Cần phải nhớ rằng những điều thầm kín trong tâm ý của mình, chư Phật, Bồ tát, chư Thiên, Hộ pháp và ma quỷ đều biết rõ. Do đó, để nhận được sự hộ niệm của chư vị, người tu cần phải tịnh hóa tư duy của mình bằng sự hổ thẹn, tự trách và đưa tâm về quỹ đạo tư duy chân chính.
Một thời, một Tỷ kheo trú giữa dân chúng Kosala, tại một khu rừng.
Lúc bấy giờ, Tỷ kheo ấy, khi đang nghĩ ban ngày, khởi lên những tư duy ác, bất thiện như dục tư duy, sân tư duy và hại tư duy.
Rồi vị Thiên trú ở khu rừng ấy, vì lòng thương xót, vì muốn lợi ích, muốn cảnh giác liền đi đến nói lên bài kệ cho Tỷ kheo:
“Ông tác ý bất chánh
Nên say đắm tư duy
Hãy từ bỏ bất chánh
Hãy tư duy chơn chánh.
Nương tựa Phật Pháp Tăng
Giữ giới, không thối chuyển
Ông chắc chắn chứng đạt
Hân hoan và hỷ lạc’
Với hân hoan sung mãn
Ông chấm dứt khổ đau”.
Tỷ kheo ấy, sau khi được vị Thiên cảnh giác, tâm hết sức xúc động.
(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ I, chương 9, phần Bất chánh tư duy, VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.446)
Suy nghiệm:
Khi phát tâm tu học, điều quan trọng là nguyện chuyển hóa và thăng hoa ba nghiệp thân khẩu ý. Đoan chính trong lời nói và hành động vốn đã khó nhưng chính trực trong tư duy, suy niệm lại càng khó hơn. Tuy tâm ý khó làm chủ nhưng không thể buông xuôi, bởi tư duy chân chính sẽ là nền tảng cho lời nói và hành động đúng đắn.
Điều thú vị là lời nói và hành động của ta, người khác có thể quan sát, đánh giá và bình phẩm nhưng tâm ý của mình thì chỉ tự mình biết lấy mà thôi. Ngoại trừ Phật, Bồ tát, chư Thiên và bản thân, không ai biết mình đang nghĩ gì. Dù suy tư là điều “chỉ mình ta với ta” nhưng vẫn tạo nghiệp, ý nghiệp. Khi tư duy không chính trực, tà vạy thì tham sân si, ba nghiệp ác về ý dấy khởi, làm vẩn đục đời sống tịnh nghiệp.
Để giữ gìn tâm ý ngay thẳng và thánh thiện, người con Phật luôn hướng đến Chánh tư duy. Luôn suy tư về điều thiện để làm lợi ích cho mình và người, hằng tư duy về Chánh pháp, công hạnh của Phật, Bồ tát và các vị Cao tăng để noi theo.
Ngoài ra, cần phải nhớ rằng tất cả những điều thầm kín trong tâm ý của mình, chư Phật, Bồ tát, chư Thiên, Hộ pháp và ma quỷ đều biết rõ. Do đó, để nhận được sự hộ niệm của chư vị, người tu cần phải tịnh hóa tư duy của mình bằng sự hổ thẹn, tự trách và đưa tâm về quỹ đạo tư duy chân chính.
Khi tư duy đạt đến sự trong sáng, thuần thiện, tâm ý sẽ thanh tịnh. Sự suy niệm sâu sắc, đúng đắn sẽ định hướng cho lời nói và việc làm hợp với điều thiện. Ngược lại, những tư duy tà vạy, bất chính hướng về tham vọng, làm hại sẽ dẫn dắt con người đi vào đường ác. Vì thế, cần phải tự uốn nắn, điều chỉnh bản thân bắt đầu từ nền tảng tư duy chân chính.
Quảng Tánh