Chùa Bằng, tên chữ Hán là Linh Tiên Tự (靈仙寺), tọa lạc khu Bằng A, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội. Thời Lê, chùa thuộc xã Bằng Liệt, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam. Chùa ra đời khi nào chưa tra khảo được. Theo Tu Tạo Linh Tiên Tự Bi (修造靈仙寺碑) thì vào năm Hoằng Định 18 (1617), trụ trì chùa là Nguyễn Văn Tông 阮文宗, tự Huệ Nguyên 惠原 đứng ra vận động hai làng Linh Đường và Bằng Liệt trùng tu chùa và cầu Bến Đại. Như thế thì biết chùa đã xây dựng trước năm 1617.
Trong khoảng thời gian này, chúng ta không được biết nhiều các hoạt động Phật sự của chùa. Đến năm Thịnh Đức 2 (1654)[1], chùa lại được trùng tu nhà thiêu hương, tiền đường do sự phát tâm của hai vợ chồng ông Ngô Vĩnh Lăng, tự Chân Sinh và bà Lưu Thị Lý, hiệu Diệu Minh, dưới sự chủ trì của Thiền sư Huệ Quảng (惠廣禪師). Tư liệu văn bia chùa không cho biết nhiều, chỉ biết Thiền sư thế danh là Lê Khả Đắc, người xã Ba Lăng, Thượng Phúc. Hai thí chủ được dân làng bầu hậu, ông được bầu làm hậu Thần, bà được bầu làm hậu Phật, hằng năm qui định cúng tế cho ông bà. Như thế, chùa Bằng trải qua mấy mươi năm đã được trùng tu 2 lần.
Vị Thiền sư kế thừa trụ trì mà chúng ta được biết là Thiền sư Như Liên Bất Trước Thủy (如蓮不著水禪師). Theo Kiến tính thành Phật[2], trong danh sách những người được kế đăng của Thiền sư Chân Nguyên thì Thiền sư Như Liên là vị thứ 2 trong bảng danh sách gồm 30 vị. Theo Quang Ân Thiền Tự Thiên Đài Trụ Thạch[3] do chính Thiền sư soạn và viết chữ vào năm Chính Hòa 25 (1704) thì ông không những trụ trì chùa Bằng mà kiêm nhiệm chùa Quang Ân.
Hiện chùa Bằng còn một cái trống đá được làm năm Bảo Thái 4 (1723), trong đó Thiền sư Như Liên cho soạn một bài văn ghi lại công đức của các thí chủ.
Thiền sư Như Liên xây dựng hai ngôi chùa Bằng và Quang Ân trở thành những ngôi già lam qui mô. Thiền sư không những phát triển cơ sở vật chất cho Phật giáo mà còn đặt nền móng bền vững cho các thế hệ sau mình thuận tiện hơn trong việc hoằng hóa lợi sinh. Thiền sư Như Liên viên tịch khoảng trước năm Bảo Thái 8 (1727). Vì lúc này Thiền sư Tính Tuyên, người trụ trì kế tiếp đã đứng ra vận động thập phương tín thí làm mới Thạch kiều và Quán đá[4].
Thiền sư Tính Tuyên và Thiền sư Như Liên có phải là hai thầy trò hay không, hiện vẫn chưa được rõ. Chúng ta có thể nhận thấy là hai vị trong cùng một dòng thiền Đông Đô. Thiền sư Tính Tuyên kế đăng trụ trì hai chùa Quang Ân và Linh Tiên. Sư quê xã Ninh Vũ, huyện Đông An, phủ Khoái Châu. Sư Tính Tuyên khi còn là Sa-di đã làm nhiều Phật sự lớn như vận động tín thí xây hai cầu đá là cầu Quang Bằng và Cầu Biêu mà văn bia ghi lại[5].
Trong vòng 10 năm, từ khi Thiền sư đứng ra vận động xây dựng cầu đá ở xứ Cầu Hóp năm Bảo Thái 8 [1727] đến xây cầu Quang Bằng năm Long Đức 3 [1734] và đến năm Vĩnh Hựu 3 [1737] cho xây cầu Biêu thì thấy được vai trò rất lớn của Thiền sư Tính Tuyên. Phải nói rằng, Thiền sư Tính Tuyên có uy tín lớn mạnh, thập phương tín thí mới dám bỏ tiền ra ủng hộ nhiều được. Thiền sư Tính Tuyên xứng đáng để chúng ta tôn xưng là tổ lập cầu.
Năm 1747, Thiền sư Tính Tuyên in lại tác phẩm Ngũ Chủng Bồ Đề Yếu Nghĩa của Chuyết Công Hòa thượng. Trong lần in này, Thiền sư Tính Tuyên đã in thêm tác phẩm của Thiền sư Chân Nguyên là Tịnh Độ Yếu Nghĩa như là phần phụ lục với nhan đề “Phụ hậu thiện ác báo ứng, phả khuyến niệm Phật, lâm chung chính niệm” vào tác phẩm. Theo thầy Lê Mạnh Thát[6], bài “Trùng San Ngũ Chủng Bồ Đề Yếu Nghĩa Tự Văn” là do Tính Tuyên viết.
Chúng tôi còn phát hiện một bản Ngũ Chủng Bồ Đề Yếu Nghĩa nữa, bản in năm Bảo Thái 7 [1726] do Thiền sư Chân Nguyên trùng san. Lúc này, Thiền sư Chân Nguyên đã 80 tuổi, giao phó cho sư Như Tùy (1696 – 1733) trông nom khắc in. Như thế, Thiền sư Tính Tuyên có được giao phó hay không thì chúng ta chưa dám chắc. Bởi sư Như Tùy là đệ tử trực tiếp của Thiền sư Chân Nguyên, nên lời dặn dò là hợp lí. Thiền sư Tính Tuyên hiện chưa thấy có tư liệu nào nói sư tham học với Thiền sư Chân Nguyên, chính sư tự xưng là pháp tôn của Thiền sư Chân Nguyên. Liệu sư Như Tùy và Thiền sư Tính Tuyên có quan hệ thầy trò chăng?
Từ tư liệu này mà chúng ta biết Thiền sư Tính Tuyên đã thụ giới Tỳ-kheo như cuối tác phẩm ghi: “Lâm Tế thiền tông Nam Sơn đạo mạch trụ trì Quang Ân tự sa môn tự Tính Tuyên”. Năm 1747, Tính Tuyên đã giao chùa Linh Tiên cho Thiền sư Hải Dương mà sách ghi: “Nhất trụ trì Linh Tiên thiền tự Chân Giác Sa di Hải Dương”.
Về năm tịch của Thiền sư Tính Tuyên, chúng ta có thể suy ra được từ các nguồn tư liệu. Năm mà Thiền sư in tác phẩm trên là vào ngày tốt giữa hạ năm Cảnh Hưng 8 [1747] và theo Quang Ân Tự Hậu Phật Điền Bi Ký nói ngày 28 tháng 5 năm Đinh Mão [1747] dân làng mời Thiền sư Như Tâm về trụ trì chùa Quang Ân. Như thế thì sau khi in lại sách không lâu, Thiền sư Tính Tuyên đã viên tịch. Chúng tôi xác định ngày mồng 6 tháng 5 năm 1747 là ngày Thiền sư viên tịch nhờ một văn bia chùa Thiên Quang[7] ghi lại như sau:
南無金剛塔摩訶比丘不著 水字如蓮禪師禪座下六月十五日正忌
南無靈光塔摩訶比丘字性宣禪師禪座下五月初六日正忌
南無圓光塔摩訶僧副比丘字海楊禪師禪座下六月初八日正忌
南無祥光塔圓融僧副比丘字寂燸禪師禪座下十二月初二日正忌
Nam mô Kim cương tháp ma ha Tỳ-kheo Bất Trước Thủy tự Như Liên Thiền sư thiền tọa hạ, lục nguyệt thập ngũ nhật chính kị.
Nam mô Linh Quang tháp ma ha Tỳ-kheo tự Tính Tuyên Thiền sư thiền tọa hạ, ngũ nguyệt sơ lục nhật chính kị.
Nam mô Viên Quang tháp ma ha Tăng phó Tỳ-kheo tự Hải Dương Thiền sư thiền tọa hạ, lục nguyệt sơ bát nhật chính kị.
Nam mô Tường Quang tháp Viên Dung Tăng phó Tỳ-kheo tự Tịch Nhu Thiền sư thiền tọa hạ, thập nhị nguyệt sơ nhị nhật chính kỵ.
Văn bia ghi lại danh sách 4 vị sư trụ trì chùa Bằng và các ngày kị giỗ. Sau khi Thiền sư mất, đệ tử xây tháp phụng thờ. Chúng ta biết tháp Thiền sư tên là “Linh Quang”. Nhờ văn bia mà chúng ta biết thêm vị kế đăng chùa Bằng là Thiền sư Tịch Nhu. Danh sách này được Thiền sư Chiếu Tính, trụ trì chùa Thiên Quang cho ghi lại.
Chuyển qua giai đoạn đầu nhà Nguyễn, hiện biết Thiền sư Phổ Siêu trụ trì chùa. Thiền sư cho đúc chuông triêu mộ vào năm Minh Mệnh 18 [1837]. Nhân dân trong vùng thường ca ngợi như sau: “Chuông Bằng, trống Lũ, mõ Định Công, cồng làng Sét”. Về vị Thiền sư này, hiện chỉ biết được như thế.
Trước đây, trong Hà Nội Danh Lam Cổ Tự mục viết về chùa Bằng, các tác giả đã cho Thiền sư Phổ Siêu trụ trì chùa sau Thiền sư Chiếu Sửu Trí Điển, Phổ Tế Trí Tâm, Phổ Quang. Chúng tôi nhận thấy như thế là làm đảo lộn trật tự thế hệ trụ trì chùa. Theo Toàn Tập Minh Châu Hương Hải, phần nguyên bản tác phẩm Di Đà Kinh Thích Giải Hoa Ngôn được in năm Minh Mệnh 14 [1833] có ghi lại danh sách những vị chứng san như: 崇福寺智水大德 (Sùng Phúc Tự Trí Thủy Đại đức)[8]. Thiền sư Trí Thủy còn có tự là Tịch Tính, ngài là vị đệ tử của Thiền sư Từ Nghiêm Hải Thư, trụ trì chùa Sùng Phúc, Tam Huyền[9]. Thiền sư Trí Thủy lại là bản sư của Thiền sư Chiếu Sửu Trí Điển, trụ trì chùa Bằng. Chúng ta thấy Thiền sư Phổ Siêu sống cùng thời hoặc có thể lớn tuổi hơn Thiền sư Trí Thủy, thì làm gì lại trụ trì sau Thiền sư Chiếu Sửu được. Do đó, Thiền sư Phổ Siêu là vị trụ trì trước thế hệ Thiền sư Chiếu Sửu.
Theo Thiền Uyển Truyền Đăng Lục, quyển hạ ghi:
河內三玄門崇福寺性泉湛公始祖下二傳慈嚴海書大師…下三傳盛光所福慶寺智鏡寂光大師…二枝下三傳國賜刀牒智水寂性和尚…下四傳憑烈靈仙寺沙門照丑智典大師貫東澤棟巴村人姓劉十二出世師性本柔和真旨不忘笑語不辨是非日常禮誦為功案壽五十四歲門下法嗣六人一日告疾面西而逝門人建塔像奉事本寺下五傳比丘普濟智心禪師貫上福養賢人姓黃氏十二出家師為人愨謹少語通明正直凝重而有禮以大法自負行年四十八歸西下六傳比丘普光本社人十二出家師性少語以法律為先行事則循天理
“Hà Nội Tam Huyền Môn Sùng Phúc tự, Tính Tuyền Trạm Công thủy tổ… Hạ nhị truyền Từ Nghiêm Hải Thư Đại sư… Hạ tam truyền Thịnh Quang Sở Phúc Khánh tự Trí Kính Tịch Quang Đại sư… Nhị chi, hạ tam truyền quốc tứ đao điệp Trí Thủy Tịch Tính Hòa thượng… Hạ tứ truyền Bằng Liệt Linh Tiên tự Sa-môn Chiếu Sửu Trí Điển đại sư, quán Đông Trạch, Đống Ba thôn nhân, tính Lưu. Thập nhị xuất thế, sư tính bản nhu hòa, chân chỉ bất vong tiếu ngữ, bất biện thị phi, nhật thường lễ tụng vi công án, thọ ngũ thập tứ tuế. Môn hạ pháp tự lục nhân. Nhất nhật cáo tật diện Tây nhi thệ, môn nhân kiến tháp tượng, phụng sự bản tự. Hạ ngũ truyền Tỳ-kheo Phổ Tế Trí Tâm Thiền sư, quán Thượng Phúc Dương Hiền nhân tính Hoàng thị. Thập nhị xuất gia, sư vi nhân khác cẩn,
thiểu ngữ thông minh chính trực, ngưng trọng nhi hữu lễ dĩ đại pháp tự phụ, hành niên tứ thập bát qui Tây. Hạ lục truyền Tỳ- kheo Phổ Quang bản xã nhân. Thập nhị xuất gia, sư tính thiểu ngữ dĩ pháp luật vi tiên hành sự tắc tuần thiên lí[10].
Tạm dịch: “Thủy tổ Tính Tuyền Trạm Công, chùa Sùng Phúc, Tam Huyền môn… truyền xuống đời thứ 2 là Đại sư Từ Nghiêm Hải Thư… Truyền xuống đời thứ 3 là Đại sư Trí Kính Tịch Quang, chùa Phúc Khánh, sở Thịnh Quang… Chi thứ 2, truyền xuống đời thứ 3 là Hòa thượng Trí Thủy Tịch Tính, ngài được ban giới đao và độ điệp… Truyền xuống đời thứ 4 là Sa-môn Chiếu Sửu Trí Điển, chùa Linh Tiên, Bằng Liệt. Ngài quê thôn Đống Ba, Đông Trạch, họ Lưu. Ngài xuất gia năm 12 tuổi, tính nhu hòa, chân chất, ít nói cười, không tranh thị phi, thường nhật, tụng kinh bái sám làm gia vụ, trụ thế 54 tuổi, học trò được 6 người. Một hôm cáo bệnh, ngồi quay về hướng Tây mà hóa, đệ tử xây tháp tạo tượng thờ tại chùa. Truyền xuống đời thứ năm là Tỳ-kheo Phố Tế Trí Tâm, quê Dưỡng Hiền-Thượng Phúc, họ Hoàng. Ngài xuất gia năm 20 tuổi, đối với mọi người đều cung kính, ít nói nhưng lại thông minh chính trực… lấy pháp lớn mà tự mình dựa vào, tuổi 48 thì Tây qui. Truyền xuống đời thứ 6, Tỳ- kheo Phổ Quang, người bản xã. Ngài xuất gia năm 20 tuổi, tính ít nói, mà đã nói ra lời gì đều lấy pháp luật làm đầu, làm việc thì theo thiên lí”.
Ba vị Thiền sư kế đăng chùa Bằng thuộc chi hai pháp phái chùa Sùng Phúc, Tam Huyền. Vị Tổ sư Tính Tuyền Trạm Công (1674 – 1744) là đệ tử lớn của Như Trừng Lân Giác (1696 – 1733). Thiền sư đã từng du phương học đạo tận Trung Quốc, mang về rất nhiều kinh sách. Các bản kinh sách này được tàng trữ tại chùa Càn An-Nam Đồng.
Ba vị thiền tổ này đã xây dựng chùa Bằng trong giai đoạn Thiệu Trị, Tự Đức. Sau ba vị này mà chúng ta được biết là có Thiền sư Thanh Bình, hiệu Thận Độc đến trụ trì. Thiền sư Thanh Bình cũng kiêm trụ trì chùa Sùng An – Tựu Liệt. Thiền sư viên tịch năm 1926, sau đó Hòa thượng Tường Vân (1906 – 1979) về trụ trì chùa. Năm 1954, Hòa thượng đã cho trùng tu tòa chính điện có ông Nguyễn Văn Thanh, tỉnh trưởng Hà Đông về dự lễ. Sau đó, Hòa thượng giao chùa cho thôn xã, về trụ trì chùa Quang Minh cho đến ngày viên tịch.
Từ năm 1954 đến năm 1996, chùa không có sư trụ trì. Mọi việc đều do làng xã tổ chức. Năm 1996, chùa cung thỉnh Thượng tọa Bảo Nghiêm về trụ trì. Thượng tọa Bảo Nghiêm đã cho trùng tu, sửa sang nhiều hạng mục công trình đã xuống cấp. Lại cho xây dựng Pháp Đường để có chỗ cho đạo tràng sinh hoạt. Hiện nay, chùa Bằng đang chuẩn bị hoàn tất ngôi Bảo Tháp 13 tầng để kịp khánh thành đúng 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Nơi đây hằng năm thường tổ chức nhiều lễ hội lớn, là trung tâm điểm của Đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc.
Nhìn lại lịch sử ngôi chùa, chúng ta thấy được chùa đã hưng rồi phế nhiều lần. Hiện nay, chùa Bằng đã và đang đóng góp không nhỏ vào sứ mệnh hoằng dương chánh pháp của Phật giáo Việt Nam.
Ngô Quốc Trưởng
[1] Theo Linh Tiên Tự Bi, hiện còn lưu ở bản chùa. Chúng tôi tham khảo thêm thác bản văn bia thuộc Thư viện Viện Nghiên Cứu Hán Nôm, kí hiệu 722. [2] Thiền sư Chân Nguyên, Kiến tính thành Phật (1698), bản in lại năm Minh Mệnh 6 (1825), bản lưu tại chùa Sùng Phúc-Gia Lâm. Thư viện Viện Nghiên Cứu Hán Nôm, kí hiệu A. 2570. Danh sách này nằm trang cuối, tờ 104b. [3] Cây trụ đá này vẫn còn ở chùa Quang Ân, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Văn bia hiện giờ chữ vẫn còn tỏ nét. Chúng tôi tham khảo thêm thác bản Viện Nghiên Cứu Hán Nôm, kí hiệu 863/864/865/866. [4] Quang Ân Thiền Tự Thạch Quán Bi Ký, thác bản Viện Nghiên Cứu Hán Nôm, kí hiệu 879/880. [5] Tham khảo Quang Bằng Kiều Bi Ký Tịnh Minh, kí hiệu 461/462/463/464 và Quang Liệt xã Cầu Biêu Xứ Tạo Thạch Kiều Minh Bi Ký, kí hiệu 867/868/869/870. [6] Lê Mạnh Thát (1980), Chân Nguyên Thiền sư toàn tập, tập 1, Tu Thư Vạn Hạnh, Thành Phố Hồ Chí Minh, tr. 161. [7] Chùa Thiên Quang còn gọi là chùa Hòa Mã thuộc phố Phùng Khắc Khoan, phường Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Hiện chùa còn văn bia được lắp vào tường tháp phía phải chùa. [8] Lê Mạnh Thát, Toàn tập Minh Châu Hương Hải, NXB HCM, 2000, tr.422. Trong tác phẩm này, tác giả chưa khảo được những vị tôn túc chứng san cũng như tài trợ cho tác phẩm ra đời. Nếu đối chiếu Thiền Uyển Truyền Đăng Lục, quyển hạ, bản của Viện Nghiên Cứu Hán Nôm, kí hiệu VHV 9 thì sẽ tìm ra nhiều vị sư không những biết được tông tích mà còn khảo được họ thuộc sơn môn nào, tiểu truyện của họ nữa. [9] Chùa Sùng Phúc còn gọi là chùa Tam Huyền thuộc phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội. [10] Hòa thượng Phúc Điền biên tập, Thiền Uyển Truyền Đăng Lục, quyển hạ, bản lưu tại Thư viện Hán Nôm, kí hiệu VHv 9, từ tờ 39a2 đến tờ 40a8. Một số đoạn tiểu truyện không liên quan chúng tôi tỉnh lược, để ba chấm.