1. Nguyên văn
資度靈筵 爲牒召請事。茲據
越南國…省…縣(郡)…社…村、哀堂奉
佛修香諷經設供召靈安位、報德酬恩、祈薦徃生事。今孤(哀)子…等、維日香燃五分、皈命三尊、願舒金手之光、拯濟泉臺之路、投稱
伏爲故父…府君之靈柩。
嗚呼、劬勞大德、求報未能、生育深恩、欲償莫殫、毎謂百年晨夕、志切趨承胡然、一旦風霜、情懷離別。玆者本月是日、仗請六和之淨侶、闡開不二之玄文、邀祈亡者以超升、永保見存而獲福。今則儀筵初啟、法事宣行、具牒一通、召靈安慰、和羅飯筵中、默享趙州茶、座上潛馨、聞玉偈以優游、聽金經而托化。須至牒者。
右牒召
伏爲香靈案前允鑒。恭望
南無引魂王菩薩證明接度。故牒。
歲次…年…月…日時 。請奠牒
2. Phiên âm
TƯ ĐỘ LINH DIÊN Vị điệp triệu thỉnh sự.
Tư cứ: Việt Nam Quốc … Tỉnh, … Huyện (Quận), … Xã, … Thôn, ai đường phụng Phật tu hương phúng kinh thiết cúng triệu linh an vị, báo đức thù ân, kỳ tiến vãng sanh sự. Kim cô (ai)1 tử … đẳng, duy nhật hương nhiên Ngũ Phận, quy mạng Tam Tôn; nguyện thư kim thủ chi quang, chửng tế tuyền đài chi lộ; đầu xưng:
Phục vị2 cố phụ3 … phủ quân4 chi linh cữu.5
Ô hô ! Cù lao đại đức, cầu báo vị năng; sanh dục thâm ân, dục thường mạc đạn; mỗi vị bách niên thần tịch, chí thiết xu thừa hồ nhiên; nhất đán phong sương, tình hoài ly biệt. Tư giả bổn nguyệt thị nhật, trượng thỉnh Lục Hòa chi tịnh lữ, xiển khai Bất Nhị6 chi huyền văn, yêu kỳ vong giả dĩ siêu thăng, vĩnh bảo kiến tồn nhi hoạch phước. Kim tắc nghi diên sơ khải, pháp sự tuyên hành, cụ điệp nhất thông, triệu linh an úy, Hòa La phạn diên trung, mặc hưởng Triệu Châu trà, tòa thượng tiềm hinh, văn ngọc kệ dĩ ưu du, thính kim kinh nhi thác hóa. Tu chí điệp giả.
HỮU ĐIỆP TRIỆU
Phục vị hương linh án tiền doãn giám.
Cung vọng Nam Mô Dẫn Hồn Vương Bồ Tát chứng minh tiếp độ. Cố điệp.
Tuế thứ … niên … nguyệt … nhật thời. Ngưỡng điệp.
3. Dịch nghĩa
Diên Cúng Siêu Độ Vì điệp thỉnh mời.
Nay căn cứ: Việc gia đình đau buồn hiện ở tại Thôn …, Xã …, Huyện (Quận) …, Tỉnh …, nước Việt Nam, thờ Phật dâng hương tụng kinh thiết cúng mời linh an vị, báo đáp ơn đức, cầu nguyện vãng sanh. Nay con côi (buồn) …, hôm nay hương xông Năm Món, quy mạng Ba Ngôi, mong duỗi tay vàng sáng soi, cứu độ Tuyền Đài nẻo tối, cúi xin:
Kính vì linh cữu của cha hiền quá cố …
Than ôi ! Nuôi con đức cả, báo đáp nào kham; nuôi nấng ơn sâu, muốn đền sao hết; cứ bảo trăm năm sớm tối, hết lòng hầu hạ như thường; một sớm gió sương, tình sầu ly biệt. Nay nhằm tháng này ngày ấy, cung thỉnh chúng tăng ấy thanh tịnh, diễn bày Bất Nhị ấy kinh văn; nguyện cầu người mất được siêu thăng, mãi giúp kẻ còn thêm đạt phước. Nay lúc diên cúng mới soạn, pháp sự tiến hành; đủ điệp một phong, mời linh an ủi; cơm Tự Tứ cúng dâng, thầm hưởng Triệu Châu trà, trên tòa ngát hương; nghe kệ ngọc được thong dong, thấm kinh vàng mà chuyển hóa. Kính dâng điệp này.
Kính Điệp Mời
Cúi vì hương linh trước án soi xét. Kính mong Bồ Tát Dẫn Hồn Vương chứng minh tiếp độ. Kính điệp.
Lúc … ngày … tháng … năm … Điệp thỉnh cúng.
4. Chú thích
- Mất cha thì gọi là cô tử (孤子), mất mẹ là ai tử (哀子); nếu như mất cả cha lẫn mẹ thì gọi là cô ai tử (孤哀子).
- Tác phẩm Trùng San Thích Ca Hành Táng Toản Yếu (重刊釋迦行塟纂要, bản khắc gỗ Hán ngữ) của Tỳ Kheo Tâm Hiển (心顯, Chùa Chúc Thánh), san hành năm Thành Thái thứ 9 (1897), cho rằng để cho vong hồn người chết quay trở về nguồn gốc thì viết là phục vị (伏爲).
- Tác phẩm trên giải thích rằng khi chưa chôn, vẫn còn trên mặt đất thì gọi là cố phụ (故父), cố mẫu (故母), v.v.; khi đã chôn xuống và lập thành mộ phần rồi thì gọi là hiển khảo (顯考), hiển tỷ (顯妣), v.v.
- Đối với mẹ là nhụ nhân (孺人).
- Theo Trùng San Thích Ca Hành Táng Toản Yếu, sau khi thiết linh sàng xong thì có nghi thức đề vị (題位, viết bài vị), khởi đầu từ phục vị (伏爲) cho đến thần vị (神位). Thứ tự nội dung của bài vị là: Phục vị chánh tiến cố phụ (mẫu) …, quan chức (nữ là họ thị) …, phủ quân thần vị. Tỷ dụ như “Phục vị chánh tiến cố phụ Nguyễn Văn A Tổng Đốc phủ quân thần vị (伏爲正薦故父阮文阿總督府君神位)”, hay “Phục vị chánh tiến cố mẫu Nguyễn Thị Ba nhụ nhân thần vị (伏爲正薦故母阮氏波孺人神位).” Theo nghi thức này, thường người ta thiết một cái bàn, hương đèn, vật cúng bày sẵn, hiếu tử tập trung theo vị trí lớn nhỏ, lạy 2 lạy, xong quỳ xuống trước án, ngưỡng trông lên tưởng nhớ đến người đã quá vãng. Sau khi đề vị xong, hiếu tử lạy tạ 2 lạy và lui ra. Tuy nhiên, ngày nay nghi thức này hầu như không còn thấy nữa. Thay vì chữ thần vị, trong các lá phan, văn điệp, v.v., chỉ thấy chữ linh cữu (靈柩).
- Bất nhị (不二): không hai, còn gọi là vô nhị (無二), tức xa lìa hai bên; nghĩa rằng đối với tất cả hiện tượng nên không phân biệt, hoặc vượt qua các loại phân biệt. Theo Đại Thừa Nghĩa Chương (大乘義章, Taishō Vol. 44, No. 1851) quyển 1, xa lìa các tướng, như như bình đẳng, quên cả kia đây, đó gọi là bất nhị. Từ này còn là tên gọi khác của chân như (眞如), pháp tánh (法性). Trung Luận (s: Mūlamadhyamaka-kārikā, 中論) tổng kết tư tưởng Bát Nhã, lấy tư tưởng Bát Bất (八不) như bất sanh diệc bất diệt (不生亦不滅, không sanh cũng không diệt), v.v., để làm sáng tỏ bản chất của pháp tánh, và tạo thành bất chấp thiên kiến, khế hợp với nhận thức của Phật Giáo về pháp tánh. Đây được gọi là Trung Đạo Quán (中道觀). Trong Phật Thuyết Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội Kinh (佛說首楞嚴三昧經, Taishō Vol. 15, No. 642) quyển Hạ có đoạn: “Ma giới tướng tức thị Phật giới tướng, ma giới pháp Phật giới pháp bất nhị bất biệt (魔界相卽是佛界相、魔界法佛界法不二不別, tướng của cõi ma tức là tướng của cõi Phật, pháp cõi ma và pháp cõi Phật không hai không khác).”