Pháp thoại này cho thấy Thế Tôn đã từng nghĩ đến việc thiết lập một xã hội đức trị lý tưởng trong đó có cai trị mà “không giết hại, không để người giết hại; không chinh phục, không khiến người chinh phục; không sầu muộn, không khiến người sầu muộn”. Đây là một ý tưởng tuyệt vời, tâm nguyện vì chúng sanh cao cả.
Một thời Thế Tôn ở Kosala, dưới chân núi Tuyết Sơn, tại một am thất nhỏ trong rừng. Trong khi Thế Tôn thiền tịnh độc cư, tư tưởng sau đây được khởi lên: Có thể chăng cai trị mà không giết hại, không để người giết hại; không chinh phục, không khiến người chinh phục; không sầu muộn, không khiến người sầu muộn một cách đúng pháp?
Rồi Ác ma, biết được tâm tư Thế Tôn như vậy, liền đi đến nói với Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy cai trị. Thiện Thệ hãy cai trị.
– Này Ác ma, ông thấy gì mà ông nói với Ta như vậy?
– Bạch Thế Tôn, bốn như ý túc đã được Thế Tôn tu tập, làm cho sung mãn, khéo áp dụng. Và bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn muốn núi Tuyết Sơn, vua các loài núi trở thành vàng, Thế Tôn có thể quyết định như vậy, và ngọn núi có thể trở thành vàng.
Thế Tôn (nói kệ):
Dầu cho cả ngọn núi/Trở thành toàn vàng ròng/Cho đến hóa gấp đôi/Cũng không thỏa mãn được/Tham vọng của một người/Biết vậy để hành trì/Ai thấy rõ đau khổ/Và nguyên nhân đau khổ/Làm sao người như vậy/Có khuynh hướng ái dục?/Sau khi biết sanh y/Là ràng buộc ở đời/Người biết vậy nên học/Giải trừ mọi buộc ràng.
Rồi Ác ma biết được: “Thế Tôn đã biết ta, Thiện Thệ đã biết ta”, sầu khổ, thất vọng, liền biến mất tại chỗ ấy.
(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ I, chương 4, phẩm 2, phần Thống trị, VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.257)
Suy nghiệm
Pháp thoại này cho thấy Thế Tôn đã từng nghĩ đến việc thiết lập một xã hội đức trị lý tưởng trong đó có cai trị mà “không giết hại, không để người giết hại; không chinh phục, không khiến người chinh phục; không sầu muộn, không khiến người sầu muộn”.
Quả đây là một ý tưởng tuyệt vời, tâm nguyện vì chúng sanh cao cả. Nhưng khi Thế Tôn vừa khởi lên tư tưởng này thì ác ma liền nắm bắt đồng thời cất lời xưng tán và động viên Ngài hãy thiết lập sự cai trị. Ngay lập tức, Thế Tôn biết được ác ma đang lợi dụng lòng tốt của Ngài nên liền xả niệm, an trụ vào vô tâm, tịch tịnh.
Với trí tuệ của bậc Giác ngộ, Ngài thấy rằng dù cho làm được điều khó làm nhất như biến ngọn Tuyết Sơn thành một khối vàng ròng nhưng nếu tâm tham chưa điều phục thì việc ấy chỉ tăng trưởng tham vọng, chấp thủ và buộc ràng mà thôi.
Điều này thật đáng để cho những đệ tử Phật suy gẫm trước những hoài bão độ sanh to lớn, những Phật sự bộn bề và nhất là nỗ lực để cải thiện và kiện toàn các hình thái tổ chức xã hội… trong khi thân tâm còn nhiều ràng buộc và giới hạn của tập khí, phiền não.
Ác ma luôn ca ngợi và khuyến khích hành giả (chưa giải thoát) tham gia quản trị xã hội nhưng thực chất là đánh lạc hướng chúng ta lệch khỏi mục tiêu giải thoát và tăng trưởng tham ái quyền lực. Do đó, tùy duyên mà làm lợi ích cho đời, làm tất cả những hạnh lành nhưng phải buông xả tất cả, vô chấp để vượt thoát mọi kềm tỏa và lợi dụng của ác ma.
Quảng Tánh