Trong thời đức Phật tại thế, bán đảo Ấn-độ gồm có hàng trăm quốc gia, trong đó, 16 quốc gia được coi là lớn nhất (kể cả mọi mặt: đất đai rộng lớn, văn hóa phát triển, tôn giáo hưng thịnh, kinh tế phồn vinh, chính trị và quân lực hùng mạnh), gồm có:
1. Ma-kiệt-đà (Magadha), kinh đô là thành Vương-xá (Rajagrha), thuộc miền Trung Ấn-độ, nằm ở bờ Nam sông Hằng (Ganga);
2. Bạt-kì (Vrji), kinh đô là thành Tì-xá-li (Vaisali), nằm ở bờ Bắc sông Hằng, tức đối diện với Ma-kiệt-đà;
3. Ương-già (Anga), kinh thành là Chiêm-ba (Campa), nằm ở phía Đông Ma-kiệt-đà;
4. Ca-thi (Kasi), kinh thành là Ba-la-nại (Varanasi), nằm ở bờ Bắc sông Hằng và xéo hướng Tây Bắc của Ma-kiệt-đà;
5. Mạt-la (Malla), kinh đô là Câu-thi-na (Kusinagara), nằm ở phía Bắc nước Bạt-kì;
6. Kiều-tát-la (Kausala), kinh đô là thành Xá-vệ (Sravasti), nằm ở phía Bắc của nước Ca-thi;
7. Chi-đề (Cedi), nằm ở phía Tây nước Ca-thi;
8. Bạt-sa (Vatsa), kinh thành là Kiều-thưởng-di (Kausambi), nằm ở phía Nam nước Chi-đề và phía Tây của nước Ma-kiệt-đà;
9. A-bàn-đề (Avanti), kinh thành là Ổ-xà-diễn-na (Ujayana), thuộc miền Tây Ấn-độ, nằm ở hướng Tây Nam của nước Ma-kiệt-đà;
10. A-thấp-ba (Asvaka), kinh đô là thành Bổ-đa-lặc-ca, nằm ở phía Bắc nước A-bàn-đề;
11. Tô-la-sa (Surasena), thủ đô là Mạt-thổ-la, nằm ở phía Bắc nước A-thấp-ba;
12. Bà-sa (Matsya), nằm phía Bắc nước Tô-la-sa;
13. Cư-lâu (Kura), nằm ở bờ Tây thượng lưu sông Hằng, xéo hướng Đông Bắc của nước Bà-sa;
14. Bàn-xà-la (Pancala), nằm giữa nước Cư-lâu ở phía tây và nước Kiều-tát-la ở phía Đông;
15. Càn-đà-la (Gandhara), kinh đô là Đát-xoa-thỉ-la (Taksasila), chiếm trọn vùng Tây Bắc thượng lưu sông Ấn (Sindhu);
16. Kiếm-phù-sa (Kamboja), kinh đô là Đa-môn (Dvaraka), nằm ở bờ Tây sông Ấn, phía Nam nước Càn-đà-la.
Trong 16 nước trên đây, thì Ma-kiệt-đà (Magadha) cùng với Kiều-tát-la (Kosala) là 2 nước lớn nhất và hùng mạnh nhất trong toàn lãnh thổ Ấn-độ thời Phật tại thế. Và 6 đô thị nổi tiếng phồn thịnh nhất thời bấy giờ là: Xá-vệ (Savatthi) của Kiều-tát-la; Vương-xá (Rajagaha) của Ma-kiệt-đà; Kiều-thưởng-di (Kosambi) của Bạt-sa; Tì-xá-li (Vesali) của Lê-xa; Chiêm-ba (Campa) của Ương-già; và Ba-la-nại (Baranasi) của Ca-thi.
Xin nói thêm, những thế kỉ trước ngày Phật ra đời, nền văn minh Ấn-độ (được hiểu là nền văn minh Bà-la-môn giáo) đã tập trung tại miền Tây Bắc Ấn-độ, bao gồm vùng thượng lưu hai con sông Hằng-hà (Ganga) và Ấn-hà (Sindhu). Các bộ tộc hùng mạnh đều lấy vùng này mà lập nên các vương quốc phú cường, như Kamboja (Kiếm-phù-sa), Gandhara (Càn-đà-la), Kuru (Cư-lâu), Matsya (Bà-sa), Pancala (Bàn-xà-la) và Surasena (Tô-la-sa), là 6 nước lớn nhất (mà đặc biệt, Gandhara và Kuru được xem là căn cứ địa của văn minh Bà-la-môn). Các khu vực khác đều còn bị coi là man rợ.
Đến thế kỉ thứ 7 tr. TL, các vương quốc ở các vùng phía Tây, Đông, Đông Bắc và lưu vực sông Hằng bỗng nhiên phát triển mạnh mẽ về mọi lãnh vực, vượt hẳn các vương quốc trên kia, và chiếm địa vị trung tâm. Mười vương quốc mới nổi tiếng được nhắc tới nhiều nhất là Kosala (Kiều-tát-la), Malla (Mạt-la), Licchavi (Lê-xa – cũng gọi Vrji – Bạt-kì), Asvaka (A-thấp-ba), Kasi (Ca-thi), Vatsa (Bạt-sa), Avanti (A-bàn-đề), Cedi (Chi-đề), Anga (Ương-già) và Magadha (Ma-kiệt-đà); cộng chung với sáu vương quốc trên kia, là mười sáu vương quốc lớn nhất (thập lục đại quốc) của Ấn-độ thời Phật tại thế.
Tất cả 16 nước lớn này đều nằm trong lãnh thổ nửa phía Bắc Ấn-độ. Dưới thời đại của Phật, nền văn minh vẫn chưa phát triển xuống nửa phía Nam của bán đảo Ấn-độ.Từ khi các vương quốc kém phát triển ở phía Tây, Đông, Đông Bắc và lưu vực sông Hằng bỗng nhiên vùng dậy mạnh mẽ trở thành các cường quốc, thì uy thế của Bà-la-môn giáo truyền thống lại bắt đầu suy yếu tại các khu vực đó. Các hệ phái triết học khác đua nhau bộc phát, làm cho tư tưởng giới đương thời trở nên rối ren, phức tạp.
Một cách tổng quát, tư tưởng giới lúc đó chia làm hai xu hướng: Xu hướng trung thành với truyền thống Vệ Đà và xu hướng phản Vệ Đà. Xu hướng thứ nhất gồm có ba trào lưu: Bà-la-môn chính thống, tín ngưỡng tập tục (sùng bái nhiều vị thần nhân cách hóa), và triết học (lấy Phạm Thư và Áo Nghĩa Thư làm chủ yếu).
Xu hướng thứ hai bao gồm các trào lưu chủ trương nghiên cứu các vấn đề triết học một cách tự do, độc lập, phủ nhận hoàn toàn uy thế cũng như đặc quyền của Bà-la-môn truyền thống. Các nhà tư tưởng (hay tôn giáo) này được gọi là “sa-môn” (samana). Họ tổ chức thành từng giáo đoàn, được gọi là “sa môn đoàn”. Các vương quốc mới phát triển như Kiều-tát-la, Lê-xa, Ca-thi, A-bàn-đề, Ma-kiệt-đà v.v… là địa bàn hoạt động rất nhộn nhịp của các đoàn sa môn này. Các đạo sĩ A La Lam (Alara Kalama) và Uất Đầu Lam Phất (Uddaka Ramaputta) chẳng hạn, đều là thủ lãnh lớn của các đoàn sa môn ấy, và đã lấy vùng lưu vực sông Hằng làm căn cứ địa, mở các đạo tràng hướng dẫn đồ chúng.