Theo đà tiến bước của lưu dân Đại Việt về phương Nam, Phật giáo cũng từng bước xuất hiện và cắm rễ sâu trên vùng đất Quảng Nam – Đà Nẵng, trở thành một yếu tố văn hóa không thể tách rời trong bức tranh đa sắc của tiểu vùng văn hóa xứ Quảng. Trong quá trình đó, Phật giáo nơi đây đã để lại nhiều di sản văn hóa quý báu mà văn bia là một loại hình di sản khá phong phú và đa dạng, thể hiện ở số lượng, niên đại, kiểu thức, đề tài trang trí, và về hình thức cùng nội dung văn bản. Từ sự phong phú và đa dạng đó, cũng như nhiều loại hình văn bia khác, văn bia Phật giáo Quảng Nam – Đà Nẵng mang chở nhiều giá trị quan trọng, từ mĩ thuật đến văn học và đặc biệt là sử liệu mang tính độc bản, trực tiếp.

Bài viết này không đặt ra mục tiêu nghiên cứu toàn diện về đối tượng mà chủ yếu trình bày những nét cơ bản về chất liệu, kích thước, kiểu dáng, nghệ thuật trang trí cùng hình thức văn bản. Văn bia Phật giáo được quan niệm trong bài viết gồm hai bộ phận: (1) văn bia chùa, và (2) văn bia hành trạng thiền tăng. Chúng tôi đã tiến hành khảo sát trực tiếp các văn bia hiện còn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng, đồng thời tiếp cận các thác bản được lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Hà Nội) đối với những văn bia vì một lý do nào đó nay không được tìm thấy.

1. Chất liệu, kích thước và kiểu dáng

Văn bia thời Nguyễn được tạo bởi hai loại đá cẩm thạch và sa thạch, rải rác xuất hiện loại đá xanh Thanh Hóa, trong đó cẩm thạch vẫn giữ vị thế áp đảo. Trong số văn bia được nghiên cứu, chỉ ghi nhận 06 văn bia bằng sa thạch của các chùa: Phổ Minh (1895), Hòa Quang (1821), Chúc Thánh (1915), Lệ Trạch (1917) và Bảo Thuận (1827). Chất lượng đá ít được chủ thể quan tâm lựa chọn, vậy nên nhiều văn bia mới trải qua trên dưới 100 năm, nay đã có dấu hiệu bị bào mòn, bong mặt, như văn bia các chùa Viên Giác, Hoa Nghiêm, Lệ Trạch, An Trạch, Trúc Lâm, Nghĩa Trủng, Thanh Quýt, Vu Lan, Tam Thai, bia hành trạng Thiền Sư Từ Trí, hành trạng Thiền Sư Quảng Hưng…

Kiểu dáng văn bia Phật giáo Quảng Nam – Đà Nẵng thời Nguyễn không kiểu cách, thậm chí rất đơn giản. Trường hợp khác lạ duy nhất là trán bia chùa Mỹ Khê (1913) được uốn cong rồi cuộn ngược ở hai rìa tạo thành hai móc xoắn nhô cao, trông đúng kiểu dáng của một cánh cung. Còn lại, chiếm khoảng 1/3 trong tổng số văn bia là loại không có trán, không diềm và không khoét lòng, tức bia là một miếng đá phẳng hình chữ nhật, hoặc cũng có vài trường hợp tạo thêm đường viền khung bằng cách soi chỉ. Niên đại những văn bia này tập trung vào giai đoạn nửa đầu thế kỉ XX. Số khác hoàn toàn cùng kiểu trán bằng (vuông), vai vát (tức cắt chéo góc ở phần đầu bia). Đế bia cũng khá đơn giản, thường là khối đá hộp chữ nhật nằm được khoét lỗ ngậm chân bia. Như vậy, văn bia Phật giáo Quảng Nam – Đà Nẵng thời kì này gần như đã đoạn tuyệt hẳn với kiểu trán hình viên phân, hình cung đã xuất hiện ở thời chúa Nguyễn.

Kích thước bia không tạo thành dòng có tính chủ đạo. Chúng trải đều từ khoảng 35cm đến trên 90cm chiều rộng và từ 50cm đến trên 130cm chiều cao. Số bia có chiều cao trên 100cm không nhiều, chiếm khoảng 20% (16/77 văn bia Phật giáo hiện biết). Nhỏ nhất là văn bia chùa Vân Long (1940): 23cm x 30cm; lớn nhất là 02 văn bia chùa Viên Giác (có cùng niên đại 1842): 92cm x 132cm. Tỉ lệ kích thước giữa chiều rộng và chiều cao cũng đầy biến động, có thể là 1/2, 2/3, 3/5, 3/4 thậm chí là 4/5; khoảng có tần suất cao nhất là 2/3 – 3/4.

2. Nghệ thuật trang trí 

Văn bia Phật giáo Quảng Nam – Đà Nẵng thời Nguyễn không được chú trọng trang trí. Như đã biết, bia không trán chiếm số lượng khá nhiều trong tổng thể được nghiên cứu. Loại này, tất nhiên không hề được trang trí. Số khác tương ứng, tuy có tạo diềm (trán, thân và đáy) nhưng sự quan tâm của người nghệ nhân cũng chỉ dừng lại bởi những đường gờ chỉ nhỏ làm viền khung, như là cách dành cho văn bia một sự trang trọng ở mức tối thiểu. Văn bia được trang trí như vậy, chỉ chiếm một phần trong ba phần.

Cũng như về kiểu thức hình dáng, nghệ thuật trang trí văn bia thời kì này mang nhiều khác biệt với thời chúa Nguyễn. Ngoài hoa sen, thì hình tượng mặt trời có tua lửa, thân dây lá hình sin, hay các loài động vật tự nhiên dân dã gần như biến mất, nhường chỗ cho các đề tài về rồng, hình tượng thái cực, những đồ án mây cuộn, hoa lá rời và hồi văn kỷ hà. Trong đó, đề tài rồng chiếm thế áp đảo, cả về số lượng bia và trên mỗi một tấm bia. Kiểu thức chủ đạo là “lưỡng long triều nguyệt”, “lưỡng long triều thái cực”. Mặt trăng hay thái cực bao giờ cũng nằm giữa trán bia, quanh nó thường có hoa văn mây cuộn hoặc những tua lửa nhỏ. Đáng chú ý, rồng trong các đồ án này không bao giờ nằm gọn trên trán bia, mà thường được bố cục: (1) hoặc là bao phủ lên toàn bộ các thành phần diềm bia, cả diềm thân và diềm đáy, (2) hoặc tràn ra một phần hay một nửa trên của diềm thân. Như vậy, ở trường hợp thứ nhất, toàn bộ trang trí là một đồ án rồng chầu (mặt trăng/thái cực) (bia chùa Phước Long ở Điện Bàn, Quảng Nam, bia hành trạng Thiền Sư Từ Trí ở Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng). Với trường hợp thứ hai, ở diềm thân và diềm đáy còn xuất hiện các đồ án rồng khác nữa; số ít, ở diềm đáy thay vì hình rồng là một đóa sen mãn khai cách điệu (hai văn bia chùa An Phước, 1853 và 1915).

Tất cả hình tượng rồng đều được cách điệu, bộ phận hay toàn thể. Phổ biến là rồng cách điệu toàn thể, từ đuôi, thân đến đầu, với nhiều dạng thức: (1) chuỗi dây lá ngoằn ngoèo hoặc xoắn ốc, (2) cuộn mây kết hợp hoa lá, (3) hồi văn kỷ hà, (4) tổ hợp hồi văn kỷ hà và hoa lá. Tần suất xuất hiện các dạng thức là tương đối như nhau. Trong những trường hợp này, rồng chỉ được nhận ra bởi một vài chi tiết đặc tả ở phần đầu, hoặc ở sự chuyển động của đường nét.

Với đề tài rồng, trang trí hai bia chùa Hải Tạng (ở Cù lao Chàm, Hội An; cùng niên đại 1848) là tương đối khác biệt, cả bố cục lẫn phong cách. Ở đây gồm 4 cặp rồng chầu, phân bố phủ kín toàn bộ trán, diềm bên và diềm đáy. Trên cùng, từ trán và phủ xuống một phần diềm bên là đồ án “lưỡng long triều thái cực”. Phía dưới, nằm gọn trong diềm đáy là hai con rồng trong tư thế quay đầu – hồi long, hướng về mặt hổ phù chính giữa. Hổ phù được thể hiện bởi sự kết hợp cả hai xu hướng tả thực và cách điệu, thoạt trông như một đóa sen theo motif “liên hóa”, song các bộ phận mắt, mũi và hai chi trước hiện ra tương đối chân thực. Ở phần còn lại của hai diềm bên là hai đồ án rồng chầu mây cuộn. Toàn bộ rồng được cách điệu bộ phận. Đầu thon nhỏ, bờm và râu ngắn nhưng mềm mại, thân tròn với lớp vảy nhỏ đều đặn, đuôi hóa thành dây lá và mây uyển chuyển. Có thể nói, trong tất cả trang trí trên văn bia chùa Hải Tạng mang tính nghệ thuật cao nhất.

Những đồ án hoa văn hoa lá, mây cuộn, hồi văn kỷ hà chỉ xuất hiện trên những bia không có hình tượng rồng và chiếm tỉ lệ không nhiều về mặt số lượng. Chúng được bố trí đơn lập, xen kẽ hoặc kết hợp thành từng tổ hợp rậm. Kỷ hà có nhiều dạng như chữ T, chữ I, chữ chi (之) hoặc đường xoắn gãy góc.

Một kiểu thức trang trí mới cần được chỉ ra là khoảng ngăn cách giữa lòng và diềm bia thường được giật cấp, tạo các đường gờ nhỏ, đồng thời chạm khắc hồi văn kỷ hà chữ T, chữ công (工), chữ vạn (卐) hoặc hình chìa khóa. Kiểu trang trí này, trước đó chưa hề xuất hiện trong các văn bia Phật giáo đất Quảng. Nhìn chung, có hai thủ pháp được sử dụng để tạo nên các đồ án trang trí trên văn bia Phật giáo Quảng Nam – Đà Nẵng thời Nguyễn: (1) dùng lối đục tách mảng để tạo khối, song chỉ ở mức vừa phải, hình mẫu không thực sự bật hẳn lên khỏi nền một cách phô trương (đề tài rồng, hoa sen); và (2) dùng nét khắc nhỏ tạo hình phẳng (đồ án vân văn, hồi văn kỷ hà).

Bố cục trang trí trên văn bia Phật giáo Quảng Nam – Đà Nẵng thời Nguyễn thường dàn đều, trải rộng trên nhiều thành phần, đồng thời triệt để áp dụng nguyên tắc đối xứng. Phép đối xứng được tuân thủ nghiêm ngặt đến mức không một chi tiết nào dù nhỏ nhất được phép khác đi, giữa hai nửa của một đồ án trang trí. Lối bố cục này cùng với sự đóng khung các đồ án trong những đường diềm nhỏ (kể cả trán bia), ít nhiều hạn chế tính tập trung, nổi bật của chủ đề và tạo ra sự gò bó, ức chế của hình tượng.

Bia chùa Hải Tạng (Cù lao Chàm, Quảng Nam)
Bia chùa Hải Tạng (Cù lao Chàm, Quảng Nam)

Rõ ràng, về mặt phong cách, trang trí văn bia Phật giáo Quảng Nam thời Nguyễn mang nặng tính công thức, khuôn mẫu. Các đề tài, motif trang trí thường xuyên lặp lại. Bên cạnh đó, không ít đồ án thuần túy tính chất trang trí, những đồ án hoa lá, mây cuộn đôi khi chỉ mang chức năng xóa đi khoảng trống trên bia, mà không phải phát xuất từ một ý tưởng thẩm mỹ. Xu hướng cách điệu, giản lược cũng là một đặc điểm nổi bật của phong cách nghệ thuật văn bia thời kì này. Tiêu biểu là hình tượng rồng được cách điệu bởi nhiều dạng thức đôi khi làm cho đồ án trang trí trở nên rối rắm.

3. Hình thức văn bản

Kích cỡ, kỹ thuật chạm khắc chữ văn bia thời Nguyễn hình thành hai nhóm rõ rệt: Một, cỡ chữ khoảng từ 1cm đến 1,5cm; nét khắc nông, nhỏ. Hai, cỡ chữ từ 2cm đến 3cm; nét khắc sâu, rộng. Điều chú ý là những đặc điểm này nhiều lúc cùng xuất hiện đồng thời trên một văn bia; mặt khác, cũng không phụ thuộc vào kích thước bia lớn hay nhỏ. Có những bia kích thước nhỏ nhưng cỡ chữ lớn và ngược lại, có những bia kích thước lớn nhưng cỡ chữ nhỏ. Thể khải thư được áp dụng tuyệt đối. Kiểu chữ chân phương, ngay ngắn, không bay bướm, hoa mĩ; được phân bố hàng đều đặn, cân xứng. Đẹp nhất là chữ văn bia chùa Phước Lâm.

Chữ Nôm được sử dụng phổ biến hơn văn bia thời kỳ trước. Hiện tượng dùng chữ Hán giản thể, viết sai chữ hoặc thiếu nét được bắt gặp không ít. Nhiều trường hợp, nhất là văn bia đầu thế kỉ XX, cả chữ Nôm và chữ Hán được viết theo cú pháp tiếng Việt. Lệ kiêng húy được tuân thủ, song không nghiêm ngặt; nghĩa là bên cạnh những văn bia kiêng húy tồn tại không ít văn bia phạm húy. Những chữ kiêng húy thường thấy như chữ tôn (尊), chữ hoa (花). Chữ tôn lược bớt nét ngang dưới hai nét phẩy, chữ hoa thêm nét ngang dưới cùng.

Văn bia thời kì này xuất hiện rất nhiều chữ được viết đài. Đó là những chữ ghi danh hiệu, tôn xưng thuộc hệ thống Phật giáo, như chỉ Phật, Bồ tát, Thiền tăng, tên chùa thuộc nhà nước như niên hiệu vua, quốc hiệu, đại từ chỉ triều đình; các địa danh hành chính địa phương… Cách thức đài cũng rất đa dạng: bỏ hàng, đài cao một chữ và đứng độc lập; bỏ hàng, đài cao một chữ rồi viết tiếp; bỏ hàng, đứng độc lập nhưng không đài cao; bỏ trống một hoặc hai ô trước chữ cần đài. Nhưng vấn đề là ở chỗ cách thức đài không thể hiện thứ bậc, mức độ tôn xưng và cả sự bất nhất, đảo lộn về các đối tượng. Hiện tượng này thậm chí xảy ra trong cùng một văn bản. Văn bia chùa Chúc Thánh (lập năm Duy Tân thứ 8 – 1914) là một ví dụ. Ở đây, chữ và cách đài như sau: (1) Đài cao hơn một chữ gồm: “Chúc Thánh”, “Thành Thái”, “Phật Tổ”, “Phật thừa”; (2) Đài bằng cách bỏ trống một ô: “Tự Đức”, “Kiến Phúc”, “Duy Tân”, “Phật Tổ”, “Phật thừa”, “Phật phương”, “Thiên tôn”, “Phước Lâm”, “chư Sơn”, “Tỉnh đốc”. Như vậy, một mặt, vua chúa, Phật pháp chỉ được tôn xưng ngang bằng hay thấp hơn cả tên chùa “Chúc Thánh”. Mặt khác, ngay cùng đối tượng vua chúa, Phật pháp thì sự tôn xưng cũng đầy mâu thuẫn.

Về kết cấu, xuất hiện nhiều văn bia có đủ các thành phần: tên bia, bài kí, bài minh và lạc khoản. Nhưng vượt trội là những văn bia khuyết thiếu tên bia và bài minh, không ít trong số này thiếu cả phần lạc khoản hoặc chỉ là loại bia công đức thuần túy – liệt kê danh tính cùng tài sản cúng dường Tam bảo của tín hữu. Tên bia thường bắt gặp ở loại văn bia hành trạng và một số bia chùa. Chúng không phải là dòng đại tự nằm ở dải băng ngang dưới trán như thời kì trước, mà là một hàng dọc bên phải trong lòng bia, đồng thời cũng không có mấy trường hợp tạo ra sự phân biệt về cỡ chữ với các thành phần khác.

Ở phần chính văn, bài kí văn bia hành trạng có nội dung tương đối dài, bố cục chặt chẽ, ngôn ngữ trong sáng, trau chuốt, giàu chất biểu cảm, thủ pháp so sánh, ước lệ, khoa trương được chú trọng. Tất cả đã dựng lên bức chân dung thiền tăng Phật giáo đất Quảng vừa dung dị, gần gũi, đời thường vừa như đã hoàn thành cuộc thanh tẩy bản tâm, sống an nhiên trong thực tại đầy tục lụy. Chất luận thuyết rất rõ; bài minh cũng đầy hình tượng. Trong khi đó, bài kí văn bia chùa thường ngắn, mang tính giản yếu về sự kiện xây dựng, tu sửa chùa. Nó mang nặng thể trần thuật. Đặc biệt ở loại văn bia này thường liệt kê hàng loạt đạo hữu công đức, dung lượng vì thế rất lớn. Nhiều văn bia (chùa Chúc Thánh, chùa Viên Giác) có trên dưới một ngàn năm trăm chữ. Số văn bia có bài minh tuy không chiếm tỉ lệ lớn song đã cho thấy sự phổ biến. Nó được bắt đầu bởi hai chữ “minh viết”, “kì minh’, hoặc “kì từ viết” hay “kệ vân” tức “kệ rằng”. Tất cả các bài minh đều thuộc thể văn vần, mỗi câu bốn chữ, song số câu không cố định. Dài nhất là bài minh văn bia chùa Viên Giác: 40 câu, những bài còn lại, gồm 8, 12, hoặc 20 câu. Khác với lệ thường, hầu hết các bài minh đều ít sử dụng điển tích, điển cố, ngôn ngữ dung dị, không mang nhiều tầng nghĩa, vì vậy dễ hiểu.

Có nhiều văn bia khắc ghi thông tin về tác giả, đôi khi gồm cả người soạn và người nhuận chính. Họ là nhà sư, quan lại, trí thức Nho học hoặc người dân thường tín mộ Đạo Phật. Chúng ta còn biết một số tác giả là quan lại, trí thức tiêu biểu như Hàn lâm viện Thị độc học sĩ  Phan Tử Đan (soạn văn bia chùa Phước Lâm), Kinh binh Tả tam vệ Chưởng vệ Lê Viết Nghiêm (soạn văn bia hành trạng Thiền Sư Vĩnh Gia), Phó bảng khoa Mậu Tuất, Hàn lâm viện Thị giảng học sĩ Nguyễn Tường Vĩnh, Hàn lâm viện cúng phụng Hồ Văn Chất (soạn văn bia chùa Viên Giác), Tiến sĩ tam giáp, Tham tri bộ Lễ Nam Xuyên Hồ Mộng Hàn (soạn văn bia hành trạng Thiền Sư Phổ Thoại), Tổng đốc tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Bá Trác (nhuận chính văn bia hàng trạng Thiền Sư Huệ Duyệt), Tri phủ Điện Bàn Nguyễn Đình Tiến và tú tài Hồ Thăng Doanh (văn bia hành trạng Thiền Sư Từ Trí).

Hầu hết văn bia đều được ghi niên đại, và vẫn duy trì ba cách ghi truyền thống: niên hiệu + năm can chi, niên hiệu, và năm can chi. Bấy giờ là niên hiệu các vua Nguyễn. Việc xác định thời gian tuyệt đối với những văn bia ghi năm can chi tương đối thuận lợi, do nội dung văn bản đã hàm chứa đủ các dữ liệu cần thiết, như chức tước, danh tính người công đức, đơn vị hành chính, niên biểu thiền tăng và các sự kiện lịch sử khác.

Bia chùa Hải Tạng (Cù lao Chàm, Quảng Nam)
Bia chùa Hải Tạng (Cù lao Chàm, Quảng Nam)

Nhìn chung, xem xét trong nội bộ văn bia Phật giáo xứ Quảng, văn bia thời Nguyễn mang những đặc điểm hoàn toàn khác biệt với văn bia thời chúa Nguyễn. Về kiểu dáng, là kiểu trán vuông vai vát hoặc không có trán. Về đề tài, hình tượng rồng với những motif rồng chầu và rồng đuổi trở thành chủ đạo. Về mặt phong cách trang trí, hoặc là rơi vào khuôn mẫu, xơ cứng hoặc là sự giản lược đến nghèo nàn. Những biểu hiện này, thực ra không nằm ngoài đặc điểm chung mang tính phổ quát của văn bia Việt lúc bấy giờ, không phân biệt loại hình, địa phương, ngoại trừ khu vực kinh đô Huế [1]. Nó phản ánh trung thực hoàn cảnh xã hội đương thời. Đó là sự kiềm tỏa của hệ thống lí luận đẳng cấp, trật tự và lễ nghi Nho giáo, thứ Nho giáo vốn đã cằn cỗi, mất hết sinh khí. Mặt khác, nhìn lại quá trình lịch sử Việt Nam thời Nguyễn cho thấy, đây là thời kì xã hội chất chứa đầy bất ổn, khủng hoảng và cuối cùng rơi vào loạn lạc, bị thực dân phương Tây xâm lược. Tình hình đó gây tác động đến mọi mặt đời sống xã hội, trong đó có sáng tạo văn hóa.

Từ khoảng cách gián đoạn khá lớn về niên đại, đồng thời là sự khác biệt gần như hoàn toàn về phong cách giữa thời chúa Nguyễn và triều Nguyễn của văn bia Phật giáo Quảng Nam – Đà Nẵng, đã gợi lên mối nghi ngờ về sự tồn tại một giai đoạn văn bia khác nằm giữa hai thời kì, ở khu vực thuộc xứ Đàng Trong. Có thể là giai đoạn từ những thập niên đầu đến cuối thế kỉ XVIII. Thực tế ở khu vực phía Bắc thuộc xứ Đàng Ngoài, nhiều nghiên cứu đã xác nhận sự tồn tại độc lập của văn bia thế kỉ XVIII nói chung trong đó có giai đoạn văn bia thời Tây Sơn, trước khi tiến vào văn bia thời kỳ triều Nguyễn [2].

Hy vọng rồi đây, chúng tôi sẽ có thêm nhiều cứ liệu văn bia không riêng gì Phật giáo mà gồm nhiều loại hình khác nữa, thuộc thế kỉ XVIII ở khu vực xứ Quảng nói riêng, vùng đất thuộc Đàng Trong nói chung, để giải đáp cụ thể mối nghi vấn đặt ra.

Tác giả: TS. Lê Xuân Thông*, ThS. Đinh Thị Toan**

Nguồn: Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo


Chú thích:
*Tiến sĩ Lê Xuân Thông – Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ (Đà Nẵng).
** Thạc sĩ Đinh Thị Toan – Nhà Trưng bày Hoàng Sa (Đà Nẵng).
[1] Hà Văn Tấn (cb) (2002), Khảo cổ học Việt Nam, Tập III, Khảo cổ học lịch sử Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.285-289.
[2] Lê Đình Phụng (1987), “Tìm hiểu nghệ thuật trang trí bia đá thế kỉ XVIII”, Khảo cổ học, Số 2, tr.57-65; Đinh Khắc Thuân và Tống Trung Tín (1989), “Nghệ thuật trang trí bia đá thời Tây Sơn – mấy ghi chép ban đầu”, Khảo cổ học, Số 1, tr.12-19.

Tài liệu tham khảo

1. A. Sallet (2002), “Núi đá hoa cương (Ngũ Hành Sơn)”, trong Những người bạn cố đô Huế (B.A.V.H), Tập XI, 1924, Nxb Thuận Hóa, Huế.
2. Đỗ Bang (2008), “Phố cảng Hội An: Thời gian và không gian lịch sử”, Kỷ yếu hội nghị khoa học về khu phố cổ Hội An (23-2/7/1985), Trung tâm Quản lý bảo tồn di tích Hội An, Quảng Nam.
3. H. Cosserat (2001), “Chùa Long Thủ ở Tourane”, trong Những người bạn cố đô Huế (B.A.V.H), Tập VII, 1920, Nxb Thuận Hóa, Huế.
4. Lê Đình Phụng (1987), “Tìm hiểu nghệ thuật trang trí bia đá thế kỉ XVIII”, Khảo cổ học, Số 2.
5. Hà Văn Tấn (cb) (2002), Khảo cổ học Việt Nam, Tập III, Khảo cổ học lịch sử Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
6. Lê Xuân Thông (2014), “Ngũ Hành Sơn – Một trung tâm Phật giáo của Quảng Nam – Đà Nẵng thế kỷ XVII”,  Nghiên cứu tôn giáo, Số 7.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục:

Ý nghĩa các tên gọi của ngôi chùa dưới góc độ ngôn ngữ văn hóa
Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Ngôi chùa từ lâu đã hiện hữu và gắn bó thiết thân trong mỗi chúng ta. Khắp nơi nơi trên cả nước, đâu đâu cũng có chùa, lớn có, nhỏ có, kim có, cổ có, tất cả đã trở thành một phần không thể tách rời trong cộng đồng làng xã Việt Nam. Về tên...

Khảo cứu lịch sử chất liệu ghi chép lưu trữ kinh Phật
Lịch sử, Nghiên cứu

Thời điểm xưa nhất tài liệu ghi chép, Vua A Dục (Asoka, 268-233 trước Dương lịch) vào lần tập kết kinh điển lần thứ 3 đã cho cán mỏng đồng đỏ thành lá để ghi chép và lưu trữ kinh Phật. Tổng lược các lần tập kết kinh điển theo góc nhìn các nhà nghiên...

Các Giống Dân Cổ Ấn Trước Thời Đức Phật
Lịch sử, Nghiên cứu

Theo các tài liệu cho biết rằng ngày xưa, ở Ấn Độ chỉ có một giống dân tên Negro da đen, tóc quăn, nhỏ con và mặt choắt. Họ không biết canh tác trồng tỉa gì cả. Hiện nay, giống dân này còn sót lại ở một số vùng cao tại Ấn Độ và châu...

Khởi Nguồn Giáo Hội Phật Giáo Nam Tông Kinh Việt Nam
Lịch sử, Nghiên cứu

Trong thập niên 1920 và 1930, ở Việt Nam có nhiều phong trào hồi sinh và canh tân các hoạt động Phật Giáo. Song song với sự chỉnh đốn các tổ chức Phật Giáo Phát Triển còn có nhiều chú tâm đến các hoạt động của truyền thống Nguyên Thủy, về hành thiền và các...

Lịch Sử Của Vô Tỷ Pháp (Abhidhamma)
Lịch sử, Nghiên cứu

Trong tuần lễ thứ tư sau khi Đức Phật giác ngộ, Ngài đã suy xét một cách chi tiết về Vô Tỷ Pháp là cốt lõi liên quan đến pháp siêu lý (Tâm, Sở hữu tâm, Sắc pháp, Níp-bàn) cũng là cốt lõi của giáo pháp trong Phật giáo suốt 7 ngày. Trong lúc suy...

Lan toả của dòng Lâm Tế Gia Phổ tại tổ đình Giác Lâm
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Các chúa Nguyễn thực hiện chính sách di dân, mở cõi về phía Nam của đất nước, theo các đoàn di dân có các thiền sư người Việt Nam và Trung Hoa. Mở cõi đến đâu, các thiền sư đều lập am, chùa đến đó để làm chỗ dựa tinh thần cho người dân trên...

Rồng trong mỹ thuật Phật giáo thời Lý: Từ huyền thoại đến hiện thực
Kiến trúc-Mỹ thuật, Nghiên cứu

Hình ảnh rồng trong thời Lý không chỉ phong phú về hình dáng và truyền thuyết, mà còn thể hiện sự kết nối chặt chẽ với những giá trị tâm linh và văn hóa. Mở bài Khi đức từ phụ Thích Ca Mâu Ni nhập diệt, kiến trúc Phật giáo bắt đầu chập chững những...

Sự hình thành và phát triển của Thiền phái Trúc Lâm thời nhà Trần
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Việc ra đời Thiền phái Trúc Lâm đã kết thúc thời kỳ các tông phái Phật giáo Việt Nam do người nước ngoài sáng lập, chứng minh Phật giáo đã thực sự bắt rễ tại Việt Nam, thực sự được người Việt đương thời tiếp thu và phát triển. Tóm tắt: Nhà Trần (1226-1400) là...

Triết lý Phật giáo qua bài Kệ vô thường lúc bấy giờ của Trần Thái Tông
Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Mở đầu Nhà Trần, như một ngọn hải đăng sáng chói giữa biển cả lịch sử phong kiến Việt Nam, đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng dân tộc. Trong suốt 175 năm trị vì, với mười hai đời vua và bảy năm thời hậu Trần, triều đại này không chỉ nổi bật...

Văn học Phật giáo Đàng Trong: Sự dung hòa tư tưởng Phật – Nho – Đạo
Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Hòa hợp Tam giáo không phải là sự dung hợp mang tính áp đặt, mà là sự bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau, tạo nên một hệ tư tưởng toàn diện Trong dòng chảy lịch sử văn hóa Việt Nam, sự dung hợp giữa Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo (Tam giáo đồng...

Văn học Phật giáo Đàng trong và sự dung hợp các tông phái Phật giáo
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Trong bối cảnh lịch sử đặc thù, sự dung hợp giữa các tông phái Thiền tông, Tịnh độ tông, và Mật tông không chỉ phản ánh tinh thần sáng tạo của Phật giáo mà còn khẳng định vai trò trung tâm của nó trong đời sống xã hội. Trong lịch sử phát triển văn hóa...

Triết học cho giáo dục gia trong thế giới cuồng loạn
Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

“Chúng ta đang thiếu tinh thần công cộng và lòng ái quốc chân chánh ngay bây giờ. Chúng ta còn đang mưu cầu lợi ích cá nhân, gia đình quá nhiều. Nếu mưu lợi này được thỏa mãn, xin đừng nhân danh này, nọ đến mọi người, khi sự việc bất hạnh xảy đến họ....

Ngài Thế Thân: Cuộc đời, Tác phẩm, Duy Thức, và Những tranh luận
Lịch sử, Nghiên cứu

Ngài Thế Thân (thế kỷ thứ 4 sau Tây Lịch) được đánh dấu niên đại ở vào thời cực thịnh của triều đại Gupta bởi vì sự kiện, theo ngài Chân Đế [Paramàrtha], thì ngài [Thế Thân] đã dạy cho thái tử, hoàng hậu của Vua “Vikramàditva” – danh xưng dành cho Đại Đế Chandragupta...

Thiền Trúc Lâm Yên Tử – Dòng thiền Việt Nam
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Xuất phát từ dân tộc Việt, với đặc thù riêng, không như các thiền phái khác, thiền Trúc Lâm Yên Tử là dòng thiền Việt Nam. Lịch sử Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử Thiền phái Trúc Lâm xuất hiện cách chúng ta hơn 8 thế kỷ. Do sử liệu Thiền tông Việt Nam bị...

Vua Phật Việt Nam
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

(Đề tài tham luận Hội thảo: “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Thiền phái Trúc Lâm” Do trường Đại Học Quốc Gia Hà Nội tổ chức ngày 27/11/2016 tại Thiền viện Sùng Phúc) Đã hơn bảy thế kỷ trôi qua từ khi Đức Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông viên...

Khảo sát về nguồn gốc của nghi lễ tấn hương
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Tập tục tấn hương qua các mục thảo luận trên chúng ta thấy có rất nhiều thuyết khác nhau, nhưng rõ và gần nhất là về câu chuyện của ngài Sa Môn Thích Chí Đức ở chùa Thiên Hỷ tại Kim Lăng vào đời nhà Nguyên được ghi chép trong “Đại Minh Cao Tăng truyện”....

Ads Blocker Image Powered by Code Help Pro

Đã phát hiện trình chặn quảng cáo!!!

Chúng tôi đã phát hiện thấy bạn đang sử dụng tiện ích mở rộng để chặn quảng cáo. Vui lòng hỗ trợ chúng tôi bằng cách vô hiệu hóa các trình chặn quảng cáo này.