Giáo dục Phật giáo là nền tảng cho mọi hoạt động hoằng pháp của tăng ni, tri thức giúp họ gặt hái được nhiều thành tựu to lớn trong sự nghiệp truyền thừa mạng mạch phật pháp.
Lời mở đầu
Lịch sử Việt Nam được hình thành và phát triển trên hai nghìn năm văn hiến, Phật giáo Việt Nam luôn là bạn đồng hành, gắn bó cùng với lịch sử dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước cho đến ngày được hoà bình thống nhất.
Từ thời Lý – Trần, Phật giáo Đại Việt đã thực sự từng bước đi vào chiều sâu và hiện đại về giáo lý bằng những bản kinh Đại thừa như Pháp Hoa, Kim Cang,… cùng với tinh thần hướng thượng về một Phật quốc trong lòng dân tộc, các vua tôi đã ứng dụng tinh hoa Phật giáo làm lợi ích tu tập, lợi ích cho cộng đồng dân tộc, tạo nên một quốc gia yên bình và thịnh trị suốt một thời gian dài của lịch sử đất nước.
Các Ngài là những bậc long tượng đã không quản ngại khó khăn, đóng góp vào sự nghiệp hoằng dương chính pháp bằng những tinh hoa của giáo lý Phật Đà, cùng với chư lịch đại tổ sư truyền thụ những tinh hoa Phật giáo làm nền tảng cho sự nghiệp giáo dục với bao lớp tăng, ni, phật tử thể hiện tinh thần “Truyền đăng tục diệm, tiếp nối sự nghiệp Phật lai báo đền ơn chư Phật”.
Nội dung
Trải qua bao thăng trầm lịch sử vào những năm đầu thế kỷ XX, cùng với tinh thần chấn hưng Phật giáo nhiều nơi trên thế giới, các chư tăng thạc đức cùng với các nhà tri thức ở miền Nam đã tỏ rõ trách nhiệm của mình đối với đạo pháp và dân tộc. Các ngài cùng với hàng huynh đệ của của mình bằng nhiều kế sách để chấn hưng lại nền Phật giáo nước nhà vốn bị suy vi bởi mê tín dị đoan, tư tưởng lạc hậu,…và nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan liên quan đến tình hình chính trị kinh tế của đất nước.
Bằng nhiều hoạt động giáo dục Phật giáo như mở trường, mở lớp, in bài, viết sách,…trùng tu xây dựng chùa chiền, tổ chức các hội đoàn, gia đình phật tử, khám chữa bệnh,…; Hoà thượng Khánh Anh, Hoà thượng Thiện Hòa, Hòa thượng Thiện Hoa,… ở miền Nam, ở miền Bắc có Hoà thượng Thanh Hanh,… Ở Huế có Hoà thượng Giác Tiên, Hòa thượng Phước Huệ,… đã liên kết Phật giáo ba miền, tạo thành một hệ thống đào tạo giáo dục Phật giáo cho tăng, ni, phật tử từng bước hiện đại, duy trì mạng mạch phật pháp cho toàn dân tộc.
Việc thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, là niềm vui lớn cho sự hòa hợp Tăng già 3 miền được trở về tụ họp trong ngôi nhà chung Phật giáo Việt Nam, để tìm tiếng nói chung trong việc xây dựng đội ngũ tăng sự vững mạnh, tạo nên những đội ngũ tăng, ni đủ sức kế thừa và gánh vác sự nghiệp hoằng dương chính pháp, giúp cho hệ thống hoằng pháp được phát huy mạnh mẽ, tạo điều kiện cho tín đồ cũng như các tôn giáo khác được chung sống hòa bình trong ngôi nhà chung của dân tộc.
Bên cạnh đó, sự hình thành Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất giúp cho chư tăng có được không gian hoạt động rộng lớn và hợp pháp đối với các cấp chính quyền quân sự thời bấy giờ.
Việc thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, góp phần làm cầu nối hòa bình với các quốc gia trên thế giới, các chư tăng Phật giáo miền Nam đồng hành tham dự các cuộc hội thảo với các nhà chính trị, các tôn giáo trên thế giới tại Hán Thành như: Đại hội đệ nhị quốc tế – Đại hội các viện trưởng Đại học được tổ chức vào ngày 17 -06 đến hết ngày 20 -6 -1968, với sự tham dự của các viện trưởng viện Đại học tại 34 quốc gia Đông Tây như Agontino, Ba Tây, Bỉ, Hoà Lan,… Ngoài ra còn có các Tổng trưởng, giáo sư, văn sĩ Lâm Ngữ Đường, Rone Dumont thuộc giáo sư Đại học Ba Lô, Thanat Khoman ngoại trưởng Thái Lan,… Tại Đại hội này hoà thượng Thích Minh Châu thuyết trình đề tài: Làm thế nào để dung hợp văn hoá Đông Tây trong việc phụng sự hoà bình chân chính.[1]
Ở các tỉnh miền Tây và miền Đông Nam bộ, Hòa thượng Khánh Anh, Hoà thượng Thiện Hòa, Hòa thượng Thiện Hoa, Hòa thượng Minh Châu, Hòa thượng Huyền Vi,… Các ngài vừa nghiên cứu kinh tạng, vừa giảng dạy, vừa dịch thuật, mở trường, mở lớp, với niềm mong mỏi xây dựng ngôi nhà Phật giáo miền Nam nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng ngày càng phát triển hưng thịnh với phương châm “Phật pháp hưng thịnh do tăng già hoà hợp, thiền môn hưng thịnh là do tứ chúng đồng tu”, và đạt dược nhiều thành tựu đáng khích lệ cho sự nghiệp duy trì và phát triển mạng mạch Phật giáo. Nên công việc đào tạo tăng tài và hoạt động hoằng pháp lợi sinh luôn được phát huy mạnh mẽ, nhằm nâng cao hệ thống giáo dục Phật giáo miền Nam phù hợp với hoàn cảnh đất nước thời bấy giờ.
Cùng với sự dấn thân của nhiều vị cao tăng thạc đức và hàng tri thức như Chánh Trí Mai thọ Truyền, Lê Mạnh Thát,… đã đóng góp vào sự nghiệp kế thừa “Truyền đăng tục diệm”, các ngài nỗ lực duy trì để Phật giáo Việt Nam luôn là tôn giáo chính của người Việt suốt nhiều ngàn năm lịch sử.
Giáo dục Phật giáo thời bấy giờ là một liều thuốc vô cùng quý báu mà chư lịch đại tổ sư đã ban cho người dân miền Nam được thừa tư công đức nơi Hoà thượng Quảng Đức, Hoà thượng Thiện Hoa, Hoà thượng Minh Châu,… các ngài đã gầy dựng nên những ngôi tùng lâm làm nơi nương tựa và tấn phát trí tuệ cho hàng đệ tử hậu học như Phật học đường Nam Việt, Viện Đại học Vạn Hạnh, trường Bồ Đề, chùa Xá Lợi,… tiếp bước cho tiến trình “Đạo pháp luôn dồng hành cùng với lịch sử dân tộc”.
Từ những giá trị của các hoạt động của các chư vị lãnh đạo Phật giáo, Phật giáo miền Nam có được sự ủng hộ to lớn từ những nhà hảo tâm như bà Nguyễn Thị Hiên (1763 – 1821), pháp danh Liễu Đạo hiến đất xây chùa Huê Nghiêm ở Thủ Đức,… Đây là điều kiện tất yếu để mọi thành phần trong xã hội chung tay xây dựng đất nước Việt Nam được yên bình thịnh trị.
Công tác giáo dục Phật giáo chính là truyền bá chính pháp, chấn hưng nền Phật giáo nước nhà vốn bị manh mún do chiến tranh và thay đổi cơ cấu để tập hợp các tổ chức Phật giáo như: Giáo hội Tăng già Trung phần, Giáo hội Tăng già Nam Việt, Giáo hội Tăng già Nguyên Thủy, Hội Phật học Nam Việt,…thành một tổ chức Phật giáo thống nhất nhằm đáp ứng sức mạnh hoằng pháp phù hợp với hoàn cảnh của đất nước trong giai đoạn bị phân hóa về chính trị, tôn giáo, tư tưởng,…
Sự đoàn kết của chư tăng thạc đức thời bấy giờ thể hiện tinh thần “đạo pháp luôn đồng hành cùng với dân tộc”, đã tạo cho tăng, ni và phật tử có được nương tựa nơi chính pháp, và giáo dục Phật giáo chính là món ăn tinh thần của người dân miền Nam, giúp họ vượt qua những biến cố về hoàn cảnh sống của xã hội đương thời.
Về mặt tư tưởng và triết lý thì mục đích giáo dục của Phật giáo là nhằm giúp con người đạt đến cứu cánh giác ngộ giải thoát. Còn về mặt giáo dục đạo đức xã hội thì Phật giáo luôn quan tâm đến đời sống nhân loại, giúp cho con người hoàn thiện nhân cách sống, bao gồm đạo đức và trí tuệ, thông qua đó thế giới giảm bớt chiến tranh đau khổ, tiến đến một thế giới hòa bình hạnh phúc; nền giáo dục Phật giáo còn giúp con người cải thiện hệ sinh thái môi trường nhờ nuôi dưỡng lòng từ bi và nhận thức lý duyên sinh một cách sâu sắc, khi con người được sống trong tâm thái thoải mái an vui hạnh phúc, nhân đó tùy theo nhân duyên của từng hoàn cảnh, họ có thể hướng đến nấc thang cao hơn, đó là hành trình dấn thân vào sự nghiệp tu hành giải thoát.[2]
Trong những năm đất nước còn nhiều khó khăn về chính trị và kinh tế nhưng các bậc tôn túc trong Giáo hội nỗ lực mở trường, mở lớp chấn hưng lại nền Phật giáo miền Nam phát triển hưng thịnh.
Để tránh sự suy thoái trong tăng đoàn bởi các sự xung đột tiềm ẩn do lợi dục của thế gian, trên nền tảng Văn – Tư – Tu để kiện toàn Giới – Định – Tuệ. Khuyến khích tăng, ni đã từng công tác giảng dạy hoặc các học viên ra trường ở Phật học đường Nam Việt, mở ra các trường Phật học khác để tăng, ni kế thừa “Truyền đăng tục diêm, tiếp dẫn hậu lai báo đền ơn Phật” như Phật học đường Huệ Nghiêm do Hòa thượng Thanh Từ và Hòa thượng Bửu Huệ phụ trách.
Trước đó Hòa thượng Thanh Từ từng làm giám đốc ở Phật học đường Phước Hòa ở Trà Vinh, thiền sư Hành Trụ làm giám đốc Phật học đường Giác Nguyên ở Phú Yên và còn nhiều nơi khác như tại chùa Bình An ở Long Xuyên, trường Phước Hòa ở Vĩnh Bình, trường Giác Sanh ở Phú Thọ,…ngoài ra còn có các chư Ni cũng mở lớp như Ni sư Như Chí mở lớp học Ni ở chùa Từ Quang Sa Đéc và nhiều Ni viện khác được thành lập phục vụ cho công tác giảng dạy Phật học ở khắp miền Nam thời bấy giờ. Tất cả nhằm nâng cao sức mạnh của giáo dục Phật giáo, giúp cho mọi nhân sinh áp dụng những lời dạy của đức Phật vào công phu tu tập, nhằm chuyển hóa những tập khí phiền não tham sân và si trở về với chính hạnh, tương tác với gia đình và các tổ chức cộng đồng thấm nhuần phật pháp.
Sự ra đời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đánh dấu bước phát triển mới của Phật giáo miền Nam Việt Nam trong công cuộc hoằng dương chính pháp và phục vụ dân tộc, đáp ứng “ước vọng thống nhất Phật giáo từng được giới Phật giáo đồ ôm ấp từ gần 50 năm nay đã dược thực hiện. Những tập đoàn trong Tổng hội Phật giáo Việt Nam kể từ đây được thực sự xoá bỏ. Trụ sở Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đặt tại Việt Nam Quốc tự, sau chuyển về chùa Ấn Quang. Sự thống nhất này đã tạo điều kiện thuận lợi để Phật giáo miền Nam có thêm thế và lực, cùng nhân dân Việt Nam tiếp tục đấu tranh đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến ngày thắng lợi.[3]
Sau ngày đất nước được hoàn toàn thống nhất, đại hội Phật giáo toàn quốc được tổ chức tháng 11 – 1981, chứng minh cho sự hợp nhất thành một khối thống nhất GHPGVN với đầy đủ các chứng nhân pháp lý cho các chương trình nghị sự, hệ thống phân ban được hình thành phù hợp với hoàn cảnh trong nước và quốc tế đang còn nhiều biến động.
Với sự lãnh đạo của nhiều bậc cao tăng thạc đức, chùa chiền được trùng tu, khai sơn tạo tự, góp phần hoàn thiện phương tiện cơ sở vật chất thuận tiện cho việc hoằng pháp lợi sinh, tạo điều kiện cho công tác giảng dạy và nâng cao trình độ tri thức giáo lý cho tăng, ni, phật tử góp phần làm cho nguồn mạch Phật giáo Việt Nam luôn được duy trì và đáp ứng thực tiễn hoàn cảnh của xã hội.
Qua đó chư tăng là người đại diện cho Phật giáo Việt Nam dễ dàng kết nối thiện duyên với mọi thành phần trong xã hội, cũng như các tổ chức quốc tế chung tay vì một thế giới hòa bình thịnh vượng.
Sau mỗi kỳ đại hội Phật giáo được tổ chức từ trung ương đến địa phương, tinh thần nhập thế của Phật giáo ngày càng được kiện toàn phù hợp với hoàn cảnh phát triển của đất nước Những hoạt động giáo dục Phật giáo do các chư tăng, ni tổ chức đã thể hiện tinh thần dấn thân với nhiều hoạt động hoằng pháp ở những vùng sâu, vùng xa hẻo lánh như Đắc Lắc, Đắc Nông, Bình Phước, Định Quán, Lâm Đồng,… Sau này nhiều ngôi chùa được khai sơn ở những vùng đất này trở thành những đạo tràng sinh hoạt chung cho phật tử. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động từ thiện dành cho người nghèo hay trẻ em nghèo hiếu học,… cũng được tăng, ni quan tâm giúp đỡ họ vượt qua khó khăn thử thách.
Giáo dục Phật giáo trở thành phương tiện không thể thiếu của người tu sĩ đối với sự nghiệp hoằng pháp, nên vai trò và trách nhiệm của người con Phật là nhiệm vụ vô cùng khó khăn vất vả, như tháo bớt những hủ tục mê tín dị đoan thay thế bằng các hình thức văn hóa Phật giáo đa dạng và thiết thực hơn đối với đời sống sinh hoạt cộng đồng xã hội, nhằm truyền tải những pháp âm thực tế bằng chính pháp do các tăng, ni là những người có thực học, thực tu đảm nhiệm.
Từ những việc làm thiết thực trên, các lễ hội Phật giáo ở vùng sâu, vùng xa dễ dàng thích ứng với người dân và nhận được sự đồng hành của nhiều phía cộng đồng xã hội, giúp cho đời sống sinh hoạt văn hóa của người dân ngày càng được yên bình và hạnh phúc trong ánh hào quang của chư Phật, cũng như chung tay cùng với Giáo hội Phật giáo Việt Nam đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng một tôn giáo vững mạnh góp phần bảo vệ đất nước trong thời đại mới.
Vì thế, tăng ni, phật tử khi được giáo dục Phật giáo cần thể hiện tính từ bi và trí tuệ trong việc xả thân hoằng pháp lợi sinh, mà không mong cầu danh lợi trên mọi phương diện đều mang lại tiếng vang rất lớn trong cộng đồng xã hội, giúp cho Phật giáo trở thành huyết mạch gắn liền với xã hội, gắn liền với lịch sử dân tộc trong hoàn cảnh đất nước ngày càng ảnh hưởng sâu rộng và đi vào hội nhập với các nước trên thế giới.
Bằng những hành động thiết thực của tăng, ni và Giáo hội Phật giáo trong việc phụng sự người dân trong nước và quốc tế, sẽ mang lại kết quả khích lệ của sự hội nhập sâu rộng do Phật giáo chung tay đóng góp, đất nước Việt Nam sẽ đạt được hoà bình và ổn định lâu dài cho dân tộc.
Kết luận
Phật giáo Việt Nam thời hiện đại đã trải qua một chặng đường dài từ những năm đầu của thế kỷ XX đến nay với nhiều khó khăn và thử thách, Giáo dục Phật giáo là nền tảng cho mọi hoạt động hoằng pháp của tăng, ni, tri thức giúp họ gặt hái được nhiều thành tựu to lớn trong sự nghiệp truyền thừa mạng mạch phật pháp. Cho nên sự tồn tại và phát triển của Phật giáo Việt Nam dù ở bất cứ giai đoạn thăng trầm của đất nước đều chứng minh “Phật giáo luôn đồng hành cùng với dân tộc”. Theo như lời của TT. TS. Thích Phước Đạt trong tác phẩm Văn hoá Phật giáo Việt Nam tiếp biến và hội nhập: Phật giáo đã nghiễm nhiên trở thành một tôn giáo có tầm ảnh hưởng lớn đối với dân tộc Việt Nam. Một đạo Phật có nếp sống đạo không chỉ giáo dục tự thân đối với từng cá nhân, gia đình, xã hội mà còn có thể xem như là một học thuyết chính trị giúp dân tộc Việt chống lại bất cứ kẻ thù nào đến xâm lược nhằm bảo vệ chủ quyền độc lập trọn vẹn biên cương lãnh thổ, cũng là bảo tông bản sắc văn hoá dân tộc để xây dựng nên một quốc gia hưng thịnh, mọi người dân được chung sống hoà bình an lạc. [4. Tr. 219]
Tác giả: Ngô Võ Đức Hải (PD: Thích Đạt Ma Hồng Đăng)
Học viên Thạc sĩ Phật học khóa V, Học viện PGVN tại Tp.HCM
Link bài viết gốc: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/qua-trinh-phat-trien-giao-duc-phat-giao-mien-nam-1954-1981.html
Tài liệu tham khảo:
1. Sài Gòn (VTX) 23 – 6 – 1968. Viện trưởng Đại học Vạn Hạnh dự tham đự Đại hội tại Hán Thành. Bản sao Trung tâm lưu trữ Quốc Gia II. 2. Thích Nhật Từ. Hội thảo GDPG - Bản chất – Phương pháp và Giá trị. Tr 2. NXB Hồng Đức. 2019. 3. Lê Cung – Lê Thành Nam. Tính tất yếu của sự thành lập GHPGVN. Hội thảo GHPGVN và vai trò hộ quốc an dân. Tr 76. NXB Tôn giáo. 2021 4. Thích Phước Đạt. Văn hoá Phật giáo Việt Nam tiếp biến và hội nhập. NXB Khoa học xã hội. 2022. 5. Nguyễn Lang. Việt Nam Phật giáo sử luận. Nxb Phương Đông.
Chú thích:
[1] Sài Gòn (VTX) 23 – 6 – 1968. Viện trưởng Đại học Vạn Hạnh dự tham đự Đại hội tại Hán Thành. Bản sao Trung tâm lưu trữ Quốc Gia II.
[2] Thích Nhật Từ. Hội thảo GDPG – Bản chất – Phương pháp và Giá trị. Tr 2. NXB Hồng Đức. 2019.
[3] Lê Cung – Lê Thành Nam. Tính tất yếu của sự thành lập GHPGVN. Hội thảo GHPGVN và vai trò hộ quốc an dân. NXB Tôn giáo. 2021