Từ một giáo đoàn gồm chỉ một ngàn hai trăm năm mươi tăng chúng và năm trăm vị A la hán, từ một vùng Linh Thứu còn hoang sơ làm pháp đàn Chuyển Pháp Luân, từ một bậc Đại Giác Ngộ với đôi chân trần luôn di chuyển từ nơi này đến nơi khác trọn bốn mươi chín năm, từ hơn hai ngàn năm trăm năm về trước, đạo Phật nay đã quảng bá khắp thế giới, dưới mọi hình thức, bằng mọi pháp môn; bao nhiêu là tông phái, bao nhiêu là pháp tu và pháp học đã xuất hiện để làm phương tiện hoằng hóa độ sanh. Cho nên ngoài những pháp tu hướng dẫn hành giả trên đường tự tìm giác ngộ như Đức Phật lịch sử, còn có những hình thức nghỉ lễ tôn giáo cho quảng đại quần chúng chuyên phần phước báu, để cầu an và cầu siêu hay những nhu cầu khác cho người sống và kẻ chết, cho những thần thánh hay tỉnh thức hiện hữu ở cõi sắc hay vô sắc giới.
Bộ Sớ Điệp Công Văn này là một tập thành đầy đủ và giá trị nhất trong khuynh hướng nghi lễ tôn giáo của Phật giáo. Sách không chỉ gồm những sớ cầu an và cầu siêu thông dụng như cúng cha, mẹ, chồng, con, v.v…, mà còn gồm nhiều sớ điệp đi vào chi tiết với từng đối tượng một; như sở cúng tiên tổ, cúng ông nội, cúng bà ngoại; đến như sớ riêng phần người con đã xuất gia cúng cha mẹ, cũng có; sớ thầy cúng trò, cúng chị, em, cháu trai, cậu, v.v…, đã hơi lạ; đến như quy y bào thai thì càng ít nghe nhắc đến hơn, tuy rằng Phật giáo Nhật bản đã chánh thức áp dụng nghi lễ này từ lâu. Sớ tụng kinh Thủy Sám, chúc thọ khánh sanh, cúng sao, hay sở cúng Quan Thánh (ngài là Bồ tát hộ Tăng), thì chẳng mới mẻ, nhưng những loại thường bị cho là thuộc ngoại đạo tà giáo cũng có mặt đầy đủ, như sớ cúng ngoại cảnh ngoại càng, cầu ngư, vớt đất, cúng hội đồng Thánh Mẫu, v.v…, vẫn được chư Tổ soạn ra, cho thấy các ngài đã triệt để ứng dụng câu “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian pháp”.
Mỗi bài sớ được chia làm 4 phần: Chánh văn, Phiên âm, Dịch nghĩa và Chú thích. Chánh văn thì tuy thu tập được rất nhiều, hầu như đầy đủ cho mỗi một nhu cầu riêng biệt, nhưng chỉ kể là có công một phần mà thôi. Phần Dịch nghĩa rất sáng sủa, đặc biệt là ngắn gọn hầu như theo sát với số từ của nguyên văn, không diễn dịch rườm rà, chứng tỏ soạn giả nắm vững ý nghĩa của lòng văn, hai phần rưỡi. Tài năng của soạn giả, sáu phần rưỡi, đặt ở nơi Chú thích. Mỗi một từ, soạn giả đều giải thích ý nghĩa, dẫn chứng xuất xứ, trường hợp áp dụng, rút nơi các kinh điển Phật giáo, Tử Thư Ngũ Kinh, Đạo tạng, trong những áng văn thơ bác học, trong tập tục bình dân, v.v…, cho thấy, qua ý nghĩa giải thích, chư Tổ ngày xưa khi soạn các văn sở này đã áp dụng mọi tư tưởng thâm uyên, không những trong Phật Pháp, mà cả trong những bộ môn văn hóa khác, để điểm hóa mọi tầng lớp chúng sanh, khắp mọi cõi.
Dẫn chứng một chú thích về Lân trong từ nguyên “Lân chỉ trình tường” (麟趾呈祥), ta đọc: Lân chỉ (麟趾) là chân của con lân. Lễ Ký (禮記) có câu: “Lân, Phụng, Quy, Long vị chỉ Tứ Linh (麟、鳳、龜、龍謂之四靈,Lân, Phụng, Rùa, Rồng được gọi là bốn linh vật).” Như vậy, Kỳ Lân là lính vật đứng đầu trong Tứ Linh. Trích Mao Thi Thảo Mộc Điểu Thú Trùng Ngư Sớ (毛詩草 木鳥獸蟲魚疏) của Lục Cơ (陸機,261-303), giải thích rằng: “Lân có thân con hươu, đuôi trâu, chân ngựa, màu vàng, gót chân tròn, một sừng, đầu sừng có thịt, tiếng vang như chuông, khi đi có quy củ, đi chơi có chốn, không đạp côn trùng sống, chẳng dẫm lên cỏ non, không sống thành đàn, chẳng sánh bạn cùng đi, không vào hầm nguy hiểm, chẳng sa lưới giăng.” Còn Thi Tập của Nghiêm Xán giải thích thêm: “Loài có chân thì đi được, chỉ có chân của lân có thể đi mà không đi; loài có trán thì chống cự được, chỉ có trán của lân có thể chống cự mà không chống cự, loài có sừng thì húc được, chỉ có sừng của lân có thể húc mà không húc; bậc vương giả có đức nhân lớn tất xuất hiện.” Như vậy, Lân là một linh vật có cuộc sống thanh cao, từ tâm rộng lớn, không hề làm tổn thương muôn vật; cho nên, đó cũng là điềm lành xuất hiện đấng minh quân. Tiếp đến, soạn giả trích dẫn trong Thỉ Kinh phần Chu Nam giải thích “Lân chỉ trình tường” có nghĩa là chân của con kỳ lân báo hiệu điềm lành, và câu này xuất xứ từ Âu Học Quỳnh Lâm quyển 2, phần Tổ Tôn Phụ Tử: “ca tụng người có con quý gọi là lân chỉ trình tường”; được dùng trong dịp hôn lễ để chúc tân nương sớm sanh quý tử nhân hậu. Rồi kể đến các câu chúc tụng khác như: “Lân tử phụng sổ” ví cho con cháu quý tộc, “Phụng mao lân giác” để xưng tán loại vật phẩm trân quý, v.v… Câu “thừa gia lân chỉ trình tường” trong lòng văn sớ có nghĩa là kế thừa gia đình có con cháu hiền lương, đông đúc. Chỉ một câu “Lân chỉ trình tường”, soạn giả đã đưa ta đi một vòng tham quan đầy đủ kinh thư điển tịch để học được rất nhiều điều mà chắc chắn không thể tìm được đâu khác, bao gồm ý nghĩa ngôn từ, Hán văn, điển cố, thành ngữ, phong tục, v.v… Tất cả chỉ là xoay quanh một chữ Lân. Ngoài ra còn học được thêm một điều là, trước nay ta cứ biết theo thứ tự Long- Lân-Quy-Phụng mà không rõ căn cứ, nay có xuất xứ đàng hoàng mới biết rằng Lân dẫn đầu trong Tử Linh: Lân – Phụng – Quy – Long!
Ngay như nói về người đã chết, theo đúng tỉnh thần bộ Sở Điệp Công Văn này, cũng có nhiều cách: theo truyền thống Trung hoa, người qua đời tuổi 60 gọi là hưởng hạ thọ, tuổi 70-80 là hưởng trung thọ, tuổi 90 hưởng thượng thọ, rồi đến 99 tuổi là hương bạch thọ (享白壽). Còn theo Việt Nam, từ 80 đến 90 tuổi là thượng thọ; trên 90 tuổi thượng thượng thọ. Lại còn có cách viết che giấu tuổi, như 65 tuổi thì viết là “vọng thất thập, hướng về 70 tuổi”. Người chết qua rồi, soạn giả cũng không quên nói về người sống: Trẻ nhỏ chưa tròn 3 tuổi, gọi là Hài Đề, Đề Hài, hay Cưỡng Bao, 8 tuổi gọi Đồng Sấn, 9 tuổi là Cửu Linh, từ 13 đến 16 tuổi Đậu Khấu hay Chí Học. Con gái 15 tuổi gọi là Cập Kê, 16 tuổi Nhị Bát. Con trai đến 20 tuổi thì búi tóc và đội mũ để thành nhân, nên gọi là Kết Phát, Thúc Phát, Gia Quan, hay Nhược Quan; tuổi 30 gọi là Nhi Lập; 40 tuổi Bất Hoặc; 50 tuổi là Ngãi, Bản Bách, Tri Mạng, Tri Thiên Mạng; sống đến 60 tuổi là Nhĩ Thuận, Hoàn Lịch, Hoa Giáp. Qua đến 61 tuổi gọi là Hoàn Lịch Thọ, đến 70 tuổi Tùng Tâm, Cổ Hy, Huyền Xa, Trượng Vì. Đến tuổi 77 có tên là Hỷ Thọ; 80, 90 tuổi là Triêu Mai, Triêu Chi, Mạo Điệt, Tản Thọ; 88 là Mễ Thọ, 90 Thượng Thọ; 99 tuổi là Bạch Thọ. Thọ đến 100 tuổi là Kỳ Di. Đến 108 tuổi thì là Trà Thọ. Rồi còn các tên gọi người già khác như Ban Bạch, Hoàng Phát, Hạo Thủ, Cửu Thọ, Mi Thọ, v.v… Bao nhiêu ngữ từ đó, khó có thể nhớ đủ hết để nói cho đúng từ đúng dịp đối với đúng từng tuổi người. Mỗi một bản Sở Điệp đều đầy dẫy những chú thích rộng sâu như thế. Như trong sớ cúng mẹ, nếu không đọc phần chú thích để hiểu nghĩa “Lục Nga phế độc”, thì làm sao thấu rõ lòng người con có hiếu với mẹ là bao nhiêu.
Trích dẫn một vài chú thích đây đó cho thấy soạn giả rất cẩn thận, quảng bác, và nhiều công phu trong khi thu tập và soạn thành bộ Sở Điệp Công Văn này, để chuyển hoá một thể loại nghi lễ tôn giáo trở nên có một giá trị tầm cơ, uyên thâm, và cung ứng cho Phật giáo một bộ môn văn học nghệ thuật xứng đáng được giảng dạy ở cấp cao; giảng và học ở cấp đại học Phật giáo trong ba năm chắc cũng không đủ thời gian. Những trích dẫn này cũng để minh giải lý do mà soạn giả đã qui hợp tất cả toàn bộ những chú thích lại, tập thành quyển “Tự Điển Văn học Phật giáo” có giá trị tham khảo, bổ túc cho lòng văn các sớ.
Cũng chính trong ý thức công trình văn hoá có giá trị vĩnh hằng mà soạn giả đã bằng lòng giả từ những ước mộng chưa tàn của mình để nghiêm túc trở về lại với pháp hiệu nguyên sơ: Thích Nguyên Tâm.
Những vị có ý hướng độ tha chân thật, không những tập tán tụng các bản văn sớ theo đúng điệu âm nhạc (nghệ thuật Phật Giáo), mà còn phải học tập cấn thận nơi phần chú thích để thông hiểu từng chữ từng nghĩa (văn học) mỗi một câu tán tụng đó, để thật sự là khi “tụng kinh (giả)”, đúng là “minh Phật chỉ lý”, mới có thể đầy đủ đạo lực cầu thỉnh hương linh “lai đáo đàn tiền” để “thính Pháp văn Kinh” mà được “thừa cơ siêu độ”. Bằng không, chỉ là những âm vang mỹ lệ, không đúng tỉnh thần độ tha của Phật giáo.
“Phật Pháp tại thế gian, bất ly thế gian pháp”, chính là đây.
Phật Điển Hành Tư cẩn bút
Rằm Hạ Nguyên, Mậu Tý
Ngày 12 tháng 11, 2008.