Trong dòng chảy lịch sử, văn hóa, văn học Việt Nam, có không ít những công trình kiến trúc từ lâu đã trở thành kinh điển, đại diện cho tinh thần và tư duy của một triều đại với những thăng trầm bi hùng. Không chỉ thế, nó còn mang xu hướng linh thiêng, là dữ kiện lịch sử đáng giá mỗi khi các bậc vãn bối tìm về nguồn cội. Chùa Diệu Đế – ngôi điện Thần – Phật ngự giữa đất Huế là minh chứng cho luận điểm trên. Nằm uy nghiêm giữa lòng Thần Kinh, trải qua bao biến cố, chùa Diệu Đế tự hào là nơi lưu dấu các vết tích xa xưa, giá trị của các bậc vương tôn, công chúa, các vị hoàng thân quốc thích thuộc dòng dõi quý tộc triều Nguyễn.

Mặc dù xứng danh kỳ quan cố đô, song các ghi chép sử học lẫn văn học đáng giá về chùa Diệu Đế trước nay vẫn nằm trong vòng khiếm khuyết, chưa được tra tầm, bổ cứu. Thật may mắn thay, trong lần khảo sát lại tư liệu Hán Nôm, chúng tôi đã tìm thấy toàn vẹn tập thơ Cống Thảo viên tập của Hoàng tử Nguyễn Phúc Miên Cư. Trong đó, có hai bài thơ nhắc đến các sự kiện đáng giá liên quan đến chùa Diệu Đế. Mặc dù chỉ là những “di vật” còn sót lại trước cơn bão táp của lịch sử, không cung cấp quá nhiều sử liệu trân quý. Song, thông qua những nghiên cứu còn dang dở trên, chúng tôi mong sẽ có thể tìm được nhiều nguồn tài nguyên văn tịch đáng giá, góp phần vào việc bổ cứu, bảo tồn văn hóa dân tộc.

LƯỢC THẢO VỀ CHÙA DIỆU ĐẾ – NGÔI BẢO ĐIỆN TỌA LẠC GIỮA ĐẤT THẦN KINH 

Theo lịch sử chép lại, chùa Diệu Đế nguyên là phủ của Hoàng tử Nguyễn Phúc Miên Tông, con vua Minh Mạng. Đại Nam thực lục (Tập 6) có chép rằng ông “Tên huý là [Miên Tông], lại huý là [Tuyền] sinh ngày Nhâm Tí, 11 tháng 5, năm Đinh Mão, Thế tổ Cao Hoàng đế Gia Long năm thứ 6 (Thanh, Gia Khánh năm thứ 12) [1807], là con trưởng của Thánh tổ Nhân Hoàng đế. Mẹ là Thuận Đức Nhân Hoàng hậu họ Hồ, sinh nhà vua ở ấp Xuân Lộc phía Đông Kinh thành (sau này lập lên chùa Diệu Đế ở ngay chỗ đất ấy)”. Năm 1841, Hoàng tử Miên Tông nối ngôi, lấy niên hiệu là Thiệu Trị, đến tháng 3 năm 1844, chùa Diệu Đế được xây dựng.

Trước khi ấy, Thống quản Thị vệ Vũ Văn Giải tâu nói: “Ấp đông Xuân Lộc ở trong Kinh thành, nguyên là Viên trạch của Phước Quốc công, nay xin lập thêm ngôi chùa ở nơi đất quý phát phước để cầu phước cho dân”. Vua bèn phê giao cho 2 bộ Lễ, Công bàn luận tâu lên, thì vua đều cho là hợp lý, mới sai bộ Binh phải điều động 600 người biền binh, khởi công làm. Dùng thự Thống chế dinh Long võ là Tôn Thất Nghị – Đốc công việc này. Công việc thợ thuyền xong, vua sai đặt tên chùa là chùa Diệu Đế, điện là điện Đại Giác, các [gác] là các Đạo Nguyên, nhà trai bên tả là Cát Tường từ thất, nhà trai bên hữu là Trí Tuệ tịnh xá, trước mặt dựng lầu Hộ Pháp, bên tả bên hữu đều dựng cửa Linh Tinh. Quy chế rất rộng rãi” [1, tr.581].
[…]

Đặt đàn chay trọng thể ở chùa Diệu Đế, sai Thống chế Tôn Thất Nghị, Tham tri Lý Văn Phức – Đốc công việc này. Vua dụ rằng:“Ta lập lên ngôi chùa, vì dân cầu phước, nay thợ xây dựng đã xong, gặp ngày tiết “Vu Lan” (1*).

1. Nên mở một đàn chay to, trên cầu cho Thánh tổ mẫu (2*).
2. Nhân Tuyên Từ Khánh Thái hoàng Thái hậu ta, sống lâu thêm tuổi, hưởng mãi phước lành, mạnh trời ban cho, tuổi thọ nhiều phước; phổ nguyện cho năm được mùa, nước sông thuận, nước thịnh, dân yên, cùng hưởng phước thái bình; tụng kinh một tuần 7 ngày. Lại đặt đàn phổ độ [cho vong nhân] để rộng thiện duyên.
Có một nhà sư họ Hứa, pháp hiệu là Liễu Tính, vào cửa Thiền từ khi lên 5 tuổi ở hang núi Trường Lịch, hiểu Đạo Phật được sâu; đến đây, cầm gậy tích trượng sang phương Nam, trụ trì ở chùa này. Vua khen ngợi, cho hiệu là Tịch cốc Tăng (3*) [1, tr.617-618].

Trong Châu bản triều Nguyễn, hiện bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I cũng có những ghi chép tương tự như vậy. Điều đó cho thấy, chùa Diệu Đế được xây dựng thành ngôi bảo tự để cầu mong cho quốc thái, dân an, phổ nguyện cho quốc triều được vạn khánh, an khang. Từ thuở khai lập đến nay, chùa vẫn nằm yên vị bên bờ sông Đông Ba, gần cầu Gia Hội. Trải qua nhiều lần trùng tu, mấy lần biến cố đặc biệt là biến cố năm 1882 và 1885, đến năm 1950 chùa mới được khang trang và gìn giữ cho đến hiện tại. Với cảnh sắc yên tĩnh, không gian trầm lắng hòa lẫn cùng tiếng kinh kệ, trầm hương, đây không chỉ là nơi cho các Tăng, Ni tu tập, mà còn là địa điểm nức tiếng cho du khách thập phương lai vãng ghé thăm. Vì đây là chốn không môn, nơi dành cho các tín đồ tu tập cho nên không gian chùa cũng có các bức hoành phi, đối liễn đậm ý nghĩa Phật giáo. Trong bài viết Giới thiệu hệ thống hoành phi câu đối của chùa Diệu Đế của tác giả Nguyễn Xuân Nhật [2] đã cung cấp cho người đọc những tư liệu Hán ngữ giá trị về các bức biển ngạch lẫn câu đối khắc trong chùa Diệu Đế. Thông qua những câu đối trên, người đọc có thể thấm được một cách thuần túy các ý niệm triết học Phật giáo một cách uyên nguyên, bản thể nhất.

Chẳng hạn như câu:

一滴遍十方,眾海朝宗香水海
微塵含大地,群山仰止妙高山

Phiên âm:
Nhất trích biến thập phương, chúng hải triều tông Hương Thủy hải (4*),
Vi trần hàm đại địa, quần sơn ngưỡng chỉ Diệu Cao sơn (5*).

Dịch nghĩa:
Một giọt nước khắp mười phương, muôn biển cùng chầu biển Hương Thủy,
Bụi nhỏ mà bao hàm cả đại địa, mọi ngọn núi ngưỡng trông núi Diệu Cao.

Hay như trong Bia Ngự chế thi đề Diệu Đế tự (1846) của vua Thiệu Trị [3] được đặt trong chùa Diệu Đế cũng viết rằng:
雖象教虛無,亦勸人為善,則何妨于王道者哉.

Phiên âm: Tuy Tượng giáo hư vô, diệc khuyến nhân vi thiện, tắc hà phương vu Vương đạo giả tai.
Dịch nghĩa: Tuy giáo lý nhà Phật rỗng lặng, mà cũng khuyên dân làm điều thiện, thì có gì gây hại cho Vương đạo đâu.

Điện Đại Giác chùa Diệu Đế. (Ảnh: daophatngaynay.com)

Qua vài câu đối trên, có thể thấy tinh thần trọng thị Phật giáo của các vua đầu triều Nguyễn cũng như người dân bấy giờ. Phật giáo tồn tại như một tôn giáo truyền thống của dân tộc, bên cạnh Nho giáo và Lão giáo, góp phần đáp ứng nhu cầu tâm linh và văn hóa của nhân dân. Có thể nói, chùa Diệu Đế chính là một chứng tích cho cuộc thông hiểu siêu quần các giá trị nhiệm mầu trong tinh hoa pháp không của Phật giáo thời Nguyễn.

KHAI QUÁT VỀ TẬP THƠ CỐNG THẢO VIÊN TẬP CỦA NGUYỄN PHÚC MIÊN CƯ 

Thân thế và hành trạng của Nguyễn Phúc Miên Cư (Trọng Trữ):

Nguyễn Phúc Miên Cư (阮福綿𡨢; 16/10/1829 – 6/4/1854), tự là Trọng Trữ 仲貯, tước phong Quảng Trạch Quận công 廣澤郡公, là Hoàng tử của vua Minh Mạng. Mẹ ông là Ngũ giai Hòa Tần Nguyễn Thị Khuê. Theo Đại Nam liệt truyện, ông là người con thứ hai của bà Hòa Tần, ngay từ nhỏ đã bộc lộ tư chất thông minh, đĩnh đạc, đọc thông các sách của Bách gia chư tử, Kinh sử tử tập. Không những thế, ông còn là người giỏi đàm luận, viện dẫn chứng cứ chuẩn xác, văn ngôn bay bổng, nhịp nhàng. Cũng chính vì lý do đó mà suốt quãng đời sống trong nhung lụa, ông được vua yêu thương hết mực [4, tr.91].

Cũng theo sách Đại Nam thực lục, vào năm Minh Mạng thứ 21 (1840), ông được phong làm Quảng Trạch Quận công (廣澤郡公) [1, Tập 5, tr.635]. Ngoài ra, ông còn được vua Minh Mạng ban thưởng cho con sư tử bằng vàng nặng 5 lạng 8 đồng cân trong dịp phong tước cho các Hoàng thân anh em, Hoàng tử, Công chúa chưa được nhận tước [1, Tập 5, tr.695]. Mặc dù tài cán là thế, song thọ mạng của ông không được dài. Năm Tự Đức thứ 7 (1854), Giáp Dần, ngày 09 tháng 3 (âm lịch), Quận công Miên Cư qua đời, hưởng dương 26 tuổi, thụy là Đoan Mẫn (端敏). Mộ của ông được an táng tại Dương Xuân Thượng (nay thuộc địa phận của phường Thủy Xuân, Huế), còn phủ thờ dựng ở phường Phú Mỹ, Huế.

Tập thi phú duy nhất vẫn còn của ông hiện nay là Cống Thảo viên tập 貢草園集 có lời đề tựa đầu bài và bài Thảo bạt của Miên Thẩm [5].

Cống Thảo viên tập – minh chứng về cuộc sống quý tộc thời Nguyễn:

Cống Thảo viên tập 貢草園集 nghĩa là tập thơ vườn Cống Thảo. Đây là tập thơ còn sót lại của hoàng tử tài hoa Miên Cư, là minh chứng sống cho cuộc sống quý tộc của Hoàng tộc trong triều đình nhà Nguyễn. Với nội dung tường thuật lại những chuyện xoay quanh vườn Cống Thảo, tập thơ đã diễn tả được một cách đầy đủ đời sống xa hoa, yến tiệc vô cùng thỏa thích của Hoàng tộc triều Nguyễn. Từ việc tổ chức họp mặt đến việc du sơn, ngoạn thủy, từ việc đề vịnh thi từ đến việc xướng họa thơ ca, tất cả đều phản ánh một cách chân chỉ, sinh động phương cách sinh hoạt, lối sống phóng dật, tiêu dao của những người thuộc dòng dõi quý tộc thời Nguyễn. Trong lời bạt của Nguyễn Phúc Miên Thẩm, khi nói về Cống Thảo viên tập đã nhận định về tập thơ này như sau:

園名貢草,竊取周禮之文,筆夢生花,自命作漢翻之集,三盆繅罷,絲絲朱綠玄黃一卷,編成字字蘭蓀茝蕙。然而陳思不用,每恍惚而病愁淮南,自傷或攀援而招隱,嫉邪忤俗,辰見歌謠,騎鶴吹笙,遂成詩讖。君詩有云:愁極忽生伊洛想,吹生騎鶴謝辰人。蓋用心過苦,原非精神所堪,維憂能傷竟使年壽不永者也。

Phiên âm:
Viên danh Cống Thảo, thiết thủ Chu Lễ chi văn, bút mộng sinh hoa, tự mệnh tác Hán Phiên chi tập, tam bồn tảo bãi, ti ti chu lục huyền hoàng nhất quyển, biên thành tự tự lan tôn chỉ huệ. Nhiên nhi Trần Tư bất dụng, mỗi hoảng hốt nhi bệnh sầu, Hoài Nam tự thương hoặc phàn viên nhi chiêu ẩn, tật tà ngỗ tục, thần kiến ca dao, kị hạc xuy sanh, toại thành thi sấm. Quân thi hữu vân: Sầu cực hốt sinh Y Lạc tưởng, Xuy sanh kị hạc tạ thần nhân (6*). Cái dụng tâm quá khổ, nguyên phi tinh thần sở kham, duy ưu năng thương cánh sứ niên thọ bất vĩnh giả dã.

Dịch nghĩa:
Vườn tên Cống Thảo, trộm lấy văn trong sách Chu Lễ, bút thể sinh hoa, tự mình trứ tác tập Hán Phiên, ba lần ngâm kén rút tơ, từng câu như từng sợi từng sợi tơ mành đỏ xanh đen vàng hợp thành một quyển, từng chữ từng chữ được biên thành thể như lan tôn chỉ huệ (các thứ có thơm). Nhưng mà Trần Thư (Tào Thực) không được dùng, hoảng hốt mà thành bệnh sầu; Hoài Nam (tức Lưu Ôn) tư thương thân, hoặc nương tựa mà tìm người ẩn dật. Ghét kẻ gian tà trái thói đời, thường thấy trong bài thơ; cưỡi hạc, thổi tiêu, thành câu thơ sấm. Thơ ông có nói rằng: “Sầu nặng chợt sinh nhớ Y Lạc, Thổi tiêu cưỡi hạc tạ người đời”. Đại để là vì dụng tâm quá khổ, vốn dĩ tinh thần có chỗ bất kham, lo quá thành ốm, cho nên hưởng tuổi trời chẳng được lâu.

Bìa Cống Thảo viên tập

Có thể thấy, Nguyễn Phúc Miên Thẩm cực kỳ đánh giá cao tài thơ Nguyễn Phúc Miên Cư, ví ông như Tào Thực và Lưu Ôn, nhận định tâm khí ông một cách sâu sắc, đáng nể. Thực tế, lời thơ trong Cống Thảo viên tập mặc dù chỉ xoay quanh đời sống thường nhật của các hoàng tử triều Nguyễn, tuy nhiên, từ cách vận dụng từ ngữ, cách sử dụng câu cú và ứng dụng điển cố cho thấy ông Miên Cư là một người tài hoa bác lãm. Từ những câu thơ tả cảnh ngụ ý, ngụ tình: “Thâm thâm dã kính vân mặc, Viễn viễn giang thuyền hỏa minh”. (深深野徑雲墨,逺逺江船火明。- Đường hoang thăm thẳm mây mù, Xa xa thuyền đậu sông lòa lửa thiêng (Dạ bạc nhị tuyệt 夜泊二絕 – Đậu thuyền đêm hai bài) đến những câu thơ chan chứa nỗi sầu thiên cổ: “Phiếm bi Công tử yến, Thập thúy mỹ nhân hành. Độc hữu khán vân khách, Thê nhiên bách cảm sinh”. (汎陂公子宴,拾翠美人行。獨有看雲客,悽然百感生。- Sông xa công tử mở bàn tiệc, Người đẹp du xuân điểm thúy lông. Chỉ khách ngắm mây ngơ ngác tiếc, Buồn buồn cảm khái trăm cơn dồn) (Thanh minh tác 清明作 – Làm trong tiết thanh minh). Chỉ thế thôi cũng đủ để khiến cho người đọc bùi ngùi, thương cảm rồi vậy. Cái bần thần của Miên Cư vừa như một lời sấm cho những biến động sắp sửa của lịch sử, vừa như một lời tuyệt mệnh của những kẻ phong vận, sống trong cảnh giàu sang mà bao giờ cũng miên man buồn tủi. “Phong vận kỳ oan ngã tự cư” (Nguyễn Du), có phải chăng vì thế mà người đoản mệnh? Âu cũng là cái số vậy!

Bản Cống Thảo viên tập mà chúng tôi đang giữ là bản được khắc vào năm Hàm Phong thứ 4 đời nhà Thanh (tức là năm Tự Đức, Giáp Dần thứ 7 (1854)) có kích thước ước chừng 17.9 x 13.5 cm. Bản có số hiệu 13519 và được lưu tại Thư viện Trung ương Quốc lập Đài Loan [5]. Đây là bản chữ khắc in, không để dấu ngắt câu, mỗi dòng chừng 15 – 22 chữ, viết theo cột dọc từ phải sang trái. Bìa có dòng chữ Cống Thảo viên tập 貢草園集, Tự Đức Giáp Dần tuyên 嗣德甲寅鐫 (Năm Giáp Dần, Tự Đức khắc). Tập thơ có tổng cộng 103 bài thơ, 2 bài tự – bạt của Miên Thẩm và 4 câu bị khuyết, trích từ các bài thơ đã bị thất lạc. Trong bản khắc in có nhiều chữ kỵ húy được viết lược nét chẳng hạn như chữ Hoa 華 bị lược nét sổ ở giữa hay chữ nhật 日 bị lược nét ở giữa… Trong tập thơ, còn lưu lại một vài di thảo của Miên Thẩm từ những câu thơ bị ngắt trong một bài thơ chưa tỏ đến những bài thơ luật thi, tuyệt cú. Tất cả được lưu lại và khắc in một cách rõ ràng, rành mạch. Ngoài những bài thơ của Miên Cư, Miên Thẩm còn có những bài thơ xướng họa của những nhà thơ khác cũng là hoàng thân quốc thích trong triều Nguyễn. Mặc dù theo nghiên cứu của tác giả Trần Trọng Dương (2011) tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm [6], ông cho rằng bản Cống Thảo viên tập đã mất, song qua quá trình khảo sát và sưu tầm tư liệu, chúng tôi đã tìm thấy được bản khắc in lưu tại Đài Loan. Đây là một phát hiện quý báu giúp các nhà nghiên cứu có thêm cơ hội để tìm hiểu một cách tường tận văn chương Việt Nam nói chung và văn phong của Miên Cư nói riêng; góp phần vào việc sưu tầm và bảo tồn các tài liệu Hán Nôm đáng giá của Việt Nam đã từng cho là bị thất lạc.
Về hai bài thơ có liên quan đến chùa Diệu Đế in trong Cống Thảo viên tập

Trong tập thơ Cống Thảo viên tập của Nguyễn Phúc Miên Cư, có hai bài thơ được trứ tác có liên quan đến địa danh chùa Diệu Đế nổi danh trên đất Huế. Trong số hai bài thơ, có một bài mô tả cảnh hội Du Già với tên gọi Dữ chư công đăng Diệu Đế tự lâu quan Du Già hội 與諸公登妙諦寺樓觀瑜伽會 (Cùng với các anh lên lầu chùa Diệu Đế xem hội Du Già) và một bài nói về cuộc “đối thoại” Phật pháp về người thượng nhân họ Nguyện ở chùa Kỳ Viên với sư Tăng Cương (7*) ở chùa Diệu Đế với tựa Kỳ Viên tự Nguyện thượng nhân phụng sắc vị Diệu Đế tự Tăng Cương khất thi nhân thị 祇園寺願上人奉敕為妙諦寺僧綱乞詩因示 (Người thượng nhân tên Nguyện tại chùa Kỳ Viên phụng sắc đến xin thơ cho ngài Tăng Cang ở chùa Diệu Đế nhân đó bày tỏ). Cả hai bài thuộc hai khuynh hướng khác nhau, một bài thuần tả cảnh, một bài thuần triết luận. Tuy nhiên, mỗi bài lại có những nét đặc sắc riêng biệt, thông qua cách vận dụng điển cố, gieo vần, đối ngẫu, người đọc có thể chiêm nghiệm được những đặc trưng nghệ thuật lẫn nội dung hàm ẩn sâu trong từng câu thơ tưởng như vô tri, ngủ im trong điển tịch nát nhàu.

Nguyên văn bài thơ Kỳ Viên tự Nguyện thượng nhân phụng sắc vị Diệu Đế tự Tăng Cương khất thi nhân thị 祇園寺願上人奉敕為妙諦寺僧綱乞詩因示 như sau:

空門棲遁許多年,
不分恩波及野禪。(8*)
官閣偈餘鐘動月,
古龕歸後錫飛烟。
誰知得道僧無可 (9*)
又愛狂吟白樂天。(10*)
善性從來饒慧業,
應須成佛在人前。

Phiên âm:
Không môn thê độn hứa đa niên,
Bất phận ân ba cập Dã thiền.
Quan các kệ dư chung động nguyệt,
Cổ kham quy hậu tích phi yên.
Thùy tri đắc Đạo tăng Vô Khả,
Hựu ái cuồng ngâm Bạch Lạc Thiên.
Thiện tính tòng lai nhiêu tuệ nghiệp,
Ưng tu thành Phật tại nhân tiền.

Dịch nghĩa:
Ngài ở cửa Thiền ẩn cư đã nhiều năm rồi,
Chẳng còn bị tạp loạn với chuyện ân trạch với Dã thiền.
Dư âm Kinh kệ còn vẳng trên gác quan, tiếng chuông mõ khua động cả ánh trăng,
Sau khi trở về Ngài đứng trước bàn thờ cổ nâng tích trượng hướng lên màu khói tỏa trong không gian.
Ai biết tăng Vô Khả là người đắc đạo,
Mà lại ham thích sự cuồng ngâm của Bạch Lạc Thiên.
Xưa nay thiện tính thường dung chứa nhiều tuệ nghiệp,
Chỉ mong tu tập có ngày được thành Phật ngay tại cõi người.

Dịch thơ:
Cửa Thiền vắng bóng nhiều năm liền,
Chẳng loạn sóng ân lẫn Dã thiền.
Kinh kệ dư âm chuông nguyệt động,
Bàn thờ nâng trượng khói vờn xuyên.
Ai hay đạo nhiệm tăng Vô Khả,
Lại đắm rượu cuồng Bạch Lạc Thiên.
Thiện tính xưa nay đựng tuệ nghiệp,
Tu hành hóa chuyển Phật nhân gian.

Nguyên văn bài thơ Kỳ Viên tự Nguyện thượng nhân phụng sắc vị Diệu Đế tự Tăng Cương khất thi nhân thị.

Điểm đặc biệt trong bài thơ này nằm ở hai khía cạnh: Thứ nhất, về nội dung, bài thơ đi theo mô típ cấu trúc cổ điển với đề – thực – luận – kết có phần mở đầu mô tả hoàn cảnh gặp gỡ cũng như bối cảnh gợi cảm hứng cho sự trứ tác bài thơ. Sau khi đi hết phần khai, tác giả chuyển sang phần thực với nội dung tả cảnh đương hiện. Hình ảnh kinh kệ cùng tiếng chuông lay động giữa thinh không hòa với hương khói mờ nhân ảnh tạo nên một không gian vừa thực vừa ảo, vừa tỏ vừa lu. Vì đây là bài thơ Hoàng tử Miên Cư viết nhân chuyện người Thượng nhân tên Nguyện đến xin thơ cho ngài Tăng Cương của chùa Diệu Đế, cho nên trong hai câu luận tác giả đã sử dụng hai điển tích nói về hai nhân vật trứ danh trong lịch sử Trung Hoa, đặt trong thế đối sánh giữa một người thi nhân cuồng ngâm và một người là tinh sư tĩnh tại. Hai câu luận không chỉ như một lời tra vấn về thú vui thi phú của bậc sư sãi mà còn hàm chứa lời phúng dụ về sự tu hành. Thực tế, tính cuồng ngâm trong thơ và sự tĩnh tịch trong Thiền vốn không thể hỗn dung thành một. Nhưng cái đáng luận ở bài thơ này nằm ở tính cật vấn ngay từ câu khởi luận, cái tưởng như đối nghịch trong tâm thế của một Thiền sư đã đoạn tuyệt trần tục, không bị vướng mắc trong chuyện “ân ba” (tức bổng lộc, chẳng hề vướng bận công danh) và “Dã thiền” (tức thác pháp, giác ngộ chẳng còn sai sót trong chuyện công phu) lại hợp nhất tồn tại thành một dạng tâm thức vừa mang tính cuồng phóng nhưng lại vừa mang tính thâm trầm. Đây là điểm đặc biệt trong bài thơ của Hoàng tử Miên Cư. Trong một bài thơ gửi cho Đạo Tiềm, nhà thơ Tô Thức cũng đã đưa ra những ý kiến tưởng như đối nghịch, song lại hợp lý hợp tình khi nói đến mối quan hệ giữa thi nhân và Phật nhân, giữa thi phú và đạo pháp:

頗怪浮屠人,視身如丘井。
頹然寄淡泊,誰與發豪猛?
[…] 詩法不相妨,此語當更請。

Phiên âm:
Phả quái Phù đồ nhân, Thị thân như khâu tỉnh.
Đồi nhiên ký đạm bạc, Thùy dữ phát hào mãnh.
[…] Thi Pháp bất tương phương, Thử ngữ đương cánh thỉnh.

Dịch nghĩa:
Lạ thay những người đi tu Phật,/ Coi thân này như là gò, là giếng, chật hẹp và tù túng,/ Nên chịu cảnh đạm bạc, trơ vơ,/ Thì đi bộc bạch cái hào, cái mãnh với ai?
[…] Thơ và pháp không chống trái nhau,/ Cái đó nhờ Thượng nhân hạ quyết.

Phải chăng, trong đạo tâm cũng phải có chút tính “cuồng ngâm” mới có thể thắng đạo tựa như ngài Tế Điên thuở trước? Cuối cùng, ở hai câu hợp (kết), tác giả nhận định chỉ có thiện tánh mới có thể dung chứa tuệ nghiệp, khi tuệ nghiệp được huân tập đủ đầy sẽ trở thành Phật ngay cõi nhân gian, tức trở thành người giác ngộ chân lý, thấu suốt vạn vật trong cõi nhân hoàn. Tuệ nghiệp là một thuật ngữ trứ tiếng trong giáo lý đại thừa rút từ lời kinh Phật thuyết Bát đại Nhân giác: “Thường niệm Tri túc, an bần thủ đạo, duy tuệ thị nghiệp” (常念知足,安貧守道,唯慧是業 – Luôn nghĩ việc biết đủ, yên trong cảnh nghèo mà giữ được đạo sáng, chỉ xem tuệ giác là sự nghiệp đời mình). Vừa mang nghĩa tu tập để đạt đến giác ngộ lại vừa mang nghĩa lợi tha ích sinh, dung dưỡng tinh thần nhập thế. Như vậy, nội dung toàn văn bài thơ mang ý niệm giáo huấn trong tương quan chuyển hóa các giáo lý Phật giáo, hỗn dung vào trong các món tinh thần thường nhật với mục đích “đạo bất ly nhân, pháp bất ly quần”.

Thứ hai, về mặt nghệ thuật, đây là một bài thơ thuần khuynh hướng cổ điển với bố cục cân đối, ý tứ đăng đối và vần vè hòa đối. Sử dụng luật thi làm sườn cốt tôn ý nghĩa toàn văn, lại sử dụng lối gieo vần chính vận khuôn phép (Chính vận là sử dụng các vần thuộc cùng một bộ vần, bộ vần thường dùng sẽ tuân theo cách sắp xếp vận mẫu thời cổ đại được quy định tùy thuộc vào cách phân chia của từng loại sách chẳng hạn như Thiết vận 切韻, Đường vận 唐韻, Quảng vận 廣韻, Nhâm tử tân san lễ bộ vận lược 壬子新刊禮部韻略, Bội văn thi vận 佩文詩韻, Từ Lâm chính vận 詞林正韻. Trong trường hợp này chúng tôi dùng Bình thủy vận 平水韻). Bài thơ sử dụng các vần niên 年, thiền 禪, yên 烟, thiên 天 và tiền 前 thuộc cùng một bộ vận là Hạ bình nhất tiên 下平一先, lại thêm phần niêm luật chặt chẽ, đăng đối hài hòa theo kiểu chỉnh đối khiến cho bài thơ mang đậm tính tập cổ. Tóm lại, có thể thấy, mặc dù không miêu tả quang cảnh chùa Diệu Đế cũng không nhắc nhiều đến đặc trưng ngôi cổ tự này nhưng thông qua bài thơ, có thể thấy được phong khí sinh hoạt Phật giáo giữa các tòa bảo điện ngày xưa khá sôi nổi và hài hòa. Các vấn đề Phật pháp được bày tỏ một cách trực quan, sinh động khiến cho không gian văn hóa Phật giáo có cơ hội được phủ khắp quần sinh. Dưới góc nhìn của một Hoàng tử chốn cung son, Miên Cư đã cho người đọc thấy được những thể nghiệm của bản thân trước các vấn đề sâu rộng trong đạo pháp Phật giáo. Phải là người có chí khí cao ngạo và tâm hồn mẫn tiệp như thế mới có thể phát biểu được những lời giá trị đến vậy. Đó là điều mà tác phẩm này gợi lại trong tâm thức người đọc.

Ngoài bài thơ trên, trong Cống Thảo thi tập còn có một bài khác nói đến không gian sinh hoạt Phật giáo sinh động của chùa Diệu Đế. Đó là tác phẩm Dữ chư công đăng Diệu Đế tự lâu quan Du Già hội 與諸公登妙諦寺樓觀瑜伽會 (Cùng với các anh lên lầu chùa Diệu Đế xem hội Du Già). Nguyên văn bài thơ như sau:

一上高樓迴絕塵,
諸天明月望中真。
卽看今夕瑜伽會。
誰是天花不著身。

Phiên âm:
Nhất thượng cao lâu hồi tuyệt trần,
Chư thiên minh nguyệt vọng trung chân.
Tức khán kim tịch Du Già hội.
Thùy thị thiên hoa bất trứ thân.

Dịch nghĩa:
Lên thẳng lầu cao nhìn lại không còn vướng mắc bụi trần,
Ánh trăng sáng trên trời không như đương vọng ngóng chân pháp (Như Lai).
Đêm nay được nhìn thấy hội Du Già,
Không biết ai người không tô điểm khoa trương hoa tiên nơi thượng giới.

Dịch thơ:
Lầu cao nhìn xuống bụi trần tan,
Ánh nguyệt khắp trời rọi pháp chân.
Đêm ngắm Du Già hội Phật thánh,
Ai người không điểm nhành hoa tiên.

Nguyên văn tác phẩm Dữ chư công đăng Diệu Đế tự lâu quan Du Già hội 與諸公登妙諦寺樓觀瑜伽會

Trong bài thơ này có nhắc đến một sự kiện diễn ra trong chùa Diệu Đế: Du Già hội hay còn gọi là hội Yoga. Thực tế, nếu nghe thuật ngữ Yoga, người đọc sẽ nghĩ ngay đến phương thức luyện tập Yoga hiện đại. Thực tế, cái gọi là hội Du Già lại là một phương pháp Thiền định có liên quan đến việc tu tập Yoga hiện nay. Trong Kinh điển Phật pháp, Du Già tiếng Tây Tạng đọc là Rnal-hbyor, có nghĩa là ‘tương ưng’, tức là dùng phương pháp điều hòa hơi thở để nhiếp tâm với mục đích đạt được trạng thái tương ứng với chánh pháp. Phương pháp này ra đời và cũng đã từng được đức Thích Ca ứng dụng tu tập với các bậc Thầy như: Ārāda Kālāma, UdrakaRāmaputra. Trong hệ thống Du Già, có bốn bộ phận lớn bao gồm: Karma Yoga (lấy hành động làm phương tiện giải thoát), Bhakti Yoga (lấy tình thương làm căn bản xử thế), Jnana Yoga (suy luận thấu đạt chân lí) và Raja Yoga (Thiền định). Trong Du Già có tám phép thực tiễn, bao gồm: Giữ giới (yama), Tu dưỡng (niyama), Ly thế (pratyahara), Kiết già (asama), Kiểm soát hơi thở (pranayama), Thiền (dharana), Định (dhyana) và Tuệ (samadhi) [7]. Như vậy, có thể thấy hội Du Già mà Nguyễn Phúc Miên Cư đề cập đến nhân khi lên lầu chùa Diệu Đế chính là ám chỉ hội những thiện nam, tín nữ luyện tập Thiền định theo cách thức Yoga. Việc luyện tập theo phương pháp này hiện nay ít khi được hỗn dung trong môi trường chùa chiền và đã tách riêng ra thành một bộ môn thể chất xã hội. Tuy nhiên, ngay từ thời Nguyễn, đặc biệt tại chùa Diệu Đế lại thực hiện phổ biến phương pháp này. Đây là điều đặc biệt trong lịch sử sinh hoạt Phật giáo tại ngôi điện ngự giữa xứ Huế này. Trong những miêu tả của Hoàng tử Nguyễn Phúc Miên Cư, người đọc có thể thấy được tính trang nghiêm thanh tịnh trong không gian sinh hoạt hội Du Già. Việc nhân hóa hình tượng ánh trăng cùng những tán tụng về khí chất con người trong môi trường tu tập đã cho thấy sự sinh động trong bối cảnh công phu, sinh hoạt Phật giáo thời Nguyễn. Về giá trị nghệ thuật, cũng như bài thơ trên, đây là một sáng tác thuần khuynh hướng cổ điển với niêm đối chặt chẽ, cách gieo vần theo hình thức chính vận với các vần trần 塵, chân 真, thân 身 thuộc cùng một bộ vận là Thượng bình thập nhất chân 上平十一真. Có thể thấy, bài thơ đã diễn tả một cách khái lược không gian Phật giáo thời Nguyễn cũng như các hoạt động diễn ra tại chùa Diệu Đế ngày xưa. Đây chính là những điểm cần lưu ý đáng nhớ để các học giả sau này tiếp tục tra tìm và nghiên cứu.

Tóm lại, thông qua hai bài thơ vừa được tìm thấy của vua Nguyễn Phúc Miên Cư trong Cống Thảo viên tập trên, chúng tôi cho rằng đây là hai “di chỉ” đáng giá góp phần vào việc nghiên cứu và bổ sung tư liệu lịch sử đối với những công trình kiến trúc có giá trị văn hóa. Thực tế, mặc dù hai tác phẩm thơ trên chưa phải là hệ thống hoàn thiện, cung cấp quá nhiều các bằng chứng cũng như tài liệu vào việc củng cố lịch sử chùa Diệu Đế song thông qua việc phân tích các điểm đặc biệt, đồng thời chỉ ra được một vài quan điểm lịch sử từ hai bài thơ trên, người đọc có thể hình dung ra được lề lối, phong cách sinh hoạt cũng như tinh thần thấm nhuần Phật lý trong tư duy Phật giáo thời Nguyễn khi ấy. Chúng tôi cho rằng, cần phải trả về một cách sòng phẳng những thứ vốn dĩ liên quan đến lịch sử chùa Diệu Đế để những di tích mang tầm quốc gia và có giá trị như một chứng nhân thời đại ấy được con người tôn quý, trân trọng và gìn giữ. Không chỉ bảo lưu riêng cho thế hệ thời nay mà còn đối với các thế hệ sau.

Nguyễn Thanh Lộc

Link bài viết gốc: https://tapchivanhoaphatgiao.com/luu-tru/11508


Tài liệu tham khảo:

[1] Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Tổ phiên dịch Viện sử học dịch (2007), Đại Nam Thực Lục, Nxb Giáo dục, Tam Kỳ, Quảng Nam.
[2] Nguyễn Xuân Nhật (2015), Giới thiệu hệ thống hoành phi câu đối của chùa Diệu Đế, đăng trên Tạp chí Văn hóa Phật giáo ngày 1/8/2015, Nxb Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP HCM.
[3] ThS. Tạ Đức Tú (2014), Văn bia chùa Huế (thành phố Huế) thể hiện tiến trình phát triển Phật giáo ở Đàng Trong, đăng trên phatgiaohue.vn, truy cập ngày 22/7/2021. Truy xuất từ trang http://www.phatgiaohue.vn/Print.aspx?TinTucID=2802
[4] Quốc sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam liệt truyện, tập 3, quyển 7 – phần Quảng Trạch Quận công Miên Cư, Viện sử học Việt Nam, Nxb Thuận Hóa, Huế.
[5] Nguyễn Miên Cư (1854), Cống Thảo viên tập, Đài Loan Quốc lập Trung ương Đồ thư quán sở tàng, Số hiệu 13519.
[6] Trần Trọng Dương (2011), Khảo sát tình hình văn bản tác phẩm một số tác gia hoàng tộc triều Nguyễn, đăng trên Thông báo Hán Nôm học 2009, Tr.302 -321, truy cập vào ngày 22/7/2021, từ http://www.hannom.org.vn/detail.asp?param=1881&Catid=789.
[7] Du Già, truy cập ngày 23/7/2021. Truy xuất từ https://phapthihoi.org/blog/tu-dien-phat-giao/du-gia/.
(1*) Vu lan (盂蘭), còn được gọi là lễ báo hiếu, là một trong những ngày lễ chính của Phật giáo (Đại thừa Bắc tông) và phong tục Trung Hoa vào ngày 15 tháng 7.
(2*) Thánh tổ mẫu: Chỉ bà nội của vua Thiệu Trị.
(3*) Tịch cốc tăng: Nhà Sư đi tu không ăn các thứ ngũ cốc.
(4*) Hương Thủy hải 香水海: Theo tiếng Phạn là át-già tức là nước. Chỉ thứ nước dâng cho Phật có hoa thơm bỏ vào cho nên gọi là “hương thủy” (nước có mùi thơm).
(5*) Diệu Cao sơn 妙高山: Tức chỉ ngọn núi Tu-di trong thuật ngữ Phật Giáo, tức là ngọn núi cao nhất trong tất cả các ngọn núi. Theo A-tỳ-đạt-ma-câu-xá luận (Abhidharmakośabhāsyam) của Thế Thân, núi Tu-di cao 80.000 do tuần. Núi Tu-di được nói rằng có hình dạng giống như một cái đồng hồ cát, với đỉnh và đáy có diện tích rộng 80.000 do tuần, nhưng hẹp ở phần giữa (ở độ cao 40.000 do tuần) chỉ rộng 20.000 do tuần.
(6*) Y Lạc 伊洛: Con trưởng của Chu Linh vương tên là Tấn thích thổi ống tiêu, đi chơi ở nơi sông Y, sông Lạc; rồi Thái tử qua đời ở đó.
(7*) Tăng cương 僧綱 (còn gọi là Tăng quan 僧官) – một chức việc hành chính mà thành viên trong hàng Tăng lữ Phật giáo được bổ nhiệm, nguồn gốc phát xuất từ Trung Hoa, sau đó lan đến Nhật Bản, Hàn Quốc trong đó có Việt Nam, bắt đầu từ năm 971 thời vua Đinh Tiên Hoàng. Ba chức danh thông dụng nhất, xếp từ giai vị trên xuống dưới là Tăng chính (僧正), Tăng đô (僧都), Luật sư (律師).
(8*) Dã thiền 野禪: Tiếng dùng trong Thiền lâm. Dùng để ví dụ Thiền tựa hồ như đúng mà thực là sai. Tức là việc làm không khế hợp với chân nghĩa của Thiền mà tự cho là khế hợp. Lời nói này phát xuất từ câu chuyện của Thiền sư Bách trượng Hoài hải đời Đường mở tỏ cho con cáo đồng. Vô môn quan tắc 2 (Đại 48, 293 thượng) chép: Hòa thượng Bách trượng mỗi lần nói pháp, có 1 ông già thường theo chúng tăng vào nghe. Thời thuyết pháp kết thúc, mọi người giải tán và ông già cũng ra về. Bỗng một hôm ông già nán lại, ngài Bách trượng bèn hỏi: “Người nào mà đứng trước đó?” Ông già đáp: “Dạ! Bạch ngài, con không phải là người, vào thời đức Phật Ca diếp ở quá khứ, con từng ở tại núi này. Nhân có người hỏi: Bậc đại đức tu hành còn rơi vào nhân quả hay không? Con trả lời là không rơi vào nhân quả. Do đó 500 đời con đã bị đọa làm thân cáo đồng. Nay xin hòa thượng đáp thay một chuyển ngữ, cứu con thoát khỏi kiếp cáo này.” Rồi ông già liền hỏi: “Bậc đại đức tu hành còn rơi vào nhân quả hay không?” Ngài Bách trượng đáp: “Không mờ nhân quả (bất muội nhân quả).” Ngay câu nói ấy ông già đại ngộ.
(9*) Vô Khả 無可: Tức Vô Khả Thiền sư 無可禪師 là Tăng nhân đời Vãn Đường, tên tục là Giả Khu 賈區, người Phạm Dương (nay thuộc Trác Châu, Hồ Bắc), là em họ của Giả Đảo 賈島. Ông xuất gia từ nhỏ, thường cùng Giả Đảo trú tại chùa Thanh Long, sau vân du tới Việt Châu, Hồ Tương, Lư Sơn. Đầu năm Đại Hoà, ông tới tu tại chùa Bạch Các, thường cùng Diêu Hợp 姚合 xướng hoạ. Ông còn kết bạn với Trương Tịch 張籍, Mã Đái 馬戴. Ông thiện thơ ngũ ngôn, cùng Giả Đảo, Chu Hạ 周賀 tề danh. Ông còn giỏi thư pháp, thiện Liễu khải.
(10*) Bạch Lạc Thiên 白樂天 chỉ Bạch Cư Dị 白居易 (772-846) tự Lạc Thiên 樂天, hiệu Hương Sơn cư sĩ 香山居士 và Tuý ngâm tiên sinh 醉吟先生, người Hạ Khê (nay thuộc Thiểm Tây). Ông là thi nhân tiêu biểu nhất giai đoạn cuối đời Đường, là một trong những nhà thơ hàng đầu của lịch sử thi ca Trung Quốc. Người ta chỉ xếp ông sau Lý Bạch và Đỗ Phủ. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục:

Góp thêm những tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh với Phật giáo
Lịch sử, Nghiên cứu

Nghiên cứu cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, điều chúng ta dễ dàng bắt gặp là ở chỗ Người có nhiều mối quan hệ gắn bó với Phật giáo, không chỉ ở mặt tư tưởng, tình cảm mà cả chính bằng những việc làm cụ thể. Trên bình diện...

Hôn nhân hạnh phúc trên nền tảng đạo đức Phật giáo
Nghiên cứu, Văn hóa

Việc ứng dụng giáo lý nhà Phật vào cuộc sống lứa đôi mang lại rất nhiều tích cực cho cuộc sống gia đình của các phật tử, hướng phật tử đến một cuộc hôn nhân tốt đẹp trên nền tảng đạo đức Phật giáo. A. Mở đầu Trong muôn vàn giá trị mà con người...

Sơn môn Bổ Đà-Dấu thiêng còn vang mãi
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa

Tóm tắt: Thời kỳ Lê Trung Hưng (Thế kỉ XVI đến thế kỉ XVIII) dòng thiền Lâm Tế Trung Hoa được truyền vào Việt Nam và đã vô cùng phát triển ở cả Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài. Ngoài những sơn môn nổi tiếng của Lâm Tế Đàng Ngoài như: chùa Phật Tích (Bắc Ninh), chùa...

Hoạt động đào tạo Tăng tài trong phong trào chấn hưng PGVN giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX
Lịch sử, Nghiên cứu

Tăng sĩ không tu tập, không am hiểu giáo lý để hoằng pháp, điều này ảnh hưởng rất lớn trong quần chúng tín đồ phật tử. 1. Dẫn nhập    Phật giáo du nhập vào nước ta đã trải qua hơn 2000 năm, những giá trị tâm linh Phật giáo để lại trên mảnh đất...

Ứng dụng Kinh tạng Pali về đạo đức, xây dựng mô hình kinh doanh hiệu quả và bền vững
Nghiên cứu

Sự phát triển của kinh tế hôm nay và sự bình ổn của xã hội, sự an toàn của môi trường trong tương lai không thể tách rời nhau, có mối quan hệ hỗ tương cho nhau A. Dẫn nhập Kinh doanh nhằm tạo ra lợi nhuận, nhưng kinh doanh như thế nào để tạo...

Vai trò của Phật giáo thời Lý trong lĩnh vực chính trị, tôn giáo và đoàn kết chống ngoại bang
Lịch sử, Nghiên cứu

Tóm tắt Khi đề cập đến sự tín ngưỡng tâm linh của người Việt thì không thể không nói đến Phật giáo. Phật giáo du nhập vào Việt Nam vòa khoảng thế kỷ thứ III trước Công nguyên, tư tưởng từ bi, vị tha của đạo Phật nhanh chóng được cư dân bản địa tiếp...

Hành trạng và tư tưởng Phật học của Tổ sư Hoán Bích – Nguyên Thiều
Lịch sử, Nghiên cứu

Thiền sư Nguyên Thiều được biết là một vị tổ sư, cao tăng gốc Trung Hoa thuộc thế hệ thứ 33 dòng thiền Lâm Tế, đã sang Việt Nam hoằng đạo ở Đàng Trong vào thời Trịnh Nguyễn phân tranh (1627-1789) và giúp phục hồi Phật giáo Xứ Đàng Trong.  1. Vấn đề về hành...

Mối liên hệ về chữ “Hiếu” trong Nho giáo và văn hóa Lễ Vu Lan ở Trung Quốc: từ thế tục tới tính thiêng!
Nghiên cứu, Văn hóa

Tóm tắt Phật giáo được truyền bá từ Ấn Độ sang Trung Quốc vào thời nhà Hán (202 TCN – 220 CN); kết hợp các nền văn hóa bản địa cố hữu, Phật giáo dần trở thành một tôn giáo có sức ảnh hưởng lớn ở Trung Quốc. Trong thời kỳ Phật giáo sơ truyền,...

Xu thế biến đổi trong Kiến trúc, cảnh quan chùa Huế
Kiến trúc-Mỹ thuật, Lịch sử, Nghiên cứu

Tóm tắt: Phật giáo Huế với một bề dày lịch sử, gắn liền với thăng trầm vùng đất Thuận Hóa – Phú Xuân xưa, đã hàm chứa, bảo tồn được nét riêng có trên nhiều mặt của yếu tính truyền thống Phật giáo. Tuy nhiên, trong chiều hướng phát triển của xã hội thì trong...

Tín ngưỡng thờ Long Vương trong Phật giáo Nam bộ
Nghiên cứu, Văn hóa

Tượng Long Vương ở Tổ đình Hội Khánh (Bình Dương). LONG VƯƠNG TRONG PHẬT GIÁO Trong Phật giáo, rồng là một trong Bát bộ chúng thủ hộ Phật pháp. Lãnh tụ của Long tộc gọi là Long Vương, có đầy đủ uy lực lớn mạnh, thường theo bảo vệ Phật. Trong các kinh sách Phật...

Vai trò nhập thế qua những biểu hiện, một số vấn đề đặt ra và giải pháp nhằm phát huy vai trò của nữ Phật tử
Nghiên cứu, Văn hóa

Tóm tắt: Sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ đã ảnh hưởng sâu sắc đến nhân loại. Ở phương diện tích cực, chúng phục vụ nhiều nhu cầu, đem lại hiệu suất làm việc cao cho con người. Song ở phương diện tiêu cực, chúng khiến đời sống tinh thần đứng...

Các công chúa triều Trần với đạo Phật và chốn thiền môn
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa

Khi công chúa Thái Đường mắc lỗi, triều đình tịch thu điền trang của bà sung vào ruộng quốc khố. Bà bèn đi tu ở chùa Nghĩa Xá, gần Lạc Quần (Xuân Trường). Thời nhà Trần, đạo Phật được nhân dân Đại Việt rất coi trọng và tôn sùng. Các vua Trần từ Trần Thái...

Đóng góp của gia đình danh y Lê Hữu Trác đối với Phật giáo Việt Nam
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa

Tóm tắt: Với việc xây chùa Tượng Sơn, gia đình đại danh y Lê Hữu Trác có những đóng góp nhất định đối với Phật giáo Hà Tĩnh. Tượng Sơn tự cũng là nơi Hải Thượng Lãn Ông dành phần lớn thời gian lưu lại chùa để bốc thuốc, chữa bệnh cứu người và hoàn thành...

Nghiên cứu về một vài ngộ nhận đối với lịch sử phát triển Ni đoàn
Lịch sử, Nghiên cứu

TÓM TẮT Từ khi Đức Phật còn tại thế, Ngài đã cho phái nữ xuất gia thành Tỳ kheo Ni với điều kiện là thọ trì Bát kỉnh pháp. Có Ni giới, hàng xuất gia của Đức Phật được tăng đông lên. Tứ chúng của Đức Phật trở nên đầy đủ. Sự xuất hiện của...

Đức Từ Cung với sự phát triển và chấn hưng Phật giáo xứ Huế từ những năm 30 đến những năm 80 Thế kỷ XX
Lịch sử, Nghiên cứu

Tóm tắt: Đức Từ Cung hay Đoan Huy Hoàng thái hậu không chỉ quan tâm chăm lo hương khói, cúng tế tổ tiên nhà Nguyễn, mà còn là một tín đồ thuần thành của Phật giáo. Trên cương vị Hoàng Thái hậu triều Nguyễn, bà Từ Cung đã có nhiều đóng góp trong công cuộc chấn...

Kiến trúc chùa Huế
Chùa Việt, Kiến trúc-Mỹ thuật, Nghiên cứu

Với lối kiến trúc đặc trưng nhưng vẫn nằm trong dòng chảy kiến trúc đặc trưng của những ngôi chùa Việt, chùa Huế thực sự đã tạo ra một dấu ấn đậm nét đối với khách thập phương. Với nét đặc trưng đó những ngôi chùa xứ Huế không chỉ góp phần làm phong phú cho...