Thế Tôn dạy cho Rahula phải biết quán xét, suy ngẫm tường tận điều nào đưa đến tự hại, hại người, hại cả hai thì hãy buông bỏ để giữ cho mọi hành động của ba nghiệp thân, khẩu, ý được thanh tịnh trong sạch đưa đến sự an lạc giải thoát trong đời sống.
I. Dẫn nhập
Sau 49 ngày đêm tư duy thiền định, đức Thế Tôn chứng quả Vô thượng Chính Đẳng Giác dưới cội Bồ Đề, Ngài đã du hóa khắp lưu vực sông Hằng qua các vương quốc Magadha và Kosala thuộc đông bắc Ấn Độ, không phân biệt tầng lớp, giai cấp trong xã hội, hễ ai có duyên Ngài đều hóa độ.
Trong đó có thể kể đến các đại đệ tử lớn như: Sāriputta, Mahā Kassapa, Moggallāna, Anuruddha, Upāli, vv. Và Rāhula (La-hầu-la) một vị A-la-hán trẻ tuổi nhất trong Thập đại đệ tử Phật.
Ngài là người rất tự giác, mặc tịnh và trầm tư. Cuộc đời của tôn giả Rāhula để lại cho chúng ta nhiều bài học về phẩm hạnh cao quý về quá trình trau dồi giới đức và trí tuệ.
II. Nội dung
Trong kinh Nikaya không nhắc tới năm sinh của Rāhula, chúng ta không thể khẳng định về vấn đề này một cách rõ ràng.
“Rāhula con trai duy nhất của Phật Gotama. Ngài được sinh ra vào ngày mà cha ngài rời khỏi cuộc sống gia đình. Khi đức Phật đến thăm Kapilavatthu lần đầu tiên sau khi giác ngộ và chấp nhận lời mời của Suddhodana, mẹ của Rāhula đã gửi cậu bé đến đức Phật để xin thừa kế. Đức Phật không cho ngài câu trả lời, khi kết thúc bữa ăn, rời khỏi cung điện. Rāhula đi theo đức Phật, nhắc lại yêu cầu của mình, cho tới cuối cùng khi đức Phật yêu cầu Sāriputta cho ngài xuất gia”. (1)
Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy nhiều sách hay từ điển nói về Rāhula:
“Thân phụ ngài là Thái tử Tất – đạt – đa (tức là đức Phật khi chưa xuất gia), thân mẫu là Da – du – đà – la. Khi sinh ngài nhằm lúc La – hầu – la A – tu – la vương lấy tay che mặt trăng, nên đặt tên là Chướng nguyệt; lại vì ở trong thai mẹ 6 năm, bị thai mẹ che lấp, nên có tên là Chướng nguyệt, Phú chướng”. (2)
Xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ chỉ chú trọng về mặt giáo lý mà bậc đạo sư chỉ dạy chứ không chú trọng về mặt lịch sử con người. Bởi vậy, chúng ta rất khó khảo cứu về vấn đề ngày ra đời cũng như xuất gia của Rāhula một cách chính xác.
Cũng vậy, Rāhula trong thai mẹ sáu năm mang tính chất huyền sử nhiều hơn mà không chứng minh thực tế được, lịch sử thế giới chưa từng ghi nhận trường hợp nào trong thai mẹ thời gian thật dài như vậy. Thông thường, người mẹ mang thai chỉ sinh trước hay sau thời gian chín tháng mười ngày vài tuần là thai nhi đã bất thường nên có lẽ đây là một sự kiện mang tính huyền bí không thực tế về tiểu sử của Rāhula.
Ngoài ra, có nhiều sách nói ngài là chướng ngại xuất gia của thái tử, chúng ta có thể thấy khi Rāhula ra đời thì bộ tộc Sakya sẽ có người kế thừa và thái tử sẽ không áy náy khi ngài xuất gia nên sự chướng ngại cũng không có căn cứ chứng minh.
Từ khi rời bỏ thế tục Thái tử Siddhattha với hành trình tìm đạo giải thoát, ngài thực hành sáu năm khổ hạnh và sau khi từ bỏ lối tu khổ hạnh, ngài thành đạo sau ngày đêm thiền định dưới cội Bồ đề. Sau khi Như Lai thành đạo vài năm, ngài trở về quê hương, chính tại nơi đây ngài đã độ cho nhiều vương tử bộ tộc Sakya xuất gia trong đó có vương tử Rāhula.
Khi Thế Tôn trở về, mẹ của Rāhula đã chỉ cho Rāhula xin Thế Tôn tài sản kế thừa “Này Rahula, kia là cha của con. Hãy đi và cầu xin phần thừa kế”. (3) Lần đầu tiên thấy cha mình, Rahula cảm nhận đầu tiên về tình thương xuất phát từ sâu trong tâm hồn, được thể hiện qua những lời nói, cử chỉ: “Này vị Sa-môn, bóng che của ngài thật an lạc”. (4)
Đức Phật với tình thương bằng con mắt trí tuệ đã trao cho Rāhula tài sản tâm linh, con đường giải thoát giác ngộ khỏi các khổ đau trói buộc trong đời “Này Sāriputta, như thế thì ngươi hãy cho hoàng tử Rāhula xuất gia”. (5)
Đây cũng là sự kiện nổi bật trong cuộc đời giáo hóa của đức Từ Phụ với ý nghĩa “Thừa Tự Pháp”, Rāhula rời xa vòng tay yêu thương của mẹ, xa sự thương yêu của ông nội để bước vào đời sống phạm hạnh trong tăng đoàn. Bắt nguồn cho sự khởi đầu của chúng sa-di trong thất chúng của Phật giáo, Rāhula xuất gia mang cho chúng ta những rung động sâu sắc trong tâm thức về đời sống cao thượng: “Lúc ấy lên bảy, La – Hầu – La thọ lễ xuất gia”. (6)
“Khi Suddhodana nghe về điều này, ông đã phản đối đức Phật và hỏi như một ân huệ rằng, trong tương lai, không nên có một đứa trẻ nào được xuất gia khi không được sự đồng ý của cha me, điều này đã được đức Phật đồng ý”. (7) Đây có lẽ là giới đầu tiên đức Phật chế định.
Kinh điển không đề cập nhiều đến mối quan hệ của đức Phật và Rāhula. Tuy nhiên, ba bài kinh đức Phật dạy cho Rahula trong Trung Bộ kinh là cả sự kết nối và tiến trình liên tục dẫn đến con đường giác ngộ.
Sau khi thiền tọa xong, đức Phật đến tìm Rāhula. Với hình ảnh chiếc chậu rửa chân, đức Phật dạy về lòng chính trực cũng như hạnh buông xả, ngài đã dùng phương tiện thiện xảo bằng phương pháp hỏi đáp.
“Này Rāhula, Ông có thấy một ít nước còn lại này trong chậu nước không?
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
– Cũng ít vậy, này Rāhula, là Sa – môn hạnh của những người nào biết mà nói láo, không có tàm quý”. (8)
Đức Phật đã dùng những hình ảnh cụ thể, thường nhật để hướng dẫn chỉ dạy cho Rāhula về tầm quan trọng của lòng trung thực, cũng giống như một chậu nước dơ thì không thể sử dụng lại được. Một người không có tàm quý thì không phải là sa-môn thích tử. Cuộc đời của một người tu hành nếu không chân thật, người đó cũng chỉ bằng chút nước rửa chân dơ mà thôi, đáng bị bỏ đi và cuộc đời tu sẽ bị đảo ngược, trống không khi người ấy cố tình nói dối, không chính niệm thân, khẩu, ý.
Thay vì dạy sự đúng, sai, đức Phật lại dạy cho Rahula cùng chúng đệ tử suy ngẫm về những điều lợi ích và những điều có hại cho đời sống phạm hạnh, tu là sửa, là gột rửa thân tâm để không bị dính mắc vào mọi hoàn cảnh của sự vật, hiện tượng cũng như con voi phải biết bảo vệ cái vòi của mình khi lâm trận vậy:
“Khi lâm trận con voi này thường dùng hai chân trước, dùng hai chân sau, dùng phần thân trước, dùng phần thân sau, dùng đầu, dùng tai, dùng ngà, dùng đuôi, nhưng bảo vệ cái vòi”. (9)
Một người biết được tác hại của sự không chân thật sẽ luôn giữ thân, khẩu, ý giống như giữ cái tròng con mắt, cũng giống như con voi phải luôn bảo vệ chiếc vòi của nó vì chỉ cần sơ xuất chiếc vòi bị thương sẽ ảnh hưởng tới tính mạng.
Ngược lại, con voi khi lâm trận nếu sử dụng cả chiếc vòi thì con voi đã quyết định thí mạng và nó sẽ bất chấp tất cả. Cũng vậy, kẻ không chính trực cũng sẽ không chừa bất kỳ lỗi lầm nào. Cuộc sống tu tập mà không có tự chủ thì con người sẽ chẳng còn là mình, cũng chẳng thấy được giá trị của đời sống xuất gia cho nên với nguyên tắc khế lý, khế cơ, khế thời đức Phật dạy:
“Này Rahula, Ông nghĩ thế nào? Mục đích của cái gương là gì?
– Bạch Thế Tôn, mục đích là để phản tỉnh.” (10)
Công việc duy nhất của người xuất gia là quay về nhìn lại chính mình:
“Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc”, quay lại soi sáng tâm mình, Thế Tôn dạy cho Rahula phải biết quán xét, suy ngẫm tường tận điều nào đưa đến tự hại, hại người, hại cả hai thì hãy buông bỏ để giữ cho mọi hành động của ba nghiệp thân, khẩu, ý được thanh tịnh trong sạch đưa đến sự an lạc giải thoát trong đời sống.
Qua bài kinh Giáo giới cho Rahula, chúng ta thấy được tấm lòng của một bậc đạo sư đối với đệ tử. Thế Tôn trong khi thiền định ngài luôn quán sát căn cơ của chúng sinh xem hôm nay ai có căn lành thành thục để hóa độ.
Ngài hướng từ tâm, ngài biết rằng đã đến lúc trao “gia tài” cho Rahula để vận dụng khai mở trí tuệ giúp Rahula có sự tiến bộ trong công phu tu tập. Bài kinh Giáo giới cho vị sa-di đầu tiên giống như lời nhắn gửi giáo giới tới tất cả các vị sa-di khác nói riêng cùng hàng đệ tử của đức Phật nói chung.
Từ đó, mỗi vị đệ tử của Thế Tôn có thêm hành trang trong bước đường hoàn thiện đức hạnh của một vị hành giả tu học Pháp màu.
Bởi chính bài kinh này, nhiều học giả luôn cho rằng Rāhula là một cậu bé nghịch ngợm, luôn nói dối, nghĩ mình là con Phật nên thường gây rắc rối cho mọi người:
“Khi La – Hầu (con trai của đức Phật Thích Ca) chưa thành đạo, tâm tính thô tháo, lời nói ít thành tín”. (11) Hay như: “Tôn giả còn nhỏ tuổi (chừng mười tuổi) nên thường lười biếng, ít chịu nỗ lực tu tập, thường bị đức Phật quở trách”. (12) Điều này thật hết sức vô lý, các sách nhận định thiếu căn cứ nên làm xấu đi hình ảnh của Tôn giả Rāhula – Một vị sa-di đức hạnh, ngoan hiền, áp đặt tâm lý thế tục lên bậc thánh là điều vô cùng sai lầm.
Phẩm hạnh của Tôn giả Rāhula được minh chứng qua tự thân đã nỗ lực tu tập, với mẫu thân, tôn giả đã thể hiện vai trò một người con hết mực hiếu thảo. Theo kinh Tiểu Bộ tập IV “Chuyện trái xoài Chính Trung (chuyện 281) và Chuyện vua quạ Supatta (chuyện 292)”.
Khi Rāhula đến thăm mẹ và biết mẹ bị bệnh, ngài hỏi mẹ phải làm như thế nào để bà có thể khỏi bệnh. Được mẹ cho biết thứ cần thiết để chữa bệnh, Rāhula mặc dù biết rằng không dễ gì kiếm được thứ đó trong những món khất thực hằng ngày. Ngài vẫn ân cần bảo: “Con sẽ kiếm thứ ấy cho mẹ”. (13) Ở câu chuyện vua quạ Supatta, ngài cũng quan tâm đến sức khỏe của mẹ mình như vậy.
Nhân đó, đức Phật có kể thêm về hạnh hiếu thảo của Rāhula trong các câu chuyện quá khứ. Ngài Rāhula với tình yêu thương, quan tâm mẹ của mình, đây là đức hạnh tốt và cần có sự quan sát cũng như trí tuệ mới có thể thực hiện được. Một người không có suy nghĩ, không có trí tuệ và hạnh nguyện làm sao có thể có những cử chỉ như vậy. Cho nên, các học giả nói ngài hay nói láo và nghịch ngợm khó để chúng ta có thể chấp nhận.
Lại nữa, kinh “Chuyện con nai có ba cử chỉ” trình bày rất rõ nét về công hạnh tu tập của tôn giả Rāhula, sự mẫu mực của vị tôn giả “mật hạnh đệ nhất”.
Thứ nhất: “Bậc Đạo Sư có kể về Trưởng Lão Rāhula (La – hầu – la) ham học các giới”. (14) Hay như: “Trong các đệ tử Tỳ – kheo của Ta, ưa thích học tập, tối thẳng là Rāhula”. (15) Rāhula ham học Giới, gần gũi các vị hiền giả, đây là nhân duyên thù thắng cùng tu học với các đại thiện tri thức, các vị là những người có đức hạnh và trí tuệ sáng suốt, có bậc thiện tri thức nào hơn đức Phật. Nếu nói Rāhula như vậy thì có phải đang chê trách Phật huệ không?
Thứ hai: “Thỉnh thoảng, các Tỳ – kheo thấy Tôn giả từ xa đi đến, vì mục đích thử thách, thường quăng bên ngoài cái cán chổi hay một ít rác, chờ khi La – hầu – la đi đến liền hỏi:
– Hiền giả, ai quăng đồ rác này?
Khi được nghe: Chính La – hầu – la đi qua đường này, La – hầu – la không nói:
– Thưa Tôn giả, tôi không biết việc này.
Trái lại, La – hầu – la thường dọn rác ấy đi, khiêm tốn xin lỗi, và sau khi được tha lỗi mới đi. Vì mong muốn học tập như vậy, nên La – hầu – la mới trú tại chỗ ấy”. (16)
Một vị hiền giả “kham nhẫn” như vậy, “khiêm cung” như vậy, tại sao có thể nói ngài có nhiều điểm không tốt?
Thứ ba, các tỳ – kheo tán thán ngài Rāhula: “Khi được hỏi chỗ ở của mình, La – hầu – la không nói: Ta là con đức Thế Tôn, La – hầu – la không chống đối một Tỳ – kheo nào, nhưng đã đến ở phòng vệ sinh”. (17)
Một người có đức hạnh, nhẫn nhục, gần gũi các đại thiện tri thức sao lại là một người thô tháo, đùa nghịch, nói dối.
Ngoài ra: “Vào một dịp nọ, Rāhula không tìm thấy một nơi nào để ngủ vì các nhà sư đến muộn đã lấy chỗ ngủ của mình, Rāhula đã ngủ qua đêm ngoài trời, trước phòng của đức Phật. Māra nhìn thấy ngài ở đó, giả dạng một con voi khổng lồ và lớn tiếng hy vọng làm ngài sợ hãi. Nhưng âm mưu thất bại, đây là năm thứ tám sau khi Rāhula đạt được quả vị”. (18)
Điều này cho thấy, Tôn giả Rāhula bậc đại trượng phu trí dũng, có đức hạnh với tâm bình thản, an nhiên không bị chi phối bởi ngoại cảnh cùng ma chướng và làm nổi bật tâm hạnh của tôn giả.
Trong tăng đoàn, mỗi hành giả đều lo tu tập cho nên có những lúc họ cũng quên mất chú sa-di nhỏ, có những lúc bị ức hiếp, bị người khác giành mất chỗ ngủ. Rāhula nhớ lời dạy của đức Phật nên ngài âm thầm kham nhẫn tu tập để hạnh nguyện tròn đầy.
Rāhula thành tựu mật hạnh, người sống mật hạnh không thể là một người nói dối, không chân thật được. Bài pháp đức Phật dạy cho Rahula về lòng chính trực và hạnh buông xả đồng thời là bài học cho tất cả những đệ tử nguyện tu học theo giáo pháp của ngài. Hạnh phúc khi chúng ta hành trì pháp, sống chân thật sẽ mang lại nền tảng cho mọi thiện pháp khai mở giúp cho đời sống hiện tại của ta được an ổn.
Một thời, Thế Tôn ở Sāvatthi, Jetavana, tinh xá Anāthapindika, trong một buổi khất thực, đức Thế Tôn dạy ngài Rāhula về tất cả các sắc Pháp trong ba đời: “Cái này không phải của ta, cái này không phải là ta, cái này không phải tự ngã của ta”. (19)
Cũng như thế không riêng gì sắc, đức Phật dạy thọ, tưởng, hành, thức cũng đều như vậy. Khi được dạy, Tôn giả Rāhula tới gốc cây và thực hành quán sát, Tôn giả Sāriputta thấy ngài Rāhula đang tu tập, ngài Sāriputta đã dạy ngài Rāhula về pháp quán niệm hơi thở để có được lợi ích lớn, quả lớn. Suốt một ngày dài tu tập, ngài đã có những nhận định của mình, sau khi thấy và đảnh lễ đức Thế Tôn, ngài nêu lên những thắc mắc và được đức Phật giải đáp tường tận về tứ đại và hư không.
Đây là nội và ngoại sắc vậy, ngài cũng được dạy ngũ uẩn là vô ngã, nó không chỉ tồn tại bên ngoài mà còn bên trong mỗi con người. Bạn có thể chạy trốn cái bên ngoài chứ bạn làm sao có thể chạy trốn cái tới từ chính bên trong con người bạn. Quán sát tứ đại, ngũ uẩn để thông suốt không có tồn tại nào độc lập nên không có một cái ngã nào tồn tại cả.
Sau khi giảng giải, đức Thế Tôn dạy Rahula tu tập chính tứ đại và hư không giới để chẳng còn cảm giác yêu thích hay chán ghét, buồn phiền về một điều gì. Giống như hạnh của đất, đất luôn kham nhẫn, bao dung, nuôi dưỡng vạn vật mà không đòi hỏi hay chán ghét. Hãy nhu nhuyễn như nước, nước cần để nuôi sống vạn vật, nước gột rửa cấu uế, nước tưới mát tâm hồn. Hãy tu tập như lửa, lửa thiêu đốt các phiền não trói buộc, các dơ bẩn. Hãy phóng khoáng như gió, gió xua tan mây mù, thổi bay các bụi bẩn đi khắp nơi mà không có ngăn ngại. Hãy rộng mở như hư không, hư không chẳng nơi nào mà chẳng có mặt, từ nơi ô uế cho tới chốn thanh tịnh, không chê bai, không phiền muộn.
Những điều như ý, bất như ý đến với hành giả tu tập thì không yêu thích hay chán ghét để không nắm giữ hay tồn tại những điều yêu thích hay không yêu thích. (20)
Sự tu tập về tứ vô lượng tâm; từ, bi, hỷ, xả cùng với bất tịnh và vô thường giúp chúng ta đoạn trừ các phiền não, tham, sân, các ái dục từ bên ngoài mang tới. Cùng đó, đức Thế Tôn dạy Tôn giả Rāhula về các phép quán niệm hơi thở trong chính niệm tỉnh giác giúp cho ngài ly tham, ly sân, ly si từ đó tinh tấn, khinh an được sinh ra.
Qua bài kinh này, đức Phật dạy cho tôn giả về sự buông xả bản ngã, vật chất thế gian cũng như nội thân chấp ngã. Ngay khi nhận được lời dạy của đức Phật, Tôn giả Rāhula thực hành liền để không bị ngoại duyên làm xao lãng. Sau khi tu tập một thời gian, Tôn giả Rāhula trình thưa các thắc mắc của mình để được đức Thế Tôn giải đáp, từ đó tôn giả có sự tịnh tiến trong quá trình tu tập nhằm đưa đến các kết quả tốt đẹp hơn trong đời sống phạm hạnh.
Tăng ni sinh trẻ ngày nay vì sống trong xã hội điều kiện đầy đủ, nhiều khi quên mất mục đích xuất gia tu học của bản thân: Cần làm gì, thiếu sót gì, cái gì nên làm, cái gì không nên làm dẫn đến sự tu tập không có tiến bộ.
Từ đó, tăng ni dần xa rời con đường hạnh phúc, an lạc mà chư Phật ba đời đã đi qua. Những lời dạy của đức Thế Tôn cho Rāhula là bài học quý giá cho chúng ta ngày nay. Chúng ta những tăng ni sinh trẻ phải tinh tấn tu tập, trưởng dưỡng đạo tâm, vun bồi giới đức, huệ mạng như hạnh của đất, nước, gió, lửa hay hư không vậy.
Chỉ khi nào tu tập bản thân mình cho tốt, chúng ta mới có thể làm khuôn mẫu cho người vậy. Như vậy, chúng ta mới xứng đáng là “Thiên nhân chỉ đạo sư”.
Đã hơn 10 năm vào giáo đoàn của Phật, Rāhula có những ngày sống an vui trong giáo pháp với nhiều lời dạy bảo của đức Phật, quan sát đời sống của các vị tăng trong tăng đoàn. Khi thấy nhân duyên đã thuần thục, đức Phật quyết định giáo giới cho Rahula để ngài từ đây viễn ly phiền não đạt cứu cánh tịch diệt trong đời sống.
Bài “Tiểu kinh Giáo giới La – hầu – la” mang tới giải thoát cho Tôn giả Rāhula với nội dung phong phú nhưng đầy gần gũi. Qua bài kinh, chúng ta thấy được đời sống tu tập phạm hạnh của Rāhula rất miên mật. Bởi Rāhula có đời sống thực tập oai nghi tế hạnh đầy đủ cho nên khi đức Phật khai thị cho ngài, ngài đạt được sự giải thoát khỏi các trói buộc của lậu hoặc, phiền não:
“Đã thuần thục là những pháp đã đưa đến giải thoát cho Rāhula. Vậy ta hãy huấn luyện Rāhula hơn nữa trong sự đoạn tận các lậu hoặc” (21)
Trong bài kinh đức Phật đã nhắc tới lục căn, lục trần và lục thức:
“- Này Rāhula, ông nghĩ thế nào? Con mắt là thường hay vô thường?
– Bạch Thế Tôn, là vô thường.
– Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
– Bạch Thế Tôn, là khổ.
– Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, thời có hợp lý chăng khi quán cái ấy: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi?”
– Thưa không vậy, bạch Thế Tôn”. (22)
Cũng tương tự, đức Thế Tôn hỏi về sắc, nhãn thức, cùng các căn, trần, thức của các pháp còn lại, vị thánh đệ tử tu tập yểm ly đối với mười tám giới, do thực hành yểm ly mà ly tham, giải thoát, sinh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm, sau đời này không còn đời nào khác nữa. Nhờ sự chú tâm, thanh tịnh lắng nghe lời dạy của đức Phật:
“Tôn giả Rāhula, hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy. Trong khi sự thuyết giảng này được nói lên, tâm của Tôn giả Rāhula được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ”. (23)
Tôn giả Rāhula thực hiện chính niệm khi học pháp, đây cũng thể hiện đức tính tốt đẹp của tôn giả cho chúng ta học hỏi trong thời đại này. Chúng ta những học tăng, học ni cần phải chú tâm lắng nghe chính niệm, tỉnh giác trong cuộc sống để việc hành pháp đạt được lợi ích lớn nhất. Một việc muốn thành tựu thì phải được chuyên nhất không xao lãng.
Đức Thế Tôn chỉ thuyết ba thời kinh cho Rāhula từ khi xuất gia làm sa-di cho tới khi thọ đại giới tỳ-kheo mà Tôn giả Rāhula đã chứng đạt đạo quả. Sau khi ngộ được pháp màu, tôn giả đã làm bài thi kệ:
“Nhờ ta được đầy đủ,
Hai đức tính tốt đẹp,
Được bạn có trí gọi,
Ra – hu – la may mắn.
Ta là con của Phật,
Ta lại được pháp nhãn.
Các lậu hoặc ta đoạn,
Không còn có tái sinh.
Ta là bậc la hán,
Đáng được sự cúng dường.
Ba minh ta đạt được,
Thấy được giới bất tử.
Bị dục làm mù quáng,
Bị lưới tà bao trùm,
Khát ái làm màn che,
Bao trùm che phủ kín.
Do phóng dật trói buộc,
Như cá mắc mắt lưới.
Ta vượt qua dục ấy,
Cắt đứt ma trói buộc,
Nhổ lên gốc khát ái,
Ta mát lạnh tịch tịnh”. (24)
Kinh điển Nikaya không thấy đề cập tới vấn đề Tôn giả Rāhula nhập niết bàn. Tuy nhiên khi nói đến “ngũ thời bát giáo”, chúng ta thấy đề cập tới tám năm cuối đời đức Phật thuyết kinh Pháp Hoa ngài thọ ký cho Tôn giả Rāhula thành Phật.
Như vậy có thể nói khi đức Phật nói kinh Pháp Hoa, Tôn giả Rāhula vẫn còn tại thế. Về phần thời gian thuyết kinh Pháp Hoa theo Nikaya không có căn cứ xác minh học thuyết “ngũ thời bát giáo”.
Rāhula từ khi xuất gia cho đến chứng quả, tôn giả sống khép mình thầm lặng không ỷ lại về thân thế của mình, khiêm hạ trong từng cử chỉ, lời nói, hành động và ý niệm. Với công hạnh tối thắng ấy, Rāhula mang tới hình ảnh mẫu mực, tác động mạnh mẽ trong tăng chúng, được các bậc trưởng thượng khen ngợi.
Đức Phật còn tán thán và thọ ký về đời sau được thành Phật hiệu Đạo Thất Bảo Hoa Như Lai, thường cúng dường các đức Phật, thường làm trưởng tử. Trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Thế Tôn đã nói lên tâm hạnh của Rāhula “Hạnh kín của La Hầu chỉ ta biết được thôi”. (25) Mật hạnh của ngài chỉ Phật mới biết được thôi.
Qua những bài kinh trong Nikaya đã phần nào nói lên nhân cách, phẩm hạnh của tôn giả Rāhula trong suốt thời gian tu học, ngài sống trọn vẹn trong chính pháp, khéo léo khép mình không ỷ lại, dù đầy gian truân, thách thức ngài đều vượt qua tất cả với tinh thần cần cầu giới Pháp, tha thiết học và hành trì Pháp đã tạo nên một vị thánh đệ tử Mật hạnh bậc nhất trong tăng đoàn. Tôn giả Rāhula ra đi để lại những bài học cho hậu thế với sự tròn đầy trong đời sống xuất gia để chúng ta noi gương học tập.
Cuộc đời và hành trạng của tôn giả mang lại bài học sống động tinh tế cho những người con Phật để biết dừng lại, thực tập nhìn sâu vào bản thân mình khắc phục những tiêu cực trong cuộc sống. Tâm hạnh của Tôn giả Rāhula cũng nhắc nhở cho tăng, ni trẻ ngày nay sống chính niệm tỉnh giác, thiểu dục tri túc thúc liễm thân tâm, khéo vận dụng sự tu học để lợi mình, lợi người.
III. Kết luận
Cuộc sống ngày nay đạo đức ngày càng đi xuống, con người hối hả chạy theo guồng quay của danh vọng, vật chất. Chúng ta hàng tu sĩ có lối sống khác biệt với mọi người. Chúng ta sống bình dị, khoan thai trong niềm hỷ lạc của đời sống chính niệm tỉnh giác.
Bởi thế, chúng ta sống trong chúng thì phải tùy thuận chúng để không dị loại trong chúng. Với thế tục chúng ta đã khác, chúng ta lại khác biệt trong chúng khi làm những điều phi pháp khác biệt với chúng có lẽ chúng ta sẽ bị loại bỏ trong cuộc đời này.
Hành trạng của Tôn giả Rāhula có nhiều bài học quý giá để cho chúng ta học hỏi, noi theo để có thể hoàn thiện bản thân về oai nghi, tế hạnh, giới và đức. Sự tồn vong và mạng mạch của Phật pháp sau này đều do tăng ni trẻ chúng ta, chúng ta những người con của đức Phật không thể tham đắm vật chất, để mình bị cuốn vào những phù phiếm của cuộc đời.
Hàng ngày, chúng ta thực hành sống theo lời dạy của đức Phật để trọn vẹn đời sống của riêng mình, để làm khuôn mẫu trong Phật pháp và cái nhìn của thế gian với Tam bảo được tốt đẹp.
Các đức hạnh khiêm cung, nhẫn nhịn, điềm đạm, sống thiểu dục tri túc, có niềm tin nơi Tam bảo, có tàm quý, luôn luôn tinh tấn trong chính niệm tỉnh giác để tâm định thân an trí tuệ sinh khởi. Đức hạnh của Tôn giả Rāhula là một khuôn mẫu cho chúng ta noi theo. Mong rằng, người xuất gia và tại gia có thể y cứ các đức tính tốt đẹp này của Tôn giả Rāhula mà thực hành nhằm lợi lạc cho nhân thiên.
Tác giả: Huệ Pháp
CHÚ THÍCH
1. Dictionary of Pali Proper Names II, tr.737.
2. Phật Quang Đại Từ Điển III, tr.2686.
3. Đại Phẩm tập I, tr.160.
4. Sđd.
5. Sđd.
6. Đức Phật và Phật Pháp, tr.132.
7. Distionary of Pali Power Names II, tr.737.
8. Kinh Trung Bộ, tập I. tr.507.
9. Sđd, tr. 508.
10. Kinh Trung Bộ, tập I, tr.508.
11. Phật Pháp, tr.77.
12. Tăng Già thời Đức Phật, tr.260.
13. Tiểu Bộ kinh IV, tr.198.
14. Tiểu Bộ kinh III, tr.88.
15. Kinh Tăng Chi Bộ I, tr.51.
16. Tiểu Bộ Kinh III, tr.89.
17. Sđd.
18. Distionary of Pali Power Names II, tr.739.
19. Trung Bộ Kinh, tập I, tr.515.
20. Trung Bộ Kinh, tập I, tr.516-518.
21. Trung Bộ kinh, tập II, tr.623.
22. Sđd, tr.624.
23. Trung Bộ kinh, tập II, tr.625.
24. Tiểu Bộ kinh III, tr.221-222.
25. Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, tr.288-289.