Từ những buổi đầu Phật giáo suy vi, dân tộc chịu ách thống trị của thực dân Pháp, ngài tham gia cuộc chấn hưng Phật giáo Bắc Kỳ. Khi có Đảng lãnh đạo cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, ngài tích cực tham gia phong trào Phật giáo Cứu Quốc.
Dẫn nhập
Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ rất sớm, suốt chiều dài lịch sử dân tộc gắn bó chặt chẽ với đời sống nhân dân. Thời kỳ Lý – Trần thịnh thế cũng là thời điểm thịnh thế nhất của Phật giáo Việt Nam. Song, thế cục xoay vần, nhân tâm cải biến; Phật giáo từ cực thịnh cũng đi đến những nốt trầm, đặc biệt là sự suy thoái mạnh mẽ những năm đầu thế kỷ XX.
Muốn thức tỉnh cả một nền Phật giáo suy vi ta cần tìm chân lý của người tu hành. Chấn hưng đạo pháp, cứu quốc giúp đời, nối liền đạo pháp và dân tộc là sự đóng góp của nhiều bậc tu hành.
Trong nội dung bài này, chúng tôi biên khảo về hành trạng của cố Hòa thượng Thích Tâm An từ công cuộc chấn hưng Phật giáo đến khi thống nhất Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Từ khóa: Hòa thượng Thích Tâm An, chấn hưng Phật học, tinh thần dân tộc, thống nhất Phật giáo
I. Phong trào Chấn hưng Phật giáo miền Bắc
1. Bối cảnh
Từng có một nền Phật giáo cực thịnh như Mặt Trời chính Ngọ vào thời Lý – Trần, nay lại suy thoái mạnh mẽ. Sự suy vi của Phật giáo đến từ cả hai phía, từ trong ra ngoài. Bên ngoài là sự kìm hãm của chính quyền thực dân đối với Phật giáo cùng hàng loạt những chính sách hạn chế như: Lập Tăng tịch để kiểm tra, bắt buộc chùa phải xin phép trước, hạn chế nhà chùa mua sắm đất hay thu nhận tài sản của thập phương cúng hỷ,… (1)
Bên trong, sự suy thoái của đạo Phật đến từ “trình độ thấp kém của tăng đồ, kinh điển không thông, giáo lý không hiểu; là thầy dẫn đạo mà không có khả năng giáo lý cho tín đồ.” (2)
Trước thách thức lớn như vậy, từ Nam ra Bắc, một cuộc vận động chấn hưng Phật giáo đã diễn ra. Hội Phật giáo Cổ Sơn Môn ra đời với mong muốn vực dậy Phật giáo, tuy nhiên mỗi sơn môn lại có niêm luật riêng, không có sự thống nhất giữa các Sơn môn với nhau. Tiếp đó là sự ra đời của Hội Phật giáo Bắc Kỳ với mong muốn thống nhất Phật giáo miền Bắc trong cùng một tổ chức.
Tuy nhiên, từ khi ra đời Hội Phật giáo Bắc Kỳ liên tục bị Hội Phật giáo Cổ Sơn Môn công kích, hai bên chưa gạt bỏ được cái riêng để hướng tới mục tiêu chung là chấn hưng Phật giáo. Dẫu vậy, chấn hưng Phật giáo vẫn là vấn đề bức thiết. Cuối cùng, dưới sự hàn gắn của Tổ Vĩnh Nghiêm, hai bên đã tìm được tiếng nói chung.
2. Những đóng góp
Phong trào Chấn hưng Phật giáo Bắc Kỳ là sự cấu thành của ba giai đoạn:
Giai đoạn đầu từ 1927 đến 1928, vận động lực lượng báo chí; giai đoạn hai từ 1932 đến 1936 thành lập các tổ chức Phật giáo và giai đoạn ba là chấn hưng (3). Trong giai đoạn ba này, Hòa thượng Thích Tâm An xuất hiện cùng những đóng góp quan trọng trong công cuộc chấn hưng Phật học miền Bắc.
Sao chép, khắc ván, in kinh bổ khuyết cho Đại tạng nước nhà
Hòa thượng Thích Tâm An họ Đào, pháp danh là Tâm An, hiệu là Từu Tuệ, sinh ngày 12/11/1892 (Nhâm Thìn). Hòa thượng xuống tóc xuất gia năm 19 tuổi (1910) tại chùa Phổ Quang (Hà Đông), năm 22 tuổi nhận sư Khai Quyền làm sư phụ, nhận thấy đệ tử của mình văn vẹn chữ toàn, sư Khai Quyền để Hòa thượng theo học sư phụ mình là Tổ Phổ Tụ (Bảo Khám – Tế Xuyên).
Năm 24 tuổi, Hòa thượng Tâm An được thọ giới Cụ túc ở giới đường Bảo Khám, sau đó được Tổ sư gửi đi tham học ở các Sơn môn, trong đó có Tổ đình Vĩnh Nghiêm của Hòa thượng Thanh Hanh (người sẽ là Thuyền gia Pháp chủ sau này). Vào khoảng những năm hai mươi của thế kỷ XX, Viện Viễn Đông Bác cổ sưu tầm được bộ Đại Chính tân tu Đại tạng kinh (4) của người Nhật, Tổ Thanh Hanh muốn bổ khuyết cho những kinh sách còn thiếu trước đây ở trong nước, đã hội bàn với Tổ Phổ Tụ, cử Thanh Tập (Hòa thượng Thông Tập), và Thanh An (Hòa thượng Tâm An) đi sao chép.
Thông qua việc khảo cứu tài liệu chúng tôi được biết Hòa thượng Tâm An tham gia việc sao chép kinh sách, đặc biệt là lời tựa phẩm Phổ Hiền trong kinh Hoa Nghiêm, Tổ Thanh Hanh trình bày hạnh nguyện bổ khuyết vào kho tàng kinh sách những bộ kinh quý.
Tâm nguyện này đặt lên vai của những học trò trong đó có cố Hòa thượng Thích Tâm An (5). Lời dẫn trong sách Sa di Ni luật nghi được khắc ván năm Bảo Đại thứ 13, Hòa thượng có trình bày như sau:
“Nguyên giới luật là chiếc bè cứu vớt bể khổ, là chuỗi ngọc quý trang trí pháp thân. Nếu bè bị hủy thì thuyền sẽ chìm, do đó Tam học đặt giới luật làm đầu. Lục độ lấy giới luật làm trọng… Nay nhận được y chỉ của hai vị Hòa thượng Tế Xuyên và Vĩnh Nghiêm, vào năm Ất Sửu phụng mệnh hai vị, tôi đã đến trường Bác cổ tại Hà thành sao chép Tứ phần luật tỷ khâu Ni, trình lên hai vị Tổ để kiểm duyệt sau đó mới cho khắc ván lưu thông. Nhận thấy hai cuốn này là sự trang bị toàn diện của Ni chúng. Giống như là nền móng của tòa lầu vậy, muốn lên cao thì nền móng phải vững chắc. Do đó tôi chuyên tâm sao chép mong muốn pháp bảo lưu thông nhưng cơ duyên chưa đủ nên tạm cất giữ. Nay ánh sáng Phật rực rỡ, pháp luân thường chuyển, đem đi khắc ván bản này được các vị thượng đức góp công, phổ biến cho Ni chúng. Ngày lành tháng 7 năm Bảo Đại thứ 13, hậu học tỷ khâu tự Tâm An bái dẫn.”
Chép kinh được xem như nối dài sự lưu thông của Pháp bảo, mở ra phong trào sao chép kinh sách khắp các Sơn môn Bắc Kỳ; chấn chỉnh thái độ tu học của tăng, ni, cư sĩ; đóng góp vào kho tàng kinh sách Phật giáo những bộ kinh sách quý. Hiện nay, hệ thống Tam tạng kinh được lưu tại các Tổ đình là nhờ một phần công của Hòa thượng Tâm An sao chép đem về khắc ván lưu hành.
Giảng dạy phật pháp
Ngoài sao chép kinh sách, Hòa thượng Tâm An còn có những đóng góp lớn trong việc giảng dạy Luật tạng cho các tín đồ, tăng, ni, cư sĩ. Ngài đã trực tiếp tham gia diễn giảng, thuyết pháp truyền bá Phật học cho học trò tại nhiều tỉnh miền Bắc: Mở lớp dạy ngay tại khuôn viên chùa Quốc (6), dạy các khóa Hạ tại nhiều nơi ở tỉnh Hưng Yên, giảng dạy Luật tạng ở nhiều tỉnh miền Bắc như: Nam Định, Hà Nội, Hà Nam. Năm 1939, ngài được bầu làm Tôn chứng Ban Tứ y bát của trường Thiền học Quán Sứ. (7)
Thành lập tùng lâm ở Văn miếu Xích Đằng
Năm 1936, Hòa thượng Thích Tâm An đã viết một bài viết bày tỏ ý kiến về việc chấn hưng Phật giáo đăng trên Tạp chí Đuốc Tuệ số 41, nội dung là Chấn hưng Phật học, chỉnh đốn lại Tăng già (8), kiến nghị mở tịnh xá dạy học tại các tỉnh và cuối cùng là mong muốn mở trường dạy học.
Đến năm 1938, Hòa thượng cùng các nhà sư tại tỉnh Hưng Yên đã thực hiện được mong muốn bày tỏ trên, cùng xây dựng Tùng lâm tại Văn miếu Xích Đằng (9). Sa di Ni luật nghi và Thức xoa ma na là sách luật dành cho Ni giới, tuy được sao chép năm 1925 nhưng chưa có điều kiện khắc.
Từ khi thành lập Tùng lâm tại Văn miếu Xích Đằng, Tăng chúng và thị chúng đã thống nhất một lòng hưng công. Hòa thượng Thích Tâm An đã chép lại hai sách này tại Văn miếu Xích Đằng từ mùa xuân đến mùa thu năm 1938 và mang đi khắc ván. Tàng bản lưu tại chùa Quốc nhưng thời cuộc li loạn, ván hiện nay không còn. (10)
II. Tinh thần dân tộc
Dân tộc Việt Nam là một dân tộc với chiều dài lịch sử dựng nước luôn đi cùng với giữ nước, chưa từng khuất phục trước sự xâm lăng của ngoại bang. Phật giáo lấy từ bi làm gốc nhưng gặp cơn biến loạn, chúng sinh đồ than; các nhà sư nhập thế giúp đời, cứu quốc lâm nguy là điều ta đã thấy trong lịch sử.
Hội Phật giáo Cứu Quốc ra đời với tinh thần cứu dân, cứu quốc thoát khỏi khổ nạn, cùng những hội Phụ nữ Cứu Quốc, Thanh niên Cứu Quốc, Nông dân Cứu Quốc, Thiếu nhi Cứu Quốc,… bằng phương thức của riêng mình đóng góp vào công cuộc giải phóng dân tộc.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, ngày 28/8/1945 Chính phủ Cách mạng Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập, cũng là ngày thành lập Hội Phật giáo Cứu Quốc Bắc bộ. Trụ sở chính thức của Hội được đặt tại Hội Khai Trí Tiến Đức (11). Ban chấp hành được bầu gồm 9 người do Hòa thượng Thích Thanh Thao (12) làm Chủ tịch, Bác sĩ Nguyễn Hữu Thuyết làm Phó Chủ tịch và Thượng tọa Thích Thanh Đặc là Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký.
Đại hội thành lập Hội Phật giáo Cứu Quốc quy tụ hơn 100 nhà sư như Thích Thế Long (chùa Cổ Lễ, Nam Định), Thích Tâm An (chùa Quốc, Hưng Yên), Thích Thanh Chân (chùa Hương, Hà Nội),… Đại diện Mặt trận Việt Minh tham dự đại hội có các ông Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Quốc Việt. (13)
Từ khi thành lập, Hòa thượng Thích Tâm An cùng các thành viên Hội Phật giáo Cứu Quốc Bắc bộ đã tiến hành nhiều hoạt động hướng về miền Nam như ủng hộ đoàn quân Nam tiến, ủng hộ Quỹ Kháng chiến Nam bộ, gửi thư động viên chiến đấu, tổ chức truy điệu chiến vong, hiến máu nhân đạo (14). Tết Trung Nguyên năm 1946, Hội tiến hành thăm hỏi các chiến sĩ bị giam ở nhà tù Hỏa Lò, các chiến sĩ bị thương đang điều trị tại bệnh viện Đồn Thủy (15), thăm trường nuôi trẻ em nghèo chùa Phổ Quang (Hà Đông). (16)
Nhiều chùa trong giai đoạn này trở thành nơi liên lạc, trú ẩn của cán bộ, chiến sĩ Cách mạng trong đó có những chùa là cứ điểm quan trọng như Bà Đá, Đa Bảo, Quảng Bá, Cổ Lễ,…
Từ năm 1942, Hòa thượng Thích Tâm An đã hỗ trợ các cán bộ Cách mạng tại chùa Quốc, ông Hoàng Quốc Việt cũng từng ở đây đào tạo cán bộ Cách mạng liên lạc, đưa tài liệu mật đi các cơ quan, các tỉnh. (18)
Năm 1944, bà Trần Thị Minh Châu (19) cũng hoạt động liên lạc tại đây và viết lại trong cuốn Hồi ký Nhà chùa với Cách mạng của mình. Tại Hưng Yên, Tùng lâm ở Văn miếu Xích Đằng không chỉ là nơi dạy Phật pháp cho tăng, ni mà còn là nơi các cán bộ Cách mạng nghiên cứu chủ trương, lo công tác chỉ đạo và viết báo. Năm 1943, mở lớp học chính trị, Điều lệ của Việt Minh, học 5 bước công tác của Cách mạng (20). Đến khi Hội Phật giáo Cứu Quốc Bắc bộ thành lập, các nhà sư ở Hưng Yên cũng quy tụ ở đây, đồng lòng cứu quốc.
Sau năm 1945, nhân dân cùng lúc phải đối mặt với “giặc đói”, “giặc dốt”, “giặc ngoại xâm”; nhìn đâu cũng thấy khó khăn. Ni sư Thích Đàm Ân được nghe kể lại từ những người dân xung quanh chùa, “Hòa thượng Tâm An đã tổ chức như nuôi giấu cán bộ Cách mạng ở chùa, tiến hành nhiều đợt quyên góp gạo ủng hộ kháng chiến, mở giảng đường học ngay tại chùa Quốc, mời thầy giáo dạy chữ cho tăng, ni, người mộ đạo và cả nhân dân. Năm 1947 hưởng ứng kháng chiến, Hòa thượng đã hiến tặng tự khí của chùa là một quả chuông đồng lớn cho nhà nước để làm đạn, phục vụ kháng chiến.” (21)
Chùa Quốc đã trở thành nơi hoạt động, liên lạc của chiến sĩ Cách mạng; hũ gạo của chùa trở thành hũ gạo nuôi quân; giảng đường dạy tăng, ni đã có thêm những lớp bình dân học vụ cho nhân dân,… Chương trình truyền hình Tạp chí Văn hóa, tập Đình Hạ – Chùa Quốc, trên kênh Truyền hình Hưng Yên, phỏng vấn cụ Trần Đức Thịnh (22) được biết rằng:
“Hòa thượng Thích Tâm An đã giấu cán bộ Cách mạng và dân quân du kích tại chùa, một đội được bố trí mai phục tại Nhà Tổ. Đây là điểm mai phục quan trọng, dân quân du kích đã nhử và thành công tiêu diệt được một tiểu đoàn của địch trên đường 39. Địch không làm gì được đã dùng xe tăng bắn phá vào làng nhưng cũng không thành công.”
Cụ Lều Văn Lợi – Bí thư Đảng ủy xã Liên Phương, tỉnh Hưng Yên cũng có những nhận định về Hòa thượng Tâm An khi tham gia cứu quốc như sau:
“Riêng đối với Cách mạng mà nói, tôi được chứng kiến ông là một trong những vị sư có thân tình với Cách mạng. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đây là nơi rất đen tối mà chúng tôi về làm nhiệm vụ diệt tề trừ gian phải nhờ vào cụ để đào hầm, giúp chúng tôi thành công bắt phản động, trong đó có Mai Quý Thiện – Phó Xứ ủy.” (23)
Bên cạnh đó, phong trào Phật giáo Cứu Quốc tại các tỉnh Bắc bộ cũng diễn ra sôi nổi. Tại chùa Cổ Lễ (Nam Định), Hòa thượng Thích Trí Long đã vận động tập hợp được 27 nhà sư hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, gia nhập Vệ Quốc đoàn, tham gia kháng chiến.
“Cởi áo cà sa khoác chiến bào
Việc quân đâu có quản gian lao
Gậy thiền quét sạch quân xâm lược
Theo gót Trưng Vương tỏ tự hào.” (24)
Chùa Đa Bảo là một trong các cơ quan liên lạc bí mật của cán bộ Cách mạng nhiều năm liền, đến năm 1953, Pháp biết được liền cho đốt phá chùa. Sau đó, Hòa thượng Thích Quảng Dung được Trung ương Hội yêu cầu chuyển lên Hà Nội. (25)
Sự đồng lòng của Hòa thượng Thích Tâm An cùng các nhà sư Hội Phật giáo Cứu Quốc Bắc bộ đã tích cực đóng góp thúc đẩy cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đi đến thắng lợi hoàn toàn. Hòa thượng cùng Hội Phật giáo Cứu Quốc Bắc bộ đã cho ta thấy tinh thần dân tộc và tinh thần “khế lý – khế cơ” (26) của Phật giáo được kết hợp một cách nhuần nhuyễn.
III. Tiên phong trong Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam
Năm 1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, tuy nhiên Mỹ không tôn trọng hiệp định, bỏ qua mong muốn thống nhất của nhân dân Việt Nam, ngang nhiên đưa quân vào miền Nam và dựng lên chính quyền bù nhìn Ngô Đình Diệm. Tháng 3 năm 1958, Hội Phật giáo Cứu Quốc Bắc bộ tiến hành hợp nhất cùng Hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Tăng già Bắc Việt và Hội Phật tử Việt Nam để thành lập Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam (27). Với mục đích hoằng dương Phật pháp, lợi lạc quần sinh, phụng sự Tổ quốc và bảo vệ hòa bình. (28)
Ngày 16 – 18/3/1958 diễn ra đại hội thành lập Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam, lấy chùa Quán Sứ làm trụ sở, Hòa thượng Thích Tâm An được bầu làm Phó Hội trưởng Ban Thường trực Trung ương Hội và giữ chức vụ này nhiều khóa liên tiếp. Ngoài ra, ngài còn giữ những chức vụ như Ủy viên thường trực Tiểu ban Tuyên giáo, Phó Tiểu ban Hoằng pháp, thành viên Ban Chứng minh đạo sư và Ban Trị sự Trung ương Hội.
1. Về các hoạt động phụng đạo
Về ấn tống kinh sách: Hòa thượng Tâm An cùng các thành viên Ban tuyên giáo Trung ương Hội phiên dịch bộ kinh Thủ Lăng Nghiêm từ chữ Hán sang tiếng Việt (29). Các bộ kinh Đại thừa như Phật Tổ tam kinh, Đại thừa Chỉ Quán Luận, Bát Thức quy củ,… cũng được phiên dịch và biên soạn để chính pháp được truyền sâu rộng.
Hòa thượng Tâm An đã mời thợ in về in một số bộ sách để dạy tăng, ni như Luật tứ phần, Yết ma chỉ nam, Yết ma huyền ty, ngoài ra còn có bộ Nhị khóa hợp giải do Hòa thượng Trí Độ dạy. (30)
Về giáo dục: Từ Trung ương đến địa phương hằng năm đã mở những khóa tu học Xuân – Hè An cư kiết hạ hoặc Thu – Đông tham thiền học đạo. Những cuộc giảng kinh thuyết pháp được tổ chức thường xuyên. Để hoằng đạo lâu dài, Ban Chứng minh đạo sư đồng ý lập quỹ bảo trợ Phật học để giúp cho các trường Phật học lâu dài.
Hòa thượng Tâm An cùng Hội trưởng là Hòa thượng Trí Độ đã mở các trường, lớp tu học Phật pháp theo từng năm và tự mình đứng lớp giảng dạy. Năm 1968 – 1969, mở lớp chuyên nghiên cứu Duy Thức và Bách pháp minh môn. Năm 1969, mở trường Tu học Phật pháp Trung ương tại chùa Quảng Bá (Hà Nội).
Năm 1972 – 1974 mở trường Trung Tiểu học Phật pháp Trung ương, khóa học 2 năm. Năm 1975, mở đàn Tùng lâm ở chùa Quán Sứ. Năm 1977 – 1980, mở trường Tu học Phật pháp Trung ương với thời gian 3 năm. Năm 1980, mở trường Cao cấp Phật học Việt Nam. Năm 1981, thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trường Cao cấp Phật học Việt Nam chuyển sang trực thuộc hệ thống giáo dục của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Tâm An được bầu Hiệu trưởng đầu tiên của trường này.
Khóa học đầu tiên có những học trò hiện tại đang đảm nhận những vị trí quan trọng trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam như Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu – Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự; Hòa thượng Thích Gia Quang, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Hòa thượng Thích Quảng Tùng, Hòa thượng Thích Thanh Điện – đồng Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam,…
Những đóng góp của Hòa thượng Tâm An cùng Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam giúp xiển dương đạo pháp, Phật pháp được xương minh, chính pháp được trường tồn, mang lợi lạc đến với quần sinh.
2. Về những hoạt động yêu nước
Ngày 28/9 – 1/10/1964, Đại hội Đại biểu Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam khóa III diễn ra, Hòa thượng Thích Tâm An thay mặt Chủ tịch Đoàn gửi đi bức thư của Đại hội lần thứ III Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam đến đồng bào Phật giáo miền Nam.
Bức thư bày tỏ miền Bắc đang trong công cuộc xây dựng đời sống mới, phát triển mạnh mẽ. Các tôn giáo được bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau. Riêng Phật giáo thì công cuộc phụng đạo yêu nước, chính pháp hoằng dương ngày càng tinh tiến, tinh thần đại hòa hợp của Phật giáo được phát huy.
Nhưng mỗi lần đại hội, Phật giáo miền Bắc không khỏi xót xa khi Phật giáo miền Nam ruột thịt vẫn đang sống trong cảnh nước sôi lửa bỏng, bị đế quốc và tay sai thẳng tay đàn áp. Muốn bảo vệ tôn giáo và tự do tín ngưỡng chỉ có một con đường là đấu tranh giành độc lập dân tộc. Cuộc đấu tranh này cần phải có sự đoàn kết một lòng không phân biệt tôn giáo, kiên quyết và bền bỉ đấu tranh.
Đại hội chúng tôi nguyện đem hết tâm sức ủng hộ nhân dân và Phật giáo miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, Bắc Nam một nhà.
Sau đó, tại Hội nghị chính trị đặc biệt do Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập, HT.Tâm An – Phó Hội trưởng Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam phát biểu cảm ơn Chính phủ và Đảng Lao động trong suốt 10 năm qua đã đưa nhân dân thoát khỏi cảnh đói rét, dốt nát, tối tăm.
Được sống trong cảnh lục hòa này, Phật giáo có điều kiện tốt để thực hiện chân lý vô ngã vị tha và tinh thần đại hòa hợp của Phật giáo. Phật giáo không còn bị chèn ép mà được hưởng mọi quyền tự do dân chủ, yêu nước phụng đạo. Các tôn giáo đoàn kết trong đại gia đình MTTQVN, không còn tình trạng chia rẽ giữa các tôn giáo.
Qua đây, Phật giáo miền Bắc gửi lời động viên, tình cảm sâu sắc đến đồng bào Phật giáo miền Nam ruột thịt đang ở đầu chiến tuyến. Phật giáo miền Bắc sẽ cùng toàn dân xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng của đồng bào miền Nam.
Năm 1965, Hòa thượng Thích Tâm An tham dự Hội nghị kỷ niệm mười năm ngày Chính phủ ban hành sắc lệnh Bảo đảm tự do tín ngưỡng. Có mặt tại Hội nghị là đại biểu các tôn giáo Phật giáo, Công giáo, Cao Đài, Tin Lành, Hòa Hảo,… trong đó có Chủ tịch Thành phố Hà Nội – Bác sĩ Trần Duy Hưng, Trưởng ban đại diện Phật giáo thế giới, Bác sĩ Lê Đình Thám, Linh mục Ủy ban Liên lạc Công giáo yêu nước Hồ Thành Biên, Hòa thượng Thích Trí Độ – Hội trưởng Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam,…
Đây là Đại hội quan trọng khẳng định tinh thần đoàn kết giữa các tôn giáo trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tháng 5/1970, Hòa thượng Tâm An – Phó Hội trưởng Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam cùng Hòa thượng Trí Độ – Hội trưởng Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam, ông Việt Đoàn đại diện Ban Tôn giáo phủ Thủ tướng, cụ Nguyễn Vĩnh Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh đã về tỉnh Hải Hưng (31) tham dự cuộc họp Đại hội thành lập Chi hội Phật giáo Thống nhất tỉnh Hải Hưng. (32)
Tại Đại hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam khóa IV năm 1972, Hòa thượng Tâm An đã đọc báo cáo của Ban Trị sự Trung ương Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam trước toàn thể đại biểu Hội nghị: Báo cáo về những thành tựu trong công cuộc phụng đạo, yêu nước vừa qua và kế hoạch phụng đạo, yêu nước trong thời gian tới.
Về phụng đạo: Giúp đỡ tăng, ni, cư sĩ nâng cao trình độ Phật học. Hội có kế hoạch mở những lớp dài hạn để nghiên cứu những vấn đề cơ bản của đạo, chấn chỉnh thư viện của Hội để giúp cho việc nghiên cứu được thuận lợi.
Trung ương Hội sẽ giúp các chi hội mở lớp giáo lý ngắn hạn và tổ chức các khóa Hạ theo nội dung mới. Trung ương Hội sẽ biên soạn kinh bằng tiếng Việt, hướng dẫn việc dùng kinh cũ cho phù hợp, bài trừ mê tín dị đoan ở một số địa phương.
Trung ương Hội và các chi hội cần đặc biệt quan tâm chăm sóc đời sống của các vị Tăng già yếu, những vị có công với dân với nước. Có kế hoạch quản lý tốt hơn các chùa, phối hợp với các cơ quan văn hóa trùng tu và dựng lại những ngôi chùa bị bom đạn của Mỹ tàn phá, các chùa là di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh. Đặc biệt là chùa Quán Sứ, trụ sở của Trung ương Hội đã được trùng tu khang trang hơn trước.
Về yêu nước: Động viên tăng, ni, đạo hữu nêu cao tình thần yêu nước, đoàn kết toàn dân. Hăng hái tham gia xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân, vun đắp tình cảm giữa các tổ chức tôn giáo yêu nước. Tăng cường đoàn kết hữu nghị giữa các phật tử trên toàn thế giới, trước hết là Phật tử Đông Dương và tranh thủ sự ủng hộ của hội trong công cuộc chống Mỹ cứu quốc.
Năm 1981, Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam tiên phong là một trong chín tổ chức Phật giáo tham dự cuộc vận động thống nhất Phật giáo toàn quốc. Tháng 11 năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập, Phật giáo Việt Nam chính thức về chung dưới một mái nhà. Hòa thượng Tâm An khi đó tuổi đã cao, được bầu làm thành viên Hội đồng Chứng minh nhiệm kỳ (1981 – 1987). (33)
Trong suốt quá trình phụng đạo, yêu nước Hòa thượng Tâm An đã giữ nhiều những chức vụ quan trọng. Những năm 1961 – 1962, Hòa thượng Thích Tâm An được mời giữ chức Ủy viên MTTQVN huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Theo lời kể của cụ Lều Văn Lợi:
“Tôi lên làm Bí thư có mời cụ vào Mặt trận làm Ủy viên MTTQ huyện Tiên Lữ, cụ có vào một thời gian rồi sau đó giao lại những công việc này cho sư Tùy (34). Lúc đó tôi 21 – 22 tuổi, cụ thì ngoài 60, tôi nhớ những lúc đi họp huyện cụ hay bảo tôi chở cụ đi cùng xe đạp.” (35)
Theo cuốn Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX, tập 2 của TT. Thích Đồng Bổn có đề cập Hòa thượng Tâm An là Đại biểu Quốc hội khóa II, III, IV, V; tuy nhiên, khi chúng tôi tra cứu danh sách Đại biểu Quốc hội trên Cổng thông tin điện tử Quốc hội, được biết Hòa thượng Tâm An chỉ là đại biểu Quốc hội khóa IV, V.
Vậy nên, chúng tôi xin được đính chính lại như trên.
Ngoài những đóng góp cho Phật giáo trong nước, Hòa thượng Thích Tâm An nhiều lần đưa Phật giáo Việt Nam hòa nhập với phật pháp như ở các nước lân bang. Ngài đã nhiều lần đại diện Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam tham dự những hội nghị Phật giáo Quốc tế quan trọng.
Qua đó, Phật giáo và nhân dân Việt Nam nhận được vô số sự ủng hộ từ phật tử, người mộ đạo và bạn bè quốc tế trong công cuộc chống đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Hòa thượng Tâm An là thành viên chủ chốt, có những đóng góp quan trọng trong việc gây dựng Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam, tích cực hoạt động tôn giáo và tham gia các phong trào yêu nước. Cùng Hội xây dựng nhiều trường, lớp dạy Phật pháp, đào tạo Tăng tài; cổ vũ, động viên đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, làm hậu phương vững chắc cho tiền tuyến miền Nam.
Các cá nhân và tập thể Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam trong đó có Hòa thượng Tâm An nhiều lần được trao huân chương từ Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có thể nói, Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam là bước đệm quan trọng trong tiến trình đoàn kết, gắn bó dân tộc của Phật giáo miền Bắc; Hòa thượng Tâm An là mảnh ghép quan trọng trong phong trào thống nhất Phật giáo toàn quốc từ Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Kết luận
Hành trình truy tìm dấu ấn của Hòa thượng Tâm An là hành trình tìm về chân lý người tu hành, những cột mốc quan trọng của Phật giáo Miền Bắc thế kỷ XX đều có những dấu ấn của ngài.
Từ những buổi đầu Phật giáo suy vi, dân tộc chịu ách thống trị của thực dân Pháp, ngài tham gia cuộc chấn hưng Phật giáo Bắc Kỳ. Khi có Đảng lãnh đạo cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, ngài tích cực tham gia phong trào Phật giáo Cứu Quốc.
Hòa bình lập lại ở miền Bắc, ngài tiên phong trong phong trào thống nhất Phật giáo cùng Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam. Đến khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, thống nhất Phật giáo cả nước với Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Những cột mốc này đi liền với công cuộc đấu tranh cứu quốc của dân tộc, khởi đầu là những hoạt động đấu tranh trong nước, kế đó ngài đưa cuộc đấu tranh cho tự do tôn giáo và hòa bình dân tộc ra ngoài quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ của người dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới.
Hòa thượng Tâm An là một nhà tu hành cũng là một người con của dân tộc, sinh ra trong thời loạn, lớn lên giữa thời chiến, ngộ đạo trong giai đoạn Mạt pháp, nhận thức được Phật giáo muốn có sức mạnh cần phải cùng nhau đoàn kết trong một đạo pháp đóng góp vào công cuộc bảo vệ văn hóa, tín ngưỡng và giải phóng dân tộc. Thực tế đã chứng minh, đạo nghiệp “hoằng dương Phật pháp” và những cống hiến trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ của Hòa thượng, luôn song hành.
Tác giả: Thủy Nguyễn
Trung tâm Bảo tồn Di sản Phật giáo
Chú thích
1. Mai Thọ Truyền, Phật giáo Việt Nam, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2007, tr. 19.
2. TS. Ninh Thị Sinh, Phong trào Chấn hưng Phật giáo ở Bắc Kì: Trường hợp hội Phật giáo (1934 – 1945), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2020, tr. 43.
3. TS. Ninh Thị Sinh, chủ đề “Phong trào Chấn hưng Phật giáo ở Bắc Kì: Trường hợp hội Phật giáo (1934 – 1945)”, ngày 29 tháng 03 năm 2022
4. Đại Chính tân tu Đại tạng kinh được vua Đại Chính của Nhật Bản tu bổ, hiệu đính lại các kinh điển Phật giáo trong 10 năm từ năm 1924 đến 1934. Đây được xem là bộ kinh hoàn chỉnh nhất lúc bấy giờ và người Pháp đã mua về lưu trữ tại Viện Viễn Đông Bác cổ. Ở Việt Nam, kinh điển Phật học giai đoạn này còn khuyết nhiều bộ, Hòa thượng Thanh Hanh (Tổ Vĩnh Nghiêm) và Hòa thượng Phổ Tụ (Tổ Tế Xuyên) đã xin Viện Viễn Đông Bác cổ cho các đệ tử của mình đến sao chép kinh sách để bổ khuyết cho tàng thư Phật học trong các Sơn môn, trong đó có Hòa thượng Tâm An. Cuốn Sa di Ni luật nghi cũng được Hòa thượng lĩnh mệnh đó mà sao chép, sau này mang về chùa Quốc Sư (Hưng Yên) để khắc ván vào năm Bảo Đại thứ 13 (1938) và gộp chung với Thức xoa ma na thành 1 cuốn. Hòa thượng đã viết lời dẫn, tàng bản được lưu tại chùa Quốc Sư.
5. Trong lời dẫn Đại phương quảng Phật Hoa Nghiêm kinh Phổ Hiền hạnh nguyện phẩm bản khắc năm Khải Định thứ 9, Hòa thượng Thanh Hanh trần tình như sau: “Ở nước Việt ta, từ xưa đã có 80 quyển chính văn của kinh Hoa Nghiêm, nhưng chưa có phẩm này. Trong những năm trước, dù đã nhiều lần tìm kiếm, nhưng chỉ có được bản sớ sao của kinh chính, còn phẩm này vẫn bị thiếu. Mỗi lần muốn tìm kiếm thêm đều không biết làm sao. Đến năm Khải Định thứ tám, nhân có sự bảo hộ của Pháp tại nước ta, trong cuộc hội văn minh lớn, việc khảo cứu và tìm kiếm các sách kinh diễn ra tại trường Bác cổ ở Hà Thành. Tôi đã thân hành kiểm tra và tìm thấy trong mục lục Tam Tạng của Đại Nhật Bản quốc, có hơn ngàn bộ, trong đó may mắn tìm được sớ sao của kinh Hoa Nghiêm và phẩm biệt hành này, đầy đủ hoàn chỉnh. Thật là quý báu, niềm vui không thể kìm nén, tôi đã báo cho Tế Xuyên Pháp Chủ để ủy thác việc sao chép lại phẩm này. Cùng với Thanh Tập và Thanh An, tôi đã cung kính xin sao chép lại phẩm này, để hoàn chỉnh ba phần của kinh, từ đó có thể hoàn thành sự lưu thông từ đầu đến cuối. Nghĩ lại, trong muôn kiếp sóng gió, những bí điển tại linh đài, thật là may mắn cho ngày hôm nay được gặp gỡ và cho lưu hành.”
6. Chùa Quốc là tên Nôm, tên chữ là Báo Ân Quốc Sư tự, xã Liên Phương, thành phố Hưng Yên.
7. Theo “Tường thuật đàn giới truyền thụ y bát cho học sinh ở Quán Sứ”, Tạp chí Đuốc Tuệ, số 125, ra ngày 1/2/1940, tr. 28.
8. Tăng già gọi tắt là Tăng, đoàn thể của tất cả những người chấp nhận đạo Phật làm lý tưởng. Nhưng chữ tăng già trong nghĩa hẹp thì chỉ cho đoàn thể Tỳ kheo, (bhikhu, bhikshu) và Tỳ kheo ni (bhikkhuni, bhikshuni), những người rời bỏ gia đình riêng tư, sống đời đạo hạnh lợi tha, chuyên lo tu học và hướng dẫn mọi người sống đạo.
9. Có 2 pháp danh Thanh An và Tâm An. Qua khảo cứu, chúng tôi khẳng định Thanh An và Tâm An là 2 pháp danh của một người: Thích Tâm An.
10. Theo lời dẫn sách Sa di Ni luật nghi yếu lược, bản khắc năm 1938, tờ 1a, 1b, ván lưu tại chùa Quốc Sư, nhưng nay không còn. Người viết dựa vào bản ảnh ấn, tàng thư tại chùa Bảo Khám.
11. Hội Khai Trí Tiến Đức còn được gọi là hội AFIMA (Là viết tắt tiếng Pháp của hội l’Association pour la Formation Intellectuelle et Morale des Annamites) là một hiệp hội tư lập với chủ trương giao lưu văn hóa giữa trào lưu Tây học và học thuật truyền thống Việt Nam vào đầu thế kỷ XX, cơ quan đặt tại số 16, phố Lê Thái Tổ. Sau khi Việt Minh giành lại được chính quyền, hội bị giải tán, cơ quan này được giao cho Hội Phật giáo Cứu Quốc Bắc bộ.
12. Hòa thượng Thích Thanh Thao thế danh là Đỗ Văn Hỷ.
13. Nguyễn Đại Đồng, “Đôi điều về Phật giáo Cứu Quốc”, Tạp chí Nghiên cứu Phật học, số tháng 7/2020, tr. 55 – 56.
14. Nguyễn Đại Đồng, “Tính chất và đặc điểm của Phật giáo Việt Nam trong chiến tranh cứu Quốc”, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 9 (135), 2014, tr. 78.
15. Bệnh viện Đồn Thủy nay là Bệnh viện Quân y 108.
16. Nguyễn Đại Đồng, “Lễ Trung Nguyên Phật giáo xứ Bắc 1945 – 1946”, https://chuaxaloi.vn/thong-tin/le-trung-nguyen-phat-giao-xu-bac-nam-19451946/1086.html, ngày truy cập 21/7/2024.
17. Hòa thượng Thích Quảng Dung (1904 – 1980) là trụ trì chùa Đa Bảo, sau khi được Trung ương Hội chuyển lên Hà Nội giữ chức Hội trưởng Thành hội Phật giáo Hà Nội. Sau này, Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam thành lập Hòa thượng giữ chức Phó Hội trưởng Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam, Đại biểu quốc hội tỉnh Hà Đông.
18. Ban tuyên giáo Hưng Yên, Địa chỉ đỏ của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Hưng Yên, Sđd, tr. 34.
19. Trần Thị Minh Châu (1923) nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Đông, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên, Ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ đã từng hoạt động cách mạng ở đây nên viết lại trong cuốn Hồi ký Nhà chùa với cách mạng.
20. Ban tuyên giáo Hưng Yên, Địa chỉ đỏ của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Hưng Yên, 2021, tr. 25.
21. Theo như lời Ni sư lúc PV: “Tôi về đây muộn nên chỉ nghe người dân xung quanh kể lại”. Tài liệu ghi âm PV Ni sư Thích Đàm Ân – Trụ trì chùa Quốc (Hưng Yên), ngày 6/8/2024, lưu trữ tại Văn phòng Bảo tồn Di sản Phật giáo chùa Sủi.
22. Cụ Trần Đức Thịnh là cán bộ tiền khởi nghĩa xã Liên Phương, Tp Hưng Yên, người trực tiếp tham gia trận đánh đó đã kể lại trên chương trình Tạp chí Văn hóa, tập Đình Hạ – Chùa Quốc phát sóng trên Truyền hình Hưng Yên, ngày 5/12/2014.
23. Tài liệu ghi âm PV cụ Lều Văn Lợi (Nguyên Bí thư Đảng uỷ xã Liên Phương, tỉnh Hưng Yên giai đoạn 1957 – 1972), ngày 24/9/2024, lưu trữ tại Văn phòng Bảo tồn Di sản Phật giáo chùa Sủi.
24. Lê Tâm Đắc, “Đóng góp của Phật giáo miền Bắc với sự nghiệp giải phóng dân tộc đầu thế kỉ XX”, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 6, 2008, tr. 12 – 18.
25. Tài liệu ghi âm PV Ni trưởng Thích Đàm Hằng, chùa Đa Bảo, ngày 6/9/2024, lưu trữ tại Văn phòng Bảo tồn Di sản Phật giáo chùa Sủi.
26. “Khế lý” là tu học đúng theo pháp Phật, không sai với lời Phật dạy, “khế cơ” là phải biết ứng dụng cho đúng hợp với căn cơ của người tu học. Tinh thần “khế lý – khế cơ” là tùy thời mà có những ứng biến phù hợp.
27. Nguyễn Đại Đồng, Phật giáo Hưng Yên xưa và nay, Nxb Văn học, 2012, tr. 148.
28. Tôn chỉ mục đích của Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam qua các kỳ Đại hội, trích từ “Báo cáo đại hội khóa IV” của Hòa thượng Tâm An: “Mục đích của đạo ta là cứu nhân độ thế, lợi lạc quần sinh. Phương pháp hành đạo là kết hợp chặt chẽ giữa hoằng dương Phật pháp với lợi lạc quần sinh”.
29. Trước cũng có một số bản dịch ra tiếng Việt nhưng chưa hoàn thiện, sau đó Ban Tuyên giáo đã phiên dịch lại toàn bộ và có tóm tắt đại ý để tiện cho hàng phật tử tu học nghiên cứu.
30. Theo “Báo cáo của Ban Thường trực Trung ương Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam tại hội nghị lần thứ III của Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam”, Đặc San Phật giáo Đại hội Đại biểu lần thứ III Hội Phật giáo Thống Nhất Việt Nam, tr. 18.
31. Giai đoạn 1968 – 1996 hai tỉnh Hưng Yên và Hải Dương hợp nhất thành tỉnh Hải Hưng.
32. Nguyễn Đại Đồng, Phật giáo Hưng Yên xưa và nay, Sđd, tr. 172.
33. Tài liệu Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ Đại hội đến Đại hội (1981 – 2012).
34. Sư Tùy thế danh là Bùi Thế Mỹ (1908 – 1999), đệ tử trưởng của Hòa thượng Tâm An tại chùa Quốc, Trưởng Ban Trị sự Phật giáo Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Phù Tiên. Sau này, khi Hòa thượng Tâm An lên Hà Nội đã giao chùa Quốc cho ông trụ trì; khi chùa Quốc trở thành điểm sơ tán của nhà máy đay Hải Hưng thì ông sang trụ trì chùa Cổ Am và chuyển hết tượng và đồ thờ từ chùa Quốc sang chùa Cổ Am.
35. Tài liệu ghi âm PV cụ Lều Văn Lợi, ngày 24/9/2024, Sđd
Tài liệu tham khảo
1. Sa môn Thanh An, “Một vài ý kiến về việc chấn hưng Phật giáo”, Tạp chí Đuốc Tuệ, số 41, ra ngày 22/9/1936.
2. Ban Tuyên giáo Tỉnh Ủy Hưng Yên (2021), Địa chỉ đỏ của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Hưng Yên, in tại Công ty Cổ phần in Tô Hiệu Hưng Yên.
3. TT. Thích Đồng Bổn (1995), Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX, tập 2, thành hội Phật giáo TP. HCM.
4. Đặc san Phật giáo, Đại hội đại biểu lần thứ ba Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam, in tại nhà in CTHD Bắc Hà, tháng 10/1964.
5. Lê Tâm Đắc, “Đóng góp của Phật giáo miền Bắc với sự nghiệp giải phóng dân tộc đầu thế kỉ XX”, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 6, 2008.
6. Nguyễn Đại Đồng, “Đôi điều về Phật giáo Cứu Quốc”, Tạp chí Nghiên cứu Phật học, số ra tháng 7/2020.
7. Nguyễn Đại Đồng, “Hoạt động của Phật giáo Bắc Bộ từ tháng 9/1945 đến toàn quốc kháng chiến”, Tạp chí Nghiên cứu Phật học, số 2, 2005.
8. Nguyễn Đại Đồng, “Lễ Trung Nguyên Phật giáo xứ Bắc, 1945 – 1946”,
https://chuaxaloi.vn/thong-tin/le-trung-nguyen-phat-giao-xu-bac-nam-19451946/1086.html , Ngày truy cập 21/7/2024.
9. Nguyễn Đại Đồng (2012), Phật giáo Hưng Yên xưa và nay, Nxb Văn học.
10. Nguyễn Đại Đồng, “Phật giáo Việt Nam từ năm 1945 – 1954”, Tạp chí Nghiên cứu Phật học, số 4, ra ngày 15/7/2014.
11. Nguyễn Đại Đồng, “Phật giáo Việt Nam thời kỳ 1947 – 1954”, Tạp chí
Nghiên cứu Phật học, số 6, ra ngày 15/11/2013.
12. Nguyễn Đại Đồng, “Phật giáo miền Bắc giai đoạn 1954 – 1981”, Tạp chí Phật học, số 5, ra ngày 15/9/2014.
13. Nguyễn Đại Đồng, “Tính chất và đặc điểm của Phật giáo Việt Nam trong chiến tranh cứu Quốc”, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 9 (135), 2014.
14. Kỷ yếu Hội thảo khoa học lịch sử hình thành Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam và những đóng góp cho đạo pháp và dân tộc, ngày 16/6/2020.
15. Nguyễn Thị Minh Ngọc; Phạm Quang Tùng, “Hòa thượng Thích Đức Nhuận và quá trình thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu Phật học, số 3, ra ngày 15/05/2014.
16. Hòa thượng Thích Trí Quảng, “An cư kiết hạ”, Tạp chí Phật học, số 4, ra ngày 15/7/2013.
17. TS. Ninh Thị Sinh (2020), Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Bắc Kì: Trường hợp hội Phật giáo (1934 – 1945), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
18. TS. Ninh Thị Sinh, chủ đề “Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Bắc Kì: Trường hợp hội Phật giáo (1934 – 1945)”, ngày 29/03/2022
19. Tài liệu Đại hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam lần thứ IV, tháng 4/1972, in tại nhà in Việt Hoa.
20. Tài liệu ghi âm PV cụ Lều Văn Lợi – Bí thư Đảng uỷ xã Liên Phương, tỉnh Hưng Yên, ngày 24/9/2024, lưu trữ tại Văn phòng Bảo tồn Di sản Phật giáo chùa Sủi.
21. Tài liệu ghi âm PV Ni sư Thích Đàm Ân – Trụ trì chùa Quốc (Hưng Yên), ngày 6/8/2024, lưu trữ tại Văn phòng Bảo tồn Di sản Phật giáo chùa Sủi.
22. Tài liệu ghi âm PV Ni trưởng Thích Đàm Hằng, chùa Đa Bảo, ngày 6/9/2024, lưu trữ tại Văn phòng Bảo tồn Di sản Phật giáo chùa Sủi.
23. Tài liệu Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ Đại hội đến Đại hội (1981-2012)
24. “Tường thuật đàn giới truyền thụ y bát cho học sinh ở Quán Sứ”, Tạp chí Đuốc Tuệ, số 125, ra ngày 1/2/1940.
25. Thích Nữ Đàm Trà, “Hoạt động tôn giáo và xã hội của Hòa thượng Thích Trí Độ (1898 – 1979)”, Tạp chí Nghiên cứu Phật học, số tháng 11/2016.
26. Mai Thọ Truyền (2007), Phật giáo Việt Nam, Nxb Tôn giáo.
27. Truyền hình Hưng Yên, Chương trình Tạp chí Văn hóa, tập Đình Hạ – Chùa Quốc, phát sóng ngày 5/12/2014.