1. Nguyên văn
伏以
大懸空門、包含于四生九有、樹高長影、普覆於六道三途、仰望禪林、永安居處。拜疏爲越南國…省…縣[郡]…社…村、恭詣法名…號…住於…寺奉
佛修香獻供入寺保安居處迎祥集福事。今釋子…等、卽日焚香、心誠拜干
大覺能仁、俯垂炤鑒。竊念、弟子等、叨居白屋、濫入禪門、恐梵行之未精、慮齋心而弗潔、燈光燦爛、迷雲或暗於坐前、香熱氤氳、瑞氣未凝於案上、晨昏洒掃塵垢、或遂於狂風、晝夜起居污穢、或附於業境、或誦經而三心未悟、或禮佛而五體不平、動靜行藏、事事未能中理、施爲出入、多多豈免愆尤、先當歷歷奏陳、今乃勤勤拜獻。今則上供疏文、和南拜白…。恭望、十方鑒格、三寶証明、龍神土地扶持、竈府善神擁護。伏願、天心開朗、本性圓明、舒空相之大施、寔無爲之上善、一罪一赦、靈靈感遂其生、一福一增、个个蒙霑其惠、使方隅之寧靜、俾境界之永安、焚香祝聖、上祈國祚奠安、禮佛宣經、下禱封疆永固、世世常存、年年長住。仰望
佛恩證明。謹疏。
佛曆…歲次…年…月…日時、弟子眾等和南上疏
(疏)奉 白佛金章 弟子眾等和南上疏
2. Phiên âm
Phục dĩ
Đại huyền Không Môn,1 bao hàm vu Tứ Sanh Cửu Hữu; thọ cao trường ảnh, phổ phú ư Lục Đạo Tam Đồ; ngưỡng vọng Thiền lâm, vĩnh an cư xứ.
Bái sớ vị: Việt Nam quốc … Tỉnh … Huyện (Quận) … Xã … Thôn, cung nghệ Pháp Danh … Hiệu … trú ư … Tự phụng Phật tu hương hiến cúng nhập tự, bảo an cư xứ, nghinh tường tập phước sự. Kim Thích tử … đẳng, tức nhật phần hương, tâm thành bái can, Đại Giác Năng Nhân, phủ thùy chiếu giám.
Thiết niệm: Đệ tử đẳng, thao cư bạch ốc, lạm nhập Thiền môn;2 khủng Phạm hạnh3 chi vị tinh, lự trai tâm nhi phất khiết; đăng quang xán lạn, mê vân hoặc ám ư tọa tiền; hương nhiệt nhân ôn, thoại khí vị ngưng ư án thượng; thần hôn sái tảo trần cấu, hoặc toại ư cuồng phong; trú dạ khởi cư ô uế, hoặc phụ ư nghiệp cảnh; hoặc tụng kinh nhi Tam Tâm4 vị ngộ, hoặc lễ Phật nhi Ngũ Thể5 bất bình; động tĩnh hành tàng, sự sự vị năng trúng lý; thí vi xuất nhập, đa đa khởi miễn khiên vưu; tiên đương lịch lịch tấu trần, kim nãi cần cần bái hiến. Kim tắc thượng cúng sớ văn, hòa nam bái bạch …
Cung vọng: Thập phương giám cách, Tam Bảo chứng minh; Long Thần Thổ Địa phò trì, Táo Phủ Thiện Thần ủng hộ.
Phục nguyện: Thiên tâm khai lãng, bổn tánh viên minh; thư Không tướng chi đại thi, thật Vô Vi chi thượng thiện; nhất tội nhất xá, linh linh cảm toại kỳ sanh; nhất phước nhất tăng, cá cá mông triêm kỳ huệ; sử phương ngung chi ninh tĩnh, tỷ cảnh giới chi vĩnh an; phần hương chúc Thánh, thượng kỳ quốc tộ điện an; lễ Phật tuyên kinh, hạ đảo phong cương vĩnh cố; thế thế thường tồn, niên niên trường trụ. Ngưỡng vọng Phật ân chứng minh. Cẩn sớ.
Phật lịch … Tuế thứ … niên … nguyệt … nhật … thời.
Đệ tử chúng đẳng hòa nam thượng sớ.
3. Dịch nghĩa
Cúi nghĩ:
Cao lớn cửa Không, bao hàm cả Bốn Loài Chín Loại; cây cao dài bóng, trùm khắp hết Sáu Nẻo Ba Đường; ngưỡng vọng Thiền lâm, mãi an cư chốn.
Sớ tâu: Nay tại Thôn …, Xã …, Huyện (Quận) …, Tỉnh, nước Việt Nam; đệ tử Pháp Danh …, Hiệu … , trú tại Chùa …, thờ Phật dâng hương hiến cúng, nhập tự cầu an cư, đón lành thỉnh phước. Nay Thích tử … ngày nầy dâng hương, tâm thành kính lạy, ngưỡng lên Đại Giác Năng Nhân, xót thương chứng giám.
Nép nghĩ: Đệ tử chúng con, may sống nhà sáng, vào chốn Thiền môn; sợ Phạm hạnh vẫn chưa tinh, e tâm thành không trong sạch; đèn chiếu sáng lạn, mây mê còn che trước tòa ngồi; hương tỏa ngút ngàn, khí lành chưa đọng trên bàn án; sớm tối quét trừ bụi bặm, hoặc theo với cuồng phong; ngày đêm tới lui ô uế, hoặc tùy thuộc nghiệp cảnh; hoặc tụng kinh mà Ba Tâm chưa ngộ, hoặc lạy Phật mà Năm Vóc không bằng; động tĩnh đứng đi, việc việc vẫn chưa trúng lý; ra vào làm việc, nhiều nhiều sao miễn tội khiên; trước nên khẩn thành thưa bày, nay mới siêng năng lạy sám. Nay xin dâng cúng sơ văn, kính thành vái lạy …
Kính trông: Mười phương soi xét, Tam Bảo chứng minh; Long Thần Thổ Địa phò trì, Táo Quân Thiện Thần ủng hộ.
Cúi mong: Tâm trời khai mở, bản tánh sáng trong; bày tướng Không mà khắp ban, thật Vô Vi ấy tối thiện; một tội một xá, người người đều được sống yên; một phước một tăng, kẻ kẻ mong ban ân huệ; khiến bốn phương đều yên tĩnh, giúp cảnh giới được mãi an; dâng hương chúc Thánh, trên cầu đất nước bình an; lạy Phật tụng kinh, dưới nguyện biên cương mãi chắc; đời đời thường tồn, năm năm mãi trụ. Ngưỡng mong ơn Phật chứng minh. Kính dâng sớ.
Phật lịch … Ngày … tháng … năm …
Đệ tử chúng con thành kính dâng sớ.
4. Chú thích
- Không Môn (空門): cửa Không. Không (s: śūnya, p: suñña, 空) được xem như là giáo nghĩa tối cao của Phật Giáo, cho nên cửa nhà Phật được gọi là Không Môn. Cho nên người vào xuất gia trong các tự viện Phật Giáo được gọi là “Không Môn Tử (空門子)”. Như trong Thích Thị Yếu Lãm (釋氏要覽) quyển Thượng có giải thích rõ rằng: “Trí Độ Luận vân: ‘Niết Bàn hữu Tam Môn, nhất Không Môn, nhị Vô Tướng Môn, tam Vô Tác Môn; hà giả Không Môn ? Vị quán chư pháp, vô ngã ngã sở, chư pháp tùng nhân duyên sanh, thị danh Không; kim xuất gia nhân, do thử môn nhập Niết Bàn trạch, cố hiệu Không Môn Tử’ (智度論云、涅槃有三門、一空門、二無相門、三無作門、何者空門、謂觀諸法、無我我所、諸法從因緣生、是名空、今出家人、由此門入涅槃宅、故號空門子, Trí Độ Luận dạy rằng: ‘Niết Bàn có ba cửa, một là Cửa Không, hai là Cửa Vô Tướng, ba là Cửa Vô Tác; thế nào là Cửa Không ? Tức là quán các pháp không có ngã và ngã sở, các pháp từ nhân duyên sanh, nên gọi là Không; nay người xuất gia từ cửa nầy vào nhà Niết Bàn, nên được gọi là Không Môn Tử’).” Hoặc ngoài thế gian gọi người vào xuất gia tu hành cửa Phật là “độn tích Không Môn (遁跡空門)”, có nghĩa là lánh xa trần thế và vào ẩn cư trong Thiền môn. Như trong tác phẩm Thiên Vũ Hoa (天雨花) hồi thứ 5 của Đào Trinh Hoài (陶貞懐) nhà Thanh có đoạn: “Bức đắc ngã, thử nhất thân, tẩu đầu vô lộ, nhân thử thượng, lai phi thế, độn tích Không Môn (逼得我、此一身、走投無路、因此上、來披剃、遁跡空門, bức bách tôi, một thân nầy, chạy cùng không lối thoát, nhân việc nầy, đến xuống tóc, xuất gia cửa chùa).” Tại Dũng Tuyền Tự (湧泉寺) của vùng Phúc Châu (福州), Phúc Kiến (福建) có câu đối rằng: “Tịnh địa hà tu tảo, Không Môn bất dụng quan (淨地何須掃、空門不用關, đất sạch còn gì quét, cổng Không cửa nào cần).” Hay như trong Tu Tập Du Già Tập Yếu Thí Thực Đàn Nghi (修習瑜伽集要施食壇儀, CBETA No. 1083) quyển hạ có câu: “Cát ái từ thân, tảo nhập Không Môn nội, phỏng đạo tầm sư, chỉ vị siêu sanh tử, thử vãng hàn lai, bất giác vô thường, chí phản chiếu hồi quang, lai thọ cam lồ vị (割愛辭親、早入空門內、訪道尋師、只爲超生死、暑往寒來、不覺無常、至返照回光、來受甘露味, cắt bỏ thân yêu, sớm nhập cửa Không ấy, học đạo tìm sư, chỉ vì vượt sanh tử, nóng đi lạnh đến, chẳng biết vô thường, lúc phản tỉnh hồi đầu, đến thọ cam lồ vị).” Trong Tục Đăng Tồn Cảo (續燈存稿, CBETA No. 1585) quyển 2 có câu: “Không Môn hữu lộ nhân giai đáo, đáo giả phương tri chỉ thú trường, tâm địa bất sanh nhàn thảo mộc, tự nhiên thân phóng bạch hào quang (空門有路人皆到、到者方知旨趣長、心地不生閒艸木、自然身放白毫光, Cửa Không có nẻo người đều đến, đến rồi mới biết nhanh chân lên, tâm địa chẳng sanh nhàn cây cỏ, tự nhiên thân phóng bạch hào quang).”
- Thiền môn (禪門): có nhiều nghĩa khác nhau. (1) Pháp môn Thiền định. (2) Thuộc vào Định Học (定學) trong Tam Học (三學), cũng chỉ Thiền Định Ba La Mật (s: dhyāna-pāramitā, p: jhāna-pāramitā, 禪定波羅蜜) trong Lục Độ (s: ṣaḍ-pāramitā, ṣaṭ-pāramitā, 六度). Như trong Thiền Nguyên Chư Thuyên Tập Đô Tự (禪源諸詮集都序) quyển Thượng có đoạn: “Vạn hạnh bất xuất Lục Ba La Mật, Thiền môn đản thị lục trung chi nhất, đương kỳ đệ ngũ (萬行不出六波羅蜜、禪門但是六中之一、當其第五, vạn hạnh không ra ngoài Sáu Ba La Mật, Thiền môn chỉ là một trong sáu pháp đó, thuộc hàng thứ năm).” (3) Chỉ cho pháp môn của Thiền Tông, còn gọi là Thiền Tông Môn Lưu (禪宗門流), Thiền Tông (禪宗), Phật Tâm Tông (佛心宗), Thiền Gia (禪家). (4) Là từ gọi tắt của Thiền Định Môn (禪定門) trong Phật Giáo Nhật Bản, còn gọi là Thiền Thất (禪室).
- Phạm hạnh (s, p: brahmacariya, 梵行): Phạm (s, p: brahmā, 梵) nghĩa là thanh tịnh, pháp đoạn trừ dâm dục là Phạm hạnh, tức pháp hành của Phạm Thiên (梵天). Trí Độ Luận (智度論) dạy rằng: “Đoạn dâm dục thiên giai danh vi Phạm Thiên, dĩ thị cố đoạn dâm hành pháp danh vi Phạm hạnh; ly dục diệc danh Phạm; nhược thuyết Phạm tắc nhiếp Tứ Thiền Tứ Vô Sắc định (斷婬欲天皆名爲梵天、以是故斷婬行法名爲梵行、離欲亦名梵、若說梵則攝四禪四無色定, vị Trời đoạn dâm dục đều gọi là Phạm Thiên, chính vì vậy hành pháp đoạn dâm dục gọi là Phạm hạnh; ly dục cũng gọi là Phạm; nếu nói là Phạm tắc nhiếp vào định của Tứ Thiền, Tứ Vô Sắc).” Hơn nữa, trong Pháp Hoa Gia Tường Sớ (法華嘉祥疏) quyển 7 có giải thích rõ rằng: “Hữu nhân ngôn: ‘Thông thủ nhất thiết giới vi Phạm hạnh, biệt danh đoạn dâm dục vi Phạm hạnh’ (有人言、通取一切戒爲梵行、別名斷婬欲爲梵行, Có người bảo rằng: ‘Giữ hết tất cả giới là Phạm hạnh, nếu nói riêng thì đoạn trừ dâm dục là Phạm hạnh’).” Ngoài ra, Niết Bàn (s: nirvāṇa, p: nibbāna, 涅槃) được gọi là Phạm, cho nên chứng vạn hạnh của Niết Bàn là Phạm hạnh. Trong Phẩm Tựa của Pháp Hoa Kinh (法華經) có câu: “Cụ túc thanh bạch, Phạm hạnh chi tướng (具足清白、梵行之相, đầy đủ, trong sạch là tướng của Phạm hạnh).”
- Tam Tâm (三心): ba loại tâm. (1) Ba tâm phát khởi để cầu vãng sanh Tịnh Độ, gồm: Chí Thành Tâm (至誠心, tâm chí thành), Thâm Tâm (深心, tâm sâu xa) và Hồi Hướng Phát Nguyện Tâm (廻向發願心, tâm phát nguyện hồi hướng); tương đương với nguyện thứ 18 trong 48 lời nguyện của Đức Phật Di Đà là Chí Tâm (至心, tâm chí thành), Tín Nhạo Tâm (信樂心, tâm tin tưởng vui mừng) và Dục Sanh Tâm (欲生心, tâm muốn sanh về cõi Cực Lạc). Có nhiều giải thích khác nhau về ba tâm nầy, như trong Vãng Sanh Lễ Tán Kệ (往生禮讚偈), Thiện Đạo (善導, 613-681) cho rằng Chí Thành Tâm là thân nghiệp lễ bái đức Phật Di Đà, khẩu nghiệp tán thán Ngài, và ý nghiệp chuyên niệm quán sát Ngài; Ba Nghiệp nầy phải chân thật; Thâm Tâm tức là tâm tin tưởng một cách chân thật, tin và hiểu được tự thân mình có đầy đủ phiền não của kẻ phàm phu, nay tin hiểu rõ thệ nguyện rộng lớn của đức Phật Di Đà, rồi xưng danh hiệu Ngài, thậm chí ít nhất cho đến 10 tiếng, 1 tiếng, nhất định sẽ được vãng sanh, cho đến trong một niệm mà không có tâm nghi ngờ; Hồi Hướng Phát Nguyện Tâm nghĩa là hết thảy các thiện căn mình đã tạo nên lâu nay, đầu xin hồi hướng và nguyện vãng sanh. (2) Ba tâm trong 10 Tín phát khởi để thành tựu Bồ Tát, gồm: Trực Tâm (直心), Thâm Tâm (深心), và Đại Bi Tâm (大悲心). Trực Tâm chỉ cho tâm chánh niệm chơn như. Thâm Tâm là tâm vui vẻ tập trung tất cả các hạnh lành. Đại Bi Tâm chỉ cho tâm muốn bạt trừ hết thảy khổ não của chúng sanh. Ba Tâm nầy tương đồng với Trực Tâm, Thâm Tâm, và Đại Thừa Tâm có đề cập trong Đại Thừa Khởi Tín Luận (大乘起信論), Phẩm Phật Quốc (佛國品) của Duy Ma Kinh (維摩經) quyển Thượng. (3) Là ba tâm do vị Bồ Tát từ Sơ Địa (初地) trở lên phát khởi, gồm: Chân Tâm (眞心), Phương Tiện Tâm (方便心) và Nghiệp Thức Tâm (業識心). Chân Tâm, còn gọi là Siêu Việt Tâm (超越心), tức là tâm của trí căn bản, không phân biệt. Phương Tiện Tâm là tâm từ này về sau có được trí tuệ làm lợi ích chúng sanh. Nghiệp Thức Tâm là khi sanh khởi hai trí Căn Bản (根本) và Hậu Đắc (後得), vẫn còn lưu lại tâm sanh diệt vi tế. (4) Ba tâm của người phàm phu chưa nhiếp trừ, gồm: Khởi Sự Tâm (起事心), Y Căn Bản Tâm (依根本心), và Căn Bản Tâm (根本心). (5) Ba tâm của vị Thánh cần phải đoạn trừ, gồm: Giả Danh Tâm (假名心), Pháp Tâm (法心) và Không Tâm (空心). Giả Danh Tâm là tâm chấp trước thật ngã. Pháp Tâm là tâm chấp trước các pháp có thật. Không Tâm là tâm chấp trước ngã, pháp đều không. Khi ba tâm nầy được chuyển hóa, các nghiệp phiền não tức vĩnh viễn không còn dấy khởi và vào Niết Bàn. (6) Ba tâm có trong mỗi Địa của Thập Địa, gồm: Nhập Tâm (入心), Trú Tâm (住心) và Xuất Tâm (出心).
- Ngũ Thể (五體): có nhiều nghĩa khác nhau. (1) Gồm: gân, mạch, thịt, xương, da. (2) Là 5 bộ phận của con người, gồm: đầu, hai tay và hai chân; hoặc đầu, cổ, ngực, tay, chân. (3) Chỉ cho toàn thân. (4) Là hai đầu gối, hai khuỷu tay và đầu, còn gọi là Ngũ Luân (五輪). Trong Phật Giáo có thuật ngữ thường được dùng là Ngũ Thể đầu địa (五體投地, năm vóc gieo xuống đất), hay Ngũ Luân đầu địa (五輪投地). Theo tác phẩm Đại Đường Tây Vức Ký (大唐西域記) quyển 2, phần Tam Quốc (三國) của Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang (三藏法師玄奘, 602-664) cho biết rằng: “Trí kính chi thức, kỳ nghi cửa đẳng: nhất phát ngôn úy vấn, nhị phủ thủ thị kính, tam cử thủ cao ấp, tứ hiệp chưởng bình củng, ngũ khuất tất, lục trường cứ, thất thủ tất cứ địa, bát Ngũ Luân cụ khuất, cửu Ngũ Thể đầu địa; phàm tư cửu đẳng, cực duy nhất bái, quỳ nhi tán đức, vị chi tận kính (致敬之式、其儀九等、一發言慰問、二俯首示敬、三舉手高揖、四合掌平拱、五屈膝、六長踞、七手膝踞地、八五輪俱屈、九五體投地、凡斯九等、極唯一拜、跪而讚德、謂之盡敬, hình thức kính thành tột cùng, nghi thức có chín: một là mở lời thăm hỏi; hai là cúi đầu thể hiện cung kính; ba là đưa tay lên cao vái xuống; bốn là chấp tay ngang ngực; năm là quỳ mọp xuống; sáu là ngồi xoải chân dài ra; bảy là tay, đầu gối và chân chấm đất; tám là năm điểm đều cong gập lại; chín là năm vóc gieo xuống đất; phàm chín nghi thức nầy, đến tận cùng chỉ có một lạy, quỳ mà tán thán đức độ, gọi đó là cung kính đến tận cùng).” Đây là hình thức lễ bái, được thể hiện từ đơn giản đến phức tạp, gọi là Thiên Trúc Cửu Nghi (天竺九儀), vốn là phương pháp lễ bái cung kính tột cùng của Ấn Độ cổ đại; sau nầy Phật Giáo dùng nghi thức nầy để kính lễ Tam Bảo. Ngũ Thể Đầu Địa còn được dùng để thể hiện sự kính trọng, khâm phục đối phương tột độ. Trong Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm Kinh (大佛頂首楞嚴經) quyển 1 có đoạn: “A Nan văn dĩ, trùng phục bi lệ, ngũ thể đầu địa, trường quỳ hiệp chưởng (阿難聞已、重復悲淚、五體投地、長跪合掌, A Nan nghe xong, lại càng buồn khóc, Năm Vóc gieo xuống, quỳ lạy chấp tay).” Hay như trong Lương Thư (梁書) quyển 54, phần Chư Di Liệt Truyện (諸夷列傳), Hải Nam Chư Quốc (海南諸國) lại có đoạn rằng: “Kim dĩ thử quốc quần thần dân thứ, sơn xuyên trân trọng, nhất thiết quy thuộc, ngũ thể đầu địa, quy thành Đại Vương (今以此國群臣民庶、山川珍重、一切歸屬、五體投地、歸誠大王, nay lấy quần thần, nhân dân nước nầy, trân trọng núi sông, hết thảy đều quy phục, Năm Vóc gieo xuống đất, kính thành Đại Vương).” Hoặc như trong Đàm Hoa Ký (曇花記) quyển 52 của nhà viết kịch Hí Khúc Đồ Long (屠隆, 1543-1605) nhà Minh có câu: “Đệ tử sắc thân cấu uế, căn khí hạ phàm, hà hạnh mông Đại Sĩ giáng lâm, Ngũ Thể đầu địa, bất thắng bi ngưỡng (弟子色身垢穢、根器下凡、何幸蒙大士降臨、五體投地、不勝悲仰, đệ tử sắc thân nhơ nhớp, căn khí phàm phu, sao may mong được Đại Sĩ giáng lâm, xin Năm Vóc gieo xuống đất, kính ngưỡng vô cùng).”