Luận ngũ uẩn
Nguyên tác: Tôn giả Thế Thân (Acarya Vasubandhu) – Hán dịch: Tam Tạng Pháp sư Huyền Tráng – Việt dịch: Tỳ khưu Tâm Hạnh
Đức Thế Tôn nói về Ngũ uẩn: Sắc uẩn; Thọ uẩn; Tưởng uẩn; Hành uẩn; Thức uẩn.
Sắc uẩn là gì? Là bốn đại chủng 1 và những sắc 2 do bốn đại chủng tạo thành.
Bốn Đại chủng là gì? Là Địa giới 3 , Thuỷ giới, Hoả giới, Phong giới.
Địa giới là gì? Là thành tố cứng rắn, mềm mại. Thuỷ giới là gì? Là thành tố ẩm ướt và liên tục kết dính. Hoả giới là gì? Là thành tố nhiệt độ như nóng, lạnh…. Phong giới là gì? Là thành tố nhẹ, vừa và lưu chuyển.
Các sắc do bốn đại chủng tạo thành (dựa trên 4 yếu tố mà được thành hình – Tứ đại sở tạo) là gì? Đó là nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn, sắc trần, thanh trần, hương trần, vị trần và một phần của xúc trần và vô biểu sắc v.v…
Nhãn căn là gì? Là tịnh sắc lấy sắc trần làm đối tượng. Nhĩ căn là gì? Là tịnh sắc lấy thinh trần làm đối tượng. Tỷ căn là gì? Là tịnh sắc lấy hương trần làm đối tượng. Thiệt căn là gì? Là tịnh sắc lấy vị trần làm đối tượng. Thân căn là gì? Là tịnh sắc lấy xúc trần được tạo ra làm đối tượng. Sắc trần là gì? Là đối tượng của mắt, như hiển sắc 4 , hình sắc và biểu sắc 5 . Thanh trần là gì? Là đối tượng của tai, gồm những âm thanh do chấp thọ đại chủng làm nhân 6 , âm thanh do phi chấp thọ đại chủng làm nhân 7 , âm thanh do cả hai loại trên làm nhân. Hương trần là gì? Là đối tượng của mũi như mùi thơm, mùi hôi và các loại mùi khác. Vị trần là gì? Là đối tượng của lưỡi như các vị ngọt, bùi, chua, cay, đắng và nhạt.
Một phần của xúc trần là gì? Là đối tượng của thân, trừ 4 đại chủng năng tạo ra, tức là những xúc trần còn lại như tính chất trơn, rít, nặng, nhẹ, lạnh, nóng, đói, khát v.v…
Vô biểu sắc là gì? Là những sắc được sinh ra do biểu nghiệp hay định, không thấy và không có sự đối đãi.
Thọ uẩn là gì? Là 3 loại cảm thọ: khổ thọ, lạc thọ, bất khổ bất lạc thọ. Lạc thọ là những cảm giác dễ chịu, khi nó mất đi thì chúng ta muốn nó có lại; khổ thọ là cảm giác khó chịu, khi nó đến với ta thì ta không thích và muốn nó mất đi; bất khổ bất lạc là cảm giác không thuộc về 2 trường hợp trên.
Tưởng uẩn làgì? Là nắm giữ các tướng 8 của đối tượng.
Hành uẩn là gì? Trừ thọ uẩn và tưởng uẩn ra, là các tâm sở còn lại và tâm bất tương ưng hành pháp.
Tâm sở 9 là gì? Đó là các tâm sở cùng tương ưng với tâm vương. Các tâm sở này gồm:
– 5 biến hành : Xúc, tác, thọ, tưởng, tư;
– 5 biệt cảnh : Dục, thắng giải, niệm, định, tuệ;
– 11 thiện : Tín, tàm, quý, vô tham, vô sân, vô si, tinh tấn, khinh an, bất phóng dật, xả, bất hại;
– 6 phiền não : Tham , sân , mạn , si, kiến, nghi;
– 20 tuỳ phiền não: Phẫn, hận, phú, não, tật, san, cuống, siễm, kiêu, hại, vô tàm, vô quý, hôn trầm, trạo, bất tín, giải đãi, phóng dật, vọng niệm, tán loạn, bất chánh tri; và
– 4 bất định: ố tác (hối), thuỵ miên, tầm, tư.
Xúc là gì? Là sự hoà hợp của 3 pháp 10 , tính của nó là phân biệt.
Tác ý là gì? Là có tính năng làm cho tâm phát sinh sự hiểu biết.
Tư là gì? Là đối với công đức và lỗi lầm hay ngược lại với 2 trường hợp trên, khiến cho tâm tạo tác, tính của nó là ý nghiệp.
Dục là gì? Là đối với việc mình ưa thích, tính của nó là hi vọng.
Thắng giải là gì? Tính năng của nó là xác định, đối với việc đã quyết định thì dứt khoát đúng như thế.
Niệm là gì? Tính năng của nó ghi nhận rõ sự việc mình đã từng trải qua khiến cho tâm không quên.
Định là gì? Tính của nó là không tán loạn đối với sự việc chúng ta đang quan sát khiến cho tâm và cảnh trở thành một.
Tuệ là gì? Có tính năng trạch pháp, đối với đối tượng được nhận thức theo như lý, hoặc phi lý, hoặc không thuộc như lý cũng không thuộc phi lý.
Tín là gì? Có tính năng làm cho tâm mình thanh tịnh phù hợp một cách chính xác với các Nghiệp, Thánh Quả, Tứ Đế và Tam Bảo.
Tàm là gì? Là tâm sở, tính của nó là nhờ vào thế lực của tự thân và năng lực của pháp 11 làm cho mình hỗ thẹn với lỗi của mình.
Quý là gì? Là tâm sở, tính của nó làm cho mình sợ hãi trước thế lực của thế gian về lỗi của mình tạo ra.
Vô tham là gì? Là tính của nó rất nhàm chán, không lệ thuộc, đối trị với tâm tham.
Vô sân là gì? Tính của nó là Từ để đối trị tâm sân.
Vô si là gì? Tính chất của nó là nhận thức đúng như thật theo đối tượng, nó đối trị tâm si.
Tinh tiến là gì? Tính của nó là khiến cho tâm dũng mãnh trong các phẩm thiện, nó đối trị giải đãi
Khinh an là gì? Tính của nó là làm cho thân tâm được điều hoà dễ chịu, nó đối trị sự thô cứng, nặng nề.
Bất phóng dật là gì? Tính của nó là đối trị phóng dật, nghĩa là từ vô tham, vô sân, vô si, cho đến tinh tấn đều nương vào tâm sở bất phóng dật này để từ bỏ các pháp bất thiện, và tu tập pháp thiện để đối trị phóng dật.
Xả là gì? Tức không tham, cho đến tinh tấn vì nương vào đây nên đạt được tính bình đẳng của tâm, tính chân trực của tâm, tính không có công dụng 12 của tâm, nhờ đây mà loại trừ được những pháp nhiễm ô và an trụ trong pháp không nhiễm.
Bất hại là gì? Nghĩa là đối trị với hại, lấy Bi làm tính.
Tham 13 là gì? Nghĩa là đối với năm thủ uẩn, ham mê đắm chấp làm tính.
Sân 14 là gì? Nghĩa là đối với loài hữu tình ưa tổn hại làm tính.
Mạn 15 là gì? Có bảy loại:mạn, quá mạn, mạn quá mạn, ngã mạn, tăng thượng mạn, ty mạn tà mạn.
Thế nào là Mạn? Nghĩa là đối với những điều họ kém thua mình thì cho mình là hơn, hoặc họ bằng mình thì cho mình bằng, tính của nó là tâm kiêu ngạo.
Thế nào là Quá mạn? Nghĩa là đối với những điều họ bằng mình mà cho mình hơn, hoặc họ hơn mình mà cho là mình bằng, tính của nó là tâm kiêu ngạo.
Thế nào là Mạn quá mạn? Nghĩa là người ta hơn mình mà mình cho rằng mình hơn họ, tính chất của nó là tâm kiêu ngạo.
Thế nào là Ngã mạn? Nghĩa là đối với năm thủ uẩn tuỳ theo quan điểm cho là ngã hoặc ngã sở, tính chất của nó là tâm kiêu ngạo.
Thế nào là Tăng thượng mạn? Trong sự chứng đắc pháp thù thắng tăng thượng, mình chưa chứng cho là đã chứng, tính chất của nó là tâm kiêu ngạo.
Thế nào là Ty mạn? Nghĩa là người ta hơn mình nhiều phần mà mình cho rằng mình cũng được phần nào, tính của nó là tâm kiêu ngạo.
Thế nào là Tà mạn? Nghĩa là mình thật sự không có đức mà cho là đã có, tính của nó là tâm kiêu ngạo.
Vô minh là gì? Nghĩa là đặc tính của nó là không có trí tuệ đối với Nghiệp, Bốn quả, Bốn Thánh đế và Tam Bảo. Nó có hai loại, phát sinh do: thứ nhất là câu sinh; thứ hai là phân biệt. Lại có dục lệ thuộc tham và sân, dục lệ thuộc vô minh 16 gọi là ba bất thiện căn. Ba bất thiện căn bao gồm bất thiện căn tham, bất thiện căn sân và bất thiện căn si.
Kiến là gì? Gồm có năm kiến 17 : Thân kiến, Biên chấp kiến, Tà kiến, Kiến thủ, Giới cấm thủ.
Thân kiến nghĩa là đối với năm thủ uẩn, tuỳ theo quan điểm cho đó là ta, là cái của ta. Đặc tính của nó là làm cho trí tuệ bị nhiễm ô.
Biên chấp kiến nghĩa là do sức mạnh của Thân kiến tăng trưởng nên tuỳ theo quan điểm mà cho là thường hay đoạn. Đặc tính của nó là làm cho trí tuệ bị nhiễm ô.
Tà kiến có nghĩa là không tin hiểu vào nhân, không tin hiểu vào quả, hoặc phỉ báng tác dụng, hoặc phá hoại việc lành. Đặc tính của nó là làm cho trí tuệ bị nhiễm ô.
Kiến thủ nghĩa là đối với ba kiến trên và các uẩn làm nơi nương tựa của chúng, tuỳ theo cách nhìn mà chấp nó là bậc nhất, là trên hết, là hơn hết, là cùng cực. Đặc tính của nó là làm cho trí tuệ bị nhiễm ô.
Giới cấm thủ là gì? Là đối với giới cấm và nương vào các uẩn kia tuỳ theo nhận thức mà cho là thanh tịnh, là giải thoát, là xa lìa, lấy nhiễm ô tuệ làm tánh.
Thế nào là nghi? Là tánh do dự, phân vân đối với các sự thật.
Trong các phiền não, ba kiến sau và nghi chỉ phát khởi do phân biệt; còn lại thì phát khởi thông cả câu sanh và phân biệt.
Thế nào là phẫn? Là tánh chất khi gặp những việc đang xảy ra không có lợi cho mình thì sanh tâm phiền muộn.
Thế nào là hận? Là tính kết oán không chịu bỏ.
Thế nào là phú? Là tính che giấu tội lỗi của mình.
Thế nào là não? Là tính chất oán giận phát ra lời hung ác, bẩn thỉu.
Thế nào là tật? Là tính đối với việc thành công của người khác sanh tâm ganh ghét.
Thế nào là xan? Là tính của tâm tiếc của trái với sự bố thí.
Thế nào là cuống? Là tính dối người bằng những việc không thật.
Thế nào là siểm? Là tính che giấu lỗi của mình, tìm cách bao che bằng tâm quanh co.
Thế nào là kiêu? Là tính của tâm dựa vào việc thịnh vượng của mình rồi tham đắm mà tự cao.
Thế nào là hại? Là tính chất làm tổn hại các loài hữu tình.
Vô tàm là gì? Là tính chất không tự xấu hổ đối với những lỗi mình làm.
Vô quý là gì? Là tính chất không cảm thấy xấu hổ, sợ hãi với người khác đối với những lỗi đã làm.
Hôn trầm là gì? Là tính chất không tỉnh táo, không chịu đựng, thường mê muội của tâm.
Điệu cử là gì? Là tính chất không tĩnh lặng của tâm.
Bất tín là gì? Là đối nghịch với tín, không tin đúng đắn đối với nghiệp quả v.v… lấy tâm bất tịnh làm tánh.
Giải đãi là gì? Là đối nghịch với tinh tấn. Có tánh không mạnh dạn để làm các pháp thiện.
Phóng dật là gì? Là tánh do tham, sân, si, biếng nhác mà tâm không thể tu tập đối với các điều lành; không phòng hộ đối với các phiền não.
Thất niệm là gì? Là tánh của niệm bị nhiễm ô, ghi nhớ không rõ ràng đối với các pháp thiện.
Tán loạn là gì? Là tánh do tham, sân, si chi phối làm tâm phân tán.
Bất chánh tri là gì? Là tánh của những hành động của thân, khẩu, ý trong hiện tại không y cứ vào sự hiểu biết đúng.
Ố tác là gì? Là tính chất tâm không ổn định vì hối hận.
Thuỳ miên là gì? Là tính chất tâm không tự chủ chuyển thành rất mê muội.
Tầm là gì? Là tánh năng tìm cầu (đối tượng) theo khái niệm do phân biệt khác nhau bằng tư và tuệ khiến cho tâm thô làm tánh.
Tứ là gì? Là tánh năng dò xét (đối tượng) theo khái niệm (ý ngôn) do phân biệt khác nhau bằng tư và tuệ khiến cho tâm vi tế làm tánh.
Bất tương ưng hành pháp là gì?
Là dựa vào những phần vị khác nhau của sắc, tâm và tâm sở, chỉ là giả đặt ra, thực chất nó không hoạt động, để xác định tính giống hay khác. Nó là gì? Là Đắc, Vô tưởng đẳng chí 18 , Diệt tận đẳng chí, Vô tưởng sở hữu, Mạng căn, Chúng đồng phận, Sinh, Lão, Tr, Vô thường, Danh thân, Cú thân, Văn thân, Dị sinh tính v.v…
Đắc là gì? Là thu hoạch hoặc thành tựu. Ở đây có ba loại: Chủng tử, tự tại và hiện tiền, tuỳ theo trường hợp của nó.
Vô tưởng đẳng chí là gì? Đã xa lìa được tham ở cõi trời Biến tịnh, nhưng vẫn chưa lìa tham ở các tầng trời trên. Đã xa lìa được tưởng, trước tiên tác ý, đối với các Tâm và Tâm sở không hiện hành, đều diệt 19 .
Diệt tận đẳng chí là gì? Đã lìa được tham ở vô sở hữu xứ. Từ cõi thứ nhất (chỉ cho Vô sắc giới) mong cầu tiến lên, do đã dứt trừ được tưởng, trước tiên tác ý, đối với các Tâm và Tâm sở không hiện hành, hoặc chỉ hiện hành một phần, đều diệt.
Vô tưởng sở hữu là gì? Là quả của Vô tưởng đẳng chí đã đạt được. Hữu tình sinh trong cõi trời Vô tưởng thì tính của nó là những Tâm và Tâm sở không hiện hành, đều diệt hết.
Mạng căn là gì? Là trong Chúng đồng phận bị các nghiệp trước (tiền sử) đưa đến, tính chất của nó là quyết định thời gian tồn tại.
Chúng đồng phận là gì? Là các loài hữu tình, tự mỗi loài có đặc điểm giống nhau.
Sinh là gì? Là trong Chúng đồng phận, đặc tính là sự trước không, nay có của các pháp hữu vi.
Lão là gì? Là trong sự tương tục các hành như vậy, đặc tính của nó là biến đổi khác đi.
Trụ là gì? là trong sự tương tục của các hành như vậy, đặc tính của nó là dựa vào để chuyển biến.
Vô thường là gì? Là trong sự tương tục các hành, đặc tính của nó là hoại diệt.
Danh thân là gì? Đặc tính của nó là từ ngữ khái niệm về tự tánh của các pháp.
Cú thân là gì? Đặc tính của nó là câu (văn) khái niệm về sự khác nhau của các pháp.
Văn thân là gì? Là những chữ cái. Nhờ có chữ cái mà nó có thể hiện tính chất của hai loại trên. Cũng gọi là “hiển”, do làm chỗ sở y cho danh thân và cú thân để làm rõ nghĩa; còn gọi là “tự”, vì không do sự sai biệt của danh và cú mà làm nó bị biến đổi.
Dị sinh tính là gì? Đặc tính của nó là chưa đắc được các pháp của bậc thánh (chỉ cho phàm phu).
Các loại như vậy, đến đây đã nói xong về Hành uẩn.
Thức uẩn là gì? Đặc tính của nó là phân biệt đối tượng, cũng gọi là tâm ý, do có tính chất tích tập (gom chứa), thuộc về ý.
Tâm tối thắng là gì? Là thức A-lại-da. Vì sao vậy? Do thức này gom chứa các pháp hữu vi. Lại hành tướng hoạt đông của thức này không thể phân biệt, trước sau một loại tương tục tùy chuyển. Lại do nó mà các Diệt tận đẳng chí, Vô tưởng đẳng chí, Vô tưởng sở hữu sinh khởi; thức biết rõ cảnh giới còn gọi là các chuyển thức phát sanh lại, vì nương vào sở duyên duyên (duyên của đối tượng, như nhờ lá lay động mà biết gió thổi) làm chuyển biến khác nhau, nên sinh diệt tương tục phát sinh trở lại, làm cho sanh tử lưu chuyển xoay vần.
A-lại-da thức là gì? Bao gồm chứa đựng tất cả chủng tử, cũng bao gồm tướng ngã mạn. Lại còn duyên với thân làm cảnh, thì đây là cũng gọi là A-đà-na thức, có thể giữ gìn lấy thân.
Y tối thắng (Mạt na) là gì?
Nghĩa là duyên A-lại-da thức làm cảnh, là thức luôn luôn tương ứng với ngã si, ngã kiến, ngã mạn và ngã ái…, trước sau một loại tương tục với nhau, ngoại trừ quả vị La-hán, quả vị Thánh đạo, Diệt tận đẳng chí đang hiện tiền.
Hỏi: Tại sao gọi là uẩn?
Đáp: Vì bản chất của nó là tích tụ nên gọi là uẩn; nghĩa là bao gồm phần chung và phần riêng của những sắc, thọ v.v… sai khác nhau của loại hữu tình trong các cảnh giới tương tục ở thế gian.
Lại có mười hai xứ: Nhãn xứ, sắc xứ; nhĩ xứ, thinh xứ; tỷ xứ, hương xứ; thiệt xứ, vị xứ v.v… Các xứ này đã giải thích ở trước. Xúc xứ là bốn đại và một phần của xúc như đã nói ở trước. Ý xứ chính là thức uẩn. Pháp xứ là thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, vô biểu sắc và cùng với vô vi.
Vô vi là gì? Hư không vô vi, Phi trạch diệt vô vi, Trạch diệt vô vi và Chân như vô vi.
Hư không vô vi là gì? Nó dung chứa tất cả các sắc.
Phi trạch diệt vô vi là gì? Nghĩa là diệt mà không do trí tuệ ly hệ. Nghĩa là không do đối trị phiền não mà các uẩn hoàn toàn không sanh khởi.
Trạch diệt vô vi là gì? Là diệt bằng ly hệ. Nghĩa là do đối trị phiền não nên các uẩn không thể nào sanh khởi.
Chơn như vô vi là gì? Đó là pháp tánh của các pháp, tánh vô ngã của các pháp.
Xứ nghĩa là gì? Nơi phát sinh các thức, là ý nghĩa của xứ.
Lại có mười tám giới: Nhãn giới, sắc giới, nhãn thức giới; nhĩ giới, thinh giới, nhĩ thức giới; tỷ giới, hương giới, tỷ thức giới; thiệt giới, vị giới, thiệt thức giới; thân giới xúc giới, thân thức giới; ý giới, pháp giới và ý thức giới. Các giới như nhãn giới v.v… và các giới như sắc giới v.v… như đã nói trong xứ.
Ý Thức giới thứ sáu là gì? Nghĩa là dựa vào nhãn căn v.v… tiếp xúc với sắc trần v.v… phân biệt rõ ràng để làm tinh (pháp trần). Nói ý giới là nói các thức kia tuy diệt, nhưng không ngừng gián đoạn (ý căn), để hiển bày thức thứ sáu (ý thức) và kiến lập rộng ra mười tám giới. Như vậy sắc uẩn tức là mười giới, mười xứ 20 , một phần pháp giới, pháp xứ 21 . thức uẩn, là ý xứ 22 , hay là bảy tâm giới 23 ; ba uẩn còn lại và một phần sắc uẩn, cùng các vô vi thuộc pháp xứ, pháp giới.
Giới là gì? Giữ gìn tánh đặc trưng, theo tướng trạng từng loại gọi là giới.
Tại sao phải nói đến uẩn, xứ, giới?
Vì muốn đối trị ba loại ngã chấp. Thứ tự ba loại ngã chấp như sau: 1. Tánh ngã chấp; 2. Thọ giả ngã chấp; 3. Tác giả ngã chấp 24 .
Lại nữa, trong mười tám giới có bao nhiêu giới thuộc hữu sắc? Mười giới và một phần nhỏ 25 , tưc là Tự tánh sắc uẩn.
Có bao nhiêu giới thuộc về vô sắc? Các giới còn lại.
Có bao nhiêu giới thuộc về hữu kiến 26 ? Có một là sắc giới
Có bao nhiêu giới thuộc về vô kiến? Những giới còn lại.
Có bao nhiêu giới thuộc về hữu đối? Mười giới thuộc sắc 27 , vì (căn) này có sự chướng ngại đối với (trần) kia nên gọi là hữu đối.
Có bao nhiêu giới thuộc về vô đối? Những giới còn lại.
Có bao nhiêu giới thuộc về hữu lậu? Có mười lăm giới và một phần nhỏ của ba giới sau 28 , vì ở đó khởi phiền não, và hiện hành.
Có bao nhiêu giới thuộc về vô lậu? Ba phần nhỏ ở sau.
Có bao nhiêu giới thuộc về dục giới? Có 18 giới đều thuộc về dục giới.
Có bao nhiêu giới thuộc về sắc giới? Có mười bốn giới thuộc về sắc giới, trừ các giới như hương giới, vị giới, tỷ thức giới, thiệt thức giới. 29
Có bao nhiêu giới thuộc về vô sắc giới? Ba giới sau cùng (gồm ý căn giới, pháp giới và ý thức giới).
Có bao nhiêu giới không thuộc về ba cõi? Là những giới thuộc vô lậu.
Có bao nhiêu giới thuộc uẩn? Tất cả, trừ vô vi .
Có bao nhiêu giới thuộc thủ uẩn? Là hữu lậu.
Có bao nhiêu giới thuộc về thiện, bất thiện, vô ký? Là mười giới thông ba loại, là bảy tâm giới và sắc giới, thinh giới, pháp giới; tám giới còn lại thuộc vô ký.
Có bao nhiêu giới thuộc về nội giới? Đó là mười hai giới, trừ sắc giới, thinh giới, hương giới, vị giới, xúc giới và pháp giới.
Có bao nhiêu giới thuộc về ngoại giới? Đó là sáu giới vừa trừ ra.
Có bao nhiêu giới (hiện hành) cần có duyên? Là bảy tâm giới và tâm sở hữu pháp thuộc về một phần pháp giới.
Có bao nhiêu giới (hiện hành) không cần duyên? Là mười giới còn lại và một phần pháp giới.
Có bao nhiêu giới có khả năng phân biệt? Đó là ý giới, ý thức giới và một phần pháp giới.
Có bao nhiêu giới thuộc chấp thọ? Đó là năm (căn thuộc) nội giới và một phần của bốn giới: sắc, hương, vị, xúc thuộc ngoại giới.
Có bao nhiêu giới phi chấp thọ? Chín giới còn lại 30 và một phần của bốn giới (vừa kể trên).
Có bao nhiêu giới đồng phận? Như là năm giới thuộc sắc ở trong. Vì chúng và thức của chúng có cùng cảnh giới.
Có bao nhiêu giới bỉ đồng phận? Tự mỗi thức không phải đồng phần (bỉ). Tuỳ theo không gian và thời gian mà đồng loại với đồng phần (nên gọi là bỉ đồng phần).
-ooOoo-
1 Bốn đại chủng: Bốn thành tố năng tạo. Đại: Bao trùm tất cả; Chủng: Hạt giống, thành tố sinh ra vật chất. Bốn đại chủng là bốn thành tố sinh ra tất cả vật chất.
2 Sắc (Rupa): Hoại và ngại (có tính chất băng hoại và chướng ngại / chất ngại)
3 Giới (Dhatu): Phần vị, khu vực, lĩnh vực, phạm trù, phần đặc trưng…
4 Hiển sắc (varna-rupa): Màu sắc xanh, vàng, đỏ, trắng, ánh sáng, cái bóng, sáng, tối, khói,mây, bụi, sương mù, hư không v.v… Hình sắc: Hình dạng như dài, ngắn, tròn, vuông, thô, tế, cao, thấp, ngay, cong v.v… Tức là ta có thể định vị (samsthana) được.
5 Biểu sắc (vijnapti-rupa): Sự cử động, hay hình dáng hoạt động hiện rõ như nẵm, buông, co, duỗi, đi, đứng, ngồi, nằm v.v… (PQĐTĐ,Tr 506b, dòng 6 từ phải sang).
6 Chấp thọ đại chủng (upatta-mahabhuta-hetuka – chấp thọ đại chủng vi nhn): Phần vật chất tiếp thu và giữ lấy cảm giác làm nhân: thân thể loài hữu tình.
7 Phi chấp thọ đại chủng (nopatta-mahabhuta): Phần vật lý của loài vô tình
8 Tướng ̣̣̣(laksana): Hiện tượng của đối tượng trong hiện tại được nhận thức bằng khái niệm.
9 Tâm sở (caitta): Những tâm lý phụ, phát sinh từ tâm vương, đồng sanh, đồng diệt, đồng căn, đồng cảnh với tâm vương. (tâm sở là chi phần, tâm vương là tổng thể)
10 Ba pháp: Căn, trần và thức
11 Năng lực của tự thân: Lòng tự trọng của con người, tự mắc cở. Năng lực của pháp: Nhờ vào pháp, luật v.v… xấu hỗ với mình khi phạm lỗi.
12 Không có công dụng: Đạt được kết quả mà không lệ thuộc, không bị thối lui.
13 Lobha (tham) từ ngữ căn “Ludh” nghĩa là ôm ấp, bíu lấy. Khi nào co vật gì tốt đẹp thời tham tâm khởi lên.
14 Dosa (sân) từ ngữ căn “dus” nghĩa là phật ý, không bằng lòng.
15 Mana (mạn) từ ngữ căn “man” nghĩa là suy nghĩ, kiêu ngạo, tự đắc tự đại. (Thắng Pháp Tập Yếu Luận, tập I tr.36-37 – HT Minh Châu dịch và chú)
16 Vô minh là phàm phu bị lệ thuộc bởi tham, sân, si nên không có trí tuệ để nhận biết nhân duyên nghiệp báo, không tin bốn Thánh quả, không thực hành bốn đế và không tin vào Tam Bảo.
17 Năm kiến này được gọi là năm bất chánh kiến vì bản chất của nó là làm cho trí tuệ bị nhiễm ô. Thân kiến gồm có 20 thứ, cho rằng sắc này là ta, ta là sắc, sắc thuộc ta, ta thuộc sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy, cộng lại thành 20 kiến chấp. Biên kiến là chấp một phía, cho rằng thế giới này là thường còn nên gọi là thường kiến, hoặc chấp sau khi chết là hết nên gọi là đoạn kiến. Tà kiến là không hiểu nhân quả, cho chủ trương của mình, việc làm của mình hay tôn giáo mình v.v… là đúng nhưng trên thực tế thì sai, làm những việc xấu ác mà cho là thiện, là tốt. Kiến thủ là cho rằng Ta, Cái của ta v.v… là trên hết, là bậc nhất, là cùng cực nên gọi là kiến thủ.
18 Đẳng chí: Tức là trạng thái nhập định, l trạng thái quân bình thân tâm trong khi nhập Thiền định.
19 Các Tâm và Tâm sở đi theo có hai trạng thái, hiện hành và không hiện hành. Dòng tâm A-lại-da thì không hiện hành, nhưng bảy tâm giới thì hiện hành. (Xem A lại da phần 18 giới ở sau)
20 Mười xứ: (Ayatana) Ở đây là: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân; sắc, thinh, hương, vị và xúc xứ. Mười giới (Dhatu) tên gọi cũng như thế, chỉ đổi chữ “xứ” thành chữ “giới” mà thôi.
21 Pháp xứ (dharma-sthana): Một trong mười hai xứ, là đối tượng của ý căn.
22 Ý xứ (mana-sthana): Một trong mười hai xứ, tức tâm vương, trong ngũ uẩn nó là thức uẩn, trong mười tám giới nó là tâm giới thứ bảy. Ý xứ này có khả năng làm cho tâm và tâm sở sinh trưởng.
23 Bảy tâm giới: Trong mười tám giới, sáu thức: Nhãn thức, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức, lại thêm ý căn nữa là thành bảy.
24 1. Có cái ngã độc lập; 2. Có cái ngã nhận biết; 3. Có cái ngã hành động.
25 Một phần nhỏ là một phần pháp giới thuộc sắc.
26 Hữu kiến là thấy được. Chỉ cho sắc cảnh.
27 Mười giới này được bao hàm trong sắc uẩn được nói là hữu đối.
28 Trong mười tám giới, ý căn giới, pháp giới và ý thức giới thông cả hữu lậu và vô lậu. Ngoài ra năm căn, năm cảnh và năm thức còn lại chỉ là hữu lậu.
29 Hữu tình ở sắc giới không ăn bằng thức ăn như ở cõi dục, nên về phương diện ăn uống không còn có hai cảnh sở duyên là hương trần và vị trần, hai thức năng duyên là tỷ thức và thiệt thức. Tuy nhiên, dù cõi này không có hai thức, nhưng không phải là không có hai căn. Do luyến ái sáu căn nên nương vào nội thân mà phát sinh, chớ không nương vào ngoại cảnh để hiện khởi.
30 Bảy tâm giới, pháp giới, thanh giới.