Mở lòng yêu thương, mong mọi người thành công từ trong suy nghĩ cho đến lời nói và việc làm. Được vậy thì tâm đố kỵ tan biến, bản thân mình an vui và mọi người cũng an vui.
Đố kỵ là tâm lượng hẹp hòi, khó chịu, bực bội, ganh ghét những ai có sắc đẹp, danh vọng, quyền lợi, may mắn và thành công hơn mình.
Khi chưa dự vào Hiền Thánh thì ai cũng mang trong mình tâm xấu đố kỵ này. Chỉ khác nhau là người nhiều kẻ ít, người bộc lộ hết ra bên ngoài còn kẻ thì giấu nhẹm một phần hay giấu hết vào bên trong. Thậm chí ngay cả những lời chia vui chúc tụng chân thành lắm khi cũng là bề ngoài, còn nội tâm thế nào thì mỗi người tự biết.
Tâm đố kỵ ở đời thì quá rõ ràng, dễ hiểu. Điều khiến ta bất ngờ là trong đạo, người tu mang tâm đố kỵ cũng chẳng phải là hiếm. Và khó hiểu nhất là “đố kỵ Phạm hạnh”. Phạm hạnh có nghĩa là thực hành đạo đức, giới hạnh, tịnh hạnh, Thánh hạnh. Thì ra đố kỵ có mặt khắp nơi, trong môi trường tài sắc danh lợi thì có đố kỵ theo tài sắc danh lợi; trong môi trường tu học, thực hành đạo đức thì cũng có đố kỵ theo cách riêng. Nghĩa là, một người chuyên trau dồi đạo đức, thực hành giới hạnh trọn vẹn thanh tịnh, thay vì người này được tán thán, cung kính, lễ bái, cúng dường thì đôi khi lại trở thành đối tượng bị cô lập, bị gièm pha công kích, bị đố kỵ rằng “thấy vậy mà… không phải vậy”. Nói rõ ra, một người thành công về đạo đức, giới hạnh thì vẫn có thể bị đồng đạo vụng tu đố kỵ như thường.
“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
Ta ở trong đây, không thấy một pháp nào mau đưa đến hoại diệt như là ganh ghét, đố kỵ Phạm hạnh. Thế nên, các Tỳ-kheo! Hãy tu hành từ nhẫn, thân hành từ, miệng hành từ, ý hành từ. Như thế, các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.
(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm12. Nhập đạo,VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.140)
Suy nghiệm
Thời Thế Tôn, sự đố kỵ Phạm hạnh đã xảy ra. Đơn giản vì, người có đạo đức và giới hạnh càng cao thì tứ chúng quy ngưỡng ngày càng nhiều, khiến người thiếu Phạm hạnh sút giảm tín đồ nên không vui, sinh tâm ghét ganh, đố kỵ. Theo Thế Tôn, đố kỵ có nhiều thứ bậc nhưng riêng đố kỵ Phạm hạnh rất nguy hiểm, khiến cho đạo pháp “mau đưa đến hoại diệt” nhất. Bởi lẽ, người có đạo tâm khi đối trước bậc Phạm hạnh luôn sinh tâm kính ngưỡng. Nếu xét đạo đức và giới hạnh của mình chưa bằng thì sinh tâm hổ thẹn, tự trách và răn mình cố gắng hơn. Ngược lại sinh tâm đố kỵ với bậc Phạm hạnh thì đạo tâm của mình đã hủ hóa, không chỉ riêng mình thối đọa mà đố kỵ còn khiến cho đạo tình bị sứt mẻ, đạo pháp bị tổn thương.
Thế nên, khi giác tỉnh nhận ra đố kỵ dấy khởi nơi tâm mình thì hãy nhanh chóng rải tâm từ để hóa giải. Từ là tâm yêu thương, mong cho mọi người đều tốt đẹp, an lành. Thấy rõ nguyên nhân vì sao người thành công, và vì cái gì mà ta chưa thành công? Nhờ thấy rõ mọi sự với tuệ tri cùng với vận dụng lời dạy “Hãy tu hành từ nhẫn” của Thế Tôn nên tâm đố kỵ được tưới tẩm yêu thương và nhanh chóng lắng dịu. Dặn lòng nhẫn nhịn, hãy khoan hoặc bớt đố kỵ. Mở lòng yêu thương, mong mọi người thành công từ trong suy nghĩ cho đến lời nói và việc làm. Được vậy thì tâm đố kỵ tan biến, bản thân mình an vui và mọi người cũng an vui.
Quảng Tánh