Các chùa sắc tứ luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của chính quyền chúa Nguyễn, mặt khác, thông qua các hoạt động và thực hành nghi lễ Phật giáo với quy mô lớn, thời kỳ này các ngôi chùa sắc tứ đã tỏ rõ vai trò quan trọng trong việc xiển dương Phật giáo.

Tóm tắt: Chùa sắc tứ là chùa do chính quyền chúa Nguyễn xây dựng, sử dụng và ban sắc tứ. Chùa sắc tứ chỉ thực sự bắt đầu xuất hiện ở Đàng Trong dưới thời chúa Nguyễn. Trên cơ sở khảo cứu các nguồn tài liệu lịch sử, bài viết trình bày một cách sơ lược những ứng xử của chính quyền chúa Nguyễn đối với chùa sắc tứ thông qua các hoạt động: xây dựng, trùng tu, sắc tứ, gắn biển ngạch, tổ chức các hoạt động và thực hành nghi lễ Phật giáo v.v… Qua đó, nhằm có được một cái nhìn tổng quan về mối quan hệ giữa chính quyền chúa Nguyễn với các ngôi chùa sắc tứ ở Đàng Trong giai đoạn 1558 – 1777.

Từ khóa: Chùa sắc tứ; biển ngạch; Phật giáo; Đàng Trong; chúa Nguyễn; thế kỷ XVI – XVIII. 

1. Dẫn nhập

Theo một số nghiên cứu gần đây, chùa sắc tứ có chức năng tương tự các ngôi Quốc tự từng xuất hiện ở nước ta từ thế kỷ XII. Tuy nhiên, chùa sắc tứ với nghĩa là chùa công (chùa nhà nước) do chính quyền phong kiến xây dựng, sử dụng và ban cho sắc tứ chỉ thực sự bắt đầu xuất hiện ở Đàng Trong dưới thời chúa Nguyễn và trở nên phổ biến thời kỳ triều Nguyễn(1).

Các bộ sử triều Nguyễn như Đại Nam nhất thống chí và Đại Nam thực lục ghi nhận giai đoạn này có khoảng 25 ngôi chùa sắc tứ trong tổng số 77 ngôi chùa trên toàn khu vực Đàng Trong(2). Ngoài ra, kết quả nghiên cứu thực địa được công bố gần đây cho biết, một số ngôi chùa được chúa Nguyễn sắc tứ nhưng không có trong sử liệu(3). Cho đến nay, số liệu chúng tôi thống kê được là 26 chùa sắc tứ, tuy nhiên trên thực tế, số lượng chùa sắc tứ thời chúa Nguyễn có thể nhiều hơn con số này.

Chùa sắc tứ được đề cập trong một số công trình nghiên cứu về lịch sử Phật giáo Đàng Trong và chính sách của các chúa Nguyễn đối với Phật giáo Đàng Trong, trong đó đáng chú ý là các bài chuyên khảo về một số ngôi chùa sắc tứ cụ thể v.v… Song, cho đến nay, chưa có các nghiên cứu có tính hệ thống về chùa sắc tứ ở Đàng Trong thời chúa Nguyễn. Dưới triều Nguyễn, việc quản lý và sử dụng chùa sắc tứ dưới triều Nguyễn đã hình thành với các quy định tương đối đầy đủ và rõ ràng(4). Trong khi thời chúa Nguyễn, hiện chưa tìm được văn bản quy định về điển lễ, chế độ thờ tự đối với các ngôi chùa sắc tứ. Do đó, vấn đề ứng xử của chính quyền chúa Nguyễn đối với hệ thống chùa sắc tứ ở Đàng Trong cho đến nay vẫn là một khoảng trống cần nghiên cứu.

Trên cơ sở khảo cứu các nguồn tài liệu khác nhau, bài viết sẽ trình bày sơ lược những ứng xử của chính quyền chúa Nguyễn đối với các ngôi chùa sắc tứ trong một số hoạt động cụ thể như: xây dựng, trùng tu, sắc tứ, gắn biển ngạch, tổ chức các hoạt động và thực hành nghi lễ Phật giáo… Qua đó, nhằm có được một cái nhìn tổng quan về mối quan hệ giữa chính quyền chúa Nguyễn với các ngôi chùa sắc tứ ở Đàng Trong giai đoạn 1558 – 1777.

2. Hoạt động ban sắc tứ

Thời chúa Nguyễn Hoàng (chúa Tiên), (1558-1613): Mặc dù sử liệu cho biết thời kỳ này Nguyễn Hoàng cho xây dựng nhiều ngôi chùa trên đất Thuận Hóa, Quảng Nam, Quảng Bình(5) nhưng chưa thấy ghi chép về việc ban sắc tứ cho chùa. Tuy nhiên, các ngôi chùa do chúa Nguyễn Hoàng xây dựng thời kỳ đầu, đặc biệt là chùa Thiên Mụ và chùa Kính Thiên (Hoằng Phúc) sau này nhận được sự quan tâm đặc biệt của các vị chúa Nguyễn kế vị. Cùng với việc ban sắc tứ, các chúa Nguyễn thường xuyên cho tiến hành sửa chữa, trùng tu, đúc chuông, tô tượng, tặng câu đối, đồ thờ… khiến cho các ngôi chùa này có được vị thế quan trọng trong đời sống sinh hoạt Phật giáo ở Đàng Trong.

Thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên (chúa Sãi), (1613 – 1635) và chúa Nguyễn Phúc Lan (chúa Thượng), (1635 – 1648): Đây là thời kỳ cuộc chiến tranh Trịnh – Nguyễn đang ở giai đoạn cam go. Cuộc nội chiến kéo dài gần 50 năm (từ 1627 – 1672) có thể là nguyên nhân khiến cho thời kỳ này có rất ít ngôi chùa được xây dựng, hoạt động ban sắc tứ vì thế chưa có điều kiện thực hiện. Trên thực tế, chưa tìm được sử liệu ghi chép về việc ban sắc tứ cho chùa trong giai đoạn này.

Thời chúa Nguyễn Phúc Tần (chúa Hiền), (1648 – 1687): Chúa Nguyễn Phúc Tần ở ngôi 39 năm. Sau khi cuộc chiến tranh Trịnh – Nguyễn kết thúc, chúa tiếp tục ở ngôi thêm 15 năm. Tuy nhiên, ở thời kỳ này, chỉ một số ít chùa được sửa chữa, trong đó có chùa Thiên Mụ. Chúa cho trùng tu và ban sắc tứ cho một ngôi chùa duy nhất, đó là chùa Thiên Tân (Thuận Hóa). Đại Nam nhất thống chícó ghi: Chùa Thiên Tân “ở xã Đâu Kênh huyện Đăng Xương, do Thái Tông hồi đầu bản triều dựng, có ban cho tượng Phật, đồ thờ và biển vàng sau bỏ”(6). Rất có thể đây là một trong những hoạt động ban sắc tứ cho chùa đầu tiên của chính quyền chúa Nguyễn kể từ thời Nguyễn Hoàng. Sau cuộc nội chiến kéo dài gần 50 năm, đây cũng là thời điểm Đàng Trong bước sang thời kỳ ổn định và phát triển mạnh xuống phương Nam.

Thời chúa Nguyễn Phúc Thái (chúa Nghĩa), (1687 – 1691): Ngoài một số hoạt động cử tăng sư, cấp ruộng cho chùa(7), cho đến nay chưa tìm được ghi chép về hoạt động ban sắc tứ cho chùa trong thời kỳ này.

Thời chúa Nguyễn Phúc Chu (chúa Minh), (1675 – 1725) và chúa Nguyễn Phúc Khoát (Võ vương), (1714 – 1765): Đây là thời kỳ chùa được ban sắc tứ nhiều nhất. Cụ thể, thời chúa Minh có bảy ngôi chùa được ban sắc tứ gồm: chùa Từ Đàm, chùa Quốc Ân, chùa Hà Trung, chùa Giác Hoàng (Thuận Hóa), chùa Hoằng Phúc (Quảng Nam), chùa Thập Tháp (Bình Định), chùa Vạn An (Khánh Hòa)(8).

Thời Võ vương có bảy ngôi chùa được ban sắc tứ, gồm: chùa Quang Đức, chùa Khánh Vân, chùa Bảo Quốc, chùa Sơn Tùng (Thuận Hóa), chùa Phổ Tế (Quảng Ngãi), chùa Kim Sơn (Khánh Hóa)(9), chùa Kim Cang (Phú Yên)(10).

chùa Sắc Tứ Kim Cang (Phú Yên). Ảnh: St
chùa Sắc Tứ Kim Cang (Phú Yên). Ảnh: St

Thời chúa Nguyễn Phúc Chú (chúa Ninh), (1697 – 1738): Có hai chùa được ban sắc tứ là chùa Linh Phong(11) và chùa Hộ Quốc(12), đều ở Bình Định.

Thời chúa Nguyễn Phúc Thuần (chúa Định), (1765- 1777): Sau một thời gian lên ngôi, chúa Định bắt đầu sao nhãng công việc triều chính, trong khi Trương Thúc Loan ra sức lũng đoạn, thao túng quyền lực. Phong trào nổi dậy của nhân dân nổ ra ở khắp nơi. Từ năm 1771, phong trào Tây Sơn thượng đạo bắt đầu nhen nhóm. Tình hình này có ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động ban sắc tứ. Dưới thời chúa Định, có một ngôi chùa được ban sắc tứ là chùa Long Quang (kinh đô Huế)(13).

Ngoài ra, trong số 26 ngôi chùa sắc tứ, có một số chùa chưa xác định được thời gian xây dựng và ban sắc, đó là: chùa Tĩnh Quang (Thuận Hóa), chùa Bảo Quang (Quảng Nam), chùa Diệu Giác, chùa Long Hưng (Quảng Ngãi), chùa Thiên Trường (Gia Định). Sử liệu triều Nguyễn cho biết, trải qua chiến tranh loạn lạc, nhất là dưới thời Tây Sơn, nhiều ngôi chùa do các chúa Nguyễn xây dựng hoặc bị phá hủy hoặc bị biến thành nhà ở, nhiệm sở, kho diêm(14)… Tình hình này cùng với những hạn chế về mặt tư liệu khiến cho việc xác định các ngôi chùa sắc tứ gặp nhiều khó khăn. Trong thời gian tới, cần tìm kiếm bổ sung thêm các căn cứ xác định các ngôi chùa sắc từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau như thư tịch cổ, khảo sát thực địa…

3. Hoạt động cấp biển ngạch sắc tứ

Các chùa sau khi được chính quyền chúa Nguyễn ban sắc tứ, công việc tiếp theo là chế biển ngạch sắc tứ ban cho chùa. Biển ngạch sắc tứ trong sử liệu triều Nguyễn thường gọi tắt là biển ngạch, hoành biển (hoành phi) hoặc biển vàng (sơn son thếp vàng).

Về cơ bản, biển ngạch có hình thức giống tấm hoành phi được sơn son thếp vàng, nội dung đề chữ Sắc tứ kèm theo tên riêng của chùa. Ngoài ra, trên biển ngạch còn có khắc con dấu, niên hiệu và cụm từ Quốc chúa ngự đề. Kể từ năm 1744, chúa Nguyễn Phúc Khoát xưng vương, cụm từ Quốc chúa ngự đềđược đổi thành Quốc vương ngự đề.

Một số đoạn ghi chép trong Đại Nam nhất thống chí mô tả tương đối đầy đủ các chi tiết trên biển ngạch sắc tứ của chùa Hộ Quốc (Biên Hòa), cụ thể như sau:

Chùa Hộ Quốc “Do chánh suất Nguyễn Văn Vân dựng. Năm Giáp Dần, đời Túc Tông được ban biển ngạch chữ vàng, khắc chữ “Sắc tứ Hộ Quốc tự”, phía tả khắc những chữ “Long Đức tứ niên, tuế thứ Ất Mão trọng đông cốc đan” (Ngày lành tháng 11 năm Ất Mão Long Đức thứ 4, 1735); phía hữu khắc chữ “Quốc chủ Vân tuyền đạo nhân ngự đề”(15).

Sử liệu cũng cho biết một số ngôi chùa sắc tứ có từ hai đến ba biển ngạch. Tiêu biểu là chùa Long Quang có hai biển ngạch, chùa Hoằng Phúc có hai biển ngạch, chùa Giác Hoàng có ba biển ngạch. Mô tả về nội dung, cách bài trí biển ngạch tại các ngôi chùa này được ghi lại như sau:

Chùa Long Quang phía tây kinh thành Huế, không rõ năm dựng. Chúa Nguyễn Phúc Thuần sau khi sửa lại cấp cho một biển ngạch treo ở tầng trên tam quan, đề bốn chữ lớn là “Tuệ chiếu Nam thiên”;một biển ngạch treo ở tầng dưới đề “Sắc tứ Long Quang tự”(16).

Chùa Hoằng Phúc (tức chùa Kính Thiên) dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu, sau khi sửa chùa, chúa ban sắc tứ và cấp cho hai biển ngạch. Trong đó, một hoành biển đề “Kính Thiên tự”, một hoành biển đề “Vô song phúc địa”. Chúa còn ngự chế năm câu đối tặng cho chùa(17).

Chùa Giác Hoàng dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu, sau khi ban sắc tứ, chúa ban cho ba biển ngạch, trong đó, một biển khắc năm chữ “Ngự đề Hoàng Giác Tự”, một biển đề ba chữ “Kế Thánh đường”, một biển đề hai chữ “Cổ lâu”, phía tả biển đề tám chữ “Quốc vương Thiên Túng đạo nhân ngự đề”(18).

Các mô tả cho thấy, biển ngạch thường được treo trên cổng tam quan, vì thế rất dễ dàng để nhận ra các ngôi chùa sắc tứ. Biển ngạch khắc tên của chùa hoặc đề các câu từ tôn xưng Phật giáo như “Vô song phúc địa”,“Tuệ chiếu Nam thiên”(treo ở bên ngoài chùa). Ngoài ra, đối với các chùa có nhiều biển ngạch, biển ngạch có thể được gắn thêm ở các địa điểm ở trong chùa mang nội dung khác nhau hoặc chỉ chức năng sử dụng như: “Cổ Lâu” (có nghĩa là Lầu Trống), “Kế Thánh đường” (có nghĩa là Nơi tiếp nối đạo Thánh hiền)…

Theo số liệu thống kê, hầu hết chùa sắc tứ đều có treo biển ngạch, trong đó 21/26 ngôi chùa có một biển ngạch, có 3/26 ngôi chùa có từ hai đến ba biển ngạch, có hai ngôi chùa sử ghi lại là “vâng sắc” không thấy nhắc đến biển ngạch(19). Như vậy, cùng với việc ban sắc tứ, thời kỳ này chính quyền chúa Nguyễn đặc biệt chú trọng tới việc gắn biển ngạch sắc tứ cho chùa, nhất là thời chúa Nguyễn Phúc Chu và chúa Nguyễn Phúc Khoát(20).

4. Hoạt động xây dựng, trùng tu

Thời kỳ này, các chúa Nguyễn cho xây dựng, trùng tu hàng trăm ngôi chùa ở Đàng Trong, tuy nhiên phần lớn các chùa sắc tứ đều không phải là chùa xây mới. Thông thường, các ngôi chùa cũ đã trải qua một thời gian hoạt động, có vị thế quan trọng sẽ được các chúa Nguyễn lựa chọn để trùng tu và ban sắc tứ. Do điều kiện chiến tranh liên miên nên nhiều ngôi chùa được xây dựng từ đời trước, đến các đời sau mới được tiến hành sửa sang và ban sắc tứ. Từ thời chúa Hiền trở đi, hoạt động ban sắc tứ cho chùa mới thực sự bắt đầu và từng bước khởi sắc. Đặc biệt, các chúa Nguyễn thường kết hợp giữa hoạt động trùng tu với việc ban sắc tứ, gắn biển ngạch cho các chùa. Chùa Thiên Mụ do chúa Nguyễn Hoàng dựng năm 1601, có ít nhất ba lần trùng tu lớn, một lần dưới thời chúa Nguyễn Phúc Tần năm 1665 và hai lần dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu vào các năm 1710, 1714. Trong hai đợt trùng tu, chúa Nguyễn Phúc Chu cho đúc một quả chuông lớn, dựng văn bia, tặng một bài minh chuông, nhiều đối liễn và đồ thờ…(21).

Sách Đại Nam thực lục ghi chép chi tiết công việc trùng tu, mở mang quy mô chùa vào năm 1714, như sau:

“Giáp Ngọ (1714). Tháng 6, trùng tu chùa Thiên Mụ. Sai bọn chưởng cơ Tổng Đức Đại trông nom công việc. Quy chế thì bắt đầu từ cổng chùa đến điện Thiên vương, điện Ngọc Hoàng, điện Đại hùng, nhà Thuyết pháp, lầu Tàng kinh, hai bên thì lầu chuông, lầu trống, điện Thập vương, nhà Vân thủy, nhà Tri vị, nhà Thiền đường, điện Đại bi, điện Dược sư và phòng tăng nhà thiền có cũng không kém vài mươi sở, đều là rực rỡ chói lọi, làm tới một năm mới xong”(22).

Chùa Kính Thiên (Hoằng Phúc) do chúa Nguyễn Hoàng dựng năm 1609. Dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu, sau khi cho sửa lại chùa, ban cho hai hoành biển, ngự chế năm câu đối, đồng thời cử tăng, sái chăm sóc phụng sự… Ô châu cận lục cho biết chùa có quả chuông nặng ngàn cân(23).

Ngoài các ngôi chùa công (do các chúa Nguyễn xây dựng), một số ngôi chùa tổ, chùa làng do các bậc tăng sư hoặc quan lại xây dựng cũng được các chúa Nguyễn cho sửa sang trùng tu và ban sắc tứ. Tiêu biểu là các ngôi chùa sau:

Chùa Từ Đàm do thiền sư Minh Hoàng-Tử Dung dựng năm 1683. Dưới thời chúa Nguyễn Minh cho sửa lại, ban sắc tứ năm 1713;

Chùa Linh Phong do thầy Lê Ban dựng năm 1702, dưới thời chúa Minh cho sửa lại, ban sắc năm 1733.

Chùa Quốc Ân được coi là tổ đình đầu tiên ở Huế, tương truyền do Hoán Bích Thiền sư dựng, chùa được trùng tu nhiều lần dưới thời chúa Hiền, chúa Nghĩa, chúa Minh, về sau chúa Minh ban cho sắc tứ(24)…

Chùa Hà Trung do Thiền sư Nguyên Thiều (Hoán Bích) dựng, dưới thời chúa Minh cho trùng tu và ban sắc tứ, cử Thiền sư Hoán Bích trụ trì(25).

Chùa Cảnh Tiên do Khai quốc công thần Nguyễn Hữu Dật dựng, chùa Hộ Quốc do Chánh suất Nguyễn Văn Vân dựng, về sau đều được các chúa Nguyễn trùng tu và ban sắc tứ, v.v…

Việc xây dựng, đặc biệt là trùng tu các ngôi chùa sắc tứ được tiến hành khá thường xuyên. Trong đó, các ngôi chùa sắc tứ được xây dựng, trùng tu có quy mô lớn và nhiều nhất là dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu. Hiện nay, nhiều chùa sắc tứ ở khu vực Trung và Nam Bộ vẫn còn lưu giữ được khá nhiều hiện vật quý là đồ thờ, câu đối, biển ngạch, minh chuông, bài kệ, văn bia liên quan đến chúa Nguyễn Phúc Chu và chúa Nguyễn Phúc Khoát.

5. Hoạt động Phật giáo và thực hành nghi lễ Phật giáo

Nằm trong chính sách ưu tiên phát triển Phật giáo, thời kỳ này chùa sắc tứ là nơi chính quyền chúa Nguyễn tổ chức các hoạt động Phật giáo và các thực hành nghi lễ Phật giáo với quy mô lớn.

Hoạt động hoằng pháp:

Về kinh sách: Dưới thời chúa Minh, sau khi việc trùng tu chùa Thiên Mụ được hoàn tất (1714), chúa sai người sang nước Thanh mua kinh Đại tạng cùng luật và luận hơn nghìn bộ để ở tự viện(26). Trong bản kinh Lăng già A bạt đa la Bảo khắc năm 1729 tại chùa Tây Thiền (Thuận Hóa), chúa Ninh là một trong số những người trợ tiền cho việc in ấn kinh sách. Danh sách trợ duyên do Hòa thượng Minh Trí Thiện An lập, ghi rõ: chúa Nguyễn Phúc Chú trợ 20 quan tiền, hòa thượng Liễu Quán cúng 3 quan, đại sư Liễu Quán cúng 2 quan(27)…

Về hàng ngũ tăng sư: Những biến động về tình hình chính trị khiến cho Phật giáo Đàng Trong luôn trong tình trạng thiếu người dẫn dắt. Ban đầu các chúa chủ trương dựa vào hàng ngũ tăng sư Trung Hoa trong nước, sau một số vụ nổi loạn liên lụy đến Hòa thượng Hương Hải, các chúa Nguyễn chủ động hơn trong việc tổ chức hàng ngũ tăng sư, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động thuyết giảng kinh pháp và lập các đàn giới nhằm tăng cường củng cố giới luật trong tăng chúng.

Khoảng 1695 – 1696, chúa Minh mời được Thiền sư Thạch Liêm từ Trung Hoa sang hoằng pháp ở Đàng Trong. Tại kinh đô (Huế), chính quyền chúa Nguyễn tổ chức được nhiều buổi thuyết pháp, sấm tụng, truyền Sadi giới, Tỳ kheo giới… có hàng nghìn người tham gia(28). Cũng thời gian này, Thiền sư ở chùa Di Đà. Thấy chùa chật hẹp, chúa cho dựng thêm nhiều liêu xá(29). Thiền sư mở tiếp một đàn giới có hơn 300 người tham gia thụ giới được Quốc sư cấp độ điệp. Độ điệp cấp phát cho các giới tử đều có đóng Vương ấn(30).

Ngoài ra, các chúa Nguyễn chủ động tổ chức hoạt động của hàng ngũ tăng sư, cử tăng sư trụ trì tại các ngôi chùa sắc tứ.

Chùa Hà Trung là một ngôi chùa cổ, theo sách Đại Nam nhất thống chí, dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu cử Thiền sư Nguyên Thiều làm trụ trì. Bài minh trên mộ tháp Thiền sư tại chùa Hà Trung do chúa Ninh ngự đề cho thấy các chúa Nguyễn luôn chủ động tiến cử tăng sư tại các chùa sắc tứ.

“Tham khảo việc làm của các triều trước, Ta được biết Tiên Thánh thời đó đã thỉnh Thiền sư trở về Quảng Đang mời Lão Hòa thượng pháp khí mang về nước, hoàn toàn nhiều công đức lớn lao. Từ đó, thiền sư vâng Thánh chỉ trụ trì chùa Hà Trung, hồi quang tự chiếu, giảng giải diệu lý, bàn bạc huyền vi, tham khảo những điển tích có từ trước, diệt bỏ những sự sai lầm và tiếp nối những điều chân chánh (diệt ngụy tục chơn), mở bày cho hàng hậu học và tứ chứng thọ lãnh đầy đủ giới pháp”(31).

Chùa Sắc Tứ Quốc Ân (TT.Huế). Ảnh: St
Chùa Sắc Tứ Quốc Ân (TT.Huế). Ảnh: St

Cứ liệu trên cho thấy việc chấp sự của hàng ngũ tăng sư tại các chùa tứ sắc thời kỳ này như Thiền sư Minh Hoàng-Tử Dung ở chùa Từ Đàm, Thiền sư Lê Ban ở chùa Linh Phong, Thiền sư Hoán Bích ở chùa Quốc Ân sau về trụ trì chùa Hà Trung… đều nằm trong sự sắp xếp của các vị chúa Nguyễn. Trong Phủ Biên tạp lục của Lê Quý Đôn cũng khẳng  định, tại các ngôi chùa công vùng Thuận Hóa thời kỳ này đều có đặt Tăng lục, lại có Ty tăng lục, Ty nội pháp, Ty huyền pháp…(32).

Thực hành nghi lễ Phật giáo:

Chính quyền chúa Nguyễn thường tranh thủ các dịp đặc biệt (Lễ Phật đản) để tổ chức hoạt động sinh hoạt Phật giáo có quy mô lớn như lập đàn giới, đàn tụng, đàn chay, cúng dường… Hoặc nhân việc sửa chùa, đúc chuông, các chúa Nguyễn mở hội chùa lớn kéo dài hàng tháng để dân chúng thập phương tham dự, đồng thời tổ chức bố thí, phát chẩn tiền, gạo cho người nghè, v.v…

Tháng 7 năm 1714, nhân sự kiện hoàn tất việc trùng tu chùa Thiên Mụ, chúa mở hội lớn ở chùa Thiên Mụ, ăn chay ở vườn Côn Gia một tháng, phát tiền gạo, chẩn cấp cho người nghèo thiếu(33).

Nhìn chung, các hoạt động Phật giáo, từ hoằng pháp cho đến các thực hành nghi lễ tại các ngôi chùa sắc tứ diễn ra khá thường xuyên và có quy mô lớn, đặc biệt là dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu. Ngoài mục đích định hướng tôn giáo, chấn chỉnh giới pháp đối với hàng ngũ tăng sư, các hoạt động này còn có chức năng định hướng xã hội, hướng tới đông đảo dân chúng, đặc biệt là các hoạt động bố thí, phát chẩn đối với người nghèo.

6. Một số nhận xét, đánh giá

Thứ nhất, từ các cứ liệu cho thấy, sau khi cuộc chiến tranh Trịnh – Nguyễn kết thúc, chính quyền chúa Nguyễn mới từng bước tiến hành các hoạt động cấp sắc tứ cho các chùa. Trong khoảng 26 ngôi chùa sắc tứ trên tổng số gần 100 ngôi chùa ở Đàng Trong thời kỳ này, các ngôi chùa do chúa Nguyễn Hoàng xây dựng luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt. Song song với hoạt động ban sắc tứ, gắn biển ngạch, công việc trùng tu, sửa sang các ngôi chùa sắc tứ được tiến hành thường xuyên, góp phần khẳng định vị thế quan trọng của các ngôi chùa sắc tứ trong đời sống sinh hoạt Phật giáo ở Đàng Trong.

Thứ hai, chùa sắc tứ là nơi chính quyền chúa Nguyễn tổ chức các hoạt động và thực hành nghi lễ Phật giáo có quy mô lớn. Thông qua các hoạt động này, các ngôi chùa sắc tứ đã tỏ rõ vai trò dẫn dắt và chấn hưng đời sống sinh hoạt Phật giáo ở Đàng Trong. Từ việc trợ tiền mua, in ấn, tàng trữ kinh sách, các chúa Nguyễn tổ chức các buổi thuyết giảng kinh pháp, lập nhiều đàn tụng, đàn giới, đàn chay, phát chẩn, bố thí… có quy mô lớn tới hàng trăm, hàng nghìn người. Nó vừa có ý nghĩa định hướng tôn giáo, vừa có ý nghĩa định hướng xã hội hết sức mạnh mẽ. Thông qua các hoạt động này, các chúa Nguyễn không chỉ chú ý tới việc chấn chỉnh pháp giới trong hàng ngũ tăng sư, mà còn góp phần thúc đẩy công cuộc hoằng pháp Phật giáo trong đông đảo dân chúng.

Thứ ba, trong vấn đề chùa sắc tứ, việc gắn biển ngạch cho các ngôi chùa sắc tứ được chính quyền chúa Nguyễn đặc biệt chú trọng và trở thành một hoạt động phổ biến. Hoạt động này biến các ngôi chùa sắc tứ từ một biểu tượng của Phật giáo trở thành biểu tượng của quyền lực nhà nước. Trên biển ngạch, ngoài tên riêng của chùa, niên hiệu lấy theo nhà Lê, luôn có các dấu hiệu của một thể chế nhà nước như: con dấu, các từ “Sắc tứ” và cụm từ “Quốc chúa đề ngự” sau đổi thành “Quốc vương đề ngự”… Biển ngạch được đặt tại các vị trí trang trọng và dễ quan sát phía trên cổng tam quan của các ngôi chùa sắc tứ, đây là cách để các chúa Nguyễn khẳng định sự hiện diện của quyền lực nhà nước tại các không gian tôn giáo. Xin được nhắc lại, chùa sắc tứ và việc gắn biển ngạch sắc tứ chỉ bắt đầu xuất hiện dưới thời chúa Nguyễn. Từ một lực lượng tách ra từ chính quyền trung ương, từng bước gây dựng quyền lực trên vùng đất mới Đàng Trong, chúng tôi cho rằng việc gắn biển ngạch tại các ngôi chùa sắc tứ được chính quyền chúa Nguyễn đặc biệt quan tâm bởi những ý nghĩa to lớn của nó trong việc góp phần khẳng định vai trò thống trị và tính hợp pháp của chính quyền phong kiến chúa Nguyễn ở Đàng Trong.

Thay cho lời kết

Trong bối cảnh lịch sử thế kỷ XVI – XVIII, chính quyền chúa Nguyễn thoát thai từ một lực lượng quân sự, từng bước dựng lên thể chế nhà nước ở Đàng Trong, việc khẳng định tính hợp pháp và có được sự ủng hộ của quần chúng là yêu cầu quan trọng và bức thiết. Ngay từ đầu các chúa Nguyễn đã lựa chọn chính sách phát  triển Phật giáo, chủ trương dựa vào sức mạnh của Phật giáo để tập hợp quần chúng, qua đó củng cố sức mạnh chính trị và khẳng định tính hợp pháp của chính quyền…(34).

Nằm trong chủ trương phát triển Phật giáo, việc hình thành hệ thống chùa sắc tứ là cơ sở quan trọng để chính quyền chúa Nguyễn thúc đẩy vai trò, ảnh hưởng của Phật giáo trong đời sống xã hội.

Một mặt, các chùa sắc tứ luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của chính quyền chúa Nguyễn, mặt khác, thông qua các hoạt động và thực hành nghi lễ Phật giáo với quy mô lớn, thời kỳ này các ngôi chùa sắc tứ đã tỏ rõ vai trò quan trọng trong việc xiển dương Phật giáo. Đặc biệt, chùa sắc tứ với việc đảm nhiệm các chức năng định hướng tôn giáo, định hướng xã hội trong chính sách phát triển Phật giáo, đã góp phần vào việc củng cố sự ổn định xã hội, đặc biệt là việc khẳng định vai trò thống trị và tính hợp pháp của chính quyền chúa Nguyễn ở Đàng Trong giai đoạn 1558 – 1777.

Tác giả: Trương Thúy Trinh
Viện Nghiên cứu Tôn giáo – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam


CHÚ THÍCH: 
1. Tạ Quốc Khánh (2012Chùa Sắc tứ ở xứ Huế, Luận án Tiến sĩ, Học viện Khoa học xã hội, Hà Nội.
2. Trương Thúy Trinh (2018), “Chính quyền chúa Nguyễn với Phật giáo ở Đàng Trong (Giai đoạn 1558 – 1777)”, Nghiên cứu Tôn giáo, Số 11 (179), tr. 12-30
3. Chùa Kim Cang (Phú Yên) được chúa Nguyễn Phúc Khoát ban sắc tứ nhưng không có trong chính sử triều Nguyễn. Xem thêm Đặng Vinh Dự, Nguyễn Chí Ngàn, “Sắc tứ Kim Cang tự ngôi cổ tự bên sông Đà Rằng”, Liễu Quán số 14, tháng 5-2018, tr. 67-76.
4. Xem thêm Tạ Quốc Khánh, “Nhà Nguyễn với việc quản lý và sử dụng hệ thống chùa sắc tứ”, Nghiên cứu Tôn giáo, Số 06 (132) 2014, Tr. 31-45
5. Quốc sử Quán Triều Nguyễn (2004), Đại Nam Thực lục, Tập I,Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr. 42 – 43.
6. Quốc sử quán triều Nguyễn (1997), Đại Nam Nhất thống chí, Tập 1, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr. 206
7. Văn bia chùa Thái Bình (Thuận Quảng) dựng năm 1721 cho biết: thiền sư Chân Dĩnh trụ trì chùa Thái Bình là do được châu phê, các chúa Hiền, chúa Nghĩa cấp ruộng đất cho chùa. Xem: Phạm Văn Tuấn, “Thái Bình tự thạch bi và Phật giáo vùng Thuận Quảng”, Liễu Quán, số 10 tháng 1-2017, tr. 29 – 37.
8. Đại Nam nhất thống chí, Tập 1 & 2, Tlđd.
9. Đại Nam nhất thống chí, Tập 1 & 2, Tlđd.
10. Đặng Vinh Dự, Nguyễn Chí Ngàn, Tlđd., 67-76.
11. Đại Nam nhất thống chí, Tập 2, Tlđd,  tr. 50.
12. Đại Nam nhất thống chí, Tập 2, Sđd., tr. 79.
13. Đại Nam nhất thống chí, Tập 1, Tlđd., tr. 84.
14. Chùa Thiền Lâm do Thái sư Bùi Đắc Tuyên ở, chùa Báo Quốc làm kho diêm…
15. Đại Nam nhất thống chí, Tập 2, Tlđd., tr. 79.
16. Đại Nam nhất thống chí, Tập 1, Tlđd., tr. 84.
17. Đại Nam nhất thống chí, Tập 2, Tlđd., tr.63.
18. Đại Nam nhất thống chí, Tập 1, Tlđd., tr. 205 – 206.
19. Chùa Thiên Trường (Gia Định) sử liệu ghi là:“vâng sắc cho tên là Phổ Quang Thiên Sơn tự” không thấy nhắc đến biển ngạch. Xem Đại Nam nhất thống chí, Tập 2, Tlđd,tr. 236.
20. Kết quả nghiên cứu thực địa công bố gần đây cho biết, hiện nay tại chùa Quang Đức (Thành phố Huế), chùa Kim Cang (Thành phố Tuy Hòa) còn lưu giữ hai tấm biển ngạch sắc tứ thời chúa Nguyễn Phúc Khoát.
21. “Chùa Thiên Mụ”- Tuyển dịch Văn bia chùa Huế, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 1-2 (49-50).2005, tr. 146-172.
22. Đại Nam thực lục, Tlđd., tr. 130.
23. Đại Nam nhất thống chí, Tập 2, Tlđd., tr.63.
24. “Chùa Quốc Ân,”Tuyển dịch Văn bia chùa Huế, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 1-2 (49-50).2005, tr. 65-72.
25. Đại Nam nhất thống chí, Tập 1, Tlđd., tr.93.
26. Đại Nam thực lục, Tlđd., tr. 130.
27. Thích Không Nhiên (2017), “Tìm lại dấu tích cổ tự Tây Thiền thời chúa Nguyễn tại Độn Án,”Tạp chíLiễu Quán, Số 12, tr. 56 – 71.
28. Thích Đại Sán (2015), Hải ngoại kỷ sự, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội., tr. 109 – 123.
29. Hải Ngoại kỷ sự, Tlđd., tr. 234 – 235
30. Hải Ngoại kỷ sự, Tlđd., tr. 242
31. Nguyễn HiềnĐức (1995), Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 93
32. Lê Quý Đôn (2007), Phủ biên tạp lục, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr. 146.
33. Đại Nam thực lục, Tldđ., tr. 130
34. Xem Trương Thúy Trinh (2018), “Chính quyền chúa Nguyễn với Phật giáo ở Đàng Trong (Giai đoạn 1558-1777)”, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, Số 11 (179), tr. 12-30.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Thích Hải Ấn, Hà Xuân Liêm (2001), Lịch sử Phật giáo xứ Huế, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh. 
2. Nguyễn Khoa Chiêm (2016), Nam triều công nghiệp diễn chí, Ngô Đức Thọ - Nguyễn Thúy Nga (dịch và giới thiệu), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội. 
3. Phạm Đức Thành Dũng (2019), “Văn tự trên kiến trúc cung đình và chùa quán Huế, lịch sử hình thành và đặc điểm nội dung”, Liễu Quán Số 18, tháng 8, tr. 64-78.
4. Thích Đồng Dưỡng (2019),“Điển tịch cổ Phật giáo khắc tại Quảng Nam thời chúa Nguyễn”, Tạp chí Liễu Quán, Số 17, tháng 5, tr. 74-82. 
5. Phan Đăng (2017), “Ngũ Hành Sơn lục - Một tư liệu quý về Phật giáo ở Ngũ Hành Sơn”, Tạp chí Liễu Quán, Số 10, tháng 1,tr. 49-57.
6. Đỗ Minh Điền (2019), “Về ngôi chùa sắc tứ Hoàng Giác ở xã Hiền Sĩ xứ Thuận Hóa”, Tạp chí Liễu Quán, Số 16, tháng 1, tr. 87-94.
7. Nguyễn Hiền Đức (1995), “Lịch sử Phật giáo Đàng Trong”, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh. 
8. Tạ Quốc Khánh (2014), “Nhà Nguyễn với việc quản lý và sử dụng hệ thống chùa sắc tứ”, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, Số 06 (132) 2014, Tr. 
31-45 
9. Tạ Quốc Khánh (2012), Chùa sắc tứ vùng Huế, Luận án Tiến sĩ, Học viện Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. 
10. Phan Khoang (2016), Việt sử xứ Đàng Trong 1558 – 1777, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
11. Thích Không Nhiên (2017), “Tìm lại dấu tích cổ tự Tây Thiền thời chúa Nguyễn tại Độn Án”, Tạp chí Liễu Quán, Số 12, tháng 8, tr. 56-71. 
12. Trần Hồng Liên (2000), Phật giáo trong cộng đồng người Việt ở Nam Bộ - Việt Nam (từ thế kỷ XVII đến 1975), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội. 
13. Quốc sử quán triều Nguyễn (1977), Đại Nam nhất thống chí, Tập 1-5, Nxb. Thuận Hóa, Huế. 
14. Quốc sử quán triều Nguyễn (2004), Đại Nam thực thục, Tập 1, , Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
15. Châu Đạt Quan (1973), Chân Lạp phong thổ ký, Sài Gòn. 
16. Võ Vinh Quang (2018), “Văn bản thống kê pháp tượng, khí tượng chùa Quang Đức làng An Vân năm Bảo Đại thứ 10”, Tạp chí Liễu Quán, Số 15, tháng 8, tr.104-107. 
17. Võ Vinh Quang (2019), “Đại Hồng chung chùa Thiên Mụ - Bảo vật quốc gia thời chúa Nguyễn”, Tạp chí Liễu Quán, Số 17, tháng 5, tr. 99-104.
18. Thích Đại Sán (2015), Hải ngoại kỷ sự, Ủy ban Phiên dịch sử liệu Việt Nam (dịch), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội. 
19. Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên - Huế (2005), Tuyển dịch Văn bia chùa Huế, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, Số 1-2 (49-50). 
20. Thích Như Tịnh (2019), “Truyền thừa thiền phái Liễu Quán tại Quảng Nam - Đà Nẵng”, Tạp chí Liễu Quán, Số 18, tháng 8, tr. 79-86. 
21. Nguyễn Hữu Thông (2017), “Chính sách an dân từ niềm tin mộ Phật dưới thời các chúa Nguyễn”, Tạp chí Liễu Quán, Số 2, tháng 8, tr. 26-31. 22. Trương Thúy Trinh (2018), “Chính quyền chúa Nguyễn với Phật giáo ở Đàng Trong (Giai đoạn 1558-1777)”, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, Số 11 (179), tr. 12-30. 
23. Phạm Văn Tuấn (2017), “Thái Bình tự thạch bi và Phật giáo vùng Thuận Quảng”, Tạp chí Liễu Quán, Số 10, tháng 1, tr. 29 - 37. 
24. Tạ Chí Đại Trường (2006), Thần, người và đất Việt, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội. 
25. Viện Sử học, Lê Quý Đôn (2007), Phủ biên tạp lục, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội. 
26. Nguyễn Đắc Xuân (2017), Thiền Lâm - Ngôi chùa lịch sử, thiền viện đầu tiên lớn nhất ở xứ Đàng Trong, Nxb. Thuận Hóa, Huế

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục:

Ảnh hưởng của Phật giáo thời Lý đến các lĩnh vực giáo dục, văn học và phong tục tập quán của người Việt
Lịch sử, Văn hóa - Xã hội

Phật giáo thời Lý có ảnh hưởng mạnh mẽ đến các lĩnh vực giáo dục, văn học và phong tục tập quán của người Việt góp phần tạo nên bản sắc dân tộc ta trong giai đoạn nhà Lý trị vì. Tóm tắt: Khi đề cập đến sự tín ngưỡng tâm linh của người Việt thì...

Đi tìm cơ sở truyền thừa của Ni giới tại Việt Nam qua thư tịch Hán cổ
Lịch sử, Nghiên cứu

Lịch sử truyền thừa của Ni giới ở một số bộ phái Phật giáo nói chung mãi đến hôm nay vẫn còn nhiều vấn đề chưa thể lý giải trọn vẹn. Ngay như tại Việt Nam, do đặc thù của các điều kiện lịch sử, thế nên nhiều nguồn thư tịch quý giá cổ xưa...

Hai bảo vật quốc gia ở chùa Sùng Khánh và chùa Bình Lâm, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Vị Xuyên – Hà Giang không chỉ nổi tiếng về phong cảnh thiên nhiên phong phú, nhiều phong tục tập quán, văn hóa truyền thống và những di tích lịch sử mang đậm nét bản sắc dân tộc, mà còn nhiều điểm du lịch tâm linh như: Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên, đền thờ...

Chủ nghĩa Platon và giáo lý đạo Phật
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Thời đó, khoa học chưa phát triển, máy móc còn thô sơ nhưng họ hướng tới sự tìm tòi thế giới, bản tính con người một cách sâu sắc. Phật pháp ở thế gian, không xa sự giác ngộ của thế gian, tuy hai nền triết học khác nhau nhưng đều chung tư tưởng giúp...

Chấn hưng Phật giáo – Con đường truyền bá tư tưởng yêu nước của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc
Lịch sử, Nghiên cứu

Trong hành trình phương Nam, cụ Nguyễn Sinh Sắc đã tích cực tham gia và có nhiều đóng góp quan trọng cho phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam Bộ… Tóm tắt: Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, là một người yêu nước. Trong hành trình trên mảnh...

Sự dung hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian qua trường hợp Thiền sư Từ Đạo Hạnh
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Sự dung hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian ở vùng đồng bằng sông Hồng qua trường hợp thiền Sự Từ Đạo Hạnh đã tạo nên hỗn hợp Phật – Thánh mang tính quy chuẩn từ kiến trúc không gian thờ tự cho đến nội dung tôn giáo, trở thành một tổng thể tương đối...

Tín ngưỡng thờ phụng đức Phật Dược Sư thời nhà Đường
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Việc thiết lập đàn tràng và tu trì đức Phật Dược Sư trở nên quan trọng hơn dưới thời trị vì của vua Đường Túc Tông, thời kỳ triều đình nhà Đường phải vật lộn để vượt qua thách thức do những cuộc nổi dậy của quân đội trong nước gây nên… Tín ngưỡng thờ...

Bước đầu khảo cứu mộc bản kinh sách Phật giáo Đàng Trong thời chúa Nguyễn
Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Thông qua hoạt động tổ chức khắc in kinh sách, chúng ta thấy được mối quan hệ mật thiết giữa chính quyền chúa Nguyễn với các vị cao tăng, bên cạnh đó là mối quan hệ gắn bó, cầu tiến, giúp đỡ lẫn nhau giữa các vị sư tăng ở các tông phái khác nhau....

Quá trình phát triển giáo dục Phật giáo miền Nam 1954-1981
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Giáo dục Phật giáo là nền tảng cho mọi hoạt động hoằng pháp của tăng ni, tri thức giúp họ gặt hái được nhiều thành tựu to lớn trong sự nghiệp truyền thừa mạng mạch phật pháp. Mục lục bài viết1. Dẫn nhập2. Hoạt động ban sắc tứ3. Hoạt động cấp biển ngạch sắc tứ4....

Bồ-tát Quán Thế Âm Trong Văn Hóa Tín Ngưỡng Của Người Việt
Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Đức Quán Thế Âm trở nên thân thiết trong đời sống của người dân Việt đến mức trong sâu thẳm trái tim của mỗi người đều có hình ảnh về vị Bồ-tát luôn đầy lòng bi mẫn này. Ngài là một đối tượng tín ngưỡng thiêng liêng nhưng đồng thời là một người Mẹ thân thương luôn là chỗ dựa cho con cái trên đường đời lắm thác ghềnh,...

Thuyết tái sinh góp phần xây dựng giá trị đạo đức xã hội
Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Theo nhân quả nghiệp báo thì một hành động thiện sẽ dẫn đến các cảnh giới tái sinh tốt đẹp, do đó, tinh thần bất bạo động được xây dựng dựa trên nền tảng từ bi vô ngã trí tuệ của Phật giáo. Tóm tắt: Thuyết tái sinh và nghiệp báo là một trong những chủ...

Hòa thượng Tâm An phụng sự Đạo pháp và Dân tộc
Danh Tăng, Lịch sử, Nghiên cứu

Từ những buổi đầu Phật giáo suy vi, dân tộc chịu ách thống trị của thực dân Pháp, ngài tham gia cuộc chấn hưng Phật giáo Bắc Kỳ. Khi có Đảng lãnh đạo cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, ngài tích cực tham gia phong trào Phật giáo Cứu Quốc. Dẫn nhập Phật...

Ảnh hưởng của đạo Phật đến các giá trị văn hóa xã hội
Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Sự nhấn mạnh vào nhận thức bản thân, từ bi tâm và công lý xã hội đã biến đạo Phật thành một động lực kiên cường cho sự chuyển hoá tích cực. Đạo Phật ra đời ở Ấn Độ từ thế kỷ thứ 6 trước Tây lịch, trong điều kiện xã hội phân chia theo chế...

Những đóng góp của triều đại nhà Trần đối với Phật giáo Việt Nam về văn hoá, tư tưởng
Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Triều đại nhà Trần không chỉ là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong công cuộc khôi phục và phát triển đất nước, mà còn là thời kỳ đánh dấu sự thăng hoa của Phật giáo trong mọi lĩnh vực văn hóa, giáo dục và tinh thần của dân tộc. Mục lục bài viết1....

Các thiền sư thời Lê sơ và sự nỗ lực chấn hưng truyền thống văn hóa dân tộc Đại Việt
Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng với dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp dựng nước, giữ nước, đánh bạt âm mưu xâm lược, nô dịch văn hóa của thế lực phương bắc ngay từ những thế kỷ đầu. Tóm tắt Phật giáo thời Lê sơ (1428 – 1527) tuy ít được triều đình...

Hoà thượng Tâm Ấn Vĩnh Thừa Thiền – Tịnh – Mật tam hành
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Tóm tắt: Sự biến động về chính trị, xã hội của Việt Nam từ nửa sau thế kỷ XIX đã ảnh hưởng rất nhiều đến Phật giáo nước nhà, nên tông chỉ tu tập giữa các tông phái dần bị phai mờ, mất đi ranh giới mà thay vào đó là sự pha lẫn, hoà...

Ads Blocker Image Powered by Code Help Pro

Đã phát hiện trình chặn quảng cáo!!!

Chúng tôi đã phát hiện thấy bạn đang sử dụng tiện ích mở rộng để chặn quảng cáo. Vui lòng hỗ trợ chúng tôi bằng cách vô hiệu hóa các trình chặn quảng cáo này.