Tôi mới khám phá tổ đình Hội Sơn (TP.Thủ Đức, TP.HCM). Lạc bước vào nơi đây, tôi cảm nhận được sâu sắc sự thanh tịnh, linh thiêng, chánh niệm, và có chút gì đó… thư giãn, tách biệt hẳn với thế giới ồn ã và đầy bon chen ngoài kia.
Điểm ấn tượng nhất phải là tất cả các công trình, tượng Phật, đều được làm rất công phu, điêu khắc tỉ mỉ, toát lên thần hồn sâu đậm. Và từng góc của chùa đều được chăm chút, như người thiết kế muốn rằng: chúng ta cứ hãy chánh niệm, và ngắm nhìn thật sâu, thật lâu ở từng góc nhìn.
Mình bước đến chùa vào lúc trời chiều muộn, khiến cho không khí càng thêm tĩnh lặng và nhẹ nhàng hơn. Và mình thật sự muốn đắm chìm vào từng không gian của nơi này, lâu mãi, sâu mãi, để cho tiếng chuông chùa đánh trôi đi mọi âu lo, phiền muộn.
Theo thông tin đọc trên tấm bia của chùa thì tuổi đời tổ đình Hội Sơn cũng trên dưới 400-500 năm:
“Chùa do Thiền sư Khánh Long dựng vào thế kỷ XVIII nên còn được gọi là chùa Khánh Long. Sách Gia Định Thành Thông Chí giới thiệu về chùa: “Ở đuôi dãy núi Châu Thới về phía Bắc, nứt ra một chi chạy đến địa phận thôn Long Tuy, rồi nổi lên gò cao bằng phẳng rộng rãi; ở trên núi có hang hổ và suối nước, dân chúng ở dọc theo đó. Trên núi có chùa Hội Sơn là chỗ Thiền sư Khánh Long sáng tạo để tu hành…”.
Chùa được trùng kiến, mở rộng vào thời Thiền sư Huệ Tấn (1875-1924). Đến năm 1933, ông Tri huyện Nguyễn Minh Giác tiếp tục trùng tu.
Năm 1938, Ni sư Thích nữ Như Thanh và đệ tử là Thích nữ Như Tiên đã tổ chức trùng tu, xây dựng thêm nhiều công trình phụ.
Khu đất chùa được xếp là 1 trong 26 di tích khảo cổ học (thuộc thời kỳ kim khí) ở Thành phố Hồ Chí Minh. Các nhà khảo cổ học đã tìm được rìu đá, đục đá, nhiều mảnh gốm… có niên đại khoảng 4.000 năm. Chùa đã được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia”.
Xem thêm chùm ảnh:
Liêu Lãm (thực hiện)