căn, lục trần… Do vậy, trong bài kệ truyền pháp Thiền sư Liễu Quán đã dạy: “Giới định phước huệ, thể dụng viên thông.” Tu tập cả Giới, Định và Tuệ để thể nhập vào chỗ viên thông vô ngại của thể và dụng. Đây là chỗ đặc thù của thiền học của Tổ sư Liễu Quán… Siêu thoát tự tại cũng chính là thể tính tối hậu của giới và định. Thể dụng của Giới là siêu thoát tự tại, của Định là thanh tịnh tịch lặng, của Tuệ là linh minh chiếu kiến. Chính vì vậy, còn thấy giới luật và thiền định là những quy ước ràng buộc thì thật sự chưa thể nhập vào chỗ viên thông của chúng…

Liễu giải của thiền là diệu dụng của giác ngộ, là sự chiếu kiến tận cùng vào thực thể của con người và vạn hữu. Trong ý nghĩa này, kiến giải của thiền không thể tách rời sự chứng nghiệm hay công hạnh tu tập. Giải chính là Hạnh. Cho nên Tổ Liễu Quán nói trong bài kệ truyền pháp rằng: “Hạnh Giải tương ưng, đạt ngộ Chơn Không”. Hạnh và giải xứng hợp nhau, tương tức nhau, từ đó đạt ngộ đến Chơn Không. Chơn Không cũng chính là Chơn Như, Thực tại, Niết bàn, Chơn Tâm. Thiền sư Liễu Quán tu học trong bối cảnh lịch sử bất an và phân hóa của đất nước ta vào thời kỳ Trịnh – Nguyễn phân tranh… Các chúa Trịnh và Nguyễn… đã không ngần ngại tranh bá đồ vương với nhau qua nhiều cuộc chinh chiến, khiến cho dân chúng lầm than, sơn hà điêu đứng…

Trước vận nước điêu linh và tâm thức con người thời đại đảo điên, Tổ sư Liễu Quán đã chọn cho ngài một đạo lộ để vừa tự giải thoát mình, vừa giải thoát quần sinh. Đạo lộ ấy chính là pháp môn thiền thuần túy Việt Nam có công năng chuyển hóa tận gốc vô minh, phiền não, bất an và tăm tối cho con người và xã hội… Đây chính là lý do tại sao các chúa Nguyễn đã nhiều lần triệu thỉnh Tổ vào cung để đàm đạo nhưng ngài nhất quyết không vào. Không vào không phải vì sợ uy quyền thế tục, mà vì không muốn làm mất thì giờ cho những việc làm hữu ích khác đối với hàng vạn dân lành đang khốn khó, khổ đau. Suốt mấy mươi năm còn lại của đời người, Tổ đã vân du khắp nơi từ Phú Yên ra Thuận Hóa để hoằng hóa độ sanh. Ngài đã kiên trì và tận tụy khơi dậy từng ánh lửa trong tâm thức con người thời đại với niềm tin sắt đá rằng chính những ánh lửa này sẽ góp lại thành mặt trời soi sáng nhân gian”.

Nối tiếp truyền thống Trúc Lâm ở Yên tử, thiền phái Liễu Quán do thiền sư Thực Diệu Liễu Quán sáng lập và phát triển ở đầu thế kỷ XVIII là sự dung hòa giữa Lâm Tế với Tào Động, với các yếu tố yêu thiên nhiên, yêu nước, vì dân tộc. Thiền sư Liễu Quán đã Việt hóa thiền phái Lâm Tế và làm cho thiền phái này trở thành thiền phái của đa số Phật tử Ðàng Trong. Kiến trúc lễ nhạc bắt đầu trút bỏ màu sắc Trung Quốc và từ từ mang lấy màu sắc dân tộc thông qua những bài tán lễ như “Cực lạc Từ Hàng”. Bốn vị đệ tử lớn của Ngài là Tổ Huấn, Trạm Quan, Tế Nhân và Từ Chiếu đã tạo lập bốn trung tâm hoằng đạo lớn và hàng chục tổ đình được tạo dựng khắp vùng Nam Bộ trong thế kỷ XVIII đã thuộc về môn phái Liễu Quán. Phong trào Phật giáo phục hưng ở thế kỷ thứ XX đã dựa trên cơ sở của môn phái mang tên của Tổ[6].

Thiền phái Liễu Quán là phái thiền thuần Việt, do người Việt sáng lập, thoát khỏi mọi ràng buộc của văn hóa nước ngoài. “Niềm tin của Tổ đã hiện thực, vì sau khi Ngài viên tịch, dòng thiền Liễu Quán của Ngài đã phổ cập khắp nơi, rồi cùng đi theo với bước chân của dòng thiền ấy là vô số những ánh lửa bùng lên thắp sáng cả một miền Nam đất Việt suốt trên hai thế kỷ nay. Trong đó có biết bao người nhờ ánh sáng này mà tái dựng lại cuộc đời hướng mục tiêu của đời người đến cứu cánh giác ngộ!”. Từ khi Tổ Thực Diệu – Liễu Quán viên tịch đến nay, đã trải dài hơn 270 năm. Đạo mạch do Tổ quật khai, không những đã tỏa rộng khắp mọi miền đất nước mà còn tỏa rạng đến nhiều châu lục trên thế giới. Đúng như lời Tổ dạy, trước khi viên tịch: “Kìa trời biếc lắng trong, trăng thu vằng vặc, toàn thân hiển lộ nơi sa giới đại thiên!”.

Nhìn lại lịch sử nước nhà, trong suốt quãng thời gian dài này là thời kỳ đất nước ta bị thực dân đế quốc xâm lược đô hộ và toàn dân tộc đã dấy lên các phong trào thi đua yêu nước, tích cực tham gia vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, điều đáng ghi nhận là trong đó có sự đóng góp trí tuệ công sức đáng kể của các tổ chức của chư Tôn đức Kệ phái, công cuộc đấu tranh giành lại độc lập tự do cho dân tộc và phát triển đạo pháp nước nhà như: HT. Trừng Thông – Tịnh Khiết, Trừng Thủy – Giác Nhiên, Trừng Nguyên – Đôn Hậu, Tâm Lợi – Thiện Hòa, Tâm Như – Trí Thủ,… (Phật giáo Việt Nam Thống nhất); HT. Trừng Kim – Minh Nguyệt, … (Hội Phật giáo Cứu quốc Nam bộ); HT. Trừng Thanh – Thiện Hào, Trừng Hinh – Pháp Dõng,… (Phật giáo Cổ truyền Việt Nam); HT. Quảng Liên, Quảng Minh, Tâm Lợi – Thiện Hòa … (Hội Phật học Nam Việt, Giáo hội Tăng già Nam Việt );… Đó là chư Tôn đức Kệ phái hàng chữ Trừng (hệ thứ 7), Tâm (hệ thứ 8), Nguyên (hệ thứ 9), Quảng (hệ thứ 10)…đã và đang nối tiếp làm rạng danh cho Phật giáo Việt Nam nói chung cũng như cho Thiền phái Lâm Tế Liễu Quán nói riêng.

5. Kết luận

Thiền  sư  Liễu  Quán  là  người  có  công  lớn  trong  việc  chấn  hưng dòng thiền Lâm Tế Việt Nam nói riêng và với Phật giáo Việt Nam nói chung ở thế kỷ 18, đến nay vẫn còn ảnh hưởng lớn trong phạm vi cả nước. Khi còn tại thế, tên tuổi của Ngài đã gắn liền với tên của dòng thiền Lâm Tế Trung Hoa để trở thành một tên gọi chỉ dòng thiền do người Việt Nam tách mạch và thành lập: dòng thiền Lâm Tế Liễu Quán. Trên cơ sở nghiên cứu và phân tích nội dung có thể thấy sự ảnh hưởng của Phật giáo nói chung và Thiền phái Liễu Quán vô cùng sâu rộng. Tác động trực tiếp vào tinh thần, tư tưởng của mọi người từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tiếp nối hạt giống yêu thương, trung kiên, yêu nước, hòa đồng, thân thiện,… Hiện tại, mạch truyền thừa của thiền phái chứng tỏ sự phát triển của dòng thiền Lâm Tế Liễu Quán vẫn còn kế thừa sự nghiệp của chư tổ một cách liên tục và quang rạng. Tuy vậy, cũng cần nhìn nhận một thực tế rằng, càng truyền về sau thì khoảng cách giữa các thế hệ hôm nay càng xa rời cội nguồn của chư tổ. Những tư tưởng mà quý ngài truyền trao lại ngày càng mai một, tinh thần lợi sinh càng ngày càng mất đi. Vì vậy, là kẻ hậu bối kế thừa tông chỉ của Thiền sư Liễu Quán cũng như lịch đại tổ sư truyền thừa, muốn cho Phật pháp ngày một sáng thêm, chúng ta cần phải khắc cốt ghi tâm, phải có trách nhiệm với bản thân và đạo pháp, không ngừng nỗ lực tu tập, sống đời phạm hạnh, nhằm tái hiện lại những giá trị chân thật của chư tổ, ngỏ hầu dìu dắt cho những thế hệ tiếp theo ghi nhớ và thực hành.

Hòa thượng, TS. Thích Gia Quang
Phó Chủ tịch HĐTS Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội


Tài liệu tham khảo
Thích Hải Ấn, Hà Xuân Liêm (2006), Lịch sử Phật giáo xứ Huế, Nxb. Thuận Hóa, Huế.
Thích Hải Ấn (2022), “Tôn danh của Hòa thượng Tế Nhơn là Hữu Phỉ hay Hữu Bùi”, Tạp chí Liễu Quán, số 25.
Thích Thiện Chánh (2014), “Phả hệ truyền thừa của Thiền phái Liễu Quán”, Tạp chí Liễu Quán, số 01.
Đoàn Trung Còn (1995). Các tông phái đạo Phật, Nxb Thuận Hóa, Huế.
Nguyễn Lang (1994). Việt Nam Phật giáo sử luận – Tập 2, Nhà xuất bản Văn học Hà Nội.
Tuệ Sỹ (Dịch 1973 PL2517). Các tông phái của đạo Phật, Đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn.
Vân Thanh (1974 PL2518). Lược khảo Phật giáo sử Việt Nam, Sài Gòn.
Trần Đại Vinh (Cùng các tác giả 1993). Danh lam xứ Huế, Nxb Hội nhà văn thành phố Hồ Chí Minh.
Hoàng Ngọc Vĩnh (1998). Nét riêng Phật giáo Huế, Tạp chí Triết học, 1998(2).

Chú thích:
[1] Nghiên cứu Huế, Văn bia tháp thiền sư Liễu Quán ở núi Thiên Thai chùa Thuyền Tôn Huế, Phan Đăng dịch & chú giải, tập 6, 2008, tr. 215-223.
[2] Chúa thượng ở đây là Túc Tông Nguyễn Phúc Thụ, tức Ninh vương (1725-1738)
[3] Hoàng Ngọc Vĩnh (1998), “Nét riêng Phật giáo Huế”, Tạp chí Triết học, 1998(2), tr. 41-43. Nguyễn Lang (1994), Việt Nam Phật giáo sử luận – Tập2, Nhà xuất bản Văn học Hà Nội, tr 155, 156.
[4] Vân Thanh (1974 PL2518), Lược khảo Phật giáo sử Việt Nam, Sài Gòn, tr 40-77
[5] Pháp bảo Đàn Kinh, Đại Chính 48, tr 349a.
[6] Nguyễn Hiền Đức (1993), Phật giáo Đàng Trong, NXB Tp.HCM.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục:

Giới thuyết về Thiền uyển tập anh
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Mục lục bài viết1. Dẫn nhập2. Đôi nét về Thiền sư Liễu Quán3. Phẩm kệ truyền thừa của thiền phái Liễu Quán4. Những đóng góp của thiền phái Liễu Quán đối với Phật giáo Việt Nam5. Kết luận Trích yếu: Thiền uyển tập anh là bộ sử Phật giáo quan trọng trong lịch sử Việt Nam....

Cuộc đời Tôn giả Rahula qua Kinh tạng Nikaya
Lịch sử, Nghiên cứu

Mục lục bài viết1. Dẫn nhập2. Đôi nét về Thiền sư Liễu Quán3. Phẩm kệ truyền thừa của thiền phái Liễu Quán4. Những đóng góp của thiền phái Liễu Quán đối với Phật giáo Việt Nam5. Kết luận Thế Tôn dạy cho Rahula phải biết quán xét, suy ngẫm tường tận điều nào đưa đến...

Ảnh hưởng của Phật giáo thời Lý đến các lĩnh vực giáo dục, văn học và phong tục tập quán của người Việt
Lịch sử, Văn hóa - Xã hội

Mục lục bài viết1. Dẫn nhập2. Đôi nét về Thiền sư Liễu Quán3. Phẩm kệ truyền thừa của thiền phái Liễu Quán4. Những đóng góp của thiền phái Liễu Quán đối với Phật giáo Việt Nam5. Kết luận Phật giáo thời Lý có ảnh hưởng mạnh mẽ đến các lĩnh vực giáo dục, văn học...

Chính quyền Chúa Nguyễn với các ngôi chùa Sắc tứ ở Đàng Trong (giai đoạn 1558-1777)
Lịch sử, Nghiên cứu

Mục lục bài viết1. Dẫn nhập2. Đôi nét về Thiền sư Liễu Quán3. Phẩm kệ truyền thừa của thiền phái Liễu Quán4. Những đóng góp của thiền phái Liễu Quán đối với Phật giáo Việt Nam5. Kết luận Các chùa sắc tứ luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của chính quyền chúa Nguyễn,...

Đi tìm cơ sở truyền thừa của Ni giới tại Việt Nam qua thư tịch Hán cổ
Lịch sử, Nghiên cứu

Mục lục bài viết1. Dẫn nhập2. Đôi nét về Thiền sư Liễu Quán3. Phẩm kệ truyền thừa của thiền phái Liễu Quán4. Những đóng góp của thiền phái Liễu Quán đối với Phật giáo Việt Nam5. Kết luận Lịch sử truyền thừa của Ni giới ở một số bộ phái Phật giáo nói chung mãi...

Hai bảo vật quốc gia ở chùa Sùng Khánh và chùa Bình Lâm, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Mục lục bài viết1. Dẫn nhập2. Đôi nét về Thiền sư Liễu Quán3. Phẩm kệ truyền thừa của thiền phái Liễu Quán4. Những đóng góp của thiền phái Liễu Quán đối với Phật giáo Việt Nam5. Kết luận Vị Xuyên – Hà Giang không chỉ nổi tiếng về phong cảnh thiên nhiên phong phú, nhiều phong tục...

Chủ nghĩa Platon và giáo lý đạo Phật
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Mục lục bài viết1. Dẫn nhập2. Đôi nét về Thiền sư Liễu Quán3. Phẩm kệ truyền thừa của thiền phái Liễu Quán4. Những đóng góp của thiền phái Liễu Quán đối với Phật giáo Việt Nam5. Kết luận Thời đó, khoa học chưa phát triển, máy móc còn thô sơ nhưng họ hướng tới sự...

Chấn hưng Phật giáo – Con đường truyền bá tư tưởng yêu nước của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc
Lịch sử, Nghiên cứu

Mục lục bài viết1. Dẫn nhập2. Đôi nét về Thiền sư Liễu Quán3. Phẩm kệ truyền thừa của thiền phái Liễu Quán4. Những đóng góp của thiền phái Liễu Quán đối với Phật giáo Việt Nam5. Kết luận Trong hành trình phương Nam, cụ Nguyễn Sinh Sắc đã tích cực tham gia và có nhiều...

Sự dung hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian qua trường hợp Thiền sư Từ Đạo Hạnh
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Mục lục bài viết1. Dẫn nhập2. Đôi nét về Thiền sư Liễu Quán3. Phẩm kệ truyền thừa của thiền phái Liễu Quán4. Những đóng góp của thiền phái Liễu Quán đối với Phật giáo Việt Nam5. Kết luận Sự dung hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian ở vùng đồng bằng sông Hồng qua trường...

Tín ngưỡng thờ phụng đức Phật Dược Sư thời nhà Đường
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Mục lục bài viết1. Dẫn nhập2. Đôi nét về Thiền sư Liễu Quán3. Phẩm kệ truyền thừa của thiền phái Liễu Quán4. Những đóng góp của thiền phái Liễu Quán đối với Phật giáo Việt Nam5. Kết luận Việc thiết lập đàn tràng và tu trì đức Phật Dược Sư trở nên quan trọng hơn...

Bước đầu khảo cứu mộc bản kinh sách Phật giáo Đàng Trong thời chúa Nguyễn
Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Mục lục bài viết1. Dẫn nhập2. Đôi nét về Thiền sư Liễu Quán3. Phẩm kệ truyền thừa của thiền phái Liễu Quán4. Những đóng góp của thiền phái Liễu Quán đối với Phật giáo Việt Nam5. Kết luận Thông qua hoạt động tổ chức khắc in kinh sách, chúng ta thấy được mối quan hệ...

Quá trình phát triển giáo dục Phật giáo miền Nam 1954-1981
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Mục lục bài viết1. Dẫn nhập2. Đôi nét về Thiền sư Liễu Quán3. Phẩm kệ truyền thừa của thiền phái Liễu Quán4. Những đóng góp của thiền phái Liễu Quán đối với Phật giáo Việt Nam5. Kết luận Giáo dục Phật giáo là nền tảng cho mọi hoạt động hoằng pháp của tăng ni, tri...

Bồ-tát Quán Thế Âm Trong Văn Hóa Tín Ngưỡng Của Người Việt
Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Mục lục bài viết1. Dẫn nhập2. Đôi nét về Thiền sư Liễu Quán3. Phẩm kệ truyền thừa của thiền phái Liễu Quán4. Những đóng góp của thiền phái Liễu Quán đối với Phật giáo Việt Nam5. Kết luận Đức Quán Thế Âm trở nên thân thiết trong đời sống của người dân Việt đến mức trong sâu thẳm trái tim...

Thuyết tái sinh góp phần xây dựng giá trị đạo đức xã hội
Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Mục lục bài viết1. Dẫn nhập2. Đôi nét về Thiền sư Liễu Quán3. Phẩm kệ truyền thừa của thiền phái Liễu Quán4. Những đóng góp của thiền phái Liễu Quán đối với Phật giáo Việt Nam5. Kết luận Theo nhân quả nghiệp báo thì một hành động thiện sẽ dẫn đến các cảnh giới tái...

Hòa thượng Tâm An phụng sự Đạo pháp và Dân tộc
Danh Tăng, Lịch sử, Nghiên cứu

Mục lục bài viết1. Dẫn nhập2. Đôi nét về Thiền sư Liễu Quán3. Phẩm kệ truyền thừa của thiền phái Liễu Quán4. Những đóng góp của thiền phái Liễu Quán đối với Phật giáo Việt Nam5. Kết luận Từ những buổi đầu Phật giáo suy vi, dân tộc chịu ách thống trị của thực dân...

Ảnh hưởng của đạo Phật đến các giá trị văn hóa xã hội
Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Mục lục bài viết1. Dẫn nhập2. Đôi nét về Thiền sư Liễu Quán3. Phẩm kệ truyền thừa của thiền phái Liễu Quán4. Những đóng góp của thiền phái Liễu Quán đối với Phật giáo Việt Nam5. Kết luận Sự nhấn mạnh vào nhận thức bản thân, từ bi tâm và công lý xã hội đã...

Ads Blocker Image Powered by Code Help Pro

Đã phát hiện trình chặn quảng cáo!!!

Chúng tôi đã phát hiện thấy bạn đang sử dụng tiện ích mở rộng để chặn quảng cáo. Vui lòng hỗ trợ chúng tôi bằng cách vô hiệu hóa các trình chặn quảng cáo này.