Lịch sử phiên dịch

Tăng nhất A-hàm nói riêng, bốn bộ A-hàm nói chung, là những bản dịch từ Phạn sang Hán trong thời kỳ đầu của quá trình truyền thừa mạng mạch Phật pháp vào đất Trung nguyên của những tỳ-kheo mang chí nguyện ‘hoằng pháp vi gia vụ, lợi sanh vi bản hoài’! Lúc bấy giờ, chư vị tổ đức tùy theo số lượng kinh điển mà mình đã học thuộc hoặc mang theo và cũng tùy theo khả năng, vốn liếng Hán ngữ có được mà cố gắng nỗ lực phiên dịch sang tiếng Hán. Những bản dịch đầu tiên thuộc loại Pháp Cú, kế đến là các bản kinh hoặc phẩm kinh thuộc A-hàm. Trong khoảng 100 năm của thời kỳ đầu, các ngài An Thế Cao, cư sĩ Chi Khiêm, Pháp Hộ, Pháp Cự… đều phiên dịch những bản kinh đơn lẻ như vậy, sau này các nhà biên tập Đại tạng kinh gọi là Biệt dịch, Biệt hành hoặc Đơn bản A-hàm.

Kể từ thời Đông Tấn trở đi mới có những cao tăng thuộc lòng cả bộ hoặc thuộc lòng gần hết một bộ A-hàm và khi đó mới có những bản dịch đầy đủ. Dù vậy, quá trình phiên dịch bốn bộ A-hàm cũng kéo dài suốt thời thời gian 60 năm (từ 385-443 Tây lịch).

Kinh Tăng nhất A-hàm ra đời trong hoàn cảnh như vậy và còn có phần bi tráng nữa! Lịch đại tam bảo ký ghi rằng: “Tam tạng pháp sư Cù-đàm-nan-đề, tức Pháp Hỷ, người nước Đâu-khư-lặc đến Trường An vào năm đầu niên hiệu Kiến Nguyên. Ngài thuộc lòng bốn bộ A-hàm tiếng Phạn nên đã đọc lại cho ngài Trúc Phật niệm viết ra Phạn văn. Quá trình phiên dịch này kéo dài đến 20 năm và được 59 quyển[1]. Bấy giờ, Mộ Dung Xung và Dao Trường làm phản, trong nước hiểm nguy mà chưa biết phải làm thế nào. Nan-đề muốn sang Tây Yên nhưng cũng chẳng biết ở đâu. Sự nghiệp hoằng pháp gặp nhiều chướng nạn như vậy mà vẫn nỗ lực phiên kinh, thật là đáng kính và thương vậy!”[2]

Đàm-ma-nan-đề xuất gia từ nhỏ và sớm thành bậc thông tuệ. Đọc tụng và nghiên cứu kinh điển đến chỗ tinh thâm, xem qua Ba tạng, thuộc lòng A-hàm, thấy biết tường tận. Trí thức xa gần trong ngoài nước đều quy phục. Tuổi tuy còn trẻ nhưng đã đi qua nhiều nước, lấy việc hoằng pháp làm sự nghiệp.

Bản dịch Phạn Hán đầu tiên của Kinh Tăng nhất A-hàm được Đàm-ma-nan-đề (Dharmānandī) thực hiện vào niên hiệu Kiến Nguyên thứ 21, triều Tiền Tần (385 Tây lịch)[3]. Trong lần phiên dịch này, ngài Đàm-ma-nan-đề tuyên đọc thuộc lòng bản tiếng Phạn, ngài Trúc Phật Niệm nghe và khẩu dịch sang tiếng Hán, ngài Đàm Tung ghi chép lại và chỉ có 41 quyển, được chia làm hai phần, gồm phần Thượng và phần Hạ. Phần Thượng có 26 quyển, sau mỗi phẩm thì có bài kệ tóm tắt tựa đề của những bài kinh có trong phẩm đó, gọi là Nhiếp tụng. Phần Hạ có 15 quyển thì sót mất những bài kệ Nhiếp tụng này. Do đó, ngài Đạo An và ngài Pháp Hòa đã khảo chính lại, hai thầy Tăng Lược và Tăng Mậu hỗ trợ xem xét những chỗ thiếu sót. Trong khi dò kinh thì xảy ra chiến loạn A Thành, trống đánh gần bên nhưng các ngài vẫn chuyên tâm khảo dịch.[4]

Với những nỗ lực như vậy nhưng bản dịch đầu tiên này vẫn chưa được hoàn thiện. Thế nên, gần mười năm sau, trong thời Đông Tấn (317-420), ngài Tăng-già-đề-bà (Saṃghadeva) người nước Kế Tân đã phiên dịch và hiệu chú thêm một lần nữa, vào niên hiệu Long An nguyên niên[5]. Bản dịch này được nhập tạng và hiện đang được lưu giữ trong Đại tạng kinh Đại chính tân tu, tập 2, số 125, gồm 51 quyển với tên dịch giả là: ‘Đông Tấn, Kế-tân tam tạng Cù-đàm Tăng-già-đề-bà dịch’. Dù vậy, những bài kệ được gọi là Nhiếp tụng nằm ở cuối mỗi phẩm nhằm mục đích ghi nhớ đã không được bổ sung đầy đủ mà còn có phần nhầm lẫn[6].

Cù-đàm Tăng-già-đề-bà, tức Chúng Thiên, là người nước Kế-tân, đến Trung Hoa dịch kinh vào đời Đông Tấn. Sư là người thông minh tuấn tú, uy nghi đĩnh đặc, bản tính khiêm cung, học thông ba tạng, nhất là luận A-tỳ-đàm. Trong niên hiệu Kiến Nguyên (365-384 Tây lịch) đời Tiền Tần, sư đến Trường An. Tháng 4 năm Kiến Nguyên thứ 19 (383 Tây lịch), nhận lời thỉnh của ngài Pháp Hòa, sư và ngài Trúc Phật Niệm cùng dịch luận A-tỳ-đàm bát kiền-độ 20 quyển. Năm sau, ngài Đạo An chủ trì phiên dịch luận Tôn-bà-tu-mật Bồ-tát sở tập, thỉnh sư và các ngài Tăng-già-bạt-trừng và Đàm-ma-nan đề cùng đọc tiếng Phạn. Ít lâu sau, sư và ngài Pháp Hòa cùng các môn đồ đến Lạc Dương, trong thời gian 4, 5 năm, sư nghiên cứu giảng dạy kinh A-hàm, nhờ đó thông hiểu tiếng Hán, lại dịch các luận A-tỳ-đàm tâm và Tỳ-bà-sa, đồng thời hiệu chú những chỗ sai sót trong các kinh đã được dịch trước. Sau, ngài Pháp Hòa vào Quan Trung, còn sư thì nhận lời thỉnh của ngài Tuệ viễn, đến Lô sơn. Vào niên hiệu Thái Nguyên thứ 16 (391 Tây lịch), sư dịch luận A-tỳ-đàm tâm 4 quyển và luận Tam pháp độ 2 quyển ở đài Bát-nhã tại Lô sơn. Niên hiệu Long An năm đầu (397 Tây lịch), sư đến Kiến Nghiệp, rất được các vương công nhà Tấn và các danh sĩ kính tin. Bấy giờ, Lang Gia Vương là Tư Mã Tuấn kiến lập tinh xá, chiêu mộ học chúng khắp nơi. Khi ngài Đề-bà đến đây, Vương liền thỉnh ngài giảng dạy luận A-tỳ-đàm, đại chúng đều lãnh ngộ. Mùa đông năm ấy, Vương thỉnh sư dịch lại kinh Trung A-hàm. Về các kinh luận do sư dịch, Xuất tam tạng ký tập quyển 2 liệt kê 6 bộ 116 quyển từ kinh Trung A-hàm 60 quyển trở xuống; còn Khai nguyên thích giáo lục thì liệt kê 5 bộ 118 quyển.[7]

Về tên gọi

Về tên gọi, theo Thiện Kiến Luật Tỳ-bà-sa quyển 1, Ngũ Phần Luật quyển 30, Tứ Phần Luật quyển 54 và chính trong bài tựa kinh này do ngài Đạo An viết thì sở dĩ gọi là Tăng Nhất A-hàm vì bộ kinh này căn cứ vào sự xuyên suốt của giáo pháp để sắp xếp nội dung thứ tự theo các pháp số. Con số sau cùng là số mười, vì phải tăng thêm một, nên gọi là Tăng nhất.

Toàn kinh được phân thành 52 phẩm, tổng cộng 472 bài kinh. Trước đây, theo ngài Tăng Triệu, Kinh Tăng nhất A-hàm có bốn phần, tụng trong tám ngày[8], nhưng bản lưu hành hiện nay chỉ duy nhất phẩm 49 là còn ghi lại cách phân chia này[9], ngoài ra không thấy ghi chép ở những phẩm khác. Các bản Tăng nhất A-hàm được kết tập vào thời nhà Tống, Nguyên, Minh đều ghi nhận có 52 phẩm, 50 quyển. Còn trong Đại tạng của Cao Ly thì kinh này có 50 phẩm, 51 quyển.

Về nội dung

 

Về nội dung, Tăng nhất A-hàm mở đầu bằng phẩm Tự, trình bày sơ lược diễn biến đại hội kết tập kinh điển lần thứ nhất, A-nan tụng kinh và nhân duyên A-nan truyền pháp cho Ưu-đa-la. Tiếp theo là các phẩm sắp xếp kinh thứ tự theo số pháp, từ 01 đến 11 pháp. Một pháp có 13 phẩm, 109 bài kinh; hai pháp có 6 phẩm, 65 bài kinh; ba pháp có 4 phẩm, 40 bài kinh; bốn pháp có 7 phẩm, 61 bài kinh; năm pháp có 5 phẩm, 47 bài kinh; sáu pháp có 2 phẩm, 22 bài kinh; bảy pháp có 3 phẩm, 25 bài kinh; tám pháp có 2 phẩm, 20 bài kinh; chín pháp có 2 phẩm, 18 bài kinh; mười pháp có 3 phẩm, 26 bài kinh và mười một pháp có 4 phẩm, 39 bài kinh.

Với 472 bài kinh, Tăng nhất A-hàm chuyên chở hầu hết những Phật lý căn bản, những định nghĩa rõ ràng và những pháp hành cụ thể.

Về pháp số của kinh này, có hai thuyết. Thuyết thứ nhất, theo Ma-ha tăng-kỳ luật quyển 32, A-tỳ-đàm Tỳ-bà-sa luận quyển 10, Hữu bộ Tỳ-nại-da tạp sự quyển 39… cho rằng kinh này vốn có đến 100 pháp, sau vì quên mất nên chỉ còn lại 10 pháp. Thuyết thứ hai căn cứ vào Ngũ phần luật quyển 30, Tứ phần luật quyển 54, Tuyển tập tam tạng và Tạp tạng truyện, Luận phân biệt công đức quyển 2… cho rằng kinh này sắp xếp thứ tự các pháp từ một đến 11 pháp, tổng cộng có 11 pháp. Thuyết này phù hợp với kinh Tăng nhất A-hàm hiện còn.

Trong năm bộ Nikāya, Tăng nhất A-hàm tương đương với Tăng chi bộ (Aṅguttara- nikāya). Tăng chi bộ có 11 nhóm, 171 phẩm, 2203 kinh (nhưng con số này cũng chưa thống nhất), trong đó có 135 kinh tương đương hoặc có thể đối chiếu với Tăng nhất A-hàm[10]. Cuốn Phật quang đại tạng kinh, phần đề giải kinh Tăng nhất A-hàm cho biết có 153 kinh của Tăng nhất A-hàm tương đương hoặc gần tương đương với Tăng chi bộ. Ngoài ra, có hai kinh tương đương với Trường bộ, 33 kinh tương đương với Trung bộ, 46 kinh tương đương với Tương ưng bộ[11].

Về sự truyền thừa

Về sự truyền thừa, theo Luận phân biệt công đức quyển 2, Kinh Tăng nhất A-hàm được truyền từ Nhất thiết hữu bộ. Dịch giả của kinh này, Đàm-ma-nan-đề và Tăng-già-đề-bà đều là những đại luận sư của và nhà truyền giáo của Nhất thiết hữu bộ. Nhưng kinh này lại mang đậm sắc thái Đại thừa, nên ngài Từ Ân cho rằng kinh này được truyền từ Đại chúng bộ. Thủy Dã Hoằng Nguyên, nhà Phật học lớn của Nhật Bản cũng đồng ý như vậy. Còn học giả Lương Khải Siêu cho rằng kinh này do Nhất thiết hữu bộ truyền, sau đó được bổ sung bởi các bản của Đại chúng bộ.

Việt dịch Tăng nhất A-hàm

Bản dịch Tiếng Việt đầu tiên Kinh Tăng nhất A-hàm do Hòa thượng Thích Thanh Từ thực hiện theo tinh thần phân nhiệm của Hội nghị toàn thể hội đồng phiên dịch tam tạng, do Viện Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tổ chức ngày 20-10-1973 tại Đại học Vạn Hạnh[12]. Bản dịch này được Hòa thượng Thích Thiện Siêu hiệu đính và Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành năm 1997.

Hơn mười năm sau, Hòa thượng Thích Đức Thắng cống hiến thêm một bản dịch Kinh Tăng nhất A-hàm. Bản này được Hòa thượng Tuệ Sỹ hiệu đính và chú thích, nhà xuất bản Phương Đông ấn hành năm 2008.

Tiếp nối sự nghiệp của người đi trước, Trung Tâm dịch thuật Trí Tịnh[13] đã tham chiếu tất cả các bản Việt dịch, đồng thời tham khảo những công trình nghiên cứu Kinh tạng Nikaya – A-hàm hiện có trên thế giới, để Việt hóa Kinh Tăng nhất A-hàm theo tôn chỉ: Chân thực – Uyên thâm – Văn nhã.

Nhằm giúp người đọc dễ dàng nắm bắt nội dung bản kinh, Trung Tâm dịch thuật Trí Tịnh đã đặt lại toàn bộ tựa đề cho 472 bài kinh trong Tăng nhất A-hàm, điều mà trải qua hai lần hiệu chú của ngài Đạo An – Pháp Hòa và Tăng-già-đề-bà còn bỏ ngỏ! Trong khi đặt lại tựa đề cho mỗi bài kinh, nhóm dịch thuật mạnh dạn cắt bỏ phần Nhiếp tụng – vốn chỉ là phương cách tóm tắt tên kinh cho dễ nhớ. Việc biên tập này dựa trên ba cơ sở. Thứ nhất, tên của những bài kinh theo Nhiếp tụng chưa sát với nội dung. Thứ hai, nhiều phẩm kinh không có Nhiếp tụng. Thứ ba, những bài kệ Nhiếp tụng có nhiều chỗ nhầm lẫn, chưa hợp lý![14]

Trong khi thực hiện đọc, dò, hiệu chú và dịch Tăng nhất A-hàm, nhóm dịch thuật phát hiện những chỗ nhầm lẫn hoặc quên sót ngay trong bản gốc Phạn – Hán và những bất cập này vẫn bị lặp lại trong các bản dịch Tiếng Việt trước đây. Gặp những trường hợp này, nhóm dịch thuật cẩn trọng tra cứu, đối chiếu nhiều nguồn tư liệu khả tín để quyết trạch nội dung cho bản dịch, đồng thời cẩn thận chú thích để người đọc tiện bề tra cứu.

Bản Việt hóa kinh Tăng Nhất A-hàm được thực hiện lần này với tôn ý góp phần thực hiện lời giáo huấn của đức đệ nhất Pháp chủ giáo hội Phật giáo Việt Nam, cố Hòa thượng Thích Đức Nhuận: “Trong tương lai, bản dịch có thể được tân tu”[15]Đồng thời, Trung tâm dịch thuật Trí Tịnh cũng xem công trình hiệu chú bản kinh này như là lời tri ân lịch đại tổ sư, chư vị tôn túc, những bậc đã tận hiến đời mình vào công cuộc giữ gìn, phiên dịch, hiệu chú kinh điển và truyền bá chánh pháp!

Qua bài viết này, chúng tôi cẩn trọng giới thiệu đến bạn đọc bản hiệu chú Kinh Tăng nhất A-hàm của Trung Tâm dịch thuật Trí Tịnh vừa được hoàn thành vào tháng Giêng năm Canh Tý, hy vọng bộ kinh này sẽ đến tay bạn đọc trong thời gian sớm nhất.

 


[1] Theo Xuất tam tạng ký tập, quyển 2, ngài Đàm-ma-nan-đề dịch Tăng nhất A-hàm gồm 33 quyển, và dịch Trung A-hàm gồm 59 quyển.

[2] ĐTK/ĐCTT, T49, n0. 2034, p. 75c24.

[3] Bài tựa Kinh Tăng nhất A-hàm và Lịch đại tam bảo ký, quyển 8.

[4] Bài tựa kinh Tăng nhất A-hàm.

[5] Theo, Khai Nguyên thích giáo lục, quyển thứ ba. Niên hiệu Long An nguyên niên, tức là năm 397.

[6] Những nhầm lẫn này được phát hiện ở quyển thứ bảy, phẩm Nhất nhập đạo và phẩm Lợi dưỡng, v.v…

[7] Xem Xuất tam tạng ký tập quyển 9, 10, 13; Lương cao tăng truyện, quyển1; Lịch đại tam bảo ký quyển 7.

[8] Tứ phần bát tụng (四分八誦). Trường A-hàm kinh tự, ĐTK/ĐCTT, T.01, n0.1, p.1a05.

[9] Nguyên văn: Phóng ngưu phẩm đệ tứ thập cửu đệ tứ phần biệt tụng (放牛品第四十[5]九[6]第四分別誦).

[10] Theo The four Buddhist Àgamas in Chinese.

[11] Theo Xích Chiểu Trí Thiện, Hán Pali tứ bộ, tứ A-hàm đối chiếu mục lục.

[12] Biên bản Hội nghị toàn thể hội đồng phiên dịch tam tạng của Viện Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, tổ chức từ ngày 20-10 đến ngày 22-10-1973. Tư liệu được lưu trữ tại nhà lưu niệm cố Hòa thượng Thích Trí Tịnh.

[13] Trung tâm dịch thuật kinh điển Hán ngữ, đang hoàn tất thủ tục pháp lý và chuẩn bị ra mắt.

[14] Những nhầm lẫn và chưa hợp lý này có thể thấy ở phẩm Thanh văn và phẩm Tu-đà, v.v…

[15] Lời giới thiệu của đức đệ nhất Pháp chủ trong kinh Trường A-hàm, do Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành năm 1991.

THÍCH NGUYÊN HÙNG

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục:

Luận “Sa môn bất kính vương giả”
Luận, Phật học

Khi một tu sĩ không giữ mình, không có giới hạnh, lại dùng tà thuyết chiêu dụ mê hoặc, thì không còn tư cách làm thầy làm sư, thậm chí còn thấp hơn người thế tục; khi đó họ nhận nhân quả – bị phỉ báng cũng là tất yếu. “Sa môn bất kính vương...

Tư tưởng Long Thọ trùng phùng trên nẻo đường quê hương
Phật học

(TƯỞNG NIỆM ÂN SƯ THÍCH TUỆ SỸ) Thầy sinh ra và lớn lên tại thành phố Paksé, tỉnh Champasak, Lào; năm chín tuổi được phụ mẫu gửi vào ngôi chùa làng gần nhà (chùa Trang Nghiêm) hành điệu. Thiên bẩm thông minh, học đâu nhớ đó, điều này khiến cho thân mẫu lo sợ, liên...

Ý nghĩa phương tiện và cứu cánh qua phẩm Tín giải trong Kinh Pháp Hoa
Kinh, Phật học

Kinh Pháp Hoa gửi thông điệp: Ai cũng sẽ thành Phật. Các tôn giáo khác không bao giờ nói tín đồ bằng giáo chủ, đây là điểm khác biệt trong Phật giáo. Tóm tắt phẩm Tín giải Sau khi nghe về pháp Phương tiện và được đức Phật khai mở về Nhất thừa giáo, đặc...

Nghiên cứu triết lý kinh Pháp Hoa qua Phẩm Tựa
Kinh, Phật học

Sự ra đời của kinh Pháp Hoa chính là để hòa giải, thống lĩnh, điều hòa và hợp nhất các tông phái nên tạo ra nhất thừa. 1. Bối cảnh lịch sử ra đời kinh Pháp Hoa 1.1. Bối cảnh lịch sử Những diễn biến về mặt Tôn giáo Sau Phật Niết-bàn khoảng một trăm...

Lược Khảo Về Tư Tưởng Niệm Phật
Luận, Phật học

Tịnh Độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương; Di đà là tính sáng soi, Mựa phải nhọc nhằn tìm về Cực Lạc.[1] I. DẪN KHỞI “Lúc Ta mới ngồi nơi đạo tràng, dưới cội Bồ-đề, quán sát và đi kinh hành, trong hai mươi mốt ngày, suy nghĩ như vầy: Trí tuệ mà Ta đã đạt được thật là vi diệu đệ nhất. Chúng sanh các căn ám độn, đắm...

Kinh Kiến Chánh – Thích Nguyên Hiền dịch
Kinh, Phật học

NHÂN DUYÊN DỊCH KINH KIẾN CHÁNH Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Từ lúc xuất gia, ngay cả nhiều năm được diễm phúc tiếp xúc với Đại tạng kinh, tôi vẫn chưa bao giờ nghe đến tên kinh Kiến Chánh. Năm Quý Mùi (2003), tôi may mắn được về hầu Thầy nhập thất. Một...

Đại ý Kinh Lăng Già
Kinh, Phật học

108 nghĩa đúng với thực tướng như xa rời thế gian. 39 môn phái ý kiến giải, mà tuyên truyền chính pháp. Hiểu rõ danh và tướng đều là giả trá bởi mê vọng thường ấp ủ, dựa chính trí để hiểu chân như giác ngộ lý duyên khởi mà quy chân lý màu nhiệm....

Bát Nhã Ba La Mật Đa
Kinh, Phật học

Wikipedia: Bát-nhã-ba-la-mật-đa (zh. 般若波羅蜜多, sa. prajñāpāramitā, en. perfection of wisdom/insight, de. Vollkommenheit der Weisheit/Einsicht/Erkenntnis) có nghĩa là sự toàn hảo (sa. pāramitā, en. perfection) của Bát-nhã (sa. prajñā). Cũng được gọi ngắn là Bát-nhã-ba-la-mật. Danh từ nguyên thủy Truyền thống Đại thừa Á Đông thường dịch nghĩa prajñāpāramitā là Huệ đáo bỉ ngạn (zh. 慧到彼岸), Trí độ (zh. 智度), Trí huệ độ người sang bờ bên kia. Tuy không hoàn...

Từ nguyên và hình thức sám hối của người xuất gia
Luật, Phật học

1. GIẢI THÍCH TỪ NGUYÊN: Hiện nay trong nguồn văn hiến hệ Hán truyền, chúng ta tìm thấy nhiều từ ngữ liên quan đến ý nghĩa sám hối như “hối quá 悔過”, “sám hối 懺悔”, “sám-ma 懺摩”, “phát lồ 發露”, thực chất tất cả đều xuất thân từ nghĩa gốc Phạn ngữ (Sanskrit) là từ:...

Vai trò của giới luật trong nếp sống thiền môn
Luật, Phật học

Trong tam tạng kinh điển thì luật tạng (vinaya) có một vai trò và vị trí vô cùng quan trọng trong Phật giáo. Theo thứ tự sắp xếp thông thường thì tam tạng bao giờ cũng được sắp xếp tuần tự từ kinh, luật và luận. Nhưng theo văn học Pāli, luật tạng được xếp đầu tiên sau đó đến kinh và luận. Điều này cho thấy rằng, luật tạng luôn được đặt trọng tâm trong nếp sống tu học của tứ...

Tìm hiểu Thành Thật Luận
Luận, Phật học

A. DẪN NHẬP Đức Phật Thích ca Mâu ni, ngay khi còn thị hiện là Thái tử Tất đạt đa đã vì cảm thấu nỗi thống khổ miên trường của kiếp nhân sinh mà xuất gia. Sau khi thành đạo, Ngài đi khắp nơi trong cõi Ấn độ mà thuyết kinh giảng pháp, khai hóa...

Luận khơi dậy đức tin Đại thừa
Luận, Phật học

LUẬN KHƠI DẬY ĐỨC TIN ĐẠI THỪA Nguyên tác: Bồ-tát Mã Minh Hán dịch: Tam tạng pháp sư Chân Đế, người Tây Ấn Độ, dịch vào đời nhà Lương Việt dịch: Sa-môn Nguyên Hùng LỜI BẠT  I. Tác giả Mã Minh (Aśvaghosa, 馬鳴, 100-160), người Trung thiên trúc, vốn xuất thân trong một gia đình Bà-la-môn, ở thành Sa-chi-đa, nước Xá-vệ. Thời đại...

Nghĩ về tánh Không
Luận, Phật học

Shikantaza(1) là thực hành hay hiện thực hóa tánh Không. Mặc dù bạn có thể đã có một sự hiểu biết sơ sài nào đó về tánh Không qua tư duy, nhưng bạn nên hiểu tánh Không qua trải nghiệm của mình. Bạn có một ý tưởng về vô và một ý tưởng về hữu và bạn nghĩ rằng hữu và vô là hai ý tưởng đối lập nhau. Nhưng trong Phật giáo, cả hai đều...

Tâm Lý Học Phật Giáo
Luận, Phật học

TÂM LÝ HỌC PHẬT GIÁO Thích Chơn Thiện A. GIỚI THIỆU TỔNG QUÁT I. Về tâm lý học phương Tây 1. Các định nghĩa: Các dịnh nghĩa tâm lý học trước thế kỷ XX (tiêu biểu): a. Wilhelm Wundt (1832 – 1920), người Đức: Wundt là nhà sáng lập phòng thực nghiệm về tâm lý đầu tiên gọi là Psychological laboratory (1879), định nghĩa: “Tôi thiết...

Nghiệp Và Các Loại Nghiệp | U Silannanda – Khánh Hỷ dịch
Luận, Phật học

Bài giảng hôm nay nói về luật Nghiệp Báo. Nhiều người không sinh ra trong gia đình Phật Giáo, nhưng đã tìm học về Phật Giáo nhờ nghe luật Nghiệp Báo; bởi vì luật Nghiệp Báo đã giải thích cho họ thấy rõ lý do của sự bất đồng của các cá nhân trong xã hội con người, đồng thời cũng giải thích cho họ biết tại sao những người rất tốt trên cõi đời này lại...

Quá trình hình thành giới luật
Luật, Phật học

Những quy tắc đạo đức có một vị trí rất quan trọng trong hầu hết các tôn giáo. Pháp luật hay các quy ước là điều cần thiết đối với bất cứ thành viên nào trong xã hội.Trong mỗi gia đình nếu không có quy tắc, gia đình đó sẽ xảy ra bất đồng; một quốc gia, nếu không có phép nước, thì quốc gia đó sẽ nổi loạn. Trong Phật giáo cũng vậy, giới luật đóng một vai trò vô cùng đặc biệt. Giới được xem...

Ads Blocker Image Powered by Code Help Pro

Đã phát hiện trình chặn quảng cáo!!!

Chúng tôi đã phát hiện thấy bạn đang sử dụng tiện ích mở rộng để chặn quảng cáo. Vui lòng hỗ trợ chúng tôi bằng cách vô hiệu hóa các trình chặn quảng cáo này.