Chùa Phổ Minh (còn gọi là chùa Tháp) tọa lạc ở làng Tức Mặc, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định. Ngôi chùa được xây dựng từ thời Lý, đến năm 1262 nhà Trần mở mang quy mô bề thế hơn. Năm 2012 chùa Phổ Minh đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt.
Ngôi chùa cổ tọa lạc tại thôn Tức Mạc thuộc tỉnh Nam Định, quê hương của các vua Trần. Chùa còn được gọi là chùa tháp Phổ Minh, bởi đây là nơi lưu giữ bảo vật tháp Phổ Minh tượng trưng một thời Hào khí Đông A nhà Trần.
Theo sử sách, chùa Phổ Minh được xây dựng từ thời nhà Lý, nơi đặt vạc Phổ Minh – một trong tứ đại khí của Đại Việt. Quy mô chùa được mở rộng với quy mô lớn cùng với việc xây dựng các cung điện ở Thiên Trường dưới thời nhà Trần vào năm 1262.
Bởi thế, chùa Phổ Minh được coi là đại danh lam của nước Việt xưa gắn liền với những nhân vật lịch sử thời Trần.
Từ năm 1533 – 1592, chùa Phổ Minh tiếp tục được trùng tu. Người đứng ra tu sửa chùa là công chúa Mạc Ngọc Lâm. Bà đã về chùa tu hành một thời gian và phát tâm tu sửa cảnh chùa.
Kể từ sau đợt trùng tu này, chùa Phổ Minh còn trải qua nhiều lần tu sửa khác nhưng chùa vẫn giữ được dáng vẻ, quy mô bề thế với kiểu kiến trúc “nội công, ngoại quốc”.
Các hạng mục kiến trúc, công trình của chùa Phổ Minh gồm: Cổng Tam quan, Tiền đường, Thiêu hương, Thượng điện, tháp Phổ Minh, hành lang, nhà tổ, phủ mẫu…
Theo sử sách ghi lại, thời nhà Trần, vua Trần Nhân Tông sửa lại chùa và cư trú ở đó khi xuất gia. Lúc vua Trần Nhân Tông mất, vua Trần Anh Tông xây tòa tháp cao 14 tầng gồm 53 thước, chân mỗi bề 10 thước để cất xá lỵ. Thời Tây Sơn, quan trấn giữ vùng này phá đỉnh tháp hồ lô bằng đồng. Khi phá tới tầng thứ 13 nơi hòn đá thì thấy có một vật hình dải lụa đỏ bay lên trời nên không phá nữa.
Tháp được xây trên một sân nhỏ hình vuông, mỗi chiều 8,6 m và nằm thấp hơn so với mặt đất 0,45 m. Chiều cao của tháp 19,51 m, gồm 1 kiệu bát cống (phần đế của tháp) và 13 tầng.
Đế tháp được thiết kế hoàn toàn bằng đá xanh, mỗi cạnh dài 5,20 m. Dưới chân tháp có một băng hoa sen có cánh to cánh nhỏ từ giữa nghiêng dần về góc tháp biểu tượng một đài sen nâng kiệu. Phần dưới bệ đá được tạo dáng cong theo hai phía khiến người xem dễ lầm tưởng do đá bị lún nhưng thực chất dụng ý này nhằm xây dựng để tạo đà cho hơn một 10 tầng phía trên đều có độ cong tương tự.
Ngắm toàn cảnh cây tháp, người xem liên tưởng đến một bông hoa sen đang vươn lên và nở ra giữa hồ nước.
Đỉnh tháp là một khối đá tạo dáng hình bông sen bao gồm nhiều tầng lớp khác nhau như: Đỉnh búp sen thuôn mập, gồm 5 lớp cánh sen ngửa, chụm; trong đó lớp cuối cùng có viền kép và có đường sống nổi ở giữa. Toàn bộ búp sen được đặt trên một khối đất nung, dáng thuôn phình hai tầng màu đỏ.
Xung quanh tháp có tường bao quanh, ở các điểm trụ đều có đèn lồng. Chính giữa các tường có để 4 cửa ra vào tháp, ở trước có các đôi rồng đá.
Có thể nói rằng, tháp Phổ Minh không chỉ là một công trình quý giá về mặt văn hóa, lịch sử, kiến trúc mà mang trong mình cả niềm tự hào dân tộc thể hiện ý chí, hiên ngang, bất khuất của Hào khí Đông A.
Đến nay, chùa tháp Phổ Minh đã tồn tại qua 7 thế kỷ, mặc dù trải qua nhiều sóng gió, thiên tai giặc giã nhưng cây tháp vẫn được bảo tồn gần như nguyên vẹn, trở thành một kỳ quan quý hiếm, làm nên nét độc đáo không chỉ riêng của chùa tháp Phổ Minh mà còn cả tỉnh Nam Định nói chung.
Hiện nay trên cả nước chỉ còn ba cây tháp được xây từ thời Trần, đó là tháp Phổ Minh (Nam Định), tháp Huệ Quang (Yên Tử, Quảng Ninh) và tháp Bỉnh Sơn (Lập Thạch, Vĩnh Phúc), trong đó tháp Phổ Minh là ngọn tháp bề thế hơn, xây dựng công phu, mỹ thuật, kỹ thuật hơn cả.
TUỆ AN