Thầy Thích Minh Niệm – tác giả cuốn sách nổi tiếng “Hiểu về trái tim”, “ Làm như chơi” và nhiều cuốn sách khác, là vị thầy hướng dẫn những phương pháp thực tập chữa lành giúp đỡ đến nhiều người, đã có cuộc trò chuyện với Giác Ngộ.
Thầy đã có những chia sẻ tâm đắc về việc xây dựng bình an bên trong mỗi người, đặc biệt là với những người trẻ mới bước vào đời, chưa có nhiều trải nghiệm, chưa biết bắt đầu như thế nào để xây dựng nội lực cho chính mình:
– Trước tiên, cho phép tôi được gửi lời chào đầu năm, và chúc tốt lành đến quý độc giả gần xa của Báo Giác Ngộ.
Với những người trẻ mới bước vào đời, chưa có nhiều trải nghiệm, chưa biết bắt đầu như thế nào để xây dựng nội lực cho mình, thì họ đâu thể biết nội lực là cái gì đâu mà hỏi, mà khát khao tìm kiếm. Nếu có biết, thì chắc là do người lớn chúng ta khuyến cáo hay nhồi vào đầu họ. Mà như thế thì chẳng tác dụng gì. Họ chỉ xem đó là khái niệm cần tham khảo nên cũng chẳng tin mấy. Cứ thế, họ sẽ lao vào đời bằng những gì họ có. Họ rất tự tin mà. Và điều họ tự tin nhất chính là cái khát khao muốn khám phá bản thân và cuộc đời.
Đó mới thực sự là điều cần thiết. Ta chỉ lo cho những người trẻ cứ bám trụ trong thế giới an toàn, dựa dẫm vào nội lực của người lớn, hay nghiện vào những thứ tiện nghi mà người lớn sắp đặt. Chứ họ mà chịu bước ra trải nghiệm bằng chính đôi chân của mình, với những thăng trầm trong cuộc đời, chấp nhận lên bờ xuống ruộng trong công việc hay tình cảm, vấp váp nhiều lỗi lầm như bất cứ người trưởng thành nào đi qua, thì họ sẽ có nội lực.
Nội lực đến từ sự trải nghiệm, dấn thân, là thứ nội lực chắc chắn nhất. Nếu ta muốn giúp họ một tay thì tốt nhất là hãy buông tay họ ra, cho họ tự trải nghiệm; còn thêm nữa, thì luôn nhắc họ mở lòng đón nhận mọi trải nghiệm xảy ra, dù tốt hay xấu.
Ta chỉ lo cho những người trẻ cứ bám trụ trong thế giới an toàn, dựa dẫm vào nội lực của người lớn, hay nghiện vào những thứ tiện nghi mà người lớn sắp đặt. Chứ họ mà chịu bước ra trải nghiệm bằng chính đôi chân của mình, với những thăng trầm trong cuộc đời, chấp nhận lên bờ xuống ruộng trong công việc hay tình cảm, vấp váp nhiều lỗi lầm như bất cứ người trưởng thành nào đi qua, thì họ sẽ có nội lực.
Còn khi người trẻ nào có ý thức muốn trang bị nội lực sau những lần té ngã sơ sơ thì khuyên họ nên tham gia vào bất cứ sự luyện tập nào liên quan đến thân tâm – thể thao, võ thuật, yoga hay thiền đều được. Nhờ có luyện tập mà họ có kỷ luật, biết tiết chế bản thân, nối kết cảm nhận rõ chính mình hơn, tăng cường sức chịu đựng, tự chủ phần nào bản thân.
* Hạnh phúc lớn nhất của con người là sự bình yên ở bên trong. Đỉnh cao của hạnh phúc là sự sẻ chia. Và có phải rằng, chúng ta chỉ thấy bình an khi bên trong mình không hoang mang, biết được mình sinh ra để làm gì, vậy thì làm sao để tìm ra mục đích của cuộc đời mình?
– Đúng là hạnh phúc lớn nhất của con người là khi có thể sẻ chia những giá trị của mình cho người khác, giúp họ cũng được hạnh phúc; và muốn có hạnh phúc thì con người phải tìm thấy bình yên ở bên trong. Nói cách khác, khi tâm hồn thật sự bình yên, ta nhìn lên bất cứ đối tượng hay hoàn cảnh nào cũng đều cảm thấy chúng mầu nhiệm và đáng trân quý. Mà muốn có được bình yên bên trong thì… rất khó. Vô số người đi tìm hoài cũng không gặp.
Bình yên đến từ bên trong là khi bên trong không còn phiền muộn, tổn thương, hay bất cứ năng lượng tiêu cực nào. Đó có thể xem là một trạng thái của sự giác ngộ. Bởi vì nó chắc chắn phải đến từ một cái thấy vĩ đại, một thứ tuệ giác. Chứ nếu chúng ta vẫn còn mắc kẹt nặng nề trong tâm thức cộng đồng, vẫn là sản phẩm chung của xã hội, thì chúng ta không thể nào có được khát khao bình yên bên trong, chứ đừng nói là có thể thực hiện được.
Để thoát dòng chảy mãnh liệt của xã hội, chúng ta ắt phải đi qua những cú thăng trầm nghiệt ngã, khổ lên khổ xuống cả trăm bận, thì may ra chúng ta mới hoài nghi về những thứ mà mình từng cho là giá trị, là lẽ sống, là điều kiện tạo nên hạnh phúc. Chỉ khi nào ta nhận ra thứ mà mình đang nắm trên tay là cát đá thì mới dám bỏ xuống mà đi tìm kim cương, chứ còn tin chúng là kim cương thì làm sao có thể buông bỏ và đi tìm thứ khác giá trị hơn.
Tức là chúng ta cần trải qua những giai đoạn khủng hoảng, như khủng hoảng giá trị hay khủng hoảng hiện sinh. Vì chỉ khi ấy chúng ta mới khát khao tìm ra một phiên bản khác, mới dám cách mạng chính mình, mới cho phép mình đi sâu vào bên trong để thấu hiểu và thay đổi.
Nghĩa là, hành trình tìm thấy bình yên bên trong là phải bao gồm luôn cả những giai đoạn biến động, khổ đau, lạc lối… Nó thực sự là chất xúc tác vô cùng quan trọng. Không trải qua kinh nghiệm ấy thì sẽ không bao giờ có được bình yên đích thực cả. Nên mỗi khi nhận ra mình không ổn hay hoang mang thì đừng sợ, hãy mở lòng ra đón nhận và cố gắng tìm thấy bài học ở ngay trong đó. Chỉ cần có chánh niệm về tình trạng ấy và để nó diễn ra tự nhiên. Khi đã đủ thấm thì tự khắc nó sẽ bật qua kênh khác – khát khao sự sống và được là chính mình.
Ảnh: NVCC |
* Trên hành trình khai phóng bản thân, tìm ra mục đích của đời mình có đôi lúc giông bão ập đến khiến ta mất niềm tin vào giá trị của chính mình. Cùng lúc đó, những vết thương vô hình từ quá khứ có thể đã và đang âm thầm giữ chân ta trước cơ hội được vươn lên và trở nên rộng lớn hơn. Lúc đó ta nên làm gì?
– Như tôi vừa nói, hành trình chữa lành hay chuyển hóa tâm thức để đi đến sự bình yên chân thật phải bao gồm luôn cả những lúc ta bất ổn, thậm chí là muốn bỏ cuộc. Chúng ta không thể không có chúng. Không có chuyện khi ta đã quyết tâm tu hành hay chữa lành thì ta sẽ luôn an ổn và tốt hơn. Không có công trình luyện tập nào như thế đâu!
Trái lại, càng đi sâu vào bên trong ta sẽ càng đối diện với rất nhiều vấn đề của bản thân, như chạm phải những vết thương sâu hoắm từ thời ấu thơ, những con quái thú ẩn mình mang tên những hội chứng như trầm cảm, rối loạn lo âu, phổ tự kỷ… Đáng kể nhất là ta phải thường trực đụng mặt với cái tôi giả tạo do cuộc đời nhồi nặn lên hay chính ta sai lầm tạo ra cho hợp với đời, nhưng đó là giây phút ta được bước ra ánh sáng. Ta đã từng khốn khó, bị giam cầm trong những cái tôi giả tạo đó, nhưng chính ta cũng không muốn thoát khỏi nó, bởi ta không biết ngoài những thứ đó ra thì mình còn thứ gì khác giá trị hơn.
Trang phục đang mặc, theo ta nghĩ, nó sẽ giúp ta được che chắn, an toàn, thậm chí là đẹp đẽ hơn, nhưng nó lại khiến ta quên mất ta là cái bên trong, là hình thể và tâm hồn, mà chiếc áo đó không thể khiến ta khác đi được. Vậy nên giây phút tháo tung những thứ đó xuống, ta sẽ chạm ngay vào cái thật của mình. Ta mới biết hóa ra trước giờ mình chỉ tập trung vào chiếc áo và cố làm cho nó rực rỡ hơn, mà không hề biết nó chẳng có giá trị gì ngoài việc che mắt thiên hạ cả. Giây phút bừng tỉnh đó có thể khiến ta khủng hoảng, nhưng đó cũng là khoảnh khắc ta thấy được sự thật. Ta đã trở về.
Vậy nên hãy cứ tiếp tục đi tới. Nếu không thể thì dừng lại, thả lỏng, an trú bền chắc trong hiện tại. Chỉ cần ta vẫn nằm trên cái quỹ đạo của hành trình quay về là được. Có sao đâu! Tại sao lúc nào ta cũng cần phải tiến tới? Tu tập là một nghệ thuật chứ không phải là một sự lao động khổ nhọc. Có khi không dụng công, không làm gì cả mà giải quyết được vấn đề. Vì khi ấy ta sẽ bớt dùng cái tôi, bớt áp đảo bản thân, nên sẽ ít phạm sai lầm trong thái độ hơn.
Hoặc có khi cái máy đã chạy quá công suất lâu rồi thì cũng cần cho nó nghỉ ngơi lấy lại sức. Điều quan trọng là hãy cứ tiếp tục quan sát diễn biến bên trong dù nó có như thế nào, và giữ gìn chánh kiến – phiền não là bình thường, mong muốn không có phiền não mới là thái độ sai lầm trong tu tập hay chữa lành. Tóm lại, chỉ cần ngồi xuống vững vàng, mỉm cười nhìn nó tự sinh tự diệt thôi.
Cần làm mới khu vườn tâm mỗi ngày
Thông thường, chúng ta chỉ quay về chăm sóc tâm hồn mình khi bị tổn thương, khi không thể nắm bắt những thứ hấp dẫn bên ngoài, khi ấy chúng ta mới có đủ động cơ để đi vào bên trong, “nâng cấp” tâm hồn mình. Vậy khi thấy mình vẫn ổn thì có nên đi nâng cấp tâm hồn, chăm sóc mình không?
– Tôi nghĩ là ai cũng cần được “làm mới” khu vườn tâm của mình mỗi ngày. Vì tâm chúng ta luôn chịu chi phối bởi hoàn cảnh xung quanh. Trong khi hoàn cảnh thì lại luôn biến động và phủ đầy năng lượng tiêu cực, nên chắc chắn tâm ta ít nhiều sẽ bị thấm nhiễm, xáo trộn. Tuy nhiên, chúng ta chỉ phát hiện ra khi mình đã rất bất ổn. Có người phải nằm bẹp dí, không thể làm gì nổi nữa, phản ứng hết sức bất thường, mới chịu thừa nhận là mình có vấn đề.
Nhiều người khi tham gia vào các khóa thiền chuyên sâu, hoặc khi họ tìm hiểu sâu vào bên trong tâm lý bản thân thì mới phát hiện mình không ổn như mình tưởng. Nhất là khi họ có cơ hội dừng lại hết mọi công việc, gác lại các mối quan hệ tình cảm, một mình đối diện thường trực với bản thân, họ mới biết mình đang cực kỳ bất ổn, có quá nhiều phiền não tích tụ. Ngành tâm lý chữa lành thường gọi đó là thời điểm vàng để giúp những con “quái thú” bên trong đi ra.
Tức là ai cũng cần trải nghiệm giai đoạn thanh lọc thân tâm thường xuyên, dù có khi chỉ cần vài giờ đến vài ngày. Khi ấy, chúng ta sẽ bất ngờ nhận ra mình đã thấm nhiễm quá lâu bụi trần, không giữ được những phẩm chất tốt đẹp; ta có thể đang dần biến thành một kẻ khác, một kẻ xa lạ luôn với cả chính mình. Chính vì lẽ đó mà Đức Phật khuyên chúng ta hãy tinh tấn tập trung phát triển bốn trạng thái quan trọng của tâm, gọi là phép Tứ chánh cần: tinh tấn dọn dẹp những năng lượng tiêu cực đã phát sinh; tinh tấn dập tắt những hạt mầm tiêu cực sắp phát sinh; tinh tấn nuôi dưỡng những năng lượng tích cực, thói quen tốt đã sinh ra; tinh tấn khơi dậy, thúc đẩy những hạt mầm tích cực mới vừa phát sinh.
* Sau những năm đại dịch, các khóa học về chữa lành nở rộ, cho thấy hiện nay mọi giới có nhu cầu rất lớn về “chữa lành”. Có nhiều khóa học đã giúp đỡ được nhiều người, nhưng có những khóa học chưa mang lại giá trị thật sự cho người cần. Vậy điều gì có thể dựa vào làm điểm tựa trên hành trình đi tìm một nơi chữa lành cho chính mình, để biết mình đi đúng đường?
– Trước tiên, chúng ta hãy ghi nhận mặt tích cực của hiện tượng này. Đó là thời nay người ta dễ nhận ra tình trạng bất ổn tâm lý của bản thân và dám thừa nhận hơn là trước đây. Hành động tự cố gắng tìm cách chữa lành để tình trạng đừng trở nên tồi tệ hơn, hoặc gây ảnh hưởng xấu đến những người xung quanh là đáng trân trọng.
Tuy nhiên, trên đời này cái gì cũng có hai mặt. Mặt trái của vấn đề này là nhiều người đã lạm dụng nó để dung dưỡng thói quen dễ bỏ cuộc, ngại đương đầu, thiếu phấn đấu và thậm chí là chạy trốn trách nhiệm. Ở Mỹ, vào những năm đầu tiên khi mọi người có được đầy đủ thông tin về hội chứng trầm cảm, theo nghiên cứu của vài tờ báo lớn, người ta gần như đổ xô nhau thừa nhận mình thuộc về hội chứng phổ biến này. Họ xem đó là một thứ đặc quyền mà không ai có thể chỉ trích, yêu cầu họ phải ứng xử, làm việc như một người bình thường. Họ cấp cho mình cái quyền được thể hiện cảm xúc tiêu cực, lạnh nhạt đến ngắt kết nối với bất cứ ai, tùy tiện nhả độc vào bất cứ đối tượng nào mà họ nghĩ là nguy hiểm…
Nhiều người khi tham gia vào các khóa thiền chuyên sâu, hoặc khi họ tìm hiểu sâu vào bên trong tâm lý bản thân thì mới phát hiện mình không ổn như mình tưởng. Nhất là khi họ có cơ hội dừng lại hết mọi công việc, gác lại các mối quan hệ tình cảm, một mình đối diện thường trực với bản thân, họ mới biết mình đang cực kỳ bất ổn, có quá nhiều phiền não tích tụ. Ngành tâm lý chữa lành thường gọi đó là thời điểm vàng để giúp những con “quái thú” bên trong đi ra.
Tất nhiên, bây giờ không còn hiện tượng đó nữa. Mấy mươi năm qua người Mỹ đã thích nghi với việc tổn thương và chữa lành. Ngành y cũng như nhiều truyền thống chữa lành chính thống và hiệu quả mọc lên khắp nơi, nên mọi người dần nhận ra gốc rễ của mọi vết thương tâm lý đều đến từ chính bên trong mình – sự đứt gãy giữa bản thân với cộng đồng và sự đứt gãy với chính bản thân. Nên chỉ có những phương pháp chữa lành nào giúp họ có thể kết nối trở lại với hệ sinh thái cộng đồng và hệ sinh thái bản thân thì họ mới đặt niềm tin.
Tức là phải có sự chuyển hóa thực sự, phải giúp họ được trở về và an trú nơi mình sống, công việc đang làm, người mình thương yêu, và đặc biệt là khả năng thấu hiểu và tự chủ bản thân. Còn những phương pháp chỉ hướng người ta rời xa bản thân để dựa dẫm vào thuốc thang hay các đối tượng thần quyền bên ngoài, kể cả cái gọi là năng lượng vũ trụ, để rồi họ ngày một tách ly cộng đồng, không còn thiết tha với cuộc sống, thì đều là những phương pháp sai trái, chỉ làm cho tình trạng tồi tệ hơn mà thôi.
Gắn kết sâu sắc gốc rễ
Có lẽ khi ý thức rõ ràng về gốc rễ của mình, thì dù sống ở đâu người ta vẫn thấy tâm mình gắn liền với quê cha, đất tổ. Nhờ vậy mà có hạnh phúc. Nhiều người hiện nay bị đứt gãy và khoảng cách với gốc rễ gia đình, quê hương, họ không tiếp xúc được với những điều bình dị nhưng linh thiêng nơi gọi là “nhà”. Vậy làm sao để có thể sống và gắn kết sâu sắc với gốc rễ thâm sâu nơi mình?
– Cũng phải xuất phát từ nhu cầu của bản thân, phải thấy đó là một thứ quyền lợi đáng được thừa hưởng chứ không phải là trách nhiệm bổn phận. Mà muốn nhìn ra được nhu cầu này, trước đó họ phải có hành trình quay về kết nối lại chính bản thân sau những ngày tháng rong ruổi làm kẻ hành hương đi tìm hạnh phúc ở những chân trời xa tít tắp. Mà để có được khát khao quay về kết nối chính mình, hầu hết mọi người đều phải trải qua những lần chạm đáy khổ đau, hoặc cảm thấy trống rỗng khi chạm tới những mục tiêu to tát hoặc đỉnh cao vinh quang.
Không ai có thể yêu thương người khác, nhất là các đối tượng không quá gần mình như xóm làng, quê hương khi họ vẫn chưa biết yêu thương bản thân mình. Nhiều người vì nỗi nhớ thương quê nhà mà dám bỏ hết công ăn việc làm để gấp gáp quay về, viết lên những bài thơ bài ca thấm đẫm tình cảm… nhưng đó cũng chỉ là cảm xúc nhất thời. Rồi họ mau chóng lãng quên, quên ngay khi còn đang ở trên quê cha đất tổ, họ không thể có mặt trọn vẹn với những người thân trong gia đình vì tâm trí cứ quen lo nghĩ đến công việc, đến hơn thua đời thường.
Cho nên, khi con người thỏa mãn được nhu cầu tự do – tìm thấy chính mình và khai phóng được chính mình, tự khắc họ sẽ khao khát được yêu thương. Lúc đó tự động họ sẽ muốn quay về kết nối sâu sắc với những mối liên hệ đã từng bị đứt gãy. Tâm thế trở về đó sẽ mang đến niềm trân quý, biết ơn và yêu thương sâu sắc. Còn khi chưa thỏa mãn sự tự do, chưa sống và làm chủ được bản thân, chưa biết mình là ai và có những giá trị gì, thì việc trở về quê nhà tuy cũng xảy ra nhưng chắc chắn cũng chỉ thỏa mãn cảm xúc trong nhất thời, chỉ có lợi nào đó cho bản thân chứ không thể mang lại giá trị nào cho những người thân yêu, quê nhà.
* Trong cuộc phỏng vấn đầu năm 2019 với Giác Ngộ, thầy chia sẻ bạn trẻ nên bắt đầu tập thiền trong năm mới. Vậy trong năm nay, điều gì thầy nghĩ bạn trẻ nên thực hiện để có một cuộc sống ý nghĩa, bình an trong năm mới?
– Hãy dành thời gian để khám phá bản thân, tìm ra chính mình. Trong đó, cần nhìn nhận những giới hạn của bản thân để chuyển hóa; đồng thời phát hiện ra những giá trị tiềm ẩn bấy lâu để kịp thời vun đắp. Luôn tin mình rộng lớn hơn rất nhiều những gì mình biết về bản thân. Khi ta rộng lớn hơn, ta sẽ nhìn thế giới này cũng lung linh mầu nhiệm hơn. Ta chỉ có thể yêu cuộc đời này, sống tích cực hơn mỗi ngày, khi ta nhìn thấy nó đáng để đeo đuổi và giữ gìn.
Cảm ơn Thầy đã dành thời gian chia sẻ với Báo Giác Ngộ!