Mục tiêu của đời sống là phấn đấu cho hạnh phúc
Chúng ta có mặt ở đây; chúng ta hiện hữu và có quyền tồn tại. Ngay cả những loài không phải là chúng sinh hữu tình như bông hoa cũng có quyền tồn tại. Nếu một năng lực tiêu cực tác động lên bông hoa, nó sẽ tự chữa trị bằng phản ứng hóa học để duy trì sự sống. Nhưng [hơn thế nữa] , chúng ta, những con người, kể cả côn trùng, thậm chí những ký sinh trùng amip, những sinh vật nhỏ bé nhất cũng được xem là chúng sinh. Là chúng sinh, chúng ta còn có nhiều cơ cấu để duy trì sự tồn tại của bản thân hơn.]
Ý nghĩa của một “chúng sinh” (“sentient being”) là những loài có thể di chuyển bằng ý chí hay ước muốn của chúng, theo sự thảo luận giữa tôi với các nhà khoa học. “Có tri giác” (“sentient”) không nhất thiết có nghĩa là có ý thức hay là một con người ở mức độ ý thức. Thật ra, khó mà định nghĩa ”ý thức” hay ”có ý thức” có nghĩa là gì. Thông thường, nó có nghĩa là một khía cạnh rõ ràng nhất của tâm thức, thế nhưng, có phải ta không có ý thức khi nửa tỉnh nửa mê hay bất tỉnh hay không? Côn trùng có kinh nghiệm như vậy hay không? Có lẽ tốt hơn là ta nên nói về “khả năng nhận thức”, hơn là về ý thức.
Dù sao đi nữa, điểm chính mà ta đang nói đến ở đây [bằng khả năng nhận thức] là khả năng kinh nghiệm các cảm giác đau đớn, vui sướng hay trung tính. Thật ra, vui sướng và đau đớn [cùng với hạnh phúc và khổ đau] là những điều ta cần nghiên cứu sâu hơn. Thí dụ, mỗi một chúng sinh đều có quyền sống và vì sự sinh tồn của mình, điều này nghĩa là họ khao khát có được hạnh phúc hay sự thoải mái: đó là lý do mà chúng sinh nỗ lực để sinh tồn. Vì thế, sự sinh tồn của chúng ta đặt trên hy vọng, hy vọng về một điều gì đó tốt đẹp, đó là hạnh phúc. Vì điều này, tôi luôn luôn kết luận rằng mục tiêu của đời sống là hạnh phúc. Khi có hy vọng và hạnh phúc, cơ thể ta sẽ được lành mạnh. Vì thế nên hy vọng và hạnh phúc là những nhân tố tích cực cho sức khỏe của chúng ta. Sức khỏe tùy thuộc vào trạng thái an lạc của tâm thức.
Trái lại, sân hận căn cứ trên cảm giác bất an và đem lại cho ta sự sợ hãi. Khi gặp điều gì tốt đẹp, ta cảm thấy an toàn. Khi bị điều gì de dọa, ta cảm thấy bất an, rồi nổi giận. Sân hận là một thành phần của tâm thức chống lại điều gì có thể phương hại sự sinh tồn của chúng ta. Nhưng chính tâm sân hận [lại khiến cho ta cảm thấy khó chịu và vì vậy, nói cho cùng, nó] tạo ra bất lợi cho sức khỏe của ta.
Luyến ái là một yếu tố hữu ích cho sự sinh tồn. Vì vậy, ngay cả cây cỏ, dù không có bất cứ yếu tố ý thức nào, vẫn có một vài yếu tố hóa học nào đó để tự bảo vệ mình và giúp cho sự tăng trưởng của nó. Ở mức độ thể chất, cơ thể ta cũng giống như thế. Tuy nhiên, là con người, cơ thể ta cũng có một yếu tố tích cực ở mức độ cảm xúc, khiến cho ta có tâm luyến ái đối với người khác, hay quyến luyến với hạnh phúc của mình. [Trái lại,] yếu tố của tâm sân hận là làm tổn hại, xô đẩy ta ra khỏi mọi thứ, [kể cả hạnh phúc] . Ở mức độ thể chất, cảm giác vui sướng [mà hạnh phúc mang đến] thì có lợi cho cơ thể; trong khi sân hận [và nỗi khổ mà nó tạo ra] thì có hại. Vì vậy, [từ quan điểm theo đuổi sự sinh tồn,] mục tiêu của đời sống là có được hạnh phúc.
Tôi đang nói đến mức độ căn bản của con người, không nói về tôn giáo, đó là mức độ thứ hai. Ở mức độ tôn giáo, dĩ nhiên là có những sự giải thích khác nhau về mục tiêu của đời sống. Khía cạnh thứ hai này thật sự khá phức tạp. Vì vậy, tốt hơn là ta chỉ nói về mức độ căn bản của con người.
Hạnh phúc là gì?
Vì mục tiêu của cuộc đời là hạnh phúc, vậy thì hạnh phúc là gì? Đôi khi, thậm chí nỗi khổ về thể xác có thể mang đến một sự mãn nguyện sâu xa hơn [như đối với một vận động viên sau một buổi luyện tập gian khổ] . Thế thì, “hạnh phúc chủ yếu có nghĩa là một cảm giác toại nguyện sâu sắc. Vậy thì đối tượng của đời sống, hay mục tiêu của đời sống của chúng ta là sự toại nguyện.
Đối với hạnh phúc, nỗi buồn hay khổ đau, có hai mức độ: mức độ của giác quan và mức độ tinh thần. Mức độ giác quan thì phổ biến với những động vật có vú nhỏ bé, ngay cả những côn trùng, như con ruồi. Trong thời tiết lạnh, khi mặt trời mọc, con ruồi biểu lộ dấu hiệu hạnh phúc: nó bay quanh một cách thích thú. Trong một gian phòng lạnh lẽo, nó bay chậm lại: nó đang biểu lộ dấu hiệu buồn bã. Tuy nhiên, nếu có một não bộ phức tạp hơn, thì thậm chí động vật đó sẽ có một cảm giác mạnh mẽ hơn về sự vui sướng bằng giác quan. [Thêm vào đó,] , não bộ tinh vi của chúng ta là lớn nhất và vì vậy, chúng ta cũng có trí thông minh.
[Hãy xem trường hợp của] những người không bị vấn đề vật chất đe dọa. Họ có một đời sống vui vẻ và thoải mái, có bạn tốt, lương bổng và danh dự. Nhưng rồi ta sẽ để ý rằng ngay cả một số nhà triệu phú, thí dụ vậy, tuy họ cảm thấy mình là một thành phần quan trọng của xã hội, nhưng thường thì đây là những người rất bất hạnh. Trong một vài dịp, tôi đã gặp những người rất giàu có và nhiều thế lực, họ tỏ ra rất băn khoăn, vì từ đáy lòng, họ có một cảm giác cô đơn, lo âu và căng thẳng. Thế thì ở mức độ tinh thần, họ đang đau khổ.Chúng ta có một trí thông minh kỳ diệu, vì thế nên những kinh nghiệm của ta ở khía cạnh tinh thần sẽ vượt trội hơn khía cạnh vật chất. Tinh thần có thể làm giảm thiểu hay khuất phục nỗi đau vật chất. Có một thí dụ nhỏ, một thời gian trước, tôi mang một chứng bệnh nghiêm trọng. Tôi bị đau đường ruột rất nặng. Lúc đó, tôi đang ở Bihar, tiểu bang nghèo nhất của Ấn Độ, và tôi đã đi ngang qua Bồ Đề Đạo Tràng và Na-lan-đà (Nalanda). Ở đó, tôi thấy nhiều trẻ em rất nghèo. Chúng đang thu nhặt phân bò. Chúng không có phương tiện học hành và tôi cảm thấy rất buồn. Rồi ở gần Patna, thủphủ của tiểu bang này, tôi rất đau đớn đến nỗi toát mồ hôi. Thế rồi tôi để ý thấy một người già bệnh hoạn, một người đàn ông đau ốm, quấn một tấm vải trắng vô cùng dơ bẩn. Không có ai lo lắng cho ông ấy, thật là rất đáng buồn. Đêm hôm ấy, ở trong khách sạn, nỗi đau trong cơ thể tôi tuy rất nghiêm trọng, nhưng tâm tôi thì mãi nghĩ về những đứa trẻ và ông già kia. Sự quan tâm ấy đã giảm thiểu rất nhiều nỗi đau trong cơ thể.
Nguyên Nhân của Hạnh Phúc
Thế thì nguyên nhân của hạnh phúc là gì? Tôi nghĩ bởi vì yếu tố cơ thể phù hợp với một tâm thức tĩnh lặng, không thích hợp với tâm tư xáo trộn. Vì vậy, việc có được một tâm thức tĩnh lặng là rất quan trọng. Bất chấp tình trạng cơ thể của ta ra sao, sự bình lặng trong tâm hồn là quan trọng nhất. Thế thì làm thế nào để có được tâm tĩnh lặng?
Hiện nay, nếu ta loại trừ hết tất cả các vấn đề, điều này sẽ không thực tế; và nếu ta khiến cho tâm thức trì độn và quên hết những vấn đề của mình, điều này cũng không hữu hiệu. Ta phải nhìn vào vấn đề một cách rõ ràng và đối phó với chúng. Đồng thời, hãy giữ bình tĩnh để có một thái độ thực tế, và ta sẽ có khả năng ứng xử, đối phó với vấn đề một cách tốt đẹp.
Đối với những người dùng thuốc an thần thì tôi không có kinh nghiệm gì về điều này. Tôi không biết khi người ta dùng thuốc an thần thì trí thông minh của họ sẽ trở nên bén nhạy hay trì độn; tôi sẽ phải hỏi về vấn đề này. Thí dụ, vào năm 1959, khi tôi ở Mussoorie, mẹ của tôi, hay có lẽ là một người khác, đã gặp chuyện phiền muộn và rất lo âu, nên ngủ không yên giấc. Bác sĩ đã giải thích rằng họ có thể dùng một vài loại thuốc, nhưng nó sẽ khiến cho đầu óc họ mê muội hơn một chút. Lúc đó, tôi nghĩ như vậy là không tốt. Một mặt, tâm bạn sẽ được chút ít bình an, nhưng mặt khác, nếu ảnh hưởng của thuốc làm cho trí óc bạn mê muội thì không tốt. Tôi thích một cách khác hơn. Tôi thích có một trí thông minh năng động, chú ý và cảnh giác hoàn toàn, nhưng không bị rối loạn. Một tâm thức an tĩnh, không rối loạn là tốt hơn hết.
Để có được điều này, lòng bi mẫn và thương yêu của con người rất quan trọng. Khi lòng bi mẫn gia tăng, chức năng của não bộ sẽ hoạt động tốt hơn. Nếu ta có sự sợ hãi và sân hận, chức năng của não bộ sẽ trở nên tệ hại hơn, khi điều này xảy ra. Có một lần, tôi gặp một nhà khoa học đã hơn tám mươi tuổi. Ông đã tặng tôi một quyển sách của ông. Tôi nghĩ nó có tựa đề là Chúng Ta là những Tù Nhân của Lòng Sân Hận , đại khái là như thế. Trong khi đàm luận về kinh nghiệm của ông, ông nói rằng khi chúng tanổi giận với một đối tượng, đối tượng đó có vẻ rất tiêu cực đối với ta, nhưng chín mươi phần trăm của sự tiêu cực ấy chính là sự phóng chiếu của tâm ta. Đó là kinh nghiệm riêng của ông.
Đạo Phật cũng nói như thế. Khi cảm xúc tiêu cực phát triển, ta không thể nhìn thấy thực tại. Khi cần quyết định một việc gì mà tâm ta bị sân hận khống chế, ta sẽ dễ có quyết định sai lầm. Không ai muốn có quyết định sai lầm cả, nhưng lúc đó, thành phần của trí thông minh và não bộ có chức năng phân biệt đúng và sai để đưa đến quyết định tốt nhất, đang hoạt động một cách rất tệ hại. Ngay cả những nhà lãnh đạo lớn cũng đã trải qua điều này.
Vì vậy, lòng bi mẫn và tình thương giúp cho não bộ hoạt động một cách trôi chảy hơn. Thứ đến, tâm bi mang lại cho ta sức mạnh nội tâm; nó cho ta sự tự tin, và điều này giảm thiểu sự sợ hãi. Nhờ ít sợ hãi, ta sẽ được an tâm. Vì thế, tâm bi có hai chức năng: nó giúp cho não bộ của ta hoạt động tốt hơn, và nó đem lại sức mạnh nội tâm. Những yếu tố này là nguyên nhân của hạnh phúc. Tôi cảm thấy như thế.
Dĩ nhiên, những yếu tố khác cũng tốt cho hạnh phúc. Tất cả mọi người đều thích có tiền, thí dụ vậy. Nếu có tiền, ta có thể hưởng thụ những phương tiện tốt. Thông thường, chúng ta xem đây là điều quan trọng hàng đầu, nhưng tôi không nghĩ vậy. Sự thoải mái về vật chất có thể xảy ra bằng nỗ lực thể chất, nhưng sự thư thái tinh thần phải xuất phát từ nỗ lực tinh thần. Nếu ta đến một cửa hàng và đưa tiền cho người bán hàng, nói với họ là ta muốn mua tâm bình an, người bán hàng sẽ nói là không có gì để bán cho ta. Nhiều người bán hàng sẽ cảm thấy đây là điều điên rồ và sẽ cười nhạo ta. Một số thuốc chích hay thuốc uống có thể mang lại niềm vui hay tâm an tĩnh tạm thời, nhưng không ở mức độ trọn vẹn. Qua thí dụ về tâm lý trị liệu, ta có thể thấy rằng ta cần xử trí các cảm xúc bằng lý luận và sự bàn thảo. Thế thì ta phải sử dụng một phương pháp thuộc về tinh thần. Vì vậy, trong mỗi buổi nói chuyện, tôi nói rằng chúng ta, những con người hiện đại, suy nghĩ quá nhiều về sự phát triển ngoại tại. Nếu chúng ta chỉ chú ý đến mức độ này thì không đủ. Hạnh phúc và sự toại nguyện chân thật phải đến từ bên trong.
Các yếu tố căn bản mang đến những điều này là tâm bi và tình thương của con người, và những yếu tố này xuất phát từ sinh học. Là một đứa bé sơ sinh, sự sinh tồn của ta hoàn toàn tùy thuộc tình thương. Nếu có tình thương, ta sẽ cảm thấy an toàn. Nếu thiếu tình thương, ta sẽ cảm thấy lo âu và bất an. Nếu bị tách rời khỏi bà mẹ của mình, ta sẽ khóc. Nếu ta ở trong vòng tay của mẹ, được mẹ ôm chặc một cách nồng nhiệt, ta sẽ cảm thấy sung sướng và giữ yên lặng. Ở một đứa bé, đó là nhân tố sinh học. Thí dụ một nhà khoa học, vị thầy của tôi, một nhà nghiên cứu sinh vật học đã tham gia vào việc chống đối bạo lực hạt nhân, ông nói với tôi rằng sau khi đứa bé ra đời, sự xúc chạm của bà mẹ trong vài tuần lễ đầu rất quan trọng trong việc giúp cho não bộ của đứa bé lớn lên và phát triển. Nó đem đến một cảm giác an toàn, thoải mái, và điều này dẫn đến sự phát triển lành mạnh cho sự tăng trưởng của thân thể, kể cả não bộ của đứa bé.
Thế thì hạt giống của tình thương và lòng bi mẫn không xuất phát từ tôn giáo, mà từ sinh học. Mỗi một người chúng ta đều bắt đầu từ tử cung của người mẹ, và ta đã sống còn bằng sự chăm sóc và tình thương của mẹ mình. Trong truyền thống Ấn Độ, chúng ta nghĩ đến việc sinh ra trong một hoa sen ở tịnh độ. Điều này nghe có vẻ rất thú vị, nhưng có lẽ những người ở cõi đó có nhiều tình cảm với các hoa sen hơn là với con người. Thế nên được sinh ra từ tử cung của một bà mẹ thì tốt hơn, bởi vì như vậy thì chúng ta được trang bị sẵn sàng bằng hạt giống bi mẫn. Vì thế, đây là nguyên nhân của hạnh phúc.
Đức Đạt Lai Lạt Ma