Tóm tắt: Phật giáo Huế với một bề dày lịch sử, gắn liền với thăng trầm vùng đất Thuận Hóa – Phú Xuân xưa, đã hàm chứa, bảo tồn được nét riêng có trên nhiều mặt của yếu tính truyền thống Phật giáo. Tuy nhiên, trong chiều hướng phát triển của xã hội thì trong tự thân đã có những thay đổi nhằm thích ứng với thời cuộc và thể hiện rõ nhất về mặt bố cục kiến trúc và cảnh quan chùa chiền. Sự thay đổi đó dần dần tạo nên một xu thế lẫn đi kèm những điều đáng lo ngại, làm mất hẳn nét vỹ thanh của một di sản văn hóa kiến trúc, cảnh quan đặc trưng của Phật giáo Huế trong dòng chảy di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam.

Với những nhận định đó, tham luận tập trung làm rõ những vấn đề sau: 1. Không gian xứ Huế và sự hình thành của những ngôi chùa trên đất thiền kinh; 2. Bố cục, kiến trúc, cảnh quan chùa Huế: những đặc trưng định hình; 3. Xu thế biến đổi kiến trúc, cảnh quan chùa Huế trong bối cảnh hiện nay; 4. con đường và sự chọn lựa trong việc bảo tồn, phục dựng kiến trúc, cảnh quan chùa Huế.

1. Dẫn luận

Huế được xem là một trung tâm văn hóa Phật giáo quan trọng của Việt Nam. Văn hóa Phật giáo đã tạo nên một sức ảnh hưởng không nhỏ trong văn hóa đời sống tinh thần lẫn vật chất của người Huế, nếu không muốn nói là góp phần làm nên tính cách và xu hướng của con người sinh tụ trên vùng đất này. Từ khi còn là những ngôi thảo am nhỏ bé của các vị thiền sư khi đầu tiên đến đây khai sơn trác tích, hoằng pháp độ sanh, gầy dựng chúng đồ, và cho đến hôm nay, hiện diện là những cổ tự, chùa chiền được phát triển rộng khắp, trở thành nơi chiêm bái, viếng thăm, trải nghiệm… của người dân cả nước. Và, những công trình kiến trúc Phật giáo ở đây, đều mang trong mình một sức sống liên tục gắn liền với sự thăng trầm của vùng đất, của dân tộc.

Một trong những dấu ấn hiển lộ có thể quan sát nhanh, khi khách phương xa đến xứ Huế là: chùa có mặt ở khắp nơi với mật độ cao; chùa được xây dựng một cách liên tục vào nhiều thời điểm khác nhau, trải dài suốt mấy trăm năm cho đến tận bây giờ; chùa có nhiều chức năng và tính chất đặc thù (quốc tự, quan tự, tổ đình, chùa sắc tứ, chùa công, chùa tư, chùa khuôn, chùa làng…); chùa được xây dựng trên những quy mô, chất liệu và phong cách nghệ thuật đa dạng… tất cả góp phần làm nên chân dung riêng có của di sản kiến trúc chùa Huế, bên cạnh những loại hình kiến trúc khác.

Sự hài hòa của một kiến trúc Huế trong một vùng đất được tạo hóa ưu đãi về mặt cảnh quan, là kết quả của sự đồng cảm trong cách thích ứng, sáng tạo, phù hợp của con người, với những trải nghiệm dày dặn trên quê hương mình sống, và không gian ngôi chùa cũng không phải là một ngoại lệ. Chính vì vậy, những danh lam xứ Huế đứng trên mặt tư tưởng chủ đạo và những nét cơ bản trong cấu trúc, đã hòa nhập một cách tự nhiên vào tinh thần chung, mà trong đó, không gian cung đình Nguyễn, phủ đệ, hay lăng tẩm, miếu mạo lẫn những loại hình cư trú truyền thống của quý tộc, của dân gian đều không phải ngẫu nhiên gặp nhau trên cùng một ngôn ngữ kiến trúc.

Trong vài thập kỷ trở lại đây, cơn lốc của dòng kiến trúc hiện đại với vô vàn những chất liệu, phong cách, cấu kiện, trường phái mới… đang tác động một cách dữ dội vào vùng đất vốn êm đềm, cổ kính, tinh tế và nhạy cảm như Huế, đã tạo nên một chuyển biến bất ngờ theo chiều hướng đáng lo ngại. Với thực trạng ấy, có những loại hình kiến trúc, lẽ ra phải ung dung, tự tại, và đủ bản lĩnh để giữ lại những giá trị thuần khiết, cũng như bình tĩnh chuyển đổi bóng dáng của mình một cách từ tốn, đó chính là những ngôi chùa. Tuy nhiên, xem ra những đối tượng này cũng không cưỡng lại được những hấp lực về mặt tiện ích, những bước cải tiến, phát triển kỹ thuật, phù hợp với nhu cầu, thực hưởng của xã hội. Và rồi, sự thụ cảm nhanh chóng đó lan tràn, tác động không trừ một ai, đến từ những thành tựu trong quá trình khẳng định dòng nghệ thuật hiện đại, là điều chúng ta ai cũng nhìn ra.

2. Không gian xứ Huế và sự hình thành của những ngôi chùa trên đất thiền kinh

Ngược dòng lịch sử, trước khi người Việt vượt dải Hoành Sơn, thì ở trên vùng đất này, tín ngưỡng bản địa và Phật giáo có một vai trò quan trọng trong đời sống của cư dân Champa tiền trú với các dấu tích tượng thờ, Phật viện được khai quật ở di tích Đồng Dương và một số nơi khác. Đến khi người Việt theo dòng nam tiến, Phật giáo mới có cơ duyên phát triển mạnh mẽ trên cùng đất mới và hình ảnh ngôi chùa trở thành phương cách cố định nhân tâm, bởi đó cũng là hành trang trong quá trình tụ cư lập làng của nhiều lớp cư dân Việt trong sự giao thoa văn hóa Ấn – Hoa.

Trên con đường xuôi nam của người Việt, từ thời Trần đến Hồ, Lê và sau đó là những đợt nam tiến ồ ạt của dòng người theo Tiên chúa Nguyễn Hoàng vào Đàng Trong (1858). Từ đó, dãi đất miền Trung từng lớp cư dân tụ cư, dần lập nên những làng xóm, tạo nên những thiết chế văn hóa như chính từ vùng đất họ đã ra đi, và Đình – Chùa – Miếu… trở thành một thiết chế không thể tách rời trong mọi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng tâm linh. Bởi đó, cũng chính là phương cách tồn tại, là hơi ấm của quê hương, là nếp cũ phong tục cố hương trong bước đầu dựng nghiệp trên vùng đất mới vốn còn lắm gian truân, hiểm nguy.

Khởi nguyên, chùa làng được xây dựng “dù chỉ mái tranh đơn sơ, yếu ớt, nhưng lại là cơ sở tinh thần kiên cố, bền vững, che chở cho sự bình an của tâm hồn” của lớp lưu dân xa xứ, giữ vững lòng tin cho con người yên tâm khai phá vùng đất mới. Ở đây, hình tượng tôn quý của chư Phật, Bồ tát… được dân gian hóa phù hợp với tâm thức, nếp nghĩ của người dân; là không gian diễn ra sự tiếp biến, hỗn dung văn hóa khi sự phối thờ rất nhiều tín ngưỡng khác nhau vốn không tồn tại trong tín ngưỡng Phật giáo như: Thiên Y A Na, Thánh Mẫu, Ngũ vị Thánh Bà, Quan Thánh Đế Quân, Ngọc Hoàng Thượng Đế,… trong chánh điện chùa Làng.

Tiếp sau đó, các chúa, vua Nguyễn, bằng chiến lược nhân tâm “cư Nho, mộ Thích” đã tạo điều kiện cho Phật giáo phát triển, trùng hưng, xây dựng chùa chiền khắp xứ, tạo nên những ngôi Quốc tự lớn như Linh Mụ, Sùng Hóa, Giác Hoàng, Diệu Đế,… Hệ thống các ngôi chùa này được đặt dưới sự quản lý trực tiếp của nhà nước, nơi triều đình tổ chức các đại lễ trai đàn cầu quốc thái dân an, hoặc cũng là nơi các vua chúa đến chiêm lễ, nghe giảng kinh và thưởng ngoạn.

Song song với chiều hướng này, chùa Huế còn được xây dựng bởi các vị thiền sư Trung Hoa đến Đàng Trong truyền đạo như thiền sư Hoán Bích Nguyên Thiều, Minh Hoằng Tử Dung, Khắc Huyền, Giác Phong,… đã dựng lên những thảo am đơn sơ, tiếp tăng độ chúng, gầy dựng và làm nảy nở thiền phái Lâm Tế và Tào Động trên mảnh đất này. Và về sau, các vị đệ tử kế thế người Việt tiếp tục phát triển, ngôi thảo am đơn sơ ban đầu dần được xây dựng phong quang nhờ vào sự đóng góp, trùng tu của chúng đệ tử và sự ngoại hộ của những thế gia vọng tộc, quan lại, mệnh phụ hay phi tần trong cung Nguyễn, trở thành những ngôi Tổ đình nổi tiếng: Quốc Ân, Báo Quốc, Từ Đàm, Thuyền Tôn, Từ Hiếu, Tây Thiên, Trúc Lâm…

Bên cạnh đó, xứ Huế còn là nơi tồn tại của rất nhiều ngôi chùa có lịch sử và hành trạng hoàn toàn khác nhau qua hình thức “cải gia vi tự” diễn ra khá phổ biến, bởi đó cũng là tâm thế của đa phần người Huế vốn gần gũi, đượm thấm thiền vị. Không gian thờ tự trong ngôi nhà của người Huế vốn là một “Phật đường” thu nhỏ, gia chủ sáng tối thường nhật hành trì kinh kệ, dần về sau, có thể vì lý do nào đó ngôi nhà được cúng dường cho các vị sư làm thành cơ sở thờ tự và trở thành chùa: Ba La Mật, Thiên Minh,…

Đến nửa đầu thế kỷ XX, trong sự phát triển của phong trào chấn hưng Phật giáo ở Huế cũng như trên cả 3 miền đất nước, năm 1930, An Nam Phật học hội được thành lập, làm tiền đề cho hàng loạt cải cách về tổ chức bộ máy, tính chất hoạt động và hàng loạt các quy định chuẩn hóa trong thiết trí thờ tự ở chùa Huế. Từ đây, đã hình thành hàng loạt chùa Khuôn hội ở Huế, trên cơ sở của việc tiếp nhận các chùa làng cũ, hoặc xây mới trên kiểu hình kiến trúc thống nhất của chùa Hội quán Từ Đàm như các khuôn Dương Biều, Kim An, Tịnh Bình, Cát Tường, Tây Lộc, Thành Nội… Cũng trong thời gian này, ở Huế, ngoài Phât giáo Bắc tông chiếm phần lớn, thì dần có sự hiện diện của chùa Phật giáo Nam tôngi và các tịnh xá của Hệ phái Phật giáo Khất sĩii.

Cho đến hôm nay, Huế được xem là “vùng đất Phật”, với sự mật tập số lượng chùa chiền trên một diện tích khiêm tốn đã cho thấy một quá trình hình thành và phát triển liên tục của chùa Huế trong lịch sử. Và, cội nguồn hình thành của chùa Huế ở đất thiền kinh được xuất phát từ nhiều nguồn khác nhau, tùy vào hoàn cảnh, khả năng thể hiện quan niệm và nguồn kinh phí… làm nên sự đa dạng trong bố cục, kiến trúc, cảnh quan và chức năng sử dụng.

3. Bố cục, kiến trúc, cảnh quan chùa Huế: những đặc trưng định hình

Từ thực thể những ngôi chùa ở xứ Huế hiện nay, gợi cho mọi người cảm giác nhu hòa, tĩnh tại, an lạc. Kiến trúc chùa Huế hòa mình vào thiên nhiên, nép mình vào những khu vườn xanh mát, tạo sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên. Sự đa dạng về nguồn gốc nhưng trên kết cấu chung của một nhà rường truyền thống phổ biến của kiến trúc Huế, đã chi phối đến sự phong phú trong cách kiến trúc, lẫn cấu trúc, cảnh quan và chức năng của chùa Huế.

3.1. Đặc trưng kiến trúc, bố cục và hệ thống motif trang trí

Với sự đa dạng về nguồn gốc hình thành trong đặc trưng kiến trúc vùng miền cùng những kế thừa truyền thống kiến trúc chùa Việt ở miền Bắc, chùa Huế được xem là một tổ hợp kiến trúc với nhiều đơn nguyên tạo thành trên một không gian rộng và ít được chú trọng đến chiều cao, hòa mình vào thiên nhiên. Các đơn nguyên kiến trúc của môt ngôi chùa như: Tam quan, Tiền đường, Chánh điện, Hậu tổ, Hậu đường, Tăng xá, Nhà trù,… được phân bố phù hợp với cấu trúc bố cục, tạo nên sự cân đối và hài hòa về quy mô, ẩn chứa vẻ đẹp tinh tế, nhẹ nhàng khi đối sánh với các vùng khác.

Tuy rằng, trải qua nhiều đợt trùng tu, kiến trúc chùa Huế vẫn giữ nét truyền thống trong mối quan hệ mật thiết với kiến trúc cung đình và kiến trúc dân gian từ nội đến ngoại thất. Trong đó, nổi bật với mái chùa Huế qua dạng thức kiến trúc “trùng thiềm điệp ốc” – một kiểu dạng kiến trúc đặc biệt của xứ Huế trong việc kết nối các đơn nguyên kiến trúc. Đồng thời, vận dụng, tiếp thu và trộn hòa các kiểu loại kiến trúc tạo nên những kiểu mái chùa hai tầng, dáng cổ lâu làm cho phần mái thanh thoát (chùa Từ Hiếu, Quốc Ân, Báo Quốc,…) hay vẫn giữ nguyên kiểu truyền thống mái tầng liền, không có tiền đường phía trước (chùa Thiên Hưng, Viên Thông. Quảng Tế, Đông Thuyền,…).

Hệ thống cột, kèo, mái và đặc trưng trang trí trong kiến trúc chùa Huế có một sự tương đồng và không thay đổi phong cách với kiến trúc dân gian, kiến trúc cung đình, thể hiện đậm cái chất của vùng, miền qua: Cột cao, nhỏ; Bộ mái mỏng, nhẹ, thẳng, hơi vuốt lên ở đường quyết hay đầu mái bằng những hồi văn, hoặc mụt mây hay mỏ neo, mỏ cu,…; Trang trí là các mảng chạm nông, chú ý đến từng tiểu tiết và sự lấn át của điển tích Phật giáoiii.

Về cấu trúc bố cục, chùa Huế tiếp nối truyền thống kiến trúc chữ “Công” (工), chữ “Tam” (三), hay “nội Công – ngoại Quốc” từ đất Bắciv, còn có sự hiện diện của cấu trúc chữ “Đinh” (丁) (chùa Từ Đàm và chùa Khuôn hội), chữ “Môn” (門) (chùa Hải Đức), và phổ biến nhất của các chùa Huế là bố cục hình chữ “Khẩu” (口) (chùa Báo Quốc, Quốc Ân, Thuyền Tôn, Từ Hiếu, Trúc Lâm, Tây Thiên, Đông Thuyền, Tường Vân, Từ Ân,…). Cấu trúc chữ “Khẩu” ở chùa Huế được lý giải như sau: “Phong cách kiến trúc đặc thù đó là kiểu kiến trúc hình “chữ khẩu”, tương tự một hình vuông trong kỉ hà học. Các tòa nhà và Phật điện đều được kiến trúc theo kiểu “trùng lương”, hoặc còn gọi là kiểu “trùng thiềm điệp ốc”; kiểu riêng của Huế, các nơi khác đều không có”, hay do sự phát triển của Phật sự, Tăng sự mà người ta phải kiến thiết mở thêm nhà cửa theo sự chỉnh nghi vốn có nên “kiểu kiến trúc nhà chùa theo phong cách “chữ khẩu” đã hình thành dần dà qua tiến trình thời gian”v.

Từ các dạng thức bố cụ trên, có thể thấy đặc trưng bố cục chùa Huế được biểu hiện:

1. Chùa Quốc tự luôn thể hiện tính nghiêm minh, quyền lực của nhà vua và triều đại qua trục thần đạo và tính chất cung điện ở bố cục tuyến tính (chữ “Nhất”) bằng cách dàn trải các đơn nguyên tập trung vào chính diện khối tích to lớn;

2. Chùa Tổ đình nổi bật với bố cục hình chữ “Khẩu” bằng các đơn nguyên luôn có tỷ lệ tương quan nhau. Và, tuy rằng, về sau bố cục này dần được thay đổi chuyển qua dạng chữ Khẩu mở do nhu cầu và chức năng sử dụng trong các lần trùng tu.

3. Chùa Làng chủ yếu được bố trí theo trục chính đạo và hoàn toàn không theo một khuôn mẫu nào. Cách cục này cho thấy sự tự do và phóng khoáng của người dân, cùng sự linh hoạt cao, lược bỏ những quy cũ vốn có của truyền thống chùa làng miền Bắc khi họ đến sinh tụ trên vùng đất này.

4. Chùa Khuôn hội – đây là một mẫu hình bố cục kiến trúc theo dạng chữ “Đinh” được quy chuẩn hóa trên toàn bộ các chùa Khuôn vùng Huế qua chùa hội Từ Đàm. Bố cục này cho thấy một sự giản hóa từ thiết trí thờ tự đến các sinh hoạt khác của Hội An Nam Phật học trong phong trào chấn hưng Phật giáo.

Đặc trưng về bố cục riêng của những ngôi chùa Huế thường thể hiện tính đa dạng nhưng luôn phù hợp với từng đặc điểm của các loại hình chùa Huế và các nguyên tắc chính – phụ, trọng điểm, đối xứng, đăng đối, tương quan tỷ lệ… Do đó, không gian nội thất và thờ tự ở chùa Huế bình dị, nhỏ gọn, gần gũi hơn nhưng rất trang nghiêm, ấm cúng. Gắn liền với kiểu kiến trúc nhà rường 3, 5 gian – 2 chái, nên thiết trí thờ tự chùa Huế luôn cố định trên một trục chính xuyên suốt từ Tam quan, Chánh điện đến Hậu đường, và kèm bên cạnh đó là các án thờ tả hữu hoặc tòng tự đối xứng, tạo nên không gian thiêng đặc trưng mà lối kiến trúc hoàn toàn chi phối đến việc thiết trí thờ tự khi đối sánh giữa các vùng miền.

Mô típ trang trí ở chùa Huế đa dạng, phong phú và nổi bật với các mô típ trang trí của Phật giáo trong sự dung hợp Tam giáo hay tiếp biến nghệ thuật truyền thống từ đất Bắc, Trung Quốc hay cả nghệ thuật điêu khắc Chăm.

Từ ban đầu, trang trí ở các chùa thường đơn giản, không cầu kỳ, thể hiện triết lý Phật giáo khi lấy cái chân thực giản đơn làm trọng: “Trên mái chạy đường tàu nóc và chẳng trình bày long phụng gì. Hai đầu có những hoa văn đơn giản tô nổi theo kiểu chạm lọng. Ở giữa nóc có “bầu hồ lô”, hoặc “hỏa luân xa”vi. Nhưng dần về sau, sự đa dạng về các đồ án trang trí ở trên tàu nóc, đường quyết, mái, ô cửa, cột, mảnh tường hai chái,… được thể hiện trên nhiều mô típ khác nhau, thể hiện được tinh thần căn cốt của một thời kỳ lịch sử, khi Huế vốn là kinh đô một thời của nước Việt Nam. Chủ đề trang trí luôn biểu thị tư tưởng “tam giáo hòa đồng” trong các biểu thức trên công trình kiến trúc như: đề tài Phật giáo: chữ “Vạn”, hoa sen, pháp luân, sóng nước,…; đề tài Lão giáo: bát bửu, bình đồ bát quái,…; đề tài Nho giáo: Tứ linh, Tam hữu, Tứ hữu,… Và, sự thể hiện này luôn mang tính tùy biến, mỗi vẻ đều khác biệt và không thống nhất trong phương pháp thể hiện, nhưng lại mang ý nghĩa nói lên sự mơ ước về một thế giới ấm no, an lạc,…

Ngoài sự lấn át của hệ thống hồi văn, hệ đề tài trang trí thực vật, hệ bát bửu thì việc ảnh hưởng các mô típ trang trí cung đình Nguyễn như hình rồng chầu Pháp luân, chữ Vạn… hay đầu rồng đội quả cầu lữa, bánh xe Pháp luân… và các ô học nhất thi nhất họa trên các kiến trúc cổ lâu, đã làm đa dạng hóa các loại hình mô típ trang trí lẫn chất liệu vốn đã có trước đó. Đồng thời, cũng thể hiện rõ tinh thần dung hòa, biến dưỡng của Phật giáo trong dòng chảy văn hóa Huế.

3.2. Cảnh quan vườn chùa Huế: những giá trị nổi bật trong mối quan hệ bất phân ly giữa kiến trúc và thiên nhiên

Có thể thấy, bên cạnh những đặc trưng của kiến trúc thì không gian cảnh quan vườn chùa còn mang những giá trị nổi bật gắn liền với văn hóa Huế, văn hóa Phật giáo, làm nên một tổng thể chùa Huế phong phú và đa dạng nhưng luôn luôn thống nhất.

Thêm vào đó, đa phần chùa Huế được tạo dựng, mật tập ở mạn Nam sông Hương, trên các địa hình đồi núi của vùng bán sơn địa phía Tây, nên từ sinh cảnh này, cảnh quan vườn chùa trở thành một tiểu thế giới thu nhỏ mang những triết lý nhân sinh lẫn những chức năng thực hữu, gắn liền với đời sống xuất thế của người tu sĩ.

Từ đặc điểm chung trên nền tảng văn hóa, ảnh hưởng giao thoa Ấn – Hoa và Đông Nam Á lục địa, vườn chùa Huế mang trong mình nó dấu ấn của sức sống văn hóa phương đông trong sự hòa quyện Tam giáo: Nho – Phật – Lão song hành cùng yếu tố truyền thống, đặc điểm riêng từ điều kiện tự nhiên lẫn bối cảnh lịch sử hình thành của những ngôi chùa. “Bố cục vườn chùa nói riêng và vườn Huế nói chung thường thuận theo khung thiên nhiên, không hoành tráng đến thách thức để khẳng định mình trong việc tái dựng lại cảnh trí cư trú” hay “… ngôi chùa với đơn thuần là những đơn nguyên kiến trúc, cho dù đó là điện Phật, tăng xá, hay tịnh trù vẫn chưa là dạng kiến trúc phản ánh đầy đủ tinh thần của Phật giáo, nếu không đặt chúng trong tổng thể của sinh cảnh khu vườn: vườn chùa/vườn thiền v.v. với những giá trị văn hóa đặc trưng”vii. Do đó, những giá trị nổi bật của vườn chùa được thể hiện trên các mặt:

1. Mang những giá trị tâm linh của vườn thiền: đó là sự kết hợp của triết lý nhân sinh Phật giáo với thiên nhiên, với phong tục, tín ngưỡng tâm linh của cộng đồng, làm nơi thưởng ngoạn cái đẹp, giúp con người tĩnh tâm, chiêm nghiệm lẽ sống.

2. Sự hài hòa giữ công trình kiến trúc và cây cối khuôn viên chùa Huế, bởi đó là sự tiếp nối truyền thống chùa Việt trong môi trường đặc thù riêng của xứ Huế, mang tinh thần “tri túc” khiêm tốn, ẩn mình và hòa tan vào thiên nhiên. Tính “tri túc” – biết đủ đầy, làm cho vườn chùa như trở thành một thực thể sống, phản chiếu tinh thần tự giác, liễu tri của một hành giả trên con đường ngộ đạo.

3. Tinh thần “Thiên nhân tương dữ” trong vườn chùa Huế, đó là một triết lý truyền thống phổ biến trong văn hóa phương đông bằng mối tương quan hòa hợp giữa con người với trời đất, thiên nhiên trong thiết kết giữa kiến trúc và vườn chùa. Tính chất của sự hòa hợp được đặt lên hàng đầu, giữ vai trò chi phối đến nghệ thuật xây chùa, làm vườn, tạo cảnh… và không bao giờ là tư tưởng chiếm lĩnh hay làm chủ thiên nhiên mà luôn luôn sự tôn trọng tính tự nhiên hay chất tự nhiên vốn có đó trong cảnh quan vườn chùa Huế.

4. Vai trò tự cung tự cấp của vườn chùa Huế: đó là không gian nuôi dưỡng, tự cấp tự cung về nguồn lương thực, thực phẩm cho mỗi ngôi chùa khi mỗi góc vườn đều có những chức năng khác nhau theo mùa trong sự tính toán và sắp xếp của người thiết kế. Và từ đó cũng phản ánh sự đa dạng và phong phú của thảm thực vật vùng bán sơn địa phía tây Thừa Thiên Huế, hay sự sinh động và đa dạng từ nhiều loại cây trồng là đặc điểm nổi bật của vườn chùa nói riêng và vườn Huế nói chung.

Trong tổng thể cảnh quan đô thị Huế, cả quần thể kiến trúc: cung điện, đền đài, miếu mạo, phủ đệ, lăng tẩm, chùa chiền, nhà cửa… đã hòa hòa nhau tạo nên những nét đẹp cố đô Huế. Dĩ nhiên trong cái đẹp mang tính quần thể ấy, ngôi chùa không thể tách khỏi thiên nhiên, khuôn viên và kiến trúc phụ để đứng đơn lập mà tất cả hòa điệu tạo nên một không gian hài hòa trong cái chung, vừa tạo nên sắc thái riêng, làm nên sự phong phú cho nghệ thuật kiến trúc Huế. Tuy nhiên, với sự phát triển và thay đổi kiến trúc chùa Huế đã làm cho cảnh quan thay đổi và các đặc trưng nổi bật của vườn chùa ít nhiều đã bị biến dạng, khó còn nguyên vẹn với một không gian hài hòa trong cái chung, tạo nên sắc riêng theo các xu hướng hiện đại, mang nặng tư tưởng hưởng thụ khi nhìn nó dưới con mắt văn hóa truyền thống Phật giáo.

4. Xu thế biến đổi kiến trúc, cảnh quan chùa Huế trong bối cảnh hiện nay

4.1. Xu thế biến đổi liên quan đến quy mô và cấu trúc

Không giống hầu hết các tôn giáo lớn khác trên thế giới, giáo lý Phật phủ nhận đấng sáng tạo, chính vì vậy, khoảng cách và mối quan hệ giữa Phật tử với Đức Phật và chư vị Bồ tát là mối quan hệ thầy trò. Phật là người chỉ lối và tính Phật có sẵn trong mọi chúng sanh như là nguyên tắc xác định quyền bình đẳng giữa bổn sư và đệ tử. Trong tinh thần ấy, quy mô của những ngôi thảo am khiêm tốn, hay trong ngôi nhà rường gỗ ở những ngôi chùa cổ, từ đấy luôn tạo nên sự gần gũi ấm áp một cách kỳ lạ.

Với cách cảm nhận trên và hoài niệm về một quá khứ: “chùa có quy mô nhỏ nên tượng Phật cũng nhỏ”; “tạo nên sự hài hòa trong không gian khiêm tốn và sang trọng”; “không hề thấy âm u lạnh lẽo, không có cảm giác tù túng và chật chội và nhất là không hề vướng một chút so bì nào về mặt tiện nghi”; “Hình tượng Đức Phật gần với tín đồ hơn, không có trong bất cứ ai khoảng cách giữa một đối tượng đầy quyền năng, khiến mình cảm thấy nhỏ nhoi cần sự che chở, mà ở đó, tràn ngập hình ảnh dịu dàng, thân thiện, từ bi…”viii.

Điều đáng lưu tâm hiện nay là ngoài những ngôi chùa dựng mới hoàn toàn, phần lớn sự thay đổi cấu trúc và quy mô chùa trên không gian vốn có, thường không phổ biến giải pháp cải tạo cái cũ cho phù hợp, mà chủ yếu là thay thế. Tính chất thay thế đồng nghĩa với sự xóa bỏ những gì liên quan đến cái cũ, đối tượng chịu sự thay thế đó là những ngôi chùa bằng gỗ truyền thống hoặc bằng vôi đang biểu lộ sự “đầu hàng” trước những thử thách của thời gian.

Những người có trách nhiệm khi quyết định xóa chùa cũ để mở rộng quy mô thường xuất phát từ nhiều lý do, gắn liền với thực tế đang diễn ra. Việc hạ giải những ngôi chùa cổ, dù bằng gỗ hay vôi, luôn được thay thế bằng kiến trúc bê tông, to hơn, cao hơn và tất nhiên thoáng rộng hơn nhiều. Đó là chưa nói đến những ngôi chùa vượt khuôn khổ, và trở thành xa lạ với kiến trúc truyền thống Việt.

Không gian ngôi chùa mới lộng lẫy, khang trang. Cả vòm điện Phật lồng lộng, bởi khoảng rộng và chiều cao, khiến một âm thanh khe khẽ cũng dội tiếng ngân vang. Tượng thờ ngày trước vì kích cỡ không còn phù hợp, nên đã được tôn trí trong tủ kính hoặc một nơi khác. Khoảng cách của vòm điện Phật cao rộng, hào nhoáng và lộng lẫy, khiến con người chuyển từ tâm trạng nương tựa thầy sang sự ngưỡng vọng một vị giáo chủ đầy đủ quyền năng, có thể gieo phúc giáng họa trong mắt những tín đồ nhận thức còn hạn chế. Điều mà chúng tôi liên tưởng, và sống với cảm giác khi đứng trước nội điện của một ngôi “giáo đường” – loại hình kiến trúc thiên về yếu tố chế ngự thiên nhiên và đề cao quyền năng sáng tạo của vị giáo chủ nhiều hơn là tìm sự hòa hợp với tự nhiên một cách khiêm cung.

Kiến trúc luôn là đối tượng phản ánh thực thể xã hội, cảm quan và nhu cầu con người trên nhiều phương diện. Nhưng, nếu chỉ để đáp ứng nhu cầu thực tế mà quên đi, hoặc làm mờ đi ngôn ngữ tư tưởng kiến trúc và những nét đặc trưng văn hóa của dân tộc, thì vô hình trung, kiến trúc đẩy con người trở thành xa lạ với chính sản phẩm của mình tạo nên.

Kiến trúc truyền thống Huế, tiền nhân đã mở ra một giải pháp vô cùng trí tuệ, nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng quy mô nội thất, đó chính là mô thức “trùng thiềm điệp ốc”. Hai nóc kiến trúc độc lập, được nối bằng bộ phận trần thừa lưu hay võ cua. Nóc trước cao hơn nóc sau nên ta cứ lầm tưởng đó chỉ là một đơn nguyên kiến trúc. Việc mở rộng quy mô trong trường hợp ứng dụng giải pháp này là điều có thể giải quyết tốt trong việc bảo vệ nền nã của kiến trúc truyền thống.

Chúng tôi vẫn không quá cực đoan để ao ước ngôi chùa cải tạo hay làm mới phải giữ nguyên vẹn những gì vốn có, mà trí tuệ ở đây là bất cứ giải pháp nào cũng cần đến việc bảo tồn cái “thần”, cái “hồn” và những thuộc tính cố hữu trong biểu hiện để giữ được cái “chất”. Ngôi chùa hẳn nhiên không phải là cái nhà để người có trách nhiệm tự cho mình là chủ, và thong thả thể hiện nơi thờ tự những gì khớp với thị hiếu, và trình độ cảm nhận mang tính cá nhân, hoặc chiều theo sở thích của nhà tài trợ, những vị đại gia cúng dường, muốn đặt dấu ấn mình lên trên kiến trúc một tôn giáo, mà ở đó, sự chuyển tải tinh thần và tư tưởng kiến trúc không được chú trọng hàng đầu.

4.2. Những điều chỉnh không hợp lý trong cấu trúc ở một số tự viện Huế

Kiến trúc tôn giáo cũng là một công trình văn hóa, cho nên, nó không thể tách khỏi những sắc thái được hình thành từ những đặc thù của một vùng đất. Ngoài những mẫu số chung trên cái nền văn hóa Việt, còn có những nét riêng của vùng miền, phản ánh quá trình thích ứng, giao lưu với những nhân tố mới, hoặc khẳng định cái riêng có từ sự tiếp biến văn hóa trong lịch sử. Việc bảo tồn những nét đặc hữu của vùng miền, không những là cách bày tỏ sự tôn trọng truyền thống mà còn góp phần khẳng định những biến điệu đầy ấn tượng, làm nên sự phong phú cho văn hóa dân tộc.

Phạm vi cũng như quá trình giao lưu văn hóa giữa các dân tộc và vùng miền, dù không muốn, chúng vẫn cứ diễn ra. Vấn đề là việc tiếp thu phải thế nào để khỏi làm sứt mẻ những định hình đã được trải nghiệm qua nhiều thế hệ. Cho nên, thành tựu kế thừa, gạn lọc, biến dưỡng… văn hóa thường diễn ra, dựa trên bản lĩnh của kẻ “phát” người “nhận”, qua những biểu hiện của sự ứng xử giữa chủ nhân và tác phẩm mình dựng nên.

Chúng ta có thể nhận ra những điểm còn giữ trên vật liệu kiến trúc mới: hình dáng, cấu trúc, bố cục, trang trí, nội thất… mang ngoại hình cũng như nội dung nặng tính cổ truyền hiện nay, chính là các cơ sở tín ngưỡng, phong tục, tôn giáo,… như đình, chùa, miếu mạo, nhà thờ,… Và, trong tổng thể canh quan ấy, kiến trúc Huế có sự đóng góp rất lớn của những loại hình kiến trúc này, đã tạo nên những nét riêng được khẳng định, mang dấu ấn đặc trưng của một phong thái tạo hình mảnh dẻ, tinh tế, khiêm cung, tìm được sự hòa điệu tuyệt vời với thiên nhiên thơ mộng và khó tính của xứ Huế.

Là một bộ phận trong di sản văn hóa kiến trúc Huế, các ngôi danh lam với chất thiền vị riêng có của mình, vẫn giữ được sự hài hòa trong dòng kiến trúc nơi đây, duyên dáng với khung sườn, cột kèo, theo nguyên tắc vì chồng, mái lợp thanh mảnh, nhỏ nhắn. Chính vì cột nhà Huế, chùa Huế nhỏ nhắn và thanh tú, cho nên cần đến ấn tượng quân bình về mặt hình khối là mái phải cho ta cảm giác mỏng, nhẹ, thanh tú. Đường nóc cũng như đầu mái của kiến trúc Huế, người thiết kế dụng ý trang trí những dạng kiểu thức phù hợp như dấu ấn vút nhẹ, vừa đủ tạo cảm giác “trở mình”, xóa đi những ngay sổ thẳng đến nghiêm nghị của mái. Mô típ trang trí được sử dụng trong trường hợp này, người Huế gọi là mỏ neo, mỏ cu, guột mây, mụt mây,… gắn ở đầu mái.

Khác với Huế, kiến trúc chùa Bắc có xu hương giải quyết vì kèo và cột chịu lực bằng những dạng cấu kiện chắc, to, khỏe, bụ bẫm theo nguyên tắc “giả thủ” hay “vì cánh ác” với những mảng khắc sâu, nét chạm dứt khoát. Cho nên, phần mái phối hợp tương ứng qua những giải pháp kỹ thuật khôn khéo, đã khiến chúng trông thật dày dặn, tạo cho người đứng trước nó có sự quân bình dễ chịu về cảm giác hình khối. Tuy nhiên, tổng thể ấy, lẽ ra sẽ gây nên ấn tượng lún thấp và thô nặng, thì người thiết kế đã tài tình giải quyết đầu mái thành những đường đao (đầu đao) vút lượng lên cao như những chiếc cánh, nâng toàn bộ hình khối nhẹ hẫng và sinh động hẳn ra, tạo nên hình ảnh ấn tượng khi tiếp xúc với kiến trúc Đàng Ngoài.

Điều đáng ngạc nhiên, là trong nhiều ngôi chùa Huế được tu sửa, cải tạo và làm mới hiện nay, trong lối xử lý truyền thống bằng dạng cột mảnh, mái nhẹ nhưng lại cố tình tạo nên những loại mái đầu đao vút cao lên như kiến trúc thường thấy ở phía Bắc. Điều này đã cho chúng ta cái cảm giác bộ mái không muốn “sống chung” với khung sườn và như bứt khỏi cột để bay lên. Và rõ ràng, nếu như mái và sườn nhà đã muốn “ly dị” nhau thì làm sao tạo ra được sự hòa điệu ấp áp cũng như cảm quan thẩm mỹ. Vì vậy, chúng tôi xem đó là cách thể hiện thiếu sự am hiểu nguồn cội, gán gép những giải pháp kỹ thuật không tượng hợp với phong cách kiến trúc Huế, một cái nhìn biến cải không có căn cứ, mơ hồ về nhận thức thẩm mỹ lẫn sự tùy tiện một cách khó hiểu.

4.3. Những hệ quả liên quan

Khi biến một ngôi chùa gỗ truyền thống thành một ngôi chùa bê tông hiện đại hoặc ngôi chùa bê tông giả gỗ, những dạng nguyên vật liệu mới này với những ưu thế của nó, đã có thể dễ dàng trong việc giải quyết quy mô, kích thước vật lý thiên về chiều cao, cùng sự lộng lẫy, hào nhoáng và trang trọng theo lối cung đình hóa về mặt cảm giác. Điều ấy hoàn toàn đối lập với sự nhỏ nhắn, ấp áp, bình dị và thanh cao, tinh tấn và đầy tính thiền vị của những không gian thanh bình an lạc, thoát tục.

Từ những thay đổi có tính cốt lõi trong phong cách kiến trúc đã kéo theo những sự thay đổi khác để phù hợp với không gian phối trí nội thất cũng như cảnh quan bao quanh kiến trúc. Hành lang, sân chùa không còn nhìn thấy đất mà chỉ gạch hoa với ciment. Cây cối cũng như vườn cảnh gần gũi một thời cùng ngôi chùa gỗ khiêm tốn, với hệ bồn gạch, vườn rau, cây hoa hoa hay ăn trái để đơm cúng và giải quyết bữa trai tịnh hàng ngày, được thay thế bằng những hệ cây mang những tiêu chí giá trị khác gắn liền với sự hưởng thụ nghệ thuật của giới thượng lưu.

Những khu trồng hương liệu, dược liệu, gia vị… vốn có từ bao đời nay của mỗi ngôi chùa, hay những cây hoang dã của hệ sinh cảnh gò đồi đến nay đã không còn bóng dáng. Sự biến dạng từ cổng ngõ, hàng rào, lối đi, thiết trí nghệ thuật viên lâm, vật dụng trang trí nội thất… bắt buộc phải xóa đi những gì liên quan đến không gia cũ, đó là cách xử lý mang tính đồng bộ cần thiết, nhưng, đồng thời cũng làm cho những cảm giác êm đềm cũ vốn không tìm thấy bất cứ nơi nào khác, khi đến với một ngôi chùa cổ cũng bị mất theo. Từ đó, người đến chùa có cảm giác tự viện mình đang chiêm bái, như đang bị cuốn vào cơn lốc của tiện nghi, của những giá trị thực dụng và sự hào nhoáng được đo bằng kim tiền của chủ nhân. Đó là thứ cảm giác người ta có thể tìm thấy ở những điểm khai thác tâm linh trong các khu giải trí hiện nay ở những thành phố lớn, hay bất cứ những gã trọc phú nào muốn thể hiện mình ở những công trình hiếu đạo che mắt thiên hạ.

5. Thay lời kết: con đường và sự chọn lựa trong việc bảo tồn, phục dựng kiến trúc, cảnh quan chùa Huế

Kiến trúc của mỗi thời đại, tất nhiên phải mang theo những đặc điểm lịch sử ở thời điểm chúng được dựng nên, vì vậy, sẽ trở thành kẻ bảo thủ, hoài cổ nếu như ai đó muốn kiến trúc hiện đại phải mang nguyên mẫu của quá khứ. Điều ấy, chẳng những không thực tế mà cũng không đúng, nhưng cũng không phải vì đứng trên quan điểm ấy để bảo rằng kiến trúc hiện đại phải thoát khỏi bóng trùm lên của quá khứ, để khẳng định mình. Chính vì vậy, con người mới bàn nhiều đến chuyện kế thừa truyền thống.

Thật ra, thực hiện việc kế thừa trong những mẫu kiến trúc xây dựng hiện đại không phải là việc mô phỏng bao nhiêu phần trăm cái cũ và thêm bao nhiêu phần trăm cái mới, mà chính là người thiết kế phải nắm được trục tư tưởng, tâm linh của kiến trúc, hay những triết lý và quan niệm về vũ trụ, thế giới, nhân sinh quan của con người Việt Nam; những đặc trưng văn hóa vùng mà tiền nhân đã tổng kết, cũng như những nét đặc trưng cốt lõi trong bố cục, cấu trúc, giải pháp kỹ thuật, mối tương quan giữa vật liệu mới và cũ; sự cải tạo phù hợp với cảnh quan của kiến trúc… bằng sự kế thừa có trí tuệ và lãm tri.

Sự kế thừa, tiếp nối giữa kiến trúc truyền thống và kiến trúc hiện đại luôn là vấn đề cấp thiết được đặt ra trong việc thực hiện bảo tồn, phục dựng lẫn tôn tạo kiến trúc chùa Huế – một thành tố quan trọng cấu thành văn hóa Huế. Có thể kiến trúc mới không giống kiến trúc cũ, nhưng vẫn thừa kế được những tinh hoa của truyền thống trong từng ngõ ngách, khiến con người đứng trước nó vẫn cảm thấy gần gũi và thân thiện. Làm được điều ấy, hoàn toàn không phải là công việc của những chủ nhân có tiền nhưng thiếu am hiểu, mà là của trí tuệ của những nhà chuyên môn, những người quan tâm và có kiến thức, những đối tượng có tấm lòng và thao thức với vấn đề này. Cho nên, chúng tôi vẫn cho rằng, không gian tự viện phải gạt ra ngoài mọi sự đua chen của thế tục, và sự bình dị, tinh tấn, ấm áp, thanh tịnh, an lạc,… phải luôn được đặt lên hàng đầu. Ngoài những điều ấy, kiến trúc tự viện phải là nơi bảo vệ bền vững những giá trị văn hóa truyền thống theo cách của mình với chất minh tuệ và vi tế.

Kiến trúc – không gian thờ tự và cư trú của ngôi chùa, dù bất cứ trong trường hợp nào cũng phải được xem như là điểm “trợ duyên” cho những con người đang sống trong ấy, đang được nuôi dưỡng bởi sự bình dị, tinh tấn, không quá lệ thuộc vào tiện nghi. Đó cũng chính là điều kiện nhắc nhở và hỗ trợ cho những tâm hồn hướng vọng về sự giải thoát. Những kiến trúc mang tinh thần khắc chế tự nhiên bằng quy mô và sự điệu đà, lộng lẫy biểu lộ sự khẳng định tính khuynh loát của tiện nghi hiểu theo chiều ngược lại, cũng là sự “trợ duyên” cho tính tự cao tự đại, lệ thuộc vào xu hướng hưởng thụ và rời xa nét thâm thúy, uyên áo và thoát tục cần có.

Những ngôi chùa Huế hiện nay, ngoài những điểm làm mới, phần lớn là điền thế, và xóa đi cái cổ truyền bằng cái mới một cách thiếu thuyết phục. Những nhu cầu mới đặt ra khiến ngôi chùa phải thay đổi, nhưng không nên vì vậy, cái mới đẩy chúng ta xa dần và mất dần những cảm giác mà mỗi người khi đến với không gian ngôi chùa đều cảm thấy: Đây phải là nơi, mà mọi sự bon chen, xô bồ, và hào nhoáng của lối sống thiên về vật chất hay tính thực dụng được ngăn lại ngay từ vòng rào. Chính vì vậy, cần phải thấu rõ: “Bất chấp các khái niệm về bảo tồn, phục hồi, cải tạo, khôi phục, tái tạo, tái sinh và cải tạo các di sản sinh ra cái mới ở hiện tại, mà không cần quá khứ. Sự sản sinh tôi muốn nói ở đây không có nghĩa là kết quả không “thật”. Đúng hơn, tôi muốn nhấn mạnh rằng di sản không mất đi mà cũng không được tìm thấy, không bị đánh cắp mà cũng không phục hồi. Đó là mô hình các tác phẩm văn hóa ở thời điểm hiện tại dựa vào quá khứ”ix.

Sự thay đổi mang tính hội nhập theo chiều hướng phát triển của lịch sử là một hiện tượng tất yếu, nhưng rõ ràng mức độ, tính chất lẫn tinh thần của từng loại hình kiến trúc cũng phải có lộ trình và biện pháp hợp lý. Tất nhiên, không ai cổ vũ cho việc hóa thạch một thành tựu văn hóa nào cả, nhưng sự phục nguyên, cải tạo hay điền thế bất cứ một di sản nào cũng phải là một sự chọn lựa có trí tuệ của con người đương thời.

Tác giả bài viết: ThS. Nguyễn Hữu Thông – NCS. Lê Thọ Quốc*

Link bài viết gốc: Xu thế biến đổi trong Kiến trúc, cảnh quan chùa Huế (ThS. Nguyễn Hữu Thông – NCS. Lê Thọ Quốc) – Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo (tapchivanhoaphatgiao.com)


*Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục:

Ảnh hưởng của đạo Phật đến các giá trị văn hóa xã hội
Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Mục lục bài viết1. Dẫn luận2. Không gian xứ Huế và sự hình thành của những ngôi chùa trên đất thiền kinh3. Bố cục, kiến trúc, cảnh quan chùa Huế: những đặc trưng định hình3.1. Đặc trưng kiến trúc, bố cục và hệ thống motif trang trí3.2. Cảnh quan vườn chùa Huế: những giá trị...

Những đóng góp của triều đại nhà Trần đối với Phật giáo Việt Nam về văn hoá, tư tưởng
Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Mục lục bài viết1. Dẫn luận2. Không gian xứ Huế và sự hình thành của những ngôi chùa trên đất thiền kinh3. Bố cục, kiến trúc, cảnh quan chùa Huế: những đặc trưng định hình3.1. Đặc trưng kiến trúc, bố cục và hệ thống motif trang trí3.2. Cảnh quan vườn chùa Huế: những giá trị...

Các thiền sư thời Lê sơ và sự nỗ lực chấn hưng truyền thống văn hóa dân tộc Đại Việt
Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Mục lục bài viết1. Dẫn luận2. Không gian xứ Huế và sự hình thành của những ngôi chùa trên đất thiền kinh3. Bố cục, kiến trúc, cảnh quan chùa Huế: những đặc trưng định hình3.1. Đặc trưng kiến trúc, bố cục và hệ thống motif trang trí3.2. Cảnh quan vườn chùa Huế: những giá trị...

Hoà thượng Tâm Ấn Vĩnh Thừa Thiền – Tịnh – Mật tam hành
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Mục lục bài viết1. Dẫn luận2. Không gian xứ Huế và sự hình thành của những ngôi chùa trên đất thiền kinh3. Bố cục, kiến trúc, cảnh quan chùa Huế: những đặc trưng định hình3.1. Đặc trưng kiến trúc, bố cục và hệ thống motif trang trí3.2. Cảnh quan vườn chùa Huế: những giá trị...

Đức Phật nói gì về chính trị và pháp trị quốc?
Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Mục lục bài viết1. Dẫn luận2. Không gian xứ Huế và sự hình thành của những ngôi chùa trên đất thiền kinh3. Bố cục, kiến trúc, cảnh quan chùa Huế: những đặc trưng định hình3.1. Đặc trưng kiến trúc, bố cục và hệ thống motif trang trí3.2. Cảnh quan vườn chùa Huế: những giá trị...

Trúc Lâm đầu đà – một phong cách xuất trần Thượng sĩ
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Mục lục bài viết1. Dẫn luận2. Không gian xứ Huế và sự hình thành của những ngôi chùa trên đất thiền kinh3. Bố cục, kiến trúc, cảnh quan chùa Huế: những đặc trưng định hình3.1. Đặc trưng kiến trúc, bố cục và hệ thống motif trang trí3.2. Cảnh quan vườn chùa Huế: những giá trị...

Đặc tính tư tưởng của Thiền phái Lâm Tế ở Việt Nam
Lịch sử, Nghiên cứu

Mục lục bài viết1. Dẫn luận2. Không gian xứ Huế và sự hình thành của những ngôi chùa trên đất thiền kinh3. Bố cục, kiến trúc, cảnh quan chùa Huế: những đặc trưng định hình3.1. Đặc trưng kiến trúc, bố cục và hệ thống motif trang trí3.2. Cảnh quan vườn chùa Huế: những giá trị...

Tín ngưỡng thờ Mẫu trong tiến trình phát triển tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam
Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Mục lục bài viết1. Dẫn luận2. Không gian xứ Huế và sự hình thành của những ngôi chùa trên đất thiền kinh3. Bố cục, kiến trúc, cảnh quan chùa Huế: những đặc trưng định hình3.1. Đặc trưng kiến trúc, bố cục và hệ thống motif trang trí3.2. Cảnh quan vườn chùa Huế: những giá trị...

Đạo Mẫu và Tín ngưỡng thờ Tam phủ, Tứ phủ qua trật tự các giá Hầu
Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Mục lục bài viết1. Dẫn luận2. Không gian xứ Huế và sự hình thành của những ngôi chùa trên đất thiền kinh3. Bố cục, kiến trúc, cảnh quan chùa Huế: những đặc trưng định hình3.1. Đặc trưng kiến trúc, bố cục và hệ thống motif trang trí3.2. Cảnh quan vườn chùa Huế: những giá trị...

Các kỳ kết tập Kinh điển Tam Tạng Pali
Lịch sử, Nghiên cứu

Mục lục bài viết1. Dẫn luận2. Không gian xứ Huế và sự hình thành của những ngôi chùa trên đất thiền kinh3. Bố cục, kiến trúc, cảnh quan chùa Huế: những đặc trưng định hình3.1. Đặc trưng kiến trúc, bố cục và hệ thống motif trang trí3.2. Cảnh quan vườn chùa Huế: những giá trị...

Bốn trường phái nghiên cứu Phật học trên thế giới
Nghiên cứu

Mục lục bài viết1. Dẫn luận2. Không gian xứ Huế và sự hình thành của những ngôi chùa trên đất thiền kinh3. Bố cục, kiến trúc, cảnh quan chùa Huế: những đặc trưng định hình3.1. Đặc trưng kiến trúc, bố cục và hệ thống motif trang trí3.2. Cảnh quan vườn chùa Huế: những giá trị...

Vai trò của vua Trần Thái Tông trong việc thiết lập nền tảng cho sự hình thành Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Mục lục bài viết1. Dẫn luận2. Không gian xứ Huế và sự hình thành của những ngôi chùa trên đất thiền kinh3. Bố cục, kiến trúc, cảnh quan chùa Huế: những đặc trưng định hình3.1. Đặc trưng kiến trúc, bố cục và hệ thống motif trang trí3.2. Cảnh quan vườn chùa Huế: những giá trị...

Sự thành lập Giáo đoàn Ni Phật giáo
Lịch sử, Nghiên cứu

Mục lục bài viết1. Dẫn luận2. Không gian xứ Huế và sự hình thành của những ngôi chùa trên đất thiền kinh3. Bố cục, kiến trúc, cảnh quan chùa Huế: những đặc trưng định hình3.1. Đặc trưng kiến trúc, bố cục và hệ thống motif trang trí3.2. Cảnh quan vườn chùa Huế: những giá trị...

Đóng góp và giá trị của Tạp chí Viên Âm
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Mục lục bài viết1. Dẫn luận2. Không gian xứ Huế và sự hình thành của những ngôi chùa trên đất thiền kinh3. Bố cục, kiến trúc, cảnh quan chùa Huế: những đặc trưng định hình3.1. Đặc trưng kiến trúc, bố cục và hệ thống motif trang trí3.2. Cảnh quan vườn chùa Huế: những giá trị...

Vài nét về âm nhạc Phật giáo
Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Mục lục bài viết1. Dẫn luận2. Không gian xứ Huế và sự hình thành của những ngôi chùa trên đất thiền kinh3. Bố cục, kiến trúc, cảnh quan chùa Huế: những đặc trưng định hình3.1. Đặc trưng kiến trúc, bố cục và hệ thống motif trang trí3.2. Cảnh quan vườn chùa Huế: những giá trị...

Về tên gọi Thượng Tọa và Thượng Tọa Bộ trong các nguồn tư liệu Phật giáo Trung Hoa
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Mục lục bài viết1. Dẫn luận2. Không gian xứ Huế và sự hình thành của những ngôi chùa trên đất thiền kinh3. Bố cục, kiến trúc, cảnh quan chùa Huế: những đặc trưng định hình3.1. Đặc trưng kiến trúc, bố cục và hệ thống motif trang trí3.2. Cảnh quan vườn chùa Huế: những giá trị...