Trong cuộc sống xã hội hiện nay, dối trá không chỉ là một thói quen xấu mà nó đã lan ra thành một dịch bệnh nguy hiểm khó chữa, gây ra những tác hại nghiêm trọng trong nhiều lĩnh vực. Một người đã sống không biết thật với người khác và với bản thân mình, thì chắc chắn sẽ không bao giờ tìm tới sự thật, chứ đừng nói chứng ngộ sự thật.
Nói dối là nói không đúng sự thật chuyện có nói không, chuyện không nói có. Và theo các nhà nghiên cứu khoa học thì mọi người nói dối là do họ sợ hậu quả khi nói ra sự thật. Khi một người bị mắc lỗi bản thân họ sẽ cố gắng che dấu sự thật để không bị người khác cho rằng mình ngu ngốc, trình độ kém cỏi hay đơn giản là để người khác không trút cơn giận lên họ. Ngoài ra có người nói dối là vì họ sợ bị phạt, bị khước từ những lợi ích cá nhân trong cuộc sống,… Do đó, tùy vào hoàn cảnh mà mọi người đều viện đủ các lý do để che đậy tội lỗi của mình.
Quan niệm của phật giáo về sự dối trá
Nói dối là một thói xấu và là một căn bệnh của con người ngày nay. Nói dối cũng chính là sự không trung thực và hành động đó dần sẽ làm cho con người không sống thực với chính bản thân mình, làm mất đi lý trí và sẽ sống trong sự giả dối của chính lương tâm. Nói dối quen miệng sẽ trở thành cái tật rất khó diệt trừ. Nói dối mà người ta biết được thì kể như mình bị cô lập, không còn ai muốn thân cận với mình, nghĩa là sẽ làm cho uy tín mình không còn nữa. Ðối với đạo Phật thì việc nói dối tai hại trên nhiều mặt. Thứ nhất nó ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định xã hội và phá hoại sự ổn định đó. Con người chỉ có thể sống chung với nhau trong một bầu không khí tin cậy lẫn nhau cho nếu mọi người đều nói dối, thì đó là dấu hiệu của xã hội giải thể và tan rã. Thứ hai là trên bình diện cá nhân thì việc nói dối có tác dụng tai hại là phản ứng dây chuyền. Nghĩa là lời nói dối này kéo theo lời nói dối khác còn nghiêm trọng hơn, cho tới khi bản thân mình cũng bị bao bọc bởi tấm màn dối trá do mình tạo ra. Một con người như thế thì sẽ ngày càng tách rời xa đích giải thoát và giác ngộ rồi ngày càng sa đọa vào vòng tội lỗi, khó gỡ ra được.
Nói dối khiến ta đánh mất những gì?
Lời nói là một biểu hiện của tinh thần. Trong lòng ta thế nào thì lời nói bộc lộ ra thế ấy. Ngược lại khi được thể hiện ra rồi thì lời nói lại gieo cấy những hạt giống tốt hoặc xấu vào tâm hồn chúng ta. Vì thế muốn tâm hồn chân thật thì lời nói tất nhiên cũng phải chân thật. Việc nói năng tùy tiện, bừa bãi có những tác hại sâu xa mà chúng ta không thể không quan tâm sửa đổi. Chúng ta có thể dễ dàng đồng ý với nhau về tác hại của những lời nói dối. Hiển nhiên là nó đánh mất đi giá trị tự thân của người nói khiến cho mọi người không còn tin cậy vào anh ta được nữa, ngay cả khi anh ta đã từ bỏ việc nói dối. Vì thế những gì người nói dối đánh mất đi là nhiều hơn những gì họ đạt được. Nhưng không phải ai cũng có thể thấy được tác hại của những lời đùa cợt hoặc khoe khoang, khoác lác… Bởi vì chúng có vẻ như chẳng hại gì đến ai cả. Trong thực tế thì những lời đùa cợt không thật hay những lời khoe khoang vượt quá sự thật chính là tiền thân của những lời nói dối. Rất nhiều người trong chúng ta đã biết qua cảm giác ngượng ngập, lúng túng khi lần đầu tiên nói dối. Người nói đang đứng trước ranh giới giữa sự chân thật và dối trá, và cảm giác này giống như một phản ứng tự nhiên của bản thân để cố ngăn không cho ta rơi vào sự dối trá. Thường thì người nghe rất dễ nhận ra vẻ lúng túng ấy để biết là mình đang bị nói dối. Tuy nhiên, nếu chúng ta lập lại việc nói dối nhiều lần, chúng ta không còn cảm giác lúng túng, ngượng ngập như lần đầu. Và chính những lời đùa cợt hay khoe khoang cũng có tác dụng xói mòn làm mất đi cảm giác ngượng ngập, lúng túng đã ngăn cản không cho ta nói dối. Mặt khác, bản thân người nói không phải bao giờ cũng ý thức rõ được mình đang nói những lời không thật. Nếu ta nhận được sự thán phục hoặc tán đồng từ người khác, dần dần ta sẽ có cảm giác như mình đang nói thật. Nhưng thật ra là ta đang lừa dối chính bản thân mình. Và điều này về lâu dài sẽ khiến cho ta mất khả năng phân biệt rạch ròi giữa sự chân thật và dối trá. Khi nói dối, bạn sẽ cảm thấy lo lắng, áy náy hay nói chung là stress về một vấn đề nào đó. Lúc này cơ thể bạn sẽ sản sinh ra nhiều loại hoóc môn khác nhau như cortisol và norepinephrine. Cortisol sẽ làm giảm thiểu sự sản sinh chất endorphins trong cơ thể, làm tăng lượng đường trong máu và làm suy yếu hệ thống miễn dịch. Chất norepinephrine sẽ kích thích nhịp tim đập nhanh và dẫn đến bệnh cao huyết áp. Bên cạnh đó thì các nhà nghiên cứu khoa học còn cho rằng, những người thường xuyên nói dối thường hay lo âu, suy nhược về thể chất lẫn tinh thần và dễ dẫn đến các chứng bệnh viêm loét, đau đầu, mất ngủ hay paranoia. Như chúng ta đã biết, hệ thống thần kinh của chúng ta có sự liên quan chặt chẽ đến hệ thống miễn dịch trong cơ thể. Cho nên mọi hoạt động, suy nghĩ, ý thức, cảm giác và xúc cảm của chúng ta đều có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bản thân. Nói đơn giản hơn là cơ thể của bạn sẽ hành động theo những gì bạn suy nghĩ.
Nói dối là ngu dốt lớn nhất của mỗi người
Đạo phật bắt nguồn từ 2 chữ nhân duyên từ đó đưa ra được triết lý về cuộc sống. Đúng là trong cuộc sống con người ghét nhất là sự dối trá vì nó là cội nguồn của tội lỗi , khi con người nói dối sẽ mất dần các giá trị của bản thân làm mất lòng tin với những người xung quanh. Dối trá khi muốn bao biện, che giấu một điều gì đó không có lợi cho ta hoặc muốn người khác hiểu nhầm, lạc hướng dẫn đến những hệ quả có lợi cho ta. Chính thế nên thói quen noid dối chính là bạn thân của cái tôi vị kỷ. Càng dối trá thì chắc chắn nghiệp ngày càng nặng, một hành động như đánh người có thể bị lãng quên sau một vài ngày tháng nhưng một câu nói ra có thể để lại dư âm cả ngàn năm sau. Trong kinh điển ghi chép lại đã có không ít người, kể cả các bậc cao tăng chỉ vì một câu nói sai lầm mà bị đọa cả mấy trăm kiếp súc sinh hay địa ngục, thế mới biết khẩu nghiệp nguy hiểm tới chừng nào.Trên phương diện y học thì nói dối hại tim, suy yếu phổi vì luôn ở tâm trạng đối phó bất ổn. Xét về khía cạnh tâm sinh lý thì nói dối bao giờ cũng tạo ra những phản ứng trái ngược trong cùng một chủ thể, khiến con người luôn bí bức vì không thể sáng tạo mãi ra những điều không có thật. Đành rằng cuộc đời là một sân khấu lớn, nhưng không phải tất cả những nhân vật biểu diễn trong vở kịch đều là nghệ sĩ vĩ đại thế nên mới nói đổi vai diễn thì dễ còn nhập vai chính hoặc phụ đạt yêu cầu là cả một khoảng cách.
Thói dối trá là một biểu hiện của sự suy đồi đạo đức và lối sống thiếu trung thực
Quả thật vậy thói dối trá là một biểu hiện sự suy đồi của đạo đức. Dối trá là không trung thực, không thành thật, hành động và lời nói không ăn khớp với nhau. Còn suy đồi về đạo đức là không tuân theo những chuẩn mực của đạo đức xã hội. Ta hiểu được cả câu nói này có nghĩa là khi ta nhiễm phải thói dối trá thì nhân cách đạo đức của chúng ta chắc chắn cũng bị lây nhiễm bởi cái xấu đó và là điều không tốt. Thói dối trá quả là một biểu hiện của sự suy đồi đạo đức bởi vì nó đã làm cho mọi người nhìn nhận không đúng với ý đồ của mình, khiến cho họ làm sai. Đây quả là một hành động sai trái gây hậu quả đáng tiếc và gây ra nhiều tác hại nguy hiểm về mặt đạo đức, làm cho cuộc sống không ổn định mất thăng bằng. Nó còn tạo ra sự căm ghét trong lòng người khác khi biết mình bị lừa dối. Dối trá cũng gây nhiều thiệt hại trong lĩnh vực như kinh tế có vụ việc vinasin đã lừa dối mọi người ăn chặn hàng trăm ngàn tỉ đồng gây thiệt hại to lớn hoặc là vụ việc bệnh viện Đa khoa Hoài Đức đã nhân bản hàng loạt bảng xét nghiệm làm cho bệnh nhân hiểu sai về bệnh của họ gây ra phương pháp chữa bệnh sai khiến cho nhiều bệnh đáng tiếc xảy ra. Có thể thấy thói quen gian dối lường gạt người khác đều xảy ra dưới nhiều hình thức, người có địa vị thì lợi dụng quyền cao chức trọng, người kinh doanh quảng cáo sai sự thật, làm hàng giả, nói chung tất cả vì lòng tham của chính mình mà chúng ta gian dối lừa đảo người khác. Những kẻ dối trá thường có suy nghĩ nông cạn chỉ nghĩ đến lợi ích trước mắt mà không nghĩ hậu quả lâu dài về sau. Vì lợi ích bản thân và gia đình mà họ sẵn sàng làm những việc xấu ác miễn được lợi cho mình thì thôi, còn ai khổ đau mặc kệ. Họ sẽ dần hồi đánh mất hết danh dự và sự nghiệp, cuối cùng phước hết hoạ đến chịu khổ vô cùng. Cho nên chúng ta cần nhận thức rõ về sự nguy hại của việc dối trá và ngay khi còn ở tuổi học trò, mỗi học sinh cần phải rèn luyện nói lời chân thật, trung thực trong khách quan. Trong xã hội việc kinh doanh, cạnh tranh để nâng cao chất lượng sản phẩm nếu không trung thực thật thà thì ta sẽ quảng cáo sai sự thật để thu hút khách hàng. Trong quyền lực họ vẫn thường lợi dụng lòng tin của mọi người để trục lợi cá nhân, lừa đảo kiếm tiền hay tham nhũng, che giấu tội ác trước pháp luật bằng cách dối trá.
Sự thật luôn mang những giá trị cao đẹp
Trong thực tế của cuộc sống ít ai dám nói sự thật, phô bày sự thật cho nên sự thật dù có xấu đến mấy nhưng nó vẫn đẹp hơn sự dối trá. Chúng ta phải biết rằng Không có gì đẹp và cao thượng bằng sự thật. Có những sự thật mà chỉ khi nào con người ta đủ lớn khôn và có sự hiểu biết chân chính nhờ biết nghiệm xét và tư duy thì mới hiểu hết được giá trị thật của nó. Vì cuộc đời không chỉ có màu hồng mà lúc nào bên cạnh nó vẫn có những màu đen đan xen lẫn nhau. Người có học thức cao càng khéo léo che giấu, bưng bít những sự thật không được trong sáng, lành mạnh vì ai cũng thích được khen hơn là bị chê. Dối trá có nghĩa là lừa lọc người dưới nhiều hình thức nhằm mục đích lường gạt. Và con người ta vì lòng tham nên dễ bị người khác gạ gẫm, dụ dỗ bằng lời ngon tiếng ngọt nhằm biến họ trở thành nạn nhân bị lừa đảo. Ngược lại với sự dối trá chính là những lời nói chân thật phát xuất từ đáy lòng chứ không phải là lời nói đầu môi chót lưỡi để lợi dụng người khác hay những lời tâng bốc để làm cho đối phương thích mà hàm chứa dụng ý bên trong. Con người khi biết nói sự thật sẽ giúp bản thân được an vui, bình yên trong tâm hồn mình.
Nguyên nhân phát sinh ra thói dối trá bắt nguồn từ sự tha hóa, biến chất, ích kỉ, tham lam và nó còn là những nhận thức lệch lạc về quan điểm sống của con người. Do ý muốn tiến thân quá lớn mà con người đã sử dụng những lời nói dối để tiến thân. Vì vậy mà ta cần phải có những biện pháp ngăn chặn ngay từ trong gia đình, nhà trường phải tôn trọng và ngăn chặn những việc suy thoái về đạo đức ngay từ khi mới bắt đầu và chính bản thân mọi người cũng phải ý thức được việc hôm nay ta có thể nói dối nhưng không thể nói dối mãi mãi được. Thói dối trá rất nguy hại vì nó gây rối loạn kỷ cương xã hội. Vì thế mỗi người phải chung tay ngăn chặn nó để trả lại giá trị đích thực của đạo đức, tài năng vì đây là những giá trị truyền thống vốn được xã hội coi trọng và tôn vinh. Mỗi người cần nhận thức rõ về sự nguy hại của thói dối trá để tránh mắc phải. Bên cạnh đó nên thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện tư tưởng, đạo đức để trở thành người tử tế có ích cho gia đình và xã hội. Và phải nhớ trước hết, hãy trung thực với chính bản thân mình.
Diệu Hoa