Trích yếu: Thiền uyển tập anh là bộ sử Phật giáo quan trọng trong lịch sử Việt Nam. Thiền uyển tập anh tập hợp các tiểu truyện thiền sư trong khoảng gần 1000 năm lịch sử, hàm chứa các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa, tôn giáo của Việt Nam từ thời Trần trở về trước.

Thiền uyển tập anh được định bản cuối thời Trần, và đến nay vẫn không rõ tác giả, văn bản có niên đại san khắc sớm nhất hiện nay là bản in năm 1734 bởi Thiền sư Như Trí chùa Tiêu Sơn. Về sau, các truyền bản, đóng quyển được lưu giữ trong các thư viện công, tư ở Việt Nam.

Thiền uyển tập anh có ảnh hướng lớn với văn học Việt Nam, được biên chép vào nhiều bộ thơ văn trong lịch sử. Các dịch bản sang tiếng Việt từ Thiền uyển tập anh cũng được nhiều học giả Việt Nam thực hiện và đăng trên sách báo tiếng Việt từ đầu thế kỷ XX đến nay. Bài viết là khảo sát và giới thiệu chung về sách Thiền uyển tập anh trong kho tàng thư tịch học Phật giáo Việt Nam.

Từ khóa: Thiền uyển tập anh, Phật giáo Việt Nam, Như Trí Thiền sư, Phúc Điền Hòa thượng, Truyền đăng lục

Mở đầu

Thiền uyển tập anh (禪苑集英), với nghĩa là Tập truyện các anh tú trong vườn Thiền, là tập sách có từ thời Trần đến nay. Sách Thiền uyển tập anh, là sách về lịch sử Phật giáo, về văn học Phật giáo, về triết học Phật giáo, về tôn giáo Phật giáo Việt Nam trước thế kỷ XIV, năm 1337 về trước. Sách gồm 1 tập, 2 quyển là quyển thượng và quyển hạ. Thiền uyển tập anh có nhiều bản in, trong đó bản san khắc đến nay được biết sớm nhất hiện còn có niên đại 1715 (thời Lê).

Thiền uyển tập anh còn có nhiều tên gọi khác, như Thiền uyển tập anh lục, Thiền uyển tập anh ngữ lục, Đại Nam thiền uyển truyền đăng tập lục, Thiền uyển lục. Các tên khác nhau là do quá trình ảnh hưởng của sách với các thư tịch trong lịch sử Việt Nam, được các học giả các thời ghi lại. Tuy nhiên, tên sách tuy có khác, nhưng nội dung đều chỉ về văn bản Thiền uyển tập anh thời Trần. Nội dung sách Thiền uyển tập anh, là các câu chuyện ngắn về các thiền sư trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Các truyện ngắn về các Thiền sư tính thế kỷ VI đến tận XIV, như Vô Ngôn Thông, Tỳ Ny Đa Lưu Chi, Mãn Giác thiền sư, Từ Đạo Hạnh thiền sư… có giá trị to lớn trong nghiên cứu lịch sử văn hóa Việt Nam.

Thiền uyển tập anh được các bộ sưu tập thơ ca thời Trung đại của Việt Nam như Việt âm thi tập, Toàn việt thi lục …. tuyển chọn thơ vào tập. Sách cũng được các nhà nghiên cứu biên dịch sang chữ Hán, chữ Nôm trong quá trình lịch sử. Các bản dịch sang tiếng Việt được xuất bản nhiều trong những năm đầu thế kỷ XX, đặc biệt trên tạp chí Nam Phong cũng như các tạp chí báo chí Phật giáo. Ngô Tất Tố có những nghiên cứu và biên dịch riêng về thơ văn thời Lý, dẫn thơ dịch chủ yếu từ Thiền uyển tập anh. Nhiều nhà nghiên cứu tiến hành nghiên cứu tác phẩm Thiền uyển tập anh trên nhiều khía cạnh, góc nhìn.

Người Pháp đã đặc biệt quan tâm đến Thiền uyển tập anh. Các nghiên cứu về văn hóa và tôn giáo người Việt của Pháp đều có những dẫn dụng hoặc chịu ảnh hưởng từ Thiền uyển tập anh. Sau này, khi Trần Văn Giáp biên soạn Le Bouddhi en Annam (Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến thế kỷ XIII (1932)) đã chịu ảnh hưởng từ nghiên cứu của Pháp qua Thiền uyển tập anh cũng như từ chính văn bản Thiền uyển tập anh. Trải qua khoảng trăm năm nghiên cứu và công bố các nghiên cứu từ tiếng Việt, đến nay nhiều nghiên cứu, nhiều luận án về Thiền uyển tập anh đều có những đóng góp to lớn cho nghiên cứu về lịch sử Phật giáo Việt Nam trước thế kỷ XIII nói riêng và các khía cạnh lịch sử Phật giáo nói chung. Bởi Thiền uyển tập anh ảnh hưởng sâu đậm trong văn hóa Việt Nam trên nhiều phương diện, từ văn học, sử học, kiến trúc tôn giáo, mỹ học, xã hội học, kinh tế học …. trong lịch sử hơn nghìn năm qua và tiếp tục có những ảnh hưởng trong tương lai.

Văn bản Thiền uyển tập anh

Sách Thiền uyển tập anh được san khắc, in ấn lưu chuyển ở các chùa chiền ở Việt Nam. Nhiều chùa ở các làng quê ở Việt Nam vẫn lưu giữ sách Thiền uyển tập anh. Trên hai phương diện thư viện công, thuộc quản lý của nhà nước và thư viện tư, tức các cá nhân hoặc tự viện, đến nay đều phát hiện các văn bản Thiền uyển tập anh.

Viện Nghiên cứu Hán Nôm là cơ quan lưu giữ tốt và nhiều văn bản Thiền uyển tập anh, hiện còn lưu ba văn bản sách Thiền uyển tập anh, với các kí hiệu: A.3144, VHv.1267 và Đại Nam thiền uyển truyền đăng tập lục, kí hiệu: A.2767(1). Hai bản A.3144 và VHv.1267 được in ra từ một khổ ván khắc, có khổ giấy in ra là 28 x 18 cm. Bản A.3144 gồm hai phần, gồm 01 bài tựa ở đầu sách và nội dung sách chia làm hai quyển thượng, hạ. Bản Vhv.1267 chia làm ba phần, gồm: Tựa, nội dung chính hai quyển và bạt hậu. Hai bản này đều có niên đại san khắc vào năm Vĩnh Thịnh thứ 11 triều Lê (1715), và cùng ghi nơi tàng bản là chùa Thiên Tâm, tức chùa Tiêu Sơn – Từ Sơn (Bắc Ninh). Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu so sánh văn bản cho thấy bản VHv.1267 có niên đại muộn hơn bản A.3144, nhiều chữ trên bản VHv.1267 được sửa trên văn bản ván khắc cho thấy nội dung hợp lý hơn bản A.3144. Bản VHv.1267 được cho là Phổ Tiến thiền sư (chùa Bổ Đà – Bắc Giang) cho bổ sung các chỗ thiếu và thêm phần các trang nội dung và hình vẽ về Trúc Lâm tam tổ từ sách Đại Nam thiền uyển truyền đăng kục, kí hiệu VHv.9. Như vậy, truyền bản VHv.1267 đã có sự sai lệch về văn tự, cũng như số trang so với văn bản quyển A.3144.

Văn bản Đại Nam thiền uyển truyền đăng tập lục, có ký hiệu A.2767, là văn bản được Phúc Điền Hòa thượng (1784-1863) cho viết lại văn bản, cắt bỏ bài tựa, bài bạt và cho khắc lên ván gỗ. Bản A.2767 gồm 130 trang sách, khổ sách 27 x 17 cm(2). Sách được san khắc vào năm Tự Đức thứ 3 (1851) tại chùa Liên Phái (Hà Nội). Về nội dung tiểu truyện các vị thiền sư, văn bản A.2767 cơ bản giống với hai bản A.3144 và VHv.1267.

Khảo luận về cách đánh số trang cũng như phần mép – ngư vĩ giữa hai trang trong một tờ in từ 1 ván, cho thấy các văn bản không có sự thống nhất về quy cách khuôn trang. Tuy nhiên, sự trùng nhau giữa các truyền bản thời Lê cho thấy khả năng bổ sung tái bản văn bản khi có văn bản cũ bị ảnh hưởng bởi thiên tai nhân họa. Do đó, cơ bản vẫn giữ được hồn cốt của truyền bản thời Lê, niên đại 1715.

Kết cấu và nội dung sách Thiền uyển tập anh

Kết cấu sách Thiền uyển tập anh, là tập hợp tiểu truyện các thiền sư từ thế kỷ VI đến thế kỷ thứ XIII. Sách gồm 78 tiểu truyện thiền sư, chia làm 2 quyển thượng và hạ(3). Căn cứ bản A.3144 có thể chia kết cấu sách gồm: Bài tựa đến trang 3b; nội dung chính từ trang 4a đến 72b. Phần nội dung, quyển thượng từ tờ 41 đến 43a, gồm 16 đời truyền thừa với 39 nhân vật. Đứng đầu truyền thừa, cũng là tên thiền phái được các thư tịch văn hóa, lịch sử Việt Nam viết đến là Vô Ngôn Thông (759-826), các đời truyền đến người cuối cùng là Ứng Thuận Thiền sư. Quyển hạ với phần đầu ghi chép về phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi (?-594) với 21 thế hệ tổng số 29 thiền sư. Tỳ Ni Đa Lưu Chi cũng là người đứng đầu truyền phái này, và được sử sách Việt Nam định danh làm tên cho thiền phái. Những trang còn lại từ 71b đến 72b, vẫn thuộc quyển hạ, là những ghi chép ngắn gọn và sơ lược về thiền phái Thảo Đường, gồm 19 người. Nhóm Thiền phái Thảo Đường chỉ ghi tên mà không có tiểu truyện.

Thiền uyển tập anh với tiểu truyện nhiều thiền sư còn ảnh hưởng đến đời sống tôn giáo văn hóa hiện nay. Trải qua lịch sử Việt Nam, các giá trị lịch sử, giá trị thơ văn của Thiền uyển tập anh không chỉ hiển hiện trên đời sống tôn giáo hiện nay, qua chùa chiền, thờ tự hàng mấy trăm năm qua, mà cũng đi vào thư tịch. Nhiều văn bản được san khắc lại, Thiền uyển tập anh ảnh hưởng vào nhiều tác phẩm thời Lê của Lê Quý Đôn, Bùi Huy Bích …. Thời hiện đại, Thiền uyển tập anh được nhiều nhà nghiên cứu dịch thuật và công bố. Không chỉ dịch thuật và công bố trong nước, còn ở nước ngoài. Có thể nói, trong các tác phẩm thiền học trong lịch sử dân tộc, Thiền uyển tập anh là tác phẩm được biên dịch nhiều nhất và ảnh hưởng rộng rãi trong cộng đồng Việt Nam học trên thế giới.

Thông qua kết cấu của sách, Thiền uyển tập anh ghi chép lại lịch sử ba thiền phái, đặc biệt chi tiết về hai thiền phái Vô Ngôn Thông và Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Trong đó, phần nào ghi chép thêm thế thứ của thiền phái Thảo Đường, tạo nên những giá trị to lớn trong vấn đề nhận định về Phật giáo Việt Nam trước thế kỷ XIV.

Thiền uyển tập anh nói về lịch sử Phật giáo Việt Nam, tuy nhiên, không chỉ vấn đề Phật giáo, mà nội dung sách cũng bao quát các vấn đề văn hóa, văn học, địa danh học lịch sử, vấn đề thư tịch Phật giáo, vấn đề mối quan hệ lịch sử giữa nước ta và Trung Quốc… Nhiều nhà nghiên cứu đều nhận định Thiền uyển tập anh là một bộ sách về sử Phật giáo Việt Nam, nhưng là công trình có giá trị văn hiến toàn diện về Việt Nam trước thế kỷ XIV. Thiền uyển tập anh cũng mở ra những nghiên cứu về các giai đoạn lịch sử Phật giáo, tương ứng với lịch sử Việt Nam. Nhiều thiền sư có công trong sự phát triển của lịch sử dân tộc, như Khuông Việt Thiền sư (930-1011), Pháp Thuận Thiền sư (925-990), Vạn Hạnh Thiền sư (?-1025)… thậm chí đến vua Lý Thái Tông cũng được xếp vào một tiểu truyện, như một người được truyền thừa của thiền phái. Những thiền sư, ngoài việc là người nối tiếp dòng truyền thừa Phật giáo, còn là người có ảnh hưởng nhất định với sự phát triển văn hóa, lịch sử dân tộc.

Thiền uyển tập anh, cũng thể hiện được giá trị về văn học, bao gồm ngôn ngữ, thơ ca, kết cấu các tiểu truyện… có giá trị nghiên cứu, so sánh, cũng như cảm thụ văn chương, nghiên cứu tư tưởng triết học của Phật giáo Việt Nam trong các giai đoạn. Nhiều thiền sư để lại những áng văn thơ, còn lưu giữ trong tâm hồn người Việt Nam, như: Khuông Việt Thiền sư, Pháp Thuận Thiền sư, Mãn Giác Thiền sư … Nhiều bài thơ, nhiều tiểu truyện trong Thiền uyển tập anh ảnh hưởng đến cảm nhận về văn học, sử học Việt Nam. Nhiều tác phẩm ghi dấu ấn trong tâm hồn nhiều thế hệ người Việt Nam, như bài kệ khi Thiền sư Mãn Giác (1052-1096) có bệnh nói với mọi người:

Xuân qua, trăm hoa rụng,
Xuân tới, trăm hoa cười.
Trước mắt việc đi mãi,
Trên đầu già đến rồi.
Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết,
Đêm qua sân trước một nhành mai.
(Ngô Tất Tố dịch).

Bài thơ vốn không có tiêu đề trong Thiền uyển tập anh, nhưng thời sau khi viên mục, Lê Quý Đôn đã đề thêm tên bài thơ là Cáo tật thị chúng. Thời gian và không gian tôn giáo, như tồn tại hàng trăm năm qua, và ấn tượng lại trong bao thế hệ người Việt, không chỉ của quá khứ mà trong thời đại ngày nay. Mãn Giác thiền sư là một thiền sư thuộc đời thứ 8 dòng thiền Vô Ngôn Thông. Mãn Giác Thiền sư có tên là Nguyễn Trường, cha là Hoài Tố, giữ chức Trung thư Viên ngoại lang thời Lý. Nguyễn Trường tinh thông tam giáo, có ảnh hưởng lớn đương thời và các thế hệ sau này.

Hoặc là nhận thức về Bát nhã của Lý Thái Tông, hoặc đối đáp ngữ lục của Viên Chiếu Thiền sư hoặc bài Vương lang quy của Khuông Việt Thiền sư, đều để lại những giá trị tốt đẹp trong nhận thức thơ ca của người Việt Nam.

Người Việt Nam biết đến công trình Thiền uyển tập anh, như một tác phẩm lịch sử, một tác phẩm văn học… bởi những ảnh hưởng của tác phẩm này với văn hóa xã hội. Thiền uyển tập anh định hình thời Trần, dễ thấy những truyện trong tác phẩm có gắn liền với những truyện dân gian, như truyện Từ Đạo Hạnh, Minh Không và tồn tại cho đến ngày nay. Nhiều ngôi chùa thời Lý, thời Trần, có tên các vị sư, gắn liền với lịch sử dân tộc và ngày nay vẫn còn, vẫn đậm các yếu tố tín ngưỡng bản địa và người dân vẫn sùng bái. Chùa Kiến Sơ, gắn liền với dòng thiền Vô Ngôn Thông đến nay vẫn còn ở Từ Sơn (Bắc Ninh) và gắn liền với sự hưng thịnh của triều Đinh Lê, đến triều Lý. Chùa Thiền Chúng với việc thờ tháp có Xá lị Phật, mà gần đây tìm thấy văn bia Xá lị ở Thuận Thành, Bắc Ninh. Văn bia Xá lị tháp, khi so sánh với Thiền uyển tập anh thì trong sách có ghi chép lại việc đó. Có thể thấy lịch sử hơn nghìn năm qua qua trang sách là rất thực.

Chùa Thầy gắn liền với Thiền sư Từ Đạo Hạnh, với chùa Một Mái, am Thánh Hóa… với chuông thời Lý về Từ Đạo Hạnh vẫn còn và thân phận thiền sư được ghi lại trong Thiền uyển tập anh cũng như những ảnh xạ qua những văn bia thời Lý, Trần, Lê. Truyện thiền sư từ Thiền uyển tập anh, về sau được diễn tiến sang nhiều thư tịch khác liên quan đến chùa Thầy. Những diễn tích từ truyện Từ Đạo Hạnh, có những mối dẫn sang các chùa khác như chùa Chiêu Thiền tự – chùa Láng, chùa Đại Bi (Nam Định) ….vv…. và câu chuyện đếu gắn với thân thế con người Từ Đạo Hạnh. Cũng bởi ảnh hưởng quá rộng lớn của Từ Đạo Hạnh, mà thiền sư cũng được các triều đại sắc phong, ban hiệu, công nhận là một trong Tứ bất tử. Một trong những vấn đề văn hóa, gắn liền với truyện Từ Đạo Hạnh là lễ hội dân gian và múa rối ở thủy đình trước hồ ở chùa Thầy. Núi và hồ chùa thầy, cũng được gọi là Phổ Đà, như nơi thờ Quán Âm, cũng được quan niệm là Hương hải thủy, như một thế giới quan Phật giáo thu nhỏ.

Nghệ thuật múa rồi còn gắn liền với chùa Đại Bi ở Nam Định, cũng là ngôi chùa lớn thờ Từ Đạo Hạnh. Tín ngưỡng và tôn giáo, nghi lễ và văn hóa về nhân vật, con người có thật và còn lại mãi với thời gian. Những vấn đề đó, phần nào hiển hiện trong Thiền uyển tập anh.

Ngoài Từ Đạo Hạnh, nhiều thiền sư khác cũng gắn liền với những ghi chép từ Thiền uyển tập anh; nhiều ngôi chùa thời Lý còn đến ngày nay đều từ các tổ sư được ghi chép trong Thiền uyển tập anh. Đó là những dấu tích văn hóa, tôn giáo từ lịch sử, từ thư tịch ghi chép lại tạo nên những nhận thức về văn hóa xã hội của con người trong các giai đoạn.

Thiền uyển tập anh và những công bố khoa học

Thiền uyển tập anh cũng vì thế được nhiều nhà nghiên cứu, nhiều tác giả văn học trong lịch sử quan tâm và đánh giá. Từ bộ sưu tập thơ như Việt âm thi tập, cho đến Toàn Việt thi lục… đều sưu tập các bài thơ từ trong Thiền uyển tập anh. Lý Tế Xuyên, Trần Thế Pháp, Lê Quý Đôn, Ngô Thì Sĩ, Phan Huy Chú cũng có những khai thác hoặc đánh giá nhất định về văn bản và tác phẩm Thiền uyển tập anh. Văn bản Thiền uyển tập anh được khắc gỗ và in nhiều lần, từ Như Trí thiền sư chùa Tiêu Sơn thời Lê (1715), cho đến Phúc Điền Hòa thượng chùa Liên Phái thời Nguyễn (1851) đã để lại những ảnh hưởng nhất định của văn bản với lịch sử Phật giáo. Đầu thế kỷ XX, khi chữ quốc ngữ đã trở nên phổ biến, các nhà nghiên cứu người Việt Nam như Trần Văn Giáp đã quan tâm nghiên cứu Thiền uyển tập anh từ năm 1928, khi tìm thấy văn bản ở Hải Phòng và xuất bản sách Le Bouddhisme en Annam des origines au XIII e siècle năm 1932, với bản dịch của Tuệ Sỹ năm 1968 là Phật giáo Việt Nam từ khởi thủy đến thế kỷ XIII. Sau đó, học giả người Pháp như GF.Gaspardone cũng đặc biệt quan tâm đến Thiền uyển tập anh, và có những nhận định trong nghiên cứu của ông. Đầu thế kỷ XX, khi báo chí nở rộ, các tiểu truyện Thiền uyển tập anh được dịch đăng trên Nam Phong tạp chí, trên Đuốc Tuệ, về sau, Trần Duy Vôn tập hợp lại thành tiểu tập nhỏ với tên Đại Nam cao tăng truyện. Các bản dịch, cũng vì thế từng bước lan rộng trong xã hội người Việt Nam thời hiện đại. Năm 1942, Ngô Tất Tố xuất bản Việt Nam văn học – Văn học đời Lý và có những bản dịch từ Thiền uyển tập anh ảnh hưởng về sau và cũng từ đó, mở ra nhiều cách nghiên cứu Thiền uyển tập anh trên phương diện sử học, văn học. Các bộ lịch sử Phật giáo như Việt Nam Phật giáo sử lược (1944), Việt Nam Phật giáo sử luận (1974), Lịch sử Phật giáo Việt Nam (1988), Lược sử Phật giáo Việt Nam (1993)… đều từng bước nghiên cứu giới thiệu Thiền uyển tập anh. Các sách về lịch sử văn học, các sách khảo cứu như Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh (1976) của Lê Mạnh Thát và tái bản nhiều lần sau này; sách Loại hình tác phẩm Thiền uyển tập anh của Nguyễn Hữu Sơn (2002)… đều có những đóng góp to lớn cho nghiên cứu văn bản và tác phẩm Thiền uyển tập anh.

Thiền uyển tập anh cũng  được  nhiều  học giả tại nước ngoài quan tâm. Nhiều công trình nghiên cứu và xuất bản, trong đó đáng kể nhất là luận án của Nguyễn Tự Cường với tên Zen in Medievan Vietnam: A study and trandslation of “Thiền uyển tập anh” xuất bản năm 1997 bởi Ban tu thư Viện Đại học Hawaii. Trong luận án này, Nguyễn Tự Cường đã nghiên cứu sâu về văn bản, về tư tưởng của tác phẩm. Đây là công trình nghiên cứu có ảnh hưởng sâu rộng đối với thế giới bên ngoài nghiên cứu về Việt Nam. Năm 2005, Philippe Lang Let cũng xuất bản một nghiên cứu dịch thuật về Thiền uyển tập anh tại Pháp, với tên: Un livre des Moines Bouddhistes, bởi Les Edition Aquilon, ở Paris là một nghiên cứu nghiêng về thơ ca trong tác phẩm. Ngoài ra, còn nhiều luận văn, luận án nghiên cứu về Thiền uyển tập anh trong và ngoài nước. Những nghiên cứu và xuất bản ở nước ngoài, cho thấy học giả nước ngoài đánh giá giá trị của Thiền uyển tập anh với lịch sử Việt Nam nói chung và lịch sử Phật giáo Việt Nam nói riêng.

Kết luận

Thiền uyển tập anh, là tác phẩm Phật học của người Việt Nam. Tác phẩm đã bao quát được các vấn đề lịch sử, văn hóa, xã hội, kinh tế và chính trị trong nhiều thế kỷ trước thế kỷ thứ XIV. Thiền uyển tập anh, cùng nhiều tác phẩm khác trong các giai đoạn lịch sử tạo nên nhận thức về quá khứ của người Việt Nam được rõ ràng hơn. Từ Thiền uyển tập anh, đọc và cảm nhận về lịch sử Phật giáo, cảm nhận về thơ ca, cảm nhận quá khứ của người Việt. Những giá trị của Thiền uyển tập anh luôn tồn đọng trong mỗi người Việt Nam hôm nay và mai sau.

Thiền uyển tập anh, một tác phẩm lịch sử Phật giáo, ghi chép các tiểu truyện thiền sư Việt Nam từ thế kỷ VI đến thế kỷ XIV. Sách với 78 tiểu truyên, gắn liền với các thời đại, được ghi chép truyền thừa về 3 dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo đường. Thiền uyển tập anh vì thế bao quát toàn bộ lịch sử văn hóa người Việt. Nhiều câu chuyện, nhân vật, thông tin trong sách, có giá trị rất lớn đối với người hiện đại. Nhiều ngôi chùa, nhiều tín ngưỡng và tôn giáo xuất hiện trong sách vẫn còn nguyên giá trị đến ngày nay.

Tác giả: TS. Phạm Văn Tuấn
Viện Nghiên cứu Hán Nôm
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 11/2024


CHÚ THÍCH:
(1) Ngoài các bản lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, còn 01 văn bản lưu tại Pháp theo ký hiệu MF.957.
(2) Bản A.2767 cũng có một văn bản lưu tại Pháp, kí hiệu: Paris. EFEO.MF.II/2/167.
(3) Một số nhận định về số lượng truyện thiền sư trong sách Thiền uyển tập anh, Nguyễn Huệ Chi cho là có 62 tiểu truyện; Ngô Đức Thọ – Nguyễn Thúy Nga trong bản dịch cho là có 67 tiểu truyện; Nguyễn Đăng Na cho là 68 tiểu truyện; Lê Mạnh Thát cho là 78 tiểu truyện..v.v..số lượng tiểu truyện các nhà nghiên cứu căn cứ trên nội dung để có những nhận định, do đó, từ cách tiếp cận, dẫn đến số tiểu truyện khác nhau.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Thiền uyển tập anh, kí hiệu A.3144 tại kho sách Viện Nghiên cứu Hán Nôm
2. Thiền uyển tập anh, kí hiệu VHv.1267 tại kho sách Viện Nghiên cứu Hán Nôm
3. Đại Nam thiền uyển truyền đăng tập lục, kí hiệu A.2767 tại kho sách Viện Nghiên cứu Hán Nôm
4. Trần Văn Giáp soạn, Tuệ Sỹ dịch: Việt Nam Phật giáo, từ khởi nguyên đến thế kỷ XIII, Vạn Hạnh xuất bản 1968.
5. Lê Mạnh Thát: Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh, nxb Hồng Đức, 2021.
6. Nguyễn Hữu Sơn: Loại hình tác phẩm Thiền uyển tập anh, nxb KHXH, 2002.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục:

Triết học cho giáo dục gia trong thế giới cuồng loạn
Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Mục lục bài viếtMở đầuVăn bản Thiền uyển tập anhKết cấu và nội dung sách Thiền uyển tập anhThiền uyển tập anh và những công bố khoa họcKết luận “Chúng ta đang thiếu tinh thần công cộng và lòng ái quốc chân chánh ngay bây giờ. Chúng ta còn đang mưu cầu lợi ích cá...

Ngài Thế Thân: Cuộc đời, Tác phẩm, Duy Thức, và Những tranh luận
Lịch sử, Nghiên cứu

Mục lục bài viếtMở đầuVăn bản Thiền uyển tập anhKết cấu và nội dung sách Thiền uyển tập anhThiền uyển tập anh và những công bố khoa họcKết luận Ngài Thế Thân (thế kỷ thứ 4 sau Tây Lịch) được đánh dấu niên đại ở vào thời cực thịnh của triều đại Gupta bởi vì...

Thiền Trúc Lâm Yên Tử – Dòng thiền Việt Nam
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Mục lục bài viếtMở đầuVăn bản Thiền uyển tập anhKết cấu và nội dung sách Thiền uyển tập anhThiền uyển tập anh và những công bố khoa họcKết luận Xuất phát từ dân tộc Việt, với đặc thù riêng, không như các thiền phái khác, thiền Trúc Lâm Yên Tử là dòng thiền Việt Nam....

Vua Phật Việt Nam
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Mục lục bài viếtMở đầuVăn bản Thiền uyển tập anhKết cấu và nội dung sách Thiền uyển tập anhThiền uyển tập anh và những công bố khoa họcKết luận (Đề tài tham luận Hội thảo: “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Thiền phái Trúc Lâm” Do trường Đại Học Quốc Gia...

Khảo sát về nguồn gốc của nghi lễ tấn hương
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Mục lục bài viếtMở đầuVăn bản Thiền uyển tập anhKết cấu và nội dung sách Thiền uyển tập anhThiền uyển tập anh và những công bố khoa họcKết luận Tập tục tấn hương qua các mục thảo luận trên chúng ta thấy có rất nhiều thuyết khác nhau, nhưng rõ và gần nhất là về...

Vài điều liên hệ trong sự nghiệp của Đại sư Thiện Hoa ở Việt Nam và Đại sư Huyền Trang ở Trung Hoa
Lịch sử, Nghiên cứu

Mục lục bài viếtMở đầuVăn bản Thiền uyển tập anhKết cấu và nội dung sách Thiền uyển tập anhThiền uyển tập anh và những công bố khoa họcKết luận Mỗi dân tộc, tôn giáo trong từng giai đoạn lịch sử đều có những bậc vĩ nhân. Có thể tiêu chí về bậc vĩ nhân giữa...

Chuyện vua Minh Mạng với những lần ghé chùa Thiên Mụ
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Mục lục bài viếtMở đầuVăn bản Thiền uyển tập anhKết cấu và nội dung sách Thiền uyển tập anhThiền uyển tập anh và những công bố khoa họcKết luận Minh Mạng là vị vua thứ hai của vương triều Nguyễn, giữ ngôi từ năm 1820 đến năm 1840. Ông nổi tiếng thông minh giỏi giang,...

Sơ lược truyền thừa phái Ni dòng Lâm Tế miền Bắc
Lịch sử, Nghiên cứu

Mục lục bài viếtMở đầuVăn bản Thiền uyển tập anhKết cấu và nội dung sách Thiền uyển tập anhThiền uyển tập anh và những công bố khoa họcKết luận Ghi chép truyền thừa về Ni giới ở ta thời xưa, cách ghi chép ngắn gọn, thường ghi các đời trụ trì một ngôi chùa. Nhiều...

Động và tĩnh – Triết lý sống trong bài thơ “Dụng chân tâm” của Trần Thánh Tông
Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Mục lục bài viếtMở đầuVăn bản Thiền uyển tập anhKết cấu và nội dung sách Thiền uyển tập anhThiền uyển tập anh và những công bố khoa họcKết luận Dụng chân tâm không chỉ đơn thuần là một bài thơ thiền sâu sắc mà còn là một lời nhắc nhở giản dị về lối sống...

Cuộc đời Tôn giả Rahula qua Kinh tạng Nikaya
Lịch sử, Nghiên cứu

Mục lục bài viếtMở đầuVăn bản Thiền uyển tập anhKết cấu và nội dung sách Thiền uyển tập anhThiền uyển tập anh và những công bố khoa họcKết luận Thế Tôn dạy cho Rahula phải biết quán xét, suy ngẫm tường tận điều nào đưa đến tự hại, hại người, hại cả hai thì hãy...

Ảnh hưởng của Phật giáo thời Lý đến các lĩnh vực giáo dục, văn học và phong tục tập quán của người Việt
Lịch sử, Văn hóa - Xã hội

Mục lục bài viếtMở đầuVăn bản Thiền uyển tập anhKết cấu và nội dung sách Thiền uyển tập anhThiền uyển tập anh và những công bố khoa họcKết luận Phật giáo thời Lý có ảnh hưởng mạnh mẽ đến các lĩnh vực giáo dục, văn học và phong tục tập quán của người Việt góp...

Chính quyền Chúa Nguyễn với các ngôi chùa Sắc tứ ở Đàng Trong (giai đoạn 1558-1777)
Lịch sử, Nghiên cứu

Mục lục bài viếtMở đầuVăn bản Thiền uyển tập anhKết cấu và nội dung sách Thiền uyển tập anhThiền uyển tập anh và những công bố khoa họcKết luận Các chùa sắc tứ luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của chính quyền chúa Nguyễn, mặt khác, thông qua các hoạt động và thực...

Đi tìm cơ sở truyền thừa của Ni giới tại Việt Nam qua thư tịch Hán cổ
Lịch sử, Nghiên cứu

Mục lục bài viếtMở đầuVăn bản Thiền uyển tập anhKết cấu và nội dung sách Thiền uyển tập anhThiền uyển tập anh và những công bố khoa họcKết luận Lịch sử truyền thừa của Ni giới ở một số bộ phái Phật giáo nói chung mãi đến hôm nay vẫn còn nhiều vấn đề chưa...

Hai bảo vật quốc gia ở chùa Sùng Khánh và chùa Bình Lâm, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Mục lục bài viếtMở đầuVăn bản Thiền uyển tập anhKết cấu và nội dung sách Thiền uyển tập anhThiền uyển tập anh và những công bố khoa họcKết luận Vị Xuyên – Hà Giang không chỉ nổi tiếng về phong cảnh thiên nhiên phong phú, nhiều phong tục tập quán, văn hóa truyền thống và những di...

Chủ nghĩa Platon và giáo lý đạo Phật
Lịch sử, Nghiên cứu, Văn hóa - Xã hội

Mục lục bài viếtMở đầuVăn bản Thiền uyển tập anhKết cấu và nội dung sách Thiền uyển tập anhThiền uyển tập anh và những công bố khoa họcKết luận Thời đó, khoa học chưa phát triển, máy móc còn thô sơ nhưng họ hướng tới sự tìm tòi thế giới, bản tính con người một...

Chấn hưng Phật giáo – Con đường truyền bá tư tưởng yêu nước của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc
Lịch sử, Nghiên cứu

Mục lục bài viếtMở đầuVăn bản Thiền uyển tập anhKết cấu và nội dung sách Thiền uyển tập anhThiền uyển tập anh và những công bố khoa họcKết luận Trong hành trình phương Nam, cụ Nguyễn Sinh Sắc đã tích cực tham gia và có nhiều đóng góp quan trọng cho phong trào chấn hưng...

Ads Blocker Image Powered by Code Help Pro

Đã phát hiện trình chặn quảng cáo!!!

Chúng tôi đã phát hiện thấy bạn đang sử dụng tiện ích mở rộng để chặn quảng cáo. Vui lòng hỗ trợ chúng tôi bằng cách vô hiệu hóa các trình chặn quảng cáo này.