Khi công chúa Thái Đường mắc lỗi, triều đình tịch thu điền trang của bà sung vào ruộng quốc khố. Bà bèn đi tu ở chùa Nghĩa Xá, gần Lạc Quần (Xuân Trường).

Tháp chùa Phổ Minh (Nam Định) – Ảnh: Minh Khang

Thời nhà Trần, đạo Phật được nhân dân Đại Việt rất coi trọng và tôn sùng. Các vua Trần từ Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông đều am tường sâu sắc về Phật học. Sự phát triển và phổ biến của đạo Phật thể hiện Phật giáo trở thành chủ lực của văn hóa thời Trần, chùa chiền được xây dựng ở khắp nơi, hầu như làng nào cũng có chùa, có làng có đến mấy ngôi chùa.

Tôn sùng đạo Phật nên vua quan, các quý tộc, vương hầu, công chúa đã cúng rất nhiều ruộng, tiền của vào chùa, không những vậy, nhiều vị công chúa còn xuống tóc đi tu.

Trần Thái Tông (1225 – 1258), vị vua đầu tiên của nhà Trần là người rất sùng bái đạo Phật. Những năm đầu lên ngôi, đã có lúc ông muốn xa lánh triều chính, lên núi Yên Tử tu hành. Sau đó, nhà vua muốn chấn hưng Phật giáo, đã cử một vị cao tăng về Hoa Lư, Ninh Bình xây dựng lại chùa và trụ trì tại đó.

Khi nói về vua Trần Thái Tông, xin được nói đôi chút về Lệ Trinh nguyên phi của nhà vua. Lệ Trinh nguyên phi tên thật là Lê Thị Tuyết, quê ở vùng núi Phượng Nhi, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Tuy là con nhà nông nhưng được cha mẹ cho ăn học, do đó “cầm, kỳ, thi, họa” đều am tường, lại được Thái Tông yêu quý, lập cung Lan Hoa cho nguyên phi ở riêng. Lệ Trinh nguyên phi sống ở địa phương, gần gũi dân, bỏ tiền của khơi ngòi, dẫn nước vào đồng để canh tác, làm cầu cống cho dân đi lại.

Bà hướng dẫn dân sản xuất, canh tác lấy lương thực tạo cuộc sống ấm no, cho mở chợ Phù Hoa để trao đổi hàng hóa tạo cuộc sống sung túc, nên được nhân dân cảm kích, kính trọng. Nguyên phi Lệ Trinh hiểu tâm tư cùng lòng mộ đạo của Thái Tông nên cho lập chùa thờ Phật (chùa Phổ Quang) gần cung Lan Hoa, để khi vua ghé thăm có thể vãn cảnh chùa cho tâm hồn thanh thản; đồng thời đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng cho muôn dân cũng như hoàng tộc.

Ở huyện Thiên Bản thời Trần, nay là huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định có ba vị công chúa về đây lập ấp, điền trang và tu hành. Đó là trưởng công chúa Thái Đường, công chúa Thụy Bảo đều là con vua Trần Thái Tông và công chúa Huyền Trân, con vua Trần Nhân Tông.

Huyện Thiên Bản vốn là đất sát ngay khu vực hành cung Thiên Trường (Tức Mặc, nay thuộc ngoại thành Nam Định), nên các bậc vương hầu, quý tộc, các mệnh phụ phu nhân, công chúa thường được phong thái ấp hay lập điền trang ở vùng này. Nhiều vị đã lập chùa chiền để tu hành tại đây, nơi có non xanh nước biếc kỳ thú giữa đồng bằng sông Hồng.

Trưởng công chúa Thái Đường là con thứ ba của vua Trần Thái Tông, em vua Trần Thánh Tông và Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải, đều là con của Hoàng hậu Lý Thuận Thiên. Công chúa Thái Đường là vợ hầu tước Vũ Tỉnh, quê Lục Ngạn (Bắc Giang), sinh được một con trai là Vũ Thành. Vũ Thành có điền trang ở Lục Ngạn, thủ lĩnh dân binh, giỏi đánh du kích, đã lập công lớn ở trận Nội Bàng khi chặn đường quân Thoát Hoan tháo chạy.

Trong trận chiến đấu này, Vũ Thành đã hy sinh (1288), vua Trần thương tiếc phong Vũ Thành là “Trung Dũng hầu Thượng tướng quân”. Khi chồng và con mất, công chúa Thái Đường về quản lý thái ấp cho Thái úy Trần Quang Khải ở Độc Lập (nay thuộc xã Mỹ Thành, huyện Mỹ Lộc, Nam Định).

Khi vua Trần ban chiếu cho các vương hầu, công chúa được phép chiêu mộ dân đi khai hoang, lập điền trang thái ấp, công chúa Thái Đường đã về thăm vùng ven sông Đào thuộc làng Thi Liệu (nay thuộc xã Đại Thắng, huyện Vụ Bản), thấy bãi đất sình lầy khá rộng mà dân cư thưa thớt.

Bà đã cho gia nhân đi chiêu tập dân phiêu tán các nơi về đây khai phá. Bà đã cho đào mương dẫn nước, thoát úng, lập trại Thủ, trại Vỹ để canh giữ, lại cho lập chợ, lập bến lưới cho dân buôn bán, đánh cá. Bà còn cho phép các gia đình dân cư trong trại được tự do khai phá thêm để làm ruộng đất riêng, vì thế ở trại này có hiện tượng “công tư điền gián” (Ruộng công là ruộng bà chúa, dân cày và nộp tô; ruộng tư là ruộng của dân tự khai hoang cho mình, tức là ruộng công tư xen kẽ nhau).

Khi công chúa Thái Đường mắc lỗi, triều đình tịch thu điền trang của bà sung vào ruộng quốc khố. Bà bèn đi tu ở chùa Nghĩa Xá, gần Lạc Quần (Xuân Trường).

Một thời gian sau, vua thương tình, miễn tội và hoàn trả điền trang cho bà. Công chúa Thái Đường không về vùng đất này nữa. Bà cho tất cả ruộng đất đó để làm ruộng công của làng, chỉ để lại 36 mẫu làm tư điền và giao cho dân cấy nạp tô cho chùa để sau này thờ phụng bà. Vì vậy, dân ở đây gọi ruộng bà Thái Đường là “Ruộng bà Quốc mẫu”, chia đều cho dân đinh theo định kỳ.

Nhớ công ơn bà, dân trại đặt tên là trại Miễn Hoàn (nay là làng Miễn Hoàn, xã Đại Thắng, huyện Vụ Bản), để ghi nhớ việc miễn tội, hoàn đất. Khi bà mất, dân lập đền thờ tại làng. Đền hiện còn sắc phong thời Lê Cảnh Hưng (1740 – 1786) và nhiều câu đối và có bia ghi công tích chia đất cho dân.

Hàng năm, dân làng mở hội ngày 11 tháng 7, ghi nhớ ngày bà chia ruộng cho dân. Riêng ngày 4 tháng Giêng, làng sửa lễ đưa ra chùa Nghĩa Xá là nơi công chúa tu hành để cúng Phật đồng thời lễ công chúa triều Trần tỏ lòng biết ơn theo đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.

Công chúa Thụy Bảo: là em của Trưởng công chúa Thái Đường và cũng là chị em cùng mẹ với công chúa Thiều Dương, con vua Trần Thái Tông. Công chúa Thụy Bảo đã kết duyên cùng Uy Văn vương Trần Toại. Trần Toại là một thân vương rất được vua Thái Tông tin cậy, yêu quý.

Trần Toại giỏi thơ, tính tình phóng khoáng, không màng công danh phú quý. Nhưng chẳng may, Trần Toại mất sớm. Vua Trần lại gả công chúa Thụy Bảo cho Bảo Nghĩa hầu Trần Bình Trọng. Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai (1285) công chúa đã nuôi ẵm Thái tử Trần Thuyên, con trưởng vua Trần Nhân Tông đi lánh nạn.

Năm 1285, Trần Bình Trọng chỉ huy quân chặn địch trên sông Thiên Mạc để đại quân rút lui chiến lược an toàn chờ ngày phản công. Trần Bình Trọng đã anh dũng hy sinh. Lần thứ hai công chúa Thụy Bảo góa chồng. Bà tập trung nuôi dưỡng Thái tử Thuyên, sau này là vua Trần Anh Tông.

Vua Anh Tông lấy con gái của Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng làm hoàng hậu, nhưng sinh con đều không nuôi được. Khi nguyên phi Chiêu Hiến, con gái Bảo Nghĩa vương Trần Bình Trọng, sinh hoàng tử Mạnh, vua Anh Tông muốn nhờ bà Thụy Bảo nuôi dưỡng, nhưng bà đã già yếu, nên nhờ Trần Nhật Duật nuôi hộ, rồi về thái ấp ở làng Chiền, xã An Lạc (nay thuộc xã Tam Thanh, huyện Vụ Bản) lập chùa Phúc Lâm để tu hành.

Chùa Nộn Sơn (Vụ Bản, Nam Định) – Ảnh: Minh Nam

Tại đây, bà Thụy Bảo cho khai khẩn ruộng hoang tạo thành khu vườn hoa, lấy đây là nơi yên vui và có lẽ vì vậy mà có tên là “Hoa viên An Lạc”.

Sống vui với cảnh Thiền An Lạc được một thời gian thì công chúa Huyền Trân cháu bà lại về mở cảnh ở Nộn Sơn gần đó. Bà thương Huyền Trân tuổi trẻ, dấn thân vì nước sang Chiêm Thành làm hoàng hậu, không may chồng lại chết đột ngột, cuộc đời dở dang, phải hồi hương, nên thường qua lại bà cháu hàn huyên.

Có bà bên cạnh, ni sư Hương Tràng (công chúa Huyền Trân) đỡ phần cô quạnh và đây cũng là nguồn khích lệ ni sư an tâm trên đường hành đạo.

Cũng do quan hệ qua lại giữa hai bà cháu, do lòng nhân ái của công chúa đối với dân làng, cũng như hai cổ tự Nộn Sơn – An Lạc nên sau này dân làng Hổ Sơn tạc tượng tôn thờ cả hai bà cháu ở chùa núi Hổ.

Khi bà Thụy Bảo mất, nhân dân xã An Lạc đã xây tháp và dựng đền thờ bà gần chùa Phúc Lâm để ngày đêm hương khói. Đền và chùa này đã dời về phía Tây làng.

Còn công chúa Huyền Trân tu ở chùa Nộn Sơn một thời gian. Sau khi bà Thụy Bảo qua đời, công chúa Huyền Trân về tu ở một chùa khác ở vùng biển Kiến An. Điều đặc biệt là đã hơn 700 năm qua, thời gian làm phai mờ, giặc giã phá hoại chùa cảnh nhưng không thể làm mất đi hình bóng am cổ Nộn Sơn, nơi công chúa Huyền Trân – Ni cô Hương Tràng đã một thời gắn bó, một thời để lại dấu tích một sứ giả hòa bình, mong cho dân tộc khỏi thảm họa chiến tranh.

Chùa An Lãng – Phúc Linh Tự (Trực Ninh, Nam Định) – Ảnh: St

Công chúa Thiệu Ninh: là con gái của vua Trần Nghệ Tông (1370 – 1372), thân mẫu họ Vũ có duệ hiệu Ưu Bà Di Thiên Huệ, người hương Cổ Lũ, huyện Tây Quan (nay thuộc thôn Đồng Hải, xã Đông Vinh, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình).

Đây chính là quê hương của thân mẫu công chúa. Công chúa Thiệu Ninh đã cùng Trung Tĩnh thượng hầu (cũng là con trai của vua Trần Nghệ Tông) đã về vùng đất này khai hoang lập ấp, mở trang Đông Hải. Diện tích khai khẩn ra sát bờ sông Diêm Hộ cùng với nhiều mảnh giáp sông Trà Lý.

Điều đặc biệt là khi khai khẩn xong, công chúa giao cho các trang ấp canh tác, chỉ phải nộp địa tô cho nhà nước, khiến dân chúng cảm nhận sâu sắc ân nghĩa nặng tình của công chúa Thiệu Ninh.

Đặc biệt, công chúa Thiệu Ninh và Trung Tĩnh thượng hầu còn cho xây dựng chùa Từ Ân ở đây. Chùa được khởi dựng từ tháng 11 năm Tân Dậu (1381) đến tháng 12 năm Nhâm Tuất (1382) thì hoàn thành. Văn bia ở đây còn ghi rõ:

“Công chúa Thiệu Ninh đời Trần xây dựng chùa này ở đất Tây Quan; trong chùa có nhà hương hỏa thờ bà sinh mẫu là Ưu Bà Di Thiên Huệ. Bắt đầu khởi công từ tháng 11 năm Tân Dậu. Đến tháng 12 năm Nhâm Tuất hoàn thành. Thái tử thiêm sự tước Trung Tĩnh thượng hầu, đặt tên chùa là Từ Ân, để tỏ lòng không quên gốc vậy”.

Sau này, cảm kích trước nghĩa cử thương dân của công chúa và thượng hầu nên người dân địa phương đã lập đền thờ và xây dựng lăng mộ của Ưu Bà Di Thiên Huệ, công chúa Thiệu Ninh và Trung Tĩnh thượng hầu để bốn mùa hương khói.

Theo một nhà nghiên cứu, căn cứ thư tịch trên chuông cổ có niên hiệu Đại Khánh (1314 – 1324) có nói đến công chúa Thiên Thụy là con vua Trần Thánh Tông cai quản hương Bạch Hạc, công chúa bỏ tiền sửa chữa đền chùa. Tiếp đó là công chúa Thiên Chân thời Trần Anh Tông cai quản trang ấp mà công chúa Thiên Thụy để lại, bà là người yêu thương dân, giảm nhẹ tô thuế… Sang đời vua Minh Tông, công chúa Bảo Vân quan tâm việc đúc chuông chùa.

Vào cuối thế kỷ XIV, đất nước ở trong tình trạng rối ren, triều Trần đã trở nên suy yếu, lung lay tận gốc. Nhân hoàn cảnh đó, Hồ Quý Ly, một quý tộc có vây cánh và thanh thế trong triều, đã lấn át dần quyền lực nhà Trần, rồi đến năm 1400, phế truất hẳn vua Trần (Trần Thiếu Đế, 4 tuổi), lập ra một vương triều mới: Triều Hồ.

Nhà Trần mất ngôi, những ai thuộc quý tộc Trần mà chống đối phải tìm đường ẩn tránh. Lúc này hoàng hậu Bạch Ngọc (vợ vua Trần Duệ Tông) cùng công chúa Ngọc Dung (còn gọi là công chúa Huy Chân, con gái của vua Duệ Tông và hoàng hậu Bạch Ngọc) đã tìm về phủ Đức Quang (nay là vùng Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh), thấy phong cảnh hữu tình, cây xanh tươi tốt, tĩnh mịch bèn dừng lại lập am thờ Phật, đồng thời khai phá đất hoang lập trang ấp. Do vậy khi hoàng hậu mất, nhân dân lập đền thờ tưởng niệm, tri ân hoàng hậu cũng như công chúa cuối thời Trần.

Công chúa Ngọc Dung (Huy Chân) sau đó được Lê Lợi tuyển làm cung phi. Toàn bộ trang trại của hoàng hậu Bạch Ngọc và công chúa Ngọc Dung trở thành cơ sở hậu cần vững chắc cho nghĩa quân Lam Sơn ở Nghệ Tĩnh.

Tương truyền, trong suốt 10 năm kháng chiến chống quân Minh, công chúa Ngọc Dung (Huy Chân) đã sống chết cùng Lê Lợi vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Nhưng đến ngày toàn thắng, công chúa xin về sống tại trại cũ để phụng dưỡng mẹ già, cũng như sớm tối vui với kinh kệ nơi trang ấp, không màng cuộc sống nhung lụa chốn thâm cung.

Tác giả bài viết: Đặng Việt Thủy
Đường Hoàng Hoa Thám, Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội – Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 7/2024
Link bài viết gốc: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/cong-chua-trieu-tran-dao-phat.html


TÀI LIỆU THAM KHẢO:

- Đặng Việt Thủy - Đặng Thành Trung , 18 vị công chúa Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2008. 
- Hồ Đức Thọ, Vương phi công chúa triều Trần, những điển hình và ấn tượng dân gian, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội - 2005. 
- Đặng Việt Thủy - Đặng Thành Trung, 54 vị Hoàng hậu Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2009. 
- Và các tài liệu khác.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục:

Hoạt động đào tạo Tăng tài trong phong trào chấn hưng PGVN giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX
Lịch sử, Nghiên cứu

Tăng sĩ không tu tập, không am hiểu giáo lý để hoằng pháp, điều này ảnh hưởng rất lớn trong quần chúng tín đồ phật tử. 1. Dẫn nhập    Phật giáo du nhập vào nước ta đã trải qua hơn 2000 năm, những giá trị tâm linh Phật giáo để lại trên mảnh đất...

Ứng dụng Kinh tạng Pali về đạo đức, xây dựng mô hình kinh doanh hiệu quả và bền vững
Nghiên cứu

Sự phát triển của kinh tế hôm nay và sự bình ổn của xã hội, sự an toàn của môi trường trong tương lai không thể tách rời nhau, có mối quan hệ hỗ tương cho nhau A. Dẫn nhập Kinh doanh nhằm tạo ra lợi nhuận, nhưng kinh doanh như thế nào để tạo...

Vai trò của Phật giáo thời Lý trong lĩnh vực chính trị, tôn giáo và đoàn kết chống ngoại bang
Lịch sử, Nghiên cứu

Tóm tắt Khi đề cập đến sự tín ngưỡng tâm linh của người Việt thì không thể không nói đến Phật giáo. Phật giáo du nhập vào Việt Nam vòa khoảng thế kỷ thứ III trước Công nguyên, tư tưởng từ bi, vị tha của đạo Phật nhanh chóng được cư dân bản địa tiếp...

Hành trạng và tư tưởng Phật học của Tổ sư Hoán Bích – Nguyên Thiều
Lịch sử, Nghiên cứu

Thiền sư Nguyên Thiều được biết là một vị tổ sư, cao tăng gốc Trung Hoa thuộc thế hệ thứ 33 dòng thiền Lâm Tế, đã sang Việt Nam hoằng đạo ở Đàng Trong vào thời Trịnh Nguyễn phân tranh (1627-1789) và giúp phục hồi Phật giáo Xứ Đàng Trong.  1. Vấn đề về hành...

Chùa Diệu Ðế và hai bài thơ liên quan vừa được tìm thấy trong Cống Thảo Viên Tập của Nguyễn Phúc Miên Cư
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa

Trong dòng chảy lịch sử, văn hóa, văn học Việt Nam, có không ít những công trình kiến trúc từ lâu đã trở thành kinh điển, đại diện cho tinh thần và tư duy của một triều đại với những thăng trầm bi hùng. Không chỉ thế, nó còn mang xu hướng linh thiêng, là...

Mối liên hệ về chữ “Hiếu” trong Nho giáo và văn hóa Lễ Vu Lan ở Trung Quốc: từ thế tục tới tính thiêng!
Nghiên cứu, Văn hóa

Tóm tắt Phật giáo được truyền bá từ Ấn Độ sang Trung Quốc vào thời nhà Hán (202 TCN – 220 CN); kết hợp các nền văn hóa bản địa cố hữu, Phật giáo dần trở thành một tôn giáo có sức ảnh hưởng lớn ở Trung Quốc. Trong thời kỳ Phật giáo sơ truyền,...

Xu thế biến đổi trong Kiến trúc, cảnh quan chùa Huế
Kiến trúc-Mỹ thuật, Lịch sử, Nghiên cứu

Tóm tắt: Phật giáo Huế với một bề dày lịch sử, gắn liền với thăng trầm vùng đất Thuận Hóa – Phú Xuân xưa, đã hàm chứa, bảo tồn được nét riêng có trên nhiều mặt của yếu tính truyền thống Phật giáo. Tuy nhiên, trong chiều hướng phát triển của xã hội thì trong...

Tín ngưỡng thờ Long Vương trong Phật giáo Nam bộ
Nghiên cứu, Văn hóa

Tượng Long Vương ở Tổ đình Hội Khánh (Bình Dương). LONG VƯƠNG TRONG PHẬT GIÁO Trong Phật giáo, rồng là một trong Bát bộ chúng thủ hộ Phật pháp. Lãnh tụ của Long tộc gọi là Long Vương, có đầy đủ uy lực lớn mạnh, thường theo bảo vệ Phật. Trong các kinh sách Phật...

Vai trò nhập thế qua những biểu hiện, một số vấn đề đặt ra và giải pháp nhằm phát huy vai trò của nữ Phật tử
Nghiên cứu, Văn hóa

Tóm tắt: Sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ đã ảnh hưởng sâu sắc đến nhân loại. Ở phương diện tích cực, chúng phục vụ nhiều nhu cầu, đem lại hiệu suất làm việc cao cho con người. Song ở phương diện tiêu cực, chúng khiến đời sống tinh thần đứng...

Đóng góp của gia đình danh y Lê Hữu Trác đối với Phật giáo Việt Nam
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa

Tóm tắt: Với việc xây chùa Tượng Sơn, gia đình đại danh y Lê Hữu Trác có những đóng góp nhất định đối với Phật giáo Hà Tĩnh. Tượng Sơn tự cũng là nơi Hải Thượng Lãn Ông dành phần lớn thời gian lưu lại chùa để bốc thuốc, chữa bệnh cứu người và hoàn thành...

Nghiên cứu về một vài ngộ nhận đối với lịch sử phát triển Ni đoàn
Lịch sử, Nghiên cứu

TÓM TẮT Từ khi Đức Phật còn tại thế, Ngài đã cho phái nữ xuất gia thành Tỳ kheo Ni với điều kiện là thọ trì Bát kỉnh pháp. Có Ni giới, hàng xuất gia của Đức Phật được tăng đông lên. Tứ chúng của Đức Phật trở nên đầy đủ. Sự xuất hiện của...

Đức Từ Cung với sự phát triển và chấn hưng Phật giáo xứ Huế từ những năm 30 đến những năm 80 Thế kỷ XX
Lịch sử, Nghiên cứu

Tóm tắt: Đức Từ Cung hay Đoan Huy Hoàng thái hậu không chỉ quan tâm chăm lo hương khói, cúng tế tổ tiên nhà Nguyễn, mà còn là một tín đồ thuần thành của Phật giáo. Trên cương vị Hoàng Thái hậu triều Nguyễn, bà Từ Cung đã có nhiều đóng góp trong công cuộc chấn...

Kiến trúc chùa Huế
Chùa Việt, Kiến trúc-Mỹ thuật, Nghiên cứu

Với lối kiến trúc đặc trưng nhưng vẫn nằm trong dòng chảy kiến trúc đặc trưng của những ngôi chùa Việt, chùa Huế thực sự đã tạo ra một dấu ấn đậm nét đối với khách thập phương. Với nét đặc trưng đó những ngôi chùa xứ Huế không chỉ góp phần làm phong phú cho...

Nét đẹp Chư Tăng trong mùa An cư Kiết hạ
Nghiên cứu, Văn hóa

Chúng ta sẽ cảm nhận được nét đẹp tuyệt vời, một nghệ thuật siêu việt của cái thiêng liêng được toát ra từ sâu thẳm trong tâm hồn của chư Tăng, Ni. Nét đẹp đó, được phát ra từ nội tại của những con người mang những hoài bảo, những lý tưởng hướng thiện và...

Nguồn Gốc Và Ý Nghĩa Của Chiếc Áo Cà Sa
Nghiên cứu, Văn hóa

Gốc tiếng Phạn của chữ cà-sa là kasaya. Nhưng thật sự chữ kasaya trong tiếng Phạn không có nghĩa là áo mà có nghĩa là bạc màu, cáu cặn hay hư hoại. Sách tiếng Hán dịch chữ này là đạm (màu nhạt), trọc hay trược (đục, dơ bẩn, ô nhiễm, rác bẩn), hoặc còn dịch là hoại sắc, bất chính sắc, hư nát, dính bẩn…Tóm lại chiếc áo cà-sa của người xuất gia tu Phật, của hàng tỳ kheo,…tượng trưng cho những gì nghèo nàn,...

Chùa Kim Cang trong mối quan hệ với dòng thiền Liễu Quán ở Tây Nam bộ
Kiến trúc-Mỹ thuật, Lịch sử, Nghiên cứu

Tóm tắt: Bài nghiên cứu tập trung vào hai nội dung chính, thứ nhất, tìm hiểu khái quát về lịch sử dòng thiền Liễu Quán mang đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam; thứ hai, đề cập lịch sử hình thành chùa Kim Cang. Đây là ngôi chùa cổ, có nhiều đóng góp trong quá trình...