Ngôi chùa từ lâu đã hiện hữu và gắn bó thiết thân trong mỗi chúng ta. Khắp nơi nơi trên cả nước, đâu đâu cũng có chùa, lớn có, nhỏ có, kim có, cổ có, tất cả đã trở thành một phần không thể tách rời trong cộng đồng làng xã Việt Nam.
Về tên gọi Chùa hầu như đều thống nhất từ trước tới nay và ai cũng hiểu rõ đó là một tập hợp kiến trúc nhà làm nơi thờ Phật. Đó là tài sản chung của một cụm người cư trú trên địa bàn nhất định. (Phải chăng cũng vì thế mà trong ngôn ngữ của chúng ta xuất hiện những từ rất “Việt” là… chùa, để chỉ tài sản hay sức lực không của riêng ai cả, muốn tiêu pha thế nào không ai cấm, không ai tiếc, như: của chùa, công chùa, tiền chùa?…). Bên cạnh cái tên Chùa thuần Việt chất phác ấy thì còn nhiều mỹ từ gốc Hán khác như Tự, Già lam cũng thông dụng không kém để chỉ ngôi chùa trong tiếng Việt. Dưới đây chúng ta lần lượt tìm hiểu vì sao những từ được dùng để chỉ kiến trúc nhà có chức năng thờ Phật.
Trước hết là Tự (寺): Ngày nay chữ này được dùng đứng sau làm thành tố chính (trung tâm ngữ) để kết hợp với một từ định danh nào đó (định ngữ) tạo thành một cụm danh từ nêu tên gọi một ngôi chùa cụ thể, như Trấn Quốc Tự, Kim Liên tự, Bửu Lâm tự, Vĩnh Nghiêm Tự… Và như vậy, ai cũng hiểu, Tự nghĩa là chùa. Nhưng trong ngôn ngữ Trung Quốc cổ đại thì nghĩa của Tự không phải là chùa. Vì Phật giáo mới tiến nhập Trung Quốc từ đầu Công Nguyên, trong khi chữ Hán thì đã có sớm hơn rất nhiều. Tự vốn là từ để chỉ cơ quan làm việc cụ thể của bộ máy chính quyền phong kiến. Sách Hán thư chú: Phàm phủ đình sở tại giai vị chi tự (nói chung nơi làm việc của phủ đình đều gọi là Tự). Khang Hy tự điển chú khá rõ điều này: Hán dĩ Thái thường, Quang lộc, Huân vệ úy, Thái bộc, Đình úy, Đại hồng lô, Tông chính, Tư nông, Thiếu phủ vi cửu khanh. Hậu nguy dĩ lai danh tuy nhưng cửu nhi sở lị chi cục vị chi Tự. Nhân danh Cửu tự (đời Hán lấy Thái thường, Quang lộc, Huân vệ úy, Thái bộc, Đình úy, Đại hồng lô, Tông chính, Tư nông, Thiếu phủ làm Cửu khanh. Nguy trở về sau tuy vẫn để như cũ nhưng các sở cục thì gọi là Tự. Vì vậy mà thành tên Cửu tự [thay cho Cửu Khanh]).
Vậy tại sao từ Tự chỉ một sở cục cụ thể được chuyển hẳn sang nghĩa là chùa? Đây là nguyên nhân lịch sử, đánh dấu mốc đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Trung Quốc. Hán Minh Đế Lưu Trang (25-75) là vị vua đầu tiên thừa nhận địa vị của phật giáo ở Trung Quốc. Tương truyền nhà vua nằm mộng thấy “người vàng” bay qua sân điện, bèn sai sứ giả 12 người do Lang Trung Thái Âm dẫn đầu sang Tây Trúc cầu tìm đạo phật. Đó là sự kiện năm Vĩnh Bình 7 (64). Ba năm sau (67), sứ giả về với hai tăng nhân người Ấn Độ cùng rất nhiều kinh sách và tượng phật được thồ trên lưng ngựa trắng. Lúc các tăng nhân cùng kinh, tượng, về đến kinh đô, triều đình chưa chuẩn bị kịp chỗ ở riêng nên cho ở tạm trong Hồng lô tự (một cơ quan trong Cửu khanh). Sau đó nhà vua mới cho xây dựng cái mà chúng ta gọi là chùa để thờ Phật và các tăng nhân tu tập. Kiến trúc xây dựng theo kiểu mẫu dinh thự của quý tộc đương thời. Sau đó chùa được xây dựng ngày càng nhiều cũng theo kiểu mẫu nhà ở của địa phương. Chính vì vậy mà chùa ở Trung Quốc, và cả ở Việt Nam khi tiếp nhận Phật giáo theo hướng Trung Quốc, có kiểu chùa rất riêng, không theo quy chuẩn mái cong tháp nhọn như nơi Phật giáo phát nguyên. Nhân vì kinh và tượng Phật được thồ về trên lưng ngựa trắng nên đặt tên chùa là Bạch Mã. Tự là chỗ đầu tiên tăng nhân tạm trú khi đến Trung Quốc nên được chuyển sang làm thành tố chính để gọi tên cho ngôi chùa: Bạch Mã Tự, ngôi chùa phật giáo đầu tiên của Trung Quốc.
Già lam 伽藍: cũng là tên gọi của ngôi chùa. Đây không phải là tên có nguồn gốc biến đổi như Tự trên kia. Già lam là tên gọi tắt của Tăng già lam ma (Sangharama). Tăng già là một nhóm tăng nhân đi Hoằng pháp, thường từ bốn người trở lên. Tăng già lam ma 僧伽藍: là nơi ở của các tăng nhân để tu hành, sau chỉ chung kiến trúc ngôi chùa. Như vậy, già lam ở đây nghĩa như Tự. Nhưng theo tài liệu bằng chữ Hán của Tuần phủ Hà Nam-hiệp biện đại học sĩ Mai Viên Đoàn Triển (1854- 1919) trong An Nam phong tục sách thì Già lam chỉ là chùa nhỏ. Nguyên văn như sau: Tự dĩ Phụng phật, xã dân giai hữu chi (…). Hữu chung lâu, hữu cổ lâu, quy chế đa hữu hậu viện vi Tăng ni trụ trì sở. Sóc vọng hiến cung niệm Phật tụng kinh. Diệc hữu Tiểu tự, vô Tăng ni, hữu Thủ tự nhất nhân, hương hoa đăng cung lễ, vị chi già lam. (Chùa để thờ Phật, xã dân nào cũng có). Có lầu chuông, có lầu trống, quy chế (thờ tự, cúng tế) nhiều hơn đình, miếu; có tăng ni và tháp mộ, có hậu viện làm nơi ở cho trụ trì và Tăng ni. Ngày rằm mùng một cúng cúng hoa quả và niệm Phật tụng kinh. Cũng có chùa nhỏ (tiểu tự), không có tăng ni có một người giữ chùa (Thủ tự, ông Tự) để dâng hương, thắp đèn lễ cúng, gọi là Già-lam). Theo ý kiến của ông Đoàn Triển ở sách trên thì Già lam chỉ là ngôi chùa nhỏ, không có quy mô tổ chức và kiến trúc như chùa. Nhưng theo các tài liệu phật giáo cũng có những ngôi chùa cụ thể được gọi là Già lam, như ngôi Già lam- Cổ tự ở Phụng Hiệp (Hậu Giang) thì quy mô tổ chức cũng như quần thể kiến trúc không nhỏ chút nào, nếu không muốn nói là có phần diễm lệ.
Thế nào gọi là Chùa? Vì sao nó chỉ kiến trúc ngôi nhà thờ Phật? Điều chắc hẳn ai cũng thừa nhận chùa là tên gọi thuần của người Việt. Để tìm hiểu nghĩa của chữ Chùa chúng ta cần tìm hiểu chức năng của ngôi chùa. Chùa là nơi thờ Phật, chốn linh thiêng, thanh tịnh, là nơi mỗi tháng hai lần các Phật tử dâng hương hoa trà quả để lễ Phật. Lễ vật cúng Chùa thường là những hằng sản địa phương, được đem lên tế lễ rồi chẩn phát, cứu tế luôn cho những người nghèo khó. Như vậy ý nghĩa nhân văn của ngôi chùa truyền thống rất lớn: là nơi để người giàu san sẻ, người khó tựa nương. Đây cũng là một trong những tôn chỉ quan trọng mà nhà chùa hiện nay đang thực hiện. Truy về nguồn gốc chữ Chùa không đâu hơn là dựa vào mã chữ Nôm. Trong chữ Nôm, Chùa được ghi bằng Trù. Ngữ âm lịch sử đã chứng minh: /ch/ là âm trước của /tr/ khi người Việt đọc chữ Hán. Chùa là âm tiền Hán Việt của Trù, nó nằm trong hệ thống ch > tr, như chén > trản, chém > trảm, chọn > trạch, chèo > trạo, chầy > trì, chay > trai, chứa > trữ… Trù có nghĩa là bếp, tiếng Hán hiện đại, trù phòng có nghĩa là nhà bếp, nơi ấm áp, yên bình trong mỗi gia đình. Suy rộng ra xã hội, nơi ấm áp, yên bình nhất chính là ngôi chùa. Chùa là nơi người ta được san sẻ, được thỏa nguyện về cả vật chất lẫn tinh thần. Ý nghĩa từ ngữ thật cao đẹp biết bao!
Trong tiếng việt ta còn có chữ chùa chiền để chỉ chung về những thắng cảnh Phật giáo. Vậy Chiền là gì? Nó là từ có yếu tố độc lập hay là yếu tố láy của từ chùa? Thực ra nó xuất phát từ âm Triền: chỗ ở của người dân nói chung. Cũng như chùa, Chiền là âm tiếng Hán Việt của Triền Hán Việt. Như vậy đây là một từ ghép đẳng lập của người Việt để chỉ thắng cảnh Phật giáo nói chung. Trong đó, Chùa là yếu tố trung tâm tương đương với nó chính là Tự. Còn tiếng Hán tương đương với chùa chiền không phải là Tự mà là Sát. Sát là âm được phiên âm từ tiếng Phạn, là chùa nói chung, từ Hán Việt có các từ như: Cổ sát: chùa cổ, Bảo sát danh sơn: thắng cảnh núi non có chùa…
Qua đây có thể thấy cha ông chúng ta đã biết tiếng Việt hóa cao độ các thuật ngữ Phật giáo để làm giàu cho tiếng Việt. Tuy là vay mượn nhưng dấu vết hầu như mất hẳn vì nó thấm nhuần tư duy nhân văn của người Việt.
Bên cạnh một số tên gọi đã ăn sâu vào ngôn ngữ Việt khi chỉ về ngôi chùa như trên, thì cũng còn nhiều từ khác dùng phổ biến ở Trung Quốc mà khi nhắc tới ta đều biết nó chỉ ngôi chùa, như: Phật sát, Phật điện, Phật đường, Phật khám, Phật sát, Phật tự, Tăng phòng, Tăng viện, Tăng xá, Thiền già, Thiền trai, Thiền xá, Tự môn, Tự quán, Tự viện…Đó là do quá trình tiếp xúc lâu dài,thường xuyên với tiếng Hán. Tất cả các từ trên đều có thể dịch là Chùa. Trong các từ trên, yếu tố đầu: Phật, Tăng, Thiền là thuật ngữ Phật giáo; Tự là chùa đã nói ở trên. Yếu tố sau là những kiến trúc nhà khác nhau trong tiếng Hán. Nó góp phần định danh tường minh hơn cho ngôi chùa cụ thể.
Tổng quan lại có thể thấy nghĩa của các từ chùa chỉ về ngôi chùa luôn gắn bó mật thiết với ngôi nhà của chúng ta. Chính vì vậy mà tư tên gọi đã toát lên vẻ ấm áp, thân thương và gần gũi, mang đậm tư duy Phật giáo Á Đông.