TÓM TẮT

Bài viết giới thiệu sơ lược về Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam thời Trần qua các vị tiền bối (thông qua cuộc đời, hành trạng, sự nghiệp, những dấu ấn chính và các trước tác của ba vị Tổ sư thời Trần). Qua đây, chúng ta thấy được những nét riêng trong đặc điểm của từng vị Tổ sư cũng như những nét tương đồng và thống nhất; đồng thời thấy được quá trình hình thành và phát triển tư tưởng cũng như những việc làm thiết thực của các vị thiền sư trong từng giai đoạn và hoàn cảnh cụ thể. Tuy nhiên, tất cả đều thống nhất trong tinh thần tu tập giác ngộ và hành đạo vì lý tưởng bồ tát độ tha.

Từ khóa: Huyền Quang, Pháp Loa, Thiền phái Trúc Lâm, Thiền sư thời Trần, Trần Nhân Tông, Trần Thái Tông, Tuệ Trung Thượng sỹ.

ABSTRACT

The article briefly introduced the Truc Lam Zen School of Vietnam during the Tran dynasty through its predecessors (through life, behaviour, career, major imprints, and writings of the three Patriarchs of the Tran dynasty). Through this, the readers could see the unique features of each Patriarch’s characteristics, the similarities, and unification. Also, the study showed the process of formation and development of thought as well as practical actions of the Zen masters in each specific period and situation. However, all were united in the spirit of cultivating enlightenment and practising the path for the bodhisattva’s ideal of saving others.

Keywords: Huyen Quang, Phap Loa, Tran Nhan Tong, Tran Thai Tong, Truc Lam Zen sect, Tue Trung Thuong Sy, Zen master in Tran dynasty.

1. Mở đầu

Phật giáo Trúc Lâm thời Trần là đỉnh cao của Phật giáo Việt Nam, mang tinh thần thiền tông, không lánh đời, không yếm thế bi quan; cho nên các thiền sư nhập thế tích cực, thể hiện ý thức công dân, tinh thần bồ tát đạo. Tam Tổ Trúc Lâm: Sơ tổ Trần Nhân Tông (1258-1308), Nhị tổ Pháp Loa (1284-1330), Tam tổ Huyền Quang (1254-1334) là những vị Thiền sư tiêu biểu của Thiền phái, tu tập hành đạo có sự kế thừa và phát triển những tinh hoa thiền học trước đó của Thiền phái và cũng ảnh hưởng rất lớn đến các thế hệ thiền sư Trúc Lâm sau này cũng như ảnh hưởng chung đến tình hình Phật giáo Việt Nam thời Trần và đương đại. Với các tư tưởng như: Phật tại tâm, cư trần lạc đạo, thiền tịnh song tu, Tam giáo đồng nguyên, biện tâm, kiến tính thành Phật, tức tâm tức Phật, dung hợp…, Phật giáo Trúc Lâm đã góp phần làm hưng thịnh Phật giáo Đại Việt, đóng góp lớn cho sự phát triển tổng hòa của đất nước trên nhiều lĩnh vực và còn nguyên giá trị đến tận ngày hôm nay.

2. Vài nét về Thiền phái Trúc Lâm và tư tưởng của những Thiền sư có công đặt nền móng

Thiền phái Trúc Lâm ngoài 3 vị Tổ ra còn có công rất lớn của các Thiền sư đặt nền móng như: Trần Thái Tông (1218-1277), Tuệ Trung Thượng sỹ (1230-1291). “Thiền sư chỉ cho các vị tì – kheo thông suốt về toạ thiền” [1], “trong Thiền tông, danh hiệu Thiền sư dùng để chỉ cho những vị Thiền tăng đã tu hành và đạt kiến tính, hoằng hóa và truyền bá Thiền tông” [1]. Mặc dù một số công trình khác có gọi Tuệ Trung Thượng sỹ là “Thiền sư tại gia” (như trong Việt Nam Phật giáo sử luận của Nguyễn Lang), một số bài viết gọi Trần Thái Tông là “Thiền sư Cư sỹ” hay “ông vua Thiền sư”. Ở đây, bài viết tạm gọi danh hiệu “Thiền sư” cho Trần Thái Tông và Tuệ Trung Thượng sỹ theo cách hiểu của Thiền tông. Mặc dù quý Ngài không xuất gia tu hành ngay từ đầu, nhưng đã có sự hành trì thiền, đắc thiền, kiến tính và có công hoằng truyền pháp thiền. Cách gọi này cũng là để thể hiện sự tôn kính công lao của các Ngài đối với Phật giáo thời Trần (công trạng vận dụng Phật giáo vào an dân, hộ quốc, góp phần đưa Phật giáo trở thành quốc giáo). Cũng theo một số cách quan niệm cho rằng, Thiền sư có thể là những người xuất gia và tại gia, nhưng có am hiểu về thiền và đắc thiền, có để lại nhiều công trình và truyền pháp thiền lại cho các thế hệ sau. Như vậy, danh từ “Thiền sư” ở đây được dùng với nghĩa rộng, cởi mở và không hẳn bó hẹp trong quan niệm thiền môn của Phật giáo mà vẫn nằm trong ý nghĩa truyền thừa Thiền học của Phật giáo. Trần Thái Tông là một thiền gia, nhà triết học, nhà tư tưởng, nhà văn, nhà thơ… Những sáng tác của Ngài đã đóng góp cho kho tàng văn hóa, văn học, sử học dân tộc rất có giá trị và ý nghĩa. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Trần Thái Tông lên Yên Tử gặp Quốc sư Phù Vân xin muốn xuất gia để thành Phật nhưng Ngài được Sư khuyên: “Sơn bản vô Phật duy tồn hồ tâm, tâm tịch nhi tri thị danh chân Phật” [2] (nghĩa là: trong núi vốn không có Phật, Phật chỉ ở trong tâm. Tâm lặng mà biết gọi là chân Phật). Vì vậy, Ngài đã nghe lời Sư mà chấp nhận ở lại nhận ngôi vua, chăm lo đời sống cho dân chúng, tự tu tại gia. Vua thực thi lời dặn của Quốc sư: “Phàm làm đấng nhân quân thì phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình và lấy tâm thiên hạ làm tâm của mình. Nay thiên hạ muốn đón Bệ hạ về triều, Bệ hạ không thể không trở về được. Duy, việc tham cứu nội điển, xin Bệ hạ đừng chút xao lãng mà thôi” [3]. Trần Thái Tông hiểu ra “Phật pháp tại thế gian không lìa thế gian mà giác ngộ”, hiểu được Phật tại tâm, chỉ cần biện tâm kiến tính, Vua đã từ bỏ kiến chấp, gác lại tình riêng, hy sinh vì xã tắc. Phật giáo quan trọng đến vấn đề con người, nhất là con người giác ngộ, Vua cũng hết sức chăm lo đến vấn đề giáo dục con người toàn diện. Trần Thái Tông đã viết nhiều bộ luận cho nước nhà và mở ra nhiều trường học thời bấy giờ. Chứng tỏ tầm nhìn rất xa của Vua, đặt nền móng cho các hoạt động hưng thịnh đời đạo sau này. Vua đã khéo léo ứng dụng tinh thần thiền học Tổ sư và tính không bát – nhã, tinh thần thiền Tông trong kinh Pháp Hoa, Kim Cang, Lăng Già, Hoa Nghiêm, bát – nhã…; giáo thiền song tu. Trần Thái Tông đã xem lời dạy của Quốc sư Phù Vân như cơ sở lý luận để xây dựng một quan điểm mới về khả năng thành Phật của mình và đặt nền móng cho các tư tưởng cao hơn nữa của Thiền phái Trúc Lâm sau này. Tinh thần thiền học của Trần Thái Tông không chỉ là tinh thần biện tâm, thành Phật ngay giữa cuộc đời, không phân biệt tăng tục mà còn có cả tư tưởng dung hợp Tam giáo đồng nguyên.

Bên cạnh vai trò đặt nền móng cho Thiền phái Trúc Lâm của Vua Trần Thái Tông cũng cần kể đến vai trò Cư sỹ xuất chúng của Tuệ Trung Thượng sỹ (1230-1291). Tuệ Trung Thượng sỹ tên thật là Trần Tung, có tước hiệu là Hưng Ninh Vương, con thứ nhất của Khâm Minh Từ Thiện Thái Vương (Trần Liễu), anh cả của hoàng thái hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm (Trần Thị Thiều, mẹ của vua Trần Nhân Tông, con gái thứ năm của Trần Liễu), anh của Trần Quốc Tuấn. Tuệ Trung Thượng sỹ xuất thân trong dòng dõi cao quý, ngay từ nhỏ Ngài đã được thừa hưởng một nền giáo dục Tam giáo đồng nguyên, nhất là Phật học. Trần Tung được Trần Thái Tông nhận làm con nuôi, cũng học đạo nơi thiền sư Tiêu Dao, là anh vợ và bạn thân của vua Trần Thánh Tông. Vua Thánh Tông rất khâm phục Tuệ Trung, đã nhận ông là sư huynh và gửi con mình là vua Trần Nhân Tông cho Tuệ Trung trực tiếp làm thầy.

Tuệ Trung có công lớn trong 3 lần chống giặc Nguyên Mông vào các năm 1258, 1285, 1288. Các tác phẩm của ông được tập hợp trong bộ Thượng sỹ ngữ lụcdo Pháp Loa biên soạn, Trần Nhân Tông khảo đính, Đỗ Khắc Chung viết lời bạt. Ngài được xem là một trong những bậc long tượng của Phật giáo Việt Nam nói chung cũng như Phật giáo Trúc Lâm nói riêng, cùng hai vị Vua Trần Thái Tông và Trần Thánh Tông có công đặt nền tảng quan điểm tư tưởng cho Thiền phái Trúc Lâm ra đời và phát triển; tác động trực tiếp và để lại nhiều ảnh hưởng đến tam Tổ: Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang. Thượng sỹ ngữ lục thể hiện giá trị tư tưởng thiền học của Tuệ Trung như Phật tại tâm, Hòa quang đồng trần, Bất nhị, dung hợp Tam giáo đồng nguyên, Cư trần lạc đạo…, cho thấy công lao to lớn của Tuệ Trung trong việc hoằng dương giáo Pháp và phương thức hành thiền độc đáo của ông. Với tư tưởng Bất nhị, Tuệ Trung thông kinh điển nhưng không bám chấp, tùy duyên tùy tục; đập vỡ khái niệm, trực ngộ, thực nghiệm; học đạo mà không chấp vào đạo, an vui nội tâm, tùy khế cơ – khế lý – khế thời mà ứng dụng thiền hóa độ quảng đại nhân duyên.

Mặc dù, Tuệ Trung Thượng sỹ không xuất gia, nhưng những đóng góp cho quốc gia và đạo Phật chứng tỏ Ngài là một nhân vật kiệt xuất thời Trần và lịch sử Phật giáo Việt Nam nói riêng, lịch sử Việt Nam nói chung. Những tư tưởng của Tuệ Trung mang tính khai sáng đối với Thiền phái Trúc Lâm đời Trần, còn nguyên giá trị đến tận hôm nay. Tuệ Trung đã thông tuệ vận dung quan điểm “tùy tục” của thiền sư Thường Chiếu để phát triển lên thành tinh thần “Hòa quang đồng trần” cho phù hợp với bối cảnh xã hội quốc gia Đại Việt, là tiền đề cho sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm sau đó. Tuệ Trung cho rằng, phải tìm Phật tại nơi mình, trên tấm thân ngũ uẩn này, không tìm bên ngoài. Cho nên, khi Vua Trần Nhân Tông hỏi Tuệ Trung về tông chỉ của Thiền phái, Tuệ Trung nói: “Hãy quay về tự thân mà tìm lấy tông chỉ ấy, không thể đạt được từ một ai khác” [4]. Theo Tuệ Trung Thượng sỹ, Phật vốn ở trong tâm mỗi người nhưng do vọng tưởng vô minh che lấp, tu hành cần làm cho Phật tính xuất hiện: “Vạn pháp vô thường cả, tâm ngờ tội liền sinh, xưa nay không một vật, chẳng hạt chẳng mầm xanh, hàng ngày khi đối cảnh, cảnh đều do tâm sinh, tâm cảnh đều không tịch, khắp chốn tự viên thành” [4].

Có thể nói, nhắc đến Thiền phái Trúc Lâm thời Trần không thể bỏ qua công lao to lớn của những người đặt nền móng như Tuệ Trung Thượng sỹ, trên cương vị người Cư sỹ, Ngài đã đắc thiền, có sức ảnh hưởng rất lớn đối với Phật giáo thời Trần. Ngài đưa thiền học thời Trần trở nên sống động, dễ tiếp cận, mang tính dung hợp, kiến tính, đốn ngộ; đã cố vấn cho Triều đình thực thi cuộc sống đạo vào mọi mặt của xã hội; “trở thành một nhà Thiền học… biết “hòa quang đồng trần” đem lại ích lợi cho đời cho đạo” [5]; khiến cho Thiền học thời Trần thể hiện tinh thần Phật giáo an dân hộ quốc, đoàn kết quần chúng, tạo ra sức mạnh tập thể, chú trọng tự lực; tinh thần vô ngã, bình đẳng, tự tại của Tuệ Trung đại diện cho mẫu người Phật tử Việt Nam không tách mình ra khỏi vận mệnh dân tộc. Ngài đã kế thừa và tiếp thu đạo Phật uyển chuyển, sáng tạo, ứng dụng thiết thực giáo lý vào thực tiễn; là “một nhà Thiền học có bản lĩnh, có lý trí, không câu nệ ở giáo điều sách vở, biết đập vỡ thái độ khư khư bám víu vào những khái niệm có sẵn, biết hòa quang đồng trần” [6].

Tư tưởng thiền học của Tuệ Trung “tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên”, chủ trương không phân biệt xuất gia hay tại gia, tất cả đều có thể giác ngộ ngay giữa cõi đời này, vì tâm giác ngộ giữa Phật với chúng sinh không khác, ở đâu có sự giác ngộ, ở đó có an lạc. Thiền học “vô chấp” và “Tam giáo đồng nguyên”, dung hợp được Trần Thái Tông, Tuệ Trung đề xướng và thực hành, là nguồn động lực mãnh mẽ giúp quân dân Đại Việt đoàn kết, hòa hợp, đánh thắng quân xâm lược, xây dựng và phát triển đất nước. Đặc biệt, tư tưởng trên là nền tảng vững chắc để sau đó Trần Nhân Tông thống nhất 3 dòng Thiền, lập ra Thiền phái Trúc Lâm mang phong cách riêng của người Việt.

Tư tưởng thiền học thời Trần bám rễ và phát triển sâu rộng trong mọi giai tầng, thể hiện tinh thần luôn song hành cùng dân tộc. Các vua quan – Thiền sư thời Trần không chỉ là một triết gia Phật giáo tầm cỡ, học rộng hiểu nhiều mà còn là những người con hiếu thảo, mẫu mực trên từng vị trí trong gia đình, là những anh hùng dân tộc; làm tốt vai trò của mình trên từng phương diện; thực thi lối sống đạo ngay giữa cuộc đời. Vì vậy, từ Vua quan, tướng lĩnh cho đến thường dân, tất cả các giai tầng đều ảnh hưởng bởi Phật giáo, lấy tinh thần Phật học ứng dụng vào đời.

3. Sơ lược về tam Tổ Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam

3.1. Sơ Tổ Trần Nhân Tông (1258-1308)

Theo Đại Việt sử ký toàn thư và các tài liệu liên quan, ông họ Trần, húy là Khâm, con trưởng của Trần Thánh Tông, mẹ là Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng Thái hậu. Sinh năm 1258, ở ngôi vua 14 năm, nhường ngôi sau 5 năm, xuất gia 8 năm. Ngay từ khi mới sinh, Vua đã có nhiều điềm lành trí đức xuất chúng cho thấy có thể gánh vác được những việc trọng đại. Lịch sử đã chứng minh, Ngài là vị Vua từ hòa, được lòng dân, anh minh, hiền tài. Giới sử gia đã đánh giá rất cao về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp của Trần Nhân Tông đối với đất nước và đạo pháp. Từ nhỏ, Ngài đã được Vua cha là Trần Thánh Tông quan tâm, giáo dục kỹ lưỡng, để kế tục sự nghiệp lãnh đạo quốc gia. Thánh đăng ngữ lục ghi nhận về việc học của Trần Nhân Tông: “rất thông minh và hiếu học, có nhiều tài năng xem hết các sách, thông suốt cả nội điển lẫn ngoại điển. Những lúc nhàn rỗi, Ngài thường mời các thiền khách đến bàn hỏi về tâm tông. Ngài tham học với Thượng sỹ Tuệ Trung, đạt sâu tới chỗ thiền tủy và thờ Thượng sỹ làm thầy” [6]. Với những tư chất ưu việt sẵn có cùng với tấm lòng từ bi quảng đại, được giáo dục đào tạo bài bản Tam giáo, tiếp nhận tinh thần nhân văn, nhất là tiếp nhận thiền học của đạo Phật, Trần Nhân Tông đã có nhiều việc làm thiết thực để an dân hộ quốc: phục chức cho Tướng quân Trần Khánh Dư, dùng phương pháp đấu tranh ngoại giao làm phân tán tinh thần của quân Nguyên, mở hội nghị Diên Hồng để khích lệ lòng dân… Trần Nhân Tông đã đoàn kết được toàn dân, từ vua quan cho đến thứ dân, từ người xuất gia cho đến tại gia đều hết lòng phụng sự đất nước, phụng sự dân tộc; tạo ra sức mạnh tổng hợp, giúp Đại Việt chống lại các cuộc xâm lược phương Bắc và mở rộng biên cương, bờ cõi về phía Nam; củng cố, xây dựng quốc gia độc lập, tự chủ, ngày càng hùng mạnh.

Trần Nhân Tông “thông suốt cả nội điển lẫn ngoại điển” [6]. Sau thời gian thực hành thiền định với nếp sống đạo tròn đầy giới – định – tuệ, nhất là quay vào bên trong hướng nội, biện tâm, Trần Nhân Tông đã thống nhất các dòng thiền; đóng góp thiết thực cho đời sống xã hội, kinh tế, chính trị của đất nước. Trần Nhân Tông là người truyền thừa chính thức của phái Yên Tử, thuộc hệ thứ 6, tiếp nối vị Tổ thứ 5 là ngài Huệ Tuệ. Ngài là người sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm. Trần Nhân Tông viên tịch tại am Ngọa Vân, núi Yên Tử nhằm ngày 1 tháng 10 năm Hưng Long thứ 16 (1308), thọ 51 tuổi [7]. Sự nghiệp của Trần Nhân Tông rất tốt đẹp. “Ngài được suy tôn hiệu là Đại Thánh Trần Triều Trúc Lâm Đầu Đà Tĩnh Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự Phật Tổ” [2]. Như vậy, do yêu cầu của thời đại, Thiền phái Trúc Lâm đã dân tộc hóa tư tưởng thiền Tông và sáng tạo một số tư tưởng cụ thể, thích hợp với hoàn cảnh Đại Việt lúc bấy giờ, đáp ứng được yêu cầu của thời đại xã hội. Đạo đời gắn bó.

Sơ Tổ Trần Nhân Tông thực sự là một nhân vật kiệt xuất của cả đạo và đời. Về sự nghiệp trước tác, trước thuật, Trần Nhân Tông cũng là nhà văn, nhà văn hóa. Các nhà nghiên cứu cho rằng, Ngài là người đầu tiên dùng tiếng Việt, dùng chữ Nôm để sáng tác các tác phẩm mà hiện nay còn khá đầy đủ như: Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca, Cư trần lạc đạo phú.Có thể nói, hai tác phẩm chữ Nôm này là bản tuyên ngôn đường lối tu hành của Phật giáo Việt Nam, ảnh hưởng rất lớn đối với nhận thức và đời sống của người dân. Theo sự ghi chép của thư tịch cổ thì Trần Nhân Tông còn là tác giả của: Thiền lâm thiết chủy ngữ lục, Trúc Lâm hậu lục, Thạch thất mỵ ngữ, Đại hương hải ấn thi tập, Tăng già toái sự cùng nhiều bài thơ, bài giảng… nhưng do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan nên nhiều trước tác của Ngài đã bị thất lạc.

3.2. Đệ Nhị Tổ Pháp Loa (1284-1330)

Theo Tam Tổ Thực Lục, Thiền sư Pháp Loa sinh năm 1284 tại thôn Cửu La, phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương; cha là Đồng Thuận Mậu, mẹ là Vũ Từ Cứu. Mẹ Ngài mang thai sau khi ngủ mộng thấy điềm lạ. “Do sinh liên tiếp 8 người con gái nên bà có ý định muốn phá bỏ thai nhưng không thực hiện được” [6]. Khi Ngài Pháp Loa sinh ra, trong nhà lan tỏa mùi hương thơm bay khắp. Thủa nhỏ, Thiền sư rất thông minh và có nhiều đức tính tốt đẹp, biểu hiện là người có nhiều nhân duyên với Phật pháp.

Năm1304, Sư đảnh lễ Điều Ngự xin xuất gia với pháp danh là Thiện Lai, Ngài rất đam mê nghiên cứu Kinh Hoa Nghiêm. Sau khi chính thức xuất gia, Ngài Pháp Loa được gửi đến tham học với thiền sư Tính Giác ở Quỳnh Quán. Sau khi thể nhập được ý kinh và nghe Sơ Tổ Trúc Lâm cử bài tụng Thái Dương Ô Kệ thì bừng giác ngộ, Trúc Lâm biết vậy nên cho theo làm thị giả. Một hôm, Ngài trình Sơ Tổ Trúc Lâm một bài tụng tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn /Triết học, đạo đức và tôn giáo yếu, bị Tổ bác bỏ, cầu thỉnh đến ba bốn lần Tổ vẫn không chỉ giáo. Vì vậy, khi trở về phòng, Ngài nỗ lực thiền quán, đến nửa đêm khi nhìn thấy cảnh hoa đèn rơi, Ngài hoát nhiên khai ngộ và trình lên Tổ ấn chứng. Tại đây, Ngài chuyên tâm nghiên cứu Kinh Lăng Nghiêm. Ngài ngộ đạo và tinh thông nội – ngoại điển.

Sau khi đại ngộ, Sư phát nguyện tu theo 12 hạnh đầu đà. Năm 1305, Trúc Lâm đệ nhất Tổ cho Ngài thọ giới bồ tát và đổi tên lại là Pháp Loa. Nối tiếp sự truyền thừa của Trúc Lâm. Nhị Tổ Pháp Loa hành đạo rất tinh tấn, luôn miên mật hành trì và phụng sự Tăng đoàn. Năm 1306, Ngài được Điều Ngự Giác Hoàng chỉ dạy giảng pháp tại chùa Báo Ân ở Siêu Loại. Vào ngày 15/5/1307, Sơ Tổ Trúc Lâm lấy y bát và viết tâm kệ giao cho Ngài tại am Ngọa. Năm 1308, Ngài được chính thức trao pháp y, làm Tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm với sự chứng kiến của Vua Trần Anh Tông và cả Triều đình. Như vậy, chỉ sau 4 năm, từ một người mới xuất gia, Sư đã trở thành người lãnh đạo giáo hội. Sơ Tổ Trúc Lâm đã tận tay trao cho ngài Pháp Loa 20 hộp nhỏ kinh điển Phật giáo cùng 100 hộp kinh điển ngoại thư và căn dặn phải mở rộng việc học nội điển cũng như ngoại điển, kêu gọi Tăng ni – Phật tử hiến máu để in Đại tạng kinh Việt Nam. Pháp Loa kế thừa và hoàn thiện những tư tưởng mà các vị tiền bối và Sơ Tổ Trúc Lâm đã đặt nền móng, đã sáng lập. Đây là một điều kiện, một nhân duyên rất tốt để đệ tam Tổ Huyền Quang sau đó lãnh đạo giáo hội Trúc Lâm tiếp tục cống hiến, phục vụ cho đạo pháp và dân tộc.

Dưới thời Nhị Tổ Pháp Loa, Phật giáo Việt Nam có nhiều nét mới, hệ thống và quy củ hơn trước. Với đức tu và trí tuệ cao vợi, Ngài độ người xuất gia rất đông. Theo Tam Tổ thực lục, năm 1313, Nhị Tổ đã độ cho hơn 1.000 người xuất gia, 3 năm độ Tăng một lần, đến năm 1329 độ được khoảng 15.000 Tăng ni, đệ tử đắc pháp hơn 3.000 người. Nhị Tổ còn truyền giới tại gia cho những vị hoàng thân quốc thích trong Triều đình. Với giáo luật song tu, chú trọng nội điển, những mong nối mạch giống pháp, Nhị Tổ còn cho in ấn, khắc bản Đại tạng kinh, đào tạo Tăng tài, giúp Cư sỹ “xóa nạn mù Phật pháp”. Ngài còn cho tạc hình, đúc tượng Phật. Năm 1329, Nhị Tổ “cho xây dựng hai ngôi chùa lớn (Báo Ân và Quỳnh Lâm), năm ngọn tháp và 200 tăng đường, là người đầu tiên xây dựng nên thiền viện Quỳnh Lâm ở Việt Nam” [5].

Trước khi viên tịch năm 1330, Nhị Tổ đem pháp bảo giao cho Huyền Quang truyền thừa, thọ 47 tuổi, Thái Thượng Hoàng ban hiệu cho Thiền sư là Tịnh Trí Tôn Giả, đặt tên tháp Ngài là Viên Thông. Trong thời Pháp Loa, Phật giáo Việt Nam phát triển thêm một bước mới, tương đối có hệ thống và quy củ. Như vậy, trong vòng 22 năm, Nhị Tổ đã làm rất nhiều các công tác Phật sự trong tinh thần nhập thế “tùy duyên bất biến”, “cư trần lạc đạo”, biện tâm, hiện tại lạc trú, vô ngã vị tha. Đúng là “thật tế lý địa bất thọ nhất trần, vạn hạnh muôn trung bất xã nhất pháp” [8].

Thiền sư Pháp Loa – đệ Nhị Tổ Trúc Lâm dưới sự truyền thừa của Sơ Tổ Trần Nhân Tông là một trong những người có công rất lớn trong quá trình tiếp thu và phát triển Phật giáo tại Việt Nam trong tinh thần “Phật giáo đồng hành cùng dân tộc”, “hộ quốc, an dân”. Những tư tưởng thiền học của Nhị Tổ vừa có tính kế thừa đường lối Thiền học của Sơ Tổ, vừa có sự phát triển sáng tạo để phát triển số lượng Tăng đoàn, quản lý chùa chiền, cố vấn cho triều đình, gây dựng khối đại đoàn kết trong dân, thỉnh chư Tăng nước ngoài đến giao lưu và học hỏi lẫn nhau trong từ bi trí tuệ bất hại của lời Phật, thỉnh kinh sách, phát triển giáo lý, đào tạo Tăng tài, giữ gìn quy luật thiền môn, tạo điều kiện thuận duyên cho chư Tăng hoặc rốt ráo chuyên tu, hoặc dấn thân phụng sự… Trong đó, tư tưởng kiến tính, đường lối thực hành thiền của Nhị Tổ đều thể hiện tinh thần hòa quang đồng trần, cư trần lạc đạo, tùy duyên bất biến, dụng hợp…,đúng với ý Phật, ý Tổ.

Dưới thời Trần, thiền sư Pháp Loa – Đệ Nhị Tổ Trúc Lâm được biết đến như một thiền gia xuất sắc trên nhiều phương diện. Về trước tác, trước thuật của đệ Nhị Tổ cơ bản là những tác phẩm sau: Thạch thất mị ngữ niêm tụng, Tham thiền chỉ yếu, Kim Cương trường Đà La Ni kinh khoa chú, Niết Bàn đại kinh khoa sớ, Pháp Hoa kinh sớ, Lăng Già kinh sớ, Bát Nhã tâm kinh khoa sớ, Pháp sự khoa văn, Độ môn trợ thành tập, Nhân vương Hộ quốc Nghi quỹ, Tuệ Trung Thượng sỹ ngữ lục[6]. Hiện nay, các sách này hầu như bị thất lạc, chỉ còn một chương “Thiền đạo yếu học” với “bốn bài luận thuyết, một đoạn ngữ lục và 3 bài thơ: Vào cõi tục biết non xanh, Tán tụng Tuệ Trung Thượng sỹ, và bài Kệ thị tịch” [9]. Trong lĩnh vực thơ ca, Ngài nổi tiếng với tác phẩm Tam Tổ Thực Lục.Tác phẩm đã gửi gắm những tâm tư, nguyện vọng, kinh nghiệm tu tập thiền rất sâu sắc của Pháp Loa. Cuộc đời và sự nghiệp tu đạo của Nhị Tổ là tấm gương sáng về tinh thần năng động, tích cực. Ngài đã giảng các bộ: Truyền đăng lục, Tuyết đậu ngữ lục, Kinh Hoa Nghiêm…; và còn tổ chức in ấn, khắc bản Đại tạng kinh. Thiền sư đã chú giải nhiều kinh điển, sáng tác nhiều sách Phật học và biên tập nhiều nghi thức như: Thạch thất mị ngữ, Tham thiền chỉ yếu, Kim cương trường đà – la – ni kinh khoa chú, Niết – bàn đại kinh khoa sớ, Bát – nhã tâm kinh khoa sớ, Pháp Hoa kinh sớ, Pháp sự khoa văn… Tam Tổ thực lụclà quyển sách viết dưới dạng Ngữ lục, ghi lại toàn bộ sự thật về cuộc đời cũng như hành trạng của ba vị Tổ thuộc Thiền phái Trúc Lâm đời Trần.

Như vậy, Thiền sư Pháp Loa – một vị tăng trẻ, 21 tuổi xuất gia. Khi Sơ Tổ thấy đầy đủ nhân duyên, năm 1308 (chỉ sau 4 năm tu học) đã được giao trọng làm Đệ Nhị Tổ Thiền phái Trúc Lâm. Trong 23 năm lãnh đạo giáo hội Trúc Lâm, Thiền sư đã kế thừa xuất sắc những thành quả mà Sơ Tổ Trần Nhân Tông đã gây dựng nên, giúp cho Phật giáo thời Trần ở giai đoạn này đạt tới sự cực thịnh, như trong sử sách đã khẳng định.

Có thể nói, điểm đặc biệt trong pháp Thiền của Nhị Tổ Pháp Loa là có yếu tố Mật giáo ảnh hưởng, Tam tổ thực lục có ghi: “Sư thường ngày đêm trì chú lễ Phật”. Đồng thời, Ngài cũng đã phân tích – chú giải kinh Kim Cương Trường Đà La Ni – một bộ kinh thuộc Mật giáo và làm lễ quán đỉnh – một nghi lễ của Mật giáo cho vua Trần Anh Tông, Văn Huệ Vương, Uy Huệ Vương và nhiều người khác. Trong hành trạng của Tam Tổ Trúc Lâm, có lẽ Thiền sư Pháp Loa hoạt động Phật sự phong phú trên các lĩnh vực Giáo – Thiền. Vì vậy, Phật giáo dưới thời lãnh đạo của Nhị Tổ Pháp Loa đạt nhiều thành tựu rực rỡ trên các lĩnh vực: giáo dục, dung hợp Tam giáo đồng nguyên, Thiền Tịnh song tu, Mật – luật – giáo cùng đồng hành phát triển, soạn thảo nhiều kinh điển và tác phẩm… Nhị Tổ đã đem hết cả tài đức và sức lực của mình để cống hiến cho đạo pháp – dân tộc, văn hóa, xã hội, trong đó nổi bật nhất là việc kêu gọi Tăng ni – Phật tử hiến máu để in Đại tạng kinh Việt Nam (mặc dù hiện nay Đại tạng kinh đó không còn), thể hiện rõ quan điểm xây dựng nền văn hóa Đại Việt; hoàn thành viên mãn tâm nguyện của chư vị tiền bối về việc thành lập một Giáo hội thống nhất các thiền phái, mang một bản sắc riêng của người Việt, đáp ứng đúng nguyện vọng của các tầng lớp người Việt trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

3.3. Đệ tam Tổ Huyền Quang (1254-1334)

Theo Tam Tổ thực lục và các tài liệu liên quan, Đệ tam Tổ Huyền Quang tên thật là Lý Đạo Tái, sinh năm 1254, tại làng Vạn Tải, lộ Bắc Giang, huyện Gia Định, tỉnh Hà Bắc. Thân phụ là Tuệ Tổ, thuộc dòng dõi quý tộc, thân mẫu là Lê Thị rất đức hạnh. Ngài là một nhân vật đặc biệt, cuộc đời với nhiều yếu tố huyền thoại, Tổ gia thực lục ghi, Ngài “khi mới sinh ra có tia sáng mờ ảo, mùi hương thơm phức. Người ta gọi đó là đứa hài đồng có mùi hương thanh tịnh. Lê Thị mang thai đến 12 tháng mà bụng không chuyển động, bà nghi mắc bệnh nên uống nhiều thuốc phá thai mà thai không hư. Khi Tổ sinh ra, lại là một đứa trai cứng cáp. Đến tuổi đồng ấu, thể mạo dị thường, có trí của bậc trác tuyệt vĩ nhân, cha mẹ đều yêu thương, dạy cho học nghề. Tổ nghe một hiểu mười, có tài như Nhan Hồi Á Thánh, nên được gọi là Tải Đạo” [6]. Năm 1274, Ngài đỗ khoa thi Hương, năm sau lại đỗ đầu khoa thi Tam giáo. Với tài văn chương xuất chúng, Ngài thường được cử đi sứ Trung Hoa. Nhân duyên với Phật pháp từ nhiều đời, nhiều kiếp nên Ngài Huyền Quang tuy thân ở chốn quan trường mà tâm luôn hướng về cửa Phật. Bởi vậy, 30 năm ở chốn quan trường, Ngài luôn khước từ mọi vinh hoa phú quý, khước từ cả chuyện kết hôn với công chúa Liễu Nữ. Khi Ngài theo vua Trần Anh Tông đến chùa Vĩnh Nghiêm nghe Nhị Tổ Pháp Loa thuyết pháp, Ngài dâng sớ xin từ quan để xuất gia và nhà Vua đã đồng ý do sự quyết trí của Ngài. Ngài đến chùa Vũ Ninh tu học và thụ giới với thiền sư Bảo Phác, khi 51 tuổi. Sau đó, tuân theo sự chỉ dạy của Sơ Tổ Trúc Lâm, Ngài đến y chỉ, hộ trì Ngài Pháp Loa và được ban pháp hiệu là Huyền Quang. Ngài cùng với Sơ Tổ và Nhị Tổ đi khắp nơi trong nước khuyến khích dân chúng tích cực hành thập thiện. Ngài hoằng pháp bằng việc biên soạn kinh sách, Sơ Tổ Trúc Lâm đã từng ngự bút khen “Phàm sách đã qua tay Huyền Quang thì không thể thêm hay bớt một chữ nào nữa” [6]. Sau khi kế tục làm đệ Tam Tổ Trúc Lâm, Ngài đã gặp phải không ít chướng duyên, nhưng vẫn kham nhẫn dũng mãnh vượt qua như Phật và chư Tổ quá khứ.

Về phương pháp lãnh đạo Giáo hội, Tam Tổ cũng có nhiều sự đổi mới so với Sơ Tổ và Nhị Tổ. Với kinh nghiệm 30 năm trong chốn quan trường, Ngài hiểu rõ, bên cạnh sự ủng hộ Phật giáo của vua quan cũng có không ít các vị quan lại Nho sỹ phản bác, công kích đạo Phật. Ngài đã hướng Giáo hội dần dần thoát ly sự lệ thuộc vào triều đình, đưa Phật giáo phát triển sâu rộng trong dân gian. Chính nhờ tầm nhìn sâu sắc của Tam Tổ mà các triều đại sau đó khi Phật giáo tuy không hiện diện trên vũ đài chính trị, không còn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của triều đình, của các quan lại, nhưng Phật giáo vẫn tồn tại và phát triển trong lòng dân tộc.

4. Kết luận

Có thể nói, Thiền học thời Trần vượt qua những chấp dính của hình tướng mà vẫn tròn đầy giới – định – tuệ, bồ tát hạnh nhập thế. Thiền phái Trúc Lâm thời Trần mang bản sắc, ý thức của người Việt, góp phần đoàn kết các thành phần trong xã hội, giải quyết các vấn đề của thời cuộc, nhằm xây dựng và phát triển đất nước theo hướng tự chủ; các vua đều là Phật tử. Các thế hệ Thiền sư đặt nền móng như Trần Thái Tông, Tuệ Trung Thượng sỹ đã cơ bản đặt nền móng và phát triển định hình cho sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm thống nhất của Đại Việt sau này. Trên thực tế, các tư tưởng này cũng được tiếp nhận từ nhiều nguồn Phật học trước đó. Tam Tổ Trúc Lâm (Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang) đã khéo léo ứng dụng tinh thần từ bi, trí tuệ, dũng mãnh, hướng thiện, vô ngã từ bi, tạo nguồn an lạc hạnh phúc cho quảng đại dân chúng trên tinh thần thiền học thiền tông (kiến tính, biện tâm, vô chấp, dung hợp…), từ đó tập hợp được khối đoàn kết tất cả mọi giai tầng trong xã hội, góp phần hưng thịnh đạo pháp và dân tộc, cho thấy vai trò của Phật giáo đóng góp lớn trên các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, giáo dục, văn hóa, nghệ thuật…; trong đó Phật giáo dưới thời Trần được coi là quốc giáo, tinh thần Thiền tông giữ vai trò chủ đạo.

Tác giả bài viết: ĐẶNG THỊ ĐÔNG (Thích nữ Viên Giác)
(Viện Trần Nhân Tông, Đại học Quốc gia Hà Nội)

Nguồn: Tạp chí Khoa học & Cộng nghệ Việt Nam, 64 (4), 4.2022


TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] chttps://vi.wikipedia.org/wiki/Thi%E1%BB%81n_s%C6%B0#:~:text=Thi%E1%BB%81n%20s%C6%B0%20(zh%3A%20%E7%A6%AA%E5%B8%AB%3B,th%C3%B4ng%20su%E1%BB%91t%20v%E1%BB%81%20to%E1%BA%A1%20thi%E1%BB%81n.&text=Trong%20Thi%E1%BB%81n%20t%C3%B4ng%2C%20danh%20hi%E1%BB%87u,v%C3%A0%20truy%E1%BB%81n%20b%C3%A1%20Thi%E1%BB%81n%20t%C3%B4ng.
[2] Nguyễn Đăng Thục (1996), Thiền học Trần Thái Tông, Nxb Văn hóa – Thông tin.
[3] Lê Mạnh Thát (2004), Toàn tập Trần Thái Tông, Nxb Tổng hợp TP Hồ Chí Minh.
[4] Nguyễn Lang (2012), Việt Nam Phật giáo sử luận, toàn tập, NXB Phương đông.
[5] Thích Minh Tuệ (1993), Lược sử Phật giáo Việt Nam,Thành hội Phật giáo TP Hồ Chí Minh.
[6] Thích Phước Đạt (2016), Giá trị văn học trong tác phẩm của Thiền phái Trúc Lâm, Nxb Hồng Đức.
[7] Nguyễn Lang (1992), Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 1, Nxb Văn học.
[8] Thích Tanh Từ (1997), Tam tổ Trúc Lâm giảng giải, Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
[9] Thích Giác Toàn (2011), Những sáng tác văn học của các Thiền sư thời Lý Trần, Nxb Tổng hợp TP Hồ Chí Minh. Khoa học Xã hội và Nhân văn /Triết học, đạo đức và tôn giáo.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục:

Xu thế biến đổi trong Kiến trúc, cảnh quan chùa Huế
Kiến trúc-Mỹ thuật, Lịch sử, Nghiên cứu

Tóm tắt: Phật giáo Huế với một bề dày lịch sử, gắn liền với thăng trầm vùng đất Thuận Hóa – Phú Xuân xưa, đã hàm chứa, bảo tồn được nét riêng có trên nhiều mặt của yếu tính truyền thống Phật giáo. Tuy nhiên, trong chiều hướng phát triển của xã hội thì trong...

Tín ngưỡng thờ Long Vương trong Phật giáo Nam bộ
Nghiên cứu, Văn hóa

Tượng Long Vương ở Tổ đình Hội Khánh (Bình Dương). LONG VƯƠNG TRONG PHẬT GIÁO Trong Phật giáo, rồng là một trong Bát bộ chúng thủ hộ Phật pháp. Lãnh tụ của Long tộc gọi là Long Vương, có đầy đủ uy lực lớn mạnh, thường theo bảo vệ Phật. Trong các kinh sách Phật...

Vai trò nhập thế qua những biểu hiện, một số vấn đề đặt ra và giải pháp nhằm phát huy vai trò của nữ Phật tử
Nghiên cứu, Văn hóa

Tóm tắt: Sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ đã ảnh hưởng sâu sắc đến nhân loại. Ở phương diện tích cực, chúng phục vụ nhiều nhu cầu, đem lại hiệu suất làm việc cao cho con người. Song ở phương diện tiêu cực, chúng khiến đời sống tinh thần đứng...

Các công chúa triều Trần với đạo Phật và chốn thiền môn
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa

Khi công chúa Thái Đường mắc lỗi, triều đình tịch thu điền trang của bà sung vào ruộng quốc khố. Bà bèn đi tu ở chùa Nghĩa Xá, gần Lạc Quần (Xuân Trường). Thời nhà Trần, đạo Phật được nhân dân Đại Việt rất coi trọng và tôn sùng. Các vua Trần từ Trần Thái...

Đóng góp của gia đình danh y Lê Hữu Trác đối với Phật giáo Việt Nam
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa

Tóm tắt: Với việc xây chùa Tượng Sơn, gia đình đại danh y Lê Hữu Trác có những đóng góp nhất định đối với Phật giáo Hà Tĩnh. Tượng Sơn tự cũng là nơi Hải Thượng Lãn Ông dành phần lớn thời gian lưu lại chùa để bốc thuốc, chữa bệnh cứu người và hoàn thành...

Nghiên cứu về một vài ngộ nhận đối với lịch sử phát triển Ni đoàn
Lịch sử, Nghiên cứu

TÓM TẮT Từ khi Đức Phật còn tại thế, Ngài đã cho phái nữ xuất gia thành Tỳ kheo Ni với điều kiện là thọ trì Bát kỉnh pháp. Có Ni giới, hàng xuất gia của Đức Phật được tăng đông lên. Tứ chúng của Đức Phật trở nên đầy đủ. Sự xuất hiện của...

Đức Từ Cung với sự phát triển và chấn hưng Phật giáo xứ Huế từ những năm 30 đến những năm 80 Thế kỷ XX
Lịch sử, Nghiên cứu

Tóm tắt: Đức Từ Cung hay Đoan Huy Hoàng thái hậu không chỉ quan tâm chăm lo hương khói, cúng tế tổ tiên nhà Nguyễn, mà còn là một tín đồ thuần thành của Phật giáo. Trên cương vị Hoàng Thái hậu triều Nguyễn, bà Từ Cung đã có nhiều đóng góp trong công cuộc chấn...

Kiến trúc chùa Huế
Chùa Việt, Kiến trúc-Mỹ thuật, Nghiên cứu

Với lối kiến trúc đặc trưng nhưng vẫn nằm trong dòng chảy kiến trúc đặc trưng của những ngôi chùa Việt, chùa Huế thực sự đã tạo ra một dấu ấn đậm nét đối với khách thập phương. Với nét đặc trưng đó những ngôi chùa xứ Huế không chỉ góp phần làm phong phú cho...

Nét đẹp Chư Tăng trong mùa An cư Kiết hạ
Nghiên cứu, Văn hóa

Chúng ta sẽ cảm nhận được nét đẹp tuyệt vời, một nghệ thuật siêu việt của cái thiêng liêng được toát ra từ sâu thẳm trong tâm hồn của chư Tăng, Ni. Nét đẹp đó, được phát ra từ nội tại của những con người mang những hoài bảo, những lý tưởng hướng thiện và...

Nguồn Gốc Và Ý Nghĩa Của Chiếc Áo Cà Sa
Nghiên cứu, Văn hóa

Gốc tiếng Phạn của chữ cà-sa là kasaya. Nhưng thật sự chữ kasaya trong tiếng Phạn không có nghĩa là áo mà có nghĩa là bạc màu, cáu cặn hay hư hoại. Sách tiếng Hán dịch chữ này là đạm (màu nhạt), trọc hay trược (đục, dơ bẩn, ô nhiễm, rác bẩn), hoặc còn dịch là hoại sắc, bất chính sắc, hư nát, dính bẩn…Tóm lại chiếc áo cà-sa của người xuất gia tu Phật, của hàng tỳ kheo,…tượng trưng cho những gì nghèo nàn,...

Chùa Kim Cang trong mối quan hệ với dòng thiền Liễu Quán ở Tây Nam bộ
Kiến trúc-Mỹ thuật, Lịch sử, Nghiên cứu

Tóm tắt: Bài nghiên cứu tập trung vào hai nội dung chính, thứ nhất, tìm hiểu khái quát về lịch sử dòng thiền Liễu Quán mang đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam; thứ hai, đề cập lịch sử hình thành chùa Kim Cang. Đây là ngôi chùa cổ, có nhiều đóng góp trong quá trình...

Đức Phật nhà văn hóa lớn của nhân loại
Lịch sử, Nghiên cứu, Sự kiện, Văn hóa

Đức Phật được Liên Hiệp Quốc tôn vinh là nhà văn hóa lớn của nhân loại của 25 thế kỷ qua, hẳn là cuộc đời hoằng hóa và hệ thống giáo lý của Ngài đã cống hiến cho nhân loại nhiều đóng góp quan trọng và ý nghĩa. Nhà Phật học H.W. Schumann đã phát biểu về Đức Phật trong tác phẩm thời danh của Ông, nhan đề Đức Phật lịch sử (The Historical Buddha) rằng: “Rất hiếm nhân vật trong lịch sử tư tưởng nhân...

Về văn bản Sự ly dung thông
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa

Thiền sư Minh Châu Hương Hải (1628-1715) là một tác gia văn học Phật Giáo thời Hậu Lê. Ngữ lục cho biết sư biên soạn, biên dịch được 20 tác phẩm. Hầu hết các tác phẩm này đều viết theo hai thể chữ hán và Nôm, vừa dịch giải vừa biên soạn.  Trong số sách dịch...

Đóng góp của thiền phái Liễu Quán trong việc khẳng định chủ quyền của người Việt trên vùng đất phương Nam
Lịch sử, Nghiên cứu

Tóm tắt: Từ khi xuất hiện cho đến khi tổ Thiệt Diệu Liễu Quán viên tịch, dòng thiền Liễu Quán được thắp sáng và lan tỏa chánh pháp bởi các đệ tử và các pháp tôn. Trong các thế kỉ XVII – đầu thế kỉ XIX, Thiền phái Liễu Quán ra đời, phát triển và mở...

Tục Bầu Hậu Phật qua một số văn bia ở Thanh Hóa
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa

DẪN NHẬP Bầu Hậu Phật, lập Hậu Phật là hoạt động văn hóa trong sinh hoạt tín ngưỡng Phật giáo ở làng xã nước ta trước đây. Người gửi hậu Phật có thể là do hoàn cảnh, nhu cầu và mục đích khác nhau, nhưng tựu trung, hoạt động này phản ánh tâm linh, tư...

Phổ hệ truyền thừa thiền phái Liễu Quán tại Khánh Hoà
Lịch sử, Nghiên cứu

Thiền phái Liễu Quán, một trong năm thiền phái của dòng thiền Lâm Tế có sự ảnh hưởng lớn ở nước ta. Trong dòng chảy lịch sử truyền thừa Thiền phái Lâm Tế tại Việt Nam, Liễu Quán tuy ra đời muộn nhưng là dòng thiền có phạm vi rộng khắp bởi tính bản địa....