TÓM TẮT
Từ khi Đức Phật còn tại thế, Ngài đã cho phái nữ xuất gia thành Tỳ kheo Ni với điều kiện là thọ trì Bát kỉnh pháp. Có Ni giới, hàng xuất gia của Đức Phật được tăng đông lên. Tứ chúng của Đức Phật trở nên đầy đủ. Sự xuất hiện của nữ giới trong giáo đoàn của Đức Phật và sự bình đẳng về khả năng giải thoát của hai giới thể hiện giá trị tư tưởng vượt thời gian của Đạo Phật. Thật vậy, Phật giáo được trường tồn là nhờ chư Tăng, Ni sống đúng theo pháp và luật, như lời dạy của Đức Thế Tôn trong Kinh Đại Bát Niết Bàn: “… Sau khi Ta diệt độ, chính pháp và luật ấy sẽ là Đạo sư của các ngươi”.
Từ khoá: Bát kỉnh pháp, Kiều Đàm Di, Ni đoàn.

DẪN NHẬP

Nét độc đáo của Phật giáo so với nhiều tôn giáo khác trên thế giới là sự có mặt của người nữ, do chính người nữ đứng đầu điều hành. Ngay khi Đức Phật còn tại thế, trong bối cảnh xã hội Ấn Độ cổ đại phân biệt giai cấp, giới tính đến cùng cực thì nữ giới đã được chấp nhận và cho xuất gia, chính thức trở thành một phần của Tăng đoàn. Xoay quanh nguyên nhân nào Ni giới được thành lập và liệu có sự bất công đối với người nữ trong Tăng đoàn thời Đức Phật hay không, liệu có phải sự xuất hiện của người nữ trong Tăng đoàn làm cho Phật pháp suy giảm như lời Phật nói hay không, đó là những vấn đề mà người làm công tác nghiên cứu khoa học phải nghiêm túc xem xét, dựa trên những cứ liệu lịch sử từ văn bản thư tịch cổ để lại.

Viết về Ni giới có nhiều học giả đã nghiên cứu, tuy nhiên với tâm nguyện nối tiếp mạng mạch Phật pháp, là người con gái Như Lai với lòng biết ơn và tri ân, người viết xin đóng góp thêm một chút ý kiến theo cái hiểu của mình dựa trên hai văn bản Hán tạng và Pāli tạng để làm rõ vấn đề trên.

NỔ LỰC XIN XUẤT GIA CỦA BÀ MAHÃPAJÃPATI GOTAMĨ

Ngày nay, lịch sử Phật giáo ghi nhận Ni đoàn thời Đức Phật được thành lập với người đứng đầu là Đức Thánh tổ Ni Đại Ái Đạo Kiều Đàm Di, tên đầy đủ tiếng Pāli là Mahāpajāpati Gotamī, Hán ngữ phiên âm là Ma-Ha-Ba-Xà-Ba-Đề. Sau khi Hoàng hậu Maya băng hà, chính bà đã chăm sóc Thái tử đến khi trưởng thành.

Có một chi tiết quan trọng trong việc thành lập Ni đoàn, đó là Ni giới ghi nhận Tôn giả Ānanda là người đã khẩn khoản xin Phật cho người nữ được thọ giới. Một câu hỏi rất thú vị đặt ra, đó là liệu Đức Phật có phải chỉ vì Tôn giả Ānanda xin mà Ngài đồng ý, hay là với tuệ giác và lòng từ bi của mình, Ngài đã có chủ ý từ trước và chờ thời điểm thuận lợi để công bố quyết định.

Ngược dòng lịch sử, sau khi Phật thành đạo khoảng ba năm, Ngài về thăm lại cố hương và hoàng tộc. Mục đích chính của sự trở về là hóa độ cho tộc Sakya. Qua các bài thuyết giảng, Thế Tôn đã hóa độ được các người trong dòng tộc kể cả vua cha (Shuddhodana) và di mẫu (Mahāpajāpati Gotamī). Đức vua trước lúc băng hà đã đắc được quả vị A-la-hán còn di mẫu thì đắc sơ quả qua bài kinh Mahā Dhamma palla (Đại Pháp Hộ). Vua Tịnh Phạn đã đắc quả ngay trong hình tướng cư sĩ tại gia. Còn di mẫu thì đắc quả A-la-hán sau khi xuất gia và là người đứng đầu Ni giới lúc bấy giờ. Đức Thánh Ni chứng đắc ngay sau lời giáo huấn: “Này mẹ! Mục tiêu tối hậu của phạm hạnh thật khó khăn để đạt được mà cũng thật dễ dàng để đạt được. …cái cốt lõi, cái tinh túy… thì phải hiểu rằng, giáo lý ấy là Chánh pháp, là Giới luật, là lời giáo huấn của Như Lai!” [1]. Như vậy, trong Tăng đoàn của Đức Phật, lịch sử đã chứng minh là người nữ cũng đầy đủ phẩm chất và khả năng giác ngộ, khả năng giải thoát như nam giới. Trong bối cảnh xã hội Ấn Độ phân chia giai cấp, phụ nữ không có tiếng nói, Đức Phật đã nâng giá trị của người nữ lên ngang tầm với nam giới, trả đúng lại vị trí cho họ là một con người bình đẳng trong giáo pháp của Ngài: “Không có giai cấp trong nước mắt cùng mặn, trong dòng máu cùng đỏ như nhau”  [2].

Như vậy, lý do nào mà di mẫu đã nhiều lần xin xuất gia nhưng đều bị Ngài từ chối: “Thôi đi! Thôi đi! Này di mẫu! Ta không chấp nhận được vì từ xưa đến nay, tất cả chư Phật trong ba đời không có Phật nào cho phép người nữ xuất gia tu hành trong giáo pháp của Như Lai”[3]. Sau đó, Tôn giả Ānanda đã xin và được Đức Phật chấp nhận kèm với điều kiện “Bát kỉnh pháp”. “Ta nay cho Kiều Đàm Di và các người nữ giáo pháp này mà tu tập” [4].

Theo tác giả, có nhiều lý do ẩn sau sự trì hoãn của Thế Tôn. Thứ nhất là điều kiện sống trong Tăng đoàn thời kỳ đầu rất khó khăn, cuộc sống du hành đây đó, không ngủ ba đêm dưới một gốc cây… thực sự rất khó với cả những người nam khỏe mạnh cường tráng, huống hồ gì là người nữ chân yếu tay mềm, thể chất vật lý có nhiều chỗ kém hơn người nam. Chính Thế Tôn cũng từng thừa nhận: “Sống trong rừng ở trong hang, thật là khổ thay!”[5], “… Thật khó thưởng thức đời sống độc cư!”[6]. Như vậy, một lý do khả dĩ đầu tiên, đó là Thế Tôn cần thời gian để xem xét sức chịu đựng và khả năng vượt chướng ngại của người nữ trong những điều kiện sinh hoạt cần sức kham nhẫn vượt bậc, cũng như suy nghĩ về những điều kiện tối thiểu cần có khi người nữ có mặt trong Tăng đoàn. Bởi vì Tăng đoàn ngày càng đông, sắp xếp việc ăn ở, an cư cho chư Tăng cũng đã không dễ dàng huống chi thêm người nữ.

Ngày nay cũng có những chư Ni tiền bối hữu công với Phật giáo đáng được tuyên dương như: Sư trưởng Như Thanh, Ni trưởng Trí Hải, Sư bà Hải Triều Âm… Ngoài ra, ở 63 tỉnh thành đều có bóng dáng của các chư Ni cùng tham gia Phật sự, đều là cánh tay nối dài của Phật pháp.

Cho đến khi di mẫu quyết định nhờ người xuống tóc, đắp y ca-sa cùng với nhiều người nữ dòng Sakya đã ra đi về hướng Vesāli, đến giảng đường Kūṭāgāra xin Thế Tôn xuất gia, bất chấp khí hậu khắc nghiệt của Ấn Độ cũng như sự khắt khe của xã hội lúc bấy giờ. Chính ý chí xuất trần Thượng sĩ mạnh mẽ đã giúp lệnh bà và đoàn cung nữ vượt qua mọi chướng ngại để đến với giáo pháp Như Lai. Thời điểm đó, Đức Phật đã có câu trả lời cho vấn đề thứ nhất này.

Thêm một dẫn chứng nữa về sự không phân biệt giới tính của Đức Phật, Kinh Tương Ưng chép rằng, một hôm trong lúc hầu chuyện Đức Thế Tôn có người hầu đến báo Hoàng hậu sinh con gái, Đức Phật thấy vua Pasenadi không được hoan hỷ, Ngài liền dạy về vấn đề nam nữ bình đẳng:
“Này nhân chủ, ở đời
Có một số thiếu nữ
Có thể tốt đẹp hơn
So sánh với con trai…” [7].

Điều đó càng cho thấy Phật vốn dĩ không kỳ thị nữ giới, mà sự chần chừ của Ngài trong việc cho người nữ gia nhập Tăng đoàn chỉ xuất phát từ tình thương của Ngài với nữ giới mà thôi. Tuy điều đó không được Ngài nói thẳng ra, nhưng là một giả thuyết có thể chấp nhận được.

Lý do thứ hai, đó chính là xã hội bấy giờ phân biệt giới tính rất khắc nghiệt, vai trò người nữ phụ thuộc hoàn toàn vào người nam. Do đó, chấp nhận người nữ xuất gia khi chưa có một sự chuẩn bị cần thiết, sẽ mang đến những phản ứng không thể lường được từ phía xã hội. Điều này đã từng xảy ra khi Ngài chấp nhận cho những người nam giới thuộc đẳng cấp hạ tiện gia nhập Tăng đoàn. Khi đó, những người ngoại đạo và cả một số Phật tử đã phản ứng dữ dội và làm áp lực buộc vua Pasenadi phải đến chất vấn Đức Phật, nếu không chính mắt nhìn thấy người gánh phân “Sunita” [8] nay đã trở thành một vị Thánh Tăng khiến vua cảm phục, không dễ để vua kính trọng một người giai cấp thấp kém. Vậy, người nữ qua hành trình đi bộ để cầu đạo qua nhiều làng mạc, ắt hẳn cũng đã làm dấy lên trong xã hội sự kinh ngạc và kính phục về ý chí và nghị lực phi thường.

Khi thấy lệnh bà Gotamī trong bộ dạng thảm thương, Tôn giả Ānanda đã thốt lên: “Này bà Gotamī, tại sao bà lại có hai bàn chân sưng vù, thân hình phủ đầy bụi bặm, khổ sở, buồn rầu, mặt đầm đìa nước mắt…?” [9]. Sau đó, Tôn giả đi vào xin Phật: “Bạch Ngài, người nữ sau khi xuất gia… có khả năng chứng ngộ quả vị Nhập lưu … hoặc phẩm vị A-la-hán hay không?” [10]. Phật trả lời như sau: “… Người nữ sau khi xuất gia…, có khả năng chứng ngộ quả vị Nhập lưu … luôn cả phẩm vị A-la-hán” [11]. Sau câu trả lời của Phật, Ānanda đã mạnh dạn tiếp tục xin cho người nữ gia nhập vào Tăng đoàn.

Theo tác giả, với trí tuệ của bậc Chánh đẳng Chánh giác thì không có gì mà Đức Phật không biết mà Ngài chỉ đang để Pháp vận hành, đợi cho tâm Bồ đề của di mẫu và những người nữ trong dòng tộc Sakya chín mùi, để xã hội không phản ứng, Tăng đoàn không bất ngờ khi Ngài đồng ý cho nữ giới gia nhập Tăng đoàn.

Có thể phải đặt lại vấn đề, không phải những câu hỏi của Ānanda đã làm thay đổi cái nhìn của Thế Tôn khiến Ngài quyết định cho nữ giới xuất gia, mà là chính Đức Phật đã chờ đợi những người trong Tăng đoàn lên tiếng để xin cho nữ giới xuất gia. Vì như vậy sẽ là tiền đề tốt đẹp cho người nữ khi có mặt trong Tăng đoàn. Cách xử lý vấn đề trầm tĩnh này của Thế Tôn đã thể hiện hàng ngàn lần qua các bản kinh, dù biết rõ vấn đề Thế Tôn cũng không bao giờ vội vã, Ngài luôn chờ đợi và lắng nghe từ các phía. Nhờ vậy, khi Thế Tôn ra quyết định, Ngài nhận được sự ủng hộ dễ dàng hơn.

Phật cho người nữ xuất gia không phải Ngài cần đồ chúng đông mà với lòng đại từ, đại bi và tuệ giác của bậc đại giác, Ngài thấy được tất cả chúng sanh đều có Phật tánh như nhau: “Ta là Phật đã thành chúng sanh là Phật sẽ thành”.

BÁT KỈNH PHÁT

Đức Phật nói: “Này Ānanda, nếu người nữ không đạt được sự xuất gia… Pháp và luật có thể sẽ được tồn tại lâu dài, thánh pháp có thể tồn tại một ngàn năm” [12]. Đức Phật nói tiếp: “Này Ānanda, …, giờ đây phạm hạnh sẽ không tồn tại lâu dài …  giờ đây thánh pháp sẽ tồn tại chỉ còn năm trăm năm” [13]. Trong hệ thống Nikaya (Pāli), A-hàm (Hán tạng) và luật tạng đều có sự kiện Đức Phật xác nhận chánh pháp bị tổn giảm 500 năm khi nữ giới gia nhập vào đời sống xuất gia. Là một sư cô, khi nghiên cứu vấn đề này người viết cũng khó tránh khỏi xót xa, tự mình cũng đặt ra câu hỏi phải chăng người nữ là nguyên nhân dẫn đến chánh pháp suy giảm? Khi đối chiếu với bản Tỳ Ni Mẫu Kinh người viết nhận ra đây là một trong 10 quan điểm về nữ giới của ngài Ca Diếp [14]. Do vậy, chi tiết này rất có khả năng là trong lúc biên tập, một số người trọng luật đã đưa nội dung này vào các văn bản kinh điển nhằm tạo ra tính chặt chẽ, chính vì vậy trong Ngũ Phần Luật cũng có ghi như sau: “Các Tỳ kheo không giáo thọ Tỳ kheo Ni, không vì họ nói pháp, do đó cho nên họ không có sở đắc, mà lại mắng nhiếc: “Do các ngươi nên khiến chánh pháp Phật giảm năm trăm năm, khiến mọi người không kính sa môn, khinh tiện Tỳ kheo, không cúng dường thêm” [15].

Nếu Đức Phật không đủ tuệ giác để nhận thấy việc cho người nữ xuất gia mang nhiều hệ lụy cho Tăng già hay nói chính xác đời sống xuất gia đối với nữ giới là bài toán khó, thì vì đâu Thế Tôn nhiều lần từ chối, rồi chính Ngài đưa ra Bát kỉnh pháp giúp chư Ni có được đời sống an ổn khi bước chân vào cánh cửa giải thoát của Như Lai, làm cho làn sóng dư luận xã hội được lắng im, Tăng già hòa hợp đảm bảo cho chánh pháp được trường tồn.

Phật nói: “Chỉ có đời tranh chấp với Như lai, Như lai không tranh chấp với đời” [16]. Phật cho người nữ xuất gia không phải Ngài cần đồ chúng đông mà với lòng đại từ, đại bi và tuệ giác của bậc đại giác, Ngài thấy được tất cả chúng sanh đều có Phật tánh như nhau: “Ta là Phật đã thành chúng sanh là Phật sẽ thành”. Bát kỉnh pháp được Thế Tôn dạy như sau: “…, này Ānanda, nay Ta vì nữ nhân mà tuyên bố tám pháp Tôn sư, nữ nhân không được trái phạm, nữ nhân phải phụng trì suốt đời” [17]. Văn bản Hán tạng không rõ nghĩa như văn bản Pāli: “Này Ānanda, một người vì nghĩ đến tương lai xây dựng bờ đê cho một hồ nước lớn để nước không thể chảy qua, … trọn đời không vượt qua” [18].

Bà Mahāpajāpati Gotamī cho rằng: “Bát kỉnh pháp làm cho một Tỳ kheo Ni càng trở nên đẹp hơn, như một người con gái giàu sang xinh đẹp lại được trang sức lộng lẫy” [19]. Đọc kỹ Bát kỉnh pháp sẽ thấy những điều khoản người nữ phải cung kính trước chư Tăng, chẳng qua chỉ là phép tu tập cần thiết để những bậc mẫu nghi và phi tần mệnh phụ vừa mới từ bỏ đời sống vương giả biết buông bỏ những ràng buộc trong tâm về địa vị, quyền hành. Cũng như Đức Phật từng cho ngài Upali thợ cạo thọ giới trước các vương tử hoàng tộc để làm khô cạn sự kiêu ngạo trong lòng các vương tử. Đối với những người nữ nào thật tâm muốn tu học giải thoát, nhận diện được giáo lý vô ngã và duyên khởi sẽ không thấy khó khăn trong việc thực tập Bát kỉnh pháp.

Trong những bài kinh khác, Đức Phật đều nhấn mạnh, chánh pháp chỉ suy tàn một khi giới luật không được coi trọng, chánh pháp không được thực hành, sự tu học chỉ còn cái vỏ hình thức. “… này Kassapa, khi nào tượng pháp hiện ra ở đời, thời diệu pháp biến mất … khi nào các người ngu có mặt, chính họ làm diệu pháp biến mất” [20], “các Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ sống không tôn kính, không tùy thuận bậc Đạo sư, sống không tôn kính, không tùy thuận chánh pháp” [21]. Như vậy, Phật đã khẳng định điều làm tổn giảm chánh pháp không phải nữ giới, mà là sự si mê, phóng túng, các bất thiện pháp tăng trưởng trong Tăng đoàn, là sự kiện “sư tử trùng thực”. Những lý do đó mới thật đúng là lưu xuất từ tuệ giác của Đức Phật.

Hơn nữa, khi sự thật chứng giáo pháp đến tột cùng, mọi kinh điển và giáo lý cũng chỉ là chiếc bè đưa người qua sông. Đến được bờ giác ngộ thì chiếc bè ấy cần được để lại. Để vào cánh cửa bản môn với tinh thần vô ngã, vô chấp, mọi tranh luận của thế gian cần để lại phía sau.

Những đóng góp, những thành tựu cũng như tên tuổi mà chư Tổ Ni để lại cũng phần nào phủ định những ý kiến không đúng về sự gia nhập của nữ giới vào Tăng đoàn. Có thể thấy, Đức Thánh tổ Ni Đại Ái Đạo Kiều Đàm Di cùng 500 Ni giới nhập Niết bàn là sự kiện hùng hồn nhất: “Phật nói Bà Ðại Ái Ðạo đã diệt độ và năm trăm Tỳ kheo Ni nhập Niết bàn. Ta muốn cúng dường Xá lợi”[22]. Bên chư Tăng có mười đại đệ tử Phật xuất sắc thì bên chư Ni cũng có mười vị xuất chúng đứng đầu di mẫu (Pháp Lạp Đệ nhất).

Ngày nay cũng có những chư Ni tiền bối hữu công với Phật giáo đáng được tuyên dương như: Sư trưởng Như Thanh, Ni trưởng Trí Hải, Sư bà Hải Triều Âm… Ngoài ra ở 63 tỉnh thành đều có bóng dáng của các chư Ni cùng tham gia Phật sự, đều là cánh tay nối dài của Phật pháp.

Từ khi Đức Phật còn tại thế, Ngài đã cho phái nữ xuất gia thành Tỳ kheo Ni với điều kiện là thọ trì Bát kỉnh pháp.

KẾT LUẬN

Hy vọng, cách trình bày trong bài viết này giúp cho những ai có cái nhìn hẹp hòi về người nữ nói chung, Ni giới nói riêng, nhìn đúng hơn về người nữ, thấy được giá trị của những người con gái của Thế Tôn, cũng là một trong ba ngôi báu: “Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo”. Chư Ni có giải thoát xứng đáng đứng trong Tăng bảo. Trong Tăng Chi Bộ Kinh, Đức Phật cũng khẳng định người nữ cũng là thành phần quan trọng trong việc duy trì giáo pháp tồn tại lâu dài: “Ở đây này Kimbila, khi Như Lai nhập diệt, các Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ sống tôn trọng và vâng lời bậc Đạo sư…Đây là nhân, đây là duyên, này Kimbila, khi Như Lai nhập diệt, diệu pháp được tồn tại lâu dài” [23].

Tác giả bài viết: Thích Nữ Giác Tường An
Nguồn: tapchivanhoaphatgiao.com
Link bài viết gốc: Nghiên cứu về một vài ngộ nhận đối với lịch sử phát triển Ni đoàn (Thích Nữ Giác Tường An) – Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo (tapchivanhoaphatgiao.com)


Chú thích:
[1] Minh Đức Triều Tâm Ảnh (2012), Con gái Đức Phật, Ni Trưởng Mahā Pajāpatī Gotamī tổng hợp, Nxb. TP HCM, tr.12.
[2] Thích Thiện Hoa (1992), Tám quyển sách quý (trọn bộ), Quyển 7, Nxb. TP HCM, tr.557.
[3] Thích Nữ Trí Hải (2008), Trích dịch thiết yếu Luật Tứ phần Tỳ-kheo Ni, Nxb. Tôn giáo, tr.56.
[4] Sđd, tr.56.
[5] Thích Tịnh Hạnh (2000), Đại tập 8 – Bộ A-hàm VIII – Kinh Tạp A-hàm số 125 (Q.1-30), Kinh Tăng Nhất A-Hàm, Nxb. Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc, tr.582.
[6] Thích Minh Châu (dịch, 2012), Kinh Trung Bộ 1, 4. Kinh sợ hãi và khiếp đảm, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.37.
[7] Thích Minh Châu (dịch, 1991), Kinh Tương Ưng I, II, Thiên Có Kệ, Chương III. Tương Ưng Kosala II, Phẩm thứ hai, Nxb. Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP HCM, tr.194
[8] Thích Trung Hậu – Thích Hải Ấn (sưu tập & giới thiệu 2009), Đức Phật Thích Ca đã xuất hiện như thế, 4. Lịch sử Đức Phật Thích Ca, Nxb. Văn hóa Sài Gòn – TP HCM, tr.422.
[9] Tỳ khưu Indacanda (2014), Tiểu Phẩm tập 2, X. Chương Tỳ Khưu Ni, Nxb. Tôn giáo, tr.341.
[10] Sđd, tr.343.
[11] Sđd, tr.343.
[12] Tỳ khưu Indacanda (2014), Tiểu Phẩm tập 2, X. Chương Tỳ Khưu Ni, Nxb. Tôn giáo, tr.347.
Thích Tuệ Sỹ (dịch, 2008), Tam tạng Tăng-Già-Đề-Bà, Kinh Trung A-hàm tập 1, 116. Kinh Cù Đàm-Di”, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.861.
Thích Minh Châu (dịch, 2015), Kinh Tăng Chi Bộ, Tập II, VI. Phẩm Gotamī, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.379-380.
[13] Sđd.
[14] Thích Hạnh Bình (2006), Nghiên cứu về 5 việc của Đại Thiên, Nxb. Phương Đông, tr.86-87.
[15] Thích Đổng Minh (2011), Luật Ngũ phần 1, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr.358.
[16] Thích Trí Quảng (2008), Cương yếu Kinh Pháp Hoa, Ý nghĩa Phương tiện và chân thật, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.58.
[17] Thích Tuệ Sỹ (dịch, 2008), Tam tạng Tăng-Già-Đề-Bà, Kinh Trung A-hàm tập 1, 116. Kinh Cù Đàm-Di”, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.857.
[18] Thích Minh Châu (dịch, 2015), Kinh Tăng Chi Bộ, Tập II, VI. Phẩm Gotamī, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.380.
[19] Thích Nguyên Hùng (2014), Tổng quan bốn bộ A-hàm, Toát yếu Kinh Trung A-hàm, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr.186.
[20] Thích Minh Châu (dịch, 1991), Kinh Tương Ưng I, II, Thiên Có Kệ, Chương III. Tương Ưng Kosala II, Phẩm thứ hai, Nxb. Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP HCM, tr.386.
[21] Thích Minh Châu (dịch, 1991), Kinh Tương Ưng I, II, Thiên Có Kệ, Chương III. Tương Ưng Kosala II, Phẩm thứ hai, Nxb. Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP HCM, tr.387.
[22] Thích Thanh Từ (2005), Kinh Tăng Nhất A-hàm – tập III, LII. Phẩm Đại ái đạo nhập Niết-bàn, Nxb. Tôn giáo, tr.578.
[23] Thích Minh Châu (dịch, 2015), Kinh Tăng Chi Bộ, Chương Năm pháp, Phẩm Kimbila, kinh Kimbila, Nxb. Tôn giáo, tr.823.

Tài liệu tham khảo:

1. Minh Đức Triều Tâm Ảnh (2012), Con gái Đức Phật, Ni Trưởng Mahā Pajāpatī Gotamī tổng hợp, Nxb. TP HCM.
2. Hán dịch: Phật Đà Bạt Đà La – Sa Môn Pháp Hiển, Việt dịch: Thích Phước Sơn (2011), Luật Ma Ha Tăng Kỳ – tập 4, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
3. Indacanda (dịch, 2017), Tam tạng Việt ngữ, Tiểu phẩm, tập hai, X chương Tỳ khưu ni, Nxb. Tôn giáo.
4. Thích Đổng Minh (2011), Luật Ngũ phần 1, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội.
5. Thích Hạnh Bình (2006), Nghiên cứu về 5 việc của Đại Thiên, Nxb. Phương Đông.
6. Thích Minh Châu (dịch, 2015), Kinh Tăng Chi Bộ, Tập II, VI. Phẩm Gotamī, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
7. Thích Minh Châu (dịch, 2012), Kinh Trung Bộ 1, 4. Kinh sợ hãi và khiếp đảm, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
8. Thích Minh Châu (dịch, 1991), Kinh Tương Ưng I, II, Thiên Có Kệ, Chương III. Tương Ưng Kosala II, Phẩm thứ hai, Nxb. Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP HCM.
9. Thích Nguyên Hùng (2014), Tổng quan bốn bộ A-hàm, Toát yếu Kinh Trung A-hàm, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội.
10. Thích Nữ Trí Hải (2008), Trích dịch thiết yếu Luật Tứ phần Tỳ-kheo Ni, Nxb. Tôn giáo.
11. Thích Thanh Từ (2005), Kinh Tăng Nhất A-hàm – tập III, LII. Phẩm Đại ái đạo nhập Niết-bàn, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
12. Thích Thiện Hoa (1992), Tám quyển sách quý (trọn bộ), Quyển 7, Nxb. TP HCM.
13. Thích Tịnh Hạnh (2000), Đại tập 8 – Bộ A-hàm VIII – Kinh Tạp A-hàm số 125 (Q.1-30), Kinh Tăng Nhất A-Hàm, Nxb. Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc.
14. Thích Trí Quảng (2008), Cương yếu Kinh Pháp Hoa, Ý nghĩa Phương tiện và chân thật, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
15. Thích Trí Quang (2010), Tổng tập giới pháp xuất gia (tập 1 & 2), 2. Sáu giới pháp xuất gia: Hai, Tỷ Kheo Giới, Nxb. Văn hóa Sài Gòn, TP HCM.
16. Thích Trung Hậu – Thích Hải Ấn (sưu tập & giới thiệu 2009), Đức Phật Thích Ca đã xuất hiện như thế, 4. Lịch sử Đức Phật Thích Ca, Nxb. Văn hóa Sài Gòn – TP HCM.
17. Thích Tuệ Sỹ (dịch, 2008), Tam tạng Tăng-Già-Đề-Bà, Kinh Trung A-hàm tập 1, 116. Kinh Cù Đàm-Di”, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
18. Tỳ khưu Indacanda (2014), Tiểu Phẩm tập 2, X. Chương Tỳ Khưu Ni, Nxb. Tôn giáo.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục:

Sự thành lập Giáo đoàn Ni Phật giáo
Lịch sử, Nghiên cứu

Hơn hai nghìn năm Giáo đoàn Ni có mặt trên thế gian này, dù trải qua bao biến cố trong những giai đoạn thăng trầm của lịch sử, nhưng những nữ tu sĩ Phật giáo vẫn luôn thể hiện khả năng xuất sắc của giới nữ trong tu tập, hộ quốc an dân và phát...

Đóng góp và giá trị của Tạp chí Viên Âm
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa

Hoạt động hoằng pháp của tạp chí Viên Âm ở miền trung đã trở thành cơ quan ngôn luận góp phần trong công cuộc chấn hưng Phật giáo… Hoạt động hoằng pháp của Tạp chí Viên Âm ở miền trung đã trở thành cơ quan ngôn luận góp phần trong công cuộc chấn hưng Phật giáo Việt...

Vài nét về âm nhạc Phật giáo
Nghiên cứu, Văn hóa

Âm nhạc là lĩnh vực không được nói đến nhiều trong Phật giáo, càng không phải lĩnh vực được đề cao và khuyến khích, ít nhất là trong Phật giáo thời kỳ đầu. Điều này không có gì lạ, vì theo truyền thống Phật giáo, âm nhạc là thứ đức Phật khuyên dạy những đệ...

Về tên gọi Thượng Tọa và Thượng Tọa Bộ trong các nguồn tư liệu Phật giáo Trung Hoa
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa

VỀ TÊN GỌI THƯỢNG TOẠ (STHĀVIRA, THERA) VÀ THƯỢNG TOẠ BỘ (STHĀVIRAVĀDA) TRONG CÁC NGUỒN TƯ LIỆU PHẬT GIÁO TRUNG HOA (Sthavira, Thera and ‘*Sthaviravāda’ in Chinese Buddhist Sources)  của Max Deeg THÍCH NHUẬN CHÂU dịch Lời người dịch Bhikkhu Sujato, vị tỉ-khưu uyên bác người Úc châu, đã dịch bốn bộ Nikāya từ tiếng Pāli sang tiếng Anh. Bhikkhu...

Văn bản Giải Địa Tạng Kinh của Hương Hải Thiền sư
Lịch sử, Nghiên cứu

Tóm tắt Địa Tạng kinh giải thích Hoa ngôn đây là một trong 20 tác phẩm dịch Nôm lớn của Hương Hải thiền sư, được nhắc tới trong Hương Hải Ngữ Lục và trong Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn với tên gọi là Giải Địa Tạng kinh. Đây là tác phẩm dịch...

Khảo sát “Pháp Bảo Đàn Kinh giải” ở chùa Linh Quang Điều Hạ, Hải Phòng
Nghiên cứu

Pháp bảo đàn kinh giải của Hương Hải Thiền sư, là một tác phẩm diễn Nôm có giá trị về nhiều mặt. Qua khảo sát sơ bộ văn bản tại Linh Quang tự có thể thấy đây là một bản dịch từ Hán sang chữ Nôm theo thể văn xuôi. Tóm tắt: Trong quá trình...

Nghệ thuật Phật giáo Tây Tạng và ý nghĩa biểu tượng cổ – Bát bảo (P.1)
Kiến trúc-Mỹ thuật, Nghiên cứu

Phật giáo tại Tây Tạng có sức chú trọng vào các nghi lễ, thực hành thần bí cùng các biểu tượng cát tường có sức mạnh siêu linh. Đối riêng với nghệ thuật biểu tượng học Phật giáo, nổi bật hơn cả với đại chúng là tại Tây Tạng. Phần I. Bát bảo nói chung...

Hệ Phái Tăng Già Khất Sĩ Việt Nam
Lịch sử, Nghiên cứu

Bài viết ngắn nầy chỉ nhằm phác họa lại sơ lược về sự thành hình và phát triển của Hệ Phái Tăng Già Khất Sĩ Việt Nam hồi giữa thế kỷ thứ mười chín. Giáo hội Phật Giáo Tăng Già Khất Sĩ Việt Nam được Đức Tôn Sư Minh Đăng Quang sáng lập năm 1944. Giáo Hội được sáng lập trong giai đoạn suy đồi của Phật giáo Việt Nam. Đức Tôn Sư đã khéo léo phối hợp giữa hai truyền thống giáo lý Nam...

Các thiền sư thời Lê sơ và sự nỗ lực chấn hưng truyền thống văn hóa dân tộc Đại Việt
Lịch sử, Nghiên cứu

Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng với dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp dựng nước, giữ nước, đánh bạt âm mưu xâm lược, nô dịch văn hóa của thế lực phương bắc ngay từ những thế kỷ đầu. Tóm tắt Phật giáo thời Lê sơ (1428 – 1527) tuy ít được triều đình...

Sự hình thành Đại thừa
Lịch sử, Nghiên cứu

Phong trào phát triển một đường lối Phật Giáo mới, về sau nầy được gọi là Mahayana (Đại thừa), bắt đầu thành hình trong thời gian 250 năm, từ năm 150 TCN đến 100 CN, là kết quả tích tụ của nhiều phát triển vốn có từ trước. Nguồn gốc của nó không liên hệ...

Chúa Nguyễn Hoàng (1525 – 1613) với đạo Phật
Lịch sử, Nghiên cứu

Việc Nguyễn Hoàng cho xây dựng và tu sửa những ngôi chùa trên đất Thuận Quảng đã làm cho Phật giáo ngày càng lan rộng ảnh hưởng trong đời sống xã hội, từ chốn cung nội ra khắp dân gian. Chúa Nguyễn Hoàng sinh ngày 28/8/1525, còn gọi là Chúa Tiên, vị chúa Nguyễn đầu...

Khảo cứu Nghi lễ Vu Lan trong không gian văn hóa Phật giáo Thừa Thiên Huế
Nghiên cứu, Văn hóa

Nghi lễ Vu Lan Bồn còn là một pháp hội thù thắng và có tính phổ cập nhất trong Phật Giáo Việt Nam và có sự ảnh hưởng rất lớn về văn hóa sống, đạo đức làm người trong xã hội Việt Nam nói chung và Huế nói riêng. Phật giáo du nhập và phát...

Nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc Phật giáo thời Lý
Kiến trúc-Mỹ thuật, Nghiên cứu

Tóm tắt: Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ rất sớm, tư tưởng từ bi, vị tha của Phật giáo nhanh chóng được cư dân bản địa tiếp thu và trở thành tâm thức của người Việt, đa phần người dân Việt Nam điều tôn sùng Phật giáo. Thời Lý là một trong những thời...

Chúa Nguyễn Phúc Chu và hai bảo vật quốc gia chùa Thiên Mụ
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa

Bia “Ngự kiến Thiên Mụ tự” của chúa Nguyễn Phúc Chu là hiện vật gốc độc bản – một trong số những di vật hiếm hoi thời chúa Nguyễn còn giữ được gần như nguyên vẹn, có nhiều giá trị về mặt mỹ thuật. Chúa Nguyễn Phúc Chu (Quốc Chúa) (1691-1725) là vị chúa thứ...

Biểu tượng hoa sen trong trang trí chùa ở Huế
Kiến trúc-Mỹ thuật, Nghiên cứu, Văn hóa

PHẦN MỞ ĐẦU Đã là công dân nước Việt thì dù có ở đâu đi chăng nữa mà khi nghe ai đó nhắc nhắc đến sông Hương, núi Ngự thì mỗi người con đất Việt đều nghĩ ngay đến một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, thơ mộng và hoài cổ. Nơi mảnh đất thần...

“Bản Sắc Hóa” Pháp Phục Phật Giáo Việt Nam
Nghiên cứu, Văn hóa

I. Y PHỤC LÀ BẢN SẮC VĂN HÓA CỦA DÂN TỘC Nếu trang phục truyền thống của một dân tộc hay quốc gia biểu đạt bản sắc văn hóa về y phục của dân tộc hay quốc gia đó, thì pháp phục Phật giáo thể hiện bản sắc đặc thù, khác hẳn với và vượt lên trên các quốc phục và thường phục của người đời, dù ở phạm vi dân tộc hay quốc gia. Lễ phục tôn...