Hoạt động hoằng pháp của tạp chí Viên Âm ở miền trung đã trở thành cơ quan ngôn luận góp phần trong công cuộc chấn hưng Phật giáo…
Hoạt động hoằng pháp của Tạp chí Viên Âm ở miền trung đã trở thành cơ quan ngôn luận góp phần trong công cuộc chấn hưng Phật giáo Việt Nam vào nửa đầu thế kỷ XX. Là phương tiện chủ chốt truyền tải các giáo lý cùng thông tin của Hội An Nam Phật học đến đông đảo quần chúng nhân dân. Tạp chí Viên Âm đã phát triển đi lên theo hướng hiện đại hóa, điển hình có sự tham gia đông đảo những cây bút uy tín từ giới cư sĩ cho đến tu sĩ cùng giới quan chức chính quyền.
Không những thế còn đa dạng về hình thức, thể loại văn học và ngôn ngữ; cập nhật thông tin từ các sự kiện Phật giáo từ khu vực cho đến vùng Trung Kỳ, từ Phật giáo trong nước và ngoài nước; đính chính và hiệu đính những lỗi ở kỳ trước… từ đó Tạp chí Viên Âm trở thành kênh thông tin truyền thông hoằng pháp của Hội Phật học trong việc chấn chỉnh nếp sống “thiền môn quy củ” của giới tu sĩ, đồng thời công phá nạn “mê tín dị đoan”, khuyến khích việc dấn thân hộ pháp của giới cư sĩ.
Dẫn nhập
Sự phát triển trong tiến tình của lịch sử văn hóa nhân loại, báo chí là một hiện tượng xã hội. Báo chí ra đời do nhu cầu tiếp nhận thông tin, giải trí, giao tiếp và nhận thức của con người trong từng giai đoạn lịch sử xã hội. Song hành với xã hội phát triển thì chất lượng đời sống được cải thiện, mọi người được nâng cao dân trí thì báo chí cũng là một mặt cũng nâng tầm lên một bước mới.
Để đáp ứng nhu cầu xã hội và chính con người ảnh hưởng trực tiếp đến báo chí. Chính vì thế, sự ra đời của báo chí phù hợp với từng nơi khác nhau, mỗi một quốc gia, mỗi khu vực cũng đều có những điểm mới để phát triển báo chí hòa nhập với môi trường dân tộc, môi trường kinh tế và môi trường chính trị.
Đứng trước tình hình Việt Nam bị thực dân Pháp đô hộ với những cách thức quản lí từ phương Tây đã làm đảo lộn trật tự kinh tế, chính trị, giáo dục, văn hóa vốn có khi trước. Tiếp nối tinh thần của phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam Kỳ cùng sự ra đời của Tạp chí Từ Bi Âm thì ở Trung Kỳ đã có những công cuộc chấn hưng và sự ra đời của Hội An Nam Phật Học và Tạp chí Viên Âm đã trờ thành công cụ truyền thông quan trọng trong phong trào chấn hưng Phật giáo miền Trung thời bấy giờ.
Nội dung
Bối cảnh ra đời của Tạp chí
Năm 1932, Hội An Nam Phật học tại miền Trung được Khâm sư Pháp và triều đình Huế cấp phép thành lập, đặt hội quán tại chùa Trúc Âm. Sau đó, Hội trình đơn xin xuất bản tạp chí Viên Âm và được cấp giấy phép vào ngày 30/06/1933. Sáu tháng sau, tạp chí Viên Âm chính thức ra mắt số đầu tiên, trụ sở tòa soạn được đặt tại số 113, đường Rue Champeau, Huế (tức là đường Hà Nội hiện nay), in tại nhà in Viên Đế, Huế (từ năm 1943, in tại nhà in Đuốc Tuệ, 73 phố Richaud tức phố Quán Sứ, Hà Nội hiện nay).
Ban biên tập gồm hai chứng minh đạo sư là Hòa thượng Giác Tiên – Trụ trì chùa Diệu Đế, Hòa thượng Giác Nhiên – trụ trì chùa Túy Ba và cư sĩ Tâm Minh – Lê Đình Thám. Chủ nhiệm là Chánh Hội trưởng là Ông Nguyễn Đình Hòe, chủ bút là Bác sĩ Tâm Minh – Lê Đình Thám.
Quá trình phát triển của Tạp chí Viên Âm
Tôn chỉ, hình thức và cách tổ chức của tạp chí Viên Âm
*Tên gọi Viên Âm
Nguyệt san Viên Âm – Tạp chí Viên Âm – cơ quan ngôn luận của Hội An Nam Phật học được toàn quyền Pháp cho phép ấn hành theo Nghị định số 2009/P3. Hai từ “Viên Âm” được Ban biên tập của Hội giải thích như sau: “Viên Âm nghĩa là tiếng tròn. Tiếng tròn là tiếng nói hòa toàn; tiếng nói hoàn toàn duy chỉ pháp âm của Phật, Phật là bậc viên giác, tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn, cho nên lời nói tròn, việc làm tròn, giáo pháp tròn, tròn theo bổn tánh thanh tịnh, tròn làm sao, trong trong ngoài tròn, trên tròn, dưới tròn, cùng với giáp pháp mười phường, lớn nhỏ xa gần, đâu đâu cũng đều tròn cả. ”[1].
*Về tôn chỉ
Nguyệt san Viên Âm ra số đầu tiên vào ngày 01/12/1933, ở mục Như Thị Pháp đã nêu lên như sau: “Phật học Nguyệt san ở Huế xuất bản, nêu hai chữ Viên Âm làm tôn chỉ, còn ba tạng kinh điển làm tài liệu cho ngôn luận nội dung; nhất thiết bình luận, giảng giải thì văn trong Nguyệt san đều theo ý nghĩa chân chính, hai chữ Viên Âm mà tuyên dương Phật pháp cho thích hợp với đời, bổ ích cho đời, thề không đem lời hung ác, jois việc hoang đàng, di hại về sau, mang lấy điều tội lỗi”[2].
*Về hình thức
Trang bìa của tạp chí trình bàu một độc lư khói trầm tỏa trên miệng con nghê biến thành cái kháng, ở giữa có hai chữ “Viên Âm” băng chữ Quốc ngữ. Thẳng với hình con nghê ở giữa, hai bên có hai vòng tròn vieets chữ “Viên” bên phải và chữ “Âm” bên trái. Bên dưới để đỉnh nghê là một hàng chữ Hán với nội dung là “Phật học Hội Nguyệt san” (山月會學佛 đọc từ phải sang trái) và cuối cùng là hàng chữ Quốc ngữ “Nguyệt san Phật học” (Hình 1).
Lần 2 được thay đổi từ ngày 10/11/1938 sau phần mục lục bỏ hình đức Phật Bổn Sư ngồi thiền định.
Lần 3 được thay đổi từ tháng 6 năm 1940, bỏ đinh lư hương, thêm dòng chữ Việt – Hán “Hội An Nam Phật học phát hành” (Hình 2).
Lần 4 được thay đổi từ tháng 8 năm 1940, tạp chí được thêm hoa sen tỏa ánh sáng vào giữa, bỏ dòng chữ Hán của Hội phát hành, thêm vào địa chỉ toà soạn (Route Nam Giao).
Lần 5 được thay đổi từ tháng 12 năm 1940, nội dung thay đổi là bỏ hoa sen tỏa sáng mà thay vào hình một con vật và một bó hoa (Hình 3). Lần 6 ở tạp chí số 60 – 61 là số đặc biệt dành cho Nhi Đồng, thay đổi trang bìa với nội dung chèn chữ “Án” vào trang bìa, in tại Nhà in Đuốc Tuệ tại địa chỉ 73, phố Richaud, Hà Nội[3].
Theo Thư viện Huệ Quang, tạp chí Viên Âm có đến 10 lần thay đổi trang bìa, và có sự thay đổi theo từng năm. Viên Âm có 2 khổ báo: từ số 1 -110 khổ 14,5cm x 22,5cm, từ số 111-119 đổi sang khổ A4 21cm x 29,7cm, báp chia làm 2 cột. Sự thay đổi này ra đời ngay sau khi Tổng Hội Phật giáo Việt Nam ra đời. Có lẽ do ảnh hưởng của Tổng hội từ số 120-129, tạp chí Viên Âm trở về báo khổ nhỏ như cũ[4].
Tập 1: 1-9, 636 tr Khổ 14.5×22.5cm.
Tập 2: 10-18, 606 tr Khổ 14.5×22.5cm.
Tập 3: 19-27, 612 tr Khổ 14.5×22.5cm.
Tập 4: 28-36, 618 tr Khổ 14.5×22.5cm.
Tập 5: 37-54, 620 tr Khổ 14.5×22.5cm.
Tập 6: 55&56-75&76, 658 tr Khổ 14.5×22.5cm.
Tập 7: 79 – 94, 650 tr Khổ 14.5×22.5cm.
Tập 8: 95 – 109&110, 636 tr Khổ 14.5×22.5cm.
Tập 9: 111-129, 588 tr khổ A4.
Tổng số trang 5624 tr.
Tập 10: Phụ lục 1- Tổng mục lục
Tập 9, các số gốc 111-119 khổ A4, các số 120-129 Khổ 14.5×22.5cm.[5].
*Về tổ chức
Ban biên tập gồm hai chứng minh đạo sư là Hòa thượng Giác Tiên – trụ trì chùa Diệu Đế và Hòa thượng Giác Nhiên – trụ trì chùa Túy Ba. Đội hình tham gia viết báo của tạp chí Viên Âm ở Trung Kỳ rất đa dạng và nhiều tầng lớp trí thức. Đặc biệt là sự tham gia của cay bút chủ lực tức là Hội trưởng Hội An Nam Phật học là Bác sĩ Tâm Minh – Lê Đình Thám. Còn có sự tham gia hỗ trợ của hai họa sĩ vẽ hình Phật và phong cảnh đều đề mục cho tạp chí đó là họa sĩ Phi Hùng và Nguyễn Khoa Toàn.
*Về cấu trúc
Cấu trúc của Viên Âm cũng có sự thay đổi. Ở số đầu tiên, báo ra mắt với 4 mục lớn gồm: Như thị pháp, Biệt khai phương tiện, Sự tích, tiêu tức. Trong mỗi mục lại gồm nhiều tiểu mụ khác nhau. Chẳng hạn như ở mục Như thị pháp có các tiểu mục như Luận đàn, Diễn đàn, Chư kinh giản nghĩa; còn trong mục Biệt khai phương tiện có 5 tiểu mục nữa… Do vậy, số lượng bài vở trong mỗi số Viên Âm tương đối phong phú.
Từ số 3-12, Viên Âm bổ sung thêm mục Quyển đầu ngữ và giữ nguyên các mục còn lại. Từ số 13 trở đi tên một sô mục có sự thay đổi, bố sung thêm các mục như Kinh học, Luật học, Luận học… Từ số 37 trở đi không còn thấy xuất hiện tên các mục nữa mà thay vào đó là tên các bài cụ thể. Sự thay đổi về cấu trúc, dễ dàng nhận thấy càng về sau Viên Âm càng dành nhiều mục cho nghiên cứu kinh điển, giáo lý của đạo Phật[6].
Các giai đoạn chính
Tạp chí Viên Âm thay đổi các vị cư sĩ trí thức tân học đảm nhận chủ nhiệm trong từng giai đoạn như Bác sĩ Tâm Minh – Lê Đình Thám từ tháng 12 năm 1933 đến tháng 6 năm 1937 và giai đoạn năm 1944 – 1945, Ông Nguyễn Khoa Tân đảm nhận chủ nhiệm từ tháng 7 năm 1937 đến tháng 5 năm 1939, Ông Nguyễn Đình Hòe từ tháng 6 năm 1940 đến tháng 1 năm 1941, Ông Ưng Bàng đảm nhận từ tháng 5 năm 1941 đến năm 1943, Ông Chơn An – Lê văn Định năm 1949 đến 1953.
Trải qua hai giai đoạn từ năm 1933 – 1945 với sự quản lý của Hội An Nam Phật học xuất bản 78 số; giai đoạn từ năm 1949 đến năm 1953 được Hội Việt Nam Phật học (được đổi tên từ Hội An Nam Phật hoc) quản lý tục bản 51 số từ số 79 đến số 129.
Các số và kỳ xuất bản có sự thay đổi như sau: có khi mỗi tháng ra một số (từ số 1 – 11, từ số 26 – 31, từ số 37 – 46, từ số 48 – 54, từ số 57 – 59, từ số 79 – 123, từ số 128 – 129); đôi lúc một tháng ra hai số liên tiếp (từ số 60 – 61, từ số 124 – 125, từ sô 126 – 127); hoặc hai tháng ra một số (từ số 12 – 25, từ số 32 – 35 và số 47); thậm chí có hai tháng ra một bản với hai số (như số 55-56). Tạp chí Viên Âm không phát hành từ tháng 6 năm 1939 đến tháng 5 năm 1940 và từ tháng 02 đến tháng 04 năm 1941.
Số trang của tạp chí Viên Âm trong giai đoạn đầu (1933 – 1945) có xu hướng giảm dần từ 64 trang (từ số 1 đến số 36) xuống khoảng 30 – 40 trang (từ số 37 đến sô 77, ngoại từ số 60 – 61 cho nhi đồng là 77 trang và số 66 – 67 là 51 trang). Sở dĩ có sự thay đổi điều này là do giai đoạn đầu cây bút chủ lực của Bác sĩ Tâm Minh – Lê Đình Thám với 11 bút danh khác nhau để viết rất nhiều bài trên tạp chí; đến năm 1945, Bác sĩ Tâm Minh ra miền Bắc tham gia cống hiến kháng chiến và hoạt động Phật sự tại chàu Quán Sứ – Hà Nội.
Sau đó, Hội Việt Nam Phật học tiếp nối hoạt động của Hội An Nam Phật học, quyết định tục bản Viên Âm từ năm 1939 đến năm 1953. Số trang ban đầu được duy trì là 40 trang, với sự tham gia của những cây bút đắc lực đến từ tăng sĩ Phật giáo là Hòa thượng Thích Trí Quang, Hòa thượng Thích Thiện Siêu, Hòa thượng Thích Minh Châu và bác sĩ trí thức là Ông Chơn An – Lê Văn Định, Ông Võ Đình Cường, Ông Tống Anh Nghị đã viết rất nhiều bài trong giai đoạn tục bản.
Đến giai đoạn Tổng hội Phật giáo Việt Nam năm 1951, thì số trang đã giảm xuống còn 20 trang; do số lượng bài viết ít và điều quan trọng là những cây bút chủ chốt của giới tu sĩ đã di chuyển ra miền Bắc và vào miền Nam tham gia các hoạt động Phật sự.
Tạp chí Viên Âm trong giai đoạn đầu đã đnưg khoảng 100 bài thơ và với hơn 50 tích truyện; đặc biệt trong một năm đầu xuất bản đã đăng hơn 40 bài thơ và 24 bài truyện. Tiêu biểu như “Biển ái sóng dồi” của Châu Hải (Viên Âm số 1), “Viếng canh Tra Am cảm tác” của Như Nguyện (Viên Âm số 3), “Bài thi đưa thầy Tố Liên về Bắc” của B.P (Viên Âm số 27), “Bài thơ tán thán đức Địa Tạng của Thích Nguyên Lương (Viên Âm số 74).
Sang giai đoạn tục bản Viên Âm, thơ và truyện cũng được đăng nhiều trong hai năm đầu xuất bản (1949 – 1950), tiêu biểu nhất là Hòa thượng Thích Minh Châu đóng góp tới 18 mẩu chuyện đạo, Hòa thượng Thích Thuyền Minh đóp góp truyện về Vua Lương Võ Đế từ số 87 đến 94 và Tống Nghị với sự đóng góp 5 bài thơ và 1 bài viết về truyện “Đón gió hương đàm”.
Nội dung của Tạp chí Viên Âm
Nội dung Tạp chí Viên Âm được phép xuất bản đáp ứng điều kiện: “Chỉ giảng giải các giáo lý của Phật giáo ra chữ Quốc ngữ”[7]. Hai số đầu tiên Nguyệt san Viên Âm chỉ có 4 mục, từ số 3 bổ sung thêm mục mới là Tin tức. Nội dung 5 mục ấy được phân chia như sau:
Mục thứ nhất: Quyển đầu ngữ, do Viên Âm phụ trách
Mục thứ hai: Như thị pháp, mục này bao gồm các tiểu mục: Luận đàn (giải nghĩa về luận), Diễn đàn (Đăng lại các bài thuyết pháp), Chư kinh giải nghĩa (giảng giải về Tâm Kinh và Lăng Nghiêm).
Mục thứ ba: Biệt giải phương tiện với các tiểu mục: Thế gian thuyết (đăng bài nghị luận của tác giả), Phật học dị giải (giảng giải về các vị Bồ tát), Thi tâm (các bài thơ nói về đạo Phật), Phiền não tức Bồ đề (chuyện khôi hài ngắn của Cửu giới)
Mục thứ tư: Sự tích đức Phật Thích Ca (rất dài, đăng theo từng số liên tiếp)
Mục thứ năm: Tin tức (nói về tin tức ở nhiều nơi và các thư tín vãng lai)[8].
Để cải thiện chất lượng các bài viết cũng như khắc phục một số khuyết điểm trong quá trình ấn tống tạp chí, hằng năm Ban biên tập của Nguyệt san Viên Âm đã cung thỉnh Ban Chứng minh Đạo sư của Hội tham gia công tác phê bình chỉnh lý. Điển hình như sau năm thứ nhất, Hòa thương Giác Tiên và Hòa thượng Giác Nhiên đã có những lời phê chuẩn như sau:
“Toàn thể Nguyệt san Viên Âm đều khế hiệp với Phật pháp … Mục thư từ vãng lai rất có giá trị, nhưng tòa soạn nên biết rằng thời đại này là thời đại đấu tranh kiên cố; trừ ra khi phải hộ pháp thì tòa soạn nên tránh những việc cãi cọ như tranh hang lửa cho khỏi phụ cái tên Viên Âm quý hóa”[9].
Công tác phê bình của các bậc cao tăng không những sẽ giúp cho Nguyệt san Viên Âm đi đúng hướng mà còn là chìa khóa thành công trong việc phổ biến chủ trương, đường lối của Hội An Nam Phật học đến tăng ni, Phật tử trong suốt thời gian chấn hưng. Kể từ năm 1937, Nguyệt san Viên Âm đã có những sự điều chỉnh, thay đổi về nội dung các chủ đề của tạp chí.
Cụ thể như trong mục Luận đàn, Nguyệt san Viên Âm đã bổi sung thêm nội dung Ý kiến phụ nữ đối với Phật học (bắt đầu từ số 26) và mục Thanh niêm học tăng (từ số 28). Năm 1940 trở đi, Nguyệt san Viên Âm có thêm nội dung là Ngôn luận Thanh niên, phần này đăng tải nhiều bài viết từ các cây bút trẻ mà chủ yếu tập trung là những thành viên trong Đoàn Thanh niên Phật học như Đinh Văn Nam, Ngô Điền, Ngô Thừa, Phạm Hữu Bình, Võ Đình Cường…[10].
Ngày 21 tháng 04 năm 1949, Nguyệt san Viên Âm tục bản được Hội Việt Nam Phật học cho ấn hành tại nhà in Tân Hoa, số 4B, đường Gia Long, Tp. Huế (nay là đường Đống Đa). Chủ nhiệm tòa soạn là Ông Lê Văn Định, quản lý Tôn Thất Hàng. Ban Chứng minh tạp chí là Chư vị Hòa thượng Thích Giác Nguyên trụ trì chùa Thuyền Tôn, Hòa thượng Thích Giác Nhiên trụ trì chùa Tây Thiên, Hòa thượng Tịnh Khiết trụ trì chùa Tường Vân. Với Nguyệt san Viên Âm tục bản, Hội Việt Nam Phật học đã có những điều chỉnh về nội dung nhất định[11].
Ở phần Như thị pháp, Hội tiếp tục cho đăng tải các kinh sách đã được Việt hóa; mục diễn đàn đăng những bài giảng mang tính phổ quát nhằm giúp cho tăng ni, phật tử có những nhận định mới mẻ về đạo Phật cũng như các pháp môn tu hành.
Phần Phật giáo Nghiên cứu được chia làm 6 tiểu mục là: Phật giáo với lịch sử, với Triết học, với Khoa học, với Giáo dục và Nghệ thuật. Nội dung chủ yêu của phần này thường chú trọng đến việc so sánh Phật giáo với các học thuyết bên ngoài nhằm giúp cho các độc giả có những nhìn nhận và đánh giá xác đáng hơn về đạo Phật.
Phần Phật giáo Phổ thông bao gồm các mục như Phật học dị giải, Phật học vấn đáp, Văn đàn, Phật giáo với đời sống.
Phần cuối cùng là Phần Tin tức đăng tải các thông thông tin trong nước và quốc tế.
Với những thay đổi mới này, Nguyệt san Viên Âm tục bản đã thu hút sự quan tâm của nhiều độc giả đương thời mà nhất là đối với tầng lớp thanh, thiếu niên. Nhiều cây bút trẻ với những quan điểm, các nhìn nhận và đánh giá mới về đạo Phật, về cuộc sống con người đã tích cực tham gia đóng góp cho tạp chí. Đến ngày 08 tháng 01 năm 1954, Tạp chí Nguyệt san Viên Âm tục bản chính thức bị đình bản ở số 129.
Có thể cho rằng, trong suốt quá trình tồn tại và cống hiến hết mình, Nguyệt san Viên Âm đã góp phần quan trọng trong việc chuyển tải nội dung cho phong trào chấn hưng Phật giáo để đông đảo tăng ni, tín đồ Phật tử cũng như toàn thể quần chúng nhân dân. Bên cạnh đó, những thông tin mà Nguyệt san Viên Âm thu nhận được nó còn giúp cho Ban Trị sự Hội An Nam Phật học hoàn thiện đường lối chấn hưng của mình.
Thượng tọa Đôn Hậu đã có nhận định trong bài Diễn văn kỉ niệm Đệ thập bát chu niên của Hội Việt Nam Phật học như sau: “Nguyệt san Viên Âm đã trở thành ánh đèn trí tuệ, lửa đuốc quang minh của chư Phật, đem giáo pháp vô lượng của Như Lai truyền bá khắp nơi để cho ai nấy đều thấu hiểu Phật pháp, để rõ lí đồng một bản thể chân tâm thường trú, cải thiện đời sống của mọi người, Đó là một lợi khí về văn hóa của đạo Phật được khắp nước tán dương”[12].
Đội ngũ biên soạn
Trong giai đoạn đầu (1933 – 1945) có rất nhiều vị tu sĩ, cư sĩ, giới trí thức tham gia viết bài; trong đó cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám là cây bút chủ lực với nhiều hình thức qua nhiều bút danh nhất. Về giới tu sĩ phải kể đến Hòa thượng Thích Mật Khế, Hòa thượng Thích Đôn Hậu, Hòa thượng Thích Mật Thể, Ni trưởng Thích nữ Diệu Không, …
Về cư sĩ, ngoài bác sĩ Tâm Minh còn có nhiều vị cựu học và tân học như Trí Độ, Võ Đình Cường, Nguyễn Khoa Toàn, Trương Trị Bích Thủy…Về tầng lớp quan lại và tầng lớp trí thức có Ông hiệp tá học sĩ Ưng Tướng Công (biệt hiệu Châu Khuê), Nguyễn Phúc Ưng Bình (hiệu Thúc Giạ Thị), Nguyễn Đình Hòe, Trần Nguyên Chấn,…
Bên cạnh các tăng sĩ, tạp chí Viên Âm ghi nhận sự đóng góp bài vở của nhiều ni sư, trong đó có Thích Diệu Viên, Huệ Tâm, Diệu Không, Diệu Phước, Tâm Thanh, Tâm Nguyệt, Diệu Không, Diệu Hòa. Cùng với Tăng ni sinh trường Phật học của Hội An Nam Phật học cũng tích cực viết bài cho tạp chí như Thiện Hoa (Trung học Trường Báo Quốc), Phạm Quang (học sinh Trung học trường Phật học), Võ Tường (Trung học trường Phật học Huế), Nguyễn Duy Như (Báo Quốc tăng học trường), Võ Trọng Cường (học sinh lớp cao đẳng trường An Nam Phật học hội), Phạm Văn Quang (học sinh trường cao đẳng), Nguyễn Chính (học tăng trường An Nam Phật học hội), Chánh Quang, Trí Thử, Mộng Liên[13].
Từ cuối năm 1940 đến hết năm 1944 số lượng bài biết giảm dần. Đến giai đoạn tục bản Viên Âm, số lượng tu sĩ tham gia đăng bài giảng và bài viết, dịch thuật, nhiều mẩu chuyện Phật giáo và triết lý đời sống, trong đó có hai cây bút chủ lực là Hòa thượng Thích Minh Châu và Hòa thượng Thích Trí Quang. Cùng với đó, có các vị cư sĩ và trí thức tham gia như Ông Lê Văn Định, Võ Đình Cường, Tống Anh Nghị, Hùng Khanh, Tâm Trí, Lê Đình Trinh…[14].
Về Ban Chủ nhiệm của Tạp chí được tổng hợp và thể hiện trong bảng dưới đây:
Giá trị của Tạp chí Viên Âm
Giá trị văn học
Nhiều bài viết trên Tạp chí Viên Âm có đăng tải các bài thơ, các câu chuyện Phật giáo và bản dịch thuật các bộ kinh lớn như Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Kinh Bồ Tát giới tại gia, Kinh Bát Nhã,… Tạp chí Viên Âm, ngoài sử dụng chữ Quốc ngữ còn có sử dụng thêm chữ Hán, tiếng Pháp, tiếng Anh, với các thể loại như du ký, truyện ngắn, khảo cứu,… nhằm mục đích truyền tải đến công chúng các giáo lý như tứ ân, từ bi, hỷ xả, tinh tấn, bình bẳng, góp phần nâng cao nhận thức của mọi người về Phật giáo.
Tạo điều kiện để chính pháp được thấm vào tư tưởng của đông đảo tín đồ, từ đó chuyển hóa nội tâm thành đời sống tu học của chính họ. Từ những sự cống hiến nhiệt tình của những cây bút của tạp chí từ Chư vị Hòa thượng, chư vị Ni trưởng, Ni sư cho đến các vị cư sĩ, các tầng lớp trí thức, quan lại và những nhà tân học, cựu học với lượng trí thức phong phú đã tạo nên những bài viết xuất sắc cùng đa dạng những thể loại văn học để thuận lợi xuất bản thời bấy giờ.
Giá trị Phật học
Giai đoạn đầu của phong trào chấn hưng đã xuất hiện hai luồng tư tưởng khác nhau về vấn đề Việt hóa kinh sách Phật giáo. Khuynh hướng thứ nhất cho rằng kinh Phật sao thì để vậy chứ dịch ra là không còn giữ được sự linh thiêng và tôn nghiêm của đức Phật. hay là chữ Quốc ngữ chưa năm được hết lý nghĩa nên không cần phải dịch kinh sách từ chữ Hán. Ở khuynh hướng thứ hai lại đưa ra chủ trương nên dịch kinh sách sang chữ Quốc ngữ cho dễ học, dễ tu, dễ thực hành.
Và quan điểm thứ hai này đã được đại đa số các tổ chức Phật giáo đương thời chấp thuận và xem đây là vấn đề thiết yếu cho phong trào chấn hưng. Hòa thượng Thích Giác Hải, Hội trưởng Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật học cho rằng: “Kinh Phật là một món lưu thông, nếu không tùy theo quốc độ mà diễn ra văn tự nước mình thì làm sao mà truyền bá Phật giáo ở trong bản quốc cho đặng.
Có nhiều người lâu nay nhận nhầm chữ Hán làm chữ nước mình nên cứ lo học chữ ấy mà không lo học chữ Quốc ngữ; chớ có biêt rằng chữ Hán vốn là chữ Tàu mà chữ Quốc ngữ mới thiết là chữ của mình đâu”[15]. Qua đó, cho thấy rằng việc dịch thuật các kinh sách từ chữ Hán sang chữ Quốc ngữ là điều thiết yếu để truyền tải những lời Phật dạy đến đông đảo quần chúng có thể tiếp cận được, học được, và dễ thực hành.
Tạp chí Viên Âm đóng vai trò trong việc truyền tải ấy bằng chính trong nội dung của mỗi tờ báo tạp chí đều có chuyên mục dành riêng cho việc phân tích các bộ luận, diễn giảng các bộ luận, đăng lại các buổi thuyết pháp và nguyên văn các bộ kinh. Bên cạnh đó còn có những câu chuyện về tích sử đức Phật Thích Ca Mâu Ni, những mẩu chuyện ngắn để rồi từ đó rút ra các bài học, các phần luận bàn để học tập và thực hành theo.
Tạp chí Viên Âm trực tiếp truyền tải những thông điệp về Phật học, liên quan đến Phật học. Tạp chí như là phương tiện truyền thông đắc lực nhất để làm cầu nối đến toàn thể tăng, ni, phật tử trong vùng Nam kỳ nói riêng và cả đất nước nói chung có điều kiện tương tác và cập nhật thông tin với nhau.
Không những thế, Tạp chí Viên Âm còn thể hiện tinh thần “hộ quốc an dân” qua những ấn phẩm được đăng tải trên tạp chí. Điển hình như “giúp dân Nghệ Tĩnh” trên Viên Âm số 11 (1934); “Giáo dục gia đình” trên Viên Âm số 50 (1942),… từ đó đã lan truyền mạnh mẽ tinh thần từ, bi, hỷ, xả, vô ngã, vị tha, bố thí, nhẫn nhục… thể hiện tinh thần giáo lý của đức Phật thông qua các việc làm cụ thể để giúp người trên tinh thần Bồ tát đạo.
Tạp chí Viên Âm cũng đăng tải những hoạt động từ thiện của Hội An Nam Phật học như giúp đỡ người dân Bình Định, Phú Yên bị bão lụt vào năm 1933; phát quà cho những gia đình nghèo khổ tại chùa Quan Công (Huế) nhân lễ Phật Đản năm 1934, 1935; cùng với đó là những việc làm từ thiện như phát sữa, phát gạo cho trung tâm cô nhi viện Filles de la Chearites de Saint Vincent de Paul của Tỉnh hội Khánh Hòa vào những năm 1937, 1938…
Từ những việc làm và tinh thần đó đã hướng con người xây dựng đạo đức cho chính mình và hạnh phúc gia đình, phát triển xã hội bền vững và thịnh vượng. Chín tinh thần “Hộ quốc an dân” của đạo Phật đó từ xưa đến nay vẫn luôn đồng hành cùng dân tộc trong dòng chảy lịch sử Phật giáo Việt Nam nói riêng và cả lịch sử Việt Nam nói chung.
Kết luận
Hoạt động hoằng pháp của Tạp chí Viên Âm ở miền trung đã trở thành cơ quan ngôn luận góp phần trong công cuộc chấn hưng Phật giáo Việt Nam vào nửa đầu thế kỷ XX. Là phương tiện chủ chốt truyền tải các giáo lý cùng thông tin của Hội An Nam Phật học đến đông đảo quần chúng nhân dân. Tạp chí Viên Âm đã phát triển đi lên theo hướng hiện đại hóa, điển hình có sự tham gia đông đảo những cây bút uy tín từ giới cư sĩ cho đến tu sĩ cùng giới quan chức chính quyền.
Không những thế còn đa dạng về hình thức, thể loại văn học và ngôn ngữ; cập nhật thông tin từ các sự kiện Phật giáo từ khu vực cho đến vùng Trung Kỳ, từ Phật giáo trong nước và ngoài nước; cùng sự đính chính những lỗi ở kỳ trước… từ đó Tạp chí Viên Âm trở thành kênh thông tin truyền thông hoằng pháp của Hội Phật học trong việc chấn chỉnh lại nếp sống “thiền môn quy củ” của giới tu sĩ, đồng thời phá tan lòng “mê tín dị đoan” và khuyến khích việc dấn thân hộ pháp của giới cư sĩ.
Chính vì những điều này ít nhiều đã tác động trực tiếp hay gián tiếp sự tích cực đến đời sống xã hội thời bấy giờ. Tạo dựng lại hình ảnh trong tinh thần từ bi, hỷ, xã, vô ngã, vị tha, tình thần “hộ quốc an dân” sáng ngời trong lòng dân tộc Việt Nam trong thời chiến cũng như thời bình. Và đây như là bước đệm, là nền tảng cho các tạp chí Phật giáo khác nhau sau này có sự tiếp biến và phát triển.
Tác giả: Thích Đức Hạnh (Lê Anh Tuân) Ths Khóa 3 (2022-2024) – Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế
Tài liệu tham khảo
Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Văn học Hà Nội, 1994.
Thích Hải Ấn – Hà Xuân Liêm, Lịch sử Phật giáo xứ Huế, Nxb Văn hóa Sài Gòn, 2006.
Dương Thanh Mừng, Phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Trung Việt Nam, Nxb Đà Nẵng, 2018.
Tạp chí “Viên Âm” và “Đuốc Tuệ” trong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam (tapchinghiencuuphathoc.vn). Trần Thiều, Khái lược sự phát triển của Phật giáo Thừa Thiên Huế giai đoạn 1930 – 1945” Nghiên cứu Tôn giáo, số 4, 2006.
Trang bìa Viên Âm, năm thứ 1, (Huế), 01/12/1933.
https://thuvienhuequang.vn/blogs/bai-viet/ra-mat-tap-chi-vien-am
Trường Đại Học Sư Phạm Hà Nội 2, Việt Nam Đổi mới và hội nhập Quốc tế, T.S Ninh Thị Sinh – ThS. Ninh Thị Hồng – CN. Huỳnh Vương Đạt, Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Trung Kỳ qua tạp chí Viên Âm (1933 – 1945), Nxb Thế Giới,
***
Chú thích
[1] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Văn học Hà Nội, 1994, tr.117. [2] Thích Hải Ấn – Hà Xuân Liêm, Lịch sử Phật giáo xứ Huế, Nxb Văn hóa Sài Gòn, 2006, tr.402. [3] Trường Đại Học Sư Phạm Hà Nội 2, Việt Nam Đổi mới và hội nhập Quốc tế, T.S Ninh Thị Sinh – ThS. Ninh Thị Hồng – CN. Huỳnh Vương Đạt, Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Trung Kỳ qua tạp chí Viên Âm (1933 – 1945), Nxb Thế Giới, tr.349. [4] https://thuvienhuequang.vn/blogs/bai-viet/ra-mat-tap-chi-vien-am. [5] https://thuvienhuequang.vn/blogs/bai-viet/ra-mat-tap-chi-vien-am. [6] Trường Đại Học Sư Phạm Hà Nội 2, Việt Nam Đổi mới và hội nhập Quốc tế, T.S Ninh Thị Sinh – ThS. Ninh Thị Hồng – CN. Huỳnh Vương Đạt, Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Trung Kỳ qua tạp chí Viên Âm (1933 – 1945), Nxb Thế Giới, tr.349-350. [7] Trần Thiều, Khái lược sự phát triển của Phật giáo Thừa Thiên Huế giai đoạn 1930 – 1945” Nghiên cứu Tôn giáo, số 4, 2006, tr. 25-32. [8] Dương Thanh Mừng, Phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Trung Việt Nam, Nxb Đà Nẵng, 2018, tr.196. [9] Giác Tiên – Giác Nhiên, “Lời phê bình Viên Âm năm thứ nhất của các ngài Chứng minh Đạo sư”, Nguyệt san Viên Âm, số 13, 1935, tr.48. [10] Dương Thanh Mừng, Phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Trung Việt Nam, Nxb Đà Nẵng, 2018, tr.197. [11] Dương Thanh Mừng, Phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Trung Việt Nam, Nxb Đà Nẵng, 2018, tr.200. [12] Đôn Hậu, “Diễn văn kỉ niệm Đệ thạp bát chu niên của Hội Việt Nam Phật học”, Nguyệt san Viên Âm, số 89-90, 1950, tr.75. [13] Trường Đại Học Sư Phạm Hà Nội 2, Việt Nam Đổi mới và hội nhập Quốc tế, T.S Ninh Thị Sinh – ThS. Ninh Thị Hồng – CN. Huỳnh Vương Đạt, Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Trung Kỳ qua tạp chí Viên Âm (1933 – 1945), Nxb Thế Giới, tr.351-352. [14] Tạp chí “Viên Âm” và “Đuốc Tuệ” trong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam (tapchinghiencuuphathoc.vn). [15] Giác Hải, “Bài diễn văn cuộc nhóm đại hội đồng Hội Nam Kì nghiên cứu Phật học”, Từ Bi Âm, số 27, 1993, tr.40.