Thời điểm xưa nhất tài liệu ghi chép, Vua A Dục (Asoka, 268-233 trước Dương lịch) vào lần tập kết kinh điển lần thứ 3 đã cho cán mỏng đồng đỏ thành lá để ghi chép và lưu trữ kinh Phật.
Tổng lược các lần tập kết kinh điển theo góc nhìn các nhà nghiên cứu
Thời đức Phật Thích Ca tại thế (563-483 trước Dương lịch) thì phật pháp được giảng giải và trao truyền bằng lời nói, chứ chưa được ghi lại dưới dạng văn tự. Sau khi Phật nhập diệt, trong hai lần kết tập kinh điển, toàn thể hội chúng tụng theo cho đến thuộc nằm lòng. Phương pháp của cách thức trao truyền này gọi là Mukhapātha [1], tức vào giai đoạn đó cũng chưa ghi chép bằng chữ viết. Kỳ tập kết tam tạng lần thứ ba, gồm có 1.000 bậc thánh Alahán đắc tứ tuệ phân tích, lục thông, thông thuộc tam tạng, chú giải… do Ngài Đại Trưởng Lão Moggaliputtatissa (Mục Kiền Liên) làm chủ trì, công cuộc kết tập được thực hiện trong suốt thời gian 9 tháng mới hoàn thành trọn bộ Tam Tạng và Chú giải hoàn toàn giống như bản chính của hai kỳ kết tập trước.
Kỳ kết tập Tam Tạng lần này, phần tạng Luận, tập hợp từ các phần A-tì-đạt-ma, cũng được hệ thống hóa và trở thành phần thứ 3 trong Tam tạng. Các học giả hiện đại cũng ghi nhận kỳ kết tập thứ ba đánh dấu sự hình thành hệ kinh điển bằng chữ viết thay cho hình thức khẩu truyền trước đó, cũng như sự ra đời của các phái bộ truyền giáo. Kỳ kết tập này cũng ghi dấu mốc chính thức mở đầu thời kỳ Phật giáo Bộ phái dẫn đến sự hình thành các bộ phái cũng như các hệ thống tạng kinh điển khác nhau sau đó [2]. Vua A Dục đóng vai trò quan trọng trong việc hộ trì Phật pháp lúc thời đó. Ông cho ghi chép kinh Phật trên lá đồng dát mỏng.
Lần tập kết kinh điển thứ tư các tài liệu ghi chép để lại có 3 nguồn dữ liệu lịch sử khác nhau. Học thuyết thứ nhất[3] địa điểm tập họp tại nước Kiền Đà La (Gandhàra) có vua Ca Nị Sắc Ca (Kanishca). Tài liệu để lại ghi rõ : hội nghị thảo luận và biểu quyết, bèn biên tập thành ba bộ luận, đó là: Bộ luận “Ưu Ba Đề Xá” gồm 10 vạn bài tụng, dùng để giải thích Kinh tạng; Bộ luận “Tì Nại Da Tì Bà Sa” cũng gồm 10 vạn bài tụng, để giải thích Luật tạng; Bộ luận “A Tì Đạt Ma Tì Bà Sa” cũng gồm 10 vạn bài tụng, để giải thích Luận tạng. Như vậy cả ba bộ gồm 30 vạn bài tụng, chín trăm sáu mươi vạn lời (9.600.000), giải thích đầy đủ ba tạng giáo điển. Trong đó, không có chi tiết nào là không bàn bạc tận cùng, không có chỗ sâu xa nào là không cứu xét rốt ráo. Những nghĩa lý thâm u được làm cho sáng tỏ, những lời nói còn mù mờ được làm cho rõ ràng. Lúc đó vua Ca Nị Sắc Ca sai thợ đúc đồng dùng đồng đỏ dát thành lá mỏng, để chép kinh văn, rồi đem cất vào trong hang đá, xây thép lên trên để cúng dường.
Học thuyết thứ hai, địa điểm kết tập: tại thành Ca Thấp Di La (Kasmira), tên cũ gọi là Kế Tân, nước Kiền Đà La (Gandhàra) thuộc miền Tây Bắc Ấn Độ. Thành quả là hội nghị đã hoàn thành việc soạn một bộ luận gồm 8 kiền độ (tức 8 phần), đặt tên là Phát Tuệ Luận (hay Phát Trí Luận) gồm 5 vạn bài kệ. Sau 12 năm mới hoàn thành, giải thích rộng rãi, gồm thành 100 vạn bài kệ [4] . Loại văn bản này được ghi trên lá . Thời điểm đó các vị tổ sử dụng lá bối, lá dó, lá thốt nốt và vỏ cây bạch dương để ghi chép lại kinh Phật. Từ đó suy ra, vào thời gian này hai phương thức trao truyền và lưu trữ được sử dụng đồng thời. Tức phương pháp Mukhapatha và ghi chép trên các loại như kim loại đồng, trên lá đã bắt đầu hình thành và chữ viết[5] đã chính thức được sử dụng ghi chép lại kinh Phật. Học thuyết thứ 3 cho rằng, địa điểm kết tập: tại thôn Mã Đặc Lê, phía Đông A Lư Ca, nước Tích Lan. Vị chủ tọa cuộc kết tập: Thượng tọa La Hi Da Đại. Người khởi xướng và bảo trợ: Vua Ba Tha Già Mã Ni (Vattagàmani). Thành quả kết tập: Kỳ kết tập này đọc lại giáo điển ba tạng của Thượng Tọa Bộ, hiệu đính lại những chú thích của ba tạng, sắp xếp lại thứ tự của kinh điển, viết một bộ Tam tạng bằng tiếng Pàli, và làm bản chú thích bằng văn Tăng Già La (Tích Lan)[6].
Giáo Pháp đã được đức Thế Tôn thuyết giảng có chín thể loại và là Pháp tối thượng ở thế gian. Về tạng (piṭaka) có ba tạng là Tạng Luật, Tạng Kinh, và Tạng Vi Diệu Pháp. Về bộ kinh (nikāya) có năm bộ kinh là Trường Bộ Kinh, Trung Bộ Kinh, Tương Ưng Bộ Kinh, Tăng Chi Bộ Kinh, và Tiểu Bộ Kinh. Về thể (aṅga) có chín thể là sutta, geyya, veyyākaraṇa, gāthā, udāna, itivuttaka, jātaka, abbhūtadhamma, vedalla. Về Pháp uẩn có 84.000 Pháp uẩn: Có 42.000 Pháp uẩn ở Vi Diệu Pháp, 21.000 Pháp uẩn ở Luật, và 21.000 Pháp uẩn ở Kinh.
Ngày nay chúng ta biết các tác phẩm Phật giáo được kết tập có ít nhất là 6 Đại Tạng Kinh – 大藏經, Tripitaka, The Great Treasury of Buddhist Canon, như sau:
Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh, Vạn Tân Toản Tục Tạng Kinh ( 大正新脩大藏經, 卍新纂續藏經, Taisho Tripitaka & Successive Tripitaka)
Càn Long Đại Tạng Kinh ( 乾隆大藏經, Qianlong Tripitaka)
Vĩnh Lạc Bắc Tạng ( 永樂北藏, Yongle Tripitaka)
Pāli Đại Tạng Kinh ( 巴利大藏經, Pali Tripitaka)
Phạn Văn Đại Tạng Kinh ( 梵文大藏經, Sanskrit Tripitaka )
Tây Tạng Văn Đại Tạng Kinh ( Tibetan Tripitaka)
Thật ra các Đại Tang Kinh như Đại Chính Tân Tu, Càn Long, Vĩnh Lạc Bắc Tạng và Tây Tạng Đại Tạng Kinh đều được dịch ra từ các bản kinh bằng tiếng Phạn. Điều đáng tiếc là toàn bộ kinh sách Phật giáo bằng tiếng Phạn ở Ấn Độ đã bị hủy diệt vào thế kỷ 14 sau cuộc xâm lăng của Hồi giáo vào Ấn Độ [7].
Khảo cứu chất liệu các loại chất liệu ghi chép kinh Phật
Thời điểm xưa nhất tài liệu ghi chép, Vua A Dục (Asoka, 268-233 trước Dương lịch) vào lần tập kết kinh điển lần thứ 3 đã cho cán mỏng đồng đỏ thành lá để ghi chép và lưu trữ kinh Phật. Điều này có cơ sở vì nghệ thuật điêu khắc trên đồng đã xuất hiện từ thời cổ sơ tức thế kỷ thứ VII-VI trước dương lịch[8]. Như vậy chất liệu lá đồng ghi chép kinh Phật là điều không quá khó với các nghệ nhân lúc bấy giờ. Vì lá đồng cán mỏng đạt được các yêu cầu, không chiếm diện tích quá lớn, không quá nặng như gỗ hay đá khi di chuyển và lưu trữ được, bảo tồn được và phù hợp với kỹ thuật lúc bấy giờ. Tuy nhiên các công trình khảo cổ vẫn chưa tìm thấy các lá đồng ghi chép kinh Phật này, mà hoàn toàn dựa trên văn bản ghi chép để hiểu biết vấn đề. Và cũng có thể đã bị hủy diệt vào thế kỷ 14 chung với các loại chất liệu lưu trữ khác.
Một loại chất liệu khác, vào khoảng năm 83 trước dương lịch, dưới triều vua Vattagamani Abhaya (Vua Ba Tha Già Mã Ni) xứ Sri Lanka (Tích Lan) các vị vô sinh A La hán lại tập kết một lần nữa tại Aluvihara[9], một ấp nhỏ của đảo Sri Lanka ( Tích Lan), lối 30km cách Kandy. Tại đây lần đầu tiên trong lịch sử Phật giáo, tam tạng Pali được ghi chép trên lá buông nhờ sự cố gắng liên tục và tầm mắt thấy xa của chư vị đại đức vô sinh[10]. Vào thời điểm đó “Tổng số lượng các tịnh xá vào thời kỳ này có 880 ngôi với 172.430 tăng chúng” [11].
Sau khi người Ấn Độ cổ đại sử dụng nó làm vật liệu viết, chúng có nghĩa là lá viết, sau đó được mở rộng thành nghĩa của giấy và thư. Cũng được dịch là “Bayeux”[12]. Chất liệu này được lấy từ cây có tên gọi là Beidoluo. Quyển 18 của “Youyang Zazu” nói rằng có ba loại cây, trong đó, talavriksa là talavriksa được ghi trong kinh Phật, là một loại cọ lá lớn. Trong tác phẩm “Đa Tạng Tây Vực” (tập 11) ghi rõ việc dùng lá này ghi chép kinh Phật , còn được gọi là Kinh Bayeux[13].
Corypha umbraculifera, còn gọi là cây lá buông, cọ talipot, cây lá bối, bối đa thụ…,là loài cọ nguồn gốc từ miền đông và miền nam Ấn Độ và Sri Lanka. Nó cũng được trồng tại Campuchia, Myanmar, Trung Quốc, Thái Lan và quần đảo Andaman. Đây là loài thực vật có hoa với cụm hoa lớn nhất thế giới. Theo dòng lịch sử, những chiếc lá của loài cọ này được sử dụng làm vật liệu để viết trong các nền văn hóa Nam Á và Đông Nam Á khác nhau bằng bút trâm để tạo ra các bản chép tay lá cọ Người Trung Quốc gọi loài cọ này là bối đa thụ (貝多樹) hay bối đa la thụ (貝多羅樹). Trong Phật giáo người ta chép kinh văn trên lá của loài cọ này và gọi kinh văn đó là bối diệp kinh (貝葉經) hay kinh lá bối. Ở Philippines, nó được biết đến với tên địa phương là buri hoặc buli. Lá cũng được sử dụng để lợp mái nhà cửa, và nhựa cây được khai thác để làm rượu cọ. Ở miền nam Ấn Độ, lá cọ được sử dụng để làm ô (dù) che cho nông dân. Cây được gọi là kudapana (കുടപ്പന) trong tiếng Malayalam, talo
(/ tɑːloʊ /, ତାଳ) trong tiếng Odia và kudaipanai (குடைப்பனை) trong tiếng Tamil, có nghĩa là cây cọ ô/cọ dù. Cây được người Sinhala bản địa ở Sri Lanka gọi là talavriska (තලා).
Lá Buông hay còn gọi là lá Bối, (s: pattra, p: patta, 貝葉). Lá Bối, âm dịch là Bối Đa La (貝多羅), gọi tắt là Bối Diệp, Bối Đa (貝多), là lá của loại cây Đa La (多羅, Corypha umbraculifera). Lá của nó dài và rộng, khắc chữ lên lá bằng bút sắt thì rất thích hợp. Trước khi phát minh ra giấy, dưới thời cổ đại Ấn Độ, người ta dùng loại lá cây này thay thế giấy để viết các văn thư, kinh điển và bảo tồn có thể kéo dài đến cả trăm năm. Từ đó, Bối Diệp chỉ cho quyển kinh. Kinh điển được viết trên Lá Bối xuất hiện đầu tiên tại Ấn Độ, sau khi Phật Giáo được truyền vào Trung Quốc, các thư tịch này cũng được lưu truyền[14]. Hiện tại, ở các tự viện thuộc tỉnh Vân Nam cũng như Tây Tạng vẫn còn bảo trì một số lượng rất lớn loại kinh văn Lá Bối này. Như trong bài Sơn Cư (山居) của Tử Bá Lão Nhân Tập (紫柏老人集, CBETA No. 1452) quyển 26 có đoạn:
“Bạch nhật lai tham phục hổ Thiền, nạp y thùy cọng nhiễm hương yên, phong trần hữu lộ thông tâm địa, thủy nguyệt vô nhân vấn tính thiên, không tưởng huyền am phiên bối diệp, diêu tri lôi vũ hộ kim điền, lãnh lãnh tùng hạ thính hàn lãng, vạn kiếp tình căn nhất sái nhiên (白日來參伏虎禪、衲衣誰共染香煙、風塵有路通心地、水月無人問性天、空想玄菴翻貝葉、遙知雷雨護金田、冷冷松下聽寒浪、萬劫情根一洒然, cọp quỳ ban ngày tham vấn Thiền, rách y ai nhuộm khói hương thêm, phong trần có nẻo thông tâm địa, trăng nước không người hỏi tính thiên, không tưởng am huyền phiên kinh điển (bối diệp), xa hay mưa sấm giúp ruộng vàng, buốt giá cội tùng nghe sóng lạnh, muôn kiếp tình căn rửa sạch liền).”
Hay như trong Tây Nham Liễu Huệ Thiền Sư Ngữ Lục (西巖了慧禪師語錄, CBETA No. 1391) cũng có câu: “Hồ tăng phiên bối diệp, Vương Lão tước sinh khương (胡僧翻貝葉、王老嚼生薑, Rợ tăng dịch kinh điển (Bối diệp), Vương Lão nhấm gừng non).”
Bối diệp (lá bối), còn gọi là Bối Đa La diệp, là một loại cây cọ – thực vật miền nhiệt đới, sinh trưởng chủ yếu ở phía Nam, mọc nhiều tại các khu vực hướng Tây nam Ấn Độ, Tích Lan, Miến Điện và Trung Quốc, lá dài mà dày, có thể dùng để ghi chép kinh văn, nói gọn là Bối Đa hoặc Bối Diệp. Trong “Chu Ái Liên Trúc Ký Du” thứ 14, quyển 2: “Bối diệp là một loại lá cây lớn tại Tây Thiên, sáng bóng và sạch sẽ, có thể dùng để viết kinh sách”. Trước khi chưa phát minh ra giấy, Ấn Độ thời cổ đã dùng lá Bối Đa La để ghi chép kinh điển Phật giáo và tư liệu văn hiến của cung đình, hiện nay tại khu vực Nam Ấn Độ và Phật giáo Nam truyền vẫn còn có người tiếp tục sử dụng.
Còn một loại lá nữa, trong lịch sử Phật Giáo của Sri Lanka còn ghi chép lại: Tam Tạng Pāli được do ngài Mahinda[15] du nhập từ Ấn Độ vẫn được bảo quản bằng phương thức truyền khẩu sau đó được ghi xuống vào lá thốt-nốt thành sách vào thế kỷ thứ nhất trước Tây lịch. Sau đó Ngài Buddhaghosa[16] chỉ tổng hợp các Chú Giải đã có sẵn gồm có một số chú giải do ngài Mahinda được truyền thừa ở Ấn Độ rồi giảng dạy lại và một số chú giải đã được thực hiện ở Tích Lan bằng ngôn ngữ Sīhaḷa. Các bản chú giải đã được ngài Buddhaghosa ghi lại bằng ngôn ngữ của xứ Magadha, ngày nay gọi là Pāli [17]. Khi biên soạn các văn bản chú giải Ngài Phật Âm dùng ngôn ngữ Pali và ghi chép trên lá buông. Các Kinh chép trên lá buông này hiện vẫn còn bảo tồn tại chùa Aluviharaya Rock Cave ( chùa Đại Tự), tại làng Aluviharaya, là một vùng ngoại ô của Matale, tỉnh miền Trung của Sri Lanka, nằm cách Matale 3,5 km về phía bắc và cách Colombo 150 km về phía đông bắc. Vùng ngoại ô nằm trên đường cao tốc Kandy-Jaffna.
Vào thời cổ đại, có 2 loại lá dùng để viết Kinh Phật, đó là lá thốt nốt và lá bối. Những kinh văn được viết trên đó tập trung chủ yếu ở Ấn Độ, Nepal, Tây Tạng, Trung Á, về sau lan dần đến Đông Nam Á[18]. Có từ điển cho rằng loại lá dùng để chép kinh Phật vào thời cổ đại là lá thốt nốt, còn gọi là bối đa. Song thực ra đây là 2 loại lá khác nhau, thuộc 2 loài khác nhau. Người Trung Quốc gọi cây thốt nốt (Borassus Flabellofer) là đường tông (糖棕); còn cây bối (Corypha umbraculifera) là bối đa thụ (貝多樹) hay bối đa la thụ (貝多羅樹). Cả hai loại lá này đều được dùng để ghi văn bản từ thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên hoặc sớm hơn nữa.
Các tác phẩm kinh điển Bayeux được đóng bằng phương pháp đóng thành tập họp các lá thành sách, bất kể chất liệu là vỏ cây bạch dương hay lá bối, đều được gọi là sách Bayeux. Tuy nhiên kinh điển vỏ cây bạch dương hiếm khi được lưu truyền, cây bạch dương được sản xuất ở chân đồi của cao nguyên, chẳng hạn như Kubin ở Tây Bắc Ấn Độ, Khotan và Kucha ở Trung Á, vì vậy có những kinh điển vỏ cây bạch dương được khai quật ở khu vực này. Và ngày sao chép biên soạn có từ rất sớm, sau đó vỏ cây bạch dương dần được thay thế bằng lá bối ( lá buông). Bayeux script rất phổ biến ở Ấn Độ, nhưng chúng chỉ được sử dụng trong kinh Phật ở Trung Á, chủ yếu bao gồm các ký tự tiếng Phạn, tiếng Tây Tạng và tiếng Duy Ngô Nhĩ, cũng như tiếng Jianhuluo, tiếng Thổ Nhĩ Kỳ cổ đại, tiếng Ấn Độ cổ đại và một số ít tiếng Trung Quốc.
Phương pháp đóng cuốn sách lá bối ( lá buông) trước tiên là cắt giấy hoặc lá thành hình chữ nhật vừa phải, đục một hoặc hai lỗ ở gần tâm hoặc vẽ một vòng tròn xung quanh lỗ, và kinh điển sẽ được viết ở hai bên của vòng tròn . Sau đó buộc nó bằng một sợi dây. Vẽ một vòng tròn bên ngoài lỗ để sách không bị hư hại do lỗ mở rộng dần và làm hỏng kinh sách. Hầu hết các ấn bản Beiyeux chỉ có một lỗ và nó được mở ở nửa đầu của ký tự, ví dụ như tiếng Phạn hoặc tiếng Tây Tạng được viết theo chiều ngang từ trái sang phải, nghĩa là lỗ được mở ở nửa bên trái, nửa bên phải. Ở mặt sau của mỗi trang sách, ngoài cột đầu dòng, ghi số trang. Một số bản thảo vẽ trước các ô hoặc đường kẻ để văn bản được sắp xếp ngay ngắn và đẹp mắt. Chữ Phạn, Tạng v.v… được viết theo chiều ngang của trang sách hình chữ nhật nên khi đọc phải đặt ngang theo chiều dài và lật từ dưới lên trên. Cách viết của tiếng Uyghur lúc đầu viết ngang từ phải sang trái, sau đó viết dần từ trái sang phải, khi viết có thể viết ngang song song với cạnh dài hoặc viết thẳng song song với cạnh ngắn. Một số chữ viết Trung Quốc được khai quật ở Đôn Hoàng, Gaochang và những nơi khác thường được viết trực tiếp song song với mặt dài và các trang được lật từ trái sang phải [19].
Kỹ thuật in khắc gỗ ở các nước châu Á có lịch sử phát triển từ nhiều thế kỷ trước châu Âu, sớm nhất là Trung Hoa, rồi tới Triều Tiên, Nhật Bản, thuộc khu vực Đông Bắc Á và Việt Nam . In khắc gỗ còn được gọi là in mộc bản, thuộc kỹ thuật in nổi và là phương pháp in ấn lâu đời nhất. Trước khi có kỹ thuật này, sách cũng như các văn bản khác thường được lưu hành bằng cách chép tay. Việc khắc nội dung văn bản lên ván gỗ rồi in trên giấy (hoặc lụa) giúp việc nhân bản một cuốn sách trở nên dễ dàng, chính xác. Kỹ thuật khắc bản in ra đời ở Trung Hoa trong thời kỳ nhà Đường (618 – 907).
Những bản in trên gỗ sớm nhất được tìm thấy đều có niên đại vào thời Đường, như Kinh Kim Cương, in năm 868[20], tìm thấy ở Đôn Hoàng: Đây là tác phẩm in ván khắc có thể biết được chính xác niên đại khắc in sớm nhất trong lịch sử thế giới cho đến thời điểm hiện tại . Do vậy, nghệ thuật khắc in bằng ván gỗ ở Trung Hoa có thể thời gian ra đời còn sớm hơn nữa, nhưng chúng ta không tìm thấy văn bản nào để minh chứng. Năm 1880, Nhật Bản cũng tìm thấy một bản in kinh Phật khắc trên ván gỗ, được gọi là darani, kích thước 6x45cm, gồm 21 cột, mỗi cột 5 ký tự. Đây là bản in sớm nhất hiện còn ở Nhật Bản, có niên đại được xác định thuộc thế kỷ thứ VIII, từ 764 – 770. Theo sử sách ghi lại, năm 1018, vua Lý Thái Tổ đã cho Nguyễn Đạo Thành và Phạm Hạc sang nhà Tống để thỉnh Đại tạng kinh và năm 1020 kinh mới được chở về. Trong các năm 1034, 1081, 1098, vua Tống còn tặng thêm cho vua Lý ba cuốn Đại tạng kinh nữa. Đó là chưa kể những bản Đại tạng kinh được nhà vua cho san khắc ngay trong nước vào những năm 1023, 1027, 1036.
Theo Cao Tăng truyện quyển 1, thì khoảng năm Đại Đồng (535-545) triều đình nhà Lương có sắc chiếu bảo Trương Phạm đến Phù Nam xin thỉnh các bộ kinh luận của các bậc danh tăng sang giảng dạy Phật pháp ở Trung Hoa. Vua Phù Nam nghe tin liền phái hòa thượng Ấn Độ là Chân Đế (Paramartha hay Gurnaratha) lúc đó đang hành đạo ở Phù Nam mang theo 240 bộ kinh đến triều đình Trung Hoa vào năm 546. Sách Lịch đại Tam Bảo kỷ, quyển 11 và Tục Cao Tăng truyện, quyển 1 đều ghi chép số kinh luận mà ngài Chân Đế đưa đến Trung Hoa, toàn bộ sách kinh phiên dịch gồm hơn 2 vạn quyển, phần lớn là kinh sách chưa truyền đến Trung Hoa. Điều đó chứng minh rằng Phù Nam (vùng đất Nam Bộ xưa) là một trung tâm Phật giáo ở phương Đông, có ảnh hưởng đến miền Nam Trung Quốc. Từ đó cho thấy, kinh Phật đã có mặt từ rất sớm. Từ những dữ liệu của Phật giao1A61n Độ và Srilanka, cho phép ta kết luận chất liệu kinh Phật mà đất Việt xưa có cũng chính là lá buông, kinh lá bối. Truyền thống ghi chép kinh này hiện nay Việt Nam vẫn còn bảo tồn tại vùng đất Chân Lạp-Khmer. Cụ thể là những chùa Khmer Việt Nam hiện nay vẫn đang bảo tồn việc ghi chép kinh Phật trên lá buông!
Nhà sư Ma Ha Kỳ Vực đã đến nước ta vào thế kỷ thứ 4 sau dương lịch. Nhà sư Ma Ha Đề Bà đến nước ta vào thế kỷ thứ 5, dạy Thiền cho ngài Huệ Thắng tại chùa Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Nhà sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi đến nước ta vào thế kỷ thứ 6 sau dl, dịch kinh Tổng Trì tại chùa Pháp Vân, và tại đây đã lập nên dòng Thiền Pháp Vân. Các Tổ này đều là người Ấn Độ đem kinh điển truyền sang đất Việt lúc bấy giờ thì các lưu trữ kinh Phật cũng có thể hiểu là chất liệu vẫn là lá buông ( lá bối). Mỗi dân tộc có một lối viết chữ riêng và có những loại “sách” riêng, chữ viết thể hiện trên đất, trên da thú, trên giáp cốt, trên thẻ tre… riêng kinh Phật, người Khmer có Satra S-lất-rich hay Satra – chữ viết trên lá Buông. Satra tiếng Khmer có nghĩa là những hàng chữ viết trên lá, một tập sách lá Buông. Người Khmer chọn lá Buông để viết chữ. Như vậy có thể nói người Việt xưa mà cụ thể là người Khmer xưa sinh sống tại vùng đất Việt đã biết tiếng Pali, tiếng Sankrit từ thế kỷ thứ 4 hoặc thậm chí còn biết trước đó nữa. Có như vậy đạo Phật mới được truyền bá một cách nhanh chóng vào thời điểm đó.
Ngoài kinh Phật bằng lá buông, lá bối thì giấy Dó từ cây Dó cũng được người Việt xưa thực hiện. Cuốn lễ bộ thượng phẩm, năm Quang Hưng 21, tức là năm 1598, là cuốn Kinh coi như có niên đại xưa nhất cho đến hiện nay tìm thấy ở chùa Vạn Đức, Hội An được làm từ giấy của cây Dó. Người Đông Hồ có hai từ để phân biệt dòng tranh dân gian của họ và dòng in khắc bản kinh, là khắc tròn và khắc vuông. Khắc tròn để chỉ những đường nét khắc lựa theo hình người và vật trên ván in của tranh dân gian Đông Hồ, còn khắc vuông để chỉ lối khắc theo những con chữ Hán khối vuông trên các bản in kinh. Lần trước, trong phần khảo cứu tranh dân gian Đông Hồ các nhà nghiên cứu đã dẫn ra ba khái niệm kỹ thuật mà người Trung Hoa tổng kết là: Hắc bạch mộc khắc – khắc gỗ đen trắng, Thao sắc mộc khắc – khắc gỗ cả nét và màu đều dùng ván in, Bút thái mộc khắc – in bằng bản in nét và tô màu bằng bút. Khắc gỗ đen trắng chính là lối khắc bản kinh dùng để in kinh sách ngày xưa, chủ yếu do các xưởng in, tiệm in, làng nghề in (Hồng Lục, Liễu Chàng) thực hiện ấn loát các sách Nho giáo, sách bói, sách thuốc trong xã hội phong kiến, còn các chùa tổ (các trung tâm Phật giáo) thì in kinh sách nhà Phật.
Ngoài ra chất liệu đá, gọi là thạch kinh, tác giả sẽ có một khảo sát sau bài viết này.
Từ khi xuất hiện giấy, các văn bản kinh điển đều lưu trữ bằng giấy. Đối với Việt Nam, nghề làm giấy thì lịch sử đã xác định, người Việt Nam có nghề giấy mật hương từ rất sớm, ít nhất trong khoảng thế kỷ 3. Nhưng nghề in kinh sách thì mãi đến thế kỷ 11[21], mới có tài liệu nói rằng trong thời Lý (1010 – 1225) có nhà sư Tín Học và gia đình làm nghề in khắc sách.
Thời Trần, các vị sư phái thiền Trúc Lâm Yên Tử đã cho in nhiều kinh sách Phật giáo, nhất là trong quá trình bang giao với nhà Nguyên, đã lấy được kinh Đại Tạng (tức là toàn bộ kinh Phật cho đến lúc đó), cho in lại ở Đại Việt và bổ sung thêm vào đó những trước tác Phật giáo do các học giả Phật giáo Đại Việt biên soạn. Sau cuộc chiến với nhà Minh (1407 – 1427), hầu hết sách ở của ta đã bị đốt cướp, nên nghề ấn loát coi như thất truyền, cho đến khi một vị trạng nguyên thời Lê sơ, thế kỷ 15, Lương Nhữ Học nhân đi sứ ở Trung Hoa (1443 – 1459) mà học trộm được nghề này, nhất là lần đi thứ hai thì ông giả làm nhà buôn mà học nghề. Sau đó, khoảng những năm 1470, ông truyền nghề cho dân hai làng Hồng Lục, Liễu Chàng ở Hải Hưng hành nghề. Dân hai làng đó một phần hành nghề ở quê hương, một phần lên Thăng Long mở các hiệu đường in khắc sách chuyên nghiệp. Dòng tranh dân gian Hàng Trống cũng nhờ đó mà phát triển ở ngay nơi các hiệu đường in sách hành nghề.
Chất liệu ghi chép lưu trữ kinh Phật bằng giấy ngày nay thay thế cho các loại lá đã là một cuộc cách mạng trong công tác bảo tồn và lưu trữ. Giấy hiện nay được Phật giáo xem là chất liệu chính trong ấn loát các tam tang kinh điển. Các nhà khoa học đã không ngừng nghiên cứu sản xuất ra các loại giấy không phai mực bảo đảm 100 năm, hoặc không bị mối mọt, di chuyển hay lưu trữ đều thuận lợi.
Ngày này ngoài chất liệu lưu trữ bằng giấy thì kỹ thuật số là một dạng lưu trữ hết sức tiện ích và vô cùng quan trọng.
Lịch sử chất liệu biên chép và lưu trữ tam tạng kinh điển đã cho chúng ta thấy trí tuệ sáng tạo của người xưa trong việc giữ gìn và góp phần hoằng dương Phật pháp. Điều đó góp phần gìn giữ sự trường tồn của đạo Phật cho đến mai sau.
Tác giả: Chánh Tâm Hạnh
NCS TS Khoá 3 Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh
Nguồn: Tạp Chí Nghiên Cứu Phật Học
Chú thích
[1] Mukha (मुख) có nghĩa là “miệng”; Patha (पथ) có nghĩa là “con đường” hoặc “lộ trình”.
[2] Theo Charles Willemen, Bart Dessein, Collett Cox ,1997, Sarvāstivāda Buddhist Scholasticism, trang 45. BRILL, Handbuch Der Orientalistik. ISBN: 978-90-04-49320-9
[3] Theo Đại Đường Tây Vức, quyển ba, Sa môn Biện Cơ soạn tại chùa Từ Ân, ĐTK 51, ký hiệu 2087, tr 886b . một tác phẩm viết khá súc tích, khúc chiết và chặt chẽ, khá nổi tiếng, nhất là về phương diện sử liệu. Do đó, gần như hầu hết các học giả đều công nhận học thuyết này.
[4] Theo Bà Tẩu Bàn Đậu – Vasubandhu, tác phẩm Pháp Sư truyện, Chân Đế đời Trần dịch, ĐTK 50, ký hiệu 2049, tr 189a). Dữ liệu của tác phẩm này, tuy cũng được xem là lần kết tập pháp tạng thứ tư, nhưng rất ít học giả công nhận giá trị của nó so với tư liệu Tây Vức Ký.
[5] Vào thời kỳ này thì tiếng Phạn đã được Pāṇini và các vị tiền bối chuẩn hóa thành tiếng Phạn mà người phương Tây gọi là tiếng Phạn Cổ điển (Classical Sanskrit) để phân biệt với tiếng Phạn thời trước đó trong kinh Vệ Đà, gọi là Vedic Các mẫu tự Devanāgarī (Devanagari Script) dùng để viết tiếng Phạn và một số ngôn ngữ Ấn Độ khác đã tiến hóa từ các mẫu tự Brahmi (Brahmi script) đã có mặt vào khoảng năm 300 trước dương lịch.
[6] Theo Đảo sử Tích Lan và theo sự dẫn lại của Phật Quang Đại từ điển, tr 5189a. Các học giả hiện đều công nhận đây là lần kết tập thứ tư của Phật giáo Thượng tọa bộ tại Tích Lan.
[7] Theo GS Michael Hahn, Numata, Khoa Phật học, trường Đại học UC Berkley, trong hội thảo ngày 15 tháng 3 năm 2005. Chủ đề hội thảo : A Never-ending Story – On the Rediscovery of Buddhist Sanskrit Texts. Tại : IEAS Conference Room, 2223 Fulton St., 6th Floor. Nguyên văn như sau : After the demise of Buddhism in the fourteenth century almost the entire body of Buddhist texts was lost inIndia. However, outsideIndiaproper Buddhist Sanskrit manuscripts survived inNepal, Kashmir, Central Asia,Tibetand elsewhere
[8] Hải Long, Vài nét về đặc điểm văn hóa Hy Lạp cổ đại. trang web của Vụ Đào Tạo , Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch. http://daotao-vhttdl.vn/articledetail.aspx?articleid=840&sitepageid=627
[9] Aluvihare là một vùng ngoại ô của Matale, tỉnh miền Trung của Sri Lanka, nằm cách Matale 3,5 km về phía bắc và cách Colombo 150 km về phía đông bắc. Vùng ngoại ô nằm trên đường cao tốc Kandy-Jaffna. Tại đây có một ngôi chùa cất trong đá là nơi Ngài Phật Âm chú giải kinh Phật, đến nay vẫn còn là nơi hành hương của chư phật tử đến từ Tich Lan
[10] Theo Jayawardhana, Somapala. Handbook of Pali Literature. Colombo: Karunatratne and Sons Ltd. 1994, p.32
[11] Theo PhD Nalinasha Dutt là tác giả cuốn Buddhist Sects in India, Nhà xuất bản Motilal Banarsidass, xuất bản năm 1998, ISBN 81-208-0428-7. Số lượng tịnh xá mà PhD Dutt tính toán căn cứ theo bản gốc của Ngài Huyền Trang ước tính lúc bấy giờ.
[12] Hoàng Tân Xuyên biên tập. “Từ điển Nam Á”: Nhà xuất bản Nhân dân Tứ Xuyên, tháng 2 năm 1998: Trang 61
[13] Theo Bách Khoa toàn thư Baidu, nguyên văn như sau : “古代印度人用为书写材料后,遂有了书写用树叶的意思,后更引申而成纸、信等义。亦译“贝叶”。又指贝多罗树。《酉阳杂俎》卷18说树有三种,其中多罗婆力叉(talavriksa)即佛典所载多罗树,为一种大叶棕榈,“其叶长广,其色光润,诸国书写,莫不采用。”(《大唐西域记》卷11)佛经又称贝叶经,”
[14] Theo https://phatgiao.org.vn/tu-dien-phat-hoc-online/boi-diep-k3442.html
[15] Ma-hi-đà (zh.摩 呬 陀; si,pi.Mahinda) Cao tăng Phật giáo thế kỉ thứ 3 trước Công nguyên, con trai của A-dục vương (si: aśoka), sinh năm 279 TCN. Năm 250 trước Công nguyên, ông dẫn đầu phái đoàn đi Tích Lan (nay là Sri Lanka) để phổ biến Phật giáo và thuyết phục nhà vua xứ này là Devànampiyatissa (Thiên Ái Ðế Tu) theo đạo. Nhà vua sau đó cho xây dựng chùa Mahāvihāra (Đại Tự) trong kinh đô Anuradhapura. Ma-hi-đà có lẽ cũng là chủ tọa của Đại hội kết tập kinh điển Phật giáo lần thứ tư tại Sri Lanka. Hiện nay Sri Lanka là địa cứ của Phật giáo Thượng tọa bộ .
[16] Buddhaghosa ( Ngái Giác Âm, Phật Âm) Luận sư thù thắng về tam tạng Kinh. Ông là một Bà La Môn sinh trong làng gần Bohdgaya. Ông làu thông ba kinh Vệ Đà và nhiều ngành liên hệ. Một hôm ông tranh luận thua trưởng lão Reveta (Ly Bà Đa), ông xin gia nhập tăng đoàn và học Phật . Ông có giọng nói trầm như Phật và lời nói vang khắp cõi chư Phật nên được gọi là Buddhaghosa. Trong lúc an trú với Revata, ông viết Nanodaya ( luận phát trí độ) và Atthasalini (sớ giải bộ pháp tụ) và bắt đầu soạn Parittahakatha (chú giải súc tích) về tam tạng kinh , Nhằm hoàn tất luận văn này, theo đề nghị của Revata (Mục Kiền Liên) Ông qua Tích Lan để được trưởng lão Sanghapala (Tăng Già Bà La) ở Mahavihara truyền dạy các chú giải Tích Lan.Thời điểm này là vào thế kỷ thứ 5, năm 423 tây lịch.
Sau khi học xong ông viết Visuddhimagga ( Thanh Tịnh Đạo – con đường dẫn đến thanh tịnh) ; được sự chấp thuận của các vị trưởng lão ở Mahavihara, ông chuyển các chú giải Tích Lan ra tiếng Pali, bấy giờ ông trú tại Ganthakara-vihara (kinh điển Miến Điện nói ông được Aloka-vihara cho một bản sao các tam tạng và các chú giải. Ngoài các luận văn nói trên , Ngài còn soạn Samantapasadika và Kankhavitarani về Vinaya Patika (chủ đề chính là các quy tắc ứng xử của các tăng – ni trong tăng đoàn) ; Summangalavilasini (chú giải Trường Bộ Kinh), Papancasudani (chú giải về Trung Bộ Kinh), Saraththappakasini (bình luận về Tương Ưng kinh- Samyutta Nikaya) và Manorathapurani (chú giải về Tăng Chi Kinh – Ariguttara Nikaya) về Sutta pitaka ( Kinh Tạng). Ngoài ra Ngài còn sưu soạn các chú giải về Khuddakapatha và Sutta Nipata hay gọi là Paramathajotika. Tồng lượng kinh chú giải do Ngài Phật Âm viết tổng cộng 19 bài luận văn về Luật tạng và về các Bộ kinh.
[17] James Grey, The history of Buddhagosa, Publihsher to the India Office, 1892, trang 31
[18] Theo Báo Thanh Niên : https://thanhnien.vn/phat-hien-kinh-phat-thoi-co-dai-duoc-viet-tren-la-thot-not-1851095848.htm
[19] Theo quyển 51 của Phật Pháp Kinh, Lời nói đầu của Kinh Thiên Phệ Miaofa Lianhua, Tập 2 của Xuanying Yinyi, Tập 1 của Huiyuan Yinyi, Tập 3 của Tuyển tập tên dịch, Tập 16 của Danh mục Phật giáo Zhenyuan Xinding ] (xem ” Tuo Luo ” 2333, ” Fanjia” 4631
[20] Trước khi Gutenberg phát mình ra máy in (năm 1455), sách được in theo bản khắc. Khoảng 1.800 năm trước, người Trung Quốc và Nhật Bản đã dùng những bản khắc gỗ để in hình ảnh mang tính tôn giáo lên giấy, lụa, tường. Khoảng thế kỷ thứ 9, người Trung Quốc đã in được những cuốn sách hoàn chỉnh. Một cuốn Kinh Kim cương thực hiện năm 868 chính là cuốn sách in xưa nhất còn tồn tại đến ngày nay.
[21] Theo Phan Cẩm Thượng, tác phẩm Văn minh vật chất của Người Việt, NXB Tri Thức, năm 2011. Ghi như sau “Nghề làm giấy Trung Quốc ra đời sớm, thay thế cho tre và lụa. Bản thân giấy cũng được chế từ các loại vỏ cây, nên đất nước nhiều rừng như nước ta ngày xưa cũng nhanh chóng trở thành một trung tâm chế tạo giấy. Về khả năng làm ra loại giấy để hơn 300 năm không hư hỏng, chính Đại Việt đứng đầu, đặc biệt là giấy sắc phong.”