1. Nguyên văn
資度往生 爲牒薦事。茲據
越南國…省…縣(郡)…社…村、家居奉
佛修香諷經…之晨祈超度事。今…謹以金銀香花齋饌之禮、恭薦于
奉爲…之香靈。
竊念、一靈不昧、九品現前、悟菩提而自意徃生、依般若而隨緣超度。茲臨…之晨、虔仗六和之念、諷誦大乘法寶經文、加持徃生淨土神咒、集此良因、祈生樂國。今則儀筵完滿、法事云終、薦牒宣揚、香靈收執。
惟願、承斯善利、早獲生天、九品妙蓮、彌陀授記。須至牒者。
右牒薦
香靈冥中收執。故牒。
歲次…年…月…日時 請薦牒
2. Phiên âm
TƯ ĐỘ1 VÃNG SANH2 Vị điệp tiến sự.
Tư cứ: Việt Nam Quốc … Tỉnh, … Huyện (Quận), … Xã, … Thôn, gia cư phụng Phật tu hương phúng kinh … chi thần, kỳ siêu độ sự. Kim … cẩn dĩ kim ngân hương hoa trai soạn chi lễ, cung tiến vu:
Phụng vị … chi hương linh.
Thiết niệm: Nhất linh bất muội, Cửu Phẩm hiện tiền; ngộ Bồ Đề nhi tự ý vãng sanh, y Bát Nhã nhi tùy duyên siêu độ.3 Tư lâm … chi thần, kiền trượng Lục Hòa chi niệm, phúng tụng Đại Thừa pháp bảo kinh văn,4 gia trì Vãng Sanh Tịnh Độ Thần Chú; tập thử lương nhân, kỳ sanh Lạc Quốc. Kim tắc nghi diên hoàn mãn, pháp sự5 vân chung; tiến điệp tuyên dương, hương linh thu chấp.6
Duy nguyện:7 Thừa tư thiện lợi, tảo hoạch sanh thiên;8 Cửu Phẩm diệu liên, Di Đà thọ ký. Tu chí9điệp giả.
HỮU10 ĐIỆP TIẾN
Hương linh minh trung thu chấp. Cố điệp.
Tuế thứ … niên … nguyệt … nhật thời. Thỉnh tiến điệp.
3. Dịch nghĩa
Giúp Được Vãng Sanh điệp xin dâng cúng.
Nay căn cứ: việc gia đình hiện ở tại Thôn …, Xã …, Huyện (Quận) …, Tỉnh …, nước Việt Nam thờ Phật dâng hương tụng kinh nhân dịp … cầu xin siêu độ. Nay có … kính lấy nghi lễ cỗ chay, vàng bạc, hương hoa, dâng cúng cho:
Kính vì hương linh …
Nép nghĩ: Hương linh sáng suốt, Chín Phẩm hiện tiền; ngộ Bồ Đề mà tự ý vãng sanh, theo Bát Nhã mà tùy duyên siêu độ. Hôm nay gặp lúc …, nương sức chúng tăng hộ niệm, trì tụng Đại Thừa pháp báu kinh văn, gia trì Thần Chú Vãng Sanh Tịnh Độ, lấy nhân lành nầy cầu sanh về Cực Lạc. Đến nay nghi cúng hoàn mãn, pháp sự vẹn toàn; điệp cúng tuyên bày, hương linh nhận lấy.
Cúi mong: Nương vào lợi lạc, sớm sanh lên Trời; Chín Phẩm sen mầu, Di Đà thọ ký. Kính dâng điệp nầy.
Kính Điệp Cúng
Hương linh nơi cõi âm nhận lấy. Kính điệp.
Ngày … tháng … năm … Điệp thỉnh cúng.
4. Chú thích
- Tư độ (資度): phí dụng qua ngày. Như trong tác phẩm Liêu Trai Chí Dị (聊齋志异), chương Phong Tam Nương (封三娘), của Bồ Tùng Linh (蒲松齡, 1640-1715) nhà Thanh, có đoạn: “Nhân hóa tuẫn táng chi sức, dụng vi tư độ, diệc xưng tiểu hữu (因貨殉葬之飾、用爲資度、亦稱小有, nhân đó bán đồ trang sức chôn theo, dùng làm phí dụng, cũng gọi là tiểu hữu).”
- Vãng sanh (徃生): sau khi mạng chung sanh vào thế giới khác; thông thường từ nầy được dùng thay thế cho từ “chết”. Nếu nói về nghĩa rộng, vãng sanh có nghĩa là thọ sanh vào Ba Cõi, Sáu Đường cũng như Tịnh Độ của chư Phật; nhưng sau khi thuyết Di Đà Tịnh Độ (彌陀淨土) trở nên thịnh hành, từ nầy chủ yếu ám chỉ thọ sanh về thế giới Cực Lạc (s: Sukhāvatī, 極樂). Vãng sanh được chia làm 3 loại: (1) Cực Lạc Vãng Sanh (極樂徃生), căn cứ vào thuyết của Vô Lượng Thọ Kinh (無量壽經), Quán Vô Lượng Thọ Kinh (觀無量壽經) và A Di Đà Kinh (阿彌陀經); tức là xa lìa thế giới Ta Bà (s, p: sahā, 娑婆), đi về cõi Cực Lạc Tịnh Độ của Đức Phật A Di Đà ở phương Tây, hóa sanh trong hoa sen của cõi đó. (2) Thập Phương Vãng Sanh (十方徃生), căn cứ vào thuyết của Thập Phương Tùy Nguyện Vãng Sanh Kinh (十方隨願徃生經), tức vãng sanh về các cõi Tịnh Độ khác ngoài thế giới của đức Phật A Di Đà. (3) Đâu Suất Vãng Sanh (兜率徃生), y cứ vào thuyết của Di Lặc Thượng Sanh Kinh (彌勒上生經) cũng như Di Lặc Hạ Sanh Kinh (彌勒下生經); có nghĩa rằng Bồ Tát Di Lặc (s: Maitreya, p: Metteyya, 彌勒) hiện đang trú tại Nội Viện Đâu Suất (s: Tuṣita, p: Tusita, 兜率), đến 16 ức 7 ngàn vạn năm sau, Ngài sẽ giáng sanh xuống cõi Ta Bà để hóa độ chúng sanh. Người tu pháp môn nầy sẽ được vãng sanh về cung trời Đâu Suất, tương lai sẽ cùng Bồ Tát Di Lặc xuống thế giới Ta Bà. Phần nhiều hành giả Pháp Tướng Tông (法相宗) đều tu theo pháp môn nầy. Ngoài ra, còn có các tín ngưỡng vãng sanh khác như người phụng thờ đức Phật Dược Sư (s: Bhaiṣajyaguru, 藥師) thì sẽ được vãng sanh về thế giới Tịnh Lưu Ly (淨瑠璃) của Ngài; người phụng thờ Bồ Tát Quán Thế Âm (s: Avalokiteśvara, 觀世音) thì được vãng sanh về cõi Bổ Đà Lạc Ca (s: Potalaka, 補陀洛迦); người tín phụng đức Phật Thích Ca (s: Śākya, p: Sakya, 釋迦) thì được sanh về Linh Thứu Sơn (靈鷲山); người tín phụng Hoa Nghiêm Kinh (s: Buddhāvataṃsaka-nāma-mahāvaipulya-sūtra, 華嚴經) thì được vãng sanh về Hoa Tạng Giới (華藏界); tuy nhiên, các tín ngưỡng nầy rất ít, nên vẫn chưa hình thành tư trào. Như đã nêu trên, Cực Lạc Vãng Sanh và Đâu Suất Vãng Sanh là hai dòng tư tưởng chủ lưu của Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, v.v. Đối với Tam Luận Tông, Thiên Thai Tông, Hoa Nghiêm Tông, Thiền Tông, v.v., Cực Lạc Vãng Sanh là phương pháp tự lực thành đạo. Riêng đối với Tịnh Độ Tông, tư tưởng nầy nương vào sự cứu độ của đức giáo chủ Di Đà làm con đường thành Phật, nên được gọi là Tha Lực Tín Ngưỡng. Còn Đâu Suất Vãng Sanh là tư tưởng thích hợp đối với Pháp Tướng Tông, được xem như là pháp môn phương tiện tu đạo. Tại Nhật Bản, trong Tây Sơn Tịnh Độ Tông (西山淨土宗) có lưu hành 2 thuyết về vãng sanh là Tức Tiện Vãng Sanh (卽便徃生) và Đương Đắc Vãng Sanh (當得徃生). Tịnh Độ Chơn Tông thì chủ trương thuyết Hóa Sanh (化生) vãng sanh về Chân Thật Báo Độ (眞實報土), và Thai Sanh (胎生) vãng sanh về Phương Tiện Hóa Độ (方便化土), v.v. Một số tác phẩm của Trung Quốc về tư tưởng vãng sanh như An Lạc Tập (安樂集, 2 quyển) của Đạo Xước (道綽, 562-645) nhà Đường, Vãng Sanh Luận Chú (徃生論註, còn gọi là Tịnh Độ Luận Chú [淨土論註], 2 quyển) của Đàm Loan (曇鸞, 476-?) thời Bắc Ngụy, v.v. Về phía Nhật Bản, cũng có khá nhiều thư tịch liên quan đến tư tưởng nầy như Vãng Sanh Thập Nhân (徃生拾因, 1 quyển) của Vĩnh Quán (永觀); Vãng Sanh Yếu Tập (徃生要集) của Nguyên Tín (源信); Nhật Bản Vãng Sanh Cực Lạc Ký (日本徃生極樂記) của Khánh Tư Bảo Dận (慶滋保胤); Tục Bản Triều Vãng Sanh Truyện (續本朝徃生傳) của Đại Giang Khuông Phòng (大江匡房); Thập Di Vãng Sanh Truyện (拾遺徃生傳), Hậu Thập Di Vãng Sanh Truyện (後拾遺徃生傳) của Tam Thiện Vi Khang (三善爲康); Tam Ngoại Vãng Sanh Truyện (三外徃生傳) của Liên Thiền (蓮禪); Bản Triều Tân Tu Vãng Sanh Truyện (本朝新修徃生傳) của Đằng Nguyên Tông Hữu (藤原宗友); Cao Dã Sơn Vãng Sanh Truyện (高野山徃生傳) của Như Tịch (如寂), v.v. Thần chú trì tụng để được vãng sanh về cõi Tịnh Độ là Bạt Nhất Thiết Nghiệp Chướng Căn Bản Đắc Sanh Tịnh Độ Đà La Ni (拔一切業障根本得生淨土陀羅尼), còn gọi là Vãng Sanh Quyết Định Chơn Ngôn (徃生決定眞言) hay Vãng Sanh Tịnh Độ Thần Chú (徃生淨土神呪). Trong Tịnh Độ Chứng Tâm Tập (淨土證心集, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 62, No. 1196) của Vạn Liên Pháp Sư (卍蓮法師) nhà Thanh có câu: “Tam Giáo đồng nguyên, thống Nho Thích Đạo, câu kham niệm Phật, nhất tâm quy mạng, cụ Tín Nguyện Hạnh, tận khả vãng sanh (三敎同源、統儒釋道、俱堪念佛、一心歸命、具信願行、盡可徃生, Ba Giáo cùng gốc, cả Nho Thích Đạo, đều chung Niệm Phật; một lòng quy mạng, đủ Tín Nguyện Hạnh, thảy được vãng sanh).”
- Siêu độ (超度): siêu thoát, vượt qua. Đối với Phật Giáo, Đạo Giáo, siêu độ nghĩa là vì người đã mất, cung thỉnh các tăng ni, Đạo sĩ đến tụng kinh, bái sám để cầu nguyện cho vong linh ấy được siêu thoát khỏi cảnh khổ nạn của chốn Địa Ngục. Như trong A Tỳ Đạt Ma Đại Tỳ Bà Sa Luận (阿毘達磨大毘婆沙論, Taishō Vol. 27, No. 1545) quyển 28, có đoạn: “Niết danh siêu độ, siêu độ nhất thiết sanh tử khổ nạn cố danh Niết Bàn (涅名超度、超度一切生死苦難故名涅槃, Niết nghĩa là vượt qua, vượt qua hết thảy khổ nạn của sanh tử, nên có tên là Niết Bàn).” Hay trong hồi thứ 33 của Hồng Lâu Mộng (紅樓夢) lại có câu: “Thỉnh kỷ chúng tăng nhân niệm kinh siêu độ tha (請幾眾僧人念經超度他, thỉnh mời vài vị tăng đến tụng kinh siêu độ cho người ấy).”
- Đoạn “kiền trượng Lục Hòa chi niệm, phúng tụng Đại Thừa pháp bảo kinh văn (虔仗六和之念、諷誦大乘法寶經文, nương sức chúng tăng hộ niệm, trì tụng Đại Thừa pháp báu kinh văn)”, trong một bản đang hiện hành tại Chùa Tường Quang (祥光寺), Đường Chi Lăng, Thành Phố Huế, lại có lòng văn khác là: “Kiền trượng Thiền hòa, tuyên dương pháp sự, phúng tụng Đại Thừa pháp bảo tôn kinh (虔仗禪和、宣揚法事、諷誦大乘法寶尊經, nương sức chúng tăng, tuyên bày pháp sự, trì tụng Đại Thừa pháp báu tôn kinh).”
- Pháp sự (法事): còn gọi là pháp yếu (法要), Phật sự (佛事); nghĩa là tuyên dương Phật pháp hoặc ý chỉ tu hành; hay cũng gọi các pháp hội như tụng kinh, giảng kinh, trai hội, v.v., là pháp sự. Như trong Đại A La Hán Nan Đề Mật Đa La Sở Thuyết Pháp Trú Ký (大阿羅漢難提蜜多羅所說法住記, Taishō Vol. 49, No. 2030) có đoạn: “Ư kim Thích Ca Mâu Ni Phật chánh pháp trung, năng vi pháp sự, tự chủng thiện căn (於今釋迦牟尼佛正法中、能爲法事、自種善根, nay trong chánh pháp của đức Phật Thích Ca Mâu Ni có thể làm pháp sự, tự trồng căn lành).” Hay trong Lăng Nghiêm Kinh Tông Thông (楞嚴經宗通, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 16, No. 318) quyển 5 lại có câu: “Phát đại dũng mãnh, hành chư nhất thiết nan hành pháp sự (發大勇猛、行諸一切難行法事, phát sự dũng mãnh lớn, làm tất cả các pháp sự khó làm).” Trong Phật Quốc Ký (佛國記) của cao tăng Pháp Hiển (法顯, 337-422) nhà Tấn cũng có đoạn: “Đạo tục vân tập, thiêu hương nhiên đăng, chủng chủng pháp sự, trú dạ bất tức (道俗雲集、燒香然燈、種種法事、晝夜不息, đời đạo vân tập, đốt hương thắp đèn, biết bao pháp sự, ngày đêm không dứt).”
- Đoạn “kim tắc nghi diên hoàn mãn, pháp sự vân chung, tiến điệp tuyên dương, hương linh thu chấp (今則儀筵完滿、法事云終、薦牒宣揚、香靈收執, đến nay nghi cúng hoàn mãn, pháp sự vẹn toàn, điệp cúng tuyên bày, hương linh nhận lấy)” cũng có khác với bản đang hiện hành tại Chùa Tường Quang là: “Kim tắc nghi diên hoàn mãn, xuất tiến điệp văn nhất đạo, phó dữ hương linh thu chấp (今則儀筵完滿、出薦牒文一道、付與香靈收執, đến nay nghi cúng hoàn mãn, dâng cúng văn điệp một bức, trao cho hương linh nhận lấy).”
- Cũng như vậy, phần Duy Nguyện nầy có khác là: “Hương linh siêu độ, tảo đăng Tây Vức tiêu diêu, thân quyến bình an, cọng hưởng Nam Sơn phú thọ (香靈超度、早登西域逍遙、親眷平安、共享南山富壽, hương linh siêu độ, sớm về Tây Vức tiêu dao, thân quyến bình an, trọn hưởng Nam Sơn phước thọ).”
- Sanh thiên, sinh thiên (生天): sanh lên cõi Trời. Tư tưởng sanh lên cõi Trời không phải chỉ riêng Phật Giáo có, mà nguyên lai đây là tín ngưỡng phổ biến của cổ Ấn Độ, sau đó được Phật Giáo hấp thu vào. Trong các phái triết học của Ấn Độ, học phái Di Mạn Sai (s: Mīmājsā, 彌曼差) cho rằng sau khi tiến hành cúng tế thì có thể có được một loại năng lực mới; nếu năng lực nầy thuộc về thiện, thì nhờ vào đó mà đời sau có thể sanh lên cõi Trời (s: abhyudaya), hưởng thụ niềm vui tột đỉnh, giải thoát luân hồi. Từ abhyudaya nầy có các nghĩa như bay lên trên, thành công, phồn vinh, v.v. Phái Thắng Luận (s: Vaisesika, 勝論派) lấy học thuyết và thật tiễn ấy quy nạp thành cái gọi là “pháp (s: Dharma, 法).” Pháp lại phân thành hai phương diện sanh lên cõi Trời và thiện tối thượng (s: niḥśreyasa, 最上善); lấy việc sanh lên cõi Trời là kết quả quyền chứng (權證) của Phệ Đà (s: Veda, 吠陀). Thiện tối thượng chính là tri (知) của nghiên cứu triết học Sáu Cú Nghĩa, lấy kết quả của đạt được giải thoát. Có điều phái nầy tuy cũng tiến hành cúng tế của Phệ Đà, nhưng lại công nhận sự quyền chứng của Phệ Đà vốn ở quả báo của việc sanh lên cõi Trời. Thế nhưng quả báo nầy vẫn chưa thể thoát ra khỏi luân hồi, cho nên cần phải nghiên cứu triết học Sáu Cú Nghĩa và thật tu mới có thể đạt được chân giải thoát. Theo Phật Giáo, cõi Trời cũng là một trong Sáu Đường, nên vẫn khó thoát khỏi luân hồi. Thuyết cho rằng nhờ nghiệp lành mà được sanh lên cõi Trời, vẫn thấy rải rác trong các kinh điển. Trong Kinh A Hàm, có thuyết về những nhân sanh lên cõi Trời, như lễ kính các Phật tích, cha mẹ, sáu phương, v.v.; tu tập Phạm hạnh, thiện hạnh, giữ giới, cúng dường thức ăn vật uống cho vị Sa Môn, v.v. Ngoài ra, Bát Nhã Kinh (s: Mahāprajñāpāramitā-sūtra, 般若經), Kim Quang Minh Kinh (s: Suvarṇaprabhāsottamarāja-sūtra, 金光明經), Lăng Già Kinh (s: Lankāvatāra-sūtra, 楞伽經), v.v., đều có thuyết về sanh lên cõi Trời. Trong Phật Thuyết Chư Đức Phước Điền Kinh (佛說諸德福田經, Taishō Vol. 16, No. 683) có đoạn: “Duyên thử công đức, mệnh chung sanh thiên, vi thiên Đế Thích, hạ sanh thế gian, vi Chuyển Luân Thánh Vương (緣此功德、命終生天、爲天帝釋、下生世間、爲轉輪聖王, nhờ công đức nầy, khi chết sanh lên Trời, làm Trời Đế Thích, sanh vào cõi người, làm Chuyển Luân Thánh Vương).”
- Tu chí (須至): có 2 nghĩa. (1) Cần phải, nhất định. Như trong bài Nhân Vật Ngâm (人物吟) của Thiệu Ung (邵雍, 1011-1077) nhà Tống có câu: “Nhân phá tu chí hộ, vật phá tu chí bổ (人破須至護、物破須至補, người phá cần phải giúp đỡ, vật phá cần phải tu bổ).” (2) Thời xưa, đây là từ được dùng theo tập quán ở câu kết của các công văn cũng như chấp chiếu. Như trong bài Giảm Mộc Thán Tiền Hiểu Dụ (減木炭錢曉諭) của Chu Hy (朱熹, 1130-1200) nhà Tống có câu: “Thiết khủng hương thôn nhân hộ vị năng thông tri, tu chí tán bảng hiểu thị giả (竊恐鄉村人戶未能通知、須至散榜曉示者, e rằng người trong thôn làng chưa được thông báo, cho nên dán bảng khắp nơi thông báo rõ).” Trong tác phẩm Thông Tục Biên (通俗編), phần Chính Trị (政治), Trạch Hạo (翟灝, ?-?) nhà Thanh giải thích rõ rằng: “Tu chí, kim công văn trung tập vi định thức, vấn kỳ nghĩa, tắc vô năng ngôn chi (須至、今公文中習爲定式、問其義、則無能言之, từ ‘tu chí’, nay trong công văn đã quen thành thể thức nhất định, nếu hỏi nghĩa của nó, thì không thể nói được).” Như vậy, trong công văn, thuật ngữ “tu chí” nầy đôi khi được dùng như thói quen và không có nghĩa gì cả. Trong lòng văn điệp trên, từ “tu chí” trong “tu chí điệp giả (須至牒者)” cũng không có ý nghĩa nhất định nào.
- Hữu (右): có mấy nghĩa khác nhau. (1) Bên phải, bên tay phải, phía hữu; đối nghĩa với tả (左, bên trái). (2) Thời cổ đại thường tôn sùng bên phải, nên lấy bên phải là bên trên, là cao quý. Như trong Sử Ký (史記), phần Liêm Pha Lận Tương Như Liệt Truyện (廉頗藺相如列傳), có câu: “Vị tại Liêm Pha chi hữu (位在廉頗之右, vị trí ở phía trên Liêm Pha).” Hay trong tác phẩm Liêu Trai Chí Dị (聊齋誌異), chương Tróc Chức (促織) lại có câu: “Vô xuất kỳ hữu giả (無出其右者, không còn ai trên nữa).” Hay một số từ khác như: hữu thích (右戚, dòng họ thân thích cao quý của hoàng đế), hữu tánh (右姓, họ hào tộc), hữu khách (右客, vị khách tôn quý), hữu liệt (右列, chư vị tiền bối, tiền hiền có tài đức), v.v. Như vậy, từ “hữu điệp (右牒)” trong văn điệp trên cũng có nghĩa là “điệp văn cao quý, cung kính.”