Lịch sử văn học kinh Hoa Nghiêm
Thích Nhuận Thịnh
A. DẪN NHẬP
Trong quá trình thuyết giáo của đức Phật, những lời dạy của Ngài không được lưu giữ dưới dạng văn bản chữ viết mà được lưu giữ bằng trí nhớ của các bậc trưởng lão kỳ túc, tức là hình thức khẩu truyền được áp dụng để lưu giữ và truyền thừa giáo lý của Phật. Cho đến thế kỷ thứ 3 B.C., trong cuộc kết tập lần thứ 3 vào thời vua A-dục (Aśoka), các tam tạng thánh điển được chỉnh lý và việc ghi chép kinh điển thành văn bản trên bối diệp bắt đầu, cũng có thể là có trước thời Vua A-dục không lâu, hoặc giả, từ cuộc kết tập lần thứ 3 này trở đi. Tuy nhiên, hiện nay chỉ được biết loại hình chữ viết vào thời vua A-dục qua các trụ đá và bia ký của ông còn lại, nhưng chưa tìm thấy nguyên điển của một bản kinh Phật giáo nào ghi bằng ngôn ngữ ấy.
Hai bộ kinh quan trọng là A-hàm (Āgama) và Pāḷi được xem là những bản xưa nhất, nhưng trong ấy, đại đa số các kinh đều giống nhau, phải chăng chắc chắn có một bộ đại tạng kinh tiền thân của hai bộ này?
Thời Phật tại thế, ngài đã thuyết nhiều bài pháp khác nhau cho nhiều đối tượng thính chúng khác nhau, có thể nào, tạng A-hàm và Pāḷi đã ghi chép đầy đủ toàn bộ tất cả các số lượng các bài pháp ấy? Chắc chắn là không thể.
Sự thuyết pháp của đức Phật là nhằm giúp cho những người đau khổ, mà nếu thực hành theo, họ sẽ đạt được sự an lạc giải thoát và thật tế, Ngài đã du phương khắp nơi trong cõi Ấn-độ để thực hiện mục tiêu ấy. Sau khi Phật nhập diệt, vấn đề truyền bá Phật giáo vẫn là công việc quan trọng của chúng đệ tử Phật. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của xã hội, cộng với sự phục hưng của các giáo phái tôn giáo ngoài Phật giáo, thì Phật giáo phải ứng đối như thế nào với tình hình mới ấy? Mặt khác, căn cơ, trình độ và xu hướng tầm cầu tri thức của mỗi thời kỳ phát triển xã hội khác nhau, đòi hỏi giáo lý Phật giáo phải được giải thích theo một cách khác nhau dựa trên nền tảng mà đức Phật đã dạy. Đây là vấn đề tất yếu của bất kỳ một triết thuyết, tôn giáo nào, không riêng gì Phật giáo. Nhưng cách giải thích kinh điển lại tùy thuộc vào khả năng thực chứng và trình độ văn hóa của một người cụ thể, do đó, nó đưa đến sự bất nhất giữa các đệ tử Phật về cùng một quan điểm giáo lý hay giới luật. Bấy giờ, ai là người có đủ thẩm quyền để xác tín rằng cách hiểu kinh hay luật như thế này là đúng, hiểu như thế kia là sai? Từ đó, sự phân chia bộ phái như là cách giải quyết tốt nhất cho sự nan giải này.
Sau khi chia phái, trải qua một thời gian, cộng đồng một số Tăng chúng đã phát triển theo một hướng mới, đó là Đại thừa Phật giáo. Sự xuất hiện của những tư tưởng Đại thừa này có thể nói là đánh dấu một bước ngoặc mới trong quá trình phát triển của Phật giáo. Bởi lẽ, nó gắn liền với lịch sử xã hội và tôn giáo Ấn Độ. Phật giáo Đại thừa là biểu trưng của sự dấn thân phục vụ chúng sanh và quan trọng hơn là nó đưa tất cả chúng ta đến gần với đức Phật (quả vị Phật) hơn.
Các kinh điển Đại thừa được ghi chép đa số bằng ngôn ngữ Sanskrit – một loại hình ngôn ngữ kinh viện (dành cho giới trí thức) của Ấn-độ thời bấy giờ. Sau khi các kinh điển Đại thừa được thành hình, nó đã nhanh chóng mang thông điệp mới của mình mở rộng khắp Ấn-độ. Trong số ấy, một số kinh là được tập hợp từ nhiều bản kinh đơn lẻ khác nhau, điển hình là kinh Hoa nghiêm. Và có thể nói, kinh Hoa nghiêm đã hàm chứa trong nó hầu như toàn bộ các quan điểm chính của Đại thừa Phật giáo.
Trong thiên tiểu luận này, người viết chọn đề tài là “Lịch sử văn học kinh Hoa nghiêm” nhằm tìm hiểu về lịch sử hình thành, loại hình ngôn ngữ ghi chép kinh, các quan điểm đặc trưng của kinh, cũng như sự truyền bá kinh này qua các thời kỳ lịch sử.
B. NỘI DUNG
1. Vấn đề ngôn ngữ văn bản kinh Hoa nghiêm
1.1. Ngữ hệ Ấn-Âu
Hệ ngôn ngữ Ấn-Âu hay ngữ hệ Ấn-Âu là một tổng hợp bao gồm khoảng hơn 400 ngôn ngữ mà các nhà nghiên cứu về ngôn ngữ tin rằng có chung một nguồn gốc. Những người dùng các thứ tiếng của hệ thống này sống từ Ấn Độ cho đến Tây Âu, từ Địa Trung Hải cho đến Bắc Âu và bao gồm khoảng 3 tỉ người. Ngày nay, các tiếng chính còn được dùng (bởi ít nhất 100 triệu người hay hơn) trong nhóm này là: tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Đức, tiếng Nga, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Pháp, tiếng Hindi, tiếng Urdu, tiếng Bengal và tiếng Farsi. Các ngôn ngữ cổ như tiếng La-tinh, tiếng Hy Lạp cổ và tiếng Phạn cũng thuộc vào đây.
Hệ Ấn-Âu bao gồm các nhóm ngôn ngữ chính sau đây:
- Nhóm Ấn-Iran: có dấu tích từ 2000 năm trướcCông nguyên. Đây là nhóm lớn nhất trong hệ Ấn-Âu, điển hình là các tiếng Phạn, Hindi, Urdu và Farsi.
- Nhóm gốc Hy Lạp: có dấu tích từthế kỷ 14 TCN. Điển hình là tiếng Hy Lạp và tiếng Hy Lạp cổ.
- Nhóm gốc Ý: có dấu tích từ 1000 năm trước Công nguyên. Đây là nhóm lớn thứ ba trong hệ Ấn-Âu, điển hình là các tiếng Latinh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp vàÝ.
- Nhóm gốc Celt: có dấu tích từthế kỷ thứ 6 TCN. Điển hình là tiếng Gaeilge (còn gọi là tiếng Gaelic tại Ireland) và tiếng Gaelic tại Scotland.
- Nhóm gốc Đức: có dấu tích từthế kỷ thứ 2. Đây là nhóm lớn thứ nhì trong hệ Ấn-Âu, điển hình là các tiếng Anh, Đức vàHà Lan.
- Nhóm gốc Armeni: có dấu tích từthế kỷ thứ 5.
- Nhóm gốc Slav: có dấu tích từthế kỷ thứ 9. Điển hình là tiếng Nga và tiếng Ba Lan.
- Nhóm gốc Balt: có dấu tích từthế kỷ thứ 14. Nhiều nhà ngôn ngữ đã nhập nhóm này với nhóm trên thành nhóm Balt-Slav.
- Nhóm tiếng Albani: có dấu tích từthế kỷ thứ 16.
(Cũng có nhiều người đã sáp nhập Nhóm gốc Slav và Nhóm gốc Balt thành Nhóm Balt-Slav.)
Và các ngôn ngữ đã mai một sau đây:
- Nhóm Anatoli: có dấu tích từthế kỷ thứ 18 trước công nguyên.
- Nhóm Tochari: có dấu tích từthế kỷ thứ 6.
- Tiếng Thraciavà Tiếng Dacia: đã có vài nhà ngôn ngữ học xếp chung vào một nhóm.
- Tiếng Illyriavà Tiếng Messapia
- Tiếng Phrygia[1]
1.2. Phân kỳ ngữ hệ Sanskrit (Indo-Aryan)
Ngôn ngữ Sanskrit được chia làm 3 thời kì là Sơ kỳ, Trung kỳ và Hậu kỳ.
a) Sơ kỳ (2000 B.C. – 500 B.C.):
Về lịch sử nguồn gốc của Sanskrit thì nó bắt đầu từ thời đại Vedic (thời đại Phạm ngữ Veda), phát triển xuyên suốt theo sự hình thành các bộ Veda và kéo dài đến những thế kỷ sau cho đến ngày nay. Những người Aryan đã tập hợp những bài tán tụng, nghi lễ và những bài thơ nói về chư thần trong bốn bộ Veda (hình thành khoảng từ thế kỷ thứ 10 B.C.) từ những tư liệu bằng những phương ngữ khác nhau mà họ đã mang tới Ấn Độ (nhưng những phương ngữ đó không phải là Sanskrit mà chúng ta biết ngày nay). Từ Punjab, nơi mà những người Aryan định cư đầu tiên sau khi họ đến từ Trung Á, ngôn ngữ của họ được mở rộng theo hướng đông và lan xa đến vùng Bihar (bắc Ấn Độ) ngày nay vào khoảng năm 600 B.C. Rõ ràng, ngôn ngữ Vedic này hay ngôn ngữ Indo-Aryan Cổ đại đã hội tụ với ngôn ngữ của người Dravidian (khi ấy những người này không chỉ sinh sống hạn chế ở miền nam Ấn) và đã dẫn đến sự kết hợp giữa chúng và phát sanh ngôn ngữ mới. Kết quả là ngôn ngữ Prākrit hay ngôn ngữ Indo-Aryan Trung đại đã nhanh chóng chiếm lĩnh tại các nước thuộc miền bắc, miền đông và trung Ấn Độ. Sự xâm lược của người Aryan cũng đã sắp hoàn thành.
b) Trung kỳ (500 B.C. – 1000 A.D.):
Thời kỳ này lại được chia thành 3 giai đoạn:
i. Sơ Trung kỳ (500 B.C. – 01 A.D.):
Những người Aryan “thanh tịnh” (thành phần Tăng lữ Bà la môn) ở Punjab (họ là người da trắng nên tự cho mình là giống người trong sạch thanh tịnh, còn người Dravidian da ngăm đen thì bị cho là mọi rợ tội lỗi) không bằng lòng với ngôn ngữ thiêng liêng của họ đang bị nhiễm ô (tức là lúc này ngôn ngữ họ đang sử dụng là kết quả của sự pha trộn ngôn ngữ của họ với ngôn ngữ bản địa) nên muốn phát triển một ngôn ngữ mới. Do vậy, trong khoảng thế kỷ 8 – 4 B.C., họ đã đạt đến Sanskrit cổ điển (Classical Sanskrit) dựa trên Sanskrit Vedic. Nhưng thực tế thì giữa chúng không có khác nhau gì mấy.
Cuốn văn phạm Aṣṭādhyāyī của Pāṇini,[2] thường được xem là ra đời vào thế kỷ thứ tư trước C.N., với không kém hơn 4000 bài văn súc tích (sau nầy được nhà ngữ pháp học Kātyāyana[3] bổ sung), Pāṇini đã phân tích toàn bộ âm vị học (phonology) và hình thái học (morphology) của tiếng Sanskrit. Pāṇini đã đi tiên phong trong phương pháp luận về hình thức ngữ pháp hiện đại. Ngữ pháp của ông sinh động và mang nhiều nét văn phạm chuyển hóa (transformational grammar). Do đó tiếng Sanskrit cổ điển (Classical Sanskrit) có nghĩa chủ yếu là ngôn ngữ được hệ thống hóa bởi Pāṇini.
Về bản chất, sự khác nhau giữa tiếng Phạn thời Vệ – đà và Sanskrit cổ điển (Classical Sanskrit) không có gì lớn. Về Âm vị học, rõ ràng nhất là sự khác nhau giữa phép phối âm (Saṃdhi), qua đó một từ có 3 âm tiết (trisyllable) nhưVīram (hoặc là Vīryam) sẽ biến thành từ hai âm tiết Vīryam. Về hình thái học (morphology), sự phong phú của các dạng biến cách được giảm trừ chút đỉnh, chẳng hạn như sự biến mất của giả định cách (subjunctive). Về từ vựng, nhiều tiếng Aryan cổ được bỏ qua, nhưng sự bỏ qua ấy có nhiều tác dụng bởi khả năng lĩnh hội nhiều từ không thuộc nguồn ngôn ngữ Aryan. Tiếng Sanskrit cổ điển dựa trên phương ngữ Đông phương của hệ ngôn ngữ Indo – Aryan cổ hơn là dựa vào Ṛg veda, như được biểu hiện qua thực tế là sự góp phần của một số từ còn lưu lại nguồn gốc ngôn ngữ Ấn – Âu.
Giai đoạn này đại biểu bằng ngôn ngữ Pāli, ngôn ngữ Ấn Độ duy nhất trong đó kinh điển Phật giáo Nguyên thuỷ được lưu giữ với một tầm mức rộng lớn, và qua những phương ngữ được khắc trên những trụ đá thời vua A-dục.[4] Tiến trình đơn giản hóa hình thái học (morphology) đã tách biệt rõ giữa ngôn ngữ Sanskrit cổ điển (Classical Sanskrit) với tiếng Phạn thời Vệ-đà (Vedic Sanskrit) tiếp tục ở đây và được song hành bởi sự cổ xúy đơn giản hóa âm vị học (phonology), trong đó gồm việc giảm trừ một số nguyên âm và đơn giản hóa các nhóm phụ âm (chẳng hạn, chữ traividya trong tiếng Sanskrit trở thành chữ tevijja trong tiếng Pāli).
Như vậy, giai đoạn này bao gồm các ngôn ngữ Pāli, Prakit, Maghadhi, một phần Phạn hỗn chủng.
ii. Trung Trung kỳ (01 A.D. – 500 A.D.):
Giai đoạn hai, tiến trình được tiếp tục (như bỏ đi những phụ âm giữa hai nguyên âm [intervocalic]), trong tiếng Prākṛit đích thực, trong đó gồm tiếng nói của các vùng Māhārāṣṭri, Śaurasenī và Māgadhi, cùng các phương ngữ trong kinh điển Kỳ-na giáo.[5]
Vào thế kỷ đầu sau C.N., trước là ở miền bắc và sau đó là ở miền nam, tiếng Sanskrit trở thành ngôn ngữ duy nhất được chấp nhận trên cả hai mặt chính quyền và quần chúng trí thức. Ngài Mã Minh – Tăng sĩ Phật giáo thế kỷ thứ II sau C.N., là một nhân vật kiệt xuất của tiến trình nầy. Trong khi nền văn học Nguyên thuỷ Phật giáo ban đầu đã hoàn toàn xa rời tiếng Sanskrit, rồi lại thoả hiệp với một loại ngôn ngữ lai (hybrid) hay ít nhất là với một loại tiếng Sanskrit không phải Pāṇini, Ngài Mã Minh không những chỉ viết bằng tiếng Sanskrit cổ điển mà còn rất tinh thông văn phong tiếng Sanskrit, Ngài là một nhân vật quan trọng trong lịch sử văn học Sanskrit cũng như trong lịch sử Phật giáo.
iii. Hậu Trung kỳ (500 A.D. – 1000 A.D.):
Giai đoạn ba này được đại biểu bởi Apabhraṃśa,[6] từ đặc trưng cho khuynh hướng phát triển bình dân sau nầy của giai đoạn Trung kỳ ngôn ngữ Indo-Aryan cho đến cuối thiên niên kỷ thứ nhất sau C.N., báo hiệu trước cho sự suy vong sau cùng của hệ thống biến tố (inflexional) trong ngôn ngữ Ấn-Âu cổ và sự khởi phát của ngôn ngữ Indo-Aryan cách tân, là tiếng Bengali, Hindi, Panjābi, Gujarāti, Marāthi,…. Tiếng Hindi trong nghĩa rộng của nó là chỉ cho một nhóm các phương ngữ được sử dụng từ vùng Rājasthān đến Bihār: bởi một phương ngữ đặc thù căn cứ trên cả hai ngôn ngữ chính của Pākistan, Urdu và ngôn ngữ chính thức của Ấn Độ, tiếng Hindi (tiêu chuẩn đã cách tân). Thuật ngữ Hindustāni ngày nay đôi khi được dùng là chỉ cho nền tảng chung của hai ngôn ngữ nầy, tránh cả hai cực đoan khi cho rằng tiếng Ba-tư thuộc về Urdu và tiếng Sanskrit thuộc về Hindi.[7]
c) Hậu kỳ (100 A.D. – ngày nay):
Những dạng ngôn ngữ cao cấp của phương ngôn (vernacular) Ấn Độ như tiếng Bengali, tiếng Gujarati, tiếng Marathi, tiếng Telugu và tiếng Hindi – thường được gọi là “thanh tịnh” (śuddha), “cao quý” – đều có độ Phạn hoá rất cao. Trong các ngôn ngữ hiện đại, trong khi tiếng Hindi dạng nói có khuynh hướng chịu ảnh hưởng nặng của tiếng Ả Rập và tiếng Ba Tư thì Bengali và Marathi vẫn lưu giữ một cơ sở từ vị to lớn. Tiếng Malayalam, một ngôn ngữ được dùng tại bangKerala, cũng phối hợp một số lượng từ vị tiếng Phạn đáng kể với cấu trúc ngữ pháp tiếng Tamil. Tiếng Kannada, một ngôn ngữ Nam Ấn khác cũng hàm dung từ vị tiếng Phạn. Tiếng Phạn được nói như tiếng mẹ đẻ tại Mattur gần Shimoga, một thôn làng nằm ở trung tâm Karnataka. Dân ở đây, bất cứ giai cấp nào, đều học và đàm thoại bằng tiếng Phạn từ nhỏ. Ngay những người bản xứ theo Hồi giáo cũng nói tiếng Phạn. Nhìn theo khía cạnh lịch sử thì làng Mattur được vua Kṛṣṇadevarāja của vương quốc Vijayanagara phó uỷ cho các học giả Phệ-đà và thân quyến của họ.
Từ ngữ tiếng Phạn được tìm thấy ở nhiều ngôn ngữ ngoài Ấn Độ. Ví dụ như tiếng Thái bao gồm nhiều từ mượn từ tiếng Phạn, như tên Rāvaṇa – hoàng đế Tích Lan – được người Thái gọi là Thoskonth, một từ rõ ràng xuất phát từ biệt danh tiếng Phạn khác là Daśakaṇṭha, “Người có mười cổ”. Ngay người Philipin cũng dùng chữ guro, vốn là từ Guru của tiếng Phạn đùng để chỉ bậc đạo sư. Một số từ đã đi vào từ vị của các ngôn ngữ châu Âu như: Yoga, Dharma, Nirvana (Nirvāṇa), Ashram (Āśrama), Mandala (Maṇḍala), Aryan (Ārya), Guru, Bhagavan (Bhagavat), Avatar (Avatāra) v.v…
1.3. Văn học Sanskrit
Văn học Sanskrit bắt đầu với các bộ Veda và tiếp tục với Anh hùng ca Sanskrit của thời kỳ đồ sắt. Thời đại hoàng kim của văn học Sanskrit cổ điển là khoảng từ thế kỷ thứ 3 đến thế kỷ thứ 8 sau Công nguyên. Các tác phẩm văn học Sanskrit phát triển thịnh vượng đến thể kỷ thứ 11, trước khi bị suy thoái sau năm 1100 A.D. Toàn bộ văn học Sanskrit ngoài Phật giáo bao gồm những loại sau:
Các bộ kinh Veda: Có lẽ từ khoảng giữa những năm 1500 – 600 B.C. (thời kỳ cuối đồ đồng và đầu đồ sắt) là giai đoạn tiền Sanskrit cổ điển. Văn học Sanskrit Vedic đã được định hình và tiếp tục phát triển làm nền tảng cơ bản đầu tiên của Ấn Độ giáo. Có bốn bộ kinh Veda căn bản là Ṛg Veda, Yajur Veda, Sāma Veda và Atharva Veda. Sau bốn bộ Veda này các bộ thuộc hệ thống Brāhmaṇas (Phạm thư), Āraṇyaka (Sâm lâm thư), Vedaṅga trong đó có một số nói về các Gṛhyasūtra (các nghi thức tế tự trong gia đình), Śrautasūtra (các qui định về nghi thức cúng ba vị thần lửa), Dharmasūtra (ghi lại các hệ thống khái niệm về pháp)… Thời kì hưng vượng của văn học Sanskrit Vedic là khoảng từ thế kỷ thứ 9 – 7 B.C.
Các kinh thuộc hệ thống Upaniṣad xưa nhất (là Bṛhadāraṇya Upaniṣad, Chāndogya Upaniṣad, Jaiminya Upaniṣad Brāhāṇa, Kaṭhaka Upaniṣad, Maitrāyaṇa Upaniṣad là thuộc thời kỳ Vedic, nhưng phần lớn của Muktikā Upaniṣad (Trân Châu) đều thuộc thời kỳ hậu Vedic. Āraṇyaka (Sâm lâm thư) đều thuộc của cả hai thời kỳ Brāhmaṇas (Phạm thư) và Upaniṣad (Áo nghĩa thư).
Các Sūtra: Tiếp theo truyền thống của Śrautasūtra thuộc thời kỳ cuối của Vedic (cuối thời kỳ văn minh đồ sắt 500 – 100 B.C.) là thời kỳ Sūtra (Kinh Thư) bao gồm các bộ như Brāhmaṇasūtra, Yogasūtra, Nyayasūtra và Vedaṅga…
Các Sử thi (Itihāsa): Thời kỳ xấp xỉ giữa thế kỷ thứ 6 – 1 B.C. đã có sự sáng tác và sự biên tập của hai anh hùng ca lớn là Mahābhārata và Rāmayana, và nó tiếp tục được biên tập cho đến thế kỷ 4 A.D.
Mahābharata là một trong những tác phẩm sử thi lớn nhất trên thế giới. Tuy nó rõ ràng là một sử thi nhưng lại chứa đựng phần lớn những thần thoại Hindu, triết học và tôn giáo. Theo truyền thuyết tác giả của Mahābharata được quy cho hiền nhân Vyasa. Theo chương thứ nhất của Mahabharata là Ādi-parvan (các câu 81, 101-102), văn bản trước đó của sử thi này có 8.800 câu thơ, khi nó đã được hợp thành bởi Vyāsa và được biết như Jaya (Chiến thắng), sau đó nó có 24.000 câu thơ trong Bharata và được kể lại bởi học giả Veda thời cổ đại là Vaiśaṃpāyana.
Rāmayana là bộ sử thi lớn gồm có bảy cuốn, 24000 câu, 48000 dòng. Sử thi này nói về một ông vua tên là Daśaratha. Ông ta có bốn người con trai là Rāma, Lakṣmaṇa, Bharata và Śatrughna. Rāma cưới Sītā. Rāma vì tuân thủ theo lời hứa với vua cha mà chịu lưu đày trong rừng phía nam Ấn độ suốt 14 năm.
Văn học Sanskrit cổ điển (Classical Sanskrit Literature) bắt đầu từ thời đại vua Gupta và tiếp tục cho đến trước thời Hồi giáo xâm nhập vào Ấn Độ. Đây là thời kỳ khoảng thế kỷ 3 – 8 A.D. Thời kỳ này gồm một số thể loại như:
Kịch là một thể loại xuất hiện vào thế kỷ cuối của B.C. Nó chịu ảnh hưởng của Thần thoại Vedic và phong cách kịch Hy Lạp (Hellenistic). Nó phát triển và đạt đến đỉnh cao từ thế kỷ 4 -7 A.D., trước khi suy thoái cùng với các thể loại của văn học Sanskrit cổ kiển khác.
Một số nhà soạn kịch nổi tiếng như Śūdraka, Bhāsa, Aśvaghoṣa, Kālidāsa. Tuy nhiên số lượng những vở kịch được viết bởi các tác gia ấy chúng ta chưa được biết hết và rất ít trong số chúng được lưu truyền đến ngày nay. Một trong những vở kịch được viết sớm nhất là Mrichakatika, được cho là biên soạn bởi Śūdraka vào khoảng thế kỳ 2 B.C.
Ngoài ra, văn học Phạn ngữ cón có các thể loại khác như truyện thần tiên và truyện ngụ ngôn (khoảng 400 – 1100 A.D.), Tantra, Śātra, Siddhantavà Jataka… Cho đến nay, những tác phẩm này đều có giá trị nhân văn sâu sắc, những nguyên lý đạo đức trong nó mãi vẫn sống động và ngày càng được đề cao.[8]
1.4. Ngôn ngữ văn bản Hoa nghiêm
Kinh Hoa Nghiêm được biên tập thuộc vào giai đoạn Middle Middle Indo Aryan (1-500 AD). Đây là giai đoạn mà văn trường hàng được viết ít hỗn chủng mà mang tính thuần chủng, ngược lại, thơ kệ được viết bằng thể hỗn chủng nhiều hơn. Ở đây, chúng ta xét một bài kệ trong phẩm Nhập pháp giới để thấy rõ hơn loại này:
यावत केचि दशद्दिशि लोके सर्वत्रियध्वगता नरसिंहाः।
तानहु वन्दमि सर्वि अशेषान् कायतु वाच मनेन प्रसन्नः॥१॥
yāvata keci daśaddiśi loke sarvatriyadhvagatā narasiṁhāḥ|
tānahu vandami sarvi aśeṣān kāyatu vāca manena prasannaḥ||1||[9]
यावत : rel (có bao nhiêu)
केचि : indef, nom, sg, (nào đó). SS.: केचिद्
दशद्दिशि: m, loc, pl (mười phương). SS.: दशद्दिशेसु
लोके : m, loc, pl (cõi, thế giới)
सर्वत्रियध्वगता : सर्व + त्रियध्व + गत
सर्व : adv. (tất cả)
त्रियध्व : num. (ba thời gian)
गत : ppp, √gam (đi)
tatp, nom, pl (đi trong tất cả ba thời gian)
नरसिंहाः m, nom, sg (chúa của loài người/ Nhân sư tử)
तान : m, pron 3rd acc, pl (người ấy)
अह: m, pron 1st nom, sg (tôi). SS.: अहम्
वन्दमि : pres, 1st, sg, ind, P, √vand (tôn kính)
सर्वि : adv. (tất cả). SS. : सर्वन्
अशेषान् : adj. acc, pl (không dư)
कायतु : m, instr, sg. (thân). SS.: कायेन
वाच : n, instr, sg (lời nói). SS.: वचनेन
मनेन : n, instr, sg (ý). SS.: मनसा
प्रसन्नः : m, nom, sg (thanh tịnh)
Tạm dịch: Có bao nhiêu Đấng sử tử chúa trong loài người trong tất cả mười phương ba đời, con, bằng thanh tịnh của thân – lời nói – ý, xin kính lạy tất cả các vị ấy không thừa một vị nào.
2. Các bản văn kinh Hoa nghiêm
2.1. Bản Phạn
Tên Sanskrit đầy đủ của kinh Hoa nghiêm là Buddha avataṃsakanāma mahāvaipulya sūstra. Nó được cho là kết tập tại nước Vu điền (于塡-Khotan) (56-1006), ngày nay thuộc Tân Cương, Trung Quốc.
Kinh Hoa Nghiêm là một trong chín kinh Đại thừa mà người Nepal gọi là Chín Pháp. Trước hết, kinh Hoa Nghiêm có thể tìm thấy ở Phẩm Thứ 39 trong Avataṃsaka sūtra. Đây là phẩm cuối cùng mà tại Trung Hoa và Tây Tạng được gọi là “Phẩm Nhập Pháp Giới “(Dharmadhātupraveśa). Nhưng thực tế, Gaṇḍavyūha sūtra được xem như là một bản dịch độc lập. Nó được dịch sang Hoa ngữ trong khoảng 400 năm (TK IV đến TK VIII sau CN); và được phiên dịch sang tiếng Tây Tạng vào TK IX, bởi ngài Thắng Hữu (Jinamitra), với tên là Sdoṅ po bskod, gồm có 45 phẩm.[10] Gaṇḍavyūha sūtra nói riêng và Avataṃsaka sūtra nói chung là giáo lý nền tảng của phái Hoa Nghiêm Tông ở Trung Hoa, trường phái Kegon tại Nhật Bản và Triều Tiên mà cả hai hiện nay vẫn đang còn rất thịnh hành.[11]
– Hiện còn lưu giữ được biên tập vào khoảng thời gian dịch hoàn tất của Siksananda (699) đến hết thời gian dịch của Prajñā (798).
– Gaṇḍavyūhasūtram hiện là một trong chín kinh Phương Đẳng còn lưu giữ ở Nepal.
– Hai bản chép tay Gaṇḍavyūhasūtram được H. Idzumi đem về Nhật Bản sắp xếp và in lại năm 1929 cho đúng thứ tự vào năm 1907 – 1914. Còn có bốn bản chép tay khác do Suzuki và H. Idzumi tìm được ở Châu Âu, trong đó bản trong thư viện của Royal Asiatic Society được cho là bản chép tay xưa nhất được ghi vào năm 286, tính theo lịch Nepal (1166).
– Ấn bản thứ hai của Gaṇḍavyūhasūtram vào năm 1960, do P.L.Vaidya chủ biên, viện Mithila Institute ở Darbhanga, Ấn Độ ấn hành.
– Bản chép tay Gaṇḍavyūhasūtram mới phát hiện gần đây của người Nepal, hiện lưu giữ ở viện Oriental Institute tại Vadodara, Ấn Độ.
2.2. Bản Hán
Kinh Hoa nghiêm là bộ đại kinh được kết tập qua nhiều thời kỳ nên số phẩm tất nhiên phải có thêm bớt, bằng chứng là các bản Hán dịch của kinh này qua các thời kỳ khác nhau tại Trung Quốc có đã có số phẩm khác nhau.
Bản dịch của Phật-đà-bạt-đà-la (Buddhabhadra), đời Đông Tấn, nhan đề Đại phương quảng Phật Hoa nghiêm kinh, 60 quyển, vì để phân biệt với bản dịch đời Đường nên được gọi là Cựu dịch Hoa Nghiêm, hoặc Lục thập Hoa Nghiêm.[12]
Bản dịch của Thật-xoa-nan-đà (Śikṣānanda) vào đời Đường Võ Chu, nhan đề Đại phương quảng Phật Hoa nghiêm kinh, 80 quyển, còn gọi Tân dịch Hoa Nghiêm, hoặc Bát thập Hoa Nghiêm.[13]
Bản dịch của Bát-nhã (Prajñā) vào niên hiệu Trinh Quán đời Đường, cũng mang tên Đại phương quảng Phật Hoa nghiêm kinh, 40 quyển, gọi đủ tên là Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh Nhập Bất Tư Nghị Giải Thoát Cảnh Giới Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm, gọi tắt là Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm, hoặc Tứ thập Hoa Nghiêm.[14]
Nguyên bản Phạn văn của bản dịch thứ nhất của kinh này có 36.000 bài kệ, do đệ tử của ngài Huệ Viễn là Pháp Lĩnh mang về từ Vu Điền (nay là vùng Hòa Điền, Tân Cương), được Tam tạng Phật-đà-bạt-đà-la, người Thiên Trúc dịch ra chữ Hán tại chùa Đạo Tràng ở Dương Châu (nay là Nam Kinh) vào ngày mùng 10 tháng 03, niên hiệu Nghĩa Hy thứ 14 đời Tấn (418). Tam tạng tay cầm bản Phạn dịch ra chữ Hán, Pháp Nghiệp bút thọ, Huệ Nghiêm, Huệ Quán … nhuận văn, quan Nội Sử ở Ngô quận tên Mạnh Khải, Hữu vệ tướng quân Chử Thúc Độ làm đàn việt, dịch xong ngày mùng 10 tháng 06, niên hiệu Nguyên Hy thứ 2 (420), hiệu đính hoàn tất vào niên hiệu Vĩnh Sơ thứ 2 đời Lưu Tống (421).[15] Lúc mới dịch thì chia làm 50 quyển, sau chia lại thành 60 quyển, gồm 34 phẩm trình bày việc thuyết pháp tại 8 hội, 7 chỗ. Về sau, vào tháng 03 niên hiệu Vĩnh Long nguyên niên (680) đời Đường, ngài Tam tạng Địa-bà-ha-la, người Thiên Trúc và ngài Pháp Tạng hiệu khám kinh này, thấy trong Phẩm Nhập Pháp Giới còn thiếu sót, Ngài từ bản Phạn dịch thêm một đoạn văn từ “Ma-da Phu Nhân …” đến “Di-lặc Bồ-tát” bổ sung vào, thành ra bộ Kinh Hoa Nghiêm 60 quyển đang hiện hành.[16]
Nguyên bản Phạn văn của bản dịch 80 quyển, gồm 45.000 bài tụng, do Võ Tắc Thiên đời Đường sai sứ đến Vu Điền mang về, và thỉnh ngài Tam tạng Thật-xoa-nan-đà, người Vu Điền, bắt đầu dịch tại chùa Đại Biến Không ở Lạc Dương vào ngày 14 tháng 03, niên hiệu Chứng Thánh nguyên niên (695), đích thân Võ Hậu đến dịch trường đề tên phẩm đầu tiên, các ngài Bồ-đề-lưu-chí, Nghĩa Tịnh đồng tuyên bản Phạn, các ngài Phục Lễ, Pháp Tạng tham dự bút thọ, nhuận văn, đến ngày 18 tháng 10, niên hiệu Thánh Lịch thứ 2 (699) dịch xong tại chùa Phật Thọ Ký,[17] thành 80 quyển, chia làm 39 phẩm, gồm việc thuyết pháp tại 7 chỗ (đồng bản Cựu dịch), 9 hội (8 hội đồng Cựu dịch, thêm 1 hội Phổ Quang Pháp Đường). Về sau, ngài Pháp Tạng thấy trong Phẩm Nhập Pháp Giới của kinh này còn có chỗ thiếu sót, Ngài mới cùng với Địa-bà-ha-la hiệu khám Phạn văn, ở đầu quyển 80 từ “Bồ-tát Di-lặc” cho đến “ở trước tam thiên đại thiên thế giới vi trần số thiện tri thức” bổ sung vào 15 hàng “Văn-thù duỗi tay xoa đầu Thiện Tài”,[18] tức là bản 80 quyển đang lưu hành hiện nay.
Nguyên bản Phạn văn của bản dịch thứ ba, 40 quyển của kinh này gồm 16.700 bài kệ[19] là bản do chính tay nhà vua nước Ô-đồ, Nam Thiên Trúc sao chép sai sứ đem tặng vua Đường vào tháng 11 niên hiệu Trinh Quán thứ 11 (795). Tháng 6 năm sau (796), Đường Đức Tông thỉnh Tam tạng Bát-nhã phiên dịch tại chùa Sùng Phước ở Trường An, Quảng Tế dịch ngữ, Viên Chiếu bút thọ, Trí Nhu, Trí Thông biên tập, Đạo Hoằng, Giám Linh nhuận văn, Đạo Chương, Đại Thông chứng nghĩa, Trừng Quán, Linh Thúy… tường định, đến tháng 2 năm thứ 14 (798) dịch xong, thành 40 quyển. Nội dung bộ này đồng với Phẩm Nhập Pháp Giới của hai bản Cựu dịch và Tân dịch nói trên, nhưng trên văn tự tăng thêm rất nhiều, nhất là quyển thứ 40 có mười đại hạnh nguyện và bài Phổ Hiền quảng đại nguyện vương thanh tịnh kệ mà trong hai bản dịch Kinh Hoa Nghiêm trước chưa có.[20]
Trong ba bản vừa nêu trên của Bát-nhã dịch từ Sanskrit, không phải là Avataṃsaka sūtra nhưng từ Gaṇḍavyūha sūtra. Đặc biệt, bản này rất quan trọng, vì không những nó bao quát cả “Thập Địa” (Daśabhūmika) mà còn được ngài Long Thọ (Nāgārjuna) trích dẫn vào Đại Trí Độ (Mahāprajñāpāramitopadeśa) dưới nhan đề “Bất Tư Nghì Giải Thoát” (Acintyavimokṣa).
Trong 3 bản Hán và một bản Tây tạng thì bản 40 quyển là do kết hợp của bản Nhập pháp giới phẩm của bản 60 và 80 quyển và Trang nghiêm phẩm của bản mà được dịch sang Tây tạng mà thành Nhập bất khả tư nghì cảnh giới Phổ hiền hạnh nguyện phẩm. Như vậy, có thể thấy rằng, thật sự kinh Hoa nghiêm là tổng hợp của loại 80, 60 và bản Tây tạng. Tuy nhiên, hiện nay cũng không thể xác định rằng kinh Hoa nghiêm thật sự ban đầu được kết tập là bao gồm bao nhiêu kinh. Chiếu theo bản Sanskrit hiện còn thì chỉ tương đương với bộ phận của phẩm Thập địa và phẩm Nhập pháp giới của bản 60, 80 quyển và bản Tây tạng. Theo thống kê của ngài Trí Nghiễm, tổ thứ 2 của Hoa nghiêm tông, tại chùa Từ Ân, thì Phạn bản có 541 tờ, 1 mặt có khoảng 2280 chữ, 10 tờ là khoảng 22800 chữ, 32 chữ là 1 bài tụng, 100 tờ là khoảng 228000 chữ, 320000 chữ là 10000 bài tụng; như vậy, 541 tờ có khoảng 1323480 chữ (?), cứ 32 chữ là 1 bài tụng thì tất cả có 41980 bài tụng, dư 10 chữ.[21]
Như vậy, số lượng bài kệ của Phạn bản và các Hán bản là có sai biệt, nhưng về nội dung thì đại đa tương đồng. Tuy nhiên, bản Phạn xưa nhất của kinh Hoa nghiêm chỉ là các đơn bản được lưu hành, có thể kể đến phẩm Thập địa[22] và phẩm Nhập pháp giới[23] của kinh này, vốn được xem là các bản kinh độc lập.
Đồng thời, trước bản dịch 60 quyển ra đời vào đời Tấn (东晋-Eastern Jin Dynasty, 317-420) thì vào đời Hậu (hay Đông) Hán (东汉-Eastern Han, 25-220 A.D.), ngài Chi-lâu-ca-sấm (Lokarakṣa), khoảng vào năm 178-186 A.D, đã dịch kinh Đâu Sa[24] (tương đương phẩm Danh Hiệu và phẩm Quang minh giác của bản 60 quyển). Vào đời nhà Ngô (吴-Wu, 222-280), ngài Chi Khiêm (Lokakṣema), khoảng năm 223-253, dịch Bồ-tát bản nghiệp kinh[25] (tương đương với phẩm Danh hiệu, Quang minh giác, Tịnh hạnh, Thập trụ…). Cũng vào đời Đông Tấn, ngài Kỳ-đa-mật (Gītamitra) dịch Bồ-tát thập trụ kinh[26] (tương đương phẩm Thập trụ). Vào đời Hậu Tần, ngài La-thập (Kumārajīva) và Phật-đà-da-xá (Buddhayaśa) dịch Thập trụ kinh[27] (tương đương phẩm Thập địa). Ngoài ra, qua các thời kì sau có các ngài Trúc pháp hộ (Dharmarakṣa), Pháp hiền (Dharmabhadra), Thánh kiên (Āryasamatā) cũng dịch các đơn hành bản của kinh Hoa nghiêm. Do đó, có thể thấy rằng, nguyên trạng của Phạn bản ban đầu của kinh Hoa nghiêm đã có nhiều kinh khác nhau, về sau mới biên tập thành bộ gồm 60 hay 80 quyển, trong đó, bản của ngài Trí Nghiễm tìm được hay để bản được dịch sang Tạng ngữ là những đại bản.
3. Nội dung và tư tưởng kinh Hoa nghiêm
3.1. Nội dung toàn kinh
Toàn kinh Hoa nghiêm, về số lượng, có thể là 40, 60 hay 80 quyển; nhưng về nội dung, chúng ta có thể thấy phẩm Như lai danh hiệu, quyển thứ 12 trong bản Hoa nghiêm 80 quyển, nói như sau:
Bấy giờ, chư bồ-tát suy nghĩ như vầy: “Nếu Thế-tôn thương xót chúng con, nguyện xin tùy theo sự mong muốn của chúng con mà khai thị về cõi Phật, chỗ trú của Phật, pháp tánh của Phật, sự thanh tịnh của cõi Phật, sự thuyết pháp của Phật, thể tánh của cõi Phật, oai đức của Phật, sự thành tựu cõi Phật, đại bồ đề của Phật. Cũng như tất cả chư Phật Thế tôn trong mười phương thế giới, vì thành tựu cho tất cả bồ-tát, vì khiến cho chủng tánh như-lai không bị đoạn dứt, vì cứu hộ tất cả chúng sanh, vì khiến cho chúng sanh vĩnh viễn xa rời tất cả phiền não, vì muốn hiểu rõ tất cả các hành, vì diễn thuyết tất cả các pháp vì trừ sạch tất cả tạp nhiễm, vĩnh viễn đoạn trừ tất cả lưới nghi, vì nhổ sạch tất cả ham muốn, vì diệt trừ tất cả chỗ đam mê má nói cho các pháp thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng, thập tạng, thập địa, thập nguyện, thập định, thập thần thong, thập đảnh của bồ-tát, cho đến nói Như Lai địa, Như Lai cảnh giới, Như Lai thần lực, công hạnh của Như Lai, Như lai lực, Như Lai vô úy, Như Lai tam muội, Như Lai thần thông, Như Lai tự tại. Như Lai vô ngại, nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý của Như Lai, Như Lai biện tài, Như Lai trí huệ, Như Lai tối thắng. Xin Phật cũng nói cho chúng con những pháp ấy”.[28]
Như vậy, qua đoạn này chúng ta thấy rằng, kinh Hoa nghiêm sẽ trình bày về Pháp thân Phật, pháp giới trùng trùng duyên khởi, con đường bồ-tát hành, các giai vị của bồ-tát phải trải qua cho đến khi thành Phật.
Dù kinh Hoa nghiêm là tập hợp của nhiều kinh khác nhau nhưng về nội dung, nó đã được sắp xếp một cách có ý thức nên toàn bộ nội dung của kinh diễn tiến theo thứ tự rất mạch lạc và chặc chẽ. Căn cứ vào bản dịch 60 quyển thì toàn kinh có bốn chủ đề chính là tín, giải, hành và chứng. Hai phẩm được thuyết tại Tịch diệt đạo tràng là nhằm phát khởi “tín”; sáu phẩm tại Phổ quang pháp đường, sáu phẩm ở Đao lợi thiên cung, bốn phẩm tại Dạ-ma thiên cung, ba phẩm ở Đâu suất thiên cung, mười một phẩm ở Tha hóa thiên cung đều thuộc về phần “giải”; phẩm Ly thế gian được thuyết tại Phổ quang pháp đường thuộc về “hành”; sau cùng, phẩm Nhập pháp giới được thuyết tại giảng đường Trùng các thuộc về “chứng”.
3.2. Pháp giới duyên khởi
Thế giới quan trong Hoa nghiêm là thế giới có vô lượng vô số bất khả tư nghị, được gọi là thế giới hải, chúng sanh hải, pháp giới nghiệp hải… Mỗi một thân Phật đều biến mãn hết khắp pháp giới. Kinh Hoa nghiêm cũng được đặt trên nền tảng các điểm giáo lý căn bản là Tứ đế…, như phẩm Tứ đế cũng trình bày về Khổ đế, Tập đế, Diệt đế, Đạo đế… Đồng thời, kinh cũng trình bày các tầng bậc mà một vị tu theo Đại thừa bồ-tát hành cần phải thực hiện, mà đầu tiên là thập tín. Bởi lẽ, tín là mẹ của các thứ công đức, nó có thể nuôi lớn các thứ thiện pháp, cũng có thể đoạn tất cả lưới nghi, ra khỏi dòng sông ái, khai mở con đường niết-bàn vô thượng.[29]
Ngoài ra, kinh này cũng nói đến pháp môn tu hành đốn ngộ, bằng cách ngay cả khi mới phát tâm bồ-đề tu phạm hạnh và khẳng định rằng, chính tự ta phải tu hành, cứu xét tâm tánh mới có thể thành Phật chứ không thể nhờ một nguyên nhân nào khác từ bên ngoài.[30]
Đặc biệt, kinh này trình bày pháp giới duyên khởi tương tức, trong một vi trần đã hàm chứa tam thiên đại thiên thế giới; nhất tức nhất thiết, nhất thiết tức nhất; trong nhân đã có quả, trong quả đã có nhân và quả không ly nhân, sự sự vô ngại.[31]
Pháp giới duyên khởi trong kinh này cũng chính là tâm duyên khởi, như kinh nói, nếu người nào muốn biết được tất cả chư Phật trong mười phương ba đời thì hãy quán xét rằng tất cả đều là do tâm mình mà tạo nên.[32] Và trong một sợi lông đã có vô lượng thế giới.[33]
3.3. Thân Phật
Tư tưởng Đại thừa nhận ra hướng đi mới, xây dựng Phật tánh trên nền tảng thâm nhập Pháp giới. Pháp giới chính là thế gian giới. Kinh Hoa Nghiêm mô tả trạng thái đắc đạo của Phật, giới thiệu một đức Phật thông cả vũ trụ, lấy vũ trụ làm pháp giới, nghĩa là Phật muốn nhấn mạnh vị trí nguyên thủy hành đạo của Ngài. Đó là thể hiện pháp thân Phật tại thế gian. Báo thân Tỳ-lô-giá-na Phật (Vairocanabuddha) ở thế giới Hoa Tạng thuần tịnh giáo hóa hàng Bồ tát. Phật Thích Ca có nhiệm vụ ứng cơ hóa hiện nơi thế giới Ta Bà, tùy thuận chúng sanh, dùng pháp xảo diệu để hóa độ quần sanh. Phật tùy cơ duyên mà hiện thân hóa độ, tuy một mà hai, tuy hai mà một, không hơn kém khác nhau.
Tỳ Lô Giá Na là tiêu biểu cho ánh sáng trí tụê, dịch là Phổ Quang Minh Chiếu. Ánh sáng ấy tuy không thấy bằng mắt nhưng có tính chất phổ biến toàn diện, chi phối tất cả, đến bất cứ nơi nào cũng không chướng ngại. Kinh Hoa Nghiêm đưa ra hình ảnh mười loại thân Phật là tổng thể thân Tỳ Lô Giá Na của Thích Ca Mâu Ni: 1. Chúng sanh thân: là thân ngũ uẩn. 2. Thế giới thân: vũ trụ, sơn hà, đại địa… 3. Nghiệp thân: thân Phật trang nghiêm bằng 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp. 4. Thanh văn thân: là tầng lớp trí thức có tu chứng. 5. Bồ tát thân: kết hợp đạo đức và tri thức. 6. Như Lai thân: tịch chiếu, “vô sở tùng lai diệc vô sở khứ” (không từ đâu đến, cũng chẳng đi về đâu). 7. Trí thân: trí tuệ tác động cho chúng sanh phát tâm Bồ đề. 8. Pháp thân: biến vạn pháp thành Phật. 9. Hư không thân: thế giới Thường Tịch Quang.
Kinh Hoa Nghiêm kết hợp mười loại thân trên thành một đức Phật toàn diện: không gì không phải là Phật, mới thật là Phật.
3.4. Bồ-tát hành
3.4.1. Phổ Hiền hành nguyện
Kinh Hoa nghiêm diễn tả rất đầy đủ về mười hành của bồ-tát Phổ Hiền (Samantabhadra).[34] Nếu ai muốn trọn nên công đức của Phật, thời phải tu mười điều hạnh nguyện rộng lớn. Mười điều đó là: một là kính lễ các đức Phật; hai là khen ngợi đức Như Lai; ba là rộng sắm đồ cúng dường; bốn là sám hối các nghiệp chướng; năm là tùy hỉ các công đức; sáu là thỉnh đức Phật thuyết pháp; bảy là thỉnh đức Phật ở lại đời; tám là thường học đòi theo Phật; chín là hằng thuận lợi chúng sanh; mười là hồi hướng khắp tất cả.
Đây là 10 điều dạy của Đức Phổ Hiền Bồ Tát dành cho Thiện Tài Đồng Tử nói riêng và khắp chúng sanh nói chung trong kinh Hoa Nghiêm. Phổ Hiền hạnh nguyện là nói về hạnh nguyện của Phổ Hiền Bồ-tát trên đường tu của Ngài, mọi chúng sinh nên noi theo, hành theo đó trên đường tu hạnh Bồ-tát để tự độ, độ tha, tự giác, giác tha, giác hành viên mãn.
3.4.2. Thiện Tài cầu đạo
Trong phẩm Nhập bất khả tư nghì cảnh giới kể về sự kiện Thiện tài- đồng tử (Sudhana śreṣṭhidāraka) đi tham vấn 53 vị thiện tri thức để học đạo. Văn thù bồ-tát (Mañjuśrī) bảo Thiện tài đồng tử đi đến núi Hòa hợp ở nước Khả lạc để tham phỏng Đức Vân tỳ-kheo (Meghaśrī) đầu tiên, thứ đến lần lượt khắp 53 vị. Trong những vị này, từ hàng bồ tát cho đến hạ tiện, nam cho đến nữ, qua đó, thấy được tính cách đa thù của các pháp môn và pháp hành của bồ-tát, xét toàn diện, đó là tu trí và phước – con đường bồ tát hành và Vô thượng giác. Các pháp môn mà Thiện tài học cũng không ngoài pháp tu của thập trụ – những giai vị mà bồ-tát từ sơ phát tâm đến thành Phật phải trải qua.
C. KẾT LUẬN
Kinh Hoa nghiêm là một bộ kinh quan trọng trong Đại thừa Phật giáo, không chỉ về lượng đồ sộ của nó, mà quan trọng hơn, nó còn đại biểu cho những gì tinh túy nhất của Đại thừa.
Quá trình truyền dịch của kinh này sang Trung quốc đã đạt được những thành tựu vĩ đại, mà điển hình nhất là đã hình thành Hoa nghiêm tông. Ngoài ra, nó cũng là một căn bản cho các tông lớn tại Nhật bản, Triều tiên và các nước có Phật giáo Đại thừa.
Kinh này là đại biểu cho tinh thần từ bi cứu độ vô hạn của Phật giáo, nó trình bày các giai vị đặc trưng của bồ-tát là thập địa và phương pháp thực hành tinh thần này là bồ-tát hành.
Tìm hiểu kinh Hoa nghiêm nói riêng và kinh điển nói chung là chúng ta đang thừa hưởng gia tài phương pháp luận chặt chẽ nhất mà cũng là kho tàng tuệ giác vô tận. Đức Phật đã thiết lập một nền tảng mà từ đó có thể xây dựng một thế giới hoà bình và đạo đức. Tuy rằng, con người, với giới hạn tri thức không thể nào đạt được sự toàn hảo nhưng có quyền hi vọng về việc ấy. Mỗi cá nhân hãy tự đặt ra châm ngôn cho chính mình, đồng thời hãy hành động sao cho nó biến thành một quy luật thực hành phổ biến. Đây là trách nhiệm không của riêng một cá nhân mà là toàn xã hội. Khoa học có thể mang lại tiện nghi vật chất cho đời sống nhưng nó chưa phải là điều kiện đủ để con người sống hạnh phúc. Chỉ và duy chỉ đạo đức mới làm được điều ấy.
Ngày nay, pháp giới trùng trùng duyên khởi được trình bày trong kinh này được các giới khoa học vô cùng xem trọng. Từ đó, cũng có thể nói rằng, giáo lý Duyên khởi của Phật thuyết thật sự là nguyên lý chung, không chỉ dành riêng cho giới Phật giáo mà là toàn bộ xã hội, bất kể đông-tây hay ngành nào.
THƯ MỤC THAM KHẢO
-
Arthur A. Macdonell, Lịch sử Văn học Phạn ngữ, PT. Chung Ngọc dịch, Bản thảo, Lưu hành nội bộ.
-
Cao Quán Như, Giới thiệu kinh Hoa nghiêm, CS. Định Huệ dịch
-
Daśabhūmikasūtram, Edited by Vaidya, P. L., The Mithila Institute of Post-Graduate Studies and Research in Sanskrit Learning, Darbhanga, 1967.
-
Gaṇḍavyūha sūtram,Edited by Vaidya, P. L., The Mithila Institute of Post-Graduate Studies and Research in Sanskrit Learning, Darbhanga, 1960.
-
Lê Mạnh Thát và tgk, Ngữ pháp tiếng Phạn, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh, 2000.
-
Minh Châu,Tự học Tiếng Phạn, NXB Văn Hóa Thông Tin, Tp. Hồ Chí Minh, 2004.
-
Phật Quang đại từ điển, Thích Quảng Độ dịch, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc xuất bản, Đài Loan, 2000.
-
Phiên dịch danh nghĩa đại tập (Mahāvyutpatti, Bye brag tu rtogs par byed pa chen po), Trung dã ấn loát chu thức hội xã, Đông Kinh, Chiêu Hòa 40.
-
Thích Kiên Định, Lược Sử Văn Học Sanskrit & Hán Tạng Phật Giáo, Nxb Thuận Hóa, 2008.
-
佛說兜沙經,大正新脩大藏經第 10 冊 No. 0280
-
佛說菩薩十住經,大正新脩大藏經第 10 冊 No. 0284
-
佛說菩薩本業經,大正新脩大藏經第 10 冊 No. 0281
-
出三藏記集, CBETA, T55, no. 2145.
-
十住經,大正新脩大藏經第 10 冊 No. 0286
-
大方廣佛華嚴經,大正新脩大藏經第 09 冊 No. 0278.
-
大方廣佛華嚴經,大正新脩大藏經第 10 冊 No. 0279.
-
大方廣佛華嚴經,大正新脩大藏經第 10 冊 No. 0293.
-
大方廣佛華嚴經疏, CBETA, T35, no. 1735.
-
大華嚴經略策, CBETA, T36, no. 1737.
-
華嚴經內章門等雜孔目章, CBETA, T45, no. 1870
-
華嚴經探玄記, CBETA, T35, no. 1733.
-
貞元新定釋教目錄, CBETA, T55, no. 2157.
-
開元釋教錄, CBETA, T55, no. 2154.
[1] http://en.wikipedia.org/wiki/Indo-Iranian_languages
[2] Pāṇini: phiên âm là Ba-lị-ni, nhà Văn pháp nổi tiếng của Ấn Độ thời cổ đại, thuộc dòng dõi Śalātura, nước Kiền-đà-la. Sanh vào khoảng thế kỷ thứ IV-III B.C. Cuốn ngữ pháp do ông soạn có lẽ là cuốn ngữ pháp đầu tiên được toàn cộng đồng Ấn Độ sử dụng.
[3] Kātyāyana: người đã viết Vārtikas để chú giải bổ sung cho cuốn văn phạm của Pāṇini.
[4] Aśoka (268-233 trước CN.), con của vua Bindusara (296 – 269 trước CN.), và là cháu của vua Candragupta (321 – 297 trước CN.).
[5] Jaina: Một giáo phái ở Ấn Độ, do Ni-càn-đà-nhã-đề-tử (Nirgrantha Jñātaputra), khai sáng vào khoảng thế kỷ thứ IV, thứ V trước C.N. chủ trương khổ hạnh phi bạo lực. Giáo lý cơ bản là nghiệp báo luân hồi, linh hồn giải thoát. Trước Nirgrantha Jñātaputra đã có 23 vị Tổ sư, nên hậu thế cho ông là Tổ thứ 24 trung hưng Kỳ-na giáo.
[6] Apabhraṃśa: dạng từ ngữ không chuẩn mực, được dùng để đối lại các quy tắc văn phạm hoặc được dùng với ý nghĩa không chặt chẽ trong tiếng Sanskrit. Là một hình thức thấp nhất của phương ngữ Prākṛit được giới bình dân sử dụng.
[7] Tham khảo: Minh Châu (T. Nhuận Châu): Tự học Tiếng Phạn, NXB Văn Hóa Thông Tin, Tp. Hồ Chí Minh, 2004. Lê Mạnh Thát và tgk, Ngữ pháp tiếng Phạn, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh, 2000.
[8] Tham khảo: Arthur A. Macdonell, Lịch sử Văn học Phạn ngữ, PT. Chung Ngọc dịch, Bản thảo, Lưu hành nội bộ, chương 14, 15.
[9] Hán dịch: 《大方廣佛華嚴經》卷40〈入不思議解脫境界普賢行願品〉:「所有十方世界中,三世一 切人師 子, 我以清淨身語意,一切遍禮盡無餘。」(CBETA, T10, no. 293, p. 847, a2-3)
[10] Xem: Phiên dịch danh nghĩa đại tập (Mahāvyutpatti, Bye brag tu rtogs par byed pa chen po), Trung dã ấn loát chu thức hội xã, Đông Kinh, Nhật Bản, Chiêu Hòa 40, trang 102, no. 1341.
[11] Thích Kiên Định, Lược Sử Văn Học Sanskrit & Hán Tạng Phật Giáo, Nxb Thuận Hóa, 2008.
[12] 大方廣佛華嚴經, 大正新脩大藏經第 09 冊 No. 0278.
[13] 大方廣佛華嚴經, 大正新脩大藏經第 10 冊 No. 0279.
[14] 大方廣佛華嚴經, 大正新脩大藏經第 10 冊 No. 0293.
[15] Xem thêm:《出三藏記集》卷9:(CBETA, T55, no. 2145, p. 61, a1-8)
[16] Xem thêm:《華嚴經探玄記》卷1:(CBETA, T35, no. 1733, p. 122, c9-27)
[17] 《開元釋教錄》卷9:「大方廣佛華嚴經八十卷(第二出與東晉覺賢譯者同本證聖元年三月十四日於東 都大內大遍空寺譯天后親受筆削至聖曆二年十月八日於佛授記寺功畢)」(CBETA, T55, no. 2154, p. 565, c15-16)
[18] 《大方廣佛華嚴經疏》卷3〈1 世主妙嚴品〉:「二從彌勒菩薩後至三千大千世尊微塵數善知識前中 間。文 殊申手過一百一十由旬按善財頂。十五行經。」(CBETA, T35, no. 1735, p. 524, a4-7). Cũng xem: 《大華嚴經略策》卷1:「一從摩耶夫人後至彌勒菩薩前中間天主光等十善知識。二從彌勒菩薩後至三千大千世界微塵數善知識前中間文殊申手摩善財頂十五行經。即八十卷經之初。」(CBETA, T36, no. 1737, p. 704, a7-11)
[19] 《貞元新定釋教目錄》卷17:「今南天竺國王所進當第三夾。有一萬六千七百偈。」(CBETA, T55, no. 2157, p. 894, c29-p. 895, a1)
[20] Tham khảo: Phật Quang đại từ điển, Thích Quảng Độ dịch, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc xuất bản, Đài Loan, 2000, tập 2, trang 1498-1503. Cao Quán Như, Giới thiệu kinh Hoa nghiêm, CS. Định Huệ dịch, http://www.thuvienhoasen.org
[21] Xem thêm:《華嚴經內章門等雜孔目章》卷4 (CBETA, T45, no. 1870, p. 588, a14-20)
[22] Daśabhūmikasūtram, Edited by Vaidya, P. L., The Mithila Institute of Post-Graduate Studies and Research in Sanskrit Learning, Darbhanga, 1967.
[23] Gaṇḍavyūha sūtram, Edited by Vaidya, P. L., The Mithila Institute of Post-Graduate Studies and Research in Sanskrit Learning, Darbhanga, 1960.
[24] 佛說兜沙經, 大正新脩大藏經第 10 冊 No. 0280
[25] 佛說菩薩本業經, 大正新脩大藏經第 10 冊 No. 0281
[26] 佛說菩薩十住經, 大正新脩大藏經第 10 冊 No. 0284
[27] 十住經, 大正新脩大藏經第 10 冊 No. 0286
[28] 《大方廣佛華嚴經》卷12〈7 如來名號品〉:「時,諸菩薩作是思惟:「若世尊見愍我等,願隨所樂 ,開示佛剎、佛住、佛剎莊嚴、佛法性、佛剎清淨、佛所說法、佛剎體性、佛威德、佛剎成就、佛大菩提。如十方一切世界諸佛世尊,為成就一切菩薩故,令如來種性不斷故,救護一切眾生故,令諸眾生永離一切煩惱故,了知一切諸行故,演說一切諸法故,淨除一切雜染故,永斷一切疑網故,拔除一切希望故,滅壞一切愛著處故,說諸菩薩十住、十行、十迴向、十藏、十地、十願、十定、十通、十頂,及說如來地、如來境界、如來神力、如來所行、如來力、如來無畏、如來三昧、如來神通、如來自在、如來無礙、如來眼、如來耳、如來鼻、如來舌、如來身、如來意、如來辯才、如來智慧、如來最勝。願佛世尊,亦為我說!」」(CBETA, T10, no. 279, p. 58, a2-17)
[29] 《大方廣佛華嚴經》卷14〈12 賢首品〉:「信為道元功德母,長養一切諸善法,斷除疑網出愛流, 開示涅槃無上道。」(CBETA, T10, no. 279, p. 72, b18-19)
[30] 《大方廣佛華嚴經》卷8〈12 梵行品〉:「初發心時,便成正覺,知一切法真實之性,具足慧身,不 由他悟。」(CBETA, T09, no. 278, p. 449, c14-15)
[31] Xem phẩm Bảo vương Như lai tánh khởi thứ 32.
[32] 《大方廣佛華嚴經》卷10〈16 夜摩天宮菩薩說偈品〉:「若人欲求知,三世一切佛,應當如是觀, 心造諸如來。」(CBETA, T09, no. 278, p. 466, a5-6)
[33] 《大方廣佛華嚴經》卷45〈34入法界品〉:「如來毛孔中,一切諸世界,微塵等佛剎,皆悉分別現 。 一切境界中,出生諸佛雲, 無量善方便,度脫一切眾。」(CBETA, T09, no. 278, p. 686, a15-18)
[34] Đây là phẩm 56 trong Gaṇḍavyūha sūtram, có tên là Samantabhadracaryāpraṇidhānam. 1) sam-anta (adj): liên kết, tất cả, hoàn chỉnh, khắp nơi, phổ biến, rộng khắp; 2) bhadra (adj): cát tường, đẹp, hạnh phúc, thuận lợi, may mắn, tốt; 3) caryā (f): đi quanh, xử trí, hành vi, chấp hành (nghi thức), thực hành; 4) pra-ṇidhāna (n): áp dụng, sử dụng, nỗ lực, hành vi cung kính đối với… (Acc), khát vọng, phát nguyện, thệ nguyện. Như vậy, phẩm này dịch là Phổ Hiền hành nguyện (không đọc là hạnh).