Ghi chép truyền thừa về Ni giới ở ta thời xưa, cách ghi chép ngắn gọn, thường ghi các đời trụ trì một ngôi chùa. Nhiều vị thiền tổ Ni, chỉ nhắc đến tên, hoặc cho vài thông tin như tộc tính, quê quán. 

Chùa Thổ Khối (Sùng Phúc thiền tự), ngôi chùa do phái Ni trụ trì từ xưa cho đến ngày nay

Nguồn sử liệu

Trước hết, xin giới thiệu Thiền môn tu trì kinh chú luật nghi do Hòa thượng Phúc Điền (1784-1863) biên soạn và được khắc bản năm Giáp Thìn (1844) niên hiệu Thiệu Trị thứ tư1. Đây là bộ Nhật tụng tam khóa (sáng, trưa và chiều), tăng bổ khóa trưa. Gần cuối sách có phần “Bản quốc chư Tổ kế đăng” chiếm 6 tờ nằm ở tờ 109 đến tờ 114. Chưa rõ lý do gì Hòa thượng lại đưa phần ghi chép truyền thừa hai phái Lâm Tế, Tào Động vào tập sách. Có một số tiểu đoạn ghi chép về truyền thừa Ni phái, tập trung chủ yếu ở tờ 114a. Đây là phần ghi chép sơ lược, là cơ sở ban đầu để hình thành nên tập Thiền uyển truyền đăng lục, quyển hạ.

Thiền uyển truyền đăng lục là một bộ sách gồm 5 quyển do Hòa thượng Phúc Điền dựa trên các Thiền sử để biên soạn. Bài tựa “San khắc truyền đăng thủ trần gia bản” nằm ở đầu sách Kế đăng lục2 cho biết, bốn quyển đầu thì soạn giả lấy hai sách Thiền uyển tập anh, Kế đăng lục (ba quyển: nhất, tả và hữu) để in lại, quyển hạ do chính ngài biên tập. Trong tủ sách của chúng tôi có hai quyển thượng, hạ sách Thiền uyển truyền đăng lục. Quyển hạ, nội dung có 65 tờ và 8 tờ phương danh công đức. Tờ đầu, mặt a bị sờn, hư một số chỗ ở phần trên và dưới, được bồi hồ để giữ gìn3. Kết cấu sách được phân chia như sau: 10 tờ đầu, soạn giả ghi chép các sử liệu về Tứ pháp, sơ khởi thiền học Đại Nam, danh đức triều Trần, hình ảnh và hành trạng ba vị Tổ sư phái Trúc Lâm Yên Tử. Tờ 11 đến tờ 43 ghi chép truyền thừa các chùa ở các tỉnh Hà Nội, Sơn Tây, Bắc Ninh, Hải Dương, chú trọng Thiền phái Lâm Tế. Tờ 43b đến tờ 51 ghi chép sự ủng hộ của vua, quan triều Nguyễn đối với Phật giáo, cũng như danh sách các chùa ở kinh đô cùng các tỉnh thuộc miền Trung, miền Nam. Phần sau là bài văn Nôm Thượng đường, các bài dịch Nôm và giải thích các thuật ngữ Tam giáo.

Trong bài nghiên cứu này, chúng tôi chú trọng phần ghi chép của Hòa thượng Phúc Điền về Ni giới phái Lâm Tế nằm từ tờ 42a5 đến tờ 43b1, chiếm hơn 1 tờ rưỡi, tương đương với 3 trang. Phần này nằm phía sau phần ghi chép truyền thừa chùa Hoằng Ân (tức chùa Quảng Bá, Hà Nội), nằm phía trước mục “cung lục” ghi chép các vua quan triều Nguyễn ủng hộ Phật giáo. Đây là nguồn tư liệu chính để khảo về phái Ni, ghi chép truyền thừa các chùa thuộc tỉnh Hà Nội xưa, giới thiệu những vị Ni ở các tỉnh Bắc Ninh, Nam Định, Sơn Tây và Hưng Hóa. Hòa thượng Phúc Điền viết phái Ni không nhiều, nhưng đối với tư liệu Hán Nôm, những ghi chép sơ lược vẫn là nguồn tư liệu quý hiếm.

Chúng tôi sử dụng thêm tư liệu văn khắc, nhất là văn bia các chùa, đôi khi còn dùng văn chung liên quan đến các vị trụ trì thuộc Ni phái. Văn bia, văn chung thường bổ sung sử liệu về hành trạng. Các ấn bản khắc in kinh sách thực hiện từ triều Cảnh Thịnh nhà Tây Sơn đến triều Nguyễn cũng được sử dụng tham khảo. Các vị Tỳ-kheo-ni, Sa-di-ni xuất hiện trong phần pháp cúng ở cuối kinh. Ghi chép đạo hiệu, ngôi chùa sở tại cùng số tiền đóng góp. Đôi khi một số bản in có tựa, bạt giới thuyết sơ lược về vị khắc bản thuộc Ni giới. Trong đó, phần cung tiến Tôn sư cũng được chú trọng, nhằm biết được vị thầy của vị Tỳ-kheo-ni đó, cơ sở để lập sơ đồ phổ hệ.

Chúng tôi còn sử dụng các Cúng tổ khoa, Cúng Tôn sư khoa tại các chùa. Mảng tư liệu này có số lượng lớn, nhưng chỉ mới tìm được một số khoa tại chùa Tam Huyền, Mộc Quan Nhân, Bồ Đề, Triệu Khánh. Đáng chú ý Thỉnh tôn sư khoa tức khoa cúng cho Tỳ-kheo-ni Diệu Chấn, bản gốc lưu tại chùa Triệu Khánh. Học giả Lê Quốc Việt nhã ý cung cấp phỏng ảnh. Nhân đây, xin tri ân.

Đó là những nguồn tư liệu chính để khảo về sự truyền thừa phái Ni dòng Lâm Tế tại Hà Nội. Bước đầu, chỉ sơ khảo truyền thừa là chính, giới thiệu một số chùa Ni xưa. Tất cả nằm trong khung thế kỷ XIX, dưới triều Nguyễn trị vì.

Phái Ni trong Thiền uyển truyền đăng lục, quyển hạ

Xin trích dịch đoạn có liên quan như sau: “Hà Nội, chùa Liên Tôn, phái Ni Lâm Tế, Đại Tỳ-kheo-ni Thiện Quang Diệu Nhẫn Tổ sư khai sơn chùa Phúc Thung, xã Nam Dư. Truyền xuống đời thứ 2 Đại Tỳ-kheo-ni Diệu Trinh, truyền xuống đời thứ 3 Đại Tỳ-kheo-ni Diệu Thành, truyền xuống đời thứ 4 Tỳ-kheo-ni Diệu Cần.

Tỳ-kheo-ni Diệu Chấn chùa Tiên Động, Sài Sơn, tỉnh Sơn Tây, truyền xuống thứ hai Đại Tỳ-kheo-ni Diệu Bính khai sơn chùa Phổ Quang, truyền xuống đời thứ ba Đại Tỳ-kheo-ni Diệu Tuấn, truyền xuống đời thứ tư Đại Tỳ-kheo-ni Diệu Chính chùa Mai Động. Truyền xuống đời thứ 4 Tỳ-kheo-ni pháp danh Từ Niệm trụ trì chùa Hàm Long huyện Từ Liêm.

Đại Tỳ-kheo-ni pháp danh Thanh Cần sơ khai chùa Thái Cam, Thọ Xương. Sư thanh đồng xuất gia, quê người thôn Nhân Mục quan, họ Nguyễn. Lúc đầu đến chùa Sùng Phúc trong thôn, hạ đao cắt tóc, học tập tu trì. Năm Minh Mạng thứ ba, sư tạo điện Tiên Linh, các chùa Bồ Đề, Thái Cam, Sùng Phước, tạo tượng đúc chuông công đức viên thành, mở hội lớn khánh thành, việc xong cung thỉnh Hòa thượng [chùa] Tam Huyền, Hòa thượng Phúc Điền thọ giới Bồ-tát. Năm 70 tuổi, dám xin Hòa thượng Phúc Điền cho đệ tử Tỳ-kheo-ni pháp danh Kim Tuế, lập làm Thượng tọa sơn môn, thống lĩnh ba chùa Thái Cam, Bồ Đề, Sùng Phúc, ngày đêm hương đèn phụng thờ, thầy trò truyền trao, nối đèn Phật Tổ để giữ đạo hiếu. Truyền xuống đời thứ 2 Tỳ-kheo-ni pháp danh Kim Tuế, họ Trần quê người Thổ Khối, Gia Lâm, Bắc Ninh. Năm Ất Tỵ, đến chùa Thái Cam xuất gia. Đến năm Bính Ngọ, cung thỉnh Hòa thượng Phúc Điền thọ giới Sa-di. Đến năm Canh Tuất (1850), y chỉ Hòa thượng Phúc Điền tiến thọ giới Tỳ-kheo-ni. Năm Mậu Ngọ (1858), thọ giới Bồ-tát, đệ tử 3 người thọ giới Sa-di.

Tỳ-kheo-ni pháp danh Kim Đài chùa Phúc Lâm, Tam Cức, Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, quê người xã Đỗ Xá, Đường Hào, Hải Dương, họ Nguyễn. Năm 17 tuổi xuất gia, lúc đầu đến chùa Tiêu Sơn y chỉ [thọ] tam quy ngũ giới. Ngày sau cầu Hòa thượng Phúc Điền thọ giới Sa-di, Bồ-tát.

Đại Tỳ-kheo-ni Diệu Thận khai sơn chùa Địa Linh, Tây Hồ, Hà Nội. Truyền xuống đời thứ 2 Đại Tỳ-kheo-ni Diệu Quýnh, truyền xuống đời thứ 3 Tỳ-kheo-ni Diệu Thùy, truyền xuống đời thứ 4 Tỳ-kheo-ni Diệu Đạo.

Đại Tỳ-kheo-ni Diệu Vượng khai sơn chùa Cung Thận, tỉnh Sơn Tây truyền xuống đời thứ 2 Tỳ-kheo-ni Diệu Lan, truyền xuống đời thứ 3 Tỳ-kheo-ni Diệu Tuấn.

Đại Tỳ-kheo-ni Minh Kính khai sơn chùa Trúc Phê Linh Quang, tỉnh Hưng Hóa, truyền xuống đời thứ 2 Tỳ-kheo-ni Diệu Từ.

Hòa thượng Phúc Điền khai sơn chùa Hoàng Vân thôn Nhuệ, Đan Phượng, tỉnh Sơn Tây truyền xuống đời thứ 2 Tỳ-kheo-ni pháp danh Quang Cảnh. Tỳ-kheo-ni pháp danh Diệu Nghĩa chùa Đại Để, tỉnh Nam Định4.

Đó là sự truyền thừa các chùa ở Hà Nội như Phúc Thung, Phổ Quang, Triệu Khánh (Mai Động), Thái Cam, Sùng Phúc, Bồ Đề, Địa Linh… Ghi chép đơn giản về truyền thừa chùa Phúc Lâm tại tỉnh Bắc Ninh. Tỉnh Sơn Tây thì ghi chép truyền thừa ở chùa Hoàng Vân, Cung Thận. Ghi được hai đời trụ trì chùa Linh Quang ở tỉnh Hưng Hóa. Đối với chùa Thái Cam, Hòa thượng công bố được sơ lược hành trạng hai vị Ni là Thanh Cần và Kim Tuế. Hai vị có quan hệ với soạn giả tập sách và cùng là giới tử của Hòa thượng Phúc Điền.

Chùa Bồ Đề, Hà Nội
Chùa Bồ Đề, Hà Nội

Khảo về phái Ni dòng Lâm Tế

Đầu tiên bàn đến truyền thừa chùa Phúc Thung 福椿寺5. Đây là ngôi chùa thuộc chốn Tổ Liên Tông6, Đệ tam tổ chùa Liên Tông7 là Hòa thượng Từ Phong Hải Quýnh kiêm quản trụ trì. Ngài nhận chùa Phúc Thung dưới triều Tây Sơn và giao cho đệ tử Ni làm đương gia, chăm sóc và nuôi dưỡng Ni chúng. Do đó, trong Thiền uyển truyền đăng lục, quyển hạ, Hòa thượng Phúc Điền xếp chùa Phúc Thung lên làm đầu và cho rằng “Hà Nội, Liên Tôn tự Lâm Tế Ni phái 河内蓮尊寺臨濟尼派”. Sách cho Đại Tỳ-kheo-ni Thiện Quang Diệu Nhẫn khai sơn chùa Phúc Thung là chưa chính xác. Căn cứ Vân Thê quy ước (AC. 567) khắc bản năm Cảnh Hưng thứ 36 (1775), cuối phần mục lục có ghi: “Phúc Thung tự Tỳ-kheo-ni hiệu Diệu Châu, kế đăng hiệu Diệu Nhẫn hộ kinh”. Ni sư Diệu Châu là thầy của sư Diệu Nhẫn và đều là học trò của Hòa thượng Hải Quýnh. Thiền uyển truyền đăng lục, quyển hạ mục truyền thừa chùa Liên Tôn, tờ 28b có đoạn ghi chép: “Chùa Hộ Quốc giáp Yên Khánh, khai sơn Tổ sư Lân Giác thượng sĩ. Truyền xuống đời thứ 2 Đại Tỳ-kheo-ni Thiện Quang Diệu Nhẫn. Sư họ Phạm quê xã Thổ Khối, tỉnh Bắc Ninh, từ nhỏ xuất gia. Năm 80 tuổi, một hôm an tọa niệm Phật quay về hướng Tây mà tịch”. Hành trạng Ni sư Diệu Nhẫn chỉ biết sơ lược, niên đại thuộc thế kỷ XVIII. Sư có thể viên tịch đầu niên hiệu Gia Long triều Nguyễn, từng kế thừa trụ trì chùa Phúc Thung, Hộ Quốc và thừa lệnh Hòa thượng Hải Quýnh, sư đứng ra hưng công khắc ván trùng san Ngũ đăng hội nguyên vào năm Cảnh Thịnh thứ 5 (1797). Quyển thủ, tờ 37a ghi danh sách chư Ni ủng hộ khắc kinh như sau: “Tỳ-kheo-ni Diệu Nhẫn, Diệu Lý, Diệu Bính, Diệu Chính, hiệu Tịch Hân, Diệu Khiết, Diệu Linh, Diệu Nghiêm cùng khắp tông đồ hàng pháp tử, pháp tôn, pháp điệt; hiệu Diệu Hậu”. Điều đó cho thấy Phúc Thung là cơ sở truyền thừa phái Ni của phái Liên Tông.

Truyền thừa của chùa Phúc Thung cũng truyền sang quê sư Diệu Nhẫn là xã Thổ Khối, với ngôi chùa Sùng Phúc8. Bài tựa sách Kiến tính thành Phật do Hòa thượng Chân Nguyên Tuệ Đăng soạn, bản in này, đoạn cuối được in thêm vào giới thiệu người tổ chức khắc ván như sau:

Nay, Sa-di-ni hiệu Diệu Thịnh là người Kiêu Kỵ, Gia Lâm. Sinh ra được 7 tuổi, bỗng nghe đạo Phật, vui theo được ý chỉ nơi Tỳ-kheo-ni chùa Phúc Thung, rõ thấu chân như. Đến năm Mậu Dần, 21 tuổi đến chùa Sùng Phúc, Thổ Khối thọ giới Bồ-đềngày tháng gìn giữ, hiểu giác tính vốn đều không…”9.

Sách trùng san mùa xuân năm Ất Dậu (1825), Minh Mạng thứ 6 có mời “Thân sư Sa-di-ni hiệu Diệu Nhân chứng san, đồng đồ Sa-di-ni hiệu Diệu Nghị hộ san”. Năm Mậu Dần, sư Diệu Thịnh 21 tuổi, tức năm 1818, suy ra sư sinh năm 1798. Bài tựa, sư kể mình xuất gia tại chùa Phúc Thung. Dựa theo truyền thừa thì lúc này, Phúc Thung do Tỳ-kheo-ni Diệu Trinh trụ trì. Truyền thừa Ni phái tại chùa Sùng Phúc, Thổ Khối hiện vẫn chưa tìm được các sử liệu. Đây là ngôi chùa do phái Ni trụ trì từ xưa cho đến ngày nay.

Diệu Trinh trong Đại Phương quảng bát Như Lai trí đức bất tư nghị kinh in năm Mậu Tuất (1838), Minh Mạng thứ 1910 ghi là Trinh Tường với tháp hiệu Viên Quang, tức sư đã viên tịch. Lúc này, chùa do Tỳ-kheo-ni Thích Thành kế thừa. Thích Thành được Thiền uyển truyền đăng lục ghi là Diệu Thành. Các Tỳ-kheo-ni ghi tên hiệu giống như tên hiệu của các vị nữ tại gia.

Hai vị Tỳ-kheo-ni Diệu Bính (?-?) và Diệu Chấn (1754-1836)11 đều là môn đồ của Hòa thượng Từ Phong Hải Quýnh. Diệu Bính xuất hiện trong bản in Ngũ đăng hội nguyên, đứng sau hai vị Diệu Nhẫn và Diệu Lý. Khi chùa Am cửa Bắc (Phổ Quang tự hay Phổ Quang viện) được hình thành thì sư được cung thỉnh về trụ trì. Chùa Phổ Quang do bà Châu Thị Tế, vợ của quan Thoại Ngọc hầu lập đầu niên hiệu Gia Long (1802-1820)12. Diệu Chấn là học trò của Diệu Bính. Hòa thượng Phúc Điền đã đưa Diệu Chấn lên vị trí đời thứ nhất và cho Tỳ-kheo-ni Diệu Bính khai sơn Phổ Quang tự. Những ghi chép này không có tính thuyết phục. Lại cho Diệu Chấn xuất thân từ “chùa Tiên Động, núi Sài, tỉnh Sơn Tây”. May chúng ta còn tham khảo Thỉnh tôn sư khoa, thì biết rõ, Diệu Chấn vốn họ Bùi, người Phí Xá, Thanh Miện, Hải Dương. Bà xuất thân là cung nữ hầu phủ chúa Trịnh. Khi Tây Sơn đánh ra Bắc Hà, thì bà mới đi ở ẩn và bén duyên với Phật pháp, được thọ học với Hòa thượng Hải Quýnh, chùa Liên Tông. Sau đó, xuất gia với vị Ni trụ trì chùa Quảng Nghiêm (chùa Trăm Gian) ở Chương Mỹ. Khoa cúng không ghi đạo hiệu của vị thầy sư Diệu Chấn, nhưng ta đoán đó là Diệu Bính. Khi tình hình Phật giáo ổn định, Diệu Bính được thỉnh về Phổ Quang thì Diệu Chấn nghiễm nhiên an trụ nơi chùa Triệu Khánh (Mai Động). Sư được tôn xưng là vị Tổ đầu của chùa Triệu Khánh và đệ nhị trụ trì chùa Phổ Quang13.

Năm Minh Mạng thứ 8 (1827), Tâm địa giới Diệu Chấn được sự hậu thuẫn của các vị thiện tín đứng khắc ván bộ Nhân vương hộ quốc Bát-nhã kinh. Sư cung thỉnh Hòa thượng Giác Trí Thanh Lương chùa Tiêu soạn tựa và Hòa thượng Vô Sinh Tính Tĩnh chùa Quỳnh Lâm chứng san. Cuối tựa, sư cung tiến cho “Tôn sư Từ Phong tháp Liên Tông Hòa thượng Sa-môn Hải Quýnh Chiêu Chiêu chứng san. Bản sư Viên Tịnh tháp Tỳ-kheo-ni hiệu Diệu Bính chứng san14. Hòa thượng Hải Quýnh Chiêu Chiêu là vị truyền giới và sư Diệu Bính là thầy nuôi dưỡng sư nên người. Lúc này, Diệu Bính đã viên tịch và Diệu Chấn qua Phổ Quang tự kế thừa trụ trì. Sư giao chùa Phổ Quang cho đệ tử mình là Tỳ-kheo-ni Diệu Tuấn, còn chùa Triệu Khánh do Tỳ-kheo-ni Diệu Chính trông coi15. Đây là hai vị cao đệ của sư Diệu Chấn. Hai thầy trò Diệu Bính và Diệu Chấn mở rộng truyền thừa, không còn hành đạo ở khu vực Thanh Trì mà lan truyền vào trung tâm của thành Thăng Long xưa. Chùa Phổ Quang được các thế hệ Ni liên tục trùng tu tôn tạo, với những vị Ni trưởng luôn ủng hộ khắc bản in kinh. Tỳ-kheo-ni Nguyên Nhâm đứng khắc ván bộ Ma-ha Bát-nhã ba-la-mật kinh (30 quyển), Đại phương đăng đại tập kinh (30 quyển)… Đệ tử kế thừa là Tỳ-kheo-ni Đàm Tiến trùng san Pháp cú thí dụ kinh (4 quyển), Bách dụ kinh (2 quyển) vào năm Ất Hợi (1935), Bảo Đại thứ 10.

Liên Tông có nhiều chi nhánh truyền sâu rộng tại Hà Nội. Chi Tam Huyền với vị Tổ Tính Tuyền (?-1761) gầy dựng, đã truyền đến các chùa như Phúc Khánh (chùa Sở), Linh Tiên (chùa Bằng), Quang Ân. Chi đó cũng đào tạo nhiều vị thiền Ni nổi tiếng. Hòa thượng Phúc Điền ghi chép về Tỳ-kheo-ni pháp danh Thanh Cần (có tư liệu ghi là Đàm Cần). Ni trưởng là vị Tổ khai phái của chùa Thái Cam. Cúng chư vị giác linh tổng khoa liệt kê các vị Tỳ-kheo-ni như sau:

Nam-mô ma-ha Tỳ-kheo-ni giới hiệu Đàm Oánh thiền sư nhục thân Bồ-tát thiền tọa hạ.

Nam-mô ma-ha Tỳ-kheo-ni giới hiệu Đàm Cần thiền sư nhục thân Bồ-tát thiền tọa hạ.

Nam-mô ma-ha Tỳ-kheo-ni giới hiệu Đàm Tâm thiền sư nhục thân Bồ-tát thiền tọa hạ.

Nam-mô ma-ha Tỳ-kheo-ni giới hiệu Đàm Túc thiền sư nhục thân Bồ-tát thiền tọa hạ…”16

Dựa theo khoa cúng thì Tỳ-kheo-ni Đàm Oánh là thầy của Ni Thanh Cần. Khi về nhận các chùa trụ trì, Thanh Cần đứng ra tu bổ các chùa mà nay còn lưu khắc công đức trong bia. Mãi khi lớn tuổi, Ni trưởng mới cầu thỉnh Hòa thượng Tam Huyền17, Hòa thượng Phúc Điền thọ giới Bồ-tát. Đệ tử lớn của sư là Tỳ-kheo-ni pháp danh Kim Tuế, là người kế thừa kiêm quản các ngôi chùa mà sư trụ trì. Phương danh công đức sau sách Thiền uyển truyền đăng lục, quyển hạ có ghi: “Thái Cam Bật-sô-ni pháp danh Diệu Cần, trưởng tọa Bật-sô-ni pháp danh Thanh Đức cúng tiền thập quán18. Thanh Cần ở đây ghi Diệu Cần, có thêm đệ tử là Thanh Đức.

Thiền môn tu trì kinh chú luật nghi mục “Bản quốc lịch đại Tổ sư truyền đăng nhị phái” do Hòa thượng Phúc Điền soạn, cho sự truyền thừa phái Ni ở chùa Địa Linh, Tây Hồ thuộc “Từ Phong Tổ sư thứ chi truyền”, tức truyền chi thứ từ Hòa thượng Từ Phong. Hòa thượng liệt kê được 3 đời như Tỳ-kheo-ni Diệu Thận, Diệu Quýnh và Diệu Thùy. Đến khi biên tập Thiền uyển truyền đăng lục, quyển hạ thì bổ sung thêm đời thứ 4 là Tỳ-kheo-ni Diệu Đạo. Vị Tỳ-kheo-ni đầu tiên là Diệu Thận thì trong bản in Phật thuyết quán Di Lặc Bồ-tát thượng sinh Đâu Suất đà thiên kinh (AC.436) khắc bản năm Gia Long Nhâm Thân (1812) ghi “Tây Hồ phường Địa Linh tự tự Chiếu Thận”, tức sinh tiền sư ghi tên tự theo kệ phái. Rất hiếm Tỳ-kheo-ni được ban tên theo kệ phái dòng Đột Không Trí Bản, mà thường cho tên với chữ đầu là “Diệu”, sau này thì thống nhất cho chữ đầu là chữ “Đàm”.

Truyền thừa tại chùa Cung Thận tỉnh Sơn Tây được ba đời Tổ Ni là Diệu Vượng, Diệu Lạn và Diệu Tuấn. Chùa hiện chưa rõ vị trí và sử liệu, được Hòa thượng Phúc Điền cho vào “Từ Phong Tổ sư thứ chi”, tức thuộc phái Liên Tông tại Hà Nội. Sinh thời Hòa thượng Phúc Điền được cung thỉnh trụ trì chùa Đại Giác tại Bồ Sơn. Ngài được sự ủng hộ của quan Nguyễn Đăng Giai nên đại trùng tu chùa Đại Giác quy mô, đào tạo Tăng tài và Hòa thượng nhận nhiều ngôi chùa như Đại Quang (Phú Nhi), Báo Thiên, Liên Trì, Liên Phái, Hoàng Vân. Trong sách Thiền môn tu trì kinh chú luật nghi, khi khảo về hai phái Lâm Tế, Tào Động tại miền Bắc, Hòa thượng sử dụng thuật ngữ “Bồ Sơn phái” để chỉ sự truyền thừa do ngài truyền hạ. Phái Bồ Sơn19 có nhiều chùa ở các tỉnh Bắc Ninh, Hà Nội, Sơn Tây. Đôi khi còn có đệ tử hành ở Nam Định, hay lên Hưng Hóa truyền giáo. Về Ni phái thì Hòa thượng truyền cho mấy vị đệ tử Ni thọ giới với ngài như Tỳ-kheo-ni pháp danh Quang Cảnh20 ở chùa Hoàng Vân, Tỳ-kheo-ni Diệu Nghĩa chùa Đại Để, tỉnh Nam Định, Tỳ-kheo-ni Minh Kính21 chùa Linh Quang, Trúc Phê, tỉnh Hưng Hóa, Tỳ-kheo-ni pháp danh Kim Đài chùa Phúc Lâm (Bắc Ninh). Lời Túc thỉnh nằm cuối bản in Hộ pháp luận giải âm cho biết, bần đạo Ni Kim Đường chùa Triệu Khánh, xã Chân Hộ, huyện Yên Phong (Bắc Ninh) đứng ra san khắc Bảo huấn giải âm, Hộ pháp giải âm đã xong, xin ấn tán tại chùa Bồ Sơn ngày 15 tháng 2 năm Tự Đức 16 (1863)22. Nhờ văn bản Túc thỉnh, chúng ta biết thêm lão Ni Kim Đường cũng là môn nhân của Hòa thượng Phúc Điền.

Ngoài ra, tại Hà Nội có chùa Viên Minh (tục danh chùa Hai Bà) có sự truyền thừa nhiều đời phái Ni. Tấm bia Viên Minh thiền tự kỷ niệm bi chí (K.13547) lập năm Nhâm Thân (1932) Bảo Đại thứ 7 cuối bia có liệt kê các đời Tổ chùa như sau:

– Tổ đời thứ nhất: Tỳ-kheo-ni hiệu Đàm Kiền;

– Tổ đời thứ hai: Tỳ-kheo-ni hiệu Đàm Chất;

– Tổ đời thứ ba: Tỳ-kheo-ni hiệu Đàm Nghĩa;

– Tổ đời thứ tư: Tỳ-kheo-ni hiệu Đàm Hinh;

– Tổ đời thứ năm: Tỳ-kheo-ni hiệu Đàm Thuần23.

Vị lập bia là Tỳ-kheo-ni hiệu Đàm Thu trụ trì chùa, tức là vị trụ trì đời thứ sáu. Bia liệt kê danh sách các đời Tổ nên không cho biết thông tin về hành trạng và pháp phái. Chưa rõ sơn môn Viên Minh thuộc phái nào của Lâm Tế tông.

Lại có chốn Tổ Sùng Khang do Tỳ-kheo-ni Tịnh Tâm khai phái, được truyền thừa nhiều đời, chi nhánh truyền khắp đến các chùa của Hà Nội hiện nay. Gần cuối thế kỷ XIX, chốn tổ Sùng Phúc, một tổ đình lớn của phái Tam Huyền, với nhiều đời thiền tổ nổi tiếng, thế mà bỗng không có người kế đăng. Dân xã mới đến Sùng Khang cung thỉnh trưởng tọa là Tỳ-kheo-ni hiệu Đàm Quang (1853-?) về trụ trì. Từ đây, Tam Huyền do chư Ni quản lý. Tấm bia Trùng tu Sùng Phúc tự bi ký cho biết: “Tôn sư trước làm trưởng tọa chùa Sùng Khang, xã Đại Cát24. Sư quê tại xã Hạ Trì, huyện Hoài Đức, họ Nguyễn. Năm 14 tuổi, xuất gia nương tựa vào chùa Sùng Khang. Năm 15 tuổi, thọ Sa-di giới. Năm 20 tuổi, đăng đàn thọ Tỳ-kheo-ni Bồ-tát giới, pháp hiệu Đàm Quang, đầy đủ độ điệp khả chứng. Năm Quý Mùi (1883), bản xã thỉnh đến trụ trì, sáng chiều hương đèn, không bỏ công việc, sửa cái hư, bỏ cái tệ, không sợ lao nhọc. Tuổi đã dần cao, nay hơn sáu mươi vậy. Thân hào thiện tín hai thôn biết đầy đủ công đức của sư không thể quên ghi chép. Năm Kỷ Dậu (1909) sửa sang thượng điện, tiền đường, đối liễn. Năm Kỷ Sửu (1889), trùng tu nhà tổ, tượng thánh mẫu, cung điện. Năm Kỷ Hợi (1899) trùng tu hai hành lang, tam quan. Năm Canh Tý (1900), trùng tu tượng Phật, tượng Tổ. Năm Ất Tỵ (1905), đại tu tiền đường, tượng Phật, Tổ cung điện, hành lang các tòa, và hai hành lang, am tháp, trước sau tốn tiền đến 3 nghìn nguyên. Tôn sư bèn tiện khuyến hóa, đôn đốc hoàn thành các việc có công đức lớn, nên ghi chép vậy25.

Đàm Quang xuất gia tu học tại chùa Sùng Khang nhưng lại thuộc sơn môn Trung Hậu. Cúng tôn sư khoa, đường thỉnh thứ nhất ghi: “Tuổi 14 đến chùa Sùng Khang Đại Cát, nghiệp sư cắt tóc, lầu cao bốn cấp mới lên. Năm 20 tuổi, được Hòa thượng chùa Tây Thiên Trung Hậu truyền y, trao giới cụ túc một thừa cao bước26. Ni trưởng Đàm Quang còn kiêm trụ trì chùa Nga My ở Hoàng Mai. Hiện nay, các vị Ni ở Tam Huyền và Nga My đều là lớp con cháu của Ni trưởng.

Chúng tôi chỉ chọn được hai ngôi chùa Ni lớn, có truyền thừa xuyên suốt để giới thiệu thêm, cho thấy phái Ni vẫn hưng thịnh và truyền thừa mạnh. Nhất là từ khi đất nước qua phân, rồi thống nhất, tại miền Bắc, số lượng Tăng Ni giảm, nhiều chốn Tăng không có người kế nối, nên Ni phái được bổ nhậm, giữ nhiều ngôi chùa quan trọng tại thủ đô Hà Nội cùng các chùa ở các huyện ngoại thành.

Tiểu kết

Bước đầu tìm hiểu về Ni phái, chủ yếu truyền thừa các chùa ở Hà Nội thời Nguyễn. Phải nói rằng, Hòa thượng Phúc Điền là người chú ý đến tình hình Ni giới. Ngài ghi chép riêng về Ni phái của dòng Lâm Tế thuộc Thiền phái Liên Tông. Các chùa như Phúc Thung, Phổ Quang, Triệu Khánh, Địa Linh vẫn là chốn Ni tràng, với nhiều đời chư Ni kế thừa trụ trì. Nhiều chốn Ni cũng bị tuyệt dứt do không có người thừa kế, hoặc sự tác động của ngoại giới, chùa cảnh bị thu hẹp như Phổ Quang ở cửa Bắc.

Ghi chép truyền thừa về Ni giới ở ta thời xưa, cách ghi chép ngắn gọn, thường ghi các đời trụ trì một ngôi chùa. Nhiều vị thiền tổ Ni, chỉ nhắc đến tên, hoặc cho vài thông tin như tộc tính, quê quán. Cái cần vẫn là quá trình xuất gia, thọ giới và học đạo thì chỉ ghi một câu chung, làm khó mà biết được nguồn cội. Thường sử dụng kính ngữ đối với vị Hòa thượng truyền giới, nên không biết rõ đạo hiệu ngài, như ghi “Tam Huyền Hòa thượng”, “Trung Hậu Hòa thượng”, tức lấy tên chùa để ghi về ngài. Điều đó khó cho thế hệ chúng ta sau này, nếu như không có tư liệu ghi chép về vị Hòa thượng kia thì chẳng biết ngài đạo hiệu gì.

Thường Ni phái phụ thuộc cộng đồng Tăng, các vị Tỳ-kheo-ni luôn tiếp nối hai dòng. Một dòng do thầy mình thế độ và dòng khác lại ăn nhập vào vị Hòa thượng truyền giới, hoặc đắc pháp với vị Hòa thượng. Vị Tỳ-kheo-ni đó luôn xưng mình thuộc môn phái của vị Hòa thượng như trường hợp Ni trưởng Đàm Quang chùa Tam Huyền luôn cho mình thuộc sơn môn Trung Hậu. Việc sắp xếp các đời pháp cho Ni phái khá là rắc rối. Bởi, các Tỳ-kheo-ni thuộc thế kỷ XIX trở về trước ít được ban tên theo kệ phái, mà sử dụng chữ “Diệu” làm chữ đầu, giống tên hiệu như các vị nữ tại gia. Một vài vị có pháp danh theo kệ phái như Tỳ-kheo-ni Chiếu Thận, chùa Địa Linh, nhưng thế hệ sau cũng đổi thành Diệu Thận. Hay Bật-sô-ni Thanh Cần, lúc thì ghi Diệu Cần, thế hệ sau chuyển thành Đàm Cần. Các Tỳ-kheo-ni với pháp húy ở chữ “Đàm” chỉ mới xuất hiện đầu thế kỷ XX, do quy định ngầm “Nam Thanh, Nữ Đàm” mà tương truyền do Tổ sư Nguyên Biểu chùa Bồ Đề khởi xướng.

Sử liệu ghi chép truyền thừa đã ít, lại không có hành trạng từng vị Tỳ-kheo-ni, nên việc lập hệ phổ là điều khá khó đối với chúng ta. Hòa thượng Phúc Điền ghi chép truyền thừa Ni phái trong Thiền uyển truyền đăng lục, quyển hạ là ngài ghi các đời trụ trì chùa. Đôi khi các đời trụ trì trùng với truyền đăng, nên sắp xếp thế thứ chuẩn. Còn như các đời trụ trì không tương xứng với việc kế đăng thì việc khảo truyền thừa dễ rơi vào việc chép sai là điều chắc chắn. Do vậy, theo thiển ý soạn giả, việc lập phổ hệ truyền thừa cho Ni phái thì nên tuân thủ quy cách xưa của các Tổ, tức sắp vị Tỳ-kheo-ni theo pháp phái chư Tăng, hoặc như Hòa thượng Phúc Điền chép từng đời các chùa do Tỳ-kheo-ni trụ trì, thì may ra còn khả dĩ.


(1) Bản sách hiện lưu tại Thư viện chùa Hói, Gia Lộc, Hải Dương. Thư viện Huệ Quang đã ấn ảnh từ bản sách tại chùa Hói vào năm 2018. Bản sách khá tốt, tờ đầu mặt a bị sờn, nát một ít, làm hư một số chữ ở bài tựa. Nội dung sách còn nguyên.

(2) Xin tham khảo Như Sơn biên soạn, Phúc Điền bổ biên, Kế đăng lục, quyển nhất, tự, tờ 1-4, bản in chùa Nguyệt Quang (Hải Phòng), sách lưu tại Thư viện chùa Ba Phong, Quảng Nam.

(3) Tham khảo Thiền uyển truyền đăng lục, quyển hạ, ký hiệu VHv.9, lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội và Thư viện Huệ Quang (Thành phố Hồ Chí Minh) cũng có hai quyển thượng hạ.

(4) Theo bảng danh sách sau sách Khóa hư lục giải âm (AB. 367) cho biết “Thái Cam tự pháp danh Diệu Cần”.

(5) Chùa Phúc Thung xưa thuộc thôn Nam Dư hạ, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Nội, nay tọa lạc phố Tây Trà, phường Trần Phú, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Khoảng triều Thiệu Trị, chùa đổi tên thành Thiên Phúc tự, dân gian gọi là chùa Nam Dư. Chưa rõ chùa được lập khi nào? Dựa vào bản in Vân Thê quy ước khắc năm Cảnh Hưng 36 (1775) xuất hiện tên chùa với Tỳ-kheo-ni Diệu Châu và Diệu Nhẫn. Do đó, chùa lập phải trước năm đó. Đây là ngôi chùa do chư Ni kế thừa trụ trì.

(6) Phái Liên Tông do Tổ sư Như Trừng Lân Giác sáng lập thế kỷ XVIII. Do Tổ sư khai sơn chùa Liên Tông, lập viện Ly Trần đào tạo Tăng chúng, nên lấy tên chùa để gọi về thiền phái. Phái Liên Tông là một chi nhánh của tông Lâm Tế miền Bắc, truyền theo kệ Đột Không Trí Bản. Phái Lâm Tế miền Bắc do Tổ sư Chuyết Chuyết Viên Văn khai lập, truyền thừa xuyên suốt, lập khá nhiều chi phái, sau này là các sơn môn. Phái Liên Tông là chốn Tổ của các sơn môn Hoa Lâm, Đa Bảo, Đọi Sơn, Bà Đá, Thọ Ngãi, Bồ Sơn… Địa bàn hoạt động chính thuộc tỉnh Hà Nội, Bắc Ninh xưa.

(7) Chùa vốn tên là Liên Tông tự, do tỵ húy triều Nguyễn nên đổi thành Liên Tôn, sau đó đổi sang Liên Phái tự. Đây là tổ đình chính của phái Liên Tông. Hiện do Hòa thượng Thích Gia Quang trụ trì.

(8) Chùa Thổ Khối (Sùng Phúc thiền tự) tọa lạc phường Cự Khối, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Chùa được lập vào thế kỷ XVIII, hiện vẫn do các vị sư Ni làm trụ trì.

(9) Kiến tính thành Phật (A. 2570), tự, tờ 9a. Bản lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội.

(10) Bản lưu tại chùa Tường Vân, Huế.

(11) Dựa theo thông tin từ “Chùa Am Phổ Quang [cửa Bắc] trên FB Quoc Viet Le đã khảo khá kỹ về truyền thừa các đời trụ trì ở chùa Am cửa Bắc.

(12) Các văn bia tại Phổ Quang tự đều cho Tỳ-kheo-ni Diệu Chấn được hai vị phu nhân cung thỉnh về trụ trì am Phổ Quang. Nhưng Bồ-tát thiện giới kinh (Kinh xếp) khắc bản năm Gia Long thứ 3 (1804), thì thấy “Phổ Quang viện Tỳ-kheo-ni Diệu Bính”, tức Diệu Bính đã trụ trì chùa Phổ Quang.

(13) Bản in Phạm võng kinh tâm địa phẩm Bồ-tát giới sớ phát ẩn, quyển 2, cuối sách có ghi: “Phổ Quang viện Tỳ-kheo hiệu Diệu Bính. Thiện Khánh tự hiệu Diệu Chấn, Khánh Vân tự hiệu Diệu Nhật. Cát Linh tự hiệu Diệu Tố, Sa-di hiệu Diệu Hậu. Phúc Thung hiệu Diệu Trinh. Phổ nguyện Pháp giới hữu tình đồng viên chủng trí” (tờ 48b).

(14) Nhân vương hộ quốc kinh (Kinh xếp) khắc ván năm Minh Mạng thứ 8 (1827), bản lưu tại chùa Phổ Quang, huyện Vĩnh Thuận, phủ Hoài Đức. Sách của chùa Tường Vân, Huế.

(15) Thiền uyển truyền đăng lục, quyển hạ, phương danh Tăng Ni có ghi: “Mai Động tự Bật-sô-ni pháp danh Diệu Chính, đệ tử Thuỵ Hương tự Bật-sô-ni pháp danh Từ Vân, đệ tử Tỳ-kheo-ni trụ trì Diên Phúc tự pháp danh Diệu Ngân, ba vị cúng tiền 6 quan” (tờ 2a). Cho thấy sự truyền thừa rộng của chùa Mai Động tại Hà Nội.

(16) Cúng chư vị giác linh tổng khoa, bản sao tả, lưu tại chùa Mộc Quan Nhân, Hà Nội.

(17) Nguyên tên ngài là Tịch Tính Trí Thủy, trụ trì chùa Sùng Phúc-Tam Huyền.

(18) Phương danh, tờ 2a.

(19) Phái Bồ Sơn: do Hòa thượng Phúc Điền sáng lập. Hòa thượng Phúc Điền vốn môn nhân của Tổ Tịch Giảng chùa Phù Ninh. Ngài Tịch Giảng là vị đệ tử của Hòa thượng Hải Quýnh. Do vậy, phái Bồ Sơn vẫn thuộc sự truyền thừa của Thiền phái Liên Tông, dòng Lâm Tế miền Bắc.

(20) Theo Kim cương Di-đà khóa hư diễn âm, cuối sách cho biết Tỳ-kheo-ni pháp danh Quang Cảnh, chùa Báo Thiên có khuyến hóa nhị đế. Cuối bản in Thiền uyển truyền đăng lục, quyển hạ, phương danh Tăng Ni có ghi: “Sơn Tây, Nhuệ thôn, Hoàng Vân tự Bật-sô-ni pháp danh Quang Cảnh cúng tiền lục quán”.

(21) Theo Tam bảo hoằng thông, Khóa hư lục giải âm đều ghi là Trí Kính.

(22) Hộ pháp luận giải âm do chúng tôi rập in tại chùa Bổ Đà, Bắc Giang cách đây hơn 10 năm.

(23) Tuyển tập văn bia Hà Nội, quyển I, NXB.Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1978, tr.113.

(24) Nay thuộc phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Chùa là tổ đình của sơn môn Kẻ, Ni phái lớn nằm phía Tây Hà Nội, do Sư tổ Tịnh Tâm khai sáng vào triều Nguyễn.

(25) Trùng tu Sùng Phúc tự bi ký (Kh. 472) lập năm Thành Thái 19 (1907), Thác bản Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội.

(26) Theo một tập khoa cúng Tổ lưu tại chùa Tam Huyền, do Tỳ-kheo Nguyên Thảo chép năm Bảo Đại Nhâm Thân (1932).

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục:

Vài điều liên hệ trong sự nghiệp của Đại sư Thiện Hoa ở Việt Nam và Đại sư Huyền Trang ở Trung Hoa
Lịch sử, Nghiên cứu

Mỗi dân tộc, tôn giáo trong từng giai đoạn lịch sử đều có những bậc vĩ nhân. Có thể tiêu chí về bậc vĩ nhân giữa các cộng đồng dân tộc, tôn giáo không đồng nhất, nhưng điểm chung của các bậc vĩ nhân là tạo nên những đóng góp to lớn về nhiều mặt...

Chuyện vua Minh Mạng với những lần ghé chùa Thiên Mụ
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Minh Mạng là vị vua thứ hai của vương triều Nguyễn, giữ ngôi từ năm 1820 đến năm 1840. Ông nổi tiếng thông minh giỏi giang, quyết đoán và siêng năng. Ở mọi lĩnh vực của đất nước từ nội trị đến ngoại giao đều có dấu ấn trị vì của nhà vua. Đại Nam...

Động và tĩnh – Triết lý sống trong bài thơ “Dụng chân tâm” của Trần Thánh Tông
Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Dụng chân tâm không chỉ đơn thuần là một bài thơ thiền sâu sắc mà còn là một lời nhắc nhở giản dị về lối sống hài hòa giữa động và tĩnh. Hãy để bài thơ này trở thành kim chỉ nam cho cuộc sống của chúng ta, dẫn dắt chúng ta tìm thấy sự...

Giới thuyết về Thiền uyển tập anh
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Trích yếu: Thiền uyển tập anh là bộ sử Phật giáo quan trọng trong lịch sử Việt Nam. Thiền uyển tập anh tập hợp các tiểu truyện thiền sư trong khoảng gần 1000 năm lịch sử, hàm chứa các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa, tôn giáo của Việt Nam từ...

Cuộc đời Tôn giả Rahula qua Kinh tạng Nikaya
Lịch sử, Nghiên cứu

Thế Tôn dạy cho Rahula phải biết quán xét, suy ngẫm tường tận điều nào đưa đến tự hại, hại người, hại cả hai thì hãy buông bỏ để giữ cho mọi hành động của ba nghiệp thân, khẩu, ý được thanh tịnh trong sạch đưa đến sự an lạc giải thoát trong đời sống....

Ảnh hưởng của Phật giáo thời Lý đến các lĩnh vực giáo dục, văn học và phong tục tập quán của người Việt
Lịch sử, Văn hóa - Xã hội

Phật giáo thời Lý có ảnh hưởng mạnh mẽ đến các lĩnh vực giáo dục, văn học và phong tục tập quán của người Việt góp phần tạo nên bản sắc dân tộc ta trong giai đoạn nhà Lý trị vì. Tóm tắt: Khi đề cập đến sự tín ngưỡng tâm linh của người Việt thì...

Chính quyền Chúa Nguyễn với các ngôi chùa Sắc tứ ở Đàng Trong (giai đoạn 1558-1777)
Lịch sử, Nghiên cứu

Các chùa sắc tứ luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của chính quyền chúa Nguyễn, mặt khác, thông qua các hoạt động và thực hành nghi lễ Phật giáo với quy mô lớn, thời kỳ này các ngôi chùa sắc tứ đã tỏ rõ vai trò quan trọng trong việc xiển dương Phật...

Đi tìm cơ sở truyền thừa của Ni giới tại Việt Nam qua thư tịch Hán cổ
Lịch sử, Nghiên cứu

Lịch sử truyền thừa của Ni giới ở một số bộ phái Phật giáo nói chung mãi đến hôm nay vẫn còn nhiều vấn đề chưa thể lý giải trọn vẹn. Ngay như tại Việt Nam, do đặc thù của các điều kiện lịch sử, thế nên nhiều nguồn thư tịch quý giá cổ xưa...

Hai bảo vật quốc gia ở chùa Sùng Khánh và chùa Bình Lâm, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Vị Xuyên – Hà Giang không chỉ nổi tiếng về phong cảnh thiên nhiên phong phú, nhiều phong tục tập quán, văn hóa truyền thống và những di tích lịch sử mang đậm nét bản sắc dân tộc, mà còn nhiều điểm du lịch tâm linh như: Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên, đền thờ...

Chủ nghĩa Platon và giáo lý đạo Phật
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Thời đó, khoa học chưa phát triển, máy móc còn thô sơ nhưng họ hướng tới sự tìm tòi thế giới, bản tính con người một cách sâu sắc. Phật pháp ở thế gian, không xa sự giác ngộ của thế gian, tuy hai nền triết học khác nhau nhưng đều chung tư tưởng giúp...

Chấn hưng Phật giáo – Con đường truyền bá tư tưởng yêu nước của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc
Lịch sử, Nghiên cứu

Trong hành trình phương Nam, cụ Nguyễn Sinh Sắc đã tích cực tham gia và có nhiều đóng góp quan trọng cho phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam Bộ… Tóm tắt: Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, là một người yêu nước. Trong hành trình trên mảnh...

Sự dung hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian qua trường hợp Thiền sư Từ Đạo Hạnh
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Sự dung hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian ở vùng đồng bằng sông Hồng qua trường hợp thiền Sự Từ Đạo Hạnh đã tạo nên hỗn hợp Phật – Thánh mang tính quy chuẩn từ kiến trúc không gian thờ tự cho đến nội dung tôn giáo, trở thành một tổng thể tương đối...

Tín ngưỡng thờ phụng đức Phật Dược Sư thời nhà Đường
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Việc thiết lập đàn tràng và tu trì đức Phật Dược Sư trở nên quan trọng hơn dưới thời trị vì của vua Đường Túc Tông, thời kỳ triều đình nhà Đường phải vật lộn để vượt qua thách thức do những cuộc nổi dậy của quân đội trong nước gây nên… Tín ngưỡng thờ...

Bước đầu khảo cứu mộc bản kinh sách Phật giáo Đàng Trong thời chúa Nguyễn
Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Thông qua hoạt động tổ chức khắc in kinh sách, chúng ta thấy được mối quan hệ mật thiết giữa chính quyền chúa Nguyễn với các vị cao tăng, bên cạnh đó là mối quan hệ gắn bó, cầu tiến, giúp đỡ lẫn nhau giữa các vị sư tăng ở các tông phái khác nhau....

Quá trình phát triển giáo dục Phật giáo miền Nam 1954-1981
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Giáo dục Phật giáo là nền tảng cho mọi hoạt động hoằng pháp của tăng ni, tri thức giúp họ gặt hái được nhiều thành tựu to lớn trong sự nghiệp truyền thừa mạng mạch phật pháp. Mục lục bài viếtNguồn sử liệuKhảo về phái Ni dòng Lâm TếTiểu kếtLời mở đầu Lịch sử Việt...

Bồ-tát Quán Thế Âm Trong Văn Hóa Tín Ngưỡng Của Người Việt
Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Đức Quán Thế Âm trở nên thân thiết trong đời sống của người dân Việt đến mức trong sâu thẳm trái tim của mỗi người đều có hình ảnh về vị Bồ-tát luôn đầy lòng bi mẫn này. Ngài là một đối tượng tín ngưỡng thiêng liêng nhưng đồng thời là một người Mẹ thân thương luôn là chỗ dựa cho con cái trên đường đời lắm thác ghềnh,...

Ads Blocker Image Powered by Code Help Pro

Đã phát hiện trình chặn quảng cáo!!!

Chúng tôi đã phát hiện thấy bạn đang sử dụng tiện ích mở rộng để chặn quảng cáo. Vui lòng hỗ trợ chúng tôi bằng cách vô hiệu hóa các trình chặn quảng cáo này.