Tóm tắt:
Sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ đã ảnh hưởng sâu sắc đến nhân loại. Ở phương diện tích cực, chúng phục vụ nhiều nhu cầu, đem lại hiệu suất làm việc cao cho con người. Song ở phương diện tiêu cực, chúng khiến đời sống tinh thần đứng trước nguy cơ xơ hóa, máy móc hoá để rồi dần dần nội tâm có khoảng cách với chuẩn mực tâm thức truyền thống và làm phai nhạt các giá trị nhân bản trong các tôn giáo. Trong đó, Phật giáo cũng đối diện với nguy cơ hiện hữu này.
Để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đó, Đảng và Nhà nước ta đã có chính sách, pháp luật về tôn giáo đổi mới từ sau năm 1990 nhằm phát huy những giá trị tích cực trong các tôn giáo, nhất là đối với Phật giáo. GHPGVN đã góp phần trang bị kiến thức Phật giáo đáp ứng nhu cầu xã hội mới cho hàng Tăng Ni chúng, định hướng cho nữ giới Phật giáo tu tập hoàn thiện nhân cách, lối sống phù hợp với xã hội mới. Bài viết này góp thêm một số ý kiến đề cập đến định hướng nữ đại chúng và nữ tín đồ chuyên tu Phật học thời đại mới, nhằm gợi ý giúp chủ động trước những tác động tiêu cực bởi sự biến đổi môi trường và các mặt tiêu cực phát sinh do khoa học công nghệ thời hiện đại để nữ giới Phật giáo có thêm sự vững vàng trong giữ gìn chánh pháp, giữ gìn truyền thống tốt đẹp của dân tộc, gia đình.
Từ khoá: Định hướng, nữ đại chúng, nữ tín đồ, Phật giáo, Việt Nam.
1. HIỆN NAY NỮ ĐẠI CHÚNG VÀ NỮ TÍN ĐỒ TIẾP TỤC GIỮ GÌN TRUYỀN THỐNG TỐT ĐẸP CỦA DÂN TỘC, GIA ĐÌNH, SẴN SÀNG BƯỚC VÀO KỶ NGUYÊN MỚI LÀ BIỂU HIỆN NHẬP THẾ TÍCH CỰC CỦA NGƯỜI CON GÁI ĐỨC PHẬT.
Kể từ khi xã hội loài người xuất hiện, trải qua bao biến thiên lịch sử, nữ giới sát cánh cùng nam giới nỗ lực đấu tranh với thiên nhiên và cái xấu, cái sai, cái ác một cách bền bỉ, dẻo dai, sáng tạo, linh hoạt. Xuyên suốt lịch sử Việt Nam, phụ nữ có vai trò quan trọng, có khi là người đứng đầu cộng đồng, điều khiển hầu hết công việc gia đình, giữ lửa trong gia đình và cộng đồng quần cư, tần tảo chịu thương chịu khó, sớm tối lam lũ làm việc, suốt đời cần kiệm để gánh vác gia đình, có vị còn xung phong cầm quân đánh giặc giữ gìn bờ cõi đất nước. Với truyền thống tốt đẹp ấy, khó có phụ nữ nơi nào trên thế giới có được như thế. Thật đáng trân trọng, kế thừa và phát huy các giá trị đó. Ngày nay, họ vừa tích cực chăm sóc gia đình, vừa tham gia các hoạt động xã hội khác, thể hiện qua hình ảnh các nữ doanh nhân, nữ công nhân viên chức… Họ xứng đáng là một phần quý giá của thế giới này và là biểu hiện tinh thần nhập thế bền bỉ và kiên trì của nữ giới Phật giáo Việt Nam. Những người phụ nữ Phật tử Việt Nam hiện đại phát huy truyền thống đó trong hoàn cảnh và điều kiện mới, tạo ra một sức mạnh mới cho người nữ Phật tử Việt Nam đóng góp trong cuộc đấu tranh xây dựng đất nước. Phẩm chất tinh thần truyền thống của nữ Phật tử Việt Nam đã được giới phụ nữ các nước công nhận ca ngợi, đã được xem như một trong những hình tượng đẹp đẽ và trong sáng về tinh thần cách mạng, giúp tăng cường khả năng hòa nhập cộng đồng phụ nữ thế giới, đóng góp vào sự tiến bộ của thế giới trong thiên niên kỷ mới.
Tại Báo cáo chính trị Đại hội XIII, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ ra: Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ; xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Hiện nay, Việt Nam được đánh giá rất cao trong công tác bình đẳng giới tại Đông Nam Á, tỷ lệ phụ nữ tham gia làm công tác xã hội, chính trị, kinh tế và đặc biệt là công tác quản lý nhà nước rất cao (cao nhất Đông Nam Á). Năm 2021, tỉ lệ nữ Đại biểu Quốc hội đạt trên 30%, lần đầu tiên nước ta thực hiện lồng ghép giữa công tác phụ nữ với vấn để bình đẳng giới; tăng cường hoạt động chăm lo, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, phát huy vai trò chủ thể của phụ nữ trong gia đình và xã hội được nâng cao. Trong 35 năm qua, đã có 20 tập thể và 49 nhà khoa học nữ xuất sắc trên các lĩnh vực đã được trao tặng Giải thưởng Kovalevskaia. Đặc biệt, đã có hơn 26,5% tổng số doanh nghiệp ở Việt Nam do phụ nữ làm chủ với nhiều tấm gương trẻ, tiêu biểu làm kinh tế giỏi, làm giàu cho bản thân và gia đình, có đóng góp tích cực cho xã hội nói chung.
Hiện nay, nữ Phật tử Việt Nam tiếp tục phát huy tinh thần nhập thế biểu hiện rõ bằng những thành tựu đạt được (xin xem sách Báo cáo tổng kết các kỳ Đại hội của GHPGVN) tiếp tục khắc phục mọi khó khăn, làm tốt việc tổ chức, hướng dẫn, hỗ trợ nữ Phật tử xây dựng gia đình hạnh phúc; thúc đẩy các hoạt động trao quyền năng cho phụ nữ, nhất là trong lĩnh vực kinh tế; góp phần tích cực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, kinh doanh của phụ nữ trong kỷ nguyên số; nữ Phật tử đã phối hợp thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đặc biệt là nguồn nhân lực nữ chất lượng cao. Đồng thời, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để xây dựng người phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức, thể chất, tinh thần, năng lực sáng tạo, ý thức công dân; đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiên đại hóa đất nước và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng… [1].
Bởi vậy, GHPGVN đã đánh giá cao Ni giới và đã cho thành lập Phân ban Đặc trách Ni giới thuộc Ban Tăng sự ngày 22/2/2009 để đi vào hoạt động hiệu quả.
2. NỮ PHẬT TỬ PHẬT GIÁO VIỆT NAM SẴN SÀNG ỨNG BIẾN TRƯỚC SỰ BIẾN ĐỔI XÃ HỘI ĐỊNH HƯỚNG THEO TINH THẦN PHẬT GIÁO VIỆT NAM
Việt Nam sau gần 40 năm đổi mới, trong bối cảnh toàn cầu hoá và tiến bộ khoa học kỹ thuật tiến triển nhanh chóng, mạnh mẽ, nhất là hiện đang thời kỳ đầu của công nghiệp 4.0, rất cần tiếp tục khuyến khích nữ đại chúng và nữ tín đồ tham gia tu học Phật pháp. Lợi ích của việc học hỏi tinh thần nhập thế Phật giáo Việt Nam vận dụng vào trong cuộc sống gia đình, là hạnh phúc, an lạc, tịnh độ, thể hiện ở 5 mối quan hệ cơ bản, đó là: Cung phụng cha mẹ, ứng xử tốt với bà con họ hàng, chồng, con, người làm trong gia đình.
Những ích lợi trong việc cung phụng cha mẹ của một người nữ là: Khi chưa đến với Đức Phật thì tư tưởng còn chấp điều nặng nhẹ, thiệt hơn, gặp phải cha mẹ khó tính, khó nhẫn nhịn dẫn đến bất hoà khiến gia đình tan nát chia ly, nguyên nhân do cha mę lẫn con cái chưa biết cách nhẫn nhịn nhau. Khi đã tiếp cận lời dạy của Đức Phật, người nữ biết lấy chữ hiếu đạo làm đầu, học và thực hành theo gương nhẫn nại của Phật mà nhẫn nhịn, ôn hoà để gia đạo yên ổn. Đồng thời, giúp cha mẹ sớm siêu thoát sau khi chết đi, giúp linh hồn cha mẹ an tâm nơi cõi Phật, trọn đạo dâu con [2].
Đối với bà con họ hàng, lợi ích đem lại là: Nguời nữ Phật tử mở rộng lòng thương yêu mọi người, kể cả anh em họ hàng của mình và bên gia đình chồng. Những họ hàng khó khăn, người nữ chuyên tâm cứu giúp, không ganh ghét đố kỵ với người giàu có hơn gia đình mình, tránh việc chia lìa, thương người rồi mới thương thân.
Đối với chồng, thấm nhuần tinh thần nhập thế của giáo pháp Phật giáo, người vợ luôn biết nhẫn nhịn, nếu gặp được người chồng tốt thì phải biết rằng vì thiện duyên phước báu ngày trước đã nhiều nên đời nay may mắn thụ hưởng, phải biết cách thụ hưởng và trân trọng giữ gìn, hưởng phúc nhiều thì mau hết, phúc hết thì hoạ đến, vậy chớ nên ích kỷ, hiếp đáp chồng mà phải tìm cách trả ơn cho đúng và xứng với sự yêu quý của chồng, được chồng yêu là nhờ vào tư cách đáng phục của chính mình. Nếu không may mắn gặp phải người tệ bạc thì phải hiểu đây là quả báo đời trước nên nay chịu khổ, người nữ không được la mắng chồng mà phải nhẹ nhàng khuyên nhủ lời hay lẽ phải, tạo điều kiện cho chồng gần gũi những người có đạo đức tốt để thay đổi tâm tính, những cảnh khổ do chồng mang lại phải bình tâm lo liệu, không sỉ nhục làm xấu hổ chồng gây nên cảnh tan tác.
Trong dạy dỗ con cái, thấm nhuần tinh thần nhập thế Phật giáo người mę phải gánh trách nhiệm dạy dỗ con, biết rõ tâm tính của trẻ, đem lời khuyên chân chính và điều hay lẽ phải dạy con, làm gương cho con noi theo, kiên trì với những đứa con hư hỏng, tìm cách dạy dỗ sao cho phù hợp.
Đối với người làm trong gia đình thẩm thấu lời Phật răn rằng, ai đã có may mắn được làm chủ với nhiều người tôi tớ thì nên nhớ loài người khác loài động vật không phải là địa vị sang hèn mà là tâm tính, người nào chịu cực khổ ở kiếp này ắt đời trước họ tạo nghiệp nên nhận quả này, cho nên hãy làm một bà chủ khôn ngoan trí thức có trách nhiệm khuyên bảo tôi tớ sống đúng với đời, theo đạo lý tốt đẹp, gieo trồng nhân lành, giảm bớt hành vi bất nhân. Hàng trăm năm tới, con người chịu tác động mạnh bởi môi trường và khoa học nên cần chủ động tiếp nhận Phật pháp có lý tính để trưng cầu hạnh phúc.
Một khi nữ Phật tử hướng theo tinh thần nhập thế hiểu được quy luật nhân quả ở đời thì mọi xung đột trong gia đình với môi trường xã hội bên ngoài nhanh chóng được hóa giải, con người thông minh, nhẹ nhàng xử lý các bất đồng và vui sống hướng về tương lai tốt đẹp, như những gương nữ Phật tử tiêu biểu trong suốt hơn 2.000 năm qua đã tồn tại và lan tỏa giá trị nhân bản.
Chúng tôi đồng thuận với định hướng của GHPGVN dành cho nữ Phật tử. Nữ giới hiện đại càng phải biết ứng dụng Phật pháp vào từng công việc tề gia, giúp nước, cụ thể đó là chăm sóc bản thân, thật thà làm kinh tế, giữ mối quan hệ lành mạnh theo lời Phật dạy.
Về chăm sóc bản thân, người nữ Phật tử tiến bộ phải “tự làm sạch mình”, nhất là về sức khoẻ và tinh thần. Sức khỏe con người là vốn quý, trong môi trường xã hội ngày càng khắc nghiệt do hành động phá hoại môi trường sinh thái trong khi sự tái tạo lại có hạn, rất cần có đầy đủ kiến thức để sống hài hoà với môi trường, bảo vệ môi trường, mà trong đó, phụ nữ là một nửa của thế giới này, nên vai trò của phụ nữ là vô hạn trong chăm sóc sức khỏe và tinh thần.
Ở các vị nữ Phật tử đại chúng, thời gian tới, sau nhiều biến cố trong đời sống càng cần thực hành Phật pháp và đời sống xã hội, cần tiếp thu có chọn lọc tinh hoa xã hội mới, sẽ thực sự có động lực chú tâm vào đời sống tu hành, thực thi đúng mực, giữ trọn lòng thành trước Đức Phật. Chúng tôi tin tưởng rằng sẽ tiếp tục có nhiều vị Ni sư đức cao trọng vọng dẫn dắt hàng Ni chúng và nữ tín đồ thực hành tinh thẩn trên con đường Phật đạo. Còn nữ tín đồ, thực hành theo tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam nhiều vị sẽ tự tin bước vào kỷ nguyên mới trước vận hội mới của nhân loại, dù sẽ phải đương đầu với nhiều thử thách mới, trong đó có việc làm kinh tế thành công. Nữ tín đồ cần mạnh dạn tiếp cận các nền sản xuất có phương thức kinh tế tiến bộ, phù hợp với mình, nâng cao tinh thần tự chủ, tự tôn, cố gắng học tập và phấn đấu vươn cao vươn xa. Làm ăn có hiệu quả xoá bỏ tư tưởng bảo thủ ỷ lại chồng con. Song, hoà nhập chứ không hoà tan, ngoài tham gia công việc kinh doanh và việc xã hội, mọi nữ Phật tử cần chú trọng yếu tố gia đình, vì trong gia đình, phụ nữ là người then chốt để giữ lửa hạnh phúc viên mãn, bền lâu.
Dù ở bất cứ địa vị nào trong xã hội, nữ Phật tử Việt Nam theo tinh thần nhập thế cũng phải giữ mối quan hệ lành mạnh, làm kiểu mẫu cho nam giới và con cháu noi theo về bảo vệ hạnh phúc gia đình và trách nhiệm lẫn nhau trong gia đình. Kinh nghiệm cho thấy, gia đình nào có một người vợ người mẹ có mối quan hệ thiếu trong sáng, lành mạnh ắt sẽ dẫn đến đổ vỡ, ly tán. Do vậy, nữ Phật tử, nhất là tín đồ thuần thành phải xây dựng lập trường tư tưởng vững vàng. Không ngừng nâng cao trình độ văn hóa, kiến thức xã hội, kiến thức khoa học để ứng dụng vào thực tiễn công việc và gia đình theo định hướng Phật pháp nhập thế với quyết tâm mới, đạo đức mới, tác phong mới để làm tròn nghĩa vụ mới, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng đất nước. Như vậy cũng là xây dựng cõi Tịnh độ hiện tiền tại nhân gian. Làm được điều này, nữ Phật tử là thành viên tích cực luôn là ngọn lửa ấm áp sưởi ấm gia đình mình, đáp ứng tốt yêu cầu xã hội đương đại, tránh những tan vỡ không đáng có xảy ra.
Những nữ Phật tử tiếp cận Phật giáo là một điều may mắn. Dù xã hội tiến bộ đến đâu thì tinh thần kế lý, khế cơ Phật giáo vẫn được ứng dụng hiệu quả vào đời sống. Đồng thời với yêu cầu ứng dụng khoa học công nghệ là cần thiết. Xã hội hiện đại đặt ra vấn đề là vừa ứng dụng khoa học cùng với thực hành Phật giáo vừa giữ gìn thuần phong mỹ tục con người Việt Nam. Nữ Phật tử Việt Nam vừa bảo tồn, phát huy, xem bản sắc dân tộc là gốc, khoa học là phương tiện, truy cầu sự an lạc viên mãn Phật giáo là điểm tựa tinh thần.
TẠM KẾT
Một khi con người đạt đến nhận thức đúng đắn giác ngộ chân lý về bản chất quy luật tồn tại vận hành của vũ trụ thì không lý thuyết tôn giáo nào hợp với trí tuệ tốt lành hơn Phật giáo. Từ giáo lý Phật giáo đã giúp cho con người hiểu căn cơ bản chất sự vật hiện tượng từ đâu đến, do đâu mà ra, tồn tại như thế nào và mất đi ra sao, để rồi tái sinh vào một dạng khác.
Bởi thế cần tiếp tục tạo điều kiện cho quần chúng nhân dân, nhất là giới Phật giáo hiểu rõ các trí tuệ bản chất Phật pháp này, sẽ ứng dụng cơ bản trong mọi mặt đời sống xã hội, điều đó sẽ giúp họ có được khả năng rộng lớn, chịu được áp lực xã hội vì biết rõ mọi việc do đâu mà ra; dù cho khoa học có phát triển đến đâu thì ý thức hành vi con người Việt Nam vẫn giữ gìn được bản sắc dân tộc của mình. Một khi người nữ Phật tử nhận thức sâu sắc, hành động thấu tình đạt lý là tiền đề cho Việt Nam hưng thịnh, hùng cường bình tĩnh hiểu rõ khách quan về khoa học sẽ xem khoa học vẫn chỉ là phương tiện, một loại phương tiện phục vụ đời sống con người không hơn công kém.
Tác giả bài viết: TT. Thích Quảng Minh
Chú thích:
* Thượng toạ Thích Quảng Minh, Trưởng Ban Văn hóa Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP. Hải Phòng.
[1] Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Kỷ niệm 906 năm Ni sư Diệu Nhân (1042 – 1114) viên tịch, tr.18.
[2] Nguyễn Hồng Dương trong Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Kỷ niệm 906 năm Ni sư Diệu Nhân (1042-1114) viên tịch, tr.18.
Tài liệu tham khảo:
1. Thích Minh Châu – Minh Chi (1991), Từ điển Phật học Việt Nam, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội. 2. Hà Khắc Dụng (1959), Sử liệu Việt Nam, tập 1, Nha Văn hoá Bộ Quốc gia Quốc dục, Hồ Chí Minh. 3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Báo cáo chính trị, Đại hội XIII. 4. Giáo hội Phật giáo Việt Nam (29/11/2022), Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, sửa đổi lần thứ VII tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, Hà Nội. 5. H.W.Schumann (2000), Đức Phật lich sử, Nxb. TP Hồ Chí Minh. 6. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học “Kỷ niệm 906 năm Ni sư Diệu Nhân (1042 – 1114) viên tịch cùng chư vị Tổ ni tiền bối hữu công” (Lưu hành nội bộ của GHPGVN, Hà Nội, 2019). 7. Nguyễn Lang (2014), Việt Nam Phật giáo Sử luận toàn tập, Nxb. Văn học, Công ty Cổ phần In Long An. 8. Thích Tâm Thiện (2000), Vấn để cơ bản của Triết học Phật giáo, Nxb. TP Hồ Chí Minh. 9. Hồ Chí Minh – toàn tập (2009), Tập 10, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội. 10. Nãrada Mahã Thera (Phạm Kim Khánh dịch) (2020), Đức Phật và Phật pháp, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội. 11. Lê Mạnh Thát (2006), Lịch sử Phật giáo Việt Nam (tập 1, tập 2, tập 3), Nxb. TP Hồ Chí Minh.