Người làm cha mẹ cần ghi nhớ: Dạy bảo con trẻ, cũng là quá trình giáo dục lại chính mình. Hãy để quá trình này giúp chúng ta trở thành phiên bản tốt đẹp hơn, mỗi ngày!
1. Nỗ lực học hành.
Học hành tuy vất vả nhưng đây là con đường dẫn đến thành công an toàn và vững chãi nhất. Cuộc đời mỗi người không chỉ có ăn ngon mặc đẹp, mà còn nhiều lý tưởng, sứ mệnh cần thực hiện. Cha mẹ chỉ có thể giúp con một đoạn đường, phần còn lại phải để chúng tự lập. Việc dụng công học tập khiến trẻ dần lớn lên, có thêm nhiều cơ hội và tầm nhìn rộng mở. Sau này dù chọn hướng đi nào, con cũng không hối hận vì lúc nhỏ đã không cố gắng học hành.
2. Chịu khó lao động.
Giáo dục lao động không thể tách rời với giáo dục gia đình, và làm việc nhà là phương cách giáo dục gia đình tốt nhất. Đứa trẻ thường làm việc nhà, chỉ số tâm lý và hạnh phúc sẽ luôn ổn định, việc học hành cũng chịu khó và chăm chỉ hơn. Đây cũng là cách rèn cho con tính độc lập và tinh thần trách nhiệm sau này.
3. Lắng nghe lời phê bình.
Khi trẻ con làm điều sai trái, nhất định phải biết cách phê bình, giúp con nhận thấy sai lầm, và rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân. Việc phê bình cần có chút nghệ thuật, mục tiêu không chỉ nhận lỗi mà quan trọng hơn, chính là sửa lỗi. Không gây áp lực tổn thương mà hướng đến sự nâng đỡ, giúp con trưởng thành. Cần cho trẻ cơ hội giải thích, nhưng tuyệt đối không thỏa hiệp, không phá vỡ những quy định đã đặt ra.
Khi phê bình con trẻ, cần chú ý mấy điểm: Không phê bình khi con ăn cơm, tránh ảnh hưởng đến chế độ dinh dưỡng. Không phê bình lúc con chuẩn bị ngủ, tránh ảnh hưởng đến phát triển chiều cao. Không phê bình trước mặt nhiều người, tránh tổn thương lòng tự tôn của trẻ. Phê bình xong, con đã biết sửa đổi thì đừng bao giờ nhắc lại nữa.
4. Chấp nhận sự phân ly
Trên đời, tất cả mọi yêu thương đều hướng đến mục tiêu hội họp, duy chỉ tình thương của cha mẹ là hướng đến sự phân ly, tách rời. Một nhà tâm lý từng phát biểu: “Tình yêu của cha mẹ dành cho con cái chân chính và tốt đẹp nhất, là giúp con sớm trở thành một cá thể độc lập, có thể tách khỏi cuộc sống của người sinh ra chúng.
Việc phân ly này đến càng sớm, đứa con sẽ càng thành công”. Sự trưởng thành của một đứa trẻ là quá trình của những cuộc hội họp và chia ly. Quá trình này bắt đầu khi con rời xa vòng tay người mẹ và căn phòng trẻ thơ để đến trường mẫu giáo, rồi thay đổi lớp học, chia tay bạn bè, sau cùng là vĩnh biệt người thân… Những điều này khiến ta không nỡ, cảm thấy xót xa, nhưng chúng sẽ giúp các con học cách trân trọng, kiên cường và độc lập hơn trong cuộc sống của mình.
5. Đối diện với thất bại
Trong chúng ta, ai cũng phải gặp ít nhiều trắc trở, chẳng người nào là thành công trọn đời. Nên tập cho con trẻ xem thất bại là việc rất bình thường, cần vượt qua càng sớm càng tốt. Một đứa trẻ, nếu chỉ vì một lần thi hỏng mà phủ định năng lực bản thân, chỉ một cuộc thua trong trận đấu mà cảm thấy mình tồi tệ, nuôi trái tim thủy tinh như thế thì không thể đứng vững giữa cuộc đời này.
Vì cuộc sống giống cuộc chạy marathon vậy. Bạn không nhất thiết phải là người chạy ở hàng đầu tiên, vì cục diện đó vốn rất ngắn ngủi, mà hãy là kẻ mỉm cười đến phút cuối cùng khi về đích. Nhớ dặn con: Khi cảm thấy quá khó khăn, con hãy tin rằng đây là lúc mình đang ở gần thành công nhất. Khi thất bại và cảm thấy khó chịu, hãy tin rằng nếu đứng dậy càng sớm, sẽ càng có cơ hội thay đổi hơn.
6. Trả giá cho việc không tuân thủ quy tắc
Chúng ta cần thống nhất: Nuông chiều con trẻ quá đà không phải thương, mà chính là hại! Tục ngữ có câu: Không có quy tắc thì không thể vuông tròn. Trẻ em phạm lỗi cũng phải nhận những hình phạt tương ứng.
Đừng bao giờ viện lý do “còn nhỏ chưa biết gì” để nhắm mắt làm ngơ trước những hành vi vô giáo dục của con trẻ. Một đứa trẻ được nuông chiều quá đà, thời gian lâu sẽ thành kẻ tự tư tự lợi, thích gì làm nấy, cốt hài lòng bản thân mà không chút quan tâm cảm nhận buồn vui của người khác. Hậu quả của tính cách đó, người gánh chịu đầu tiên chính là cha mẹ và những người thân cận. Một khi báo ứng đến, có khóc than cũng đã quá muộn màng!
Sư cô Suối Thông