Từ trước đến nay, đa phần chùa tháp, danh Tăng và Phật sự không được ghi lại. Bởi thế, khi cần tra cứu, tìm hiểu, chúng ta thiếu tư liệu, hoặc có chăng nữa thì tư liệu không được ghi lại ngay lúc đương thời, do người có trách nhiệm sưu tập. Trừ một số tự viện có bi ký, nhưng lại quá đại lược; số còn lại phải mãi đến thời gian lâu xa về sau mới được nghiên cứu, tìm hiểu, do người ngoại cuộc ghi chép. Từ đó, có thể có những ghi chép, phán quyết, đánh giá không thật chính xác, hơn nữa, còn bị lệch lạc, xuyên tạc. Một số chùa tháp, danh Tăng, chúng ta phải tìm rải rác trong Đại Nam nhất thống chí, Ô châu cận lục, tư liệu các triều vua chúa… Ngoài sách viết bằng chữ Hán, chúng ta còn phải tìm trong những sách viết bằng tiếng Pháp, thí dụ như, tháp Tổ Liễu Quán, do toàn quyền thực dân Pháp là Sogny viết trong BAVH, năm 1928. Tổ khai sơn chùa Quốc Ân, do một cố đạo Thiên Chúa, Cardière viết (BAVH,1941)… Vì thế, vừa để được phổ biến cho Phật tử phương xa rõ biết, vừa để ghi lại một bảo tháp tuy mới nhưng đã đi vào lịch sử, vừa để kỷ niệm ngày giỗ đầu Hòa thượng Thích Trí Thủ, đặc biệt là những sự kiện chung quanh vấn đề hình thành bảo tháp; chúng tôi thiết nghĩ phác họa lại hình ảnh bảo tháp Hòa thượng là một vấn đề cần thiết.
Hiện tại, có hai bảo tháp, một theo kiểu cổ, một theo tự phát họa của Hòa thượng lúc sinh tiền. Nhưng cả hai đều mang màu sắc tân kỳ. Tháp kiểu cổ, được xây dựng tại khuôn viên chùa Báo Quốc Huế, theo mong cầu của Hòa thượng và cũng đã được môn phái nhất trí (có phụ bản đính kèm ở cuối bài) để bái vọng. Tháp xây bằng đá chẻ, bảy tầng, đường nét rất nghệ thuật, quang cảnh thật hùng vĩ. Nhưng tháp này hiện chỉ để bái vọng. Còn tháp được xây dựng tại khuôn viên Tu viện Quảng Hương Già Lam, nơi Hòa thượng đang an nghỉ là tháp rỗng, bảy tầng, kết hợp chan hòa sắc thái Việt Nam và mẫu hình kiểu kiến trúc của Phật giáo phương Nam. Đây là bảo tháp mà chúng tôi đang đề cập.
Bảo tháp được tôn trí sau chánh điện về phía tay phải (từ ngoài nhìn vào) song hàng với Tổ đường, chệch về phía trái ngôi nhà lưu tàng vật kỷ niệm của Hòa thượng. So với toàn khuôn viên của chùa, khuôn viên của tháp chiếm khoảng 1 phần 8 diện tích, trong số hơn 400 thước vuông. Mặt tháp quay về hướng Tây. Khi vào cổng tam quan, đi qua dãy lầu phía tay phải, có vẻ sâu hun hút, chúng ta nhìn thấy bảo tháp bảy tầng. Trước tháp là một sân rộng tráng xi măng, với hai cấp đủ cho khoảng 500 Phật tử đứng hành lễ. Sân được trang trí với nhiều chậu cây kiểng, hoa lá và bồn cây, như mai, trắc bá diệp, sa kê, nguyệt quý.
Tháp đài cao bay tầng, khoảng 10 thước tây, uy nghiêm đẹp đẽ, nhưng khiêm nhường, thanh nhã. Châu tháp hình vuông rộng 9 thước tây, cao 9 tấc. Chung quanh chân tháp xây bằng gạch thẻ, ngoài gắn một lớp đá chẻ hình chữ nhật, màu xanh, kẻ mạch. Trên nền tháp, bao quanh bằng một lớp tường cao 6 tất, tô đá rửa màu xi măng đen. Khoảng giữa ba phía tường (sau và hai bên) có chậu xi măng gắn liền với tường, hình chữ nhật, rộng 5 tấc, dài 1 thước 3 tấc trồng sứ Thái Lan, hoa màu đỏ, tết đến khoe sắc với mai vàng. Bốn góc tường là bốn trụ vuông, mỗi bề 5 tấc, không cao hơn tường bao nhiêu (1 thước 3 tấc), trên gác bốn đèn chậu cũng bằng xi măng đen. Tường phía trước bảo tháp, cao giống tường ba phía, nhưng hai đầu không nối liền với trụ. Hai khoảng trống là hai cấp thang lên nền tháp, với năm cấp, rộng 9 tấc và bốn con kỳ lân chồm về phía chân thang.
Khoảng giữa tường, ngay với chánh điện bảo tháp là bia bằng xi măng, giữa gắn đá cẩm thạch màu đen, bề 60 phân, bề 90 phân tây. Lòng bia được khắc chữ in chân phương, sơn Trắng, rất nổi. Bài bia “Tưởng niệm” do Hòa thượng Thích Thiện Siêu kính ghi. Phía trước bia, nối liền với hai chân thang là một hồ cạn, hình bán nguyệt, đường kính 3 thước 7 tấc, giữa có 5 hòn non bộ, gọi là ngũ hành sơn: kim, mộc, thuỷ, hỏa thổ. Non bộ nhấp nhô trên mặt nước trong xanh và cá chép vàng bơi lội nhởn nhơ, tăng thêm vẻ hữu tình cho bảo tháp. Non nước quyện với nhau nói lên sự hội ngộ, trung hòa, không thiên lệch, có mặt này mà vẫn không thiếu mặt khác, vừa khế lý, vừa khế cơ, tùy lúc, tùy môi trường, sắc không diệu hữu, chân trực như thị. Có thế, công đức mới trang nghiêm.
“Như thị chân, như thị huyễn, như thị công đức trang nghiêm”. (Câu kết của bài bia tưởng niệm cố Hòa thượng).
Trên nền tháp, còn có một đế tháp hình vuông, mỗi bề 4 thước 9 tấc, cao 8 tấc, trong đổ xà bần. Bốn phía xây gạch, ngoài gắn lớp đá Place, màu vàng sậm, nhiều hình, kẻ mạch. Trên mặt bằng, bao quanh chân trụ tháp, tô đá mài bằng xi măng trắng như một dãy lụa trắng cao viền, dài 4 thước 9 tấc, rộng 4 tấc.
Sừng sững trên tháp đài hai tầng là ngọn tháp cao bảy tầng, cũng hình vuông, đứng trên đài sen, trải sỏi trắng. Bao quanh đài sen là các cánh sen nở, ôm nâng bảo tháp. Tầng thứ nhất rỗng, cao 3 thước, rộng mỗi bề 1 thước 6 tấc tây, với bốn trụ tròn, có hình rồng nổi. Mặt sau, nối liền hai trụ là một bức phong mai, lan có rồng chầu mặt trăng, có hoa văn, chữ thọ, đường nét xuyên rỗng. Khung giữa là hình bán thân nhìn nghiêng của Hòa thượng hình đội mũ hiệp chưởng, mang y gấm, tay phải bắt ấn cam lồ, tay trái lần tràng hạt. Hình đắp bằng thạch cao, màu trắng ngà nằm trên khung hình chữ nhật, rộng 8 tấc, dài 1 thước 2, do một điêu khắc gia đình hình thành, với sự phụ trợ của một đệ tử Hòa thượng, Sư cô Diệu Trang. Giữa lòng tầng một của bảo tháp là tượng Phật A Di Đà, cao 1 thước 2 kể cả đài sen, do Hòa thượng thỉnh từ hồi còn sinh tiền. Tượng được tô đắp theo kiểu Trung Quốc, nhưng xiêm y không có màu sắc sặc sỡ mà thuần màu nhà chùa, vàng nhạt gần gũi với thị giác Việt Nam hơn. Tượng đứng trên nền sỏi trắng.
Trên tầng một của tháp là sáu tầng tháp hình dáng cổ lầu, được bóp dần để có hình tháp nhọn. Đỉnh tháp là hình tháp Xá lợi, kiểu nam truyền. Thân tháp toàn láng bằng xi măng. Các góc tháp nơi cong, có hình đầu long phụng. Các, hình rồng, phụng, lân mang ý nghĩa kiến trúc cổ truyền của đình chùa Việt Nam. Con số bảy tiêu biểu, theo truyền thống Ấn Độ. Bảy tầng tháp tiêu biểu cho lý tưởng siêu tuyệt viên mãn tối thượng của Đức Phật. Số tầng tháp xây cho các vị sư, tiêu biểu cho đức hạnh của vị sư viên tịch. Vào thời phong kiến, các Hòa thượng, Tăng cang và Trú trì được xây tháp từ 5 tầng đến 7 tâng. Còn những vị sư bậc dưới có thể xây từ 1 đến 3 tầng.
Trong lòng nền tháp dưới chân đức Di Đà là nơi tàng Kim quan của Hòa thượng, kim tĩnh đổ toàn cát suối. Phần dưới đáy kim tĩnh vẫn là đất vườn và cũng ngang bằng với mặt vườn, phần trên để trống, bốn phía xây gạch, có hình chữ nhật rộng một thước rưỡi, dài hai thước rưỡi. Trên dưới không xây, để trống, có mục đích để Hòa thượng tiếp cận cả thiên lẫn địa. Khi thiên, địa và nhân hài hòa, thiên hạ được thái bình thịnh vượng.
Mặt bằng của chân tháp dài trải toàn sỏi đá trắng. Kim quan được tôn trí bằng cách từ trên hạ xuống, chứ không đẩy từ hộc ngoài vào hộc trong như khi tháp các vị Hòa thượng đã sẵn có tháp phần. Kiểu nhập tháp, Kim quan được đẩy từ ngoài vào, ở Á đông chỉ dành cho nhà Vua và nhà Sư, người thường không được hưởng truyền thống như thế.
Kim quan của Hòa thượng là một loại gỗ quý. Phương pháp trị quan áp dụng theo lối cổ truyền đặc biệt. Những vật liệu để trị quan, gồm có 12 ký đất sét khô rây mịn, 1 ký xà phòng bột, 3 ký nếp nấu thành xôi nhão, 4 lít dầu phong, 3 xấp lá chuối hột, luộc chín. Ba thứ dầu quết trộn với nhau thành một chất dẻo, trét vào thành trong Kim quan, các kẻ mạch đắp thành hình con lươn bò quanh. Sau khi đất ráo và dính chặt vào gỗ, đổ dầu phụng vào vài ba cái mâm, tiếp theo cứ từng tấm lá chuối một thả vào dầu cho thật thấm đều rồi dán vào phía trong, cả nắp Kim quan. Nhờ phương thức trị quan như thế, Kim quan khỏi cần bọc kẽm mà vẫn để được cả tuần, kể cả sự chịu đựng chao động, khi rước từ chùa Già Lam đến chùa Xá Lợi, quàng tại đây cho các phái đoàn tụng niệm, phúng điếu, chiêm bái, và từ đây trở về nhập tháp tại khuôn viên chùa Già Lam, không có một điều gì đáng tiếc xảy ra.
Hình ảnh Bảo tháp do Hòa thượng phác họa, được thiết trí tại khuôn viên Tu viện Quảng Hương Già Lam. Nơi nhục thân Hòa thượng an nghỉ cũng chính là nơi mà nhiều lần cố Hòa thượng nói đùa, nay trở thành hiện thực. Hòa thượng thường hay nói: Lúc hết làm Phật sự, mình xin về Tổ đình Từ Hiếu đánh chuông hầu Tổ. Nếu muốn an nhàn thích hợp hơn, mỗi năm có bốn mùa, ở bốn nơi. Tết và xuân ở Huế, hè ở Sài Gòn, thu ở Nha Trang, đông ở Đà Lạt. Còn nếu Phật Tổ có gọi về khẩn cấp thì cứ quàng ở luống rau khoai này (tức nơi tôn trí Bảo tháp hiện nay), trong ba năm, rồi chuyển về Huế hầu bên cạnh tháp Tổ khai sơn, Tổ Giác Phong, Tôn Tào Động.
Bảo tháp tại Tu viện Quảng Hương Già Lam được khởi công xây dựng sau ngày cúng thất và hoàn chỉnh hình thành trong ngày đại tường của Hòa thượng, năm 1986.
Thích Minh Tuệ