Dẫn nhập
Đức Phật đến với đời vì một nhân duyên lớn, không ngoài mục đích giúp chúng sanh thoát khỏi khổ đau sanh tử và có cuộc sống hạnh phúc. Khi sinh ra không ai muốn đau khổ, họ đã sống để tìm kiếm hạnh phúc chân thật của cuộc đời. Mục tiêu chính là xây dựng hạnh phúc bằng nhiều phương tiện, trong đó vật chất là hàng đầu. Thật ra, hạnh phúc không cần tìm kiếm ở đâu một cách xa vời mà ngay hiện tại ở tự thân của mỗi người được bình an, khỏe mạnh luôn sống trong tình thương của mọi người xung quanh là quá hạnh phúc. Nên cần có sự tu tập rèn luyện tinh thần mới có thể giúp chúng ta vượt qua khổ đau trong hiện tại và hưởng lạc ở tương lai. Để đạt được mục đích giải thoát hay có sự an tịnh, mỗi chúng ta cần thường xuyên ngoài việc học hiểu giáo lý chúng ta còn phải thực tập và hành trì phương pháp hành thiền, ấy chính là thiền quán hay thiền Vipassanā để đưa chúng ta đến cảnh giới giác ngộ giải thoát, khỏi vòng sanh tử luân hồi. Vì thế, Đức Phật đã dạy: “Đây là con đường duy nhất để thanh lọc tâm, chấm dứt lo âu, phiền muộn, tiêu diệt thân bệnh và tâm bệnh, thánh quả và chứng ngộ Niết bàn. Đó là thiền Vipassanā hay còn gọi là thiền Minh sát hay là Niệm xứ”.
ĐỊNH NGHĨA VỀ CHÁNH NIỆM
Chánh niệm tiếng Pāli là Sammā – Sati là một trong những chi phần quan trọng của Bát chánh đạo, chính là sự biết rõ mọi sự vật hiện tượng đang hiện hữu trên thế gian này. Phật giáo Nguyên thủy thường định nghĩa Chánh niệm chính là lòng từ bi với trái tim của việc thực hành thiền tập bản thân, là nguồn năng lượng tích cực giúp chúng ta quán chiếu lại chính mình, là yếu tố không thể thiếu của một hành giả, là tường rào, là trụ cột và chính yếu của Phật giáo nguyên thủy. Sách Tư tưởng Phật giáo Ấn Độ định nghĩa về chánh niệm như sau: “Chánh niệm là bước thứ bảy trong Thánh đạo tám chi, căn thứ ba trong ngũ căn…Vì vậy phần mở đầu bộ (….) (kinh Tứ niệm xứ đã viết, tu tập bốn niệm là con đường duy nhất (…) dẫn chúng sanh đến…” [1].
Trong Kinh Tương Ưng Bộ, Đức Phật cũng đã định nghĩa chánh niệm là khả năng nhận thức hay nhận diện thức tỉnh thân tâm của mình đồng thời còn chiếm vị trí quan trọng trong việc tu tập thiền Vipassanā: “Và này các Tỳ kheo, thế nào là niệm căn? Ở đây, này các Tỳ kheo, vị Thánh đệ tử chánh niệm, thành tựu niệm tuệ, tối thắng, ức niệm, tùy niệm các việc làm từ lâu và lời nói từ lâu, … quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Này các Tỳ kheo, đây gọi là niệm căn” [2].
Chánh niệm là toàn bộ thân tâm luôn trong trạng thái định tĩnh, nói dễ hiểu là không quên mình. Đối nghịch với chính niệm là thất bại, một trạng thái tâm rời khỏi thực tại thân tâm, đi lang thang trong thế giới mộng tưởng, huyễn hóa hay đánh mất mình trong những bên ngoài đối tượng yêu thương. Hành thiền quán Vipassanā sẽ có bốn điều chánh niệm sanh khởi: 1. Chánh niệm và tỉnh giác: chúng ta nên biết và ghi nhớ những gì xảy ra, thiền giả phải sử dụng tâm lực của mình để quán chiếu; 2. Tránh những người thất niệm: chúng ta không thân cận với người sống cẩu thả, sống buông lung, sống phóng giật, sống bê tha; 3. Thân cận với người sống có chánh niệm: khi chúng ta thất niệm thì người có chánh niệm sẽ giúp mình hành thiền có chánh niệm và phát triển mạnh mẽ hơn; 4. Kiên định với chánh niệm: hành giả phải luôn luôn duy trì chánh niệm trong mọi lúc mọi nơi, tạo cho chúng ta một thói quen tỉnh giác chánh niệm, không đãng trí, không lơ là trong mọi suy nghĩ, hành động lời nói đều có chánh niệm.
ĐỊNH NGHĨA VỀ THIỀN VIPASSANĀ
Vipassanā là tiếng Pāli, trong đó “Vi” có nghĩa là đặc biệt và Passanā có nghĩa là thấy biết. Vipassanā thường được gọi là thấy mọi sự việc đúng như thật, cũng là một trong những pháp môn tu tập về Thiền cổ xưa nhất của đất nước Ấn Độ. Vipassanā chính là con đường tự chuyển hóa thân tâm của mình bằng cách tự quán chiếu soi xét lại tự tâm của mình. Ngoài ra, Vipassanā là cái nhìn sâu sắc vào Tam pháp ấn của giáo lý Phật giáo là: Vô thường, khổ và vô ngã. Hay chúng ta có thể hiểu theo cách khác, pháp môn này cũng được gọi là thiền Minh sát, bắt nguồn từ ý Pāli có nghĩa là Tuệ minh sát. “Ðức Phật đã dạy Pháp môn thiền định mà do tự Ngài thực hành và chứng ngộ là Tuệ định, là Trí tuệ minh sát” [3].
Vipassanā là tiếng Pāli, trong đó “Vi” là có nghĩa là đặc biệt và Passanā có nghĩa là thấy biết. Vipassanā thường được gọi là thấy mọi sự việc đúng như thật, cũng là một trong những pháp môn tu tập về Thiền cổ xưa nhất của đất nước Ấn Độ.
Thiền Vipassanā đây chính là một phương pháp giúp hành giả thiền quán chứ không phải là thiền định. Thiền định là hành giả tập trung vào hơi thở hoặc một đối tượng cụ thể giúp cho hành giả thân tâm tĩnh lặng và thanh tịnh. Còn thiền Vipassanā giúp người hành thiền nhận rõ bản chất của vô thường, khổ và vô ngã của tất cả sự vật hiện hữu xung quanh chúng ta, từ đó đi sâu vào gốc rễ của thân và tâm, diệt trừ những thứ bất tịnh trong tâm thức. Chính vì thế giúp mỗi hành giả cảm thấy an lạc và có định lực vượt qua mọi chướng ngại của cuộc sống. “Thực hành phương pháp này sẽ làm cho thiền Vipassanā được thêm phong phú, vì khoảng không gian thênh thang và sự nhẹ nhàng trong tâm mà nó có thể tạo nên…” [4]. Với người thực hành thiền Vipassanā, họ luôn nhìn nhận sự việc xung quanh chính xác hơn. Một thời, Thế Tôn ở xứ Kuru, Kiềm-ma sắt-đàm là đô thị của xứ Kuru. Sau đó, Thế Tôn gọi các vị Tỳ kheo: “Này các Tỳ kheo, đây là con đường độc nhất, đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh” [5]. Đó là bốn niệm xứ để hành giả tu tập Thiền quán nhìn vào đó mà quán xét. Bốn niệm xứ chính là quán thân trên thân, quán thọ trên các thọ, quán tâm trên tâm, quán pháp trên các pháp.
THỰC HÀNH CHÁNH NIỆM CỦA THIỀN VIPASSANĀ THEO TIẾN TRÌNH BỐN NIỆM XỨ
Phật học căn bản định nghĩa Tứ niệm xứ như sau: “Này các Tỳ kheo, đây là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu bi, diệt trừ khổ ưu, thành tựu Chánh trí, chứng ngộ Niết bàn” [6]. Ở đây, các Tỳ kheo thường sống trong nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời; sống trong chánh niệm và hành giả phải luôn tu tập thực hành sống quán thọ trên các thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời; sống quán tâm trên bốn đề mục là Thân – Thọ – Tâm – Pháp.
Quán thân trên thân (Kāyānupassanā Sitipaṭṭhāna)
Theo Kinh Đại Niệm Xứ, ta cần thực hành trên các đề mục như “quán thân trên thân” nghĩa là hành giả phải quán sát và tiếp nhận tất cả những gì đang xảy ra nơi cơ thể của chính mình. Quán thân trên chính sự nhiệt tâm, luôn luôn chánh niệm trong mọi hoàn cảnh để chế ngự mọi thứ phiền não, tham ưu ở cuộc đời đầy khổ đau sanh tử luân hồi này. Bởi thân này là vô thường, là một vật bất tịnh chẳng có gì trường tồn, nó được kết hợp bởi những yếu tố trừu tượng là đất, nước, gió và lửa, mà do vô minh nên ta luôn cho rằng nó thường hằng và quý báu, đôi khi tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc để lo cho thân. Bởi ta không chấp nhận được sự thay đổi của định luật vô thường. Trong phương pháp niệm thân, có phương pháp niệm hơi thở. Hành giả ngồi xếp bằng với một tư thế thoải mái nhất, chú trọng vào tâm ý của mình vào sự hoạt động của thân và tiếp nhận hơi thở vào, hơi thở ra. Quán thân lúc này chính là chánh niệm tỉnh giác trong từng hơi thở, thở ra ta biết ta đang thở ra, thở vào ta biết ta đang thở vào và các động tác thông thường, các bộ phận ở trong thân thể, tứ đại và chín giai đoạn tan rã của thân thể. Chính sự quán thân trên thân này là sự quán xét ngay nơi thân thể mỗi chúng ta, hành giả thiền quán về thân thể chứ không nên nương vào một cái gì hết hay một cảm giác hay ý nghĩa của mình mà hãy quán niệm ngay trên cơ thể này. “…Tỉnh giác, vị ấy thở vô; tỉnh giác, vị ấy thở ra. Thở vô dài, … Tôi thở vô ngắn; hay thở ra ngắn, vị ấy tuệ tri : Tôi thở ra ngắn; Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở vô, vị ấy tập;…” [7].
Quán thọ trên các cảm thọ (Vedanānupassanā Sitipaṭṭhāna)
Quán thọ trên các cảm thọ thì mỗi hành giả hay nên tự mình tinh tấn trong việc hành trì, chánh niệm trong việc thực tập thiền quán, tỉnh giác trong mọi hoàn cảnh để tâm chúng ta không chạy theo những thú vui của cuộc đời hãy tự làm chủ cảm giác hay cảm thọ của chính mình. Đức Phật dạy rằng: “Sống quán thọ trên các thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời”. Quán thọ trên các cảm thọ gồm: lạc thọ, khổ thọ và bất khổ bất lạc thọ. Khi bất kỳ cảm thọ nào khởi lên chúng ta quán chiếu và ghi nhận những cảm xúc đang xảy ra trong thân thể chúng ta. Khi cảm thọ sanh khởi, chúng ta nên lắng nghe để tiếp xúc với cảm thọ đó. Điều quan trọng khi thiền quán thọ thì chúng ta nên đối diện với chính mình, cố gắng tinh tấn hành trì để thấu rõ mọi sự việc đều vô thường và tánh không tất cả cảm thọ. “Tôi cảm giác lạc thọ; khi cảm giác khổ thọ, biết rằng: Tôi cảm giác khổ thọ; khi cảm giác bất khổ bất lạc thọ, biết rằng: Tôi cảm giác bất khổ bất lạc thọ. Hay khi cảm giác lạc thọ thuộc vật chất biết rằng: Tôi cảm giác lạc thọ thuộc vật chất” [8]…
Khi hành giả đã tiếp nhận được các cảm thọ phát sanh, chúng ta sẽ thấy sự sinh diệt của loại cảm thọ này. Chúng ta có thể quán sát bên trong trên cảm thọ của mình và quán sát bên ngoài trên cảm thọ của người khác hay quán sát bên trong cảm thọ chính mình và quán sát bên ngoài cảm thọ của người khác. Nhưng nếu thực hành quán thọ trên cảm thọ tự nhiên, lúc ấy có sự quán xét và hiểu được do nhân duyên nên vui vẻ chấp nhận mà không sanh lòng phiền muộn. Đó là phương pháp chánh niệm các cảm thọ của người có tu tập trong cuộc sống, cũng như ý thức và chánh niệm các cảm thọ của chính mình.
Quán tâm trên tâm (Cittānupassanā satipaṭṭhāna)
Tâm mà chúng ta thường hay nói đến chính là tâm vương, nó chính là một phần của tâm thức. Theo những lời dạy của Đức Phật tâm thường có hai loại gồm tâm vương và tâm sở. Trong Kinh Đại Niệm Xứ có nói đến nhiều loại tâm vương đi kèm với tham, không đi kèm với tham, đi kèm với sân, không đi kèm với sân, đi kèm với si, không đi kèm với si. Những điều đó được nhắc đến trong Kinh Đại Niệm Xứ rằng: “Với tâm có tham, biết rằng tâm có tham”; hay “Với tâm không tham, biết rằng tâm không tham”; hay “Với tâm có sân, biết rằng tâm có sân”; hay “Với tâm không sân, biết rằng tâm không sân”; hay “Với tâm có si, biết rằng tâm có si”; hay “Với tâm không si, biết rằng tâm không si” [9]…
Khi quán chiếu quán tâm trên tâm, thì hành giả cần chú ý đến tâm gồm có các đặc tính trái chiều nhau: tâm thiện, tâm ác; tâm tham lam; tâm chuyên chú, tâm tán loạn; tâm quảng đại, tâm nhỏ nhoi; tâm bậc cao, tâm bậc thấp; tâm tích cực, tâm tiêu cực; tâm thánh, tâm phàm; tâm từ bi, tâm sân hận; tâm sáng suốt, tâm si mê; tâm hoan hỷ, tâm giận dữ; tâm độ lượng,… Chúng ta nên nỗ lực tu tập để làm chủ bản thân để chúng ta chuyển tâm mình sang những tâm tốt hơn, đồng thời để phát triển những đặc tính của tâm theo một chiều hướng tích cực và trở thành bậc chân thiện mỹ trong cuộc sống. Chính vì thế, khi biết quán sát tâm thì chúng ta nên chỉ biết tâm mà thôi, khi đó bạn sẽ có quán niệm mới, biết rằng chúng sanh diệt trên từng sát na nên sẽ vô thường. Một khi đã thấy rõ sự vô thường đó thì sẽ không còn chấp chặt hay dính mắc vào nó nữa và mình sẽ không còn tham, sân, si hay tham ái. Tà kiến dứt được mọi tham ái thì nghiệp không thể hình thành và sẽ chấm dứt mọi khổ đau của thế gian để đạt được quả vị giải thoát.
Quán pháp trên các pháp (Dhammānupassanā satipaṭṭhāna)
Quán pháp trên các pháp đối với năm triền cái. Vậy pháp ở đây gồm tất cả các đối tượng của tâm khi căn tiếp xúc với trần thì sanh ra các cảm thọ. Đó đều là các pháp. Trong Duy Thức có nói: Pháp là chi và chi cũng là pháp. Ngũ triền cái chính là ái dục, sân hận, hôn trầm, trạo hối và nghi ngờ. Đó là năm thứ ngăn che sự phát triển của năm thiền chi là tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm. Vì vậy, chúng ta cần phải tu tập để loại trừ. Ái dục chính là chướng ngại đầu tiên làm cho hành giả không giác ngộ được giáo lý của Đức Phật. Theo quan điểm của Phật giáo, ái chính là tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống và ngủ nghỉ. Năm nhóm ái dục là chướng ngại rất lớn của hành giả trên con đường tu tập thiền quán để đạt được giải thoát giác ngộ. “Này các Tỳ kheo, ở đây Tỳ kheo, nội tâm có tham dục, tuệ tri: “Nội tâm có tham dục”; hay nội tâm không có tham dục, tuệ tri rằng: “Nội tâm tôi không có tham dục”. Và với tham dục chưa sanh nay sanh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy” [10].
Để nhận ra tham ái không phải dễ, khi tâm dính mắc vào ý niệm ghét thương, thích không thích đã là ái rồi. Bởi thế, ta thường hay nghe trong pháp môn Tịnh độ: Ái bất nhiễm bất sanh ta bà, niệm bất nhất bất sanh Tịnh độ. Nếu là người có tu tập tại sao ta không quán tất cả là vô thường, có sanh tức có diệt không thể trường tồn. Bởi “do cái này có mặt nên cái kia có mặt, do cái này không có mặt nên cái kia không có mặt. Do cái này sanh nên cái kia sanh. Do cái này diệt nên cái kia diệt” [11]. Nghĩ được như vậy, tự nhiên ta buông được. Cũng như các vị Tổ thường dạy, cái gì nắm được sẽ buông được. Vì thế, tham sân si có trong ta thì ta có thể tu tập để loại trừ lần lần, chuyển mình từng bước trong cuộc sống từ phàm phu lên thánh cũng không ngoài việc ấy.
Quán pháp trên các pháp đối với năm thủ uẩn. Đó là một trong những tổng hợp của sắc – kalāpa, có sự hòa quyện lại với nhau như phần vật chất. Tâm được chia làm bốn uẩn khác: thức; tưởng; thọ và hành. Đây chính là sắc, đây là sự sanh khởi của sắc, đây là sự hoại diệt của sắc… Thiền minh sát đã chia cắt và quán sát ở hiện tại. Lúc ấy chấp thủ ra đi. Các uẩn còn lại, tiếp tục sanh và diệt, nhưng bây giờ chỉ là các uẩn thuần túy, vì thủ – upādāna đã ra đi. Năm uẩn ấy cũng không ngoài thân thể của ta. Vậy muốn loại trừ sự đắm nhiễm của năm uẩn ấy không ngoài quán sự cảm thọ đối với căn và trần. Hay đối với sáu nội xứ và sáu ngoại xứ cũng vậy gồm mắt, mũi, lưỡi, thân, ý. Sáu ngoại xứ chính sáu trần gồm: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Khi mắt chúng ta nhìn trực tiếp vào đối tượng là sắc thì hành giả phải tuệ tri… “Này các Tỳ kheo, ở đây Tỳ kheo tuệ tri con mắt và tuệ tri các sắc, do duyên hai pháp này, kiết sử sanh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy; và với kiết sử chưa sanh nay sanh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy; và với kiết sử đã sanh nay được đoạn diệt, vị ấy tuệ tri như vậy; và với kiết sử đã được đoạn diệt, tương lai không sanh khởi nữa, vị ấy tuệ tri như vậy”… [12].
Quán pháp đối với Thất giác chi (Bojjhaṅga). Đây chính là bảy chi phần của sự giải thoát giác ngộ. Tự tánh của chúng rất thanh tịnh: Thức – viññāna – là thanh tịnh, nhưng các hành (saṅkhāra) quá khứ, làm nhân duyên cho tưởng (saññā) luôn luôn đưa ra những đánh giá sai lầm. Và khi thọ (vedanā) sanh thì hết hành này đến hành (saṅkhāra) khác được sanh ra. Thất giác chi (bojjhaṅga) sẽ phục hồi lại sự thanh tịnh này: khi các chi phần giác ngộ được quán xét như hiện tại, chúng sẽ tăng trưởng trở nên hoàn thiện và mỗi chi phần trong thất giác chi sẽ hoàn hảo, sự giác ngộ sẽ hoàn hảo. Đây là toàn bộ tiến trình Vipassanā. Bên cạnh đó, “Đức Phật ca ngợi pháp tu Tứ niệm xứ diệt trừ tận gốc tham sân si sống hỷ lạc nhờ tu tập hộ trì các căn” [13]. Với một người xuất gia học Phật để giải thoát, chúng ta không thể không bước qua những giai đoạn này.
ỨNG DỤNG TU TẬP CHÁNH NIỆM TRONG THIỀN VIPASSANĀ
Tu tập chánh niệm trong thiền Vipassanā rất quan trọng đối với sự thực tập thiền của một hành giả. Khi tu tập thiền Vipassanā, Đức Phật luôn nhấn mạnh rằng: Tâm là cốt lõi của việc tu tập của chúng, hãy luôn giữ tâm thanh tịnh và an lạc trong khi hành thiền. Vì Đức Phật muốn nhấn mạnh chúng ta phải thanh lọc tâm phiền não, tâm ô uế. Điều này không có nghĩa chúng ta dễ dãi với thân thể mình. Chúng ta nên chăm sóc bản thân thật tốt, khi sức khỏe tốt nhiều năng lượng thì hành thiền quán mới hiệu quả và chất lượng. Khi thực tập chánh niệm của thiền Vipassanā, chúng ta thấy được rất nhiều lợi ích khi tu tập thiền quán.
Thực hành chánh niệm thiền Vipassanā là một pháp môn rất tốt cho những người đang bị bệnh, chính thiền Vipassanā là phương thuốc để chữa những tâm bệnh mà những phương thuốc ngoài thế gian không thể chữa khỏi và những căn bệnh nằm ở dưới dạng thức đó chính là những phiền não của chúng sanh đang hiện diện ở hiện tại. Đó chính là những căn bệnh như: tham lam, sân hận, si mê, tà kiến… Vì chúng ta đang là những phàm phu nên vẫn còn mắc những căn bệnh này. Muốn loại trừ điều đó, chúng ta nên thực hành thiền Vipassanā để quán sát tất cả là vô thường, là khổ, là vô ngã thì những căn bệnh này mới đoạn trừ và diệt tận. Khi đó, hành giả sẽ đạt được an lạc và giải thoát trên con đường tu tập.
LỢI ÍCH CỦA CHÁNH NIỆM TRONG VIỆC TU TẬP THIỀN VIPASSANĀ
Mục đích tối thượng của một hành giả thực hành thiền Vipassanā để loại trừ những ô nhiễm và phiền não trong thân và tâm. Trước khi đạt được mục đích này, hành giả thực tập thiền Vipassanā sẽ có một số lợi ích trong thực tại như: cuộc sống bình an, tâm thanh tịnh. Điều đó giúp ta nhìn rõ mọi vật và thực hành hay ứng xử trong cuộc sống đúng hơn, có khả năng chấp nhận những chuyện bất như ý bất ngờ đến với ta và giúp ta yêu đời lạc quan, tự tin hơn trong cuộc sống. Hành giả thực tập thiền Vipassanā sẽ có một số lợi ích trong thực tại:
1. Cuộc sống của chúng ta sẽ bình an và tĩnh lặng. Khi đó, hành giả thực hành thiền sẽ có một nội lực khá tốt để vượt qua mọi khổ đau xảy ra với bản thân.
2. Giúp chúng ta nhìn đúng sự vật hiện tượng, đúng thực tướng của nó, không thấy chúng có quá những biểu hiện bên ngoài. Sự vật xuất hiện trước mắt dưới một trạng thái vĩnh cửu, vững bền, đáng yêu và có thực chất, nhưng thực tế chúng không phải như vậy. Khi thực hành Thiền minh sát, hành giả sẽ thấy rõ bản chất của sự vật, hiện tượng vật chất hay tinh thần có sự sanh – diệt như thế nào. Từ đó, hành giả nhận thức rõ ràng hơn những diễn biến trong thân và tâm.
3. Có đủ khả năng chấp nhận mọi chuyện đang xảy ra với chính người hành trì bằng trạng thái an nhiên, không bị xao động hay cảm xúc; đối diện sự thật một cách lạc quan và yêu đời hơn.
Vipassanā còn được hiểu là theo dõi chính mình một cách chân thực nhất, quan sát và lắng nghe từng hơi thở nội tâm. Khi hiểu được chính mình, ta sẽ biết lắng nghe nhiều hơn, biết nhìn nhận mọi sự việc một cách khách quan và sáng suốt hơn. Rồi từ đó đưa ra những quyết định đúng đắn cho mình và mọi người. Thiền Vipassanā hướng đến sự thực tiễn cao chứ không phải là những kiến thức thâm sâu, bí hiểm. Nó không chỉ giúp mỗi cá nhân an lạc hơn mà còn thúc đẩy xã hội với những con người có nhận thức đúng đắn, luôn đưa ra những quyết định phù hợp dựa trên sự quan sát kĩ càng chứ không mang tính bồng bột, thiếu suy nghĩ. Tịnh hóa thân tâm trong tu tập và dần dần sẽ giúp hành giả thay đổi các quan điểm lạc hậu và chịu khó quán sát cặn kẽ thì suy nghĩ của chúng ta sẽ sáng suốt hơn… Từ đó, chúng ta sẽ gặt hái nhiều lợi ích thiết thực hơn trong cuộc sống của chính mình.
KẾT LUẬN
Tóm lại, thiền là phương pháp hành trì nhằm loại trừ phiền não. Với nội dung đã trình bày ở trên, ta thấy được “Tầm quan trọng của tu tập chánh niệm trong việc thực hành thiền Vipassanā” chính là không ngoài tu tập theo Tứ niệm xứ và hành thiền các phương pháp thiền Vipassanā. Điều chính yếu là cần “Chánh niệm tỉnh giác” trong mọi lúc mọi nơi. Đã là người chọn con đường xuất thế thượng trần, ta đừng vì một niệm sai lầm hay hiểu chưa sâu lời Phật dạy mà uổng phí cuộc đời tu tập. Khi hiểu ra, ta càng thấy sự ham muốn của mình là vô tận, có khi thiện nhưng có khi bất thiện. Chúng ta nên nỗ lực tinh tấn tu tập để chuyển những nghiệp bất thiện thành thiện, chuyển tham sân si thành vô tham, vô sân và vô si để đi trên con đường các bậc thánh đã đi. Bởi tu là chuyển nghiệp, không những ngay cuộc sống hiện tại mà còn ở nhiều kiếp về sau. Đức Phật đã dạy trong Kinh Pháp Cú kệ số 29 như sau:
“Tinh cần giữa phóng dật
Tỉnh thức giữa quần mê
Người trí như ngựa phi
Bỏ sau những ngựa què”.
Thích Chúc Thanh
Nguồn: Tạp chí văn hoá Phật giáo
Chú thích:
[1] Hạnh Viên (2011), Tư tưởng Phật giáo Ấn Độ, Nxb. Phương Đông, TP HCM, tr.77.
[2] HT Thích Minh Châu (2013), Kinh Tương Ưng Bộ tập 2, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.608.
[3] HT. Thích Chơn Thiện (2006), Tăng Già thời Đức Phật, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.182.
[4] Nguyễn Duy Nhiên (2009), Ba mươi ngày Thiền quán, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.225.
[5] HT. Thích Minh Châu (1991), Kinh Trường Bộ 2, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP HCM, tr.185.
[6] Thích Minh Châu (2001), Kinh Trung Bộ, Kinh Đại Niệm Xứ, Nxb. Tôn giáo, tr.215.
[7] HT. Thích Minh Châu (2013), Kinh Trường Bộ – Phẩm 22, Kinh Đại Niệm Xứ, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.445.
[8] HT. Thích Minh Châu (2013), Kinh Trường Bộ – Phẩm 22, Kinh Đại Niệm Xứ, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.450.
[9] HT. Thích Minh Châu (1991), Kinh Trường Bộ 2, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP HCM, tr.196.
[10] Thích Minh Châu (1991), Kinh Trường Bộ 2, Nxb. Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP HCM, tr.197.
[11] Thích Minh Châu (1993), Kinh Tương Ưng tập II, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP HCM, tr.129.
[12] HT. Thích Minh Châu (1991), Kinh Trường Bộ 2, Nxb. Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP HCM, tr.201.
[13] TT.TS.Thích Viên Trí (2015) Phật Học Căn Bản, bài Tứ Niệm Xứ, Nxb. Phương Đông, tr.128.
Tài liệu tham khảo
1. HT. Thích Minh Châu (1991), Kinh Trường Bộ 2, Nxb. Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP HCM. 2. Thích Minh Châu (2001), Kinh Trung Bộ, Kinh Đại Niệm Xứ, Nxb. Tôn giáo. 3. Thích Minh Châu (2013), Kinh Trường Bộ – Phẩm 22, Kinh Đại Niệm Xứ, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội. 4. Thích Minh Châu (2013), Kinh Tương Ưng Bộ tập 2, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội. 5. Nguyễn Duy Nhiên (dịch, 2009), Ba mươi ngày Thiền quán, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội. 6. Thích Chơn Thiện (2006), Tăng già thời Đức Phật, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội. 7. Hạnh Viên (2011), Tư tưởng Phật giáo Ấn Độ, Nxb. Phương Đông, TP HCM.