Phải luôn luôn xem lời khen tiếng chê là thước đo đạo lực của mình, như là những cơ hội để lúc đó ta được thực hành kinh nghiệm tu tập, hãy xem những lời khen đó có làm mình vui không, khi nghe lời chê bai của người khác có thấy lòng phiền giận hay không.
Tâm lý của mỗi người thường thì khi được khen sẽ lấy đó làm vui, và khi bị người chê sẽ lấy đó làm buồn.
Có một chú tiểu rất thông minh đến gặp một vị Lạt Ma và nói rằng:
– Trời ơi! Ngài nổi tiếng lắm, đi đâu con cũng nghe danh Ngài.
Được khen, vị Lạt Ma liền hướng vô bên trong và kêu:
– Này thị giả, hãy mang kẹo ra cho chú tiểu.
Chú tiểu lại nói tiếp:
– Ngài làm như vậy, sao mà giống như Phật dạy quá!
Vị Lạt Ma lại gọi:
– Thị giả, mang thức ăn ngon ra cho chú tiểu.
Chú tiểu khôn ngoan đó lại nói tiếp:
– Chính Ngài là Đức Phật tại thế.
Vị Lạt Ma lại gọi vào trong:
– Hãy mang thêm 3 đồng tiền vàng cho chú.
Chú tiểu nghĩ rằng như vậy là đủ rồi, và đứng chờ nhận quà. Nhưng chờ mãi mà không thấy ai ra, chú hỏi vị Lạt Ma sao thị giả của Ngài chưa đem kẹo, thức ăn và vàng ra?
Vị Lạt Ma nói:
– Tại sao ta phải cho con kẹo, thức ăn, vàng thật chớ? Con chỉ cho ta những lời nói trống rỗng. Ta cũng cho lại con những lời nói trống rỗng…
Trong cuộc sống hàng ngày, nếu có ai khen lập tức quý vị cảm thấy vui sướng. Quý vị hay thường bị gạt gẫm bởi những lời nói vô nghĩa. Những lời nói đó đôi khi lừa gạt quý vị.
Khi tôi sắp rời thành phố này, có một Phật tử đã làm thơ tặng tôi. Trong bài thơ đó cô ta nói: “Nụ cười của Ngài làm tan hết phiền não của con.” Tôi thấy thật buồn cười cho chính bản thân. Chính tôi tu hành mười mấy năm mà chưa tan hết phiền não của mình, thì làm sao nụ cười của tôi có thể làm tan đi phiền não của người khác?
Cho nên người tu khi được người khen cũng không lấy đó làm vui, và khi bị người chê cũng không lấy đó làm buồn.
Trong tinh xá có trưởng lão tên Lacuntaca Bandida ngài đắc đạo mà không ai biết (tất nhiên Phật và những vị đắc đạo trước thì biết hết) tuy đắc đạo nhưng ngài không hiện cái uy như những vị khác, ngài cũng xềnh xoàng, đi làm việc bình thường để phục vụ mọi người, lúc đó có nhiều người không biết hay xem thường ngài kể cả những người cư sĩ, ngài cũng vẫn bình thường không giận hờn hay ra vẻ gì cả.
Sau thời gian dài như vậy mọi người mới thấy vị này có gì đó lạ và hay hay, vì ngài không giận hờn ai cả, lúc nào ngài cũng vui vẻ nên họ thấy nể vị này, chuyện này đến tai Phật, Phật không muốn những người này xúc phạm đến một bậc Thánh nữa nên ngài khen vị này là người trí không bận lòng những việc khen chê, đạo lực của người trí được đo bằng lời khen chê đó, nếu sống ở đời mà không nghe lời khen chê thì ta sẽ không biết đạo lực mình tới đâu.
Phải luôn luôn xem lời khen tiếng chê là thước đo đạo lực của mình, như là những cơ hội để lúc đó ta được thực hành kinh nghiệm tu tập, hãy xem những lời khen đó có làm mình vui không, khi nghe lời chê bai của người khác có thấy lòng phiền giận hay không.
Hãy tập bình thản trước khen chê khi chưa đắc đạo, dù chưa đắc đạo, chưa đạt được sự tự tại thản nhiên thì sự tu tập đó làm hành trang cho ta trên bước đường phía trước.
Lời khen làm ta xích lại gần nhau hơn, dễ gây thiện cảm với nhau. Tuy nhiên khi đi sâu vào đạo thì lời khen dễ lừa gạt bản ngã của ta, sự động tâm trước lời khen tiếng chê làm mất đi đạo lực, bản ngã tăng trưởng thì khó đạt được đạo, bình thản trước lời khen chê cũng là bổn phận để sống giữa đời được bình an.
Khi đó Phật nói bài kệ rằng:
“Như tảng đá kiên cố
Không gió nào lay động
Cũng vậy giữa khen chê
Người trí không bận lòng”.
(Trích “Kinh Pháp Cú)
Quảng Tánh