Ý chính
1. Mọi cách thức của cuộc sống đều là phương tiện chứ không phải mục đích, nên đừng có khoe khoang để rồi chết chìm, chết nổi, chết ngộp trên chính phương tiện của mình, mà hãy tận dụng nó để đạt được mục đích.
2. Mục đích của cuộc đời là thân khỏe tâm an, thấu hiểu và tử tế, và phải ở ngay trong cuộc đời này, chứ không phải ở phương trời xa xăm nào đó. Mọi người đều có khả năng đạt được mục đích đó. Việc còn lại là chúng ta có thực hiện hay không mà thôi.
3. Cách thức thực hiện (tức phương tiện), nếu nhìn một cách tổng quát là như nhau đối với mọi người; nếu nhìn ở khía cạnh đặc thù, thì cách thức thực hiện đó là độc nhất với chính bản thân mình, người khác không thể thực hiện giống mình, và mình cũng không thể thực hiện giống người khác.
Giải thích mở rộng
Đại ý chính của phẩm này được thể hiện ngay trong tiêu đề, đó là mọi cách thức rèn luyện tâm linh đều chỉ là “phương tiện” (upāya) để đạt đến cùng một mục đích – giác ngộ (thấu rõ) và giải thoát (hết khổ đau). Và tất cả chúng ta đều sở hữu khả năng đó, khả năng thấu rõ vấn đề và an lạc chấm dứt đau khổ ngay trong cuộc sống hiện tại. Khả năng này, Kinh Niết-bàn (phẩm thứ tám) tuyên bố là “tất cả chúng sanh đều có Phật tánh” (tất cả mọi loài đều có tố chất đưa đến giác ngộ và giải thoát), còn trong Pali Nikāya nói rằng tâm này là sáng chói, nhưng chẳng qua là bị cấu uế bên ngoài che khuất. (Tăng chi 1, 51).
Giác ngộ là nhận ra được và hiểu biết tường tận lộ trình, sau đó mình tiếp tục bước đi trên lộ trình đó để thoát khỏi những trói buộc khổ đau đạt được giải thoát. Dường như tất cả chúng ta đều đã giác ngộ nhưng không đủ can đảm để bước đi cho hết lộ trình, hoặc có nhiều thứ hấp dẫn lôi cuốn chúng ta đi chệch lộ trình mà thôi. Lộ trình đó là lộ trình độc nhất (ekāyana), cho dù có niềm tin hay không có niềm tin, cho dù theo tôn giáo nào đi chăng nữa, thì lộ trình trở về nội tâm để thấu rõ nguồn cội đưa đến giải thoát vẫn là lộ trình duy nhất mà các bậc thánh nhân trên trái đất này từ ngàn xưa cho đến ngày nay đã đi, chưa có lộ trình thứ hai nào khác hơn. Lộ trình này được xem là độc nhất vì không ai thực hành như nhau cả. Lộ trình này trong Pali Nikāya lấy “tứ niệm xứ” (bốn nền tảng chánh niệm) làm cốt yếu (Trung bộ 10; Trường bộ 22; v.v.), trong Kinh Pháp hoa gọi đó là “Phật thừa” (Buddha-yāna: lộ trình đạt đến tri kiến Phật) ở ngay Phẩm Phương tiện này.
Tuy nhiên, vấn đề “phương tiện” cần phải được rạch ròi, nếu không chúng ta lại rơi vào phương thức “tùy tiện” phi phương tiện mà cho đó là “phương tiện.” Đức Phật đã từng quở trách và ngăn cản đệ tử của mình thực hiện những điều “phi phương tiện” đó. Chuyện Tôn giả Tân-đầu-lô Phả-la-đọa (Piṇḍola Bhāradvāja) thi triển thần thông bay lên cao để lấy bình bát bằng gỗ quý, mặc dù điều này thu hút rất đông người đi theo tôn giả để đến tu viện, nhưng đức Phật đã quở trách tôn giả. Qua việc này ngài đã cấm các đệ tự của mình sử dụng những pháp thần thông siêu nhiên đó. (Luật Tiểu phẩm V, 8, 1).
Vậy, điều gì là “phương tiện” và điều gì là tùy tiện “phi phương tiện?” Kinh Pháp hoa nói một cách rất ngắn gọn và rõ ràng, điều gì khiến cho chúng ta “mở ra tâm trí, thấy rõ cội nguồn, hòa mình trong đó, và ung dung tự tại” (khai thị ngộ nhập Phật tri kiến (Phẩm Phương tiện, mục 17, 18) đều là phương tiện. Trái lại, đều là “phi phương tiện” nhưng gắn mác “phương tiện.” Để dễ hiểu hơn, “phương tiện” là những thứ làm giảm, khắc chế và tiêu diệt tham, sân, si; ngược lại thì đều là “phi phương tiện.” Nói cách khác, phương tiện là cách thức làm cho mọi thứ trỗi dậy từ tâm thức xuôi về, nghiêng về, chảy về, hòa mình vào dòng chảy chân lý bao la, và thuần một vị, đó là Pháp vị, giống như mọi dòng chảy nghiêng về, xuôi về, chảy về, hòa mình vào biển cả bao la, và thuần một vị mặn. (Kinh Trung bộ 73).
NAMO BUDDHAYA!
Thượng Toạ Viên Minh