Phế  tích Đồng Dương (1) là tổ hợp kiến trúc đền-tháp Phật giáo quan trọng nhất của vương quốc Champa, hiện tọa lạc tại xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Phế tích đồ sộ này đã được Henri Parmentier và Charles Carpeaux khai quật trong thời gian từ ngày 07-9-1902 đến ngày 27-11-1902 (Parmentier, 1902). Sau đó, Parmentier (1909: 439-505) đã khảo tả chi tiết và thực hiện những bản vẽ kiến trúc có giá trị khoa học cao dựa trên những kết quả phong phú của cuộc khai quật khảo cổ học về phế tích này. Công trình của Parmentier cung cấp những hiểu biết căn bản nhất về phế tích Đồng Dương, và là nguồn tham khảo chính để nghiên cứu về nghệ thuật Đồng Dương cũng như Phật giáo Champa. Ông phân định tổng thể kiến trúc Đồng Dương thành ba tổ hợp chính là Khu (Enceinte) I, II, và III. Đồng thời, dựa vào nội dung minh văn của vua Jaya Indravarman, ký hiệu C.66, phát hiện tại ngay di tích, cho ta biết danh hiệu chính của phế tích Đồng Dương là Phật viện Lakṣmīndra-Lokeśvara được thiết lập vào năm 875 Dương lịch (Majumdar, 1927: III, 74-88).

Trong tiểu luận này, chúng tôi thử giải mã nội dung của tổ hợp phế tích Đồng Dương, dựa theo cách thể hiện của một yết-ma mạn-đà-la (karma-maṇḍala) trong Phật giáo Mật tông (2); đồng thời dựa vào sự phân bố đền tháp trong tổng thể kiến trúc Đồng Dương, cũng như các bi ký mang nội dung liên đới được phát hiện tại hai di tích Đồng Dương và An Thái thuộc tỉnh Quảng Nam.

Hình 1a: Bản vẽ bình đồ Phật viện Lakṣmīndra-Lokeśvara Đồng Dương (Theo: H. Parmentier, 1909)
Hình 1a: Bản vẽ bình đồ Phật viện Lakṣmīndra-Lokeśvara Đồng Dương (Theo: H. Parmentier, 1909)
Hình 1b: Hiện trạng của di tích Đồng Dương, cửa hướng Tây, khung cửa và trụ cửa sử dụng sa thạch kết hợp với tường gạch (Ảnh: Trần Kỳ Phương)

1. PHẬT VIỆN LAKṢMĪNDRALOKEŚVARA ĐỒNG DƯƠNG THẾ KỶ IX-X

Lakṣmīndra-Lokeśvara vihāra Đồng Dương từng là trung tâm Mật tông quan trọng nhất của Phật giáo Champa. Điều này có thể nhận thức qua nền nghệ thuật và kiến trúc của phế tích Đồng Dương mới chỉ được khai quật vào đầu thế kỷ XX, không may nó đã bị phá hủy hoàn toàn trong chiến tranh từ giữa thế kỷ XX. Vì thế chúng ta phải căn cứ hoàn toàn vào những nghiên cứu chuyên sâu và những bản vẽ khoa học của Henri Parmentier (1909; 1918) để tìm hiểu về di tích này (3).

Minh văn ký hiệu C.66 được phát hiện ngay tại Đồng Dương là một trong những cơ sở khoa học để tham cứu lại phức hợp đồ sộ của di tích này. Đây là một Phật viện cúng dường cho Bồ-tát Lakṣmīndra-Lokeśvara thiết lập dưới triều vua Śrī Jaya Indravarman II vào năm 875 (Golzio, 2004: 60-73 [C.66]), với thiết kế là một tổ hợp đền-tháp to lớn bố cục trong một không gian có chiều dài khoảng 1.300 mét; và được Parmentier phân định thành ba tổ hợp chính gồm Khu I, II, và III. Trong đó, Khu I bao gồm tổ hợp đền-tháp chính của một yếtma mạn-đà-la (karma-maṇḍala); Khu II là tiền đình (maṇḍapa); và Khu III là sảnh đường lớn, đây là nơi tổ chức những nghi lễ của Phật viện; chẳng hạn, lễ quán đỉnh (abhiṣeka) là một trong những nghi thức chính của Mật tông. Một cột đà-la-ni (dhārani) bằng gạch gọi là cột ‘Xuân Sơn’ dựng phía trước Phật viện gần một ao sen vuông lớn nằm về hướng Đông của phức hợp đền-tháp (Parmentier, 1909: 281-82, 439-505) [Hình 1a & 1b]. Ngoài những thông tin xác thực được nêu lên trong minh văn C.66, những tôn tượng chính của di tích góp phần chủ yếu để xác định tính chất tín ngưỡng đặc thù của Phật viện này. Cho đến nay, chỉ có ba pho tượng Phật lớn được phát hiện ngay tại phế tích, gồm: một tượng Phật đứng bằng đồng; một tượng Phật ngồi trên ngai với hai chân song song đặt vuông góc mặt đất bằng sa thạch; và một tượng Phật ngồi thủ ‘trí huệ ấn’ (bodhyagrī-mudrā) cũng bằng sa thạch.

Một trong những yếu tố chính nêu trong minh văn C.66 là đoạn B8, được đức vua Jaya Indravarman nhấn mạnh, nội dung như sau:

“duḥkhenābhihatā narāś ca narake kecittathā nārakā
rātrau vā ca divā tadā ca satataṃ
kāṅkṣanti te darśanam/
tarsābhiś ca narā divākarahatā grīsme
jalaṃ śītalarṭi
ye te drasṭum anekaduhkhavihatā
vecchanti bhumau yathā//”.

“Những kẻ bị đè nén bởi bao sầu khổ, và những kẻ sống trong Địa ngục, mong mỏi được trông thấy ngài, ngày cũng như đêm; như những kẻ đói khát bị đày đọa dưới cái nóng thiêu đốt của mặt trời cho nên thèm muốn nước mát trong mùa hè, bởi họ đang đau khổ từ bao nỗi lo âu, mong muốn có được sự quán chiếu của ngài” (Golzio, 2004: 71 [C.66]).

Theo nhận định của Hiram Woodward (2011: 33-39), những ghi chép trong minh văn Đồng Dương gợi lên một cách rõ ràng Chương ba của kinh Kāraṇḍavyūha hay Đại thừa Trang nghiêm Bảo vương kinh, mặc dầu trong minh văn không có từ preta (ngạ quỷ) nhưng những từ như naraka (địa ngục), satatam (triền miên), kāṅkṣa (khao khát), śītalā (lạnh lẽo) đã xuất hiện cả trong kinh văn cũng như trong văn khắc Đồng Dương. Cũng theo kinh Kāraṇḍavyūha, Bồ-tát Kim Cang Thủ hay Vajrapāṇi đã xuất hiện cùng chư Bồ-tát để nghe đức Phật Śākyamuni giảng giải về việc Avalokiteśvara hạnh nguyện vào ngục A-tỳ (Avīci) để cứu độ chúng sanh (Roberts and Yeshi, 2013; Thích Viên Đức, 2014: 187- 348)(4). Các chi tiết này cho phép nhận định rằng, đức vua Jaya Indravarman đề cao hạnh nguyện của ngài là sự học hỏi và bảo vệ Phật pháp, cũng như ca ngợi đức từ bi của chư Phật và của Bồ-tát Avalokiteśvara.

2. TAM BỘ VÀ TAM TƯỢNG TỐI THẮNG TÔN

Minh văn An Thái ký hiệu C.138 là minh văn Chàm duy nhất cung cấp thông tin về pháp hành/nghi quỹ (5) (sādhanās) của Phật giáo Champa (5), niên đại 902 (Golzio, 2004: 89-92). Đồng thời để định danh cho tôn tượng của ba vị Phật chính phát hiện tại di tích Đồng Dương, nội dung của minh văn An Thái sẽ là cơ sở đối chiếu. Theo đó, Mật tông Champa nhấn mạnh một hệ thống thờ tam vị Tối thắng tôn (Jina) hay Phật, gồm Śākyamuni (Phật Thích-ca), Amitābha (Phật A-di-đà) và Vairocana (Đại Nhật Như Lai), các ngài đã gia trì ba tối thắng xứ/tịnh xứ (jinālayaḥ) là Vajradhātu (Kim Cang giới), Padmadhātu (Liên Hoa giới) và Cakradhātu (Pháp Luân giới) để thể hiện thể tánh Không (Śūnyatā), Đại Không (Mahaśūnyatā) và Siêu việt Không (Śūnyatātīto) (Mabbett, 1986: 301-2; Chutiwongs, 2005: 80-1).

Có thể so sánh ba tối thắng xứ/tịnh xứ (jinālayaḥ) trong bia An Thái với Tam bộ (Trikūla) trong Thai tạng giới mạn-đà-la của Mật tông Kim Cang thừa (Vajrayāna), như sau:

– Kim Cang bộ = Kim Cang giới (Vajrakūla = Vajradhātu) được gia trì bởi Śākyamuni (Phật Thích-ca);

– Liên Hoa bộ = Liên Hoa giới (Padmakūla = Padmadhātu) được gia trì bởi Amitābha (Phật A-di-đà);

– Phật bộ = Pháp Luân giới (Buddhakūla = Cakradhātu) được gia trì bởi Vairocana (Đại Nhật Như Lai).

Ba bộ chủ trong Thai tạng giới mạnđà-la (Garbhakośadhātu-maṇḍala) hay Đại bi Thai tạng giới mạn-đà-la (Mahākaruṇa-garbhakośadhātumaṇḍala) xuất hiện trong nhiều kinh văn Mật thừa, đặc biệt trong kinh Đại Nhật (Vaircanabhisambodhi-sūtra) và kinh Tô-tất-địa (Susiddhikara-sūtra).

Trong Kim Cang thừa có hai mạn-đà la chính gọi là ‘Kim Thai lưỡng bộ’ được thiết lập để thực hành nghi thức quán đỉnh (abhiṣeka) đó là Thai tạng giới mạn-đà-la và Kim Cang giới mạn-đà-la (Vajradhātu-maṇḍala) (Kiyota, 1968; Trần Kỳ Phương và Nguyễn Thị Tú Anh, 2022a: 73-108). Tương hợp với Thai tạng giới, thiên về Tam bộ, là Kim Cang giới thiên về Ngũ Bộ (Pañcakūla), trong đó bao gồm Phật bộ (Buddhakūla) do Vairocana làm bộ chủ, Kim Cang bộ (Vajrakūla) do Akṣobhya làm bộ chủ, Bảo bộ (Ratnakūla) do Ratnasambhava làm bộ chủ, Liên Hoa bộ (Padmakūla) do Amitābha làm bộ chủ, và Nghiệp bộ (Karmakūla) do Amoghasiddhi làm bộ chủ (Giebel, 2001; 2009). Thai tạng giới mạn-đà-la, tượng trưng cho Đại Bi (Mahākaruṇā), được hình thành từ kinh Đại Nhật; còn Kim Cang giới mạn-đà-la, tượng trưng cho Đại Trí (Mahāprajña), hình thành từ kinh Kim Cang đỉnh (Vajraśekharasūtra); cả hai biểu thị cho Lý 理 (nyāya) và Trí 智 (jñāna) cũng như tính Tuyệt đối Bất Nhị (advaitā) của tư tưởng Đại thừa (Wayman and Tajima, 1992: 227; Abé, 1999: 44; Grotenhuis, 1999: 36-38; Orzech, 2011: 263-85; Faure, 2016: 191-94; Tuệ Sỹ, 2016: 331-34). [xem Bảng 1].

A. Lớp thứ nhất, nằm bên trong theo hàng dọc, ở trung tâm, gồm bảy viện: [1] Trung đài Bát diệp viện; [2] Biến tri viện; [3] Thích-ca viện; [4] Văn thù viện, về hướng Đông; [5] Trì minh viện; [6] Hư Không Tạng viện; [7] Tô-tất-địa viện, về hướng Tây; bảy viện này thuộc Phật bộ (Buddhakūla).

B. Lớp thứ hai, theo hàng ngang, gồm bốn viện: [8] Quán Âm viện; [9] Địa Tạng viện, về hướng Bắc; hai viện này thuộc Liên Hoa bộ (Padmakūla); [10] Kim Cang Thủ viện; [11] Trừ Cái Chướng viện, về hướng Nam; hai viện này thuộc Kim Cang bộ (Vajrakūla).

C. Lớp thứ ba, vòng bao bên ngoài cùng, gồm một viện: [12] Ngoại Kim Cang Bộ viện (Kiyota, 1968; Wayman và Tajima, 1992: 83-114).

Bảng 1. Hiện đồ Thai tạng giới mạn-đà-la:

2.1. Tam bộ của Thai tạng giới mạn đà-la Đồng Dương

Dựa theo sự phân bố tổ hợp đền-tháp của di tích Đồng Dương, được thể hiện bằng bình đồ kiến trúc của Parmentier (1909), đối chiếu với nội hàm của một Thai tạng giới mạn-đàla, Tam bộ (Trikūla) của yết-ma mạn- đà-la này đã được các kiến trúc sư Champa đương thời thiết kế theo một bố cục giản lược hơn cho phù hợp với cấu trúc của Phật viện Lakṣmīndra-Lokeśvara như sau:

– Phật bộ (Buddhakūla), gồm ba ngôi đền lớn ở trung tâm, thuộc hàng dọc, xét theo trục Tây-Đông: [1] Phật đường chính hay ‘Tour principale’ nơi thờ tôn tượng Thích-ca; [2] Tháp Trung tâm hay ‘Tour central’ nơi thờ tôn tượng A-di-đà đặt chính giữa, cả hai thuộc Khu I, nằm về phía Tây di tích; và, [3] Giảng đường hay ‘vihāra‘ nơi thờ tôn tượng Đại Nhật thuộc Khu III, nằm về phía Đông di tích.

– Liên Hoa bộ (Padmakūla), thuộc hàng ngang trên trục Bắc-Nam, gồm Quán Âm viện là tháp Bắc hay ‘Tour nord‘ nằm về phía Bắc Phật đường chính (Tour principale), thể hiện Đại Bi (Mahākaruṇā). Trong viện này, đức Quán Thế Âm hay Liên Hoa Thủ (Padmapāṇi) là viện chủ. Mặc dầu cho đến nay chưa tìm thấy tôn tượng nào của đức Quán Thế Âm tại Khu I, tuy nhiên pho tượng đồng kiệt tác của Lục Độ mẫu hay Śyāma Tārā [Hình 2], phát hiện tại di tích Đồng Dương năm 1978, là minh chứng sinh động cho sự hiện hữu của ngài trong viện này (Trần Kỳ Phương và Nguyễn Thị Tú Anh, 2022b: 26-44; 2023: đang in)(6) ; danh hiệu của ngài cũng được xưng tụng trong minh văn An Thái.

– Kim Cang bộ (Vajrakūla), thuộc hàng ngang trên trục Bắc-Nam, gồm Kim Cang Thủ viện, là tháp Nam hay ‘Tour sud’ nằm về phía Nam Phật đường chính (Tour principale), thể hiện Đại Trí (Mahājñāna) (7). Trong Kim Cang Thủ viện, ngài Kim Cang Thủ là viện chủ, danh hiệu của ngài được xưng tụng trong minh văn An Thái. [xem Bảng 2].

Bảng 2: So sánh Tam bộ của Thai tạng giới mạn-đà-la và thể thức Mậttông Champa theo minh văn An Thái:
Bảng 2: So sánh Tam bộ của Thai tạng giới mạn-đà-la và thể thức Mật tông Champa theo minh văn An Thái:

2.2. Tam tượng Tối thắng tôn

Dựa theo cách sắp xếp thứ tự của ba đức Tối thắng tôn/Phật (Jina) trong minh văn An Thái, chúng ta có thể nhận định được rằng ba pho tượng Phật lớn phát hiện tại Đồng Dương là Thích-ca Như lai (Śākyamuni Tathāgata), Vô Lượng Quang Như lai hay A-di-đà (Amitābha Tathāgata) và Đại Nhật Như lai hay Tỳ-lô-giá-na (Vairocana Tathāgata). Như vậy về vị trí bài trí cho ba pho tượng này, có thể theo thứ tự sau đây, tuyệt tác bằng đồng thể hiện đức Thích-ca trong tư thế đứng, tay phải thủ ‘giáo hóa ấn’ hay vitarka-mudrā, được bài trí trên bàn thờ lớn của Phật đường chính (tour principale), đặt ở phía Tây của  Phật viện (9) (Parmentier, 1909: 443- 46) [Hình 3]; kế đến là tượng thể hiện đức A-di-đà, bằng sa thạch, ngồi tư thế hai chân buông thõng và hai tay đặt trên gối, được bài trí trong ngôi đền có bốn cửa hay là ‘tháp Trung tâm’ (tour central) đối diện với Phật đường chính, cả hai đều thuộc về Khu I (Parmentier, 1909: 452-55; Woodward, 2011: fig.1)(10); sau hết, một tượng Phật lớn khác cũng bằng sa thạch, ngồi tư thế vajrāsana (Kim cang tọa), thể hiện đức Đại Nhật Như lai, với hai tay thủ ấn quyết đặc thù của ngài là ‘trí huệ ấn’ hay bodhyagrīmudrā, có thể được bài trí trên bàn thờ đặt trong tổ hợp giảng đường vihāra tọa lạc ở phía Đông của Phật viện thuộc về Khu III (Dhar, 2014: 119-20) [Hình 4].

Riêng về pho tượng Phật ngồi hai chân buông thõng, có thể suy luận rằng đây là Phật A-di-đà bởi vì ngài có liên đới với Bồ-tát LakṣmīndraLokeśvara là thần chủ của Phật viện Đồng Dương được xưng tụng trong minh văn của vua Jaya Indravarman [Hình 5]. Để nhận biết kiểu thức thể hiện hình tượng của chư Phật theo phong cách Champa tại yết-ma mạnđà-la Đồng Dương, sẽ được tìm hiểu thêm qua tư thế ngồi buông thõng hai chân của tôn tượng A-đi-đà. Đức Phật ngồi trên ngai với hai chân chạm đất gọi là bhadrāsana hay ‘hiền toạ 賢 坐’ (Taishō, vol. 20, no. 1076; Giebel, 2005: 260), được xác nhận là một tư thế ngồi phổ biến của các tượng Phật ở Đông Nam Á. Tư thế ngồi hai gót chân gần như chạm vào nhau với hai đầu gối hơi mở rộng bằng vai, tạo dáng gần giống nửa hình thoi; một tay thủ ấn vitarka-mudrā (giáo hóa ấn) hay dharmacakra-mudrā (pháp luân ấn), còn tay kia thủ abhaya-mudrā (vô úy ấn) hoặc bodhyagrī-mudrā (trí huệ ấn) (Revire, 2017: 279-304). Tuy nhiên, tượng Phật Đồng Dương lại ngồi với tư thế hai bàn chân chạm đất song song với nhau, và hai tay đặt trên hai gối; đó có thể là nguyên mẫu của nghệ thuật Champa thể hiện Phật A-di-đà hoặc có thể mô phỏng theo truyền thống Trung Hoa thể hiện Phật Di-lặc (?). Theo Grace Chiao-Hui Tu, “[T]ượng Phật ngồi trong tư thế bhadrāsana thường được xác định là Phật Di-lặc tại Trung Hoa, ngài sẽ hạ sanh trong tương lai, như được giảng trong kinh ‘Bồ-tát Di-lặc, hạ sanh thành Phật’. Hình tượng Phật Di-lặc ngồi trong tư thế bhadrāsana đã xuất hiện lần đầu tại Trung Hoa vào thời Bắc Lương (421-439) và được xem như biểu tượng của sự cứu thế và cách tân chính trị. Sự quan trọng của ngài được tái xác thực khi hoàng hậu Võ Tắc Thiên tự xưng là đồng đẳng với Phật Di-lặc để hợp thức hóa sự hoán ngôi của bà vào năm 690” (Tu, 2018: 79-88). Vì thế, pho tượng ngồi tư thế ‘hiền tọa’ của Đồng Dương thường được các nhà lịch sử nghệ thuật so sánh với tượng Phật Di-lặc (Maitreya) nổi tiếng của Trung Hoa, có tư thế ngồi hai tay đặt trên hai chân buông thõng, cao 71 mét, được tạc vào vách núi đá năm 803 tại Lạc Sơn, là nơi hợp lưu của ba dòng Mân giang, Đại Độ giang và Thanh Y giang ở phía Nam tỉnh Tứ Xuyên (Tu, ibid.). Ngoài ra còn một pho tượng Phật cao 420cm bằng sa thạch, tư thế ngồi với hai chân vuông góc mặt đất và hai tay đặt trên hai đầu gối song song, thuộc nền nghệ thuật Dvaravati của Thái Lan, niên đại thế kỷ VIII, pho tượng này cũng được nhận định là thể hiện Phật Di-lặc, hiện thờ tại chùa Wat Na Phra Men, Ayutthaya (Krairiksh, 2012: 64-66, fig. 1.41). Thế ngồi bhadrāsana hay ‘hiền tọa’ được diễn tả trong Thất câu chi Phật mẫu sở thuyết Chuẩn-đề đà-la-ni kinh, như sau: “Mặt hướng về phía Tây, thẳng hai gối, chân kề sát nhau, gọi là hiền tọa” (Taishō, vol. 20, no. 1076: 10).

Về thủ ấn đặc thù của Vairocana là ‘trí huệ ấn’ hay ‘bodhyagrī-mudrā‘ hoặc ‘jñāna-muṣṭi-mudrā‘ của pho tượng Đồng Dương sẽ được đối chiếu qua nghệ thuật truyền thống của Mật giáo (Mikkyo) Nhật Bản đương thời vào thế kỷ VIII-X. Hình tượng Vairocana thủ ‘trí huệ ấn’ hay ‘trí ấn’, tượng trưng cho đức Phật của cảnh giới trí huệ là ‘động’, xuất hiện trong Kim Cang giới mạn-đà-la; còn hình tượng Vairocana thủ ấn hoặc ‘pháp giới định ấn’ hay ‘dharmadhātu-samādhi-mudrā‘, tượng trưng cho đức Phật của cảnh giới bản hữu là ‘tĩnh’, xuất hiện trong Thai tạng giới mạn-đà-la (Takakusu, 1956: 155-57; Kiyota, 1968: 47-53; 1978: 88-89, 102; Tuệ Sỹ, 2008: 220- 24). Có thể ấn quyết của tượng Vairocana Đồng Dương là một biểu tượng cho sự kết hợp Kim Thai lưỡng bộ của Phật viện Lakṣmīndra-Lokeśvara, nhằm thể hiện hai đức Đại bi và Đại trí, là hai bánh xe vận chuyển cỗ xe Đại thừa (Tuệ Sỹ, 2017: 55).

Trong Phật bộ của mạn-đà-la Đồng Dương, Phật đường chính có thể được xem là Thích-ca viện của Thai tạng giới mạn-đà-la, nơi bài trí tôn tượng Thích-ca cũng như những vị liên đới hoặc các hoạt cảnh tường thuật cuộc đời của đức Phật lịch sử. Theo Mật tông, đức Thích-ca có nhiều thân giác ngộ, trong viện này, ngài là Ứng hóa thân (Nirmanakāya) mang tính lịch sử của Mahāvairocana. Ngài cũng là một trong những giảng sư về Mật tính của Mahāvairocana (Kiyota, 1968: 56). Vì vậy, tôn tượng của đức Thích-ca tại mạn-đà-la Đồng Dương được diễn tả trong tư thế  thuyết pháp với bàn tay phải thủ ‘giáo hóa ấn’ (vitarka-mudrā).

Tại Khu III, hay ‘vihāra’ hoặc ‘giảng đường’, là kiến trúc của một tòa sảnh rộng, bình đồ hình chữ nhật có bốn hàng cột vuông bằng gạch để chống đỡ một mái ngói rộng. Vào tháng 11 năm 1902, các nhà khảo cổ học đã phát hiện được một cặp tượng tu sĩ bị mất đầu, mặc áo choàng bằng vải thô,
hai tay ôm một đóa sen lớn đặt ngang ngực, đứng trên một tòa sen đối diện nhau, hai chân mang dép (Missions archaéologiques françaises en Annam: les monuments du Champa, 2005: 100, fig.65). Dựa vào những nếp nhăn thể hiện trên cổ của tượng, các nhà lịch sử nghệ thuật nhận định, một trong
hai vị chính là tôn giả trưởng lão Mahā Kāśyapa (Ma-ha Ca-diếp), một đại đệ tử của đức Phật Thích-ca (Baptiste, 2018: 174). Theo kinh Đại Nhật, tên đầy đủ của hai tôn giả này là Uruvilva Kāśyapa (Ưu-lô-tần-loa Cadiếp) và Gaya Kāśyapa (Ca-gia Cadiếp) [Hình 6], đều hiện diện trong Biến tri viện của Thai tạng giới mạnđà-la (Kiyota, 1968: 55). Như vậy, sảnh đường ‘vihāra‘ của Khu III cũng là Biến tri viện được thiết kế kết hợp với tòa sảnh nơi bài trí tôn tượng Vairocana, vì Biến tri viện diễn tả sự hóa hiện Pháp thân Đại Nhật Như lai (Dharmakāya Mahāvairocana) từ cảnh giới giác ngộ để cứu độ chúng sanh trong thế gian (Kiyota, 1978: 89-90).

Cũng từ nội dung đề cập trong minh văn An Thái để so sánh với chư tôn tượng bài trí trong yết-ma mạn-đà-la Đồng Dương, có thể thấy rằng, Đại Nhật Như lai được hộ trì bởi Vajrasattva; A-di-đà Như lai được hộ trì bởi Avalokiteśvara; và Thích-ca hoặc Bất Động Như lai (Akṣobhya) được hộ trì bởi Vajradhṛt/Vajradhara (11) hay Vajrapāṇi . Mặc dù cho đến nay vẫn chưa phát hiện được tôn tượng của tam vị Bồ-tát này tại phế tích Đồng Dương; tuy nhiên một bàn thờ bằng sa thạch thể hiện Kim Cang tátđỏa mạn-đà-la (Vajrasattva-maṇḍala) thuộc Phong cách Đồng Dương, niên đại đầu thế kỷ X, phát hiện tại hang động Non Nước – Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng, vừa được khảo cứu (Trần Kỳ Phương và Nguyễn Thị Tú Anh, 2022a: 73-108).

Hình 2: Tôn tượng Lục Độ mẫu, hay Śyāma Tārā, bằng đồng, phát hiện tại di tích Đồng Dương năm 1978; niên đại thế kỷ IX-X; hợp kim đồng, cao 114 cm; hiên trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng [Ký hiệu: BTC 1651-BTĐN 535] (Ảnh: River Books)
Hình 3: Tôn tượng Śākyamuni, hợp kim đồng, cao 130cm; hiện trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh [Ký hiệu: BTLS 4419] (Ảnh: Trần Kỳ Phương)
Hình 3: Tôn tượng Śākyamuni, hợp kim đồng, cao 130cm; hiện trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh [Ký hiệu: BTLS 4419] (Ảnh: Trần Kỳ Phương)
Hình 4: Tôn tượng Đại Nhật Như lai/Vairocana, tay thủ ‘Trí huệ ấn’ (bodhyagrī-mudrā), phát hiện tại di tích Đồng Dương năm 1902 (Ảnh chụp năm 2015 (?), thuộc sưu tập tư nhân, dẫn theo P. Baptiste, 2019: 345, figure 3)
Hình 5: Tôn tượng A-di-đà Như lai/Amitābha Đồng Dương, phát hiện trong ‘tháp Trung tâm/Tour central’ năm 1902; sa thạch, cao 158cm; hiện trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng [Ký hiệu: BTC 138-13.5] (Ảnh: EFEO)
Hình 6: Tôn tượng Uruvilva Kāśyapa (Ưu-lô-tầnloa Ca-diếp) hoặc Gaya Kāśyapa (Ca-gia Cadiếp), phát hiện tại Khu III Đồng Dương năm 1902; sa thạch, cao 88cm; hiện trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng [Ký hiệu: BTC 174-44.258] (Ảnh: Lý Hòa Bình)
Hình 7: Chú thích tổng quát thiết kế đồ hình di tích Đồng Dương: [1] Phật đường chính (Tour principale), thờ tôn tượng Thích-ca; [2] Tháp trung tâm có bốn hướng vào, thờ tôn tượng A-di-đà; [3] Giảng đường (vihāra) thờ tôn tượng Đại Nhật Như lai, thuộc Phật bộ; [4] Quán Thế Âm viện thuộc Liên Hoa bộ; [5] Kim Cang Thủ viện thuộc Kim Cang bộ. [a] Tôn tượng Đại uy đức Kim Cang hay Yamāntaka; [b] Tôn tượng Bất động Minh vương hay Acalanātha; [c] Tôn tượng Hàng tam thế Kim Cang hay Trailokyavajra; [d] Tôn tượng Thắng tam thế Minh vương hay Trailokyavijaya, thuộc Trì minh viện.

2.3. Tam thân Phật và mật chú ‘Oṃ Maṇipadme Hūṃ’

Xét về Tam thân Phật (trikāya) thì cách bài trí của Phật viện Đồng Dương bao gồm: Pháp thân Phật (Dharmakāya) là Đại Nhật Như lai; Thọ dụng thân Phật hay Báo thân Phật (Sambhogakāya) là A-di-đà Như lai; v à Ứng hóa thân Phật (Nirmanakāya) là Thích-ca Như lai hay đức Phật lịch sử (Kiyota, 1968: 33, note 7; 1978: 57-65; Guang Xing, 2005: 69-178; Tuệ Sỹ, 2016: 314-34). Tổ hợp kiến trúc của Đồng Dương được bài trí theo tinh thần của Thai tạng giới mạn-đà-la, trong đó, cũng thể hiện Quán Thế Âm mạn-đà-la; vì vậy đức A-di-đà ngự ở trung tâm mạn-đà-la; đức Đại Nhật ngự ở phương Đông; và đức Thích-ca ngự ở phương Tây (12). Trong yết-ma mạn-đà-la Đồng Dương, Phật Thích-ca thay thế cho Phật Bất Động hay A-súc-bệ (Akṣobhya) ngự ở phương Tây, vì đức Bất Động là Thọ dụng thân Phật hay Báo thân Phật nên có thể hoán chuyển bằng đức Thích-ca là Ứng hóa thân Phật (13), bởi vì tất cả chư Phật đều có Tam thân Phật là Pháp thân, Thọ dụng thân (hay Báo thân), và Ứng hóa thân. Hơn nữa, có thể suy luận rằng, yết-ma mạn-đà-la Đồng Dương chính là cõi Tịnh độ Sukhāvatī của A-di-đà nên ngài tọa lạc ở trung tâm cảnh giới này để thuyết pháp (Wayman, 1977: 76; Studholme, 2002: 143-44).

Nội dung của mật chú nổi tiếng xưng tụng Bồ-tát Avalokiteśvara là ‘Oṃ MaṇipadmeHūṃ‘, bao hàm đủ ‘tam mật 三蜜’ là Thân, Khẩu, Ý; theo đó, Vairocana chủ về Thân mật, chủng tự (bīja) là ‘Oṃ’ thuộc âm đầu; Amitābha chủ về Khẩu mật, chủng tự là ‘Āḥ‘ thuộc âm giữa; và Aṣobhya/Śākyamuni chủ về Ý mật, chủng tự là ‘Hūṃ‘ thuộc âm cuối; vì thế, ‘Maṇipadme’ tương đương với chủng tự ‘Āḥ‘ của Amitābha ở trung tâm của cõi Tịnh độ (Wayman, ibid.).Do đó, có thể luận rằng,tam tôn tượng Phật của yết-ma mạn-đà-la Đồng Dương, nơi Bồ-tát [Lakṣmīndra]- Lokeśvara là thần chủ, được bài trí thứ tự theo tinh thần của mật chú ‘Oṃ Maṇipadme Hūṃ‘, như sau: ‘Oṃ‘ hay Vairocana, phương Đông; ‘Maṇipadme [Āḥ]’ hay Amitābha, phương trung tâm; ‘Hūṃ‘ hay Śākyamuni/Aṣobhya, phương Tây [Hình7].

Hình 8: Tôn tượng Đại uy đức Kim Cang hay Yamāntaka được bài trí trong hốc tường phía Nam của Tháp cổng Khu II (Porche II), di tích Đồng Dương. Ngài đứng trên một con trâu, tay phải cầm chùy, tay trái thủ Vô úy ấn; sa thạch, cao 216cm; hiện được trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng [Ký hiệu: BTC 174-9.11] (Ảnh: Ch. Carpeaux/EFEO, 1902)
Hình 9: Tôn tượng Hàng tam thế Kim Cang (Trailokyavajra) được bài trí trong hốc tường phía Bắc Tháp cổng Khu III (Porche III). Ngài đứng trên con thủy quái makara (?), tay trái cầm vajra, tay phải thủ Vô úy ấn (Bản vẽ: H. Parmentier, 1909)

3. TỨ ĐẠI MINH VƯƠNG THUỘC TRÌ MINH VIỆN

Cũng theo nội dung của Thai tạng giới mạn-đà-la, Khu II của di tích Đồng Dương có thể là Trì minh viện (Vidhyādharas). Viện này bài trí tôn tượng của Tứ đại Minh vương (vidhyāraja) bao gồm Đại uy đức Kim Cang hay Yamāntaka [Hình8];Bất động Minh vương hay Acalanātha; Hàng tam thếKim Cang hay Trailokyavajra [Hình 9]; và Thắng tam thế Minh vương hay Trailokyavijaya. Bốn vị này là hóa thân của đức Đại Nhật Như lai, được bài trí trong bốn hốc tường tại các góc phía Nam và phía Bắc của Tháp cổngKhu II (Porche II) và của Tháp cổng Khu III (Porche III). Các ngài đứng trên bốn con linh thú tiêu biểu, đối diện nhau, đều hướng về phương Đông (Parmentier,1909:489-93).

Như vậy mặc dù được giản lược cho phù hợp với thiết kế kiến trúc của một Phật viện, yết-ma mạn-đà-la Đồng Dương vẫn thể hiện được những nội dung chính của Thai tạng giới mạn-đà-la, bao gồm những viện chủ yếu của mạn-đà-la này dựa theo hướng dẫn trong những kinh văn nòng cốt của Mật tông.

Đương thời, vào thế kỷ VIII-X tại Trung Hoa và Nhật Bản, Kim Cang giới mạn-đà-la và Thai tạng giới mạnđà-la, hay Kim Thai lưỡng bộ, được thiết lập phối hợp với nhau để thực hành các nghi thức quán đỉnh (abhiṣeka) (Grotenhuis, 1999: 33-77; Faure, 2016: 210-18; Tuệ Sỹ, 2016: 331-34). Còn tại Đông Nam Á, trong những ditích Phật giáo Mậttông, Thai tạng giới mạn-đà-la được thiết kế phối hợp với Kim Cang giới mạn-đà-la, tiêu biểu là những ngôi đền Mật tông quan trọng ở đồng bằng Prambanan miền Trung Java, là Candi Borobudur và Candi Mendut (Chandra, 2009: 137- 61; Sharrock and Bunker, 2016: 237-  39; Chemburkar, 2017: 19-22; Kandahjaya, 2021; Suebsantiwongse, 2022). Như vậy, sự phối hợp Kim Thai lưỡng bộ là một hiện tượng phổ biến tại các quốc gia Mật tông ở châu Á, dưới sự hướng dẫn trực tiếp của chư tổ và được sựbảo trợ của hoàng gia sở tại.

TẠM KẾT

Theo thánh sử Mật tông, Bồ-tát Long Thọ (Nāgārjuna) được kế thừa các thánh điển Mật giáo từ đức Kim Cang Tát Đỏa Như lai (Vajrasattva) trong một ‘Tháp Sắt’ tại Nam Ấn, sau đó ngài đã trao truyền các kinh điển này cho Long Trí (Nagajñāna). Vào thế kỷ VIII, những vị tổ Mật tông như Kim Cang Trí (Vajrabodhi, 671-741), Nađề (Puṇyodaya, ca. 650s), Bất Không Trí (Amoghavajra, 705-774) và Trí Huệ (Prajña, 734-ca.810) đã từ Nam Ấn đến Đông Nam Á và Trung Hoa để truyền dạy Mật tông; và cũng từ đây các ngài đã trở lại Nam Ấn hoặc Sri Lanka nhiều lần để tiếp tục thỉnh kinh. Tại đó, các ngài đã được truyền dạy những kinh điển quý hiếm như Mahāvairocanatantra (kinh Đại Nhật) và Sarvatathāgatatattvasangraha/STTS (kinh Kim Cang đỉnh); và được thụ lễ quán đỉnh bởi chư tổ Mậttông (Chou, 1945: 243-332; Orzech, 2011: 273-85; Sen, 2014: 52-53; Acri, 2016: 9; Sharrock andBunker,2016: 237-52).

Địa thế thuận lợi của Sri Lanka, nơi nổi tiếng với Phật viện Abhayagiri Vihāra dựng vào cuối thế kỷ VIII (792), khiến đảo quốc này trở thành một trung tâm truyền bá Phật giáo Mật tông đến bán đảo Mã Lai, Sumatra, Java, Champa cũng như Đông Á (Woodward, 2004: 341). Những chuyến hải trình dài ngày từ Nam Ấn đến Trung Hoa, thường bị chậm trễ vì gió mùa đầy chướng ngại, vì thế các nhà hành hương Phật giáo đã phải lưu trú tại các vương quốc có hải cảng thiết lập dọc theo các vùng duyên hải, và truyền đạt tư tưởng Mật tông đến những cộng đồng Phật tử sinh sống nơi đây. Cùng thời với sự phát triển các tuyến hàng hải nối kết giữa Nam Á và Đông Á, hệ thống cảng-thị Champa đã cung cấp những trạm lưu trú lý tưởng cũng như tiếp tế thực phẩm và nước ngọt cho các hải đoàn (Acri, Blench and Landmann, 2017: 1-37; Hall, 2018: 19-30). Từ thế kỷ VII đến X, hệ thống hàng hải đã thiết lập những mối liên kết giữa các vương quốc Khmer, Champa, Java, bán đảo Mã Lai với Trung Hoa. Ngoài ra, Phật giáo Mật tông cũng đã đóng một vai trò tích cực trong việc thiết lập những mối liên kết chính trị và thương mại chặt chẽ giữa những địa phương của vùng Đông Nam Á.

Nghiên cứu về Mật tông ở Đông Nam Á đã được quan tâm đáng kể trong thời gian qua, đem lại nhiều kiến thức mới về hoạt động của tông phái này tại các vương quốc duyên hải cũng như hải đảo. Tuy nhiên, nghệ thuật Mật tông Champa vẫn chưa được quan tâm đầy đủ do thiếu những nguồn tư liệu thị giác xác đáng hoặc giả nội dung của nhiều tác phẩm điêu khắc chưa được giải mã đầy đủ, chẳng hạn chứng cứ vật chất của những di tích Phật giáo quan trọng là Đồng Dương (Quảng Nam), Đại Hữu và Mỹ Đức (Quảng Bình), mà phần lớn, đã bị tàn phá bởi thời gian hoặc chiến tranh.

Đơn cử trường hợp của tổ Kim Cang Trí (Vajrabodhi), theo tường thuật từ đệ tử của ngài là Lữ Hướng 呂向, thì trong chuyến hải trình dài ngày từ Nam Ấn đến Trung Hoa, hải đoàn của ngài gặp bão tố, nhiều chiếc thuyền bị chìm, còn riêng ngài thì phải lưu lạc mất ba năm ở vùng Đông Nam Á. Nhưng dường như vẫn còn là ẩn số trong việc xác định địa phương nơi ngài đã trú ngụ trong thời gian trước khi đến kinh đô Trường An, dưới triều Khai Nguyên 開元 khoảng năm 720. Dựa theo tường thuật của Lữ Hướng, trong chuyên khảo công phu của Jeffrey Sundberg và Rolf Giebel về Vajrabodhi, hai tác giả này đã nêu lên một nghi vấn xác đáng rằng, “[W]here exactly in Southeast Asia Vajrabodhi traveled isleft unspecified by Lü Xiang, but I do not envision Vajrabodhi finding spiritual and intellectual satisfaction in the more primitive islands in the South China Sea (14)” (Sundberg and Giebel, 2011: 151-52). Điều cần nhấn mạnh là, cho đến nay chưa có một học giả nào lưu ý đến vương quốc Champa nơi mà những hoạt động Phật giáo đã được ghi nhận bởi Nghĩa Tịnh vào thế kỷ VII (15), cho nên họ không thể hình dung rằng, thời gian ba năm lưu lạc của Vajrabodhi ở vùng Đông Nam Á, có khả năng ngài đã lưu trú và truyền bá Mật tông tại vương quốc duyên hải Phật giáo quan trọng này (?!). Trong bối cảnh thiếu tri thức về những hoạt động Phật giáo tại vương quốc Champa như hiện nay, tiểu luận này là một trong những bước khởi đầu nỗ lực đem nghệ thuật Mật tông Champa ra ánh sáng, nhằm bổ sung thêm những hiểu biết thiết thực về hoạt động mạnh mẽ của tông phái này trong bức tranh toàn cảnh của nghệ thuật Phật giáo châu Á vào thế kỷVIII-X.

Tác giả: Trần Kỳ Phương – Nguyễn Thị Tú Anh

Bài viết gốc: https://www.researchgate.net/profile/Tuanh-Nguyen-4/publication/373140807_Giai_ma_Phat_vien_Dong_Duong_nhin_tu_cau_truc_Thai_tang_gioi_Mandala/links/64dc233466f0e0067d99c5a2/Giai-ma-Phat-vien-Dong-Duong-nhin-tu-cau-truc-Thai-tang-gioi-Mandala.pdf


Chú thích: 

(1) Theo Léopold Cadière chú giải, địa danh ‘Đồng Dương’ tức là Đồng Dàng (yang), tiếng địa phương có nghĩa là ‘cánh đồng thiêng’ (xem Parmentier, 1918: 583, note 1).

(2) Có bốn loại mạn-đà-la (maṇḍala) được thể hiện trong Phật giáo Mật tông là: 1/ Đại mạn-đà-la (maha-maṇḍala) là vòng tròn thể hiện đức Phật và các tùy tùng bằng hình ảnh hay tranh vẽ trình bày trên mặt phẳng; 2/ Tam-ma-da mạn đà-la (samaya-maṇḍala) là vòng tròn cùng hội chúng này được biểu thị bằng những vật dụng tượng trưng cho mỗi vị. Tam-ma-da trong Phạn ngữ có nghĩa là ‘bản thệ’, nhưng ở đây được trình bày bằng pháp khí tiêu biểu của mỗi vị; 3/ Pháp mạnđà-la (dharma-maṇḍala) là mạn-đà-la bằng chủng tự (bīja-akṣara) trình bày toàn thể các thánh giả; 4/ Kiết-ma mạn-đà-la (karmamaṇḍala) là mạn-đà-la bằng những hình ảnh điêu khắc hay kiến trúc (Takakusu, 1956: 158; Kiyota, 1978: 68-69; Tuệ Sỹ, 2008: 234-36).

(3) Tại di tích Đồng Dương hiện nay chỉ còn sót lại duy nhất mảng tường phía Tây và một phần khung cửa bằng sa thạch của tháp Trung tâm (Tour central). Tuy nhiên nó lưu giữ được chứng cứ sớm nhất của kỹ thuật xây dựng được cải tiến, vào khoảng cuối thế kỷ IX, khi đền-tháp Chàm áp dụng cấu trúc kết hợp giữa gạch và đá [Hình 1b].

(4) Có thể tham khảo hai bản dịch kinh Kāraṇḍavyūha. Bản Việt ngữ, tựa đề là ‘Đại thừa Trang nghiêmBảo vương kinh’ xuất bản năm1973 và tái bản năm 2014, của Thích Viên Đức dịch từ bản Hán văn của Thiên Tức Tai đời Tống; và, bản Anh ngữ có tựa đề ‘The Basket’s Display’, xuất bản năm 2013, của Peter Alan Roberts và Tulku Yeshi dịch từ Tạng ngữ và Phạn ngữ. Cần lưu ýrằng, vì Đại thừa Trang nghiêm Bảo vương kinh được dịch ra Hán văn vào khoảng năm 983 dưới thời Tống, nghĩa là muộn hơn so với sự xuất hiện của Phật viện Lakṣmīndra-Lokeśvara xây dựng năm 875, do vậy có thể nhận định rằng Champa đã tiếp nhận kinh này từ một quốc gia Phật giáo ở vùng Nam Á chứ không phải từ Trung Hoa.

(5) Di tích An Thái cách Phật viện Đồng Dương khoảng 15 ki-lô-mét về hướng Đông Nam theo đường chim bay.

(6) Theo ghi chép của Parmentier trong nhật ký khai quật của ông, một số mảnh vỡ của những tượng đồng được phát hiện tại di tích Đồng Dương, chúng được giả định là do bị phá hủy trong trận chiến với Đại Việt vào năm 981/2. Trong số những mảnh vỡ đó có một cánh tay cầm một cái bình, được phát hiện vào ngày 29-10-1902, nó có thể là cánh tay của một pho tượng Avalokiteśvara (Parmentier, 1902).

(7) Có thể so sánh với phân tích của Minoru Kiyota về bố cục của Thai tạng giới mạn-đà-la trong Chân ngôn tông (Shingon) Nhật Bản (Kiyota, 1968: 49-58).

(8) Bồ-tát Vajrapāṇi được xưng tụng là Bí mật chủ, xuất hiện trong kinh Đại Nhật để vấn đạo Thích-ca Như lai; và ngài cũng là thị giả của đức Thích-ca (Trần Kỳ Phương và Nguyễn Thị Tú Anh, 2022a: 73-108).

(9) Nandana Chutiwongs (2005: 79; 2011: 12- 27) giả định rằng pho tượng này thể hiện đức Phật lịch sử Śākyamuni hoặc là một đức Bản sơ Phật (Ādi-Buddha) của Phật giáo Đại thừa. Bà cũng giải mã hầu hết nội dung của các bức phù điêu chạm trên đài thờ lớn bài trí trong Phật đường chính là thể hiện những hoạt cảnh kể chuyện cuộc đời đức Phật Thích-ca được tường thuật trong kinh Phổ Diệu (Lalitavistara-sūtra).

(10) Phát hiện của Parmentier trong cuộc khai quật năm 1902 tại di tích Đồng Dương có thể cung cấp thêm chứng cứ để xác định vị trí bài trí tượng A-di-đà, đó là, ông đã tìm thấy phần thân trên của pho tượng này ngay trong lòng ‘tháp trung tâm’ (tour central); ngày 22-11-1902, ông đã cho gắn thêm phần dưới của tượng, gồm hai chân, được tìm thấy cách đó không xa (Missions archéologiques françaises en Annam: les monuments du Champa, 2005: 129).

(11) Về mối quan hệ giữa tam tôn tượng Phật Đồng Dương và tam vị Bồ-tát hộ trì đề cập trong bia An Thái, xem phân tích của Hiram Woodward (2004: 345).

(12) Trong nghệ thuật Phật giáo Tây Tạng, Quán Thế Âm mạn-đà-la hay Từ bi mạn-đà-la (Avalokiteśvara-maṇḍala/Maṇḍala of Compassion) thể hiện một đóa sen (padma) lớn tượng trưng cho A-di-đà Như lai tại trung tâm; pháp luân (cakra) tượng trưng cho đức Đại Nhật tại phương Đông; bảo tháp (ratna) tượng trưng cho đức Bảo Sanh tại phương Nam; chùy Kim Cang (vajra) tượng trưng cho đức Bất Động tại phương Tây; thanh gươm lửa (khaṅga) tượng trưng cho đức Bất Không Thành Tựu tại phương Bắc (xem Mah, Loke and Hespanhol, 2010: 363- 75; và, https://www.drepunggomang.org).

(13) Về mối quan hệ giữa Śākyamuni và Akṣobhya, xem Jan Nattier (2000: 71-102).

(14) “Một khi Lữ Hướng không định vị được địa điểm, thì cũng khó xác định nơi mà Vajrabodhi đã lưu lạc trong khu vực Đông Nam Á, nhưng tôi không hình dung được rằng Vajrabodhi đã tìm thấy một nơi nào thỏa mãn tinh thần và tri thứccủa ngài tạinhững hải đảo hoang vuở biển Hoa Nam”.

(15) Vương quốc Champa từng là nơi dừng chân của sư Nghĩa Tịnh (635-713), khi ngài du hành về phương Nam, những hoạt động Phật giáo sôi nổi tại vương quốc này vào cuối thế kỷ VII đã được ngài thuật lại như sau: “[T]rong xứ này [Lâm Ấp] tín đồ Phật giáo thường theo phái Āryasammiti-nikāya [Chánh lượng bộ], và một số theo phái Sarvāstivāda-nikāya [Nhất thiết hữu bộ]”. Đồng thời ngài cũng ghi nhận rằng Phật giáo Thượng tọa bộ (Theravāda) hay Phật giáo Nguyên thủy (Hīnayāna) được thực hành phổ biến tại các vương quốc duyên hải vùng Đông Nam Á (Mabbett, 1986: 295-96; Sen, 2018: 345-68).

Tài liệu tham thảo:

1. Abé, Ryuichi (1999), The Weaving of Mantra: Kūkai and the Construction of Esoteric Buddhist Discourse. New York: Columbia University Press.
2. Acri, Andrea (2016), 'Introduction', Esoteric Buddhism in Mediaeval Maritime Asia: Networks of Masters, Texts, Icons (eds. Andrea Acri): 1-25. Singapore: ISEAS-Yusof Ishak Institute.
3. Acri, Andrea, Roger Blench and Alexandra Landmann (2017), Spirits and Ships: Cultural transfers in early moonson Asia. Singapore: ISEASYusof Ishak Institute Publishing.
4. Baptiste, Pierre (2018), 'Cat. 20. Mahākāśyapa (?)', Vibrancy in Stone: Masterpieces from the Danang Musuem of Cham Sculpture (eds. Trần Kỳ Phương, Võ V. Thắng and Peter D. Sharrock): 174. Bangkok: River Books.
5. Baptiste, Pierre (2019), 'Đồng Dương Temple Iconography: Study of a Pedestal with Mara', Campā: Territories and Networks of a Southeast Asian Kingdom (eds. Arlo Griffiths, Andrew Hardy and Geoff Wade): 341-353. Paris: École française d'Extrême- Orient.
6. Chandra, Lokesh (2009), 'The Hidden Base in the Cosmosophy of the Borobudur', Uncovering the Meaning of the Hidden Base of Candi Borobudur (eds. Dr. Endang Sri Hardiati et al.): 137-161. Jakarta: The National Research and Development Centre of Archaeology.
7. Chemburkar, Swati (2017), 'Visualising the Buddhist Maṇḍala: Kesariya, Borobudur and Tabo', India and Southeast Asia: Cultural Discourses (eds. Anna L. Dallapiccola and Anila Verghese): 197-222. Mumbai: The K R Cama Oriental Institute.
8. Tu, Grace Chiao-Hui (2018), 'Sinitic transfers into Cham art', Vibrancy in Stone: Masterpieces from the Danang Museum of Cham Sculpture (eds. Trần Kỳ Phương, Võ V. Thắng and Peter D. Sharrock): 79-88. Bangkok: River Books.
9. Chou, Yi-liang (1945), 'Tantrism in China', Harvard Journal of Asiatic Studies (Vol. 8, No. 3/4, Mar., 1945): 241-332.
10. Chutiwongs, Nandana (2005), 'Le Bouddhisme du Campā', Trésors d'art du Vietnam: La sculpture du Campā, V-XV siècles (eds. Pierre Baptiste and Thierry Zéphir): 65-87. Paris: Musée Guimet.
11. Chutiwongs, Nandana (2011), 'Buddhism in Campā: Narrative reliefs on the two image pedestals at Dong-duong', Lettre de la Société des Amis du CampāAncien (SACHA) No. 14 (2011): 12-27.
12. Dhar, Parul Pandya (2014), 'Buddhism, Art, and Ritual Practice Ðồng Dương at the Intersection of Asian Cultures', Asian Encounters: Exploring Connected Histories (eds. Upinder Singh and Parul Pandya Dhar): 111-136. New Delhi: Oxford University Press.
13. Faure, Bernard (2016), Gods of Medieval Japan [Volume I: The Fluid Pantheon]. Honolulu: Hawai'i University Press.
14. Giebel, Rolf (trans.) (2001), Two Esoteric Sutras: The Adamantine Pinnacle Sutra and The Susiddhikara Sutra (Translated from the Chinese [Taishō Volume 18, Numbers 865, 893]). Berkeley: Numata Center for Buddhist Translation and Research.
15. Giebel, Rolf (trans.) (2005), The Vaircanabhisambodhi-Sutra (Translated from the Chinese [Taishō Volume 18, Number 848]). Berkeley: Numata Center for Buddhist Translation and Research. 
16. Golzio, Karl-Heinz (ed.) (2004), Inscriptions of Campa. Achen: Shaker Verlag.
17. Grotenhuis, Elizabeth (1999), Japanese Maṇḍalas Representations of Sacred Geography. Honolulu: University of Hawai'i Press.
18. Guang Xing (2005), The Concept of the Buddha: Its Evolution from Early Buddhism to the Trikaya Theory (Routledge Curzon Critical Studies in Buddhism). London and New York: Routledge Curzon.
19. Hall, Kenneth (2018), 'Campā port-of-trade networking on the coastline c.300-1500 CE', Vibrancy in Stone: Masterpieces from the Danang Museum of Cham Sculpture (eds. Trần Kỳ Phương, Võ V. Thắng and Peter D. Sharrock): 19- 31. Bangkok: River Books.
20. Huyền Thanh (soạn dịch) (2010), Thai tạng giới man-đà-la, Nxb. Phương Đông, Hà Nội.
21. Kandahjaya, Hudaya (2016), 'Saṅ Hyaṅ Kamahāyānikan, Borobudur, and the Origins of Esoteric Buddhism in Indonesia', Esoteric Buddhism in Mediaeval Maritime Asia: Networks of Masters, Texts, Icons (ed. Andrea Acri): 67-112. Singapore: ISEAS-Yusof Ishak Institute.
22. Kiyota, Minoru (1968), 'Shingon Mikkyo Maṇḍala', History of Religion, Vol. 8. No. 1 (Aug., 1968): 31-59.
23. Kiyota, Minoru (1978), Shingon Buddhism: Theory and Practice. Los Angeles-Tokyo: Buddhist Books International.
24. Krairiksh, Piriya (2012), The Roots of Thai Art (translated by Narisa Chakrabongse). Bangkok: River Books.
25. Mabbett, Ian (1986), 'Buddhism in Campā', Southeast Asia in the 9th to 14th centuries (eds. David G. Marr and A. C. Milner): 289-313. Singapore: Institute of Southeast Asian Studies.
26. Mah, Kristina, Lian Loke and Luke Hespanhol (2010), 'Designing With Ritual Interaction: A Novel Approach to Compassion Cultivation Through a Buddhist-Inspired Interactive Artwork', Conference Paper · February 2020. DOI: 10.1145/3374920.3374947. https://www.researchgate.net/publication/33913 6560.
27. Majumdar, R. C. (1927), Campā: history and culture of an Indian colonial kingdom in the Far East 2th -16th centuries AD. Dehli: Gian Publishing House.
28. Missions archéologiques françaises en Annam: les monuments du Campā (2005). Paris: Les Indes Savants-Musée Guimet.
29. Nattier, Jan (2000), 'The Realm of Aksobhya: A Missing Piece in the History of Pure Land Buddhism', Journal of the International Association of Buddhist Studies (Volume 23, Number 1, 2000): 71-102.
30. Orzech, Charles D. (2011), 'Esoteric Buddhism in the Tang: From Atikūta to Amoghavajra (651–780)', Esoteric Buddhism and the Tantras in East Asia (eds. Charles D. Orzech, Henrik H. Sørensen and Richard K. Payne): 263- 85. Leiden: Brill.
31. Parmentier, H. (1902), Journal des fouilles du Sanctuaire de Đồng Dương: Périod du 7 Septembre au 27 Novembre 1902. TP Hồ Chí Minh : tài liệu viết tay, lưu trữ tại Thư viện Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh.
32. Parmentier, H. (1909), Inventaire descriptif des monuments Cams de l'Annam: vol. I. Description des monuments. Paris: Leroux (Publications de l'Écolefrançaise d'Extrême- Orient 11).
33. Parmentier, H. (1918), Inventaire descriptif des monuments Cams de l'Annam: vol. II. Étude de l'art Cam. Paris: Leroux (Publications de l'École française d'Extrême- Orient 11).
34. Revire, Nilolas (2017), 'From Gandhara to Java? A Comparative Study of Bhadrasana Buddhas and their Related Bodhisattva Attendants in South and Southeast Asia', India and Southeast Asia: Cultural Discourses (edited by Anna L. Dallapiccola and Anila Verghese): 279- 304. Mumbai: K.R. Cama Oriental Institute.
35. Roberts, Peter Alan and Tulku Yeshi (trans.) (2013), The Basket's Display (Kāraṇḍavyūha). 84000: Translating the Words of the Buddha. www.84000.co.
36. Sen, Tansen (2014), 'Buddhism and the Maritime Crossings', China and Beyond in the Mediaeval Period: Cultural Crossings and InterRegional Connections (eds. Dorothy C. Wong and Gustav Heldt): 39-62. Amherst and Delhi: Cambria Press and Monohar.
37. Sen, Tansen (2018), 'Yijing and the Buddhist Cosmopolis of the Seventh Century', Texts and Transformations: Essays in Honor of the 75th Birthday of Victor H. Mair (ed. Haun Saussy): 345-368. Amherst: Cambria Press.
38. Sharrock, Peter D. (2022), 'Heruka-maṇḍalas across Maritime Asia', The Creative South: Buddhist and Hindu Art in Medieval Maritime Asia (eds. Andrea Arci and Peter Sharrock): 126- 64. Singapore: ISEAS Publishing.
39. Sharrock, Peter D. and Emma C. Bunker (2016), 'Seeds of Vajrabodhi: Buddhist Rituals Bronzes from Java and Khorat', Esoteric Buddhism in Mediaeval Maritime Asia: Networks of Masters, Texts, Icons (eds. Andreas Acri): 237-252. Singapore: ISEAS-Yusof Ishak Institute.
40. Suebsantiwongse, Saran (2022), 'Cosmos Encapsulated: The Maṇḍala-stūpa of Borobudur–its. Polysemic Form and Functions', SPAFA Journal, Vol. 6, 2022. https://doi.org/10. 26721/spafajournal.us2f62doi4.
41. Sundberg, Jeffrey and Rolf Giebel (2011), 'The Life of the Tang Court Monk Vajrabodhi as Chronicled by Lü Xiang (呂向): South Indian and Śrī Laṅkān Antecedents to the Arrival of the Buddhist Vajrayāna in Eighth-Century Java and China', Pacific World: Journal of the Institute of Buddhist Studies (Third Series, Number 13, Fall 2011): 129-222.
42. Studholme, Alexander (2002), The origins of Om manipadme hum: a study of Karandavyuha Sutra. Albany: State University of New York Press.
43. Taishō,vol.20,[email protected].
44. Takakusu, Junjiro (1956), The Essentials of Buddhist Philosophy. New Delhi: Asia Publishing House.
45. Thích Viên Đức (dịch) (2014), 'Kinh Đại thừa Trang nghiêm Bảo vương', Bộ Mật tông (tập 2), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
46. Trần Kỳ Phương và Nguyễn Thị Tú Anh (2022a), 'Nghệ thuật Phật giáo Mật tông Champa trong bối cảnh Đông Nam Á thế kỷ IX-X: Khảo cứu ngẫu tượng Vajrapani thờ tại hang động Non Nước-Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng', Hương Tích: Phật học Luận tập, tập 9/2022, tr. 73-108.
47. Trần Kỳ Phương và Nguyễn Thị Tú Anh (2022b), 'Nghệ thuật Phật giáo Champa thời 'hậu Đồng Dương': Khảo cứu ngẫu tượng bồ-tát Mật tông phát hiện tại tiểu quốc Vijaya thế kỷ XIIXIII', Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam, No. 3 (201), tr. 26-44.
48. Trần Kỳ Phương và Nguyễn Thị Tú Anh (2023), 'Esoteric Buddhist goddesses of the Campā Vijaya state', From the Red River to the Mekong Delta: Masterpieces of the History Museum-Ho Chi Minh City (eds. Hoàng Anh Tuấn, Trần Kỳ Phương and Peter D. Sharrock), đang in. Bangkok: River Books.
49. Tuệ Sỹ (dịch) (2008), Tinh hoa Triết học Phật giáo (Việt dịch tác phẩm 'The Essentials of Buddhist Philosophy' của Junjiro Takakusa, Asia Publishing House, New Delhi 1956), Nxb. Phương Đông, Hà Nội. 
50. Tuệ Sỹ (2016), Tuệ Sỹ văn tuyển (tập 1: Phật học;HạnhViênsưutập),Nxb.HồngĐức,Hà Nội.
51. Tuệ Sỹ (dịch và chú) (2017), Duy-ma-cật sở thuyết, Hương Tích, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội.
52. Wayman, Alex and R. Tajama (1992), The Enlightenment of Vairocana. Delhi: Motilal Banarsidass Publishers.
53. Wayman, Alex (1977), Yoga of the Guhyasamajatantra. Delhi: Motilal Banarsidass.
54. Woodward, Hiram (2004), 'Review: Esoteric Buddhism in Southeast Asia in the Light of Recent Scholarship', Journal of Southeast Asian Studies, Vol. 35, No. 2 (Jun., 2004): 329-354.
55. Woodward,Hiram (2011), 'TheTemple ofDong Duong and theKārandaravyūha-Sūtra',Beyond the Eastern Horizon: Essays in Honour of Prof. Lokesh Chandra. Satapitaka Series,Vol.68:33-42.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục:

Đóng góp của thiền phái Liễu Quán trong việc khẳng định chủ quyền của người Việt trên vùng đất phương Nam
Lịch sử, Nghiên cứu

Tóm tắt: Từ khi xuất hiện cho đến khi tổ Thiệt Diệu Liễu Quán viên tịch, dòng thiền Liễu Quán được thắp sáng và lan tỏa chánh pháp bởi các đệ tử và các pháp tôn. Trong các thế kỉ XVII – đầu thế kỉ XIX, Thiền phái Liễu Quán ra đời, phát triển và mở...

Tục Bầu Hậu Phật qua một số văn bia ở Thanh Hóa
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa

DẪN NHẬP Bầu Hậu Phật, lập Hậu Phật là hoạt động văn hóa trong sinh hoạt tín ngưỡng Phật giáo ở làng xã nước ta trước đây. Người gửi hậu Phật có thể là do hoàn cảnh, nhu cầu và mục đích khác nhau, nhưng tựu trung, hoạt động này phản ánh tâm linh, tư...

Phổ hệ truyền thừa thiền phái Liễu Quán tại Khánh Hoà
Lịch sử, Nghiên cứu

Thiền phái Liễu Quán, một trong năm thiền phái của dòng thiền Lâm Tế có sự ảnh hưởng lớn ở nước ta. Trong dòng chảy lịch sử truyền thừa Thiền phái Lâm Tế tại Việt Nam, Liễu Quán tuy ra đời muộn nhưng là dòng thiền có phạm vi rộng khắp bởi tính bản địa....

Hành trình Phật giáo du nhập vào Trung Quốc thông qua Con đường tơ lụa
Lịch sử, Nghiên cứu

BƯỚC ĐƯỜNG TÂY CHINH VÀ LỘ TRÌNH KHAI THÔNG THƯƠNG MẠI – VĂN HÓA Trung Quốc là nước đầu tiên tìm ra cách trồng dâu nuôi tằm, lấy kén ươm tơ, dệt lụa sớm nhất trên thế giới cổ đại. Tơ lụa thời đó được dành riêng cho vua chúa và hàng quý tộc, sau...

Thiền sư Nguyên Thiều cầu nối cho sự giao lưu Phật giáo Trung-Việt thế kỷ XVII-XVIII
Lịch sử, Nghiên cứu

Tóm tắt: Giữa thế kỷ XVIII, Thiền sư Nguyên Thiều thuộc thiền phái Lâm Tế đời thứ 33, từ Quảng Đông chấn tích đến Đàng Trong truyền đạo. Dưới uy đức và đạo hạnh của Ngài cùng sự hộ trì của chính quyền chúa Nguyễn, Phật giáo Đàng Trong đã từng bước khởi sắc và...

Tính dân gian trong Phật giáo ở Thừa Thiên Huế
Nghiên cứu, Văn hóa

DẪN NHẬP Đối với người Việt, Phật giáo đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần, có quá trình gắn bó và phát triển lâu dài trong lịch sử dân tộc. Trong quá trình định cư của cư dân Việt trên vùng đất được mệnh danh là “Ô châu ác địa”, “lam sơn...

Nguyên Nhân Phân Phái Phật Giáo
Lịch sử, Nghiên cứu

Mọi tư tưởng, triết lý, quan điểm hay học thuyết của một đấng giáo chủ nào, sau khi trải qua những giai đoạn truyền thừa, đều có một vài sự thay đổi để thích ứng với các giai đoạn đó. Vì thế, cách chuyển tải nội dung tư tưởng hay cách lý giải về chúng đương nhiên sẽ có những sự thay đổi, phát triển, thậm chí có những...

Điển cố Phật giáo trong sáng tác của Nguyễn Du
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa

Tóm tắt: Trong các sáng tác của đại thi hào Nguyễn Du, Phật giáo để lại dấu ấn sâu đậm. Một trong những dấu ấn đó là sự xuất hiện thường xuyên với vai trò quan trọng của lớp từ ngữ điển cố Phật giáo trong các tác phẩm của ông. Bài viết hướng đến nhận...

Nguồn càng sâu – Dòng càng dài
Danh Tăng, Lịch sử, Nghiên cứu

Tác giả bài viết: TT. Thích Tâm Hạnh* Tóm tắt: Tổ sư Liễu Quán ở tổ trên nhánh cây, ăn rong “sột soạt” mà thiền cơ dĩnh ngộ, xuất kệ lập nên thiền phái, đời đời nối thạnh. Từ xưa đến nay, bậc Tổ đức nào miên mật công phu, chứng ngộ, bảo nhậm rồi sáng...

Anāthapiṇḍika (Tu Đà Cấp Cô Độc): Cuộc đời và sự đóng góp cho Phật giáo
Lịch sử, Nghiên cứu

Tóm tắt: Đạo Phật ra đời không ngoài mục đích ban cho chúng sanh niềm an lạc và hạnh phúc. Nhưng để tồn tại, chúng đệ tử cần biết giữ gìn và thực hiện theo lời dạy của Ngài. Trong số đệ tử của Đức Phật thời bấy giờ có một vị Ưu-bà-tắc được mệnh danh...

Tứ diệu đế với vấn đề giáo dục đạo đức toàn cầu
Luận, Phật học, Văn hóa

TÓM TẮT Tứ diệu đế hay là bốn chân lý vĩ đại của Phật giáo chính là cốt tủy cơ bản để hợp thành học thuyết nhân sinh cứu đời. Đó là kết quả suy ngẫm và trải nghiệm thông qua thực tiễn cuộc sống của chính Phật tổ và sự tổng kết những suy...

Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và Thiền phái Liễu Quán – Những nét tương đồng
Lịch sử, Nghiên cứu

TÓM TẮT Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là thiền phái Phật giáo yêu nước, nhập thế, kết hợp chặt chẽ giữa đời và đạo, đạo với đời. Vào thế kỷ XVII-XVIII, hệ tư tưởng của thiền phái Trúc Lâm lại có điều kiện tỏa sáng trong đời sống người dân. Hệ tư tưởng này...

Tư tưởng nhập thế của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử trong sự nghiệp đoàn kết, xây dựng và phát triển đất nước
Luận, Nghiên cứu, Văn hóa

Tóm tắt: Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ thế kỉ thứ I trước Công nguyên và đồng hành trong đời sống tinh thần của dân tộc. Tuy nhiên, đến thế kỷ 13 khi xuất hiện Thiền phái Trúc Lâm mà vua Trần Nhân Tông là vị tổ sư khai sáng thì Phật giáo...

Tinh thần nhập thế, hộ quốc an dân và công hạnh các bậc cao tăng trong lịch sử
Nghiên cứu, Văn hóa

Tinh thần nhập thế của Phật giáo đã có từ thời Mâu Tử, nhưng dưới thời Vua Trần, thì được phát triển mạnh mẽ nhất. Đặt nền móng cho tinh thần nhập thế ấy là khi tướng Trần Thủ Độ nói với Vua Trần Thánh Tông: “Tôi dám nói rằng bệ hạ vì sự tự...

Ảnh hưởng của Phật giáo trong văn học chữ Nôm giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVIII đến nửa đầu thế kỷ XIX
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa

Giai đoạn lịch sử xã hội đầy biến chuyển, phản ảnh đời sống con người văn học chữ Nôm giai đoạn này cũng đã ghi nhận vào mình khá đầy đủ mọi phương diện về đời sống tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng. Đời sống ấy được quy chiếu vào văn thơ...

Tôn Sư trọng Đạo – dưới góc nhìn của đạo Phật
Nghiên cứu, Văn hóa

Nói đến truyền thống Tôn sư trọng đạo là nói đến mối quan hệ tương tức và tương nhập. Đây là mối quan hệ cùng nhau, nếu thiếu hay tách biệt sẽ không tồn tại. Có cả thầy và trò trong mối quan hệ trong nhau, cùng nhau, để hiện hữu, chuyển tải và hóa Đạo...