Kinh Pháp Hoa gửi thông điệp: Ai cũng sẽ thành Phật. Các tôn giáo khác không bao giờ nói tín đồ bằng giáo chủ, đây là điểm khác biệt trong Phật giáo.
Tóm tắt phẩm Tín giải
Sau khi nghe về pháp Phương tiện và được đức Phật khai mở về Nhất thừa giáo, đặc biệt là lời thọ ký cho Thanh văn được thành Phật, bốn vị Thánh Tăng gồm Ngài Huệ Mạng Tu Bồ Đề, Đại Ca Diếp, Ca Chiên Diên và Mục Kiền Liên liền đứng dậy bộc bạch tâm trạng của mình. Các Ngài nói rõ tâm nguyện trước đây của mình, chỉ nghĩ nhớ ba pháp Không, Vô tướng, Vô tác để tu tập và chứng Niết-bàn, cho đó là đủ rồi; tự cho mình tuổi đã già nên những việc làm của Bồ tát như thần thông du hí, tịnh cõi Phật, độ thoát chúng sinh các Ngài không hề có tâm ưa thích. Đến phẩm này, bốn vị Thánh Tăng tự thấy được chỗ thiếu sót của mình trước đây và nhận ra được tri kiến Phật trong mình, đồng thời tin tưởng mình cũng có khả năng thành Phật, được thừa hưởng giáo pháp Nhất thừa, nên vui mừng hân hoan chưa từng có, như được của báu vô giá mà trước đây không hề mong cầu.
Bốn vị Thánh Tăng dùng thí dụ để diễn tả tâm trạng của mình: Có người tuổi thơ bé dại khờ bỏ cha trốn đi nước khác, vất vả kiếm sống. Cha hằng nhớ con nên tìm khắp nơi rồi dừng lại một thành nọ. Người con vô tình đi ngang qua nhà cha, cha nhận ra con và tìm cách dụ dẫn con về nhà làm người hốt phân, dần dần giao quản lý tài sản. Cuối cùng giao tài sản cho con.Giải thích thuật ngữ
Phương tiện hay còn gọi là phương tiện thiện xảo, là từ dùng để chỉ cách thức quyền biến mà đức Phật sử dụng để giáo hóa chúng sinh. Phương là phương thức, phương hướng. Tiện là thuận tiện, tiện lợi, phù hợp, thích nghi.
Cứu cánh là điểm đến, mục tiêu. Phương tiện là con đường hay quá trình thực hiện để đạt được cứu cánh.
Phẩm Tín giải là lời trình bạch của bốn vị Thánh Tăng, thuộc hàng thượng thủ trong chúng về diễn biến tâm lý, cũng như niềm tin và sự liễu ngộ của mình về pháp Phương tiện của đức Phật. Tín chỉ cho niềm tin. Giải chỉ cho sự liễu ngộ. Tín giải là quá trình chuyển đổi giữa niềm tin và sự liễu ngộ. Nhờ tin mà hiểu, càng hiểu càng tin. Tín là biểu hiện của tình cảm, Giải là biểu hiện của lý trí. Muốn vào nhà Pháp Hoa thì tình cảm và lý trí phải song hành.
Ý nghĩa phương tiện và cứu cánh
Ở phẩm Tín giải sau khi nghe Thế Tôn thọ ký ngài Xá-lợi-phất sẽ thành Phật, các vị Thánh Tăng đã rất vui mừng và sinh khởi lòng tin hiểu về Nhất thừa pháp mà Thế Tôn đã dạy. Thực vậy, lòng tin được xem là nấc thang đầu tiên trên bước đường học đạo. Người tu hành nếu không tin thì không bao giờ nghe lời Phật dạy, từ đó sẽ không hiểu được dụng ý của Phật.
Ở đây, các vị Thánh Tăng đã tin hiểu và dùng ví dụ “Gã cùng tử” để diễn tả sự vui mừng của mình khi được nghe pháp chưa từng có.
Qua ví dụ chúng ta thấy được rằng: Người cha trong câu chuyện này chỉ cho đức Phật. Người con chỉ cho các vị Thánh Tăng. Chỗ ở trong nhà chỉ cho quả Niết bàn của Nhị thừa. Tài sản chỉ cho kho tàng giáo pháp của Như Lai. Người con bỏ cha đi hoang có nghĩa là truớc đây cha con cùng ở chung một chỗ một nhà. Chỗ đó là Viên Giác Diệu Tâm Thanh Tịnh Như Lai.
Tất cả chúng sinh và Phật đều cùng một bản thể chân tâm thanh tịnh sáng suốt tròn đầy màu nhiệm. Nhưng vì sống trái với chân tính ấy nên đứa con trở thành kẻ lưu lạc trong biển khổ. Người cha lúc nào cũng nhớ con, tìm con với ước mong tha thiết là giao hết cho con cái gia tài vô giá của mình trước ngày nhắm mắt. Phật ra đời vì chúng sinh, không lúc nào xao lãng nguyện vọng truyền trao trọn vẹn cho chúng sinh cái Tri Kiến Phật mà chúng sinh vốn có trước khi nhập Niết-bàn. Cha bỏ xứ đi tìm con chỉ cho việc Phật xuất thế vì chúng sinh mà vào đời ngũ trược. Khi cha con gặp nhau thì quá cách biệt. Cha thì giàu có tột bậc, con thì nghèo khổ rách rưới lang thang. Cha biết rõ con mà con thì tự thấy mình quá hèn, quá thấp, không dám ngó nhìn thì còn nói chi tới việc nhận cha. Phật xuất thế tìm đến chúng sinh nhưng Phật thì Chính Biến Tri Giác Vô Thượng, còn chúng sinh thì vô minh dày đặc thì ai mà dám bảo mình là con của Phật.
Cha biết con mình quen đời sống ăn xin bần tiện không sao chuyển hóa tư tưởng nhanh chóng được, ông dùng kế mật sai hai người tiều tụy không oai đức tìm rủ con ông vào nhà mướn làm cái việc ti tiện là hốt phân. Người con thì rất bằng lòng nhận lấy việc làm này.
Cũng vậy, Phật biết chúng sinh thường sống trong vô minh phiền não không thể dạy thẳng cho chân lý Nhất Thừa. Không thế nói rằng tất cả chúng sinh là Phật sẽ thành, cho nên phải phương tiện nói có hai thừa sai hai người không uy đức làm môi giới dẫn dụ chúng sinh vào nhà Tri Kiến Phật, nhưng chàng cùng tử thì rất bằng lòng làm cái việc hốt phân ti tiện để đổi lấy giá tiền công ít ỏi của chính cha mình.
Muốn gần con để lần hồi dạy bảo dẫn dụ, người cha bèn mặc quần áo dơ bẩn để gần gũi gã cùng tử tượng trưng cho việc đức Phật tùy căn cơ của chúng sinh mà thị hiện giáo hóa giúp chúng sinh đoạn trừ những phiền não cấu uế trong tâm. Gặp được con, cha khuyến khích làm việc, ví như Phật nhắc nhở tinh tấn tu hành. Hứa ban thưởng xứng đáng, muốn gì được nấy, ví như Phật hứa cho Niết-bàn của Tiểu thừa để cho chúng sinh quen dần, lần hồi sử dụng châu báu trí tuệ trong cái gia tài đồ sộ Tri Kiến Phật. Cha có bệnh gọi con giao gia tài cho quản lý, như Phật đem Tri Kiến Phật ra dạy bảo tu tập. Nhưng con không dám dùng, cũng như không có ý muốn dùng, đó là lòng hoài nghi của tất cả chúng sinh đối với khả năng thành Phật của mình.
Đến giờ sắp chết cha hội thân tộc tuyên bố chàng cùng tử là con ruột và trao cho tất cả sản nghiệp, bấy lâu nay tập cho chàng thu xuất nay đã thông thuộc, ví như khi sắp nhập Niết-bàn trong một hội Pháp Hoa Phật thọ ký: Tất cả chúng sinh sẽ thành Phật. Kho tàng pháp bảo vô giá mà bấy lâu nay dạy dỗ, tập cho sử dụng, nay trao trọn cho tất cả chúng sinh. Người con vui mừng, nghĩ thầm: kho tàng trân bảo vô giá này ta không cầu mà có, tự nhiên mà được. Cũng vậy, Tri Kiến Phật, Như Lai Viên Giác Diệu Tâm là cái tất cả chúng sinh vốn có, chỉ cần chúng sinh không còn vô minh che khuất thì tri kiến ấy sẽ hiển bày. Đây chính là ý nghĩa diệu dụng mà đức Phật muốn chúng sinh cần liễu ngộ.
Ngang qua câu chuyện Gã Cùng Tử xóa bỏ đi tính mặc cảm của chúng sinh. Kinh Pháp Hoa gửi thông điệp: ai cũng sẽ thành Phật. Các tôn giáo khác không bao giờ nói tín đồ bằng giáo chủ, đây là điểm khác biệt của đạo Phật so với các tôn giáo khác.
Trong Phật giáo vị giáo chủ và tín đồ ngang nhau về mặt trí tuệ, chính điều này kích thích sự tu tập hướng thượng của chúng sinh. Chúng ta cũng vậy khi chúng ta quỳ lạy trước tượng Phật, mình thường nghĩ Phật cao siêu không với tới, khi chúng ta làm gì mà không nghĩ mình sẽ thành cái đó thì mình sẽ không phát huy tối đa.
Trong tinh thần Phật giáo đại thừa ý nói điều này “Phật là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”, phải xóa bỏ đi tính tự ti mặc cảm thì con người mới có thể phát huy hết được.
27 phẩm trong kinh Pháp Hoa, mỗi ví dụ nhằm mô tả nhằm nói ý trong phẩm thứ nhất, trong ví dụ này ý nói Phật đã thành rồi, chúng con là Phật sẽ thành, chúng con rất tin tưởng chuyện này, câu chuyện này để làm sáng tỏ đầu đề, đầu đề này nhằm phục vụ cho phẩm một, phẩm thứ tư nói ra giải nghĩa cho phẩm thứ nhất. Phẩm thứ nhất nói đến tri kiến Phật nhưng không biết tri kiến Phật như thế nào cho nên 27 phẩm còn lại lần lược mô tả những góc độ, những khía cạnh phẩm thứ nhất.
Như vậy câu chuyện này phục vụ “cho chúng sinh sẽ thành Phật, chúng sinh sẽ có tri kiến Phật, chúng con tin tưởng như vậy, tại sao chúng con tin tưởng vì chúng con hiểu” muốn hiểu thì chúng ta phải tu tập, cũng giống như Gã cùng Tử muốn giàu thì phải làm việc, từ hốt phân từ từ mới lên làm quản gia, làm việc đây chỉ cho sự tu tập, có tu tập mới được tài sản, mới được tri kiến Phật, khi nói đến giải hay hiểu chỉ cho sự tu tập, tín, giải, tin hiểu mà muốn hiểu phải tu, học. Tu để thành Phật, tin tưởng vào việc tu tập hành trì giới, định, tuệ, Tin đây không phải tin mù quáng, tin đây là bất động không thoái chuyển, tin đây đặt trên sự tu tập.
Ứng dụng tu tập
Ta với Phật đồng thể tính viên dung, khi chúng sinh nó không bớt đi hay khi thành Phật nó cũng không tăng thêm. Thể tính ấy vốn như vậy luôn giống nhau, giữa chúng sinh và Phật nếu có sự khác nhau thì chỉ khác nhau ở sự mê ngộ mà thôi. Chúng ta vì vô minh nên đã trầm luân trong biển khổ của luân hồi sinh tử. Đức Phật với tâm từ bi thương chúng sinh như con, thấy chúng sinh đau khổ trong ba cõi nên Ngài thị hiện xuống trần gian đem chính pháp dạy cho chúng sinh. Thế nhưng, chúng sinh cảm thấy giáo pháp của Phật quá cao thâm vi diệu, cho rằng mình không thể liễu ngộ và không thể giác ngộ giống Phật. Đức Phật biết được tâm lý tự ti mặc cảm ấy của chúng sinh nên Ngài đã phương tiện nhiều pháp căn bản để dẫn dụ chúng sinh vào nhà chính pháp rồi sau mới nói pháp Thượng thừa.
Thật vậy, đức Phật đã dùng các nhân duyên, các thí dụ với vô số phương tiện dẫn dắt chúng sinh xa lìa cấu uế. Nên biết rằng, mỗi chúng sinh đều có mỗi chấp trước, chấp trước về thân tâm, chấp trước về cảnh giới, chấp trước về sự nghiệp, chấp trước về tri kiến,… mang thân tâm gì thì chấp trước theo thân tâm ấy. Ở cảnh giới nào thì chấp theo cảnh giới ấy, chúng sinh dục giới chấp trước dục giới, thậm chí chúng sinh ở địa ngục cũng có sự chấp trước ở địa ngục, chấp trước về căn thân, về khí giới. Cho nên, tuy những điều rất nhỏ nhưng khi chấp trước thành thói quen rồi, thì muốn quên ngay cũng không được. Kinh Pháp Hoa đưa ra những giá trị rất sâu sắc về mặt tư tưởng và giải thoát, kinh đưa con người thoát khỏi ý tưởng ràng buộc chấp trước.
Ở phẩm Tín giải, chúng ta cần lĩnh hội ý nghĩa cứu cánh mà đức Phật đã dạy. Chúng ta phải từ bỏ ý nghĩ cho rằng mình không thể tu tập thành tựu như đức Phật hay như các vị Tổ sư được. Chúng ta phải tin rằng mình cũng có thể chuyển hóa nghiệp chướng phiền não từ thân ngũ uẩn hữu lậu này thành thân ngũ uẩn vô lậu. Qua hình ảnh ông trưởng giả mặc quần áo dơ bẩn để gần gũi con, cũng như chư Phật chư vị Bồ Tát vì thương xót chúng sinh nên đã hóa độ nhiều thân tướng khác nhau nhằm giúp chúng ta tu tập chuyển hóa nghiệp chướng của mình. Chính vì vậy, trên bước đường tu học những người mà chúng ta gặp gỡ đều có nhân duyên khác nhau, có thể họ là những bậc thiện hữu tri thức luôn sát cánh khuyên răn sách tấn ta tu học, cũng có thể họ là những người ác hữu tri thức dùng các nghịch cảnh khảo sát tâm ta để ta được trưởng thành hơn. Cho nên, trong hoàn cảnh nào ta cũng phải nương vào bản tính thanh tịnh của mình để chiến thắng mọi khó khăn hay cám dỗ của cuộc sống.
Pháp Phương Tiện cho phép chúng ta đến với cuộc đời qua mọi hình thức miễn là đem được ánh sáng chân lý phổ cập khắp nơi. Người hoằng pháp có khi lấy thân mình làm phương tiện, thông qua đời sống phạm hạnh của tự thân làm ảnh hưởng đến nếp sống của người xung quanh khiến cho họ quí trọng ta và theo ta học pháp. Đây gọi là thân giáo sư cũng là phương pháp giáo hóa hữu hiệu nhất và phương tiện đơn giản nhất đem lại hiệu quả nhất. Ta có sống được như vậy thì ta nói người đời mới chịu tin.
Hơn thế nữa ta phải sống thế nào cho người đời thấy rằng theo giáo lý đạo Phật là an lạc hạnh phúc. Lấy đời sống tu tập của chính ta làm phương tiện hoằng pháp là thiết thực nhất, song không dễ chút nào vì phương thức hoằng pháp này đòi hỏi chúng ta phải có một đời sống thật sự nghiêm túc tu tập tinh chuyên. Muốn được như thế chúng ta cần phải nỗ lực tinh cần không được xao lãng. Từ trong nội tâm trong sáng của chính mình hành giả Pháp Hoa tùy nghi sử dụng phương tiện hoằng pháp lợi sinh.
Tác giả: Huệ Pháp