TỔNG QUAN
Nhiều nhà nghiên cứu Tây Phương khi quay về tìm hiểu đến mỹ thuật Việt Nam đều thừa nhận toàn bộ những công trình đều mang những giá trị đặc thù, tinh vi, sâu sắc.
Vào tháng tám năm 1959, trong một cuộc triễn lãm điêu khắc Phật Giáo thế giới tại Ấn Độ, Việt Nam đưa sang pho tượng nghìn tay nghìn mắt tham dự. Đây chỉ là pho tượng bằng thạch cao đúc lại tượng Quan Âm “thiên thủ thiên nhãn” tại chùa Bút Tháp, nhưng đã khiến cho nhiều nhà nghiên cứu mỹ thuật Phật Giáo “ngạc nhiên đến cùng độ về tinh thần và kỹ thuật điêu khắc này. Nhưng nếu họ đến tại chùa Bút Tháp, huyện Thuận Thành để nhìn tận mắt pho tượng đó, nhìn nguyên bản bằng gỗ, sơn son, thếp vàng,với dáng uy nghiêm cổ kính, chắc hẳn phải quan tâm bằng mấy lần. Và nếu họ biết được trong thời gian chiến tranh pho tượng này đã được tháo ra hàng trăm mảnh rời và sau đó lại được ráp lại nguyên vẹn, không một chút dấu tích thì lại càng khâm phục tài kiến tạo những pho tượng kiểu này đến chừng nào.
Những nhà nghiên cứu đã tìm hiểu kỹ về niên đại và tác giả của pho tượng cho biết: Tượng được tạc vào năm 1656 và tác giả là người họ Trương (Trương Phấn). Ngoài pho tượng nghìn tay nghìn mắt vừa kể trên, tại nhiều chùa chiền Việt Nam, còn bảo lưu đến nay được nhiều pho tượng đủ kiểu, đủ thể tài rất nổi tiếng khác. Chẳng hạn: tượng Tây Thiên Đông Đô Việt Nam Lịch Đại Tổ tại chùa Bút Tháp (Hà Bắc), tượng Quan Âm thiên thủ, thiên nhãn ở chùa Kim Liên sau này được đưa về thờ tại chùa Quán Sứ Hà Nội, tượng đức Phật nhập Niết bàn ở chùa Phổ Minh (Nam Hà)… Nhiều pho tượng La Hán, Tôn Giả ở chùa Tây Phương (Hà Tây) trong đó nhiều pho được liệt vào hàng tuyệt tác của nền nghệ thuật điêu khắc Việt Nam.
Qua những biến chuyển của nền mỹ thuật Việt Nam, năng khiếu về trang trí trong nhiều thể loại khác nhau đã có những biến chuyển lớn lao. Những vật thường dùng như chân đèn, lư hương, móc dây thắt lưng, bát đĩa… đều có chạm khắc hình học hay những động vật đã được cách điệu khá mỹ thuật, để gia tăng thêm vẻ đẹp cũng như trong ý nghĩa. Dần dần về sau qua những tiếp thu mới cũng như khả năng trau dồi của nghệ nhân, mỗi đồ vật thường dùng trong nhà cũng đều được gia công thêm về mặt mỹ thuật gia tăng bấy nhiêu. Những nhà cửa những gia đình khá giả, đình chùa, miếu vũ… thì những cột, kéo, xà nhà, xuyên, trến, hổ phù, phù điêu, cột chống… cho đến những bậc thăng cấp, nóc nhà, gạch ngói đều có thêm những nét chạm trổ,trang trí cả.
Những đồ dùng lớn nhỏ trong nhà như bàn ghế, tủ, những vật tế nhuyễn như khay, hộp, lọ, bình… không vật nào là người Việt không gia công trong việc trang trí tỉ mỉ, để gửi gắm một chút tâm hồn nghệ thuật của mình vào trong đó, được xem như một phần đời sống của mình vậy. Khi ảnh hưởng của tôn giáo vào nước ta thì những hình thức trang trí cũng được áp dụng, chọn lọc khá tinh tế.
Chẳng hạn như ảnh hưởng của Ấn độ, Trung Hoa, Chiêm Thành. Nghệ thuật Ấn Độ không chỉ là đồ án dùng hình dáng những loài cầm thú, mà thể loại được bao trùm nhiều hình ảnh khác. Vì quan niệm vạn vật nhất thể, mà trong nghệ thuật Ấn Độ đã đưa vào những hình vật như voi, ngựa, rồng, hươu, khỉ, rắn, mà người phương Tây ít khi nghĩ đến. Khi những ảnh hưởng sang nước ta thì những thể loại cách điệu như thế vẫn còn nguyên.Trung Hoa cũng vậy.
Khi nền văn minh Phật Giáo truyền sang Trung Quốc, thì những nghệ sĩ của nước này bổ sung vào kho tàng văn hoá Ấn Độ cả một thế giới thần thoại khác. Họ dùng những vật có thực nhưng đã được thi vị hoá lên, để phù hợp với ý nghĩa của tôn giáo và triết lý. Từ những con vật thần thoại, mà những nghệ sĩ Trung Hoa thời cổ cũng đã cụ thể hóa một cách chi tiết đến những thảo mộc bốn mùa, mang tính triết lý. Khi tiếp thu những nguồn ảnh hưởng như đã nói, thì những nghệ sĩ Việt Nam thời trước cũng đã biết cách kết hợp đặc biệt với đồ án dân tộc và cơ sở cho nền nghệ thuật trang trí Việt Nam.
Trong nghệ thuật trang trí cũng như nghệ thuật nói chung, nghệ sĩ Việt Nam trước đây đã chịu ảnh hưởng của Phật Giáo và triết lý của Khổng, Lão. Những vật có thật hay trong tưởng tượng trong những đồ án trang trí hay trong đề tài của những tác phẩm mỹ thuật nói chung thường mang ý nghĩa về tôn giáo hay về triết lý, tư tưởng.
Khi trang trí một vật, những nghệ sĩ Việt Nam chẳng những muốn làm cho những vật đó đẹp thêm ra, mà lại còn làm cho nó có ý nghĩa về chúc tụng, mong ước nào đó. Người Âu châu thường đặt ra mỗi ý nghĩa cho một loại hoa, thường được gọi là “tiếng nói của hoa”. nhưng những nghệ sĩ của nước ta không chỉ giới hạn về tiếng nói của những loài hoa tượng trưng, mà lại còn mở rộng nó ra trong các loài cầm thú và thảo mộc. Tặng cho người bạn một tác phẩm trang trí, chẳng những làm cho bạn vui thích được một vật trang trí nhà cửa, mà còn cảm kích vì luôn luôn có trước mặt những lời chúc tụng của kẻ tri âm.
Nghệ sĩ Việt Nam không những cách điệu đồ án cho đẹp và thích hợp với bố cục của cách trang trí, mà có điểm ý nghĩa nhất là tưởng tượng làm cho các vật được “biến thể” ra vật khác để gia tăng thêm ý nghĩa và tính chất trang trí của đồ án.
Qua thời đại Lý Trần, nền độc lập đã được củng cố lâu ngày sau những chiến công lừng lẫy, những loại hình nói trên đã không tìm thấy nữa, mà thay vào đó là những hoa văn mới sáng tạo với phong cách độc đáo hơn hẳn. Cũng nên hiểu rằng trong thời đại Lý, Trần, Phật Giáo rất thịnh hành tại nước ta, những loại hình có liên quan đến Phật Giáo như lá bồ đề, hoa sen, vũ nữ uốn mình theo điệu “Tribanga” của Ấn trở nên rất phổ biến trong nghệ thuật trang trí của những chùa chiền, đền tháp; tuy nhiên những nghệ nhân thời Lý, Trần đã biết cách Việt Nam hoá một số, để trở thành những hình ảnh độc đáo không tìm thấy ở những nơi khác. Chẳng hạn như hình lá bồ đề, thì thường có con rồng bé nhỏ nằm gọn trong chiếc lá, một thứ hoa văn gần giống như chữ ký đời nhà Lý, hoa sen được thể hiện trong nhiều hình thái và thường cũng có hình của những con rồng nhỏ trong những cánh hoa này. Chính những hình rồng đặc biệt của đời nhà Lý cũng là sự phối hợp hình rồng phương bắc và hình rắn của những dân tộc theo nền văn minh Ấn Độ.
Hình những vũ nữ múa những khúc thường lại biến thành những vũ nữ dâng hoa, chẳng hạn như hình ở những bậc đá của tháp đời nhà Lý ở Chương Sơn (Hà Nam) hay những thiếu nữ sùng bái Phật như hình khắc ở những chân cột của chùa Phật Tích còn thấy như ngày nay.Cũng về phương diện này, chúng ta thấy được những hoa văn hình những đám mây đang xoắn chung quanh những nhân vật thần thoại,chẳng hạn như những bức chạm nổi tại chùa Thái Lạc (Hải Dương) hay những cánh cửa của chùa Phổ Minh (Hà Nam), những hoa văn hình sóng nước như ở nền tháp Phổ Minh, hoa văn hình hoa cúc theo từng dây dài, như mặt đá chạm nổi tìm thấy ở tháp Chương Sơn. Đây là những ví dụ điển hình của những công trình sáng tạo nổi bật trong nền mỹ thuật trang trí thời đại Lý Trần.
Qua đến đời Hậu Lê, thì nghệ thuật trang trí cũng như điêu khắc, kiến trúc đều có thể chia ra làm hai giai đoạn khác nhau: thời lê sơ và thời lê mạt. Trong những năm quân Minh sang xâm chiếm nước ta, những công trình văn hoá của cha ông chúng ta trong những thời kỳ trước đều bị chúng thiêu đốt, phần khác thì mang về tàu trong mục đích đồng hoá người dân Việt. Những truyền thống rực rỡ trong thời đại Lý, trần đã không còn nữa.
Cũng trong thời gian này đã không đủ thời gian để phát triển về lĩnh vực trang trí và đồ họa. Trong những công trình buổi đầu, như bia Vĩnh lăng ở lam Sơn, những nghệ nhân trong thời lê sơ chỉ có thể chép lại những hoa văn theo kiểu “lá đề có hình rồng” như thời nhà Lý Trước đó. Những tượng rồng đẹp ở Lam kinh (Thanh Hóa) và đền Kính Thiên (hà Nội) được sáng tạo trong thời kỳ này là hình tròn, chứ không phải là những hình hoa văn trang trí. Tuy nhiên, qua đi thời trung hưng về sau, khi Phật Giáo trở lại thời thịnh hành,thì nhiều chùa đã được trùng tu hay xây dựng mới. Kiến trúc thường đòi hỏi nghệ thuật trang trí phải phát triển để có thể đóng góp vào trong việc trang hoàng những công trình kiến thiết,
Hơn thế nữa, trong mấy trăng năm giữ vững nền độc lập quốc gia,thì những nghệ nhân việt nam đã có thì giờ sáng tạo để có thể đáp ứng vào những yêu cầu nầy. Hoa văn đặc sắc nhất trong thời Lê Mạc là những “hoa văn hình ngọn lửa” thường được thực hiện trên những công trình chạm nổi hay bất cứ hình thức nào, trong giai đoạn này. đây là điểm chính yếu nổi bật của giai đoạn này.Những hình thức hoa văn trong thời kỳ lê mạt khá phong phú, đa dạng, tuy nhiên đã khong độc đáo như trong giai đoạn nói trên.
Trong Khâm định việt Sử thông Giám cương mục có viết: Năm 1734,Trịnh Giang đã cấm những thường dân trong nước không được trang trí hoa mỹ trong nhà cửa, đồ dùng; người thợ cũng không được đua nhau chế tạo “những đồ mới lạ” trong quần chúng.Thành thử, ngoài những công trình xây dựng các cung điện của vua chúa, thì người thợ không có quyền sáng tạo thứ gì hết; họ không thể mạo hiểm để tìm kiếm những điều gì khác hơn; một số đã vì sự gò bó vô lý này cho nên đã giải nghệ để kiếm nghề khác sinh nhai.Điều này thấy rõ nhất trong những bia tiến sĩ ở văn miếu Hà Nội Được dựng lên trong thời kỳ này.Nếu muốn hiểu được quá trình tiến triển của nghệ thuật trang trí Việt nam trong các thời kỳ đó, tốt hơn hết là đem so sánh những bia ký của từng triều đại.
Kiểu dáng tượng Phật những giai đoạn trước đời nhà Lý (thế kỷ XI) đạo Phật đã thịnh hành trong dân gian, nhiều chùa được kiến lập và đương nhiên chùa nào cũng có tượng thờ. Tuy nhiên, những tượng này thường chạm liền vào một mảnh gỗ hay được tạc rời ra thành từng pho tượng, điều này chưa thấy nói đến trong một thư tịch nào còn giữ cho đến ngày nay.Pho tượng cổ nhất tạc rời còn tìm thấy được là pho tượng đá đức Phật A Di Đà đời nhà Lý tại chùa Phật Tích, Hà Bắc (thế kỷ XI).Căn cứ theo những điều ghi lại trên văn bia và lời kể thì tượng ngày xưa kia được sơn son thếp vàng, trong những trường hợp trùng tu lại. Pho tượng gỗ lõi mít cổ nhất còn được bảo lưu lại đến nay là tượng đức Quan Thế Âm Bồ Tát 42 tay (vào hậu bán thế kỷ XVI)tại chùa Hạ, Vĩnh Phú, hiện đang được trưng bày tại Viện bảo tàng Mỹ Thuật Hà Nội. Trong những công trình này, vẻ đẹp của những pho tượng được nói tên đầu tiên phải là ở hình dáng. Với ý nghĩa bày, tượng Phật Phải làm cho đúng kiểu, nghĩa là theo đúng những quy định trong kinh điển Phật Giáo.
Thông thường, trong điêu khắc, tượng Phật ngồi thì phải đúng môt trong 3 kiểu chính như sau: Kiết già, tĩnh tọa, nhập định. Tượng đức Phật Bổn Sư Thích ca mâu Ni thì có bốn kiểu thường được nói đến: Tượng Phật Cửu Long (chín con rồng chầu) theo điển lúc Phật đản sinh; tượng Tuyết Sơn (tên một đỉnh núi ở Bắc Ấn) tạc theo điển lúc đức Bổn Sư tu khổ hạnh; tượng Thuyết Pháp hay tưởng Niêm Hoa (Niêm hoa vi tiếu) tạc theo điển lúc đức Phật Thích ca cầm hoa sen thuyết pháp; tượng đúc Thích Ca Nhập Niết Bàn tức là tượng Phật nằm, tạc theo điển Thích Ca nhập diệt, nằm nghiêng về bên trái, gối đầu lên cánh tay trái.Tuy ảnh hưởng theo những công thức tôn giáo trong nội dung ấn định, nhưng các nghệ nhân tạc tượng vẫn có tinh thần sáng tạo ra những pho tượng Phật thật đặc sắc còn lưu truyền mãi cho đến ngày nay ở nhiều chùa chiền, đền miếu.
Nhìn chung, nhiều nước theo Phật Giáo như Trung Hoa, Ấn Độ, TíchLan, Thái Lan cũng làm những tượng Quan thế Âm nghìn tay, nghìn mắt, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa thấy có pho tượng nào theo kiểu này thể hiện đầy đủ và tinh xảo như Việt Nam (P.Durand). Theo những nghiên cứu di tích còn lại, tại Việt Nam trong quá khứ, các nghệ nhân đã làm thêm môt bảng gỗ lớn, bao gồm hàng trăm cánh tay giơ lên, xếp thành từng vòng hướng vào tâm chung ở phía sau gáy đức Quan Thế Âm, trong mỗi bàn tay lại khắc thêm một con mắt (biểu hiện tinh thần sáng suốt).
KIÊM ĐẠT