Chùa Thầy là một ngôi chùa nổi tiếng của vùng Quốc Oai (Hà Tây trước đây, Hà Nội hiện nay), gắn với vị sư tổ thời Lý Từ Đạo Hạnh, người có công truyền bá Phật giáo, xây dựng chùa, chữa bệnh, dạy nghề rối cho người dân nơi đây. Ra đời từ thời Lý, ngôi chùa là một địa chỉ quan trọng minh chứng cho sự phục hưng của Phật giáo TK XVII, đặc biệt là sự giao hòa giữa giáo lý này với tín ngưỡng dân gian của người Việt. Mối giao hòa ấy được thể hiện một cách sáng tạo qua quần thể kiến trúc của chùa và hang động quanh núi Sài Sơn với những biểu tượng kiến trúc độc đáo.
Được xếp vào một trong những ngôi chùa khởi đầu cho kiểu chùa tiền phật hậu thánh (1), chùa Thày là một hợp thể kiến trúc của hai dạng chùa và đền. Với một số chùa cùng dạng tiền phật hậu thánh như Keo (Thái Bình), Bối Khê, Trăm Gian (Hà Tây) thì yếu tố đền được thể hiện rõ ở một số thành phần kiến trúc như nghi môn, tả hữu vu, hậu cung. Riêng ở chùa Thày, tuy chỉ có hậu cung mang đặc trưng của đền nhưng tính chất này còn biểu hiện ở một số yếu tố như gác trống, cây cỏ, hiện vật và nghệ thuật bài trí đồ thờ.
Trong một không gian kiến trúc Phật giáo vừa trang nghiêm, cổ kính vừa tĩnh mịch lại gần gũi với đời, chùa Thày là sự kết hợp của hai khối kiến trúc thờ phật và thờ thánh trong một kết cấu mặt bằng tiền công (nơi thờ phật) và hậu nhất (nơi thờ thánh), nằm trong một chữ quốc, tạo bởi sự kết nối của hai dãy hành lang và nhà hậu. Đây cũng là một dạng mặt bằng ít gặp trong kiến trúc chùa cổ Việt Nam bởi nét nhấn của tạo hình kiểu chữ nhất nằm ở tòa điện thánh chùa Thày, tạo sự phong phú cho tổ hợp các đơn nguyên kiến trúc trên một mặt bằng tổng thể dạng nội công ngoại quốc phổ biến ở các chùa TK XVII. Tiền đường, thượng điện kết nối với nhau bởi gian ống muống dựa trên bốn hàng cột và hai hàng lan can, trấn song con tiện, không có tường bao xung quanh, tạo không gian mở, gần gũi, nơi giao hòa của hai kiểu ánh sáng tự nhiên và nhân tạo cho khu thờ phật. Khoảng sân giữa tiền đường và thượng điện là nơi đưa ánh sáng tự nhiên vào chùa, nơi bày cây cảnh, tạo sự hài hòa giữa thiên nhiên với kiến trúc. Hình thức này phải chăng là gợi ý cho kiểu giếng trời trong những kiến trúc mặt bằng hình chữ tam sau này ở chùa Kim Liên và Tây Phương?
Dựa trên bộ vì kiểu giá chiêng cho phép nâng cao bộ mái, với hình thức bẩy giả (2) để mở rộng không gian, tường bao là hệ thống cửa bức bàn, trổ ô cửa trấn song con tiện, kết hợp với những ván nong chạm thủng nhiều họa tiết, tạo cho điện phật một không gian tĩnh mịch mà rộng mở, đầy tính từ bi, gần đời. Kết hợp với nghệ thuật bài trí tượng, đồ thờ phật thông thoáng ở tiền đường, dồn dập ở thượng điện, ánh sáng mờ ảo cho con người cảm nhận rõ nét triết lý sắc không, vô thường, sự giải thoát, hướng về cõi niết bàn của đạo Phật. Được xây dựng trên nền của kiến trúc thời Lý, điện thánh được coi là một hậu cung có trước nhất trong số những hậu cung ở các ngôi chùa dạng tiền phật hậu thánh của Việt Nam TK XVII (3). Điện thánh có mặt bằng gần vuông, trên một nền cao hơn điện phật 0,96m, ngưỡng cửa cao, mở các cửa hẹp, bao ba mặt là cửa bức bàn, mái lợp ngói mũi hài. Trong một không gian hẹp, tối, thấp, kiến trúc nội thất ít có trang trí, hệ thống cột lớn tương phản với mặt ngoài kiến trúc, lại có trang trí dải cánh sen công phu trên các ngưỡng, chạm lộng, chạm bong tổ hợp rồng, phượng, lân, hoa trên các ván nong, cánh sen, hoa ở diềm mái… đã biến nơi đây thành một không gian linh thiêng, kỳ bí. Trong điện, có nhiều đồ thờ đậm tính đền như ngai thờ, bài vị, khám thờ, chấp kích, lọng… Yếu tố đền ở chùa Thày còn biểu hiện qua sự xuất hiện của gác trống, đặt đối xứng với gác chuông chùa thờ phật. Gác trống chùa Thày với chiếc trống da lớn, loại trống chỉ có ở dạng chùa tiền phật hậu thánh. Trống da chùa Thày là loại trống lớn, người xưa thường gọi là trống sấm, vốn có ý nghĩa về việc cầu phồn thực thể hiện qua việc người dân thường dùng nó để mở màn các buổi cầu mưa. Dần dần, những trống này trở thành trống hội làm náo nức lòng người, đồng thời cũng là lời cầu phúc tới muôn nhà. Với những ngôi chùa thuần thờ phật, khi xưa thường không có trống da (vì xuất phát tự tâm từ bi).
Ngoài các đồ thờ trong điện thánh, còn có sự xuất hiện của hai tượng ngựa gỗ thường thấy ở đền: ngựa hồng và ngựa bạch ở tòa tiền đường và thượng điện. Một loại cây thiêng trong quan niệm dân gian, mang tính chất biểu trưng của đền, một hình ảnh không thể thiếu khi nhắc đến chùa Thày, là cây gạo, được xem như một trục nối giữa trời và đất, gắn với kiến trúc đền rất rõ.
Được xây dựng trong một vùng bán sơn địa có đặc trưng của nền văn hóa nông nghiệp từ lâu đời, chùa Thày là nơi biểu hiện cho sự hòa hợp của Phật giáo với những tín ngưỡng bản địa, trong đó, nổi bật nhất là tín ngưỡng nông nghiệp cầu mưa và tín ngưỡng thờ đá, núi, tổ nghề. Tất cả được ẩn dưới những hình tượng kiến trúc Phật giáo. Chùa nằm ngay dưới chân núi Sài Sơn, ngọn núi lớn nhất vùng Quốc Oai, phía trước mặt là hồ Long Trì cùng hệ thực vật, hang động đá đa dạng bao quanh. Được bao bọc bởi núi và nước, chùa Thày ở trong một không gian vừa tĩnh mịch, cổ kính, linh thiêng nhưng cũng đượm màu thế tục. Tổng thể kiến trúc ấy như thể hiện rõ ý nghĩa lớn lao mà đạo Phật muốn hướng tới: sự hòa hợp giữa đời và đạo, giữa tự nhiên và con người. Ngay trong bản thân con người của Từ Đạo Hạnh cũng như con đường tu hành của ông cũng là từ đời đến đạo, từ những ham muốn, hận thù, ân oán cá nhân mang tính đời đã đưa ông đến với con đường tu hành, giác ngộ, giải thoát, phổ độ chúng sinh.
Lịch sử ngôi chùa được khởi thủy từ hang Thánh Hóa, nơi ngài tu tập, thoát xác để rồi phát triển thành một ngôi chùa bề thế dưới chân núi là nơi giảng đạo và dần trở thành một trung tâm Phật giáo lớn của vùng Quốc Oai. Đây cũng là bước đường Phật giáo hòa vào đời sống thế tục. Nương theo thế núi, hòa cùng cảnh quan, tận dụng phong thủy, khai thác vẻ đẹp của kiến trúc truyền thống là những thành công của nghệ thuật kiến trúc chùa Thày. Quay mặt về hướng nam, dựa núi, ôm sông, chùa Thày đã khai thác được những ưu thế theo quan niệm phong thủy. Song hình tượng tổng thể kiến trúc chùa Thày là hình tượng rồng. Chùa với các lớp kiến trúc trải dài trong bố cục nội tiền công, hậu nhất, ngoại quốc, tạo lên hình tượng trán rồng. Mình rồng là quần thể núi Hàm Rồng, Sài Sơn, đuôi là ngọn Long Đẩu ôm vòng ra phía trước. Hàm trên của rồng là bờ đất Hàm Rồng, phía trước tiền đường. Bờ bên kia hồ là hàm dưới của rồng. Dải đất chạy vòng sang hai bên chùa là chân rồng. Hai giếng hai bên chùa là mắt rồng. Hai cầu Nhật – Nguyệt Tiên là răng rồng. Hai cây gạo mọc đăng đối hai bên trên bờ đất Hàm Rồng là râu rồng. Gác chuông và gác trống được đẩy ra sau hậu cung, nâng cao hai tầng mái trong tổng thể chùa, là hai tai rồng. Thủy đình nổi lên giữa ao rồng (Long Trì) là viên ngọc trong miệng rồng. Theo quan niệm Phật giáo, rồng là một biểu tượng thiêng, có ý nghĩa như một linh vật chuyên chở giáo lý đạo Phật. Tuy không phải là biểu tượng gốc, nhưng hình tượng rồng được sử dụng nhiều trong các môtip mang ý nghĩa thiêng trong kiến trúc và điêu khắc Phật giáo nước ta.
Việc liên kết các thành phần trong kiến trúc để tạo lên một biểu tượng mang ý nghĩa linh thiêng là một sáng tạo trong nghệ thuật kiến trúc chùa Thày. Không chỉ tạo lên một tổng thể hoàn chỉnh đẹp về tạo hình, kết cấu, nhấn mạnh sự hòa hợp của tự nhiên với nhân tạo mà ở đây còn ẩn chứa những giá trị tư tưởng, văn hóa. Gạt bỏ những lớp ý nghĩa Phật giáo trong hình tượng rồng, có thể thấy, thực chất ý nghĩa hình tượng phong thủy theo dân gian vẫn là phản ánh tín ngưỡng cầu mưa của cư dân nông nghiệp (rồng hút nước làm mưa). Gắn với yếu tố nước của vùng đồng chiêm trũng Quốc Oai còn có những kiến trúc, những sản phẩm nghệ thuật cũng như tín ngưỡng mang đặc trưng văn hóa vùng. Đó chính là ngôi thủy đình, một sân khấu múa rối nước cổ nhất còn tồn tại ở nước ta, tương truyền là do Phùng Khắc Khoan xây dựng từ TK XVII, nhưng kiến trúc hiện còn là của TK XIX. Cùng với thủy đình, vùng Quốc Oai cũng là cái nôi của nghệ thuật rối nước điều khiển bằng dây kéo đặc sắc. Đó chính là một đặc sản nghệ thuật mang dấu ấn văn hóa lúa nước với những hình tượng nghệ thuật rối được tạo hình, vận hành, điều khiển theo các tích trò đậm sắc thái văn hóa nông nghiệp. Nhân vật Từ Đạo Hạnh một lần nữa lại hiện lên nhưng với hình tượng của một vị thành hoàng tổ nghề, người có công sáng lập và truyền nghề cho một số làng thuộc đất Quốc Oai. Trong đó, nổi tiếng và đến nay vẫn bảo lưu được nghề truyền thống là rối làng Phú Đa hay còn gọi là rối làng Ra. Chính bởi vậy mà hàng năm, trong ba ngày hội, Phú Đa phải có trách nhiệm mang rối của làng sang trình diễn ở thủy đình để hầu thánh Từ Đạo Hạnh. Ngay dạng kết cấu điều khiển bằng dây độc đáo của tượng thánh trong khám ở hậu cung chùa Thày cũng là mô phỏng hoạt động của những rối nước. Bên cạnh đó, dưới hình thức của một kiến trúc Phật giáo với bốn mái, hai tầng, tám đao cong vút, được bao bởi những bức tường trổ cửa đặc rỗng nổi giữa mặt hồ Long Trì, thì ngôi thủy đình lại mang một biểu tượng đầy ý nghĩa của Phật giáo – hoa sen trên mặt nước.
Hai chiếc cầu Nhật- Nguyệt Tiên kết nối chùa với làng xóm cùng hệ thống chùa hang trên đỉnh núi Sài Sơn phía bên trái và đền Tam Phủ phía bên phải. Đó được xem là những hình ảnh tạo nét riêng biệt cho chùa Thày. Lần đầu tiên hình ảnh quen thuộc của những chiếc cầu ngói kiểu thượng gia hạ kiều bắc qua các con kênh, rạch ở các làng quê Việt Nam lại hiện lên đầy sáng tạo trong một không gian kiến trúc Phật giáo. Đó cũng là một hình ảnh đẹp đẽ, ý nghĩa của sự bao dung, chấp nhận nhiều tôn giáo, tín ngưỡng trong quan niệm Phật giáo. Trong kết cấu gian ống muống nối tiền đường và thượng điện ở chùa Thày, ta còn gặp một kết cấu đặc biệt được thể hiện ngay ở tên gọi, nhà cầu. Không đơn thuần chỉ là dạng cầu có mái như ở Nhật – Nguyệt Tiên, tòa nhà cầu chạy dọc với cách thức tạo tác đặc biệt, hai bên là vách ngăn bằng gỗ tạo thành thành cầu, chia bốn tầng trang trí dày đặc hoa văn mây, cúc, rồng, trên cùng là lan can có bổ trụ hình chấn song con tiện. Kết cấu này khiến ta liên tưởng tòa nhà giống như một chiếc cầu kết nối tiền đường rộng thoáng với thượng điện, một không gian Phật giáo linh thiêng. Nhưng trong tổng thể kiến trúc chùa Thày, nó lại có ý nghĩa triết lý sâu sắc. Đó là chiếc cầu của tâm, của giác, dẫn chúng sinh tiếp cận với phật và bồ tát, đưa con người rời khỏi bến mê để về thế giới phật; chiếc cầu nối thế giới trần tục của con người với thế giới thanh tịnh của nhà phật (4). Nhà cầu này cũng đã xuất hiện ở chùa Bút Tháp (Bắc Ninh) hay chùa Trăm Gian (Hà Nội) tuy nhiên không có hành lang với nghệ thuật chạm khắc điêu luyện, đầy ý nghĩa như ở nhà cầu chùa Thày.
Ngoài ra, kiến trúc điện thánh chùa Thày và hệ thống hang động trên núi Sài Sơn cùng những truyền thuyết được lưu truyền trong dân gian cũng phản ánh rõ nét tín ngưỡng thờ đá, núi nơi đây. Điện thánh được xây trên một cấp nền cao nhất trong chùa, lối lên phía trước và phía sau là những bậc đá nhỏ, dốc. Xung quanh điện thánh được xếp đá hộc lô nhô, trồng xen lẫn nhiều loại cây như cây đại, tre, trúc… gợi lên hình ảnh của một ngôi chùa trên đỉnh núi (5). Ngay hình tượng thánh Từ Đạo Hạnh cũng ẩn giấu bóng dáng của thần núi. Núi Sài Sơn cũng được xem là ngọn núi chủ lớn nhất, tất cả các ngọn núi khác đều phải chầu về, như sự hội tụ sinh lực về với chùa Thày. Trong ngày hội chùa, mặc dù chỉ là chùa của hai làng Thụy Khê và Đa Phúc nhưng bao giờ cũng phải có đủ kiệu của bốn làng (tứ phương) Thụy Khê, Khánh Tân, Đa Phúc và Sài Khê chầu về với kiệu thánh (6). Hiện nay, trong điện thánh và điện phật chùa Thày vẫn còn lưu dấu ấn của tín ngưỡng thờ đá. Trong điện thánh, hiện còn thờ một tảng đá phía sau tượng vua Lý Thánh Tông, tương truyền là hòn đá Từ Đạo Hạnh đã cho trấn yểm khi xây dựng chùa. Ngay lối vào điện phật, từ phía hậu cung, hiện còn một phiến đá, theo quan niệm dân gian đó là nơi tích tụ được sinh khí của trời đất vì vậy người vào chùa thường bỏ dép ở bên ngoài để mong đón nhận được sinh khí tốt lành đó.
Như vậy, có thể thấy, bằng sự khéo léo hòa mình với những lớp tín ngưỡng, văn hóa bản địa, Phật giáo giai đoạn phục hưng trở lại, TK XVII, trên vùng Quốc Oai, Hà Nội, đã bám rễ bền chắc trong đời sống, tinh thần của người dân nơi đây. Vừa sâu sắc, nhân bản, vừa bao dung, gần đời, Phật giáo đã cho chúng ta nhiều bài học về nhân bản, biểu hiện qua nghệ thuật xây dựng những biểu tượng trong kiến trúc. Trong đó bài học lớn nhất là hướng con người tới sự hài hòa giữa đời và đạo, giữa tự nhiên và con người.
Đặng Thị Phong Lan (Tạp chí VHNT số 334, tháng 4-2012)
_______________ 1. Đặng Thị Phong Lan, Nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc chùa Thày, luận án tiến sĩ văn hóa học, 2010. 2, 5. Nguyễn Văn Tiến, Chùa Thày (Thiên Phúc Tự), Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2004. 3, 6. Phạm Thị Thu Hương, Những ngôi chùa tiền phật hậu thánh ở vùng châu thổ Bắc Bộ, luận án tiến sĩ văn hóa học, 2004. 4. Cục Di sản văn hóa, Một con đường tiếp cận di sản văn hóa, Nxb Hà Nội, 2005. Nguồn: