Mọi tư tưởng, triết lý, quan điểm hay học thuyết của một đấng giáo chủ nào, sau khi trải qua những giai đoạn truyền thừa, đều có một vài sự thay đổi để thích ứng với các giai đoạn đó. Vì thế, cách chuyển tải nội dung tư tưởng hay cách lý giải về chúng đương nhiên sẽ có những sự thay đổi, phát triển, thậm chí có những điểm khác biệt với hình thức ban đầu khi chúng được đề xướng.
Nội dung lời dạy của Đức Phật về giáo lý, về giới luật trải qua những giai đoạn truyền thừa cũng không nằm ngoài quy luật ấy, trải qua thời gian dài ngắn, trải qua từng giai đoạn thăng trầm của lịch sử, cùng với những kiến giải khác nhau hay do hoàn cảnh, căn cơ khác nhau mà mỗi hành giả có một cách tiếp nhận và thực hành giáo lý của Đức Phật khác nhau. Từ đó, xảy ra sự bất đồng quan điểm trong đoàn thể Tăng-già. Cho nên, phát sinh hiện tượng phân chia bộ phái trong Phật giáo thành những truyền thống Phật giáo khác nhau. một bên theo truyền thống bảo thủ là Thượng Tọa bộ (Theravada) và một bên thay đổi để khế hợp với thời đại nên tách ra lập thành phái Đại Chúng bộ (Mahàsanghika).
Tựu trung, thời gian thực sự xảy ra việc phân chia bộ phái được xác định là khoảng hơn 100 năm kể từ sau khi Đức Phật nhập diệt, có hai nguyên nhân chính:
1. Sự bất đồng về giới luật được thể hiện ở đại hội kết tập kinh điển lần thứ hai
Khoảng hơn 100 năm sau khi Đức Phật nhập Niết bàn, Tôn giả Da-xá (Yasa) là người ở phía Tây, đi du hóa đến thành Tỳ-xá-ly (Vesali) ở phía Đông. Thấy các Tỳ kheo ở phía Đông nhận tiền của bạch y, Da-xá không đồng tình, bèn nói việc nhận tiền này là trái với giới luật Đức Phật dạy. Chúng Tỳ-kheo tộc Bạt-kỳ ở thành Tỳ-xaly buộc tội ngài Da-xá hủy báng Tăng-già nên yêu cầu Tôn giả Da-xá sám hối trước Tăng chúng. Trưởng lão Da-xá không chấp nhận điều đó là sai nên lánh về phía Tây, đi đến các địa phương như Mathùrà, Avanti… để cầu thỉnh những vị Trưởng lão nghiêm trì giới luật và tu khổ hạnh để huy động tập họp đại hội. Đại hội lần này gồm có 700 vị Tỳ-kheo, được tổ chức tại thành Tỳ xá-ly. Vì số lượng người tham dự đại hội quá đông, cho nên, trong 700 người tham dự đại hội thuộc cả hai phía Đông, Tây, mỗi bên cử ra bốn vị được Tăng chúng kính trọng. Tám vị này đại diện cho 700 người tham dự đại hội có trách nhiệm tập hợp, xem xét các ý kiến để đưa ra kết luận cuối cùng. Đây là đại hội thứ hai của Tăng đoàn Phật giáo sau khi Đức Phật nhập diệt, đại hội có tên Thất bách kết tập.
Nội dung kỳ đại hội này chủ yếu đưa ra mười việc mà các Tỳ-kheo tộc Bạt-kỳ (Vajji) hành trì để xem xét là đúng hay sai so với giới luật Phật chế.
Mười việc đó là:
1. Được phép để dành muối trong đồ chứa làm bằng sừng.
2. Được phép ăn trong vòng hai chỉ tay sau thời gian quy định.
3. Được phép khất thực ở thôn khác.
4. Được phép cử hành Bố-tát tại hai nơi khác nhau cùng một khu vực.
5. Nếu dự đoán được sự đồng ý của chư vị Tỳ-kheo, số người có mặt tuy không đủ số lượng như quy định, vẫn được phép thực hiện phép Yết-ma.
6. Được phép tùy thuận theo thói quen thường ngày của Hòa thượng A-xà-lê.
7. Được phép ăn uống sữa chưa qua quấy trộn.
8. Được phép uống nước dừa chưa lên men.
9. Được phép may tọa cụ không có đường viền.
10. Được phép tiếp nhận tiền bạc1 .
Đại hội lần này quyết định mười việc trên là phi pháp, không đúng lời Phật dạy. Thế nên, sau kỳ đại hội có nhiều vị Tỳ-kheo ở phía Đông không đồng tình với quyết định này; các ngài tập hợp khoảng 1.000 vị Tỳ-kheo, mở đại hội riêng, gọi là Đại kết tập hay Đại chúng kết tập. Vì nguyên nhân này giáo đoàn Phật giáo phân thành hai bộ, Đại Chúng bộ (Mahàsanghika) có tư tưởng cấp tiến; còn những vị phía Tây có tư tưởng bảo thủ thành lập Thượng Tọa bộ (Theravàda).
Trong thời Đức Phật còn tại thế, cuộc sống của chúng Tỳ-kheo chủ yếu là du hóa khắp nơi để truyền đạo, ngày đi khất thực để nuôi sống sắc thân, tối đến ngủ gốc cây… thì không cần chứa muối làm gì; lại nữa, với cuộc sống như vậy thì không cần phải nhận tiền bạc. Nhưng vào thời điểm sau khi Đức Phật nhập diệt trên 100 năm, cuộc sống của Tăng chúng đã khác, các ngài chung sống trong các tinh xá, nếu không có tiền thì sẽ không duy trì được đời sống tập thể ấy…. Cũng như hiện tại, nếu không giữ tiền thì không có để chi tiêu trong sinh hoạt hằng ngày; vì rõ ràng việc đi lại, học hành… đều cần phải có tiền. Thế nên, những giới nào không còn phù hợp với cuộc sống hiện tại và không giúp ích gì đến sự tu tập của người tu thì có thể thay đổi. Giới luật Phật chế để cho những ai hành trì sẽ được thanh tịnh, giới không phải là xiềng xích kìm hãm con đường tu tập của hành giả. Lịch sử cho thấy những bất đồng trong quan điểm giới luật đã nhen nhúm từ thời Đức Phật còn tại thế, cho đến thời điểm sau khi Đức Phật nhập diệt khoảng 100 năm, đã thể hiện rõ nét bằng kỳ đại hội kết tập kinh điển lần thứ hai. Theo Nam truyền, đây là nguyên nhân dẫn đến sự phân phái Phật giáo.
2. Bất đồng quan điểm tư tưởng giáo lý về năm việc Đại Thiên đề xướng
Theo Phật giáo Bắc truyền, nguyên nhân dẫn đến sự phân phái Phật giáo là do năm việc mà ngài Đại Thiên (Mahàdeva) đề xướng. Có rất nhiều thuyết khác nhau nói về Đại Thiên và năm việc của ông. Đơn cử, luận Đại Tỳ-bà-sa nói Đại Thiên là một người xấu xa, phạm ba trọng tội: giết cha, giết mẹ và giết A-la-hán. Nhưng cũng trong bộ luận này nói Đại Thiên là người thông minh, chẳng bao lâu sau khi xuất gia đã thông Tam tạng Thánh điển, chứng A-la-hán, có tài biện luận vô ngại, được vua mời vào cung thuyết pháp. Một hôm, đến kỳ Bố-tát, Đại Thiên đứng ra giữa chúng nói bài kệ: Dư sở dụ, vô tri, Do dự, tha linh nhập, Đạo n hân thanh cố khởi, Thị danh chân Phật giáo2 .
Qua bài kệ này, ngài Đại Thiên đưa ra năm việc cho rằng quả vị A-la-hán không bằng quả vị Phật.
1. Dư sở dụ
Theo Đại Thiên thì thân vật lý phải chịu sự chi phối của vật lý, không thể thần thánh hóa rằng ở người chứng quả A-la-hán thì còn không chịu sự chi phối của vật lý nữa. Đức Phật là bậc Toàn giác mà Ngài còn bị nhức đầu khi dòng Sakya bị sát hại, Ngài cũng cảm xúc khi đứng ở thành Tỳ-xá-ly nhìn về Ca-tỳ-la-vệ mà rơi ba giọt nước mắt; Đức Phật cũng phải ăn cơm, uống nước, nóng thì đổ mồ hôi, lạnh thì run rẩy… Phía Thượng Tọa bộ cho rằng người đã chứng quả vị A-la-hán thì thân thể không còn sự chi phối của vật lý, từ đó phát sanh sự tranh cãi.
2. Vô tri
Đại Thiên quan niệm Vô tri có hai trường hợp:
Thứ nhất: nhiễm ô vô tri: bắt nguồn từ vô minh thì A-la-hán đã đoạn trừ. A-la-hán chỉ biết những việc liên quan đến giải thoát. Bậc chứng A-la-hán tuyên bố: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa”3
Thứ hai: bất nhiễm ô vô tri, tức vô tri do tập khí thì A-la-hán chưa đoạn trừ. Phía Thượng Tọa bộ cho rằng, A-la-hán thì không còn vô tri, vì theo họ nghĩ vô tri chính là vô minh. Nhưng, quan điểm của Đại Thiên cho rằng bất nhiễm ô vô tri là do tập khí nhiều đời nên A-la hán vẫn còn. Đức Phật thì khác, Ngài là bậc nhất thiết trí nên biết hết tất cả. Đức Phật tuyên bố: “Ta là Bậc nhất thiết trí, Bậc nhất thiết kiến, là Bậc tri đạo, Bậc khai đạo, Bậc thuyết đạo”4 .
3. Do dự hay còn gọi là Nghi, theo Đại Thiên thì nghi có hai trường hợp
Thứ nhất: xứ phi xứ nghi, là những điều không thuộc suy nghĩ của A-la-hán như khi đi đến một nơi xa lạ thì A-la-hán nghi ngờ không biết đường này có đúng không, vì nghi ngờ nên phải nhờ người chỉ dùng.
Thứ hai: tùy miên tánh nghi, nghi này thì bậc A-la hán đã đoạn. A-la-hán không còn hoài nghi về bổn phận và trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, Thượng Tọa bộ cho rằng, đã chứng A-la-hán thì không còn do dự, từ đó xảy ra mâu thuẫn.
4. Tha linh nhập
Đại Thiên cho rằng, có người đã chứng A-la-hán nhưng không biết mình đã chứng phải nhờ người khác chỉ mới biết mình chứng. Thượng Tọa bộ cho rằng, Đại Thiên là người ngu tối nên mới nói như vậy, từ đó mới xảy ra tranh cãi.
5. Đạo nhân thanh cố khởi
Đại Thiên giải thích một cách rõ ràng, chặt chẽ, rành mạch bốn việc trên, nhưng Thượng Tọa bộ không chấp nhận bèn hỏi Đại Thiên, dựa vào cơ sở nào để nói bốn việc đó. Đại Thiên trả lời dựa vào kinh A-hàm truyền miệng mà trình bày. Thời đó, lời Phật dạy được ghi nhớ trong đầu rồi truyền miệng nên nhờ vào âm thanh này mà nhiều người chứng quả. Nhưng, trí nhớ con người có giới hạn nên phải ghi lại để khỏi bị sai lệch. Từ đó, những lời dạy của Đức Phật mới được ghi lại bằng chữ viết.
Qua cách lý giải của Đại Thiên, điều này chứng tỏ quả vị A-la-hán chưa bằng quả vị Phật, chỉ có quả vị Phật mới toàn hảo. Từ những bất đồng trong tư tưởng giáo nghĩa, quả vị tu chứng nên dẫn đến mâu thuẫn phát sanh. Theo Phật giáo Bắc truyền, đây chính là nguyên nhân dẫn đến sự phân phái trong Phật giáo.
Như Dị Bộ tông nhận định: “Bấy giờ, Đại Tăng của Phật giáo bắt đầu phân hóa, sự thể là do bốn chúng bình nghị khác nhau về năm sự của Đại Thiên đưa ra mà chia thành hai bộ, là Đại Chúng bộ và Thượng Tọa bộ”5 .
Qua phân tích ở trên, chúng ta thấy rằng, nguyên nhân dẫn đến sự phân phái Phật giáo không phải bắt đầu khi Đại Thiên xuất hiện, mầm mống của sự phân phái Phật giáo có từ thời Đức Phật còn tại thế, khi Đề bà-đạt-đa xúi giục 500 Tỳ-kheo rời khỏi Giáo đoàn của Đức Phật để thành lập giáo đoàn riêng. Chính những mầm mống này âm ỉ kéo dài và được thể hiện rõ nét ở kỳ Đại hội Kiết tập Kinh điển lần thứ hai. Theo phái Thượng Tọa bộ, do bất đồng quan điểm về giới luật, còn theo Đại Chúng bộ thì do bất đồng tư tưởng giáo lý được thể hiện qua sự tranh cãi năm việc của Đại Thiên đưa ra.
Vậy, đâu là nguyên nhân dẫn đến sự phân phái của Phật giáo? Nếu theo quan điểm của Thượng Tọa bộ thì nguyên nhân phân phái là do bất đồng về giới luật. Thế thì tại sao sáu bộ luật còn lại: 1. Mahàsanghika-vinaya (Luật của Đại Chúng bộ); 2. Mùlasarvastiràda-vinaya (Luật của Căn bản Nhất thiết hữu bộ); 3. Sarvastiràda-vinaya (Luật của Nhất thiết hữu bộ); 4. Mahìsaraka-vinaya (Bát thập tụng luật); 5. Theravada-vinaya (Luật của Thượng Tọa bộ); và 6. Dharmaguptaka-vinaya (Luật của Pháp Tạng bộ) nội dung các giới trọng đều giống nhau, chỉ khác về số lượng giới pháp chúng học (là những giới liên quan đến việc ăn mặc, đi lại…).
Như thế, mười điều được đưa ra bàn luận ở Đại hội kiết tập kinh điển lần thứ hai có nên gọi là phi pháp hay không? Ví như, thời Đức Phật, muối là quý, viền tọa cụ là quý mà Đức Phật luôn dạy hàng đệ tử sống thiểu dục, tri túc nên Ngài cấm không cho chứa muối trong sừng, không cho may tọa cụ quá khổ quy định, là hợp với thời điểm đó. Nhưng đến thời bấy giờ, cuộc sống Tăng đoàn chủ yếu sống ở tự viện không còn đi du hóa, khất thực, ngủ dưới gốc cây như thời đó. Cho nên, cần phải chứa muối để sử dụng và muối không phải là quý đối với thời đại này nữa nên giới đó không còn phù hợp. Thế cho nên, giới luật của Phật không khác mà chỉ khác nhau ở tư tưởng, do sự tiếp cận, hiểu biết và thực hành lời Phật dạy khác nhau được thể hiện rõ qua năm việc Đại Thiên đề xướng là nguyên nhân dẫn đến sự phân phái Phật giáo.
Tóm lại, nguyên nhân chính và rõ ràng nhất dẫn đến sự phân phái trong Phật giáo là do bất đồng về tư tưởng giáo lý, thể hiện qua năm việc mà Đại Thiên đề xướng. Giáo lý của Đức Phật chỉ có một nhưng hàng đệ tử hiểu lời Phật dạy khác nhau, phương thức tu tập khác nhau, cách tiếp nhận lời Phật dạy khác nhau, quan điểm về quả vị tu chứng khác nhau nên xẩy ra sự bất đồng trong đoàn thể Tăng-già, từ đó dẫn đến sự phân phái trong Phật giáo.
Thích Nữ Lệ Nhiên | Văn Hóa Phật Giáo Số 328 ngày 1-9-2019
Chú thích:
1. Thích Hạnh Bình, Phương Anh dịch, Khái luận Lịch sử Phật giáo Ấn Độ, TP.HCM, Nxb Phương Đông, 200, tr.53-54. 2. Hạnh Bình, Nghiên cứu về năm việc của Đại Thiên. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2006, tr.19-20. 3. Thích Minh Châu dịch, Tăng chi bộ kinh; tập 2, chương 5 pháp, Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2005, tr.419. 4. Thích Trí Tịnh dịch, Kinh Diệu pháp Liên hoa, phẩm Dược thảo dụ thứ 5, Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2007, tr.189. 5. Trí Quang dịch, Dị Tông luận, Nxb TP.HCM, 1995, tr.61. Thư mục tham khảo: 1. Hạnh Bình, Nghiên cứu về năm việc của Đại Thiên. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2006. 2. Thích Nhật Chiếu, Luật học Đại cương, Nxb Tôn Giáo, 2007. 3. Trí Quang dịch, Dị Tông luận, Nxb TP.HCM, 1995. 4. Thích Trí Tịnh dịch, Kinh Diệu pháp Liên hoa, phẩm Dược thảo dụ thứ 5, Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2007. 5. Thích Minh Châu dịch, Tăng chi bộ kinh; tập 2, chương 5 pháp, Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2005. 6. Thích Hạnh Bình, Phương Anh dịch, Khái luận Lịch sử Phật giáo Ấn Độ, TP HCM, Nxb Phương Đông, 2013.