PHẦN MỞ ĐẦU

Đã là công dân nước Việt thì dù có ở đâu đi chăng nữa mà khi nghe ai đó nhắc nhắc đến sông Hương, núi Ngự thì mỗi người con đất Việt đều nghĩ ngay đến một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, thơ mộng và hoài cổ. Nơi mảnh đất thần kinh này dường như mọi thứ đều gợi cho con người ta cái cảm giác rất đỗi bình dị, thân thương, khiến ai đã một lần đặt chân đến mảnh đất này đều muốn ôm nó vào lòng, thậm chí nó đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều thi sĩ. Như nhà thơ Nguyễn Đình Huân cảm tác:

… “Nắm tay ta dạo bên bờ 
Hương Giang uốn khúc mộng mơ hữu tình Huế 
thương Huế đẹp em xinh 
Cùng nhau lên núi Ngự Bình nhé em.”[1] …

Huế có chung ranh giới đất liền với tỉnh Quảng Trị và Đà Nẵng, là một nơi còn lưu giữ lại nhiều dấu ấn văn hóa của các triều đại phong kiến dưới thời nhà Nguyễn (1802 – 1945) với những ngôi đền đài, cung đình, lăng tẩm và biết bao nhiêu là giá trị tinh thần quý báu. Nhưng bên cạnh đó, Huế còn được coi là một nơi trung tâm Phật giáo của cả nước, với hàng trăm ngôi chùa và tịnh thất niệm Phật đường.

Mỗi một ngôi chùa sẽ có những lối kiến trúc mỹ thuật khác nhau, ẩn sâu kính đáo bên trong, chúng tạo nên âm hưởng tâm linh sâu lắng của riêng xứ Huế. Cùng với các giá trị văn hóa vật chất như hệ thống di tích đình, chùa, đền, miếu và các di tích khảo cổ học, Huế còn có những di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc như tín ngưỡng, lễ hội, nghệ thuật trình diễn, dân ca, truyện kể, thơ ca dân gian, mỹ thuật, nghề thủ công truyền thống… mang đậm sắc thái cội nguồn dân tộc.

Phật giáo là tôn giáo có nhiều ảnh hưởng về đời sống, bản sắc văn hóa dân tộc của các nước phương Đông, trong đó có Việt Nam mà Phật giáo xứ Huế được coi là yếu tố quan trọng, một không gian tín ngưỡng nổi bật, khi nói đến Huế người ta không thể không nhắc đến.

Hệ thống biểu tượng trong trang trí kiến trúc chùa Huế bao hàm nhiều ý nghĩa triết lý về thế giới, nhân sinh quan của văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa xứ Huế nói riêng. Chính vì vậy tìm hiểu biểu tượng trang trí qua các ngôi chùa là cách tiếp cận gần nhất, giúp làm sáng tỏ hơn về văn hóa Phật giáo. Các biểu tượng trang trí trong chùa chứa đựng nhiều giá trị về thẩm mỹ.

Hoa sen trong trang trí chùa Từ Hiếu ở Huế.
Hoa sen trong trang trí chùa Từ Hiếu ở Huế.

CHƯƠNG 1. MỘT SỐ KHÁI NIỆM LIÊN QUAN ĐỀ TÀI 

1.1. Vài nét về Phật giáo Huế và nghệ thuật Phật giáo 

Phật giáo, tôn giáo của lý trí và thực nghiệm, là niềm tin của đông đảo con người trên toàn cầu. Phật giáo là một tôn giáo lớn của thế giới, được du nhập vào nước ta từ những năm đầu công nguyên, ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống văn hóa, xã hội, chính trị, tư tưởng và kiến trúc của Phật giáo Ấn Độ và Trung Hoa.

Đạo Phật đã hòa vào văn hóa Việt Nam, hòa vào lòng dân tộc không phải bằng sức ép của gươm giáo mà bằng lòng vị tha, hướng thiện vốn đã có sẵn. Ngoài sự vị tha, sự hướng thiện còn là chốn quay về, nơi nương náu của những kiếp người tha hương. Sự kiện chúa Nguyễn Hoàng trùng kiến ngôi chùa trên ngọn đồi Hà Khê để bền long mạch và truyền bá câu chuyện Bà mụ nhà trời tiên đoán về một vị chân chúa, được nhiều người nhìn nhận là cách để an dân và quy tụ lòng người hơn là sùng mộ đạo Phật.

Điều đó cũng là sự khẳng định một dấu mốc để Phật giáo trên mảnh đất Huế bước sang một trang mới nơi đây. Hệ thống triết học Phật giáo đã chuyển hóa thành những phương châm sống thật nhẹ nhàng trong đời sống của người dân, giúp họ có thể tìm thấy sự bình an trong cuộc sống bộn bề trong những giáo lý của đạo Phật.

Điều này đã ăn sâu gốc rễ trong lòng người dân xứ Huế, dù vô tư nhất cũng có sự mến mộ đạo Phật ở trong tâm. Năm 1786, khi mà quân Trịnh tiến vào Phú Xuân, hay những cột mốc huy động tổng lực cho cuộc kháng chiến chống Mãn Thanh của triều đại Quang Trung – Nguyễn Huệ năm 1788, dù trong muôn vàn khó khăn, tinh hoa đạo Pháp vẫn hòa vào lòng dân chúng để vượt qua những khổ ải. Con người và Phật giáo như hai thực thể gắn kết không thể tách rời nhau, trong sự tổng hòa đó ta có thể tìm thấy sự gắn kết giữa đạo và đời, giữa tôn giáo thờ Phật và tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên.

Chính những quan niệm đó cũng ảnh hưởng đến cấu trúc, cách sắp đặt trong những công trình về kiến trúc, cũng như sự sắp xếp, bài trí và kết đặt yếu tố thẩm mỹ trong mỗi công trình dù là cung đình hay dân gian. Chúng ta thấy được, ở đó có những ngôi tháp thời kỳ đức Phật nhập Niết Bàn, đều có sự hoành tráng, kiêu sa của kiến trúc, các công trình được xây dựng dưới thời các vua Nguyễn trong kinh thành hay các công trình lăng tẩm, và những ngôi chùa Việt đã hòa vào dòng chảy nhẹ nhàng nhưng vững bền, đậm hồn dân tộc.

Mặc dù trải qua những lần trùng tu do nhiều tác động của thiên nhiên và sự biến thiên của lịch sử, các công trình kiến trúc ở Huế vẫn trường tồn trong tâm thức người dân xứ Huế uy nghi mà gần gũi, bình dị, thể hiện tính Phật giáo đại chúng, biểu hiện quan niệm Tam giáo. Những công trình ấy cũng gắn vào tổng thể kiến trúc Huế trọn vẹn, hài hòa như chính đạo Phật đã hòa vào dòng đời, lòng người dân xứ Huế. Nhà Nguyễn thực hiện tinh tế phương châm, cách an dân trị nước bằng sự trân trọng cái thiện trong đạo Phật để duy trì nền tảng đạo đức, trật tự xã hội tạo ra những yếu tố có lợi cho việc củng cố tư tưởng Nho giáo và thể chế phong kiến. Vì vậy, vua Gia Long thời bấy giờ đã thực hiện các chính sách trùng hưng Tam bảo như cho đúc chuông chùa; vua Minh Mạng tiếp tục cho trùng kiến chùa Thánh Duyên rồi xây dựng chùa Giác Hoàng, Linh Hựu quán; vua Thiệu Trị xây dựng chùa Diệu Đế như những cơ sở Phật giáo của hoàng gia. Về sau các cung, điện cũng được xây dựng để phục vụ nhu cầu thờ tự, cúng bái của các bà hoàng trong cung.

Trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam nói chung và của vùng đất Thuận Hóa xưa nay nói riêng, Phật giáo luôn mang tư tưởng luôn gạn đục khơi trong, vị tha hướng thiện, từ – bị – hỷ – xả, an ủi xoa dịu nỗi khổ niềm đau của chúng sinh. Ngày nay Huế là một trong ba trung tâm Phật giáo lớn nhất của Việt Nam. Nơi đây cũng đã trở thành nơi tu học cho hàng ngàn Tăng – Ni và các tín đồ Phật tử, góp phần hoàn thiện về mặt đạo đức, giáo dục và tâm hồn trong mỗi người, góp phần hình thành nên bản sắc văn hóa Huế trong dòng chảy văn hóa dân tộc.

Dù ở thời kỳ nào Phật giáo cũng nhận được nhiều thiện cảm, ưu ái của các vua quan, Nho sĩ và cả những người dân. Chính vì vậy ở Thuận Hóa lúc bấy giờ, Phật giáo được xem là chỗ dựa tinh thần cho phần lớn quần chúng nhân dân, nhiều vị vua, Hoàng hậu, quan lại triều đình đã biết quy y, thọ giới pháp và hết lòng ủng hộ Phật giáo.

Hoa sen trong trang trí chùa Diệu Đế ở Huế.
Hoa sen trong trang trí chùa Diệu Đế ở Huế.

Nghệ thuật Phật giáo là sự sáng tạo trong mọi hoạt động để tạo ra các sản phẩm (có thể là sản phẩm vật thể hay phi vật thể), và chứa đựng giá trị lớn về tư tưởng, tinh thần, có tính nhân văn và thẩm mỹ. Từ đó mang tới giá trị văn hóa chạm sâu tới cảm xúc của con người, khán giả thưởng thức nghệ thuật. Theo Wikipedia:

“Nghệ thuật Phật giáo chính là sự phản ánh các khái niệm trong Phật giáo dưới các hình thức nghệ thuật khác nhau. Nhất là các lĩnh vực kiến trúc, điêu khắc và hội họa có liên quan đến Phật, Pháp và Tăng, bắt đầu từ thời ban sơ trước đây 2500 năm đã phát triển một hệ thống đồ tượng biểu trưng đa dạng và phức tạp. Nghệ thuật Phật giáo bắt nguồn từ tiêu lục địa Ấn Độ, ngay sau khi Phật Thích-ca Mâu-ni (563–483 TCN) nhập Niết Bàn”).[2]

Nghệ thuật Phật giáo là một sự tuyển chọn các hình tượng của các vị thánh, đồ vật, con người, cây cối… để đưa vào xây dựng các hình tượng. Tất cả nội dung của nghệ thuật Phật giáo đều mang những ý nghĩa, giáo lý thấm nhuần tư tưởng Phật giáo là từ bi – trí tuệ – giải thoát, hướng con người có cái nhìn chân – thiện – mỹ, nhẹ nhàng thanh thoát, nhưng không kém phần trang nghiêm. Do đó, nghệ thuật Phật giáo chính là sự rung động tự nhiên của tâm hồn trước vẻ đẹp của cuộc sống, của vạn pháp trong vũ trụ đang vận hành liên tục, để từ đó tạo thành những tác phẩm nghệ thuật. Bất luận đang ở hoàn cảnh nào khi con người bắt gặp những hình ảnh mang yếu tố Phật giáo thì đều gợi cho họ cảm giác thư thái, nhẹ nhàng, tĩnh lặng và an lạc đến lạ thường.

Hệ thống biểu tượng nghệ thuật Phật giáo được trang trí trong các công trình kiến trúc thời Nguyễn, đều khoác trên mình ý nghĩa thuần thành của Phật giáo, lý giải và làm phong phú hơn cho tôn giáo, đầy triết lý về thế giới và nhân sinh. Đối với loại hình cụ thể thông qua các công trình kiến trúc, có thể khẳng định kiến trúc, điêu khắc và mỹ thuật gắn với Phật giáo đó là một loại hình nghệ thuật xuất hiện khá sớm, và phổ biến trong lịch sử văn hóa Việt Nam nói chung, và văn hóa Phật giáo nói riêng.

Kiến trúc Phật giáo là chân dung của một giai đoạn lịch sử nhất định, nó là sự tổng hợp giữa kiến thức, nhu cầu sinh hoạt, trình độ thẩm mỹ, tiến bộ kỹ thuật ở mỗi hoàn cảnh, mỗi giai đoạn và môi trường cụ thể. Nói khác đi, kiến trúc Phật giáo là một tác phẩm mỹ thuật tổng hợp, là sự kết hợp tinh tế và gần gũi giữa “phàm và thánh”, giữa thiên nhiên với con người. Có thể khẳng định rằng, chùa chiền tô điểm cho thiên nhiên, thiên nhiên tô điểm cho chùa chiền, nương tựa lẫn nhau không thể tách rời.

Đến nay, Phật giáo Huế đang ngày một phát triển rộng khắp, nội dung của Phật giáo Đại thừa thể hiện rõ nét, làm nên những đặc điểm riêng trong sự kết hợp, dung hòa các tông phái Thiền tông, Tịnh độ tông, Mật tông,… Trong mỗi một tông phải là sự kết hợp của nhiều tông phái với những nét tương quan chặt chẽ, định hình bản sắc Phật giáo Huế với sự nổi bật của hai tông phái ảnh hưởng sâu rộng, không chỉ trong Phật giáo mà còn trong cả tâm thức của người dân xứ Huế.

Thông qua các đề tài trang trí, giúp làm sáng tỏ nhiều vấn đề về triết lý sâu xa của đạo Phật, và hiểu biết sâu sắc hơn về văn hoá Phật giáo, từ đó đưa ra những nhận định tại các công trình kiến trúc Phật giáo với các biểu tượng trang trí mỹ thuật, đã chứa đựng nhiều giá trị về thẩm mỹ và mang đậm ý nghĩa tâm linh.

1.2. Hình tượng Hoa sen 

Hoa sen (tiếng Phạn: padma; tiếng Nhật: renge) trong Phật giáo là biểu tượng của sự thuần khiết và sinh hóa hồn nhiên (svayambhu). Theo kinh

Lalitavistara, phần tâm linh của con người thì vô nhiễm, giống như hoa sen mọc trong bùn mà không bị hôi tanh bởi bùn. Theo Phật giáo Mật tông thì trái tim con người giống như đóa sen hàm tiếu, khi Phật tính phát triển bên trong thì đóa sen sẽ nở. Đây chính là ý nghĩa của việc Phật ngồi trên tòa sen. Trong Phật giáo Tantra, đóa sen biểu thị cơ quan sinh dục nữ và đó chính là nguyên lý âm trong vũ trụ. Trong thai tạng giới Mạn-đà-la, đóa sen trắng ở trung tâm Mạn-đà-la, biểu thị tử cung (Thai tạng) của thế giới.

Các đoá hoa sen có màu khác nhau biểu thị những liên kết khác nhau. Hoa sen có mặt trong các công trình Phật giáo như cây hoa sen thực trong các hồ ở chùa, có mặt ở các toà sen của các vị chư Phật, chư thần.

Trên các bức tranh lụa Phật giáo cũng có hình tượng hoa sen như trong tranh lụa Tây Tạng có dấu chân của Thanh-đa-la trên hoa sen. Người ta tin rằng, những người lúc lâm chung mà tâm không sợ hãi và ở tại thế người đó có phước đức thì sẽ nhìn thấy được đức Phật A Di Đà cùng hàng Thánh chúng hiện ra dẫn dắt người đó qua cõi Cực Lạc. Họ sẽ hóa sinh ra ở cõi ấy bằng hình tướng là những em bé trai trần truồng, sẽ được Đức Quán Thế Âm Bồ-tát và Đức Đại Thế Chí Bồ-tát nuôi nấng trong những bông hoa sen và đợi cho đến khi hoa nở thì sẽ thấy được Phật A Di Đà.

Hoa sen là sự kết hợp của thanh tịnh và sắc đẹp trong đạo Phật và đạo

Hindu. Các học giả Ai Cập đã quan sát thấy rằng, vào ban đêm hoa sen đóng hoa của nó và chìm vào trong nước, nó có một sự liên quan đến sự tái sinh.

Hoa sen là một trong tám biểu tượng của Phật giáo, truyền thuyết xưa có kể lại rằng, khi đức phật Thích Ca ra đời, Ngài đi bảy bước thì có bảy hoa sen nở đỡ dưới bàn chân Ngài, bên cạnh đó các chư Phật, Bồ tát cũng thường được miêu tả đứng hoặc ngồi trên đài sen vàng. Một trong những dòng kinh nổi tiếng là Kinh Diệu Pháp Liên Hoa cũng lấy hoa sen làm đề kinh. Điều này có thể cho thấy được hoa sen có một chỗ đứng rất quan trọng và không thể nào thay thế trong Phật Giáo.

CHƯƠNG 2. Ý NGHĨA MÀU SẮC VÀ  BIỂU TƯỢNG HOA SEN

2.1. Ý nghĩa màu sắc hoa sen trong Phật giáo và đời sống tín ngưỡng người Việt 

Chắc chắn rằng bạn đã từng một lần trầm trồ trước vẻ đẹp choáng ngợp của hồ sen ở Tây Hồ. Những đóa hoa sen rạng rỡ, tỏa sáng cả một vùng trời, mùi thơm thoang thoảng, không hề bị hòa lẫn với những mùi “hôi tanh”. Hoa sen gắn liền với nghệ thuật Phật giáo, đi vào cuộc sống hàng ngày của người dân Việt Nam với nhiều ý nghĩa khác nhau.

Hoa sen được ưa chuộng trong trang trí nhà cửa trong những dịp lễ quan trọng hay trở thành món quà ý nghĩa để thể hiện lòng biết ơn, sự kính trọng, tán dương phẩm chất thanh cao, trong sạch của người tặng. Mỗi màu sắc của hoa sen lại mang một ý nghĩa riêng của nó trong lòng người Việt.

Điển hình như:

Hoa sen xanh tượng trưng cho tinh thần về trí tuệ và kiến thức. Trong Phật giáo, ý nghĩa hoa sen xanh luôn gắn với một phần mở. Hoa sen xanh còn là hiện thân của sự hòa bình, thịnh vượng của một đất nước. Bên cạnh đó, màu xanh của hoa sen còn gợi lên sự dung hòa tuyệt vời giữa con người và tự nhiên, mây trời, cây cỏ.

Hoa sen trắng tượng trưng cho sự tinh khiết, thanh cao, thuần khiết trong tinh thần hoặc sự tịnh tâm của người nào đó.

Hoa sen tím không quá phổ biến nhưng hoa sen tím vẫn được đề cập như biểu tượng cho các giáo phái huyền bí. Bốn cánh hoa sen tím tượng trưng cho một trong những lời dạy của đức Phật về sự tỉnh ngộ của con người và được coi trọng như một sự thật cao quý.

Hoa sen hồng tượng trưng cho loài hoa tối cao, biểu tượng của đức Phật. Ý nghĩa của hoa sen hồng còn gắn liền với vẻ đẹp bình dị, tinh thần kiên cường, mãnh liệt của con người, thiên nhiên Việt Nam.

Hoa sen đỏ gắn liền với hình ảnh trái tim, tượng trưng cho tình yêu và sự từ bi.

Hoa sen trong trang trí chùa Từ Lâm ở Huế.
Hoa sen trong trang trí chùa Từ Lâm ở Huế.

2.2. Biểu tượng cao quý của phẩm cách và một loài hoa nhân sinh

Biểu tượng cao quý của phẩm cách

Đạo Phật lấy hoa sen làm Phật đài, là biểu tượng thiêng liêng thuần khiết. Trong muôn vàn các loài hoa với bao hương sắc lộng lẫy, quyến rũ. Nếu chỉ xét theo cái nhìn thông thường thì có không ít loài hoa thơm hơn sen về hương, đẹp hơn sen về sắc. Tuy vậy chỉ duy nhất loài sen mới hội tụ đầy đủ trong mình ý nghĩa triết học – nhân sinh cao quý, là ý nghĩa về âm dương Ngũ hành và sức vươn dậy của một ý chí sống mãnh liệt như dân tộc Việt.

Sen bắt đầu ủ mầm trong bùn đất, mà là ở vị trí cực cách bức, tối khuất, nhơ bẩn và từ vị trí đó sen nở mầm kiên nhẫn vươn lên.

Phật giáo lấy hoa sen làm Phật đài, biểu tượng tinh thần về năm điều cơ bản.

Tính vô nhiễm: Sen mọc lên từ chốn tối tăm bùn lầy hôi tanh mà sen không bị vương bẩn.

Tính thanh lọc: Khi cây sen lớn lên, sinh sôi nẩy nở thì sẽ làm cho dòng nước nơi đó trở nên trong mát.

Tính thuỳ mị của mùi hương: Hương sen toả lên một mùi thơm thanh khiết, không quá nồng nàn, ngào ngạt.

Tính thuần khiết: Bông hoa sen từ khi nở tới lúc tàn không hề bị một loài ong bướm nào tới đậu lấy nhụy.

Tính kiên nhẫn: Cây sen từ lúc nẩy mầm trong bùn đất, ở đáy nước cho tới lúc vươn lên trên mặt nước rồi xoè lá, trổ hoa là cả một quá trình sinh trưởng kiên nhẫn lớn lao.

Trong thế giới thảo mộc, các loài hoa không có loài nào phải chịu đựng sự gian khó của hoàn cảnh sống đến vậy. Và ở điểm này sen còn hàm chứa ý nghĩa tốt đẹp, là sinh trưởng trong bùn tối nên sen đã tránh không phải cạnh tranh vị trí sống với loại cây nào.

Ngoài năm lẽ cơ bản về phẩm chất – tinh thần sống trên, sen còn có thêm những giá trị cao quý vô lường khác. Như hạt sen có thể cất giữ hàng trăm năm khi gieo vẫn nẩy mầm như thường. Và đời sống của sen còn thể hiện nên ba tầng sống riêng biệt, là trong bùn tối; vươn lên khoảng trong sạch là dòng nước; rồi cuối cùng là vươn lên khoảng hư không, lên với bầu khí quyển và vầng mặt trời. Quan niệm nhà Phật xem đó như biểu trưng cho ba tầng sống là cõi dục giới, sắc giới và vô sắc giới. Cây sen trải qua ba tầng sống đó khi nở hoa xem như sư đạt ngộ, giải thoát…

Còn nhiều ý nghĩa khác của sen trong Phật học. Quả không gì quý và lạ bằng sen. Ngoài Phật học, sen còn mang giá trị triết học về âm dương ngũ hành và đây cũng là một cơ sở Phật học dụng nghĩa cho Phật đài – Liên hoa đài tạng thế giới.

Về ngũ hành, cây sen thuộc hành mộc, để vươn lên khỏi mặt ao hồ sen phải vượt qua tầng nước sâu, nước là hành thuỷ.  Hoa sen màu hồng, màu thuộc hành hoả. Nhụy sen màu vàng, màu thuộc hành thổ. Và ngó sen màu trắng, màu thuộc hành kim. Ngũ hành – năm hợp chất quan trọng, có thể gọi đó là bản thể của thế gian này.

Ngoài ngũ hành, giá trị của hoa sen cũng phải kể tới hương thơm. Có thể tính làm phần giá trị thứ sáu. Số 6 này xem như phần “linh” của đời sống. Nó vô hình, vô sắc nhưng lại hữu linh.

Loài hoa nhân sinh

Về ý nghĩa nhân sinh, nhân chủng nếu nói rằng trong xã hội này cũng có năm hạng người đó là:

Tầng sống thứ nhất nói về thân phận con người cũng giống như gốc rễ của cây sen. Sống chìm khuất sâu trong bùn đất, chịu cách bức giữa nước với bầu khí quyển, mặt trời phía trên cao. Ấy là thân phận đại diện cho đa số con người lao động lam lũ, khổ nghèo. Dù phần “gốc rễ” mang giá trị nền tảng vô cùng quan trọng của kiếp nhân sinh đi chăng nữa, nhưng tầng lớp người lao động này do thiếu tri thức và những phương tiện, kỹ năng sống trong đời sống xã hội nên họ khó có thể vươn lên các tầng nổi – mặt trên của đời sống được.

Tầng sống thứ hai, ứng với phần thân sen, phần đó vươn lên trên bề mặt bùn đất để có sức tạo hình dáng và có thể “đung đưa” mình trong khoảng nước trong mát, ấy là lớp người, có thể nói, đã có kiến thức, kỹ năng sống nhất định và đã ít nhiều tạo được tiếng nói riêng. Có thể ví với lớp người đó có học thức nhất định. Tuy vậy ở tầng sống này vẫn còn nhiều hạn chế về tri thức, môi trường ví như thân sen còn ngâm trong nước chịu bám bíu với những rong rêu, đục bẩn.

Tầng sống thứ ba, ứng với lá sen. Ở tầng sống này là lớp người đó trang bị cho mình kiến thức đời sống đáng kể đủ sức vươn lên với một không gian sống cao rộng, với ánh sáng ấm nóng mặt trời, có thế giới quan, có tầm nhìn bao quát, chiêm nghiệm và gây được tầm ảnh hưởng của mình với đời sống xã hội. Ấy là tầng lớp trí thức bậc trung.

Tầng sống thứ tư, tầng sống ứng với bông hoa sen. Với tầng sống này hẳn thuộc về lớp người có thể toả hương, đó là lớp trí thức cao cấp. Sức ảnh hưởng, chi phối đời sống xã hội – thời đại của lớp người này có tính quyết định. Bởi họ là đại diện không thể thay thế của giá trị xã hội, thời đại họ.

Cũng như cây sen, tất yếu giá trị cao nhất của nó là hoa sen. Tầng sống tối cao, tầng thứ năm của cuộc sống, ứng với phần nhụy sen. Phần sống này ứng với hạng trí thức lớn, các danh nhân, các lãnh tụ tinh thần và xã hội. Tầng sống trung tâm này vừa ngự ở vị trí trung ương mà “toả hương”, kết hạt đời sống và sâu sắc, vừa mang vẻ vàng rực rỡ tựa phần ánh tinh tuý, dịu dàng nhất của hào quang mặt trời vừa giữ nguyên đấy màu sắc vàng nguyên khôi của thổ – phần sống gốc rễ của sen bám vào để sinh trưởng. Quả là một vị trí trung tâm với đầy đủ phẩm chất xứng đáng nhất trong sức ôm trùm từ gốc rễ tới đỉnh ngọn.

Cây sen trong nghành Đông y còn dùng làm một cây thuốc quý như: Ngó sen là vị liên ngẫu; thân sen là vị liên chi; lá sen là vị liên diệc; hoa sen là vị liên hoa; tua sen là vị liên tu; đài sen là liên phòng; hạt sen là vị liên nhục; tim sen là vị liên tâm.

CHƯƠNG 3. GIÁ TRỊ NGHỆ THUẬT CỦA BIỂU TƯỢNG HOA SEN TRONG TRANG TRÍ CHÙA Ở HUẾ

3.1. Giá trị thẩm mỹ tạo hình 

Hoa sen từ lâu đã đi vào tâm thức của mỗi người dân Việt, trở thành hình tượng trong nghệ thuật, kiến trúc và điêu khắc. Đó cũng là một trong những biểu tượng trong nghệ thuật Phật giáo phương Đông, tượng trưng cho vẻ đẹp thần bí, huyền ảo, tư tưởng sâu kín. Hình ảnh hoa sen còn được thể hiện ở mọi phương diện của các công trình kiến trúc như trang trí trên cổng tam quan, làm bệ ngồi của đức Phật, trang trí trên các án thờ… Bằng các chất liệu trang trí đa dạng, từ đắp nề nổi, chạm gỗ, khảm sành sứ… Với nhiều ý nghĩa mang tính triết lý nhân văn và giáo dục, hoa sen đã trở thành biểu tượng chủ đạo mang đậm cốt cách, màu sắc của Phật giáo. Trong nghệ thuật Việt Nam, hình tượng hoa sen được trang trí dày đặc trên các bức phù điêu, đá tảng kê chân cột, cho đến các dạng gốm và họa tiết trang trí…

Với tính biểu tượng cho những gì thuộc về triết lý cao siêu của Phật giáo, quan niệm nhân sinh, hình ảnh hoa sen được sử dụng trang trí rất nhiều trong các công trình kiến trúc dân gian và đặc biệt là kiến trúc trong chùa với những đường nét hoa văn sống động, hài hòa, thanh thoát, tao nhã, bình dị đã tạo ra những hoa sen tuyệt đẹp. Do đó, hoa sen từ lâu đã trở thành biểu tượng “Quốc hoa” và đi vào trong tâm thức của người Việt Nam nói chung và người dân xứ Huế nói riêng một cách rất nhẹ nhàng và thanh thoát.

Ngoài ra, hình ảnh hoa sen được kết hợp với các biểu tượng mai, cúc, tùng càng làm tăng hiệu quả thẩm mỹ cũng như ý nghĩa cho bức bình phong. Nếu hoa mai là biểu tượng của mùa xuân, của sự sinh sôi nảy nở thì hoa cúc là biểu tượng của tinh tú và mặt trời, nó đối đãi với hoa sen để tạo nên một cặp “lưỡng nghi” (âm dương). Chính vì vậy, sự kết hợp này được thiên nhiên hóa, tạo cho biểu tượng hoa sen trong Phật giáo thêm phần phong phú hơn, cũng chính là điều mà các nghệ nhân muốn gửi gắm vào đó những ý niệm về trí tuệ, uy nghiêm mang đậm dấu ấn tinh thần của Phật giáo.

Hoa sen trong trang trí chùa Diệu Đức ở Huế.
Hoa sen trong trang trí chùa Diệu Đức ở Huế.

3.2. Giá trị biểu hiện tâm linh

Trong Phật giáo, hoa sen từ lâu đã trở thành biểu tượng khi nói về vẻ đẹp của đức hạnh, trí tuệ và sự giác ngộ giải thoát. Theo quan niệm của Phật giáo, hoa nở tượng trưng cho quá khứ, đài sen tượng trưng cho hiện tại và hạt sen tượng trưng cho vị lai. Với quan niệm như vậy, ba thời quá khứ – hiện tại – vị lai, biểu thị cho thời gian – không gian tiếp nối liên tục không gián đoạn (triết lý nhân quả của đạo Phật). Bên cạnh đó, trong các điển tích Phật giáo hình ảnh hoa sen luôn gắn liền với cuộc đời của đức Phật, từ khi Ngài đản sinh cho đến khi Ngài nhập Niết Bàn. Lúc vừa mới đản sinh, Ngài đã đi bảy bước trên đóa sen, khi truyện tâm ấn cho Tôn giả Ca Diếp, Ngài cũng cầm hoa sen:

“Cuộc đời đức Phật được ví như hoa sen. Ngài cũng là một con người bằng xương bằng thịt, cũng ở trong chốn dục lạc, rồi từ dục lạc Ngài thức tỉnh đi tu. Ngài trải qua bao năm công phu khó nhọc, khổ hạnh tu hành mới toàn giác thành Phật như đóa sen vươn khỏi bùn lầy nở đóa hoa trí tuệ. Hoa sen là vật cầm trong tay thường thấy ở Phật, Bồ Tát, tượng trưng cho thanh tịnh, vô nhiễm, từ bi.”[3]

Có thể nói, hình ảnh hoa sen đã xuất hiện xuyên suốt trong cuộc đời của đức Phật, điều này tượng trưng cho tinh thần “bất nhiễm” của một bậc giác ngộ, và cũng là tượng trưng cho trí tuệ và giáo lý siêu việt của Ngài. Ngoài ra, hoa sen là một trong biểu tượng của 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp của đức Phật. Hoa sen trong biểu tượng của Phật giáo, ngoài ý nghĩa hàm chứa những phẩm chất tốt đẹp, cao quý, còn là sự tượng trưng cho cõi “thanh tịnh” không bị ô nhiễm cấu uế của trần tục, tượng trưng cho đức hạnh và là kết quả của sự tu tập viên mãn tròn đầy của một bậc chân tu, tỏa sáng bởi sự giác ngộ.

Trong Phật giáo hoa sen được xem là loài hoa có bốn đặc tính vượt trội hơn các loài hoa khác như: Ở bùn lầy mà không ô nhiễm; Hoa và quả kết cùng một lúc (nhân quả đồng thời); Loài ong bướm không hút lấy hương nhụy; Phụ nữ không dùng hoa sen để trang điểm như cài trên đầu. Hình ảnh hoa sen không bị nhiễm bởi bùn nhơ, nên được dùng để tượng trưng cho tính giác của Phật. Do đó, hoa sen trở thành biểu tượng riêng của Phật giáo, và hình ảnh đức Phật luôn được tôn trí ngồi trên tòa sen thanh khiết.

Tính biểu tượng yếu tố tâm linh là một phẩm chất văn hóa thẩm mỹ sâu đậm trong kiến trúc mỹ thuật Phật giáo, qua các hình tượng điêu khắc, trang trí tạo hình. Trong biểu tượng hoa sen cũng vậy làm cho con người muốn khát vọng tìm kiếm một lẽ sống bình an, tìm cho mình một con đường hạnh phúc, an lạc, thanh thoát, được bao dung bởi tình thương và trí tuệ toàn diện, thì Phật giáo với những biểu tượng tâm linh trong nghệ thuật trang trí, vẫn luôn đóng góp một giá trị to lớn cho tâm thức của nhân loại. Biểu tượng của sự từ bi, trí tuệ và dũng lực, của lý tưởng Chân, Thiện, Mỹ trong các kiến trúc Phật giáo nói chung và biểu tượng trang trí trong kiến trúc chùa Huế nói riêng, cần phải luôn được lưu giữ và tôn vinh như nhà nghiên cứu Hà Xuân Liêm đã nhận xét rằng: “Tất cả đều mang trong lòng một sức sống thanh tịnh, vị tha, liên tục và hoàn toàn không cách ly với những thăng trầm của dân tộc.”[4]

KẾT LUẬN

Phật giáo Huế đã có một bề dày lịch sử gắn bó vững chắc trong lòng Huế, đã góp phần tạo nên nền văn hóa Huế. Người dân xứ Huế không thể không có sự hun đúc của đạo đức Phật giáo Huế. Kiến trúc – Mỹ thuật Phật giáo là hình ảnh quan trọng trong không gian Phật giáo nói chung và Phật giáo ở Huế nói riêng. Hệ thống biểu tượng trang trí chùa Huế mang trên mình một ý nghĩa thuần khiết của Phật giáo, cũng chịu sự chi phối, ảnh hưởng phong cách, nhân sinh quan của văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa Huế nói riêng.

Đạo Phật vốn dĩ là một nghệ thuật sống vô cùng linh động, mỗi một ngôi chùa là mỗi một công trình kiến trúc nghệ thuật, những ngôi chùa ở xứ Huế với những nét kiến trúc dù mang nhiều điểm chung nhưng vẫn luôn giữ cho mình một nét riêng thể hiện sự nhẹ nhàng, thanh thoát, an lạc của xứ Huế.

Trong kiến trúc Phật giáo chùa Huế, hình tượng hoa sen gần như được thể hiện trên rất nhiều công trình như trang trí trên công tam quan, làm tòa ngồi của Đức Bổn Sư, làm để đỡ chân của hầu hết chư Phật, trang trí trên các án thờ, các tháp có hoa sen nở phía trên đỉnh hoặc hoa sen quanh tháp như tại tháp Bảo Quốc… Các lư nhang, bộ thờ nước, đèn thắp, đèn trang trí ngày lễ Phật đản hay đèn sáp, lự trầm… đều dùng hình tượng hoa sen để trang trí. Các chất liệu thể hiện hình tượng hoa sen cũng đa dạng, phong phú, từ đắp nề nổi đến chạm gỗ, khảm sành sứ, sản xuất theo công nghệ mới… Nói tóm lại, với những ý nghĩa đầy tính giáo dục Phật giáo của mình, hoa sen đã trở thành một biểu tượng chủ đạo mang đậm cốt cách, màu sắc Phật giáo đã được thể hiện gần như trên mọi công trình gắn liền với kiến trúc Phật giáo Huế, Hoa sen gắn liền mật thiết với tâm thức người Huế và sự liên tưởng đến phật pháp.

Tác giả: Quảng Nhựt
Học viên thạc sĩ Khóa II – Học viện PGVN tại Huế


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trần Lâm Biền (chủ biên) (2008), Trang trí trong mỹ thuật truyền thống của người Việt, Nxb Hồng Đức, Hà Nội. 
2. Nguyễn Tuệ Chân (Biên dịch) (2008), Toàn tập giải thích hình tượng hoa sen Phật giáo, Nxb Tôn giáo, Hà Nội. 
3. Hà Xuân Liêm (2007), Những chùa tháp Phật giáo ở Huế, Nxb Văn Hóa, Hà Nội. 
4. Nghệ thuật Phật giáo, Nghệ thuật Phật giáo – Wikipedia tiếng Việt, truy cập ngày 20/05/2022.

CHÚ THÍCH

[1] Nguyễn Đình Huân, Thầm lặng Huế thương, https://baithohay.com/tham-lang-hue-thuong-nguyen-dinhhuan.html, truy cập ngày 20/5/2022.
[2] Nghệ thuật Phật giáo, Nghệ thuật Phật giáo – Wikipedia tiếng Việt, truy cập ngày 20/05/2022.
[3] Toàn tập giải thích hình tượng hoa sen Phật giáo, Nguyễn Tuệ Chân (Biên dịch), (2008), Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr. 90.
[4] Hà Xuân Liêm (2007), Những chùa tháp Phật giáo ở Huế, Nxb Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, tr. 72.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục:

Vai trò của vua Trần Thái Tông trong việc thiết lập nền tảng cho sự hình thành Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa

Tóm tắt: Bên cạnh vai trò là một vị vua hiền về mặt trị quốc, Trần Thái Tông còn được biết đến với tư cách là người đã có vai trò quan trọng trong việc tiếp nối, duy trì và phát triển Thiền tông Việt Nam trong giai đoạn chuyển giao quyền lực Lý –...

Sự thành lập Giáo đoàn Ni Phật giáo
Lịch sử, Nghiên cứu

Hơn hai nghìn năm Giáo đoàn Ni có mặt trên thế gian này, dù trải qua bao biến cố trong những giai đoạn thăng trầm của lịch sử, nhưng những nữ tu sĩ Phật giáo vẫn luôn thể hiện khả năng xuất sắc của giới nữ trong tu tập, hộ quốc an dân và phát...

Đóng góp và giá trị của Tạp chí Viên Âm
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa

Hoạt động hoằng pháp của tạp chí Viên Âm ở miền trung đã trở thành cơ quan ngôn luận góp phần trong công cuộc chấn hưng Phật giáo… Hoạt động hoằng pháp của Tạp chí Viên Âm ở miền trung đã trở thành cơ quan ngôn luận góp phần trong công cuộc chấn hưng Phật giáo Việt...

Vài nét về âm nhạc Phật giáo
Nghiên cứu, Văn hóa

Âm nhạc là lĩnh vực không được nói đến nhiều trong Phật giáo, càng không phải lĩnh vực được đề cao và khuyến khích, ít nhất là trong Phật giáo thời kỳ đầu. Điều này không có gì lạ, vì theo truyền thống Phật giáo, âm nhạc là thứ đức Phật khuyên dạy những đệ...

Về tên gọi Thượng Tọa và Thượng Tọa Bộ trong các nguồn tư liệu Phật giáo Trung Hoa
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa

VỀ TÊN GỌI THƯỢNG TOẠ (STHĀVIRA, THERA) VÀ THƯỢNG TOẠ BỘ (STHĀVIRAVĀDA) TRONG CÁC NGUỒN TƯ LIỆU PHẬT GIÁO TRUNG HOA (Sthavira, Thera and ‘*Sthaviravāda’ in Chinese Buddhist Sources)  của Max Deeg THÍCH NHUẬN CHÂU dịch Lời người dịch Bhikkhu Sujato, vị tỉ-khưu uyên bác người Úc châu, đã dịch bốn bộ Nikāya từ tiếng Pāli sang tiếng Anh. Bhikkhu...

Văn bản Giải Địa Tạng Kinh của Hương Hải Thiền sư
Lịch sử, Nghiên cứu

Tóm tắt Địa Tạng kinh giải thích Hoa ngôn đây là một trong 20 tác phẩm dịch Nôm lớn của Hương Hải thiền sư, được nhắc tới trong Hương Hải Ngữ Lục và trong Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn với tên gọi là Giải Địa Tạng kinh. Đây là tác phẩm dịch...

Khảo sát “Pháp Bảo Đàn Kinh giải” ở chùa Linh Quang Điều Hạ, Hải Phòng
Nghiên cứu

Pháp bảo đàn kinh giải của Hương Hải Thiền sư, là một tác phẩm diễn Nôm có giá trị về nhiều mặt. Qua khảo sát sơ bộ văn bản tại Linh Quang tự có thể thấy đây là một bản dịch từ Hán sang chữ Nôm theo thể văn xuôi. Tóm tắt: Trong quá trình...

Nghệ thuật Phật giáo Tây Tạng và ý nghĩa biểu tượng cổ – Bát bảo (P.1)
Kiến trúc-Mỹ thuật, Nghiên cứu

Phật giáo tại Tây Tạng có sức chú trọng vào các nghi lễ, thực hành thần bí cùng các biểu tượng cát tường có sức mạnh siêu linh. Đối riêng với nghệ thuật biểu tượng học Phật giáo, nổi bật hơn cả với đại chúng là tại Tây Tạng. Phần I. Bát bảo nói chung...

Hệ Phái Tăng Già Khất Sĩ Việt Nam
Lịch sử, Nghiên cứu

Bài viết ngắn nầy chỉ nhằm phác họa lại sơ lược về sự thành hình và phát triển của Hệ Phái Tăng Già Khất Sĩ Việt Nam hồi giữa thế kỷ thứ mười chín. Giáo hội Phật Giáo Tăng Già Khất Sĩ Việt Nam được Đức Tôn Sư Minh Đăng Quang sáng lập năm 1944. Giáo Hội được sáng lập trong giai đoạn suy đồi của Phật giáo Việt Nam. Đức Tôn Sư đã khéo léo phối hợp giữa hai truyền thống giáo lý Nam...

Các thiền sư thời Lê sơ và sự nỗ lực chấn hưng truyền thống văn hóa dân tộc Đại Việt
Lịch sử, Nghiên cứu

Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng với dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp dựng nước, giữ nước, đánh bạt âm mưu xâm lược, nô dịch văn hóa của thế lực phương bắc ngay từ những thế kỷ đầu. Tóm tắt Phật giáo thời Lê sơ (1428 – 1527) tuy ít được triều đình...

Sự hình thành Đại thừa
Lịch sử, Nghiên cứu

Phong trào phát triển một đường lối Phật Giáo mới, về sau nầy được gọi là Mahayana (Đại thừa), bắt đầu thành hình trong thời gian 250 năm, từ năm 150 TCN đến 100 CN, là kết quả tích tụ của nhiều phát triển vốn có từ trước. Nguồn gốc của nó không liên hệ...

Chúa Nguyễn Hoàng (1525 – 1613) với đạo Phật
Lịch sử, Nghiên cứu

Việc Nguyễn Hoàng cho xây dựng và tu sửa những ngôi chùa trên đất Thuận Quảng đã làm cho Phật giáo ngày càng lan rộng ảnh hưởng trong đời sống xã hội, từ chốn cung nội ra khắp dân gian. Chúa Nguyễn Hoàng sinh ngày 28/8/1525, còn gọi là Chúa Tiên, vị chúa Nguyễn đầu...

Khảo cứu Nghi lễ Vu Lan trong không gian văn hóa Phật giáo Thừa Thiên Huế
Nghiên cứu, Văn hóa

Nghi lễ Vu Lan Bồn còn là một pháp hội thù thắng và có tính phổ cập nhất trong Phật Giáo Việt Nam và có sự ảnh hưởng rất lớn về văn hóa sống, đạo đức làm người trong xã hội Việt Nam nói chung và Huế nói riêng. Phật giáo du nhập và phát...

Nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc Phật giáo thời Lý
Kiến trúc-Mỹ thuật, Nghiên cứu

Tóm tắt: Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ rất sớm, tư tưởng từ bi, vị tha của Phật giáo nhanh chóng được cư dân bản địa tiếp thu và trở thành tâm thức của người Việt, đa phần người dân Việt Nam điều tôn sùng Phật giáo. Thời Lý là một trong những thời...

Chúa Nguyễn Phúc Chu và hai bảo vật quốc gia chùa Thiên Mụ
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa

Bia “Ngự kiến Thiên Mụ tự” của chúa Nguyễn Phúc Chu là hiện vật gốc độc bản – một trong số những di vật hiếm hoi thời chúa Nguyễn còn giữ được gần như nguyên vẹn, có nhiều giá trị về mặt mỹ thuật. Chúa Nguyễn Phúc Chu (Quốc Chúa) (1691-1725) là vị chúa thứ...

“Bản Sắc Hóa” Pháp Phục Phật Giáo Việt Nam
Nghiên cứu, Văn hóa

I. Y PHỤC LÀ BẢN SẮC VĂN HÓA CỦA DÂN TỘC Nếu trang phục truyền thống của một dân tộc hay quốc gia biểu đạt bản sắc văn hóa về y phục của dân tộc hay quốc gia đó, thì pháp phục Phật giáo thể hiện bản sắc đặc thù, khác hẳn với và vượt lên trên các quốc phục và thường phục của người đời, dù ở phạm vi dân tộc hay quốc gia. Lễ phục tôn...