Những quy tắc đạo đức có một vị trí rất quan trọng trong hầu hết các tôn giáo. Pháp luật hay các quy ước là điều cần thiết đối với bất cứ thành viên nào trong xã hội.Trong mỗi gia đình nếu không có quy tắc, gia đình đó sẽ xảy ra bất đồng; một quốc gia, nếu không có phép nước, thì quốc gia đó sẽ nổi loạn. Trong Phật giáo cũng vậy, giới luật đóng một vai trò vô cùng đặc biệt. Giới được xem là mạng mạch của đời sống Tăng già. Vì vậy, trong đời sống sinh họat của Tăng đoàn hầu hết các quy tắc đặt ra là để phòng hộ, ngăn chặn các hành vi, lời nói bất thiện của vị Tỳ kheo do tham lam, sân hận hay si mê chi phối, khiến vị đó hành động không đúng với tư cách của người tu, làm tổn hại đến uy tín của tăng chúng và các nam nữ cư sỹ Phật tử. Giới là một trong Tam vô lậu học, giới, định và tuệ- Con Đường Thanh Tịnh (Visuddimagga) hay Con đường giải thoát (Vimuttimagga), đưa chúng sanh đến bờ an vui giải thoát.
Trong Tam vô lậu học, Giới đứng đầu. Lý do giới được đặt ở đầu tiên và đặc biệt nhấn mạnh là vì giới là nền tảng của tất cả các thành tựu tâm linh. Chính Đức Phật đã xác tính với môn đệ của mình rằng giới luật là nền tảng của sự tiến bộ tâm linh. ‘Nhân giới sanh định, nhân định phát Tuệ’. Sự hoàn hảo trong giới đánh dấu giai đoạn đầu tiên trong sự phát triển đời sống tâm linh của người đệ tử Phật. Những lời khích lệ của đức Phật với chúng đệ tử trong vấn đề tuân thủ giới luật được tìm thấy nhiều trong kinh tạng Nikaya, đối khi đức Phật dạy cho từng cá nhân nhưng có khi ngài giáo giới cho toàn bộ đại chúng. Điều này cho thấy rằng giới luật là nền tảng căn bản của nếp sống thiền môn. Công việc đầu tiên của người tu tập là phải thọ trì giới pháp để thực hành, nhằm điều chỉnh lại các oai nghi chánh hạnh theo tinh thần giới luật, gạt bỏ những thói hư tật xấu để hoàn thiện tư cách tác phong của người xuất gia học đạo.
Để thiết lập giới luật, tất nhiên phải trải qua một quá trình dài để hình thành và phát triển. Quá trình đó được tuần tự diễn ra theo từng sự kiện trong đời sống sinh hoạt của tăng đoàn, lấy kinh nghiệm từ thực tế này, đức Phật chế ra giới pháp.
1. Những năm đầu trong sự nghiệp của Đức Phật (The Early Years of the Buddha’s Career)
Sau khi đạt được giác ngộ dưới cộ Bồ đề, đức Phật vẫn tiếp tục ngồi đó rồi nhập sâu trong trạng thái thiền định kéo dài suốt bảy ngày. Sau khi xã thiền, ngài liền rời khỏi cây bồ đề và đi đến một một gốc cây khác để chiêm ngưỡng những pháp lạc mà mình đã chứng ngộ. Trong năm tuần liền Đức Phật vẫn ngồi tại đó. Lúc này ngài bắt đầu nghi ngờ liệu mình có nên dạy giáo pháp mà mình vừa mới giác ngộ cho người khác hay không. Bởi vì giáo huấn của Người là tinh tế và sâu sắc, sợ rằng những người khác sẽ không thể hiểu được nghĩa lý ngay cả khi ngài thuyết giảng cho họ. Từ nghi ngờ này, ngài bắt đầu do dự về việc vận chuyển bánh xe chánh pháp. Biết được suy tư này, Đại Phạm Thiên Sahampati đã đến đảnh lễ và cung thỉnh Thế Tôn thuyết pháp: “Bạch ngài, xin ĐứcThế Tôn hãy thuyết giảng Giáo pháp, xin đấng Thiện Thệ hãy thuyết giảng giáo pháp. Có những hạng người sanh lên có tầm nhìn ít bị vấy bụi sẽ là người hiểu được Giáo pháp (những) do việc không nghe Giáo pháp sẽ bị tha hóa.”[1] Sau khi nghe đại Phạm thiên ba lần cung thỉnh như vậy, Đức Thế Tôn bắt đầu dùng Phật nhãn để quan sát. Ngài quan sát các hoa sen trong hồ nước thấy rằng có hoa đã trồi lên khỏi mặt nước, và có hoa thì còn trong lòng nước nhưng rồi tất cả những hoa sen ấy sẽ trồi lên khỏi mặt nước và nở hoa thơm ngát. Chúng sinh cũng vậy, có người căn trí đần độn, chậm lụt, nhưng cũng có người có căn trí thông minh lanh lẹ, họ có thể tiếp nhận giáo pháp để thực hành và đạt được quả vị giác ngộ. Sau khi quán sát như vậy, đức Phật đồng ý với lời thỉnh cầu của đại Phạm Thiên rằng ngài sẽ rao giảng chánh pháp, cứu độ chúng sinh: “Các cánh cửa Bất tử đã được mở ra cho những ai có sự lắng nghe. Hãy khiến chúng từ bỏ tà tín, này Phạm Thiên, với suy nghĩ về việc tổn hại, Ta đã không thuyết giảng Pháp cao quý tuyệt vời cho nhân loại.”[2]
Sau khi đức Phật quyết định vận chuyển bánh xe chánh pháp, ngài liền nghĩ rằng ai sẽ là người đầu tiên để mình thuyết giảng giáo lý cao sâu này. Ngài liền nghĩ đến hai vị Thầy cũ đó là Alala kalama và Uất Đầu Lam Phất, nhưng hay tin hai vị này đã qua đời. Cuối cùng ngài quyết định đến vườn Lộc uyển (Deer Park, Mṛgadāva), thành Ba La Nại, nơi ngài đã cùng tu khổ hạnh với năm anh em Triều Trần Như để thuyết bài kinh Tứ Diệu Đế (Dhammacakkhappavatana), vận chuyển bánh xe pháp và thành lập tăng đoàn. Sự kiện đặc biệt này đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại rằng Phật giáo có đầy đủ Phật, Pháp, và Tăng đoàn, tức Tam Bảo ra đời. Sau bài kinh Tứ đế bằng lối thuyết Tam chuyển thập nhị hằng, năm vị Tỷ kheo bắt đầu dự vào hàng Tứ thánh và tiếp tục đức Phật thuyết bài pháp vô ngã, nói lên sự vô ngã của thân năm uẩn, sự vô thường giả tạm, khổ đau do chấp thủ năm uẩn, nhóm 5 vị Tỷ kheo lần lượt chứng thánh quả A La Hán, đoạn tận khổ đau sinh tử luân hồi.
Tiếp tục đức Phật giáo hóa Ya Xá, vị thanh niên giàu có của xứ Ba La Nại (Sresthin) Benares. Vợ và cha mẹ Yasas đều trở thành nam nữ cư sĩ Phật tử. Bốn người bạn chí thân của Ya Xá cũng lần lượt xuất gia theo Phật, rồi năm mươi người bạn khác cũng phát nguyện xuất gia, và họ cũng trở thành những vị A La Hán đầu tiên trong chúng đệ tử của đức Phật.[3] Lúc này, Tăng đoàn tổng cộng gồm sáu mươi vị trong Giáo hội Phật giáo đương thời.
Như chúng ta biết, trong gia đoạn đầu Tăng đoàn sống trong sự hòa hợp, thanh tịnh, do đó chưa có bất kỳ một quy tắc, hay giới điều nào được thiết lập. Trong khoảng thời gian này mặc dù không có một hệ thống hóa các quy tắc ứng xử, nhưng cộng đồng Tăng già vẫn sống trong tinh thần lục hòa, cộng trú cùng hổ trợ nhau trên con đường tu tập để đạt đến quả vị giải thoát. Do vậy, trong giai đoạn này được gọi là giai đoạn ‘Vô Sự Tăng’.
Cộng đồng tăng chúng lúc này chủ yếu dựa vào lời dạy của đức Phật để áp dụng tu tập, hệ thống giới luật chưa có rõ ràng mà nó chỉ thoáng tìm thấy trong các bản kinh nói về một số điều quy định rằng Tỷ kheo nên làm theo như vậy, và không làm theo như vậy, những bài kinh ấy được gọi là Giới kinh. Tuy chưa có những giới điều quy định, nhưng tại thời điểm đó, chư vị Tỷ kheo đều đạt được những thành tựu về tâm linh cao dựa vào lời dạy trong kinh điển. Họ là những người cao thượng, những vị A La Hán ‘đã thành công trong việc chinh phục vượt qua tất cả những phiền não, lậu hoặc trói buộc trong tâm trí. Họ biết ứng dụng những lời dạy từ kim khẩu của đức Phật để thiết lập cho đời sống tu tập cá nhân cũng như xây dựng Tăng đoàn phát triển trở thành thanh tịnh và hòa hợp.’[4] Thành ra, lúc này không cần thiết phải thiết lập hệ thống giới luật, bởi tất cả mọi thành viên trong Tăng đoàn đều được hướng dẫn trực tiếp từ Đức Phật.
Một đoạn đối thoại lý thú được tìm thấy trong kinh Đại Bát Niết Bàn (Mahapārinibbāna Sutta)[5] thuộc Trường bộ cho chúng ta thấy nguyên do vì sao đức Phật chưa chế định giới luật trong giai đoạn đầu của Tăng đoàn. Tôn giả Ananda thể hiện niềm hy vọng rằng Đức Thế Tôn sẽ không nhập niết bàn cho đến khi ngài đã nói điều gì đó liên quan đến ít nhất là về trật tự của Tỳ kheo. “Thế Tôn sẽ không diệt độ, nếu Ngài chưa có lời di giáo lại cho chúng Tỷ-kheo.” (‘na tāva Bhagavā parinibbāyissati na yāva Bhagavā bhikkhu-sangham ārabbha kincid eva udāharatiti.’) Đức Phật trả lời, A nan, tại sao Như lai lại nói một điều gì đó liên quan đến trật tự của tăng chúng trước lúc nhập niết bàn?
“Này Ananda, chúng Tỷ-kheo còn mong mỏi gì nữa ở Ta! Này Ananda, Ta đã giảng Chánh pháp, không có phân biệt trong ngoài, vì này Ananda, đối với các Pháp, Như Lai không bao giờ là vị Đạo sư còn nắm tay. Này Ananda, những ai nghĩ rằng: ‘Như Lai là vị cầm đầu chúng Tỷ-kheo’; hay ‘chúng Tỷ-kheo chịu sự giáo huấn của Như Lai’ thời này Ananda, người ấy sẽ có lời di giáo cho chúng Tỷ-kheo. Này Ananda, Như Lai không nghĩ rằng: ‘Ta là vị cầm đầu chúng Tỷ-kheo; hay ‘chúng Tỷ-kheo chịu sự giáo huấn của Ta’ thời này Ananda, làm sao Như Lai lại có lời di giáo cho chúng Tỷ-kheo?”[6]
“Vậy nên, này Ananda, hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa một gì khác. Dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một gì khác.”[7] Một sự mâu thuẫn tò mò với những gì Tôn giả Assaji nói, ‘Con chấp nhận sự ăn mày tôn giáo dưới sự hướng dẫn của Thế Tôn’. Một sự mâu thuẫn trong đó chúng ta có thể khám phá những khởi đầu của một sự thay đổi trong tính cách của giáo hội Phật giáo. Khi tìm hiểu kỷ về đoạn kinh trên chúng ta thấy rõ ràng rằng trong giai đoạn ban đầu khá dài, trong khoảng 13 năm đầu, đức Phật chưa từng đưa ra một giới điều nào để áp dụng trong đời sống tu tập của Tăng đoàn lúc bấy giờ. Tuy nhiên, chúng ta cũng tìm thấy sự mâu thuẩn trong lời đức Phật trong đoạn kinh sau: ‘Này Ᾱnanda, pháp và luật là do Ta nói…’ Mặc dù có sự không thống nhất trong lời nói của Phật, điều này cũng dễ hiểu vì đức Phật muốn chúng đệ tử không nên ỷ lại vào Thế Tôn mà hãy tự mình nương tựa chính mình, hạnh phúc hay khổ đau là tự mình kiến tạo lấy. Mặc khác cũng khẳng định rằng, kinh và luật chỉ có đức Phật tuyên thuyết và chế chỉ, chứ không một ai khác có thể làm được điều này. Tuy nhiên một điều khẳng định rằng trong giai đoạn đầu của tăng đoàn giới luật chưa chế định, mà chỉ có các quy tắc chung về ứng xử đúng.
Tại thời điểm đó, Đức Thế Tôn đã đề cập Giới dưới hình thức đơn giản, và các hình thức chung nhất, với mục đích để kiểm soát sáu căn, và ba nghiệp trở nên thanh tịnh, với hình thức của một bài thơ, như sau: “Thiện hộ ư khẩu ngôn, tự tịnh kỳ ý chí, thân mạc tác chư ác, thử tam nghiệp đạo tịnh, năng đắc nha thị hành, thị đại thiên nhân đạo. “He who guards his speech, restrains his mind, commits no wrong by his body, and thus keeps these roads of action clean, will achieve the way taught by the wise.”[8] Hoặc trong các hình thức của chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng của Bát Chánh Đạo.
2. Sự thọ giới trong giai đoạn đầu của Tăng đoàn (The Early Buddhist Ordination)
Trong giai đoạn đầu, các thủ tục thọ giới để trở thành vị Tỷ kheo là khá đơn giản. Tại thời điểm này, các vị thọ giới chỉ được hợp thức hóa bởi Đức Phật, khi ngài thấy các môn đệ đã hội đủ nhân duyên và có khả năng tiếp thu lời dạy là ngài thu nhận vào Tăng đoàn. Theo các văn bản Luật tạng, những người cảm mến đức Phật phát tâm xuất gia, hay những người đã được đức Phật thấy đủ căn duyên xuất gia học đạo, Ngài cho phép họ được trở thành vị Tỳ kheo bằng cách nói đơn giản rằng: “Hãy đến đây Tỳ-kheo, cũng giảng giải là Giáo Pháp, sống và thực hành phạm hạnh để chấm dứt khổ đau.” (Ehi bhikkhu, svakkhato dhammo caro brahmacariyam samma dukkhassa antakiriyaya.) Hoặc ngài chỉ dùng hai từ đơn giản đó là ‘Thiện lai Tỷ kheo’ (Ehi bhikkhu)[9], hoặc ‘Hảy đến này các Tỷ kheo’ (etha Bhikkhavo) tùy theo số lượng ít hay nhiều người.[10] Thủ tục này là lễ thọ giới chính thức để trở thành vị Tỷ kheo như pháp được sử dụng trong những năm đầu mới thành lập Tăng đoàn của Đức Phật.
Theo Đại Phẩm luật tạng (Mahavagga), những người sau khi được đức Phật gọi ‘Thiện Lai Tỷ Kheo’, và trở thành thành viên của Tăng đoàn, đức Phật bắt đầu khuyên chư vị ấy nên lên đường đi đến những nơi khác nhau để truyền bá Phật pháp. Tại giai đoạn này, sáu mươi Tỳ kheo đầu tiên đã chia nhau mỗi người mỗi hướng, không được đi cùng nhau để thực hiện sứ mạng hoằng pháp lợi sinh theo lời khuyên của đức Phật: “Hảy đi và thuyết giảng, này các Tỷ kheo. Vì hạnh phúc an lạc cho chúng sanh, vì hạnh phúc an lạc cho chư thiên và loài người. Không nên đi hai người cùng một hướng. Hãy thuyết pháp với khả năng và tài hung biện của mình để mang lại lợi ích an lạc từ sơ thiện, trung thiện và hậu thiện.”[11] Vì lòng từ bi thương tưởng cho đời, vì chấm dứt khổ đau triền miên trong sinh tử của chúng sinh, đức Phật muốn chư vị Tỷ kheo hãy nỗ lực tinh tấn trong sứ mạng hoằng pháp của mình, đó là ‘thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh.’
Kinh và luật tạng ghi lại rằng, để rao giảng chánh pháp của Phật, các vị tỳ kheo đã đi rất nhiều nơi, từ thôn quê đến thành thị, từ miền ngược đến miền xuôi, suốt trong chín tháng mỗi năm và chỉ dừng chân để kiết túc an cư trong ba tháng mùa mưa. Lúc này, chư vị Tỷ kheo bắt đầu chọn một nơi thích hợp để thiết lập trú xứ an cư, đây là thời gian thích hợp để chư vị Tỷ kheo thúc liễm thân tâm, trau dồi giới, định, tuệ để tấn tu đạo nghiệp. Sau khi kết thúc ba tháng an cư, chư Tăng lại lên đường hoằng pháp trở lại. Theo các văn bản luật tạng, chư vị Tỷ kheo chỉ được phép sắm sáu dụng cụ tùy thân, đó là: ba y, một bình bát, một tọa cụ, và một đảy lọc nước.
Trong khi thực hiện sứ mạng hoằng pháp, các nhà sư truyền giáo phải đối mặt với những khó khăn mới, đặc biệt là khi có người khao khát mới muốn trở thành Tỳ kheo chính thức cũng như tham gia vào Tăng đoàn. Khi có các trường hợp như vậy, chư vị Tỷ kheo phải trở về trình lên đức Phật để thâu nhận họ vào Tăng đoàn. Sau một thời gian, đức Phật thấy có một vài khó khăn cho chư vị Tỷ kheo lên đường xa hoằng pháp và thâu nhận đệ tử, từ đó ngài cho phép thâu nhận những người phát tâm xuất gia mà không cần trình bày với Đức Phật. “Này các Tỷ kheo, ta cho phép ‘kể từ nay ở trong mọi phương, ở trong mọi xứ sở, chính các ngươi hãy cho xuất gia, hãy cho tu lên bậc trên.”[12] Bởi vì tại thời điểm đó, tất cả mọi người là theo một hướng, có thể khá xa Phật, nếu quay trở lại để gặp Đức Phật sẽ là một vấn đề bất tiện.
Thủ tục để thâu nhận đệ tử mới được thực hiện như sau: trước tiên phải cạo bỏ râu tóc, khoác y cà sa trạch bên vai phải, rồi đảnh lễ dưới chân các vị Tỷ kheo, quỳ gối, chắp tay ngang ngực và phát nguyện quy y Tam Bảo ba lần:
Buddham Saranam Gacchami – Tôi quy y Phật.
Dhammam Saranam Gacchami – Tôi quy y pháp.
Sangham Saranam Gacchami – Tôi quy y Tăng đoàn.[13]
Sau khi đọc phát nguyện những câu này ba lần ở trước một vị thầy, vị đó chính thức trở thành một tu sĩ Phật giáo. Đây cũng là một hình thức thụ phong đơn giản để thâu nhận người mới phát tâm xuất gia học đạo trở thành tân Tỷ kheo. Phương pháp này được gọi là chấp nhận bằng cách quy y Tam Bảo (Tisarnagamamupasamda, acceptance by taking refuge in the Triple Jewels).[14]
Từ đó trở đi, số lượng Tỷ kheo ngày mỗi trở nên nhiều. Tăng đoàn của Phật ban đầu chỉ có 5 người, rồi 60 vị và giờ đã trở thành một Tăng đoàn đông đảo. Khi Tăng đoàn đã phát triển nhiều lên, điều tất yếu là phải có một vài thủ tục mới cần thiết để đáp ứng phù hợp cho từng giai đoạn. Một hình thức thọ giới Tỷ kheo phức tạp hơn được quy định, đó là pháp ‘Bạch tứ kiết ma. Tức một lần nêu lên, và ba lần tác pháp giữa đại chúng thì sự mới thành. Chúng Tỷ kheo thì phải đủ túc số bốn người trở lên thì tác pháp mới thành sự.
Như vậy, có ba giai đoạn trong việc phát triển những qui trình thọ giới trong suốt giai đoạn đầu của đức Phật. Thứ nhất, vào giai đoạn đầu tiên nhất, vào chính những năm đầu trong sự nghiệp hoằng đạo của Đức Phật, khi đó một Giới tử muốn gia nhập Tăng Chúng, Đức Phật chỉ đơn giản nói với vị đó, Ehi bhikkhu…(Thiện lai Tỷ kheo.) thì tự nhiên râu tóc tự rụng, có đủ ba y bình bát và đảy lọc nước và trở thành Tỷ kheo. Khi Tăng chúng đã phát triển, Đức Phật khuyên chư vị Tỷ kheo lên đường thuyết pháp, và khi có những ai kết duyên muốn xuất gia học đạo thì họ dẫn người đó đến gặp Phật để ngài chấp nhận họ gia nhập Tăng Chúng. Dần về sau, có những khó khăn xảy ra như đường sá xa xôi cách trở, việc thâu nhận đệ tử mà phải về gặp đức Phật để xin phép sẽ trở nên bất tiện đức Phật đã cho phép từng cá nhân chư vị tỳ khưu có thể chấp nhận những giới sinh của chính mình, và sử dụng một nghi thức “Qui Y Tam Bảo”. Đây là giai đoạn thứ hai. Về sau này, khi số lượng thành viên trong tăng đoàn của Phật tăng lên nhiều, Đức Phật muốn thiết lập một nền tảng vững chắc cho tăng đoàn, trong đó mỗi nhóm Tỳ kheo đã được yêu cầu phải có ít nhất bốn thành viên. Điều này dẫn đến một thủ tục mới gọi là ‘Tứ vị tỷ kheo’, tức nói đến Tăng là phải đủ túc số 4 vị trở lên, một vị chưa thể gọi là Tăng. Từ thời điểm này, khi muốn trở thành một vị tỳ kheo yêu cầu phải được thực hiện nghi lễ ở trước mặt của bốn vị trong một khu vực nhất định, gọi là Tứ vị. Trong giai đoạn thứ ba, khi Đức Phật cảm thấy Tăng Chúng đòi hỏi phải có một tổ chức chính thức hơn, ngài đã nâng cấp nghi thức “Qui Y Tam Bảo” như là cách chấp nhận và thay thế bằng một quyết sách Tăng Chúng sử dụng Bạch tứ yết ma. Nghi thức này vẫn còn đến ngày nay.[15] Như vậy ba thủ tục thọ giới trong Phật giáo: ‘Thiện lai Tỷ kheo’, ‘Quy y Tam bảo’ và “bạch tứ kiết ma’. Ngoài ra còn có thêm loại thọ giới được đề cập trong thời Đức Phật: tức thọ sa di giới cho những vị xuất gia dưới 20 tuổi, như trường hợp của La hầu la được Tôn giả Xá Lợi Phất truyền Sa di giới.
Nghi thức thọ giới có sự khác biệt sau khi Phật nhập diệt, muốn thọ Tỷ kheo giới phải có đủ 10 vị sư (gọi là tam sư, thất chứng), và Tỷ kheo ni phải đủ nhị bộ tăng túc số đủ 20 vị, tại nơi trung tâm Phật giáo, và 5 vị sư tại nơi biên giới xa trung tâm nhưng trong đó phải có người thông thạo về luật). Cụ thể hội đồng giới sư theo quy định trong lễ thọ giới tại miền trung du sông Hằng được qui định là mười vị tỳ khưu. Còn lại những thị trấn xa sôi (điều này bao gồm toàn bộ các vùng lãnh thổ nằm ngoài miền thung lũng sông Hằng), số hội đồng giới sư theo qui định là năm vị, trong năm vị đó phải có một vị tinh thông Giới luật.
Trong việc duy trì các tiêu chuẩn đạo đức cao của Tăng đoàn, do vậy có những quy định cụ thể về việc thâu nhận vào Tăng đoàn đã được đặt ra. Cụ thể không cho phép những người vô đạo đức hay những người vi phạm pháp luật của nhà nước. Họ là những người lính, bọn tội phạm vv,. Ngoài ra nam giới bị khiếm khuyết, tật nguyền hoặc bệnh tật và nghiện ngập cũng không được phép gia nhập Tăng đoàn. (Điều này được ghi rõ trong luật tạng về 13 già nạn). Từ những quy định này, toàn bộ hệ thống Tăng già Phật giáo không có những người không trong sạch về mặt đạo đức hay khiếm khuyết bất kỳ một vấn đề gì trong cơ thể. Do vậy, Tăng đoàn Phật giáo là một cộng đồng của những người đầy đủ về ba mặt, thể dục, đức dục và trí dục, và trở thành một trung tâm tổ chức tốt trong việc tu học và nghiêm trì giới pháp của Phật đã dạy. [16]
Bản chất của Tăng đoàn Phật giáo là ‘hòa hợp và thanh tịnh’. Các thành viên của Tăng già phải thực hành và sống hài hòa thanh tịnh trong đời sống phạm hạnh, đồng học, đồng tu, cùng nhau trợ giúp chia sẽ những kinh nghiệm tu hành, sách tấn nhau trên con đường tu tập giác ngộ giải thoát. Tính bình đẳng trong tăng thân đã được thừa nhận là một trong những đức tính căn bản và ý nghĩa nhất. Trong tăng đoàn, chư vị Tỷ kheo cung kính tôn trọng nhau, đặc biệt là đối với chư vị tôn túc giới cao đức trọng. Tuy nhiên, trong tăng đoàn không có sự phân biệt thứ bậc, ngôi vị, mọi người ai cũng có quyền lợi, nghĩa vụ như nhau. Đó là tin thần dân chủ trong tự nhiên và cấu trúc của nó. Thái độ này của Tăng đoàn trong giai đoạn đầu chỉ ra rằng ngoài việc truyền bá đạo Phật, việc bảo quản lời giáo huấn của Đức Phật được coi là một chức năng quan trọng của tăng đoàn Phật giáo. Đặc điểm đáng chú ý khác của tăng đoàn bao gồm sự bình đẳng tâm linh. Bất cứ ai dù giàu hay nghèo, không phân biệt giai cấp tầng lớp trong xã hội, tất cả có thể nhập vào Tăng đoàn và thực hành theo lời Phật dạy để đạt được mục tiêu giải thoát như nhau. Ngay cả đức Phật, ngài cũng không cho rằng mình là người lãnh đạo Tăng đoàn. Và quả vị giác ngộ không phải chỉ duy nhất mình ngài chứng ngộ mà tất cả mọi người ai cũng có khả năng đó. Ý tưởng này được phản ánh trong tám đặc tính của Tăng, tương ứng với tám đặc tánh của đại dương. Thanh tịnh là sự trong sạch thuần khiết của tâm hồn do việc hành trì giới bổn liên hệ đến việc phát triển tuệ giác đưa đến giải thoát tối hậu. Ý nghĩa này được ví với tám đặc tính sau:
1. Như biển mỗi ngày trở nên sâu thẳm, cũng vậy, sự học tập trong Tăng già dần dần phát triển.
2. Như nước trong biển không bao giờ vượt ra khỏi bờ, cũng thế, đệ tử đức Phật không bao giờ phá giới.
3. Như biển không bao giờ chứa xác chết, và luôn quăng chúng lên bờ, cũng thế, Tăng già luôn buộc tội và trục xuất những người phạm đại giới.
4. Như nước các con sông không còn mang tên gọi riêng khi đổ về biển, cũng vậy khi gia nhập Tăng đoàn, người ta sẽ từ bỏ tên tuổi, dòng họ của mình và chỉ được gọi là các Tỷ kheo đệ tử Phật.
5. Như vị mặn tồn tại khắp biển cả, cũng vậy, vị giải thoát sẽ thẩm thấu khắp thành viên Tăng già.
6. Như nước trăm sông đổ vào biển cũng không làm biển tăng lên hay giảm xuống, cũng thế dù có bao nhiêu thành viên nhập Niết bàn, Tăng già cũng không tăng giảm.
7. Như vô số kho tàng được cất chứa trong biển, cũng vậy, giáo pháp vi diệu được tìm thấy trong Tăng già.
8. Như các con cá lớn chỉ sống trong đại dương, cũng vậy, những vị đệ tử nổi tiếng, ưu việt sống trong Tăng già.
Đó là tám đặc tính quý báu của Tăng, cũng gọi là tám phẩm chất cao thượng của tăng già (aṣṭa adbhuta-dharma) được giải thích theo bản chất đặc thù của nó.[17]
3. Thời gian và lý do đức Phật thiết lập giới điều (The time and reason for the Buddha establish rule of sīla)
Khi Tăng già dần dần phát triển về số lượng tạo thành một cộng đồng tăng chúng đông đảo thì điều chắc chắn sẽ có những phức tạp diễn ra, đó là sẽ có những thành viên có những hành động một vụng về, hoặc gây ra những lỗi lầm. Bất cứ khi nào có trường hợp bất như ý xảy ra, điều được trình lên đức Phật, lúc đó ngài bắt đầu thiết lập một một quy định, và một hình thức trừng phạt thích hợp đối với các hành vi phạm tội, như là một rào cản cần thiến đối với hành vi sai trái trong tương lai.
Theo truyền thống, các Đức Phật chỉ thành lập Giới điều khi cần thiết, khi có đầy đủ nguyên nhân và điều kiện. Nghĩa là khi có một hiện tượng hữu lậu xảy ra làm ảnh hưởng xấu đến hoạt động của Tăng đoàn, Đức Phật liền chế định một giới điều tương ứng nhằm ngăn chặn các pháp hữu lậu khác diễn ra.
Như chúng ta biết, khi cộng đồng tăng già phát triển, kéo theo những vấn đề về sinh hoạt, ăn, mặc và ở trong đời sống hằng ngày. Do vậy những lục đục trong nội bộ đã bắt đầu dấy khởi. Thành ra, đã đến lúc cần phải thiết lập những quy luật hợp pháp để xử lý những vấn đề nãy sinh trong đời sống của Tăng đoàn. Thời gian này không còn là thời gian hoằng kim như giai đoạn ban đầu, mà bắt đầu có những pháp hữu lậu diễn ra trong đời sống sinh hoạt của Tăng. Giai đoạn này không còn là giai đoạn ‘vô sự Tăng’ với những môn đệ chân thành và tha thiết của Đức Phật luôn đồng hành cùng ngài trong những chuyến hoằng pháp. Phần lớn, họ ảnh hưởng trực tiếp từ Đức Phật, thành ra Tăng già sống trong tinh thần hòa hợp, tôn trọng lẫn nhau và có sự tiến bộ tâm linh rõ rệt.
Tuy nhiên có thể đã xảy ra những lục đục trong nội bộ Tăng đoàn, khiến những vị đệ tử lớn của đức Phật lên tiếng đề xuất Ngài chế giới. Do vậy tại đây, Đức Phật Gotama, theo yêu cầu của Tôn giả Xá Lợi Phất thảo luận về những thành công và thất bại trong tổ chức Tăng đoàn của sáu vị Phật quá khứ, từ Tỳ Bà Thi Phật đến Phật Ca Diếp và phân tích chi tiết các nguyên nhân góp phần vào những thăng trầm đó. Ngoài việc giảng dạy đầy đủ chánh pháp, việc thiết lập đầy đủ các quy định hay những giới điều trong giới bổn Patimokkha được xem là vô cùng quan trọng đối với việc thiết lập thành công của tăng đoàn.[18]
Theo đó, Tôn giả Xá Lợi Phất đưa ra những kinh nghiệm của chư Phật trong quá khứ và yêu cầu đức Thế Tôn thiết lập giới luật và giới bổn Ba la đề mộc xoa để hướng dẫn chúng đệ tử. Đức Phật im lặng, và nói rằng Ta biết nên làm gì phải thời, và không nên làm gì khi không phải thời. Ngài dạy: “Này Tôn giả, Ta biết thời phải làm gì, nay chưa tới thời nên Ta chưa chế giới. Khi nào trong Tăng chúng có việc vì danh lợi, vì hữu lậu xảy ra thì Như Lai mới chế giới.”[19]
“Đừng vội, đừng vội, Xá Lợi Phất. Như Lai biêt làm gì đúng thời, không làm những gì không phải thời. Xá Lợi Phất, những giới điều được đặt ra phải đợi đến khi những hữu lậu xuất hiện trong Tăng đoàn. Vẫn còn quá sớm, Xá Lợi Phất, khi Tăng chúng vẫn còn an ổn trong nếp sống Phạm hạnh, vẫn còn đạt được sự tiến bộ tâm linh, vẫn còn nhiều thành tựu lớn, và vẫn còn lớn mạnh trong đời sống tu học. Xá Lợi Phất, Tăng đoàn không có pháp bất thiện, không có sự nguy hiểm, không có vết nhơ, thanh tịnh trong sáng, đúng với bản chất của Tăng.”[20] Rõ ràng ở đây chưa đến độ chín muồi để đức Phật chế giới. Nhưng qua đoạn thảo luận ở trên cho chúng ta thấy rằng tất cả mọi hành động việc làm của đức Phật điều phải có đủ nguyên nhân và điều kiện.
Trong kinh Văn Thù Sư Lợi Vấn, quyển hạ nói: “Tôn giả Văn Thù Sư Lợi bạch Phật: Bạch Đức Thế Tôn, người tà kiến đời sau sẽ phỉ báng rằng nếu Đức Như Lai là bậc Nhất thiết trí, tại sao phải chờ chúng sanh phạm tội rồi mới chế giới?”. Phật dạy: “Nếu ta chế giới trước khi có vi phạm, thì người đời sẽ phỉ báng ta”. Họ bảo rằng: “Tôi không gây tội sao lại cưỡng ép ra giới luật?”Đó không phải là Nhất thiết trí, như thế là Như Lai không có tâm từ bi, không lợi lạc, không bảo bọc chúng sanh. Như người không có con lại nói rằng sẽ sinh con vào giờ ngày ấy, chuyện ấy không thể tin vì không chân thật. Nếu thật sự thấy đứa con người ta mới tin. Cũng thế, này Văn Thù Sư Lợi: “Tội chưa làm, trời chưa thấy thì làm sao chế giới được? Cho nên cần phải thấy rõ tội phạm, rồi sau mới chế giới. Ngài Văn Thù Sư Lợi, như y sĩ biết rõ nguyên nhân tật bệnh và biết có thuốc để trị bệnh ấy”.[21]
Đức Phật chế giới trên tinh thần “tùy phạm tùy kiết” và việc sửa đổi lỗi ấy cũng phải có thời gian và linh động theo từng quốc độ khác nhau. Nói chung giới luật tùy duyên mà bất biến, bất biến vẫn tùy duyên, giữ giới không phải một cách cứng nhắc, cần có sự linh động, trí tuệ nhưng phải đúng với tinh thần của kinh và luật.
Có nhiều thuyết nói về thời gian thiết lập giới điều của đức Phật. Luật Tạng Pāli cho rằng 20 năm sau khi Đức Thế Tôn thành lập Tăng đoàn ngài mới chế giới. Một tài liệu khác cho rằng năm thứ 13, Edward J Thomas trong cuốn “Cuộc đời của Đức Phật qua Truyền thuyết và Lịch sử” (The Life of the Buddha as Legend and History) cho rằng năm thứ 5 sau ngày Thế Tôn Thành đạo. Trong đó năm thứ 13 sau ngày Thế Tôn thành đạo ngài mới bắt đầu chế giới được nhiều ý kiến đồng thuận. Tuy thời gian có sự sai khác nhưng nguyên nhân chỉ là một. Đó là khi trong Tăng chúng xảy ra những pháp hữu lậu tương đương tội Ba la di, đức Phật bắt đầu chế giới. Cụ thể là Tôn giả Sudinna quan hệ tình dục với vợ củ, câu chuyện đến tai đức Phật, sau khi xác minh rõ ràng sự việc Ngài mới chế giới. Và như vậy, lần lượt các giới điều từ Tánh giới đến khinh giới đức Phật tùy phạm tùy chế để trở thành bộ luật tạng hoàn chỉnh lưu hành cho đến bây giờ.
Sau đó, Thế Tôn nói rõ 10 lý do để giới được thiết lập:
1. Để Tăng chúng được cực thịnh
2. Để Tăng chúng được an ổn
3. Để kiềm chế các Tỳ kheo khó kiềm chế
4. Để các Tỳ kheo sống được an ổn
5. Để chế ngự các lậu hoặc ngay trong hiện tại
6. Để chặn đứng các lậu hoặc ngay trong hiện tại
7. Để đem lại tịnh tín cho những người không tin
8. Để làm tịnh tín tăng trưởng cho những người có lòng tin
9. Để chánh pháp được tồn tại
10. Để giới luật được chấp nhận nhằm hướng đến giải thoát.
Đó là mười lý do để đức Phật thiết lập giới điều, tạo nên các cơ sở pháp lý trong ứng dụng thực hành trọn vẹn và thanh tịnh nếp sống thiền môn.[22]
Trong 10 nguyên do này có thể được chia thành ba loại chính. Thứ nhất và thứ hai liên quan đến các vấn đề bên ngoài: 1) để đảm bảo hòa bình và thịnh vượng trong cộng đồng Tăng chúng, và 2) để thúc đẩy và bảo vệ đức tin nơi người Phật tử tại gia. Đó là những người mà các chúng xuất gia luôn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của họ trong tứ sự cúng dường. (Những câu chuyện về nguồn gốc của giới luật khác nhau mô tả những Phật tử thuần thành có những thái độ với những vị Tỷ kheo về những sơ suất trong đời sống phạm hạnh rất nhanh chóng. Và họ phàn nàn, ‘tại sao những vị xuất gia chân chính, là trưởng tử của Như Lai mà lại đi làm những điều đó?) 3). Loại thứ ba liên quan đến vấn đề tư tưởng trong nội bộ: Quy tắc này là để giúp kiềm chế và ngăn chặn những hữu lậu phát sinh trong đời sống cá nhân của tu sỹ Phật giáo. Vì vậy, các quy tắc nhằm mục đích không chỉ phòng hộ sự cơ hiềm của thế gian và ngoại đạo mà chủ yếu nhắm vào việc kiến tạo sự an lạc, hành phúc cho cá nhân người hành trì. Đặc điểm cuối cùng này nhanh chóng trở nên rõ ràng cho bất cứ ai nghiêm túc cố gắng tuân thủ giới luật. Hành trì giới nghiêm túc sẽ giúp hành giả thực tập và nuôi dưỡng chánh niệm, thận trọng trong tam nghiệp thân, khẩu, ý, hoàn thiện phẩm chất đạo đức và đào luyện của tâm trí.[23]
Theo giới kinh, khi một người trở thành một vị Tỳ-kheo, thì điều đầu tiên cần thiết là vị ấy phải thọ trì và thực hành giới. Một vị tân Tỷ kheo cần phải được thanh tịnh, trong sạch ở giai đoạn này, giúp ngăn chặn các bất thiện pháp, không tạo cơ hội làm phát sinh những pháp gây ô nhiễm tâm trí, hành vi và lời nói. Nó sẽ là tốt nếu bất cư ai cố gắng để duy trì trạng thái thanh tịnh này bằng cách thiết lập và an trú mình trong giới bổn, nghiêm trì tịnh giới và các kỷ luật khác của Tăng già. Thỉnh thoảng vị ấy có vi phạm một hay vài giới điều trong giới pháp đã thọ thì phải thành tâm sám hối trước tăng để giới thể trở lại thanh tịnh. Nếu vị Tỷ kheo ấy nghiêm trì thực hành tịnh giới, thì vị ấy cũng đã cho thấy sự tận tâm của mình trong sự phụng hành theo giáo pháp của Phật.[24]
Như vậy, hệ thống Giới Luật đã được phát triển như là công cụ truy tố với mọi giá trị pháp lý ứng dụng trong nếp sống quy củ thiền môn. Nó có giá trị là nhằm ngăn chặn các hành vi phạm tội như trong văn bản nói chung của các giáo pháp được thiết lập là do những hành động không đúng và không xứng đáng với một vị Tỷ kheo, mà đôi khi cũng được áp dụng cho cư sĩ Phật tử, hoặc như là bất lợi cho sự tiến bộ tâm linh của các tu sĩ.
Như vậy, giới luật ở dạng hệ thống hóa và hợp pháp hóa của nó, được thiết lập để bảo vệ đời sống tu viện và do đó góp phần vào sự phát triển, thực hiện tinh thần được đề ra trong kinh điển. Với nếp sống đạo đức ngày càng suy giảm trong đời sống tăng đoàn, thì sự ràng buộc chặt chẽ và nghiêm túc theo tinh thần giới luật sẽ trở thành cần thiết hơn bao giờ hết.
Mặc dù nói rằng, các quy tắc đã được thiết lập từ thứ 13 sau khi giác ngộ Phật và hình thành các thứ tự của Tăng thân. Như trên đã đề cập, do trong lần đầu tiên của mười ba năm chưa có pháp hữu lậu xuất hiện trong Giáo hội Phật giáo, bởi vì không có các tội tương tự như Pārājika hoặc Saṇghādisesa xảy ra trong Tăng đoàn. Nhưng cũng có vấn đề nhỏ xảy ra trong Tăng thân, chẳng hạn như những câu chuyện bất hòa giữa một vị Sư quan sát Luật và một vị Sư luôn tụng kinh tại Kosambi, để Thế Tôn chế ra sáu hòa hợp pháp (Lục hòa), hoặc các vấn đề liên quan đến việc thành lập Ni đoàn. Theo Edward J Thomas trong cuốn sách của mình: Cuộc đời của Đức Phật như truyền thuyết và lịch sử là vào năm thứ năm sau khi Đức Phật giác ngộ với việc chế ‘bát kỉnh pháp’ (garudhammā) và thọ Sa di giới cho Rahura … Điều này cho thấy rằng, không phải trong đầu 12 năm, Tăng đoàn sống hoàn toàn tinh khiết, nhưng vấn đề xảy ra trong Tăng thân vẫn là mức độ có thể được giải quyết bằng những lời khuyên của Đức Phật.
Những lo lắng của các Đại đệ tử như Tôn giả Ᾱnanda, Xá Lợi Phất… về sự tồn tại của Phật Pháp được thảo luận ở phần trên cho thấy rằng, với ý thức rõ ràng rằng vấn đề xảy ra liên quan đến sự tồn tại của Tăng đoàn là không phải không có lý do. Có lẽ họ không có đủ kiên nhẫn hoặc lo lắng quá, khi họ nhìn thấy vấn đề bất thiện xảy ra. Điều đó, không có nghĩa là Đức Phật đã không hề tiên liệu, nhưng mỗi hành động của mình là thuận theo sự tiến hóa của cuộc sống, không bắt buộc hay áp đặt bất kỳ vấn đề gì đối với chúng đệ tử, nhưng để chúng phát triển một cách tự nhiên, như bản chất của giới luật Phật giáo là thuận theo tự nhiên, giới là chánh thuận với giải thoát. Dó đó có thể thấy rằng hệ thống giới luật của Phật giáo có tính pháp lý cao, và hổ trợ để thành tựu các thiện hạnh, đưa đến viên mãn thiền định và trí tuệ.
Như vậy, quá trình hình thành giới luật diễn ra trong một thời gian dài, đúc rút từ những kinh nghiệm thực tế diễn ra trong đời sống tăng đoàn để đức Phật để thiết lập. Sự hoàn thiện toàn bộ hệ thống giới luật Phật giáo là sự kết tinh của hai phẩm chất từ bi và trí tuệ của đức Phật. Tinh thần của giới luôn cởi mở nhưng nghiêm túc, và trí tuệ. Các đặc tính như khai, giá, trì và phạm luôn được ứng dụng một cách trí tuệ và uyển chuyển. Giới là nền tảng đạo đức cơ bản, là cánh cửa đi vào đạo lộ giải thoát. Do đó, giới luôn làm nâng đở người hành trì bước lên bậc cao hơn, hoàn thiện hơn. Thành ra, người có giới luôn có tuệ và người có tuệ luôn đầy đủ giới, như trong Trường Bộ kinh khẳng định. “Tôn giả Gotama, trí tuệ được giới hạnh làm cho thanh tịnh, giới hạnh được trí tuệ làm cho thanh tịnh. Chỗ nào có giới hạnh, chỗ ấy có trí tuệ; chỗ nào có trí tuệ, chỗ ấy có giới hạnh; người có giới hạnh nhất định có trí tuệ; người có trí tuệ nhất định có giới hạnh. Giới hạnh và trí tuệ được xem là tối thắng ở trên đời. Tôn giả Gotama, cũng như lấy bàn tay rửa bàn tay, lấy bàn chân để rửa bàn chân…”[25]
Thích Trung Định
Ghi chú:
[1] Mahāvaggapāli, Paṭhamo Bhāgo, Nedimala, Dehiwala, Sri Lanka: Buddhist Culture Centre, 2009, p. 13. [2] Sđd, tr. 13. [3] Edward J Thomas, The Life of Buddha as legend and History, Delhi: Munshiram Manoharlal Publishers, 2003, p. 90. [4] Thanissaro Bhikkhu, (trans and ed.), The Buddhist Monastic Code: The Patimokkha training rules translated and explained (Valley Center, CA: Metta Forest Monastery, 1998), p. 10. [5] Dīgha Nikaya, The Long Discourses of the Buddha, Boston: Wisdom Publications, 2012, p. 231. [6] Ibid, 231. [7] Sđd, tr. [8] N. V. Banerjee (trans), The Dhammapāda, verse 183, p.103 [9] Edward J Thomas, The Life of Buddha as legend and History, Munshiram Manoharlal Publishers, Delhi, 2003, p. 88. [10] Kanai Lal Hazra, Constitution of the Buddhist saṅgha, Buddhist World Press, Delhi, 1988, p.83. [11] See, Hirakawa Akira, A History of Indian Buddhism, From Śākyamuni to Early Mahāyāna, (trans and ed.) by Paul Groner, Delhi: Motilal Banasidass, 2007, p.32. [12] Vinaya text, part 1, The Mahāvagga (abridged) reverence to the Blessed One, the Holy one, the Fully enlightened one, first khandhaka (volume), (the admission to the order of bhikkhus), 2008, p. 115. [13]J. Takakusu, (ed), Vinaya text, part 1, The Mahāvagga (abridged) reverence to the Blessed One, the Holy one, the Fully enlightened one, first khandhaka (volume), (the admission to the order of bhikkhus), Pāli Text Society, London, 2008, p. 2008, p. 115. [14] Edward J Thomas, The Life of Buddha as legend and History, Munshiram Manoharlal Publishers, Delhi, 2003, p. 90. [15] Thanissaro Bhikkhu (trans.), The Buddhist Monastic Code I, The Patimokkha Rules, The Abbot Metta Forest Monastery P.O. Box 1409, Valley Center, CA 92082 U.S.A, 1994, p. 219. [16] Kanai Lal Hazra, Constitution of the Buddhist Sangha, Delhi: Buddhist World Press, 1988, p.84. [17] Hirakawa Akira, (trans. and ed. by Paul Groner), A History of Indian Buddhism From śākyamuni to Early Mahāyāna, Motila Banarsidas, Delhi, 2007, p. 61. [18] For a different type of Pātimokkha ritual which is said to have been adopted by the Buddhas of the past see Mahāpadāna Sutta (Maurice Walshe, (trans.), Dīgha nikāya, The Long Discourses of the Buddha, Wisdom publication, Boston, 2012, p. 199. [19] See, I.B. Horner, M.A, (trans.), Book of the Discipline, Vinaya pitaka, v.2, Suttavibhaṅga, London: PTS, 1969, p. 18-19. [20] See, I.B. Horner, M.A, (trans.), Book of the Discipline, Vinaya pitaka, vol.2, Suttavibhaṅga, London: PTS, 1969, pp. 18-19. [21] Thích Nữ Trí Hải (dịch), Tứ Phần Tỳ Kheo Ni Giới Bổn, Tập 1, 1995, p. 118. [22]I.B. Horner, The Book of the Discipline, Vinaya pitaka, Suttavibhaṅga , vol.1, Pāli Text Society, London, 1982, p. 37-38. [23] The Buddhist Monastic Code I, The Patimokkha Rules, Translated & Explained by Thanissaro Bhikkhu (Geoffrey DeGraff), The Abbot Metta Forest Monastery P.O. Box 1409, Valley Center, CA 92082 U.S.A, 1994, p. 15. [24] Silavanta Sutta, A Discourse On Silavanta Sutta, Buddha Sæsanæ Nuggaha Organization, p. 5-6. [25]Maurice Walshe (trans.), Digha nikāya, The Long Discourses of the Buddha, Wisdom publications, Boston, 2012, p. 131.