Trong hành trình phương Nam, cụ Nguyễn Sinh Sắc đã tích cực tham gia và có nhiều đóng góp quan trọng cho phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam Bộ…

Tóm tắt: Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, là một người yêu nước. Trong hành trình trên mảnh đất Nam Bộ, Cụ Phó bảng đã tìm thấy ở phong trào chấn hưng Phật giáo những giá trị tốt đẹp, phù hợp với mục đích của mình. Thông qua phong trào, Cụ đã truyền bá tư tưởng yêu nước nhằm phục vụ cho công cuộc giải phóng dân tộc.

Từ khóa: Chấn hưng Phật giáo, tư tưởng yêu nước, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc

Sau khi từ bỏ chức quan đến lúc qua đời, phần lớn cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc sinh sống ở các tỉnh thuộc Nam Bộ: Sài Gòn, Thủ Dầu Một, Mỹ Tho, Bến Tre, Sa Đéc, Châu Đốc… Tại đây, cụ Nguyễn Sinh Sắc tham gia phong trào Chấn hưng Phật giáo nhằm truyền bá tư tưởng yêu nước, nỗ lực cống hiến sức mình cho cuộc vận động đấu tranh giải phóng dân tộc một cách âm thầm, không khoa trương, nhưng rất bền bỉ. Từ đó, Cụ đưa đạo hòa với đời, đồng hành cùng dân tộc. Hình ảnh ông đồ xứ Nghệ để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp và tình cảm sâu sắc trong giới Phật giáo, cũng như người dân Nam Bộ.

Phật giáo từ khi du nhập vào Việt Nam đã trải qua các giai đoạn thịnh – suy cùng các triều đại của dân tộc. Thời đại Lý – Trần, giáo lý đạo Phật được thể hiện trong kiến lập quốc gia, xây dựng đời sống nhân sinh và trở thành mốc son sáng chói trong lịch sử nước nhà cũng như lịch sử Phật giáo. Đến cuối thời Nguyễn, dưới sự đô hộ của thực dân Pháp, vì nhiều lý do, Phật giáo lâm vào tình trạng suy thoái về mọi mặt. “Có kẻ mượn Phật làm danh, cũng ngày đêm hai buổi công phu, thọ trì, sóc vọng, cũng sám hối như ai; bấy nhiêu đó làm sự nghiệp đạo đức chưa đủ lại thủ dị cầu kì, học thêm bùa ngải, luyện roi thần, làm bạn với Thiên Linh cái, khi ông lên, lúc bà xuống, ngáp ngắn ngáp dài, thư phù niệm chú, gọi là cứu nhân độ thế, nhưng lợi dụng lòng mê muội của chư thiện tín mở rộng túi tham quơ quét cho sạch sành sanh để tư dưỡng lợi kỉ. Than ôi! Phật pháp là Phật pháp há phải ma vương sao mà làm chuyện trò cười cho ngoại đạo? Vậy mà cũng nghiễm nhiên lên mặt trụ trì, là hóa chủ…! Cái hiện trạng như thế bảo sao Phật giáo chẳng suy đồi”(1). Điều này đã làm cho xã hội có những đánh giá sai lệch về bản chất, giá trị thiết thực của đạo Phật. Trong bối cảnh đó, cần có sự chấn chỉnh từ nội dung đến hình thức, con người lẫn tổ chức trong nội bộ Phật giáo. Chấn hưng Phật giáo, nội dung cốt lõi là truyền bá đạo Phật bằng chữ quốc ngữ gắn với việc thành lập các trường đào tạo tăng, ni; mang lại tinh thần mới cho đạo Phật nhằm phù hợp với thời đại mới; củng cố tổ chức, hoạt động kêu gọi sự đoàn kết của tăng, ni, phật tử tham gia vào những hoạt động vì nhân sinh, vì độc lập của dân tộc. “Ý tưởng về việc chấn hưng Phật giáo Việt Nam xuất hiện lần đầu tiên vào ngày 19/9/1923. Nhân ngày lễ kị tại chùa Long Hòa (Trà Vinh), Hòa thượng Khánh Hòa đã vận động tất cả các bậc tôn túc khắp miền Tiền Giang và Hậu Giang về dự lễ, đồng thời họp bàn về vấn đề chấn hưng Phật giáo”(2). Tuy nhiên, “do không nhận được sự tán thành của các tăng, ni, phật tử trên đất Nam Bộ” nên sư Khánh Hòa không thể thành lập được Giáo hội Phật giáo trong toàn quốc nhưng cuộc vận động chấn hưng Phật giáo vẫn diễn ra suốt những năm sau đó và thực tế đã trở thành một phong trào phát triển mạnh mẽ.

Mặt khác, dưới sự thống trị của thực dân Pháp, xã hội và con người Việt Nam cũng có nhiều biến chuyển, phân hóa. “Một bộ phận quần chúng nhân dân tìm đến với Phật giáo như là một liều thuốc an thần trước những sóng gió của cuộc sống, một bộ phận khác tìm đến nhà chùa để lánh nạn hoặc chờ thời và bộ phận còn lại với trăn trở và khao khát tìm kiếm con đường cứu nước, giải phóng dân tộc thì nhìn thấy ở Phật giáo khả năng xây dựng và bảo vệ đất nước như ở hai triều đại Lý – Trần”(3). Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc là một trí thức yêu nước luôn trăn trở với thời cuộc. Trong thời gian ở Nam Bộ, Cụ tìm thấy ở phong trào Chấn hưng Phật giáo những giá trị tốt đẹp, phù hợp với tư tưởng và mục đích mà mình đang hướng tới. Do đó, Cụ Phó bảng tham gia phong trào để truyền bá tư tưởng yêu nước, đoàn kết nhân dân, phục vụ cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Tượng cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc trong khu lăng mộ ông ở thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp)- Ảnh: St
Tượng cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc trong khu lăng mộ ông ở thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp)- Ảnh: St

Cụ đã tiếp xúc với các nhà sư có tinh thần yêu nước như sư Khánh Hòa, sư Từ Văn, sư Chí Thành, sư Huệ Đăng, sư Thiện Chiếu… Sự uyên thâm về nho học, am hiểu triết lý Phật giáo và mối giao tình với những nhân vật chủ chốt của phong trào Chấn hưng Phật giáo đã khiến cụ Nguyễn Sinh Sắc thuận lợi hơn trong quá trình truyền bá tư tưởng yêu nước. Ở Bến Tre, cụ Nguyễn Sinh Sắc có mối quan hệ sâu đậm với sư Khánh Hòa. Thông qua những buổi thuyết giảng kinh văn, luận đàm thế sự, Cụ đã góp phần giúp các học giả, tăng, ni, phật tử nâng cao tinh thần yêu nước, có cái nhìn thấu đáo hơn về thời cuộc. Thậm chí, Cụ còn giúp sư Khánh Hòa mạnh dạn thực hiện ý tưởng chấn hưng Phật giáo. “Cụ Nguyễn Sinh Sắc đã gợi ý sáng tỏ cho sư Cụ Khánh Hòa là phải tổ chức, có tổ chức mới có cơ sở để làm việc, để tạo thế mạnh và hoằng đạo, phải tổ chức thành Hội Phật giáo. Bấy lâu Cụ Khánh Hòa có ý đó, giờ đây được Cụ Sắc làm sáng tỏ hẳn lên và Cụ Sắc trở thành một lý thuyết gia của Cụ Khánh Hòa”(4). Bên cạnh đó, Cụ còn gợi ý sư Khánh Hòa nên đổi tên chùa Tiên Linh thành Tuyên Linh. Ở Thủ Dầu Một, do có cùng chí hướng nên đầu năm 1924, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc cùng sư Từ Văn, Tú tài Phan Đình Viện (Tú Cúc) và các thân sĩ địa phương như thầy Ký Cội, giáo thọ Quới, sư Từ Tâm, ông Khôi, ông Nhẫn… thành lập Hội Danh dự yêu nước. Đây là một tổ chức yêu nước, hoạt động chủ yếu ở chùa Hội Khánh, với các hình thức như khám bệnh hốt thuốc, dạy chữ nho, thực hành Phật sự và lễ đàn ở các chùa… Sự kiện cụ Nguyễn Sinh Sắc tham gia thành lập Hội Danh dự yêu nước (gần như đồng thời với Hội Lục Hòa liên xã hình thành đầu năm 1924) với “…ý nghĩa và mục đích của Hội này hoàn toàn không khác với hội Lục Hòa liên xã, đó là truyền bá tư tưởng yêu nước trong mọi tầng lớp nhân dân, đóng góp cho các hoạt động cứu nước…”(5). Ngoài ra, thời gian này, nhiều khả năng Cụ cũng tham gia viết các bài kêu gọi đoàn kết Phật giáo, cổ vũ phong trào yêu nước qua các tờ báo: Pháp Âm do sư Khánh Hòa chủ xướng, Phật hóa Tân Thanh Niên do sư Thiện Chiếu khởi xướng…

Với hình ảnh một nhà tu hành, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã đi lại và trú ngụ ở nhiều chùa như chùa Tiên Linh (Bến Tre), chùa Hội Khánh (Thủ Dầu Một), chùa Phi Lai (Châu Đốc), chùa Thiên Thai (Bà Rịa)… Trong thời gian sống ở các chùa, cụ Phó bảng chủ yếu xem mạch, hốt thuốc trị bệnh, dạy chữ nho… Thông qua những hoạt động này, Cụ khéo léo “tuyên truyền miệng” đến tăng, ni, phật tử, thanh niên và nhân dân trong vùng tư tưởng yêu nước, chống giặc ngoại xâm. Bên cạnh đó, do là một nhà khoa bảng được truyền tụng “Nam Đàn tứ hổ”, với sự thông minh kiệt xuất của mình, cụ Phó bảng đã giúp nhiều chùa dịch thuật, chú giải kinh sách. Cụ còn đề tặng các chùa Tiên Linh, chùa Kim Tiên (Tiền Giang), chùa Linh Sơn (thành phố Hồ Chí Minh)… những cặp câu đối. Ở chùa Tiên Linh:

Tiên tức Phật, Phật tức tâm, bát vạn trầm lao đô tịnh tâm
Linh như hư, hư như giác, tam thiên thế giới tổng bao hàm.

Tạm dịch:

Tiên là Phật, Phật là tâm, tám vạn khổ đau do tâm tạo
Linh như không, không như ngộ, ba ngàn thế giới chứa bên trong.

Ở chùa Kim Tiên (cũng có ở chùa Hội Khánh):

Đại đạo quảng khai, thố giác khêu đàm để nguyệt
Thiền môn giáo dưỡng, quy mao, thằn thụ đầu phong.

Tạm dịch:

Mở rộng đạo lớn như sừng thỏ, như mò trăng đáy nước
Nuôi dưỡng mái chùa như lông rùa, như cột gió đầu cây.

Ở chùa Linh Sơn:

Phật pháp thị nhập thế nhi phi yếm thế
Từ bi nãi sát sinh dĩ độ chúng sinh.

Tạm dịch:

Đạo Phật là nhập thế chứ không phải yếm thế
Từ bi có lúc phải sát sinh để cứu chúng sinh.

Qua các cặp câu đối, có thể thấy, Cụ đã truyền dẫn thông điệp: Tu là phải nhập thế, cứu đời. Trong bối cảnh nước mất, nhà tan, nhân dân đang chịu cảnh lầm than thì người tu hành nếu chỉ biết tụng kinh, gõ mõ, không màng đến thế sự chính  là người vô cảm, vô tâm, đi ngược lại giáo lý đạo Phật. Nhà tu hành phải biết dấn thân, vì quốc gia, dân tộc, hướng dẫn tăng, ni, phật tử quay về chính pháp, phục vụ nhân sinh để nước nhà độc lập, quốc gia hưng thịnh. Chùa chiền không thể trở thành nơi hành nghề mê tín dị đoan. Các nhà sư không thể chỉ biết ẩn mình trong kinh kệ.

Năm 1927, trước khi rời chùa Tiên Linh để tránh sự theo dõi của mật thám Pháp và dưỡng bệnh, Cụ tặng sư Khánh Hòa cặp câu đối có chứa hai từ “Như Trí”, vốn là pháp danh của nhà sư:

Như thị Như Lai, xuất thế khai thông, hướng dẫn mê đồ quy Phật giới
Trí vi trí giả, hiện thân thuyết pháp, hô hào trí thức thượng thiên lai.

Hòa thượng Thích Thái Không dịch:

Đức Phật Như Lai, đương sống ở đời, dắt chúng lạc đường về cõi Phật
Tổ sư trí giả, hiện còn hóa đạo, dìu đoàn bạn pháp lại quê sư.

Nội dung câu đối thể hiện rõ quan điểm của cụ Nguyễn Sinh Sắc là khích lệ, cổ xúy công cuộc chấn hưng Phật giáo, cần hướng dẫn phật tử đi theo đường chính đạo, không đi theo con đường lầm lạc, xa rời thực trạng xã hội lúc bấy giờ, phải kêu gọi đội ngũ trí thức tham gia dấn thân vì độc lập, tự do của đất nước, đưa dân tộc Việt Nam đến được cõi an vui – thượng thiên lai.

Hơn nữa, trong hành trình qua các tỉnh, thành ở vùng đất phương Nam, thông qua phong trào Chấn hưng Phật giáo, cụ Phó bảng còn tiếp xúc rộng rãi với nhiều thanh niên yêu nước, tiến bộ lúc bấy giờ. Ở Bến Tre là Trần Văn An, Huỳnh Khắc Mẫn, Lê Văn Phát. Ở An Giang là Bùi Trung Phẩm. Ở Cao Lãnh là nhóm của Phạm Hữu Lầu… Qua các cuộc tiếp xúc, Cụ đã giúp họ có cái nhìn thấu đáo hơn về thời cuộc, khơi dậy, lan tỏa tinh thần yêu nước, truyền thống đoàn kết chống ngoại xâm, bồi đắp lý tưởng cho thế hệ trẻ, góp phần tạo lực lượng cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc sau này.

Chịu sự tác động về mặt tư tưởng của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, năm 1930, nhân dịp trùng tu chùa, Hòa thượng Khánh Hòa đã đổi tên chùa Tiên Linh thành chùa Tuyên Linh theo gợi ý của cụ Sắc trước đây. Đồng thời, cặp câu đối: “Tuyên giáo chấn hưng truyền đạo pháp/Linh thông minh đức hiển hương danh” cũng được ghi lên trước cổng chùa. Điều đó cho thấy, kể từ thời điểm này, phong trào Chấn hưng Phật giáo do Hòa thượng khởi xướng không chỉ thuần túy là một phong trào tôn giáo, mà còn là một phong trào vận động chấn hưng, bảovệvăn hóadân tộc, một hoạtđộng yêu nước. Mặt khác, thấm nhuần tư tưởng từ bi và trí tuệ của Phật giáo, Hòa thượng Khánh Hòa không thờ ơ trước những đau khổ của đất nước, nhân dân. Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Nam Bộ đang ở giai đoạn cao trào, Hòa thượng đã dâng quả chuông đồng của chùa Tuyên Linh để đúc vũ khí, phục vụ kháng chiến. Hơn nữa, khi thực dân Pháp đánh chiếm tỉnh Bến Tre, thảm sát đồng bào, Hòa thượng đã tập hợp 172 tăng, ni huấn thị: “Quốc gia khuynh nguy, thất phu hữu trách. Nước nhà đã được độc lập mà người Pháp muốn đô hộ nước ta lần thứ hai. Các con là thanh niên là sinh viên hãy cởi áo cà sa khoác chiến y lao ra trận mạc. Nếu ai muốn tu chờ nước nhà độc lập hãy trở lại tu hành. Hôm nay, thầy tuyên bố xả giới cho các con, hãy lên đường cứu nước”(6).

Nghe theo lời dạy của thầy, nhiều tăng, ni, phật tử Bến Tre, trong đó có một số người từng là học trò của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc những năm 1920, đã tích cực tham gia Cách mạng. Tiêu biểu là sư Thành Lệ (gia đình liệt sĩ, bản thân từng là cán bộ Mặt trận Liên Việt tỉnh Bến Tre), nhiều người trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản như sư Thành Nghiêm (trụ trì chùa Tuyên Linh, kế nghiệp Hòa thượng Khánh Hòa), sư Thái Không (sau là Chủ tịch Mặt trận Liên Việt thị xã Trà Vinh, Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh Bến Tre), sư Thành Đạo (trụ trì chùa Phật Ấn, Sài Gòn), sư Thành Chí (từng ở tù Côn Đảo, mất năm 1956), Hòa thượng Thích Hiển Pháp (năm 1961 là Tổng Thư ký Giáo hội Tăng già Việt Nam tỉnh Bến Tre, vận động quần chúng phật tử đấu tranh chính trị với ngụy quyền Sài Gòn), sư Niệm Châu (sau năm 1975 là Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bến Tre), sư Bảy Hoàng (sau này là Ủy viên Ủy ban Dân vận khu 8), sư Nam Trí (làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 307)… Về phía ni giới có Ni trưởng Diệu Ninh của Ni trường Vĩnh Bửu (nay thuộc xã Khánh Thạnh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre) từng bí mật ủng hộ cách mạng, giúp đỡ kháng chiến. Đệ tử ni Diệu Ninh là Ni trưởng Thích nữ Như Chơn tích cực tham gia Cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ, sau giải phóng là thương binh hạng 4/4…

Ở tỉnh Thủ Dầu Một, nhiều nhân sĩ có quan hệ, tiếp xúc với Hội Danh dự yêu nước và Hội Lục Hòa liên xã đã trở thành những chiến sĩ Cách mạng. Nổi bật có sư Từ Tâm(7), Hòa thượng Thích Thới Đạt(8), Hòa thượng Thích Trí Tấn(9)…

Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc là một nhà khoa bảng, thầy giáo, thầy thuốc có nhân cách lớn; đồng thời cũng là một nhà Phật học uyên thâm, nhà hoạt động yêu nước, nhà Cách mạng theo cách riêng của mình. Trong hành trình phương Nam, cụ Nguyễn Sinh Sắc đã tích cực tham gia và có nhiều đóng góp quan trọng cho phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam Bộ. Những hoạt động của cụ Phó bảng đã ảnh hưởng tích cực đến phong trào yêu nước ở nhiều địa phương. Tư tưởng và hoạt động yêu nước của cụ Phó bảng là tổng hòa giữa đạo và đời, là sự minh triết, nếp sống tốt đẹp của các bậc tiền nhân.

Tác giả: TS.Nguyễn Tôn Phương Du
Học viện Chính trị khu vực II
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 11/2024


CHÚ THÍCH:

(1) Khánh Vân, “Phật giáo ở nước ta vì đâu phải chịu cái hiện trạng suy đồi?”, Duy Tâm Phật học, số 18, 1937, tr. 301.
(2), (3) Dương Thanh Mừng, Phong trào chấn hưng Phật giáo miền Nam Việt Nam, Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng, 2021, tr. 113, 72.
(4) Phùng Hữu Phú, Thích Minh Trí, Hồ Chí Minh với Phật giáo Việt Nam (1945-1969), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997, tr. 16.
(5) Thích Huệ Thông, “Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh sắc và Hội Danh dự yêu nước tại chùa Hội Khánh”, Kỷ yếu Hội thảo Thân thế và sự nghiệp cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Nxb Văn hóa – Văn nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2015, tr. 115.
(6) TS. Nguyễn Quốc Tuấn – TT, TS. Thích Đồng Bổn (Chủ biên), Hòa thượng Khánh Hòa với phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam, Nxb Hồng Đức, Thành phố Hồ Chí Minh, 2018, tr. 627 – 628.
(7) Sư Từ Tâm ở chùa Bình Long là đệ tử của sư Từ Văn, nhiều lần được nghe sư Từ Văn và cụ Phó bảng thuyết giảng kinh văn, đã tham gia cách mạng. Sư bị thực dân Pháp bắt sau lần bí mật họp bàn chuẩn bị nổi dậy trong Khởi nghĩa Nam Kỳ (năm 1940). Sư Từ Tâm bị đày và hy sinh ở Côn Đảo.
(8) Hòa thượng Thích Thới Đạt trụ trì chùa Long Khánh (Bình Dương). Tiếp thu tư tưởng từ Hội danh dự yêu nước, sau này, Hòa thượng đã tích cực tham gia cách mạng. Chùa Long Khánh trở thành cơ sở mật của Việt Minh thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.
(9) Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Hòa thượng Thích Trí Tấn là Tổng Thư ký Hội Phật giáo Cứu quốc Đông Nam Bộ. Hòa thượng đã động viên nhiều tu sĩ ở chùa Hưng Long tham gia kháng chiến. Năm 1947, hưởng ứng phong trào “tiêu thổ kháng chiến”, Hòa thượng cho đốt chùa Hưng Long để chống sự chiếm đóng của quân Pháp. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ- Diệm, Hòa thượng đã nuôi giấu, hỗ trợ nhiều chiến sĩ cách mạng hoạt động đến ngày miền Nam giải phóng.

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục:

Ảnh hưởng của Phật giáo thời Lý đến các lĩnh vực giáo dục, văn học và phong tục tập quán của người Việt
Lịch sử, Văn hóa - Xã hội

Phật giáo thời Lý có ảnh hưởng mạnh mẽ đến các lĩnh vực giáo dục, văn học và phong tục tập quán của người Việt góp phần tạo nên bản sắc dân tộc ta trong giai đoạn nhà Lý trị vì. Tóm tắt: Khi đề cập đến sự tín ngưỡng tâm linh của người Việt thì...

Chính quyền Chúa Nguyễn với các ngôi chùa Sắc tứ ở Đàng Trong (giai đoạn 1558-1777)
Lịch sử, Nghiên cứu

Các chùa sắc tứ luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của chính quyền chúa Nguyễn, mặt khác, thông qua các hoạt động và thực hành nghi lễ Phật giáo với quy mô lớn, thời kỳ này các ngôi chùa sắc tứ đã tỏ rõ vai trò quan trọng trong việc xiển dương Phật...

Đi tìm cơ sở truyền thừa của Ni giới tại Việt Nam qua thư tịch Hán cổ
Lịch sử, Nghiên cứu

Lịch sử truyền thừa của Ni giới ở một số bộ phái Phật giáo nói chung mãi đến hôm nay vẫn còn nhiều vấn đề chưa thể lý giải trọn vẹn. Ngay như tại Việt Nam, do đặc thù của các điều kiện lịch sử, thế nên nhiều nguồn thư tịch quý giá cổ xưa...

Hai bảo vật quốc gia ở chùa Sùng Khánh và chùa Bình Lâm, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Vị Xuyên – Hà Giang không chỉ nổi tiếng về phong cảnh thiên nhiên phong phú, nhiều phong tục tập quán, văn hóa truyền thống và những di tích lịch sử mang đậm nét bản sắc dân tộc, mà còn nhiều điểm du lịch tâm linh như: Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên, đền thờ...

Chủ nghĩa Platon và giáo lý đạo Phật
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Thời đó, khoa học chưa phát triển, máy móc còn thô sơ nhưng họ hướng tới sự tìm tòi thế giới, bản tính con người một cách sâu sắc. Phật pháp ở thế gian, không xa sự giác ngộ của thế gian, tuy hai nền triết học khác nhau nhưng đều chung tư tưởng giúp...

Sự dung hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian qua trường hợp Thiền sư Từ Đạo Hạnh
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Sự dung hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian ở vùng đồng bằng sông Hồng qua trường hợp thiền Sự Từ Đạo Hạnh đã tạo nên hỗn hợp Phật – Thánh mang tính quy chuẩn từ kiến trúc không gian thờ tự cho đến nội dung tôn giáo, trở thành một tổng thể tương đối...

Tín ngưỡng thờ phụng đức Phật Dược Sư thời nhà Đường
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Việc thiết lập đàn tràng và tu trì đức Phật Dược Sư trở nên quan trọng hơn dưới thời trị vì của vua Đường Túc Tông, thời kỳ triều đình nhà Đường phải vật lộn để vượt qua thách thức do những cuộc nổi dậy của quân đội trong nước gây nên… Tín ngưỡng thờ...

Bước đầu khảo cứu mộc bản kinh sách Phật giáo Đàng Trong thời chúa Nguyễn
Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Thông qua hoạt động tổ chức khắc in kinh sách, chúng ta thấy được mối quan hệ mật thiết giữa chính quyền chúa Nguyễn với các vị cao tăng, bên cạnh đó là mối quan hệ gắn bó, cầu tiến, giúp đỡ lẫn nhau giữa các vị sư tăng ở các tông phái khác nhau....

Quá trình phát triển giáo dục Phật giáo miền Nam 1954-1981
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Giáo dục Phật giáo là nền tảng cho mọi hoạt động hoằng pháp của tăng ni, tri thức giúp họ gặt hái được nhiều thành tựu to lớn trong sự nghiệp truyền thừa mạng mạch phật pháp. Lời mở đầu Lịch sử Việt Nam được hình thành và phát triển trên hai nghìn năm văn...

Bồ-tát Quán Thế Âm Trong Văn Hóa Tín Ngưỡng Của Người Việt
Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Đức Quán Thế Âm trở nên thân thiết trong đời sống của người dân Việt đến mức trong sâu thẳm trái tim của mỗi người đều có hình ảnh về vị Bồ-tát luôn đầy lòng bi mẫn này. Ngài là một đối tượng tín ngưỡng thiêng liêng nhưng đồng thời là một người Mẹ thân thương luôn là chỗ dựa cho con cái trên đường đời lắm thác ghềnh,...

Thuyết tái sinh góp phần xây dựng giá trị đạo đức xã hội
Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Theo nhân quả nghiệp báo thì một hành động thiện sẽ dẫn đến các cảnh giới tái sinh tốt đẹp, do đó, tinh thần bất bạo động được xây dựng dựa trên nền tảng từ bi vô ngã trí tuệ của Phật giáo. Tóm tắt: Thuyết tái sinh và nghiệp báo là một trong những chủ...

Hòa thượng Tâm An phụng sự Đạo pháp và Dân tộc
Danh Tăng, Lịch sử, Nghiên cứu

Từ những buổi đầu Phật giáo suy vi, dân tộc chịu ách thống trị của thực dân Pháp, ngài tham gia cuộc chấn hưng Phật giáo Bắc Kỳ. Khi có Đảng lãnh đạo cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, ngài tích cực tham gia phong trào Phật giáo Cứu Quốc. Dẫn nhập Phật...

Ảnh hưởng của đạo Phật đến các giá trị văn hóa xã hội
Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Sự nhấn mạnh vào nhận thức bản thân, từ bi tâm và công lý xã hội đã biến đạo Phật thành một động lực kiên cường cho sự chuyển hoá tích cực. Đạo Phật ra đời ở Ấn Độ từ thế kỷ thứ 6 trước Tây lịch, trong điều kiện xã hội phân chia theo chế...

Những đóng góp của triều đại nhà Trần đối với Phật giáo Việt Nam về văn hoá, tư tưởng
Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Triều đại nhà Trần không chỉ là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong công cuộc khôi phục và phát triển đất nước, mà còn là thời kỳ đánh dấu sự thăng hoa của Phật giáo trong mọi lĩnh vực văn hóa, giáo dục và tinh thần của dân tộc. Chương I. Khái quát...

Các thiền sư thời Lê sơ và sự nỗ lực chấn hưng truyền thống văn hóa dân tộc Đại Việt
Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng với dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp dựng nước, giữ nước, đánh bạt âm mưu xâm lược, nô dịch văn hóa của thế lực phương bắc ngay từ những thế kỷ đầu. Tóm tắt Phật giáo thời Lê sơ (1428 – 1527) tuy ít được triều đình...

Hoà thượng Tâm Ấn Vĩnh Thừa Thiền – Tịnh – Mật tam hành
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Tóm tắt: Sự biến động về chính trị, xã hội của Việt Nam từ nửa sau thế kỷ XIX đã ảnh hưởng rất nhiều đến Phật giáo nước nhà, nên tông chỉ tu tập giữa các tông phái dần bị phai mờ, mất đi ranh giới mà thay vào đó là sự pha lẫn, hoà...

Ads Blocker Image Powered by Code Help Pro

Đã phát hiện trình chặn quảng cáo!!!

Chúng tôi đã phát hiện thấy bạn đang sử dụng tiện ích mở rộng để chặn quảng cáo. Vui lòng hỗ trợ chúng tôi bằng cách vô hiệu hóa các trình chặn quảng cáo này.