NHÂN DUYÊN DỊCH
KINH KIẾN CHÁNH
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Từ lúc xuất gia, ngay cả nhiều năm được diễm phúc tiếp xúc với Đại tạng kinh, tôi vẫn chưa bao giờ nghe đến tên kinh Kiến Chánh. Năm Quý Mùi (2003), tôi may mắn được về hầu Thầy nhập thất. Một năm sau, sáng ngày 30 tháng 02 năm Giáp Thân, tôi vào hầu Thầy, thấy trên nét mặt Thầy có phần khó chịu, ưu tư. Tôi mạo muội vấn an. Thầy đáp: “Khuya nay tự nhiên Thầy thấy chư thiên tầng trời Ba Mươi Ba thỉnh Thầy giảng kinh Kiến Chánh. Thầy nói: ‘Tôi chưa hề đọc kinh Kiến Chánh, làm sao mà giảng!’. Nói rồi họ vẫn rước lọng thỉnh đi. Lúc ấy, có một người cầm quyển kinh Kiến Chánh để trước mặt để Thầy vừa đi vừa đọc, đọc rồi sẽ giảng”.
Tôi thắc mắc: “Chư thiên thỉnh đi giảng kinh là một việc tốt, có gì đâu mà Thầy phải ưu tư?”. Im lặng giây lâu, Thầy đáp: “Từ hồi nào đến giờ, Thầy không hề nghĩ đến cõi trời, sao hôm nay lại thấy cõi trời hiện ra?”. Tôi bạo gan dẫn giải: “Có lẽ mấy hôm nay Thầy tụng kinh A hàm, thấy trong kinh có diễn tả cõi trời Tam Thập Tam, nên bị ám ảnh. Chỉ sợ Thầy mê không biết, chứ nếu tỉnh thức, biết được thì chỉ cần chuyển niệm về Tây Phương Cực Lạc là được, có gì mà Thầy phải ưu tư!”.
Lúc ấy, tôi chỉ buột miệng nói thế, không hề nghĩ rằng đó là những ngày tháng cuối cùng của Thầy. Tối mồng 5 tháng 2 nhuần, Thầy gọi hết đồ chúng vào, dặn dò kỹ lưỡng, rồi bấm đốt tay tính ngày ra đi. Thầy bảo: “Nếu đi được vào ngày 16 thì khỏe cho các con sau này, giỗ Thầy trùng với giỗ Hòa thượng Tôn Thắng, làm chung luôn thì tiện việc biết mấy! Chỉ sợ không kịp đến ngày 16”. Tôi quỳ bên giường bộc bạch: “Thầy còn khỏe lắm, bao giờ đi thì đi thôi, lo làm gì cho mệt!”. Thầy bảo: “Việc Thầy đã xong, Thầy chẳng còn lo gì nữa, Thầy chỉ lo cho các con thôi…”.
Ôi! Lời nói của một người rồi việc, lo xong chuyện sanh tử, chỉ đợi giờ ra đi. Suốt mấy ngày sau, Thầy nằm trên giường bệnh, thỉnh thoảng tôi thấy Thầy đưa tay diễn tả, miệng lẩm bẩm như đang giảng kinh. Rồi Thầy nói với chúng tôi về cảnh giới Thầy đang cảm thấy, nào là các vị Bồ tát vân tập, ánh sáng lạ chiếu trên đầu giường, nào là hoa sen từ hư không giáng xuống… Các bác sĩ Đông y lẫn Tây y đến khám bệnh đều bảo Thầy không hề có bệnh gì cả, chỉ là ăn không được nên sức khỏe yếu dần.
Thầy không hề đau đớn. Chiều ngày 12 tháng 2 nhuần, Thầy gọi trụ trì và tri sự hai chùa vào, rồi bảo: “Thầy rất tỉnh táo, Thầy rất sáng suốt…”.
Thầy lặp đi lặp lại nhiều lần câu nói ấy. (Chúng tôi có thâu băng những lời cuối cùng này). Thầy dặn dò và phú chúc những lời cuối cùng, rồi chắp tay niệm lớn câu “Nam mô A Di Đà Phật”, như làm pháp Yết ma, từ đó hơi thở Thầy yếu dần. Thầy đã trút hơi thở cuối cùng vào 06 giờ 20 phút sáng hôm sau giữa tiếng niệm Phật râm ran của đồ chúng.
Suốt một đời giảng kinh, đến lúc lâm chung, lưỡi đã thụt vào rồi mà vẫn giảng kinh. Chiều ngày 12 tháng 02 nhuần, có mấy Phật tử ở Bảy Hiền lên thăm, quỳ khóc bên giường. Thầy khua tay bảo: “Chuyện gì phải khóc!”, rồi nói kệ Bát đại nhân giác: “Thế gian vô thường, quốc độ nguy thúy, tứ đại khổ không, ngũ ấm vô ngã…”.
Sau tang lễ, vì quá bận rộn, chúng tôi quên bẵng chuyện kinh Kiến Chánh. Hôm nọ đi dạy trên trường Cơ bản Phật học Lâm Đồng, gặp Thầy Phương Đạt, Thầy bảo kinh Kiến Chánh là có thật, và đưa tôi xem hạng mục trong Từ điển Thực dụng. Tôi vui mừng về báo lại với Thầy Nguyên Chánh, Thầy rất hồ hởi. Tự đi tìm Đại tạng để tra cứu và photo đem về dịch thuật.
Chúng tôi dự định in kinh Kiến Chánh đã được dịch chung với tập kỷ yếu của Hòa thượng. Sau, tôi thấy kinh này có nghĩa lý rất hay, nói về sự chuyển biến, dùng ví dụ khúc chiết để giảng giải. Xét ra, Thập nhị nhân duyên là giáo lý rất căn bản, nhưng ở Việt Nam hiện không có bản kinh nào nói về lý này, để Phật tử có thể tụng đọc hằng ngày. Do vậy, không nại hiểu biết nông cạn, tôi chuyển bản dịch của Thầy Nguyên Chánh thành câu bốn chữ, cốt dễ hiểu dễ tụng, để Phật tử có thể tụng đọc hằng ngày. Trong Lăng nghiêm có câu: “Tâm thông thuyết thông”. Thiển nghĩ Hòa thượng chưa hề đọc kinh Kiến Chánh, thế mà chư thiên vẫn thỉnh đi giảng, chỉ cần đọc qua khi rước lên pháp tòa là có thể giảng được, đó là một minh chứng đặc biệt. Khi tâm thông thì mọi giáo thuyết đều có thể thông suốt.
Kinh này ngắn gọn, rõ ràng, chỉ sợ phàm phu chúng ta ngu muội cố chấp, không hiểu được chuyện đến đi của sanh tử, vì vậy đức Phật mới dùng nhiều ví dụ, lặp đi lặp lại, giúp chúng sanh hiểu được. Chúng ta cũng nên tụng đọc kinh này hằng ngày để khắc sâu lời Phật dạy. Vì muốn dịch thành câu bốn chữ, nên nhiều chỗ vụng về, sai sót. Kính mong các bậc cao minh chỉ giáo để bản dịch ngày một hoàn
thiện hơn.
Vĩnh Minh Tự Viện
Sa môn Thích Nguyên Hiền
thành kính đảnh lễ.